Cảm nghĩ ngày cuối năm Nhâm Thìn: Mâm cỗ tình yêu
1. Sáng nay, ngày cuối năm Nhâm Thìn, tôi dâng thánh lễ Misa lúc 03 giờ, khi trời còn tối.
Trong cuộc gặp gỡ thân mật riêng tư với Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì muôn vàn ơn lành hồn xác Chúa đã ban cho tôi suốt một năm dài.
Đang lúc tâm tình cảm tạ dâng tràn, tôi đọc lời đáp ca của thánh lễ trong ngày (thứ Bảy sau Chúa nhật IV quanh năm). Tới câu: “Chúa dọn ra cho tôi mâm cỗ ngay trước mặt những kẻ đối phương” (Tv 22,5), tôi chợt thấy các ơn Chúa ban cho tôi có thể ví như một mâm cỗ Chúa dọn ra cho tôi.
Nhìn mâm cỗ Chúa dọn ra cho tôi, tôi cảm thấy rất rõ hương vị quý giá nhất phảng phất trong mọi món trên mâm cỗ đó, chính là tình yêu tế nhị của Chúa.
2. Thực vậy, tình yêu Chúa gởi cho tôi là rất tế nhị.
Tình yêu ấy như một mâm cỗ thịnh soạn.
Mâm cỗ này có nhiều món khác nhau.
– Có thứ đẹp ngon thơm thuộc thiên nhiên, mà tôi cảm thấy được do giác quan. Đó là cảnh núi sông, ruộng vườn cây cối, hoa trái và nhiều thứ hấp dẫn xung quanh tôi.
– Có thứ ngon thơm thuộc tâm linh, mà tôi thưởng thức được do sự nhạy bén nội tâm. Đó là những yêu thương, tình nghĩa, hiếu thảo từ nhiều tấm lòng tốt xa gần đối với tôi.
– Đặc biệt là có thứ đẹp ngon thơm sâu lắng thuộc thế giới siêu nhiên, thu hút tôi vào một cõi hạnh phúc mênh mông. Đó là các ân sủng do Lời Chúa, các bí tích và các tôn sùng thánh.
3. Các món ăn khác nhau đó trong một mâm cỗ Chúa dọn ra giúp cho tôi đón nhận tình thương của Chúa qua nhiều cách, thích hợp với những hoàn cảnh khác nhau. Chúa đúng là một Đấng tế nhị.
4. Mâm cỗ dù ngon thơm đẹp nhưng Chúa không ép buộc tôi. Chúa dọn ra cho tôi, nhưng Chúa để tôi tự do. Tôn trọng tự do, đó là thái độ rất tế nhị của tình yêu Thiên Chúa.
Khi tôi dùng sự tự do của tôi, để đón nhận những món ăn đủ thứ ngon thơm đẹp, mà Chúa dọn ra cho tôi, tôi sửng sốt nhận ra trong mâm cỗ ấy còn có một món vô cùng cao quý, đó là nhớ lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Trong phép Thánh Thể cũng như trong thánh lễ Misa, thực sự có Mình và Máu Chúa Giêsu, Đấng đã hy sinh để cứu chuộc loài người.
5. Chỉ một thoáng nhìn mâm cỗ Chúa dọn ra cho tôi, tôi thấy tình yêu của Chúa là hết sức tế nhị. Khi đã nhìn thấy, và hơn nữa, khi đã nếm các thứ món thức ăn trên mâm cỗ, tôi không thể không hết lòng cảm tạ Chúa. Đối với tôi, Chúa chính là hạnh phúc của tôi, là Mùa Xuân của tôi.
6. Nói thế không có nghĩa là bản thân tôi trên cõi đời này sẽ tránh được mọi đau khổ. Tôi không hề nghĩ như thế. Bởi vì thực tế là đời tôi vẫn có nhiều đau khổ. Nhưng với đau khổ, đời tôi sẽ là một của lễ tình yêu, đáp lại tình yêu của Chúa. Tình yêu có đau khổ là một tình yêu có mức độ tế nhị hết sức chân thành.
7. Tôi đã thưởng thức các món ngon thơm đẹp trên mâm cỗ Chúa dọn ra cho tôi suốt một năm, một năm có nhiều phức tạp. Thưởng thức ấy càng sâu, khi đức tin càng mạnh. Tôi cảm tạ Chúa đã ban đức tin cho tôi.
8. Trong tâm tình cảm tạ, tôi thấy mình mắc nợ với Chúa quá nhiều. Tôi biết mình sẽ chẳng bao giờ đền đáp đủ tình thương của Chúa. Đôi chút đền ơn tôi mong cố gắng làm, sẽ chỉ là những việc nhỏ.
Trước hết, tuy dù rất yếu hèn, tôi xin dâng hiến chính bản thân mình làm của lễ. Cho dù của lễ ấy phải dâng trên thánh giá, thì đó cũng là một cách bước theo Chúa Giêsu trong việc cứu độ, Đấng yêu thương tôi.
Thêm vào đó, tôi sẽ làm hết sức mình để làm chứng cho tình yêu Chúa. Làm chứng cho tình yêu Chúa trong tình hình phức tạp tại Việt Nam lúc này sẽ phải rất tế nhị. Tế nhị trong tình yêu là một ơn Chúa sẽ ban cho những ai cầu xin với Chúa.
Tế nhị ấy đòi phải khiêm nhường và tin vững vàng vào Chúa. Tôi tin tình yêu Chúa sẽ vượt thắng tất cả, kể cả mọi thứ ghen ghét hận thù.
Thánh vịnh nói: “Chúa dọn ra cho tôi mâm cỗ ngay trước mặt những kẻ đối phương” (Tv 22,5). Đối phương là những người chống lại tình yêu của Chúa. Tôi biết họ. Nhưng tôi không ghét họ. Trái lại, theo gương Chúa, tôi vẫn tha thiết mời họ chia sẻ mâm cỗ tình yêu, mà Chúa đã dọn ra. Tôi thấy dần dần, nhiều người gọi là những kẻ đối phương cũng đã thực sự nếm được tình yêu Chúa. Họ đang bắt đầu tin Chúa. Kinh nghiệm đó giúp tôi càng tin vào sức mạnh vô biên của tình yêu Chúa.
Tôi xin kết bài chia sẻ đơn sơ này cũng bằng lời thánh vương Đavít:
“Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống, cho tới thời gian rất ư lâu dài” (Tv 22,6).
Long Xuyên, ngày cuối năm Nhâm Thìn (09-02-2013)
bài liên quan mới nhất
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Quà Tết cho người vô gia cư -
Noel ấm áp tình người -
Đồng hương Thái Bình miền Nam: Họp mặt Tân niên -
Đồng hương Đàn Giản: mừng Xuân đoàn viên -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Thông điệp của mùa xuân -
Giờ kinh Giao Thừa -
Trăng Rằm miền biên giới -
Vầng Trăng Yêu Thương
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Quà Tết cho người vô gia cư -
Thông điệp của mùa xuân -
Sống tâm tình tạ ơn trong ba ngày Tết -
Tây Tạng: Tết Losar của lòng hiếu khách và từ tâm -
Giờ kinh Giao Thừa -
Năm Thìn, tản mạn chuyện Rồng -
Tất niên và tân niên -
Trăng vàng mùa thu