Bỏ Thầy con biết theo ai?
Một người bạn làm nghề kinh doanh vui miệng hỏi: “Slogan, Logo của đạo Công giáo là gì?” “Tình yêu và cây Thánh giá”, tôi trả lời bạn như thế. Thánh Phêrô là người đi đầu để tô đậm cho Logo đó khi chọn lựa cái chết bằng thập tự nhưng ở tư thế ngược vì nghĩ rằng mình còn nhiều bất xứng với Thầy Giêsu. Ấn tượng mà 12 Thánh tông đồ để lại cho hậu thế rất khác nhau, có thánh quá thầm lặng đến mức khi kể tên các vị có nhiều người không thể nhớ như: Simon thuộc nhóm quá khích, nhưng có thánh mà khi nhắc đến thường được nhiều người đề cập đầu tiên như Phêrô. Nói theo ngôn ngữ của võ thuật thì 12 thánh tông đồ là đệ tử đời thứ nhất của Chúa Giêsu và Phêrô là trưởng tràng, người tạo cho chúng ta sự xao xuyến đến nhói tim khi thốt lên câu ”Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết theo ai” (Ga 6,68).
Cánh chim đầu đàn
Cũng giống như một bộ phim, một cuốn tiểu thuyết, tạm cho rằng Giuđa là nhân vật phản diện thì thánh Phêrô là nhân vật chính diện nhưng mang đầy tính người, nghĩa là không được thần thánh hóa. Đọc trọn bộ Tin Mừng sẽ phát hiện, trong số 12 tông đồ thì thánh Phêrô xuất hiện với tần số vượt trội so với các vị còn lại. Ngài để lại nhiều ấn tượng qua 13 đoạn Tin Mừng sau:
1. Nằm trong 4 môn đệ đầu tiên được gọi và được chọn (Mt 4, 18)
2. Xin Chúa được đi trên mặt nước để đến với Ngài (Mt 14, 22)
3. Tuyên xưng đức tin thay các anh em “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16)
4. Xin Chúa Cha xót thương không để Chúa Giêsu chịu nạn (Mt 16, 22)
5. Được Chúa Giêsu cho chứng kiến việc biến hình trên núi cao (Mt 17, 1)
6. Hỏi Chúa Giêsu về số lần cần khi tha thứ cho anh em khi bị xúc phạm (Mt 18, 22)
7. Hỏi Chúa Giêsu về phần thưởng dành cho những ai bỏ mọi sự để theo Ngài (Mt 19, 27).
8. Tuyên hứa theo Thầy “bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai” (Ga 6, 68).
9. Chúa Giêsu tiên báo cho thánh Phêrô sẽ chối Thầy (Mt 26, 30)
10. Rút gươm chém đứt tai 1 kẻ bắt Chúa (Ga 18, 10)
11. Thánh Phêrô chối Thầy 3 lần và ăn năn (Mt 26, 69)
12. Chạy ra mộ Chúa và thấy ngôi mộ trống (Ga 20, 3)
13. Được Chúa hỏi 3 lần “Này anh Simon, anh có mến Thầy không” trong lần hiện ra sau ngày Ngài phục sinh.
Các bài học từ Thánh Phêrô
Thường xuyên tu tập
Thánh Phêrô không chỉ chối Chúa 3 lần, mà còn bị Chúa khiển trách thêm 2 lần khác, thậm chí còn bị Chúa gọi là Xatan. Trong Mt 16, 23, Đức Giêsu bảo Phêrô: Xatan, lui lại đàng sau Thầy. Đoạn Mt 14, 31, Đức Giêsu nắm lấy tay ông mà nói “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi.” Sau những lần nghe Thầy nói thế, Tin Mừng không mô tả phản ứng của Phêrô, nhưng theo dõi cả quá trình của ngài chúng ta suy đoán: “Thánh Phêrô suy niệm và tiêu hóa từ từ các lời dạy và mắng của Chúa Giêsu dành cho mình”. Trong văn hóa Phật giáo có nói rõ những ai có thể NGỘ ra Phật pháp? Có 2 dạng: nhờ ngộ tính cao hoặc do tu tập hằng ngày. Thánh Phêrô rơi nhiều vào khả năng sau.
Tranh thủ học khi còn có Thầy
Bất cứ lúc nào có thể, chúng ta đều thấy thánh Phêrô rất tích cực trả lời các câu hỏi của Chúa hoặc đặt ra các vấn nạn để nhờ Thầy tư vấn. Đây là một đức tính khôn ngoan mà vẫn khiêm nhường. Ngài hấp thụ tinh hoa bằng con đường ngắn nhất, chính xác nhất. Các website của Giáo hội Việt Nam, nếu thuận lợi nên có một ban tư vấn trực tuyến nhằm tăng cường sự hiểu biết, học hỏi của các Kitô hữu tương tự tổng đài 1080. Hình thức mới này thể hiện ý tưởng “Các con hãy đi rao giảng khắp muôn dân” (Mt 28, 19) thể hiện một cách sâu rộng hơn nhờ tính mọi nơi, mọi lúc của công nghệ hiện đại. Ngoài ra, nó còn biểu đạt sự gần gũi, ân cần của các mục tử đối với các con chiên.
Lòng mến vô địch
Lòng mến từ nội tâm bên trong của các môn đệ dành cho Chúa thì khó đo lường để so sánh. Nhưng lòng mến được tính từ các lời nói, cử chỉ bên ngoài, thì thánh Phêrô là vô địch. Đọc lại 13 đoạn Tin Mừng ở phần trên chúng ta sẽ thấy rõ ràng. Chúng ta đã theo Ngài 40, 50, thậm chí 70 năm, có thể so sánh lòng mến của chúng ta dành cho Chúa so với thánh Phêrô mới đi theo Chúa khoảng 3 năm, thì sẽ tự ngộ ra vài vấn đề. Hai đoạn Tin Mừng sau là điển hình: 1. Rút gươm chém đứt tai một trong những kẻ bắt Chúa (Ga 18, 10). 2. Người môn đệ được Chúa thương mến nói với Phêrô Chúa đó. Vừa nghe nói Chúa đó, ông Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển”. Nhờ lòng mến này mà thánh Phêrô, Tôma vẫn nhận nhiều ân sủng của Thiên Chúa dù đức tin, đức cậy của các ngài có những thời điểm chao đảo, yếu đuối. Thánh Phaolô trong Corintô 13, 13 khẳng định: “Vậy nay còn lại Tin, Cậy, Mến. Ấy là bộ ba! Nhưng trong bộ ba ấy, Mến lớn hơn cả!”
Biết kêu cứu đúng lúc
Đọc Tin Mừng về chủ đề thánh Phêrô, tôi xúc động nhất là đoạn Mt 14, 22. Khi xin được đi trên mặt nước để đến với Chúa, lúc bị chao đảo, thánh Phêrô kêu lên: “Thầy ơi xin cứu con”. Trong chúng ta, có mấy ai đã sử dụng cụm từ này trong cuộc đời đầy sóng gió, mặc dù chính mình đã đôi lần cũng rơi vào các tình huống sống chết như thế.
Lạy Thánh Phêrô xin cho chúng con thêm lòng cậy để biết kêu cứu trước những thử thách quá sức mình, thêm lòng tin để đủ can đảm trỗi dậy sau các lần vấp ngã, thêm lòng mến để biết trung kiên theo Chúa từng phút giây cho tới cuối con đường vì hằng nhớ câu nói của vị Giáo hoàng đầu tiên “Bỏ Thầy con biết theo ai”.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm