Cái đẹp
Mùa Chay. Đọc lại cuốn Người con hoang đàng (The Prodigal Son) của Henri Nowen. Những suy tư trầm ngâm, sâu sắc, lắng đọng. Về đứa con hoang đàng vẫn đang có mặt trong lối sống của mình. Về anh con cả tưởng mình tốt lành cũng đang ẩn núp đâu đây trong những suy nghĩ của mỗi người. Và đỉnh cao là khuôn mặt người cha giầu lòng thương xót như lời gọi mời hoán cải và đắp xây lối sống mới, lối sống của tình yêu quảng đại và tha thứ.
Nhưng điều đáng nói là Henri Nowen đã không có được những suy tư sâu sắc ấy khởi đi từ dụ ngôn trong Tin Mừng Luca chương 15, mà lại khởi đi từ bức tranh Người con hoang đàng của Rembrandt. Nói đúng hơn, hoạ phẩm nổi tiếng của Rembrandt đã giúp H. Nowen đọc lại dụ ngôn trong ánh sáng mới. Từ chỗ tình cờ nhìn thấy bức tranh trên một tờ quảng cáo nào đấy đến chỗ quan tâm tìm hiểu, rồi lặn lội sang tận Moscow để được tận mắt chiêm ngưỡng bản gốc của hoạ phẩm. Thế rồi hằng ngày và hằng giờ cứ ngồi say sưa chiêm ngắm bức tranh để dần dần khám phá vẻ đẹp và chiều sâu của tác phẩm qua từng sắc mầu, từng mảng sáng tối, từng nét cọ. Và những suy niệm thiêng liêng khơi nguồn từ đó.
Bỗng nhớ đến câu nói của Dostoievski, “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”, và tâm tình của thánh Augustinô, “Ôi cái đẹp vĩnh hằng tươi trẻ, con yêu Người quá đỗi muộn màng.” Chúa là Chân, Thiện, Mỹ mà! Cho nên nếu cái đẹp trong hoạ phẩm của Rembrandt có dẫn lối cho H. Nowen đi vào chiều sâu khôn dò của Thiên Chúa, âu cũng là lẽ thường. Nhưng hình như khi nói về Chúa, mình mới chỉ quan tâm đến chân lý và thiện hảo thôi chứ mấy khi quan tâm đến cái đẹp. Nhiều khi lại còn sợ cái đẹp lôi mình xa Chúa ấy chứ! Cô nào đẹp mà đến thăm các cha thì nguy hiểm lắm! Thấy linh mục hay nữ tu nào đẹp, có người lại xuýt xoa, “đẹp thế mà đi tu, thật uổng”. Cứ như thể phải xấu giai lắm thì tu mới đắc đạo. Và cứ như thể cái gì xấu thì mới dành cho Chúa. Có lẽ người ta cũng có lý để lo sợ như thế. Bởi lẽ trong thời đại hôm nay, nói đến cái đẹp, người ta chỉ hay nghĩ đến cái đẹp dung tục, kích thích hưởng thụ và chiếm đoạt, chứ ít khi nghĩ đến cái đẹp hồn nhiên, thanh thoát, nâng cao tâm hồn.
Chắc Giáo Hội cũng phải quan tâm đến cái đẹp nhiều hơn, cái đẹp của kiến trúc thánh đường, cái đẹp của những âm điệu thánh ca, cái đẹp của ngôn ngữ và cử hành phụng vụ, cái đẹp trong ngôn từ và cách ứng xử của những người làm việc trong Hội Thánh… Bởi lẽ cái đẹp ấy có thể dẫn người ta đến gần Thiên Chúa hơn. Vâng, vì cái đẹp cứu rỗi thế giới.
12.03.09
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm