Bệnh tật và Mùa Chay 2012
WGPSG -- Chúng ta đang bước vào những ngày cuối cùng của tháng Hai năm 2012. Nhìn lại quãng thời gian đã qua và hướng tới những sắp đến, chúng ta ghi nhận mấy sự kiện cả đời lẫn đạo như sau: ngày Quốc Tế Bệnh Nhân 11.02.2012, ngày thứ Tư Lễ Tro (22.02.2012), khởi đầu mùa Chay Thánh 2012, ngày Thầy Thuốc (27.02.2012). Vâng, khi nhìn lại những sự kiện ấy và nhìn vào thực tế cuộc sống hôm nay, chúng ta thấy hai điểm nhấn nổi bật, đó là “Bệnh Tật và Mùa Chay 2012”. Vậy chúng ta có những suy nghĩ và cảm nhận gì về bệnh tật xảy ra đối với con người hôm nay? Và mùa Chay Thánh 2012 sẽ đem lại những ý nghĩa nào cho những người đang sống trong cảnh bệnh hoạn, tật nguyền trong cuộc sống nông thôn nghèo nàn và đô thị hiện đại hôm nay?
Trước hết, chúng ta tập trung cái nhìn quy về bệnh tật. Nếu một lần nào đó đi đến các bệnh viện như Chợ Rẫy, Bình Dân, 115, Nhi Đồng 1,2, hay bất kỳ một bệnh viện nào đó trong thành phố Sài Gòn, chúng ta sẽ ghi nhận điều này: có rất đông bệnh nhân đang nằm tại các bệnh viện ấy. Người ta nhập viện với nhiều chứng bệnh và hoàn cảnh khác nhau: có người bị phát hiện bệnh ung thư, có người tai biến, tiểu đường, có người bị sơ gan, sỏi thận, và có người bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, chấn thương tay chân v.v…. Điều này cho chúng ta thấy, bệnh tật không loại trừ một ai: từ người già lớn tuổi cho đến một em bé nhi đồng… Ai cũng đã một lần trong đời phải đối diện với bệnh hoạn: từ cảm sốt bình thường cho đến nhiều chứng bệnh nan y mà y học chưa có thuốc chữa trị.
Vì thế, một tác giả đã nhận định như sau: “Không phải là bạn có thể ngã bệnh hay có lẽ bạn sẽ ngã bệnh, mà bạn sẽ ngã bệnh. Chắc chắn là bạn sẽ ngã bệnh, vấn đề là chưa biết khi nào, mức độ nghiêm trọng ra sao?” Kinh nghiệm thực tế cho thấy, có những người rất sợ phải đi khám bệnh tổng quát, siêu âm, thử máu v.v… bởi vì họ sợ rằng mình đang mang một chứng bệnh nan y nào đó trong người. Điều này có thể làm cho họ khủng hoảng, suy sụp, và không thể sống lạc quan, bình an như lúc bình thường. Thật vậy, chúng ta không biết trước được tương lai, không biết được lúc nào mình ngã bệnh, và mình sẽ mang chứng bệnh gì. Bởi lẽ, bệnh tật và tai nạn thường đến với chúng ta một cách bất ngờ, nằm ngoài sự tưởng tượng và trái với những ước muốn tốt đẹp của chúng ta.
Quả thật, thực tế cuộc sống hôm nay là một minh chứng cụ thể cho mỗi người chúng ta: nào là chuyện một linh mục trẻ đang khỏe mạnh, hăng say dấn thân hiệu quả trong công tác mục vụ, bất ngờ ngã bệnh, nhập viện, và phát hiện ngài đang mang trong mình một khối u ở ruột hơn nửa kilogram; nào là một bác trai trên đường đi công tác tông đồ cho giáo xứ, bất ngờ bị mấy tay thanh niên nhậu xỉn chạy xe tông vào, bác chấn thương hai chân, và phải chấp nhận là người khuyết tật suốt đời: một sự khủng hoảng và suy sụp bỗng nhiên ụp đến cho bác và gia đình… Là những Kitô hữu, khi chứng kiến những hoàn cảnh như thế có lẽ chúng ta sẽ không khỏi ngậm ngùi, xót xa: ngậm ngùi vì có những gia đình nghèo lại còn “mắc cái eo” vì người thân của họ mắc phải những chứng bệnh nan y, tốn rất nhiều tiền cho việc chữa trị, và chúng ta xót xa cho những bệnh nhân phải từng ngày từng giờ chấp nhận những đau đớn thể xác, lẫn tinh thần do chứng bệnh nguy hiểm mà họ đang mang trong người. Vậy thì, Giáo hội hôm nay, mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay, có thể làm gì để xoa dịu phần nào những đau khổ do bệnh tật mang lại cho nhiều mảnh đời đáng thương? Đâu là niềm hy vọng, là điểm tựa giúp những bệnh nhân can đảm chấp nhận bệnh tật, một sự thật éo le và phũ phàng, ác nghiệt xảy đến cho họ?
Khởi đi từ những hiện trạng nghiệt ngã và đau thương xé lòng như thế, chúng ta cần quy cái nhìn vào Chúa Giêsu Kitô, vào Giáo hội của Chúa Kitô và vào những chứng nhân giữa đời của Chúa Kitô trong cuộc sống nông thôn nghèo nàn hay đô thị hiện đại hôm nay. Nhìn vào con người và cuộc đời của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nhận ra Người luôn yêu thương chăm sóc và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền của chúng ta như lời của thánh sử Luca thuật lại trong Tin Mừng như sau: “Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người, Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ.” (Lc 4,40). Vâng, Chúa Giêsu chính là vị “Lương y như từ mẫu”, là “Thầy thuốc của mọi thầy thuốc”, giàu tình thương, tận tụy, nhiệt tâm, và chữa lành mọi bệnh tật từ thể lý đến tâm linh của chúng ta.
Đặc biệt hơn, trong mùa Chay Thánh 2012 này, vào ngày thứ Năm, thứ Sáu Tuần Thánh, giờ Tiệc Ly và Tử Nạn của Chúa Giêsu, chúng ta nhận thấy Người đã lo buồn đến đổ mồ hôi máu, đã phải chịu biết bao đòn roi của quân dữ đập vào vai, vào thân thể và vào đầu của Người. Và cuối cùng là cái chết của Người trên thập tự giá, là tiếng nói cuối cùng của tình yêu Người dành cho chúng ta, nhất là những người đang đau khổ vì bệnh tật, nghèo đói và cô đơn giữa lòng thế giới hôm nay. Phải chăng đây chính là điều mà nhiều bệnh nhân cảm nhận được nguồn an ủi, cảm thông khi suy nghĩ về cuộc đời và con người của Chúa Giêsu như tấm gương của một vị thánh nữ trẻ tuổi tên là Chiara, mang trong mình chứng bệnh ung thư xương, nằm liệt giường, nhưng nhờ tin vào Chúa Giêsu nên vẫn mỉm cười, lạc quan và cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa muốn như vậy thì con cũng muốn như thế.” Quả thật, đây là một lời cầu nguyện xuất phát từ một tình yêu mạnh mẽ, một đức tin tuyệt đối vào Chúa Giêsu mà không phải mấy ai cũng làm được như vị thánh trẻ tuổi nhưng rất giàu nghị lực và niềm tin vào Chúa như thế.
Cuối cùng, những sự kiện của tháng Hai năm 2012 rồi cũng sẽ qua đi theo dòng quy luật của thời gian. Có lẽ chúng ta đã cầu nguyện ít nhiều cho cha mẹ, người thân, bạn bè và cho những bệnh nhân xa gần vào ngày Quốc Tế Bệnh Nhân (11.02.2012). Hơn thế nữa, mùa Chay Thánh 2012, Giáo hội mời gọi chúng ta mở lòng quan tâm đến người khác, nhất là những người nghèo, già cả, liệt lào và bệnh tật trong cuộc sống hôm nay. Vì vậy, những phần quà nhỏ bé nhưng chan chứa tình Chúa tình người như: mấy lon nước yến, mấy hộp sữa, một ít trái cây, hay những chia sẻ vật chất mà chúng ta dành cho bệnh nhân sẽ là những nén bạc mà chúng ta gửi vào ngân hàng Nước Trời, vương quốc của Tình Yêu Thương.
Ước gì, sẽ có nhiều tấm lòng của các Mạnh Thường Quân biết quan tâm chia sẻ cho những người đau yếu, bệnh hoạn. Ước gì, sẽ có nhiều phòng khám từ thiện như ở giáo xứ Tân Định, giáo phận Sài Gòn, phòng khám Thánh Tâm ở một giáo xứ miền Tây sông nước, hay những phong trào nhân đạo từ thiện, khám và phát thuốc miễn phí của Ban Caritas giáo phận Sài Gòn được tổ chức ở nhiều xứ đạo vùng sâu vùng xa, dành cho người nghèo và bệnh nhân. Phải chăng những ước mơ ấy cũng là mơ ước của Chúa Giêsu muốn gieo vào lòng mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay, đặc biệt trong mùa Chay Thánh 2012 này? Phải chăng những nghĩa cử yêu thương chia sẻ, quan tâm đến bệnh nhân như đi thăm bệnh, trò chuyện với người bệnh, cầu nguyện cho người bệnh v.v… sẽ là những nét đẹp quý giá chan chứa tình người trong mùa Chay Thánh 2012, mùa Yêu Thương tràn ngập nơi gia đình, giáo xứ, nơi bệnh viện, trường học, công sở, hay bất kỳ một nơi nào đó có sự hiện diện sống động của người Kitô hữu chúng ta.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm