Biểu tượng con rắn trong sách Sáng Thế
Thật thú vị khi tìm hiểu giáo huấn về giá trị biểu tượng của con rắn trong trình thuật sách Sáng Thế chương 3 (St 3). Nên nhớ rằng đây không phải là trình thuật lịch sử mà là có ý nghĩa biểu tượng và ẩn dụ. Thánh Kinh thuật lại chuyện con người đối diện với thế giới chung quanh mình thế nào cũng như hiểu mình trong liên hệ với Thiên Chúa và thế giới ra sao.
Trình thuật St 3 dường như để trả lời cho câu hỏi sau: Tại sao loài người luôn bị sự dữ lôi cuốn cách bí ẩn và khó hiểu đến vậy? Kết luận của trình thuật muốn nói rằng trong con người có cái gì đó đổ vỡ không nằm trong ý muốn của Đấng Sáng Tạo. Sự đổ vỡ này này làm cho con người nhìn sự vật dưới góc cạnh xấu và vì thế con người thấy điều đã được tạo dựng cách tốt đẹp ra xấu xa.
Phải theo dõi diễn biến của trình thuật để hiểu cuộc đối thoại giữa con rắn và người đàn bà (lúc này bà chưa được gọi là Eva). Thật vậy, trình thuật bắt đầu với St 2,25 khẳng định rằng người đàn ông và đàn bà trần truồng và không cảm thấy xấu hổ. Trong Thánh Kinh, sự trần truồng không bao giờ có nghĩa tính dục (ngoại trừ trong các lề luật của sách Lêvi, ví dụ Lv 18,7-17). Trần truồng đồng nghĩa với “sự nghèo khó, giới hạn, yếu đuối, hổ thẹn, mất phẩm cách” (x. Hs 2,11; Is 20,4). Đàn ông và đàn bà trần truồng trước mặt nhau, điều đó có nghĩa là giữa họ có sự hoà hợp, có mối liên hệ công khai và chính thức, có sự tôn trọng những giới hạn của nhau. Tình trạng lý tưởng này có thể sẽ kéo dài mãi mãi nếu không có tác nhân bên ngoài can thiệp vào: con rắn. “Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra” (St 3,1). Như vậy, rắn là loài vật do Chúa tạo nên và con người đặt cho nó một tên gọi (x. 2,20). Nhưng nó không chỉ gian trá và xảo quyệt mà còn là “xảo quyệt nhất”. Chính nó đã tấn công con người bằng cách nhắc đến những giới hạn của con người. Mối liên hệ giữa con người và con rắn được nhấn mạnh nhờ lối chơi chữ mà soạn giả sách Sáng Thế thuộc truyền thống Yahviste rất yêu thích. Con người ở trong trạng thái arummim (có nghĩa là “trần truồng” trong tiếng Hébreu), trong khi tính cách của con rắn là arum, (nghĩa là “xảo quyệt” trong tiếng Hébreu).
Vườn Địa Đàng - tranh của Peter Paul Rubens (1577-1640)
Rõ ràng tác giả đã chọn con rắn vì giá trị biểu trưng của nó. Trái với những con vật khác, con rắn không có chân, nó xuất hiện bất ngờ. Nó là con vật bí ẩn và có nhiều liên hệ với sự khôn ngoan và tính dục trong các tôn giáo cổ xưa. Nơi nhiều nền văn hoá, con rắn được gán ghép với mầu nhiệm sự sống và sự chết. Chính vì thế mà St 2 nói có hai cây trồng trong vườn Địa Đàng, một cây ban sự sống và cây kia đem lại sự chết. Con rắn thường xuyên lột da, nói lên sự làm mới thường xuyên hoặc trẻ hoá. Nhiều người sợ con vật này vì nó có nọc độc. Trong Thiên hùng ca Gilgamesh, con rắn đã ăn cắp trái cây sự sống để lột da. Các dân tộc lân bang của Israël thờ lạy rắn để cầu xin sự thịnh vượng và sinh sản thêm nhiều, điều này cũng lưu lại nhiều dấu vết trong phụng tự của Israël (x. Ds 21,4-9; 2 V 18,1-5; Kn 16,5-14). Hai ý nghĩa này cũng hiện diện trong trình thuật vườn Địa Đàng: con rắn hứa mang lại sự hiểu biết (3,5) và sự sống (3,4), nhưng rủi thay chỉ đem lại một sự nhận biết quá thô thiển là biết mình trần truồng (3,7) và sự chết (3,22). Sự đồng hoá con rắn với ma quỷ hay Satan không nằm trong ý của tác giả và chỉ được phát triển sau này trong truyền thống Thánh Kinh (x. Kn 2,24; Kh 12,9; 20,2).
Lời cuối cùng muốn nói về cuộc đối thoại giữa con rắn và người đàn bà: Tại sao là người đàn bà chứ không phải đàn ông? Chúng ta hãy loại trừ mọi giải thích có tính bài phụ nữ như: con rắn nói chuyện với người đàn bà là bởi vì đàn bà tò mò hơn, yếu ớt hơn… hay nhiều chuyện hơn; như thế, con rắn sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn. Chính vì thế mà người ta trình bày bà Eva như là người dụ dỗ và làm hư hỏng ông Adam ngây ngô (x. Hc 25,24; 1 Tm 2,14). Nhưng rồi các nhà ủng hộ nữ quyền lại phản pháo rằng trong trình thuật vườn Địa Đàng thì người duy nhất có thể nói và suy nghĩ chính là đàn bà, đàn ông chỉ có việc vâng lời bà mà thôi! Thế nhưng lý do thật sự lại rất đơn giản và không gây ra một cuộc bút chiến nào: con rắn là biểu tượng của sự sống và sinh sản. Chính vì thế, thật hợp lý khi con rắn nói với con người là sự sống và sinh sản, cụ thể là người đàn bà.
bài liên quan mới nhất
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Quà Tết cho người vô gia cư -
Noel ấm áp tình người -
Đồng hương Thái Bình miền Nam: Họp mặt Tân niên -
Đồng hương Đàn Giản: mừng Xuân đoàn viên -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Thông điệp của mùa xuân -
Giờ kinh Giao Thừa -
Trăng Rằm miền biên giới -
Vầng Trăng Yêu Thương
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Quà Tết cho người vô gia cư -
Thông điệp của mùa xuân -
Sống tâm tình tạ ơn trong ba ngày Tết -
Tây Tạng: Tết Losar của lòng hiếu khách và từ tâm -
Giờ kinh Giao Thừa -
Năm Thìn, tản mạn chuyện Rồng -
Tất niên và tân niên -
Trăng vàng mùa thu