Buổi sinh hoạt chuyên đề "Thi ca trong niềm vui Ân sủng" tại Trung tâm Mục vụ TGP. Sài Gòn
Vào 9g sáng thứ Bảy ngày 05/10/2019 tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn có buổi Chuyên đề: “Thi Ca Trong Niềm Vui Ân Sủng” do Cha Linh Hướng PX Bảo Lộc và Nhóm Đồng Xanh Thơ Sài Gòn tổ chức. Đây là Chuyên đề Thi ca lần thứ tư do các Thi Văn sĩ Công Giáo tổ chức.
Sau lời khai mạc, Cha PX Bảo Lộc gợi ý mọi người thinh lặng vài phút suy nghĩ về Tông huấn 122: “Hãy Vui Lên Trong Chúa”. Và bắt đầu buổi thuyết trình.
Chia sẻ Đề tài I:
NIỀM VUI ÂN SỦNG TRONG THI CA do Đan sĩ Thiên Giang trình bày:
Đan sĩ Thiên Giang thuyết trình rất lưu loát, lôi cuốn người nghe:
* - Thi ca là loại sáng tác văn học có vần điệu, có đặc điểm súc tích, ngắn gọn, diễn tả cảm xúc, tâm tư tình cảm hay hương vị, sự trải nghiệm của con người đối với cuộc sống. Đặc biệt nhờ tính nhạc, thi ca đã gây cảm xúc cho người đọc, người nghe một cách nhanh chóng. Sự cảm nhận nhanh chóng này tương tự như hiệu ứng của việc xem phim và nghe âm nhạc trong bộ phim hòa quyện với nhau cùng một lúc. Như vậy, có thể nói thi ca là một hình thức nghệ thuật rất độc đáo, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống con người.
GIÁ TRỊ NIỀM VUI ÂN SỦNG CỦA THI CA BAO GỐM:
1 – Hướng Thượng
Trong Tình yêu nếu chỉ dừng lại ở mức độ tình cảm thông thường của nhau, thì có thể sẽ dễ dàng thay đổi, sau đó kéo theo một cuộc sống bất ổn và không có niềm hạnh phúc đích thực mà người ta mong tìm kiếm như câu Thơ:
“Ý đời rét buốt mênh mông
Đường đời cô quạnh trong không gian buồn”
Nhưng trong nguồn ân sủng, khi ta nhận biết Thiên Chúa hiện diện và có cái nhìn hướng thượng, nghĩa là đặt mọi biến cố vui buồn trong ánh nhìn đức tin, thì niềm vui và hy vọng của chúng ta sẽ không mất đi, ngay cả khi phải đối diện với những thất bại buồn đau trong cuộc sống.
“Hồn con đây như vòng quay nhảy múa
Tim con run như tiếng gọi tình về
Con mỉm cười hồn rộn rã say mê,
Nghe nhẹ nhõm thấy niềm đau biến mất”
(Khi Đau Khổ Nhìn Lên –Vũ Huyền Dư)
Khi gặp gỡ, trải nghiệm niềm vui ân sủng trong thi ca, cũng là một cách nào đó chúng ta đang đi vào chiều sâu của Tình Yêu Thiên Chúa giữa cuộc đời nhiều chông gai, vấp ngã này, để:
“Xin Người nắm chặt bàn tay
Dắt con đi giữa vần xoay cuộc đời
Về triền suối mát xanh tươi
Về miền nắng ấm reo vui dạt dào”
2 - Khả năng đồng hóa:
“Con người chưa được vô biên
Là còn thổn thức ưu phiền tháng năm”
(Tiếng Chuông Chiều – Xuân Ly Băng)
Lời thơ buông nhẹ, nhưng tình thật sâu xa, dẫn thi nhân đến một cảnh trí khác của Ân sủng Thiên Chúa. Có thể nói, con người thật mong manh, bé nhỏ, nhưng được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, nên tâm hồn vẫn một niềm khát khao sự giao cảm nên một với Thiên Chúa, sự thanh trong của một tâm hồn không còn ước mong gì ngoài Thiên Chúa.
“Con muốn là đá cuội
Nằm dọc theo bờ sông
Nghe lòng mình sóng vỗ
Nghe hồn mình mênh mông
….
Để rồi cuối cùng…
Chỉ thấy trời trải rộng
Chỉ có Cha trong lòng”
(Đá Cuội Bên Sông – Đông Khê)
3 - Giá trị hiện sinh
Niềm vui trong thi ca được bộc lộ bằng những câu ngắn gọn, cô đọng, cho ta một cảm xúc rất nhẹ nhàng và cũng rất thanh cao, mở ra một chân trời bao la của hy vọng tràn đầy sức sống mới.
“Con xin làm kiếp phù sa
Trời cao lồng lộng con là hư không”
(Con Xin Làm Kiếp Phù Sa – Đỗ Quang Vinh)
Niềm vui ân sủng đến tỏa ra một chất thơ ngọt ngào, vui tươi hồn nhiên, không rào đón, không gò bó. Lúc rực rỡ ánh nắng chói chang ngày hè, lúc dịu dàng thanh thản như gió thu, khi hạnh phúc tràn trề nụ xuân nẩy lộc, khi giá lạnh đêm về của tiết đông; từ trong những khoảnh khắc ấy, niềm vui ân sủng trong tâm hồn bật sáng thành Thơ ca.
“Em về qua cửa giáo đường
Mở trang cựu ước nỗi buồn bỗng vui
Chúa trên cao cũng mỉm cười
Bấc chưa thắp, nến đã ngời lửa thiêng”
(Kinh Thơ – Trần Mộng Tú)
4 - Mở ra một hướng đi mới
Thi ca làm cho cuộc sống và tình liên đới của con người thêm tươi mát, nhẹ nhàng. Niềm vui ân sủng trong thi ca cho tâm hồn ta được vươn cao, bay xa vào bầu trời hạnh phúc. Và còn hơn thế nữa, trong mọi màu sắc của cuộc sống, thi ca được tắm gội bởi niềm vui ân sủng luôn lóe lên một ánh sáng. Vì tâm hồn có Thiên Chúa – Có Chân Thiện Mỹ hiện diện.
“Vui một đời có Chúa
Con đi giữa bao dung
Tình Ngài như hơi thở
Nâng bước con nghìn trùng”
(Tình Chúa Một Đời – Nguyễn Quốc Tuấn)
Hay:
“Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng bằng hoa hương sáng láng
Bằng tràng hạt, bằng sao mai chiếu rạng
Một đêm xuân rất đỗi anh linh”
(Thánh Nữ Đồng Trinh Maria – Hàn Mạc Tử)
Thi ca mang dấu ấn của niềm vui ân sủng thật khác với thi ca chỉ dừng lại ở tâm tư, tình cảm của con người giới hạn. Vui đó, rồi buồn đó. Nhất là những nỗi buồn sâu đậm, tình sầu vạn cổ để rồi phóng chiếu từ tâm ra ngoại cảnh:
“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
II. Một vài tác phẩm thi ca tiêu biểu
Thông thường trong những niềm đau, nỗi khổ tột cùng của con người, những tác phẩm văn chương bất hủ, những “đứa con tinh thần” của thi ca dễ được hạ sinh. Còn khi vui mừng, có lẽ niềm vui trào tràn, không giữ lại cho mình, nên những “đứa con niềm vui” của thi ca ít hơn. Tuy nhiên, ở đây nói đến niềm vui ân sủng, nghĩa là nói đến ơn thần hứng, nói đến niềm vui thánh, hay nói cách khác ơn thần sủng, ơn thánh sủng được trao ban, tuôn tràn trong những tâm hồn sống niềm tin gắn kết với Thiên Chúa được diễn đạt qua thi ca. Như các Thánh vịnh, Thánh thi, Benedictus, Thánh ca Simeon. Đặc biệt bài ca Magnificat, Đức Maria đã được thần hứng và bật lên tiếng reo vui:
“Linh hồn tôi ngợi khen Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi”
Khi truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria, sứ thần Gabriel đã chào:
“Kính chào Bà đầy ơn phước,
Thiên Chúa ở cùng Bà,
Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”
Và khi đi thăm bà chị họ Êlizabeth, nhận được tiếng chào:
“Em thật có phúc vì đã tin
Những gì Thiên Chúa đã nói với em”.
Mẹ đã được thần hứng nhận ra ơn cứu độ của Thiên Chúa đang được thực hiện nơi người con Mẹ cưu mang. Như vậy, tiếng reo vui của Mẹ là niềm vui của một người đang sống sung mãn trong ân sủng của Thiên Chúa. Từ thẳm sâu, tất cả tâm hồn Mẹ chỉ còn là lời ca ngợi chúc tụng tạ ơn. Và Mẹ dễ dàng nhận ra ân sủng của Thiên Chúa tràn đổ trong cuộc đời, nhận biết Thiên Chúa là ai, mình là gì:
“Phận nữ tì hèn mọn
Người đoái thương nhìn đến
….
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả
Danh Người thật Chí Thánh Chí Tôn”
Bài thuyết trình của Đan Sĩ khá dài, tuy nhiên để được đầy đủ chương trình Đan sĩ phải giảm bớt những bài Thơ tiêu biểu cho những nhận định của mình. Hứa hẹn vào kỳ thuyết trình Thơ sau, Đan sĩ sẽ cho cộng đoạn những giờ phút thuyết trình hấp dẫn hơn.
Chia sẻ Đề tài II
“TẤT CẢ LÀ HỒNG ÂN” – Nhà Thơ Tiếng Vọng
Nhà Thơ Tiếng Vọng là giọng Ngâm thơ tuyệt vời của Đồng Xanh Thơ Sài Gòn mà quý vị vẫn thường nghe ở những Buổi thuyết trình trước. Hôm nay, Nhà Thơ tự diễn giải các lời Thơ của chính mình qua chủ đề:
“Tất cả là Hồng Ân”. Nhà thơ khai lời:
“Con xin kính chào Quý Cha, Quý Soeur cùng toàn thể cộng đoàn! Lời đầu tiên, con xin gửi đến Quý Cha, Quý Soeur và cộng đoàn lời chúc sức khoẻ và tràn đầy niềm vui trong ân sủng của Thiên Chúa.
“Tất cả là Hồng Ân!”
Vâng, Chúa đã thương ban, tất cả đều không ngoài sự quan phòng của Chúa. Đó là xác tín của con khi được cùng chung lời tạ ơn, trong ngày mừng lễ kính Thánh Nữ Thérése Hài Đồng Giêsu, Bổn Mạng Đồng Xanh Thơ và cũng là của con.
Kính thưa Quý Cha, Quý Soeur cùng cộng đoàn kính mến!
Trong chúng ta, ai cũng muốn có được niềm vui, muốn sống trong niềm hạnh phúc, bởi Chúa đã gieo vào lòng mỗi người chúng ta hạt mầm của niềm mong ước đó. Chúa Giêsu đã chia sẻ trong đoạn Tin Mừng mà Thánh Gioan ghi lại: “Chúa Cha yêu mến Thầy thế nào thì Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy. Các điều ấy, Thầy nói để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15, 9-11).
Chúa Giêsu đã cho chúng ta bí quyết để được tham dự vào niềm vui của Chúa, sống trong hạnh phúc và tình yêu của Chúa. Nhưng đâu là niềm vui trọn vẹn? Tôi phân biệt ra được 4 Niềm Vui:
1 - Niềm vui Tự nhiên – Giác quan
Tôi rất vui khi ngắm cảnh thiên nhiên, nghe tiếng suối reo, tiếng nhạc du dương; thích hương hoa, mùi thơm cỏ lá; thưởng thức những món ăn ngon, những trang phục đẹp... và rồi tôi đã tìm đến cao nguyên phố núi để cảm nghiệm được niềm bình an sâu thẳm, khi ngắm nhìn vẻ đẹp toàn bích của đất trời trong ân sủng:
“Con về bên Mẹ ngắm bình minh
Ánh sáng ban mai đẹp hữu tình
Hoa lá rung rinh chào nắng mới
Mẹ tỏa ân tình ngát hương trinh
Cao nguyên gió lạnh buốt lưng đồi
Sương mù che khuất áng mây trôi
Lóng lánh hạt rơi trên áo Mẹ
Giọt đẫm hương tình nét tinh khôi…”
(Bình Minh Trên Cao Nguyên)
2 – Niềm vui Bản ngã
Sống trong xã hội hưởng thụ, giá trị tiền tài được xem trọng, con người dễ sa vào lưới của tiện nghi vật chất vẫn đang mời mọc lôi cuốn, sự hấp dẫn mãnh liệt của địa vị xã hội khiến con người ta khó lòng buông bỏ ...! Bản thân tôi cũng phải đấu tranh tư tưởng khi cần dứt khoát những niềm vui bản ngã kéo tôi ra xa Chúa.
“Giêsu hỡi! linh hồn con yếu đuối
Rất mỏng giòn dễ bể lắm Chúa ơi!
Cứu con đi, xin Chúa phán một lời
Xin giải thoát qua những điều tăm tối…
Đây tự do, danh lợi, đó quyền cao
Sống buông thả theo bản năng tự phát
Cám dỗ nào cũng cho nhiều hoan lạc
Khuấy trong con bao ước muốn cao vời
Mãi ngập ngừng không dám bỏ buông lơi
Không can đảm bơi ngược dòng nước lũ”
(Cho thì có phúc hơn là nhận)
Chúa đã chiến thắng các cơn cám dỗ của ma quỷ, nhờ nội lực mạnh mẽ do ăn chay cầu nguyện, dùng Lời Kinh Thánh để tiêu diệt sa tan:
“Bằng nội lực Chúa vượt qua tất cả
Dùng Thánh Kinh làm phương thế cho mình
Chiến thắng bằng sức mạnh của Lời Kinh
Bằng việc cầu nguyện, ăn chay ép xác
Chúa đã vượt qua đoàn dân sa mạc
Xin giúp con chiến thắng gian tà
Luyện xác hồn dùng Kinh Thánh đơm hoa
Để chế ngự những đam mê trần thế”
(Đức Giêsu thắng cơm cám dỗ)
3 – Niềm vui Phục vụ
Lời đầu tiên Sứ Thần Gabriel cất lên chào Đức Trinh Nữ Maria chất chứa niềm vui lớn lao khi mời Mẹ vui lên: “Mừng vui lên, vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng!” (Lc 1,28). Lời chào trên có liên hệ mật thiết tới sự giáng lâm của Đấng Cứu Thế. Mẹ đã tham dự vào niềm vui ấy với cách thế rất lạ thường:
“Maria vội vã lên đường
Tràn đầy ân sủng Chúa yêu thương
Mẹ đem Chúa đến cùng nhân loại
Xoá kiếp thương đau nỗi đoạn trường”
(Chúa viếng thăm dân Người)
Mẹ Maria đã đón nhận ân sủng với trọn niềm tín thác, và trao ban với tinh thần khiêm tốn phục vụ yêu thương... Cùng Đức Maria tôi cũng muốn tiếp bước lên đường, vì thế gian vẫn còn biết bao nhiêu những người đau khổ!
“Hồn tôi hỡi! chớ ngủ say
Chu toàn bổn phận hằng ngày Chúa giao
Chúa đến bất cứ khi nào
Sẵn luôn tỉnh thức truyền rao Tin Mừng
Khôn ngoan trung tín tuyên xưng
Sống Lời Chúa dạy trong từng giới răn
Yêu thương khiêm tốn chuyên cần
Niềm vui phục vụ góp phần dựng xây”
(Tỉnh thức và sẵn sàng)
Tiếng vọng đã âm hưởng trong tôi, tiếng vọng của tình yêu Chúa Giêsu nơi Thánh Giá, trên đồi Calve chiều nào; âm hưởng tình yêu của anh chị em trong nhóm đang âm thầm, khiêm hạ phục vụ những bệnh nhân, mà xã hội hôm nay luôn lên án và loại trừ; cũng âm hưởng trong tôi tiếng vọng của anh chị em đang đói khát tình người, đói cả tình thân!
“Nơi đây Tiếng Vọng kinh cầu
Nơi đây lau bớt lệ sầu đắng cay
Nâng niu những tấm thân gầy,
Vọng vang lên tiếng tình này Chúa ban”
(Tiếng vọng tình yêu)
3 – Niềm vui Siêu nhiên
Niềm vui là kết quả của tình yêu. Muốn có được niềm vui trọn hảo, niềm vui trong ân sủng tôi phải sống thân tình với Chúa, kết hiệp mật thiết với Chúa qua lời cầu nguyện, qua bí tích Thánh Thể và tham dự vào các bí tích của Hội Thánh:
“Bên Thánh Thể say hồn đắm đuối!
Con trải lòng nơi Suối từ nhân
Dịu thơm thanh khiết ân cần
Nép mình nương tựa trong ân sủng Người”
(Bên lòng Chúa)
Lời kết:
Con xin tạ ơn Chúa vì những điều may lành Chúa đã ban cho con. Tạ ơn Chúa vì những nghịch cảnh đã giúp con vươn lên trong cuộc sống.
Tạ ơn Chúa vì những gian nan thử thách Chúa để xảy ra, đều có ích cho phần rỗi đời con. Con xin tạ ơn Chúa vì “Tất cả đều là hồng ân”.
Chia sẻ Đề tài III
“YÊU”: THÔNG ĐIỆP CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU - DZUY SƠN TUYỀN
Nhà Thơ Dzuy Sơn Tuyền cũng một thời ở trong Nhà Chúa, là Thầy của nhiều chủng sinh và Linh mục kể cả Giám mục, Nhà Thơ thích Thơ, Yêu Thơ nhất là làm Thơ ngợi khen Chúa qua những bài “Diễm Tình Ca” mà Nhà Thơ rất thích, vì thế đề tài rất hợp với Nhà thơ.
“Thực vậy, đối với người công giáo, không có cách nào yêu mến Thiên Chúa hơn là yêu mến Đức Giêsu, Con Một Người, vì nhờ Đức Giêsu, Thiên Chúa đã mạc khải chính mình cho nhân loại và Ngôi Lời Thiên Chúa đã mặc lấy bản tính con người để con người được mặc lấy thiên tính. Ngôi Lời nhập thể đã nhân loại hóa mối tương quan giữa thụ tạo với Đấng Tạo Hóa. Yêu mến Đức Giêsu là yêu mến Thiên Chúa vì Đức Giêsu cũng là Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa còn là gì đối với chúng ta? Chắc bạn nhớ câu Chúa Giêsu hỏi: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” rồi Người chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là Mẹ tôi, là anh chị em tôi” (Mt 12,48- 49).
- Vài thánh nhân tiêu biểu:
Trong các mối liên hệ ấy, tình vợ chồng là mối tình cốt yếu hơn cả. Chúng ta thấy rất nhiều vị thánh, trong số các thánh cao cả nhất, trinh khiết nhất và dịu hiền nhất, đã diễn tả mối liên hệ tình yêu giữa các ngài với Thiên Chúa như là tình phu thê. Đây là những từ ngữ nhân loại được nâng cao hơn hết để nói lên tình yêu giữa Thiên Chúa và con người. Còn lời nào đẹp hơn những lời của sách Diễm Ca:
“Hãy dùng môi miệng hôn ta,
Tình chàng thi vị hơn là rượu nho,
Dầu thơm thượng hạng còn thua” (Dc 1,2-3).
“Ta vừa rời họ không lâu,
Bỗng nhiên gặp được người yêu tâm hồn,
Ôm chầm lấy, giữ lại luôn,
Đem vào tư thất mẫu thân ta liền” (Dc 3,4).
Chính những cách yêu phong phú ấy đã làn nên nhiều thánh nhân tiêu biểu khác nhau, và nhờ các ngài, Thiên Chúa đã dọn sẵn cho chúng ta nhiều chỗ trên trời. Chẳng hạn ở Bêtania, hai cô Martha và Maria, mỗi người có một cách yêu Chúa khác nhau.
02. Tình yêu tự nhiên và tình yêu siêu nhiên
Têrêsa, cũng như Madalena, đã yêu Đức Giêsu bằng tình yêu của một vị hôn thê. Giêsu người bạn chí thiết, không chịu thua người đàn bà thế gian cách chiều đãi chồng nay còn mai mất. “Khi ấy tim con nóng lên vì cảm hứng mới, con quyết chí cố gắng hơn trước trong mọi việc để đẹp lòng Bạn Thánh, để thỏa lòng Vua Cả đã thương chọn con làm bạn trăm năm…” (Một Tâm Hồn).
Chị viết: “Những vị đại thánh làm việc để vinh danh Thiên Chúa, còn con, con chỉ là một tâm hồn nhỏ bé nhất, chỉ làm việc để làm vui lòng Người. Con muốn ở trong tay Chúa nhân lành, như một đóa hoa nhỏ, một cánh hồng vô ích, nhưng màu sắc và hương thơm sẽ làm cho Người thêm vui. (Sđd). Người nữ chỉ cần quy hướng về Chúa tất cả tình yêu quảng đại của mình đối với chồng, cũng đã ở ngưỡng cửa thiên đàng rồi”.
Thánh Phanxicô đệ Salê đã nói: Tình yêu làm con người trở nên bình đẳng. Tình yêu sâu đậm của Chị đối với Đức Giêsu đã thể hiện rõ ràng trong cử chỉ nhỏ bé này: người ta trao cho Chị một cây thánh giá, Chị ôm chặt vào lòng nói: Người đã chết rồi. Tôi yêu Người nhiều hơn khi Người hấp hối vì thiết tưởng khi Người đã chết rồi, Người không còn đau khổ nữa
03. Tình yêu chân thành
Chính Chị Têrêsa đã tỏ lộ ra với Mẹ Bề trên: “Anh Giêsu có thể lấy lại tất cả những gì Người đã cho con. Mẹ hãy nói với Người đừng bận tâm ngần ngại. Người có thể lánh mặt, con sẵn sàng chờ đợi cho tới ngày đức tin con bừng sáng” (Một Tâm Hồn).
Chị Thánh đã viết những dòng chữ trên vào một ngày Chị cảm thấy Đức Giêsu xa Chị. Tình yêu đã đem lại những hy vọng mà đức tin không đem lại được. Chị đã quá rõ Đức Giêsu, nên Chị không sợ Người bỏ rơi Chị. Khi còn nhỏ, Chị đã viết cho chị Pauline: “Vinh danh Chúa Giêsu, đó là tất cả tham vọng của em. Những gì của em, em phó thác cho Người, mà giả như Người quên em thì thôi! Người được tự do, vì em không thuộc về em nữa, mà đã thuộc về Người. Người sẽ chóng chán làm cho em phải đợi hơn là em đợi Người” (Một Tâm Hồn).
Con chỉ là một tâm hồn nhỏ bé mà Chúa nhân lành đã ban đầy ân sủng, và con không vì Đấng ấy mà hãnh diện. Hãy xem chiều nay mặt trời lặn nhuộm vàng ngọn cây thế nào, thì tâm hồn con cũng thế: xem ra huy hoàng tráng lệ, là vì được đặt dưới nhãn tuyến của tình yêu…”
04. Thiên Chúa là một tình nhân
Chị Têrêsa là một người con ngoan ngoãn của Chúa: Chúa chỉ cần nói nhỏ một tiếng cũng đủ nghe, trong khi đối với nhiều người khác, Chúa phải nói bằng sấm sét, bằng bão tố. Chị biết lợi dụng những kinh nghiệm nhỏ bé nhất trong cuộc đời ngắn ngủi của Chị để tìm gặp Chúa trong 20 năm trời, mà Chị đã học biết được nhiều hơn cả nhân loại trong 20 thế kỷ. Chính vì thế Chị đã viết: “Tình yêu có thể thay thế tất cả cuộc sống lâu dài. Thiết tưởng Thiên Chúa nhân từ không cần nhiều năm để thực hiện công trình của Người nơi một tâm hồn; chỉ cần một tia sáng phát ra từ trái tim Người cũng đủ làm cho đoá hoa của Người tươi nở đến muôn đời (Một Tâm Hồn).
05. Tử đạo vì yêu
Càng nghiên cứu tính tình của Chị Têrêsa, tôi càng thấy mình bị lôi cuốn và càng yêu mến, tôn thờ Đức Giêsu, người nghệ sĩ tuyệt vời nơi các linh hồn. Thật đáng thán phục một thiếu nữ mới 15 tuổi đã viết cho chị ruột của mình: “Tình yêu có thể đảm đương được mọi việc; những việc khó khăn nặng nhọc đến đâu, tình yêu sẽ làm cho nhẹ nhàng và êm dịu như không”
Chị tử đạo, không phải bằng cách bị chém đầu hoặc bị ném vào vạc dầu sôi, những trường hợp hiếm có ấy, chỉ một số ít được Chúa ban riêng, nhưng là bằng những hy sinh trong đời sống hằng ngày của Chị. Sống bằng những hy sinh như thế mà nếu cứ đợi những đau khổ lớn lao thì chết đói mất. Chị Têrêsa đã làm cho từng ngày trong đời Chị có một giá trị mới mẻ và to lớn hơn. Chị đã thực hiện câu nói của Georges Herbert: Ai quét nhà vì vâng lời Chúa, người ấy đã làm một công việc tốt.
06. Tình yêu đem lại tự do
“Thế gian không phải là nhà,
Thuyền con xuôi bến chính là thế gian” (Một Tâm Hồn).
Như thế, Têrêsa đã nhìn thế gian dưới ánh sáng vĩnh cửu và đã dọn đường cho Chị biết thoát ly tư lợi, mặc dù nó quyến rũ Chị.
07. Sống chết trong tình yêu
Chị đã vượt lên trên sự sống và sự chết. “Sống hay chết là gì đối với con? Hạnh phúc độc nhất của con là yêu Chúa” (Một Tâm Hồn).
Chị đã có những tâm tình này vì Chị đã đạt tới một mức sống siêu nhiên trong đó ý muốn nhân loại chan hoà với ý muốn Thiên Chúa, Chị muốn về trời để làm việc lành cho trần thế. Chị nói: “Nhất định con không nghỉ tay cho đến ngày tận thế! Nhưng đến ngày mà thánh thiên thần loan báo: Hết giờ rồi! (Kh 10,6), con mới chịu nghỉ tay mà hưởng phúc vui vẻ vì khi ấy số kẻ Chúa chọn về Thiên đàng đã đầy đủ” (Một Tâm Hồn). Chị muốn thông truyền tình yêu Đức Giêsu cho triệu triệu tâm hồn...
Nhà Thơ Dzuy Sơn Tuyền kết thúc với bài Sống Tình Yêu.
... 13- Sống Tình yêu thật quá đỗi khùng điên
thế nhân nói…Thôi hãy dừng câu hát
đừng để mất cuộc đời bao hương sắc
hãy biết dùng cho có ích đừng quên
Con yêu Chúa là mất mát dư dật
hương thơm con chỉ dành Chúa mà thôi
con muốn hát khi phải rời nhân thế
chết vì tình, yêu Chúa, Chúa con ơi
14- Chết cho Chúa là tử đạo dịu êm
là ngọt ngào vì đó con chịu khổ
hỡi Thánh Linh hiệp tấu khúc nhạc thiêng
sắp kết thúc lưu đày, con quá rõ
Lửa Tình ơi xin không ngừng thiêu đốt
cuộc đời này nặng trĩu…chóng vụt qua
Giêsu hỡi hãy cho con toại nguyện
chết vì tình, vì Tình Chúa bao la
15- Con hy vọng được chết cho Tình yêu
mọi xích xiềng được tháo rời con thấy
Chúa chính là phần thưởng lớn cho con
con chẳng muốn bất cứ ai khác nữa
Lửa Tình yêu, con ước ao cháy mãi
được kết hợp tình yêu, con muốn nhìn
là Thiên Đàng của riêng con, phần số
Sống Tình yêu, con sống mãi Tình yêu…
TERESA Hài Đồng Giê-su.
***************************
Sau 3 bài thuyết trình có 3 khách mời được lên nói cảm nghĩ của mình khi dự Buổi Thuyết trình Chuyên đề Thi ca này.
Ai cũng hài lòng vì chương trình mỗi ngày mỗi phong phú hơn, nhất là bài thuyết trình Thơ của Nhà thơ Tiếng Vọng được lồng nhạc nhè nhẹ trong lúc diễn thuyết, người ngồi nghe cảm thấy thư thái, bình an... lâng lâng nâng hồn lên cùng những vần Thơ Tạ Ơn Hồng Ân Chúa ban cho chính mình.
Buổi diễn thuyết kết thúc đúng theo thời gian của chương trình, để còn dự Thánh Lễ Mừng Bổn Mạng của Đồng Xanh Thơ Sài Gòn, do Cha Linh Hướng PX Bảo Lộc và Cha Phêrô Thành đồng tế tại lầu 3 TTMV.
Ban Chủ Nhiệm gặp Đức Hồng y để Kính Tặng ngài Tập Thơ “Kinh Lạy Cha” mà Ngài đã gợi ý các Nhà thơ cùng đóng góp vào Tập Thơ để Ca ngợi lòng nhân lành của Thiên Chúa chúng ta.
Buổi sinh hoạt kết thúc với những tấm hình lưu niệm và những thước Phim quý giá của Ban Truyền Thông TGP SG ghi lại cho TTMV cũng như cho riêng Đồng Xanh Thơ Sài Gòn chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Học viện Mục vụ: Thánh lễ Tạ ơn mừng Tân Giám mục Giuse Đỗ Quang Khang 23-12-2021
-
Thánh lễ Mừng kính Thánh Gioan Phaolô II - Bổn mạng Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn: Tổng kết năm học 2020-2021 -
Trung tâm Mục vụ: Tĩnh tâm Mùa Chay 2021 -
Học viện Mục vụ 2020-2021: Lịch sinh hoạt Học kỳ II -
Học viện Mục vụ TGP Sài Gòn sinh hoạt lại từ ngày 1-3-2021 -
Thông báo: Học viện Mục vụ tạm ngừng sinh hoạt từ ngày 2.2.2021 -
Học viện Mục vụ TGP Sài Gòn: Giới thiệu hai khóa học mới -
Học viện Mục vụ TGP Sài Gòn: thông báo chương trình đào tạo HKII năm học 2020-2021 -
Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn: Gặp gỡ Giáo lý viên phụ trách các lớp giáo lý Dự tòng và Hôn nhân ngày 26-12-2020
bài liên quan đọc nhiều
- Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn: Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót 2019
-
Học viện Mục vụ TGP Sài Gòn sinh hoạt trở lại từ 4-5-2020 -
Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn: Thăm Mái ấm 'Tình Mẹ' -
Thông báo về các lớp nhạc và Thánh nhạc HKI năm học 2020-2021 -
Học viện Mục vụ TGP Sài Gòn: Bế giảng năm học 2018-2019 -
Học viện Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn tạm ngưng hoạt động đến hết ngày 1-3-2020 -
Thông báo: Học viện Mục vụ tạm ngừng sinh hoạt từ ngày 2.2.2021 -
Thông báo chiêu sinh các lớp Mục vụ Truyền Thông niên khóa 2020-2021 -
Thượng tượng Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn -
Học viện Mục vụ TGP Sài Gòn: thông báo chương trình đào tạo HKI năm học 2020-2021