Cảm nhận Ngày Thầy Thuốc Việt Nam 2012
WGPSG -- Thứ Hai 27.02.2012, ngày “Thầy Thuốc Việt Nam”.
Hôm nay, tại các bệnh viện lớn của Thành phố Sài Gòn như Nhiệt Đới, Chợ Rẫy, Bình Dân, Gia Định, 115, phòng khám Tân Định v.v… người ta sẽ tổ chức nhiều hoạt động như: thuyết trình, văn nghệ, học hỏi nhằm đề cao và tôn vinh vai trò của những vị y sĩ, bác sĩ, những người “Thầy Thuốc Việt Nam”.
Hôm nay, trên các phương tiện truyền thông như: truyền hình, radio, báo chí thường lấy đề tài “Người Thầy Thuốc Việt Nam” cho những bài phóng sự, những buổi phỏng vấn, những buổi phát sóng trực tiếp ca nhạc theo yêu cầu hay những bài viết về tấm gương hy sinh phục vụ vì bệnh nhân của những người đang hoạt động trong ngành y, đang làm việc tại nhiều bệnh viện khác nhau trên toàn đất nước Việt Nam.
Vì thế, hôm nay sẽ có rất nhiều người: từ thành thị hiện đại đến những vùng nông thôn nghèo nàn, từ những người Việt Nam trong nước cũng như những người đang sống tha hương nơi hải ngoại. Phần đông đều mang trong mình tâm thức hướng về những “Người Thầy Thuốc Việt Nam”.
Vâng, đó là những sự kiện của ngành y tế vừa mang tính xã hội vừa mang tính văn hóa, tôn giáo. Một sự kiện mỗi năm diễn ra chỉ có một lần, nhưng ít nhiều làm gợi lên trong lòng mọi bệnh nhân xa gần hay nơi những vị bác sĩ, y tá những cảm thức phục vụ và hy sinh thật khó quên. Dưới góc nhìn tôn giáo, Chúa muốn nói gì với mỗi người Kitô hữu chúng ta nhân sự kiện hôm nay: “Ngày Thầy Thuốc Việt Nam 2012”?
Trước tiên, chúng ta quy cái nhìn về những vị bác sĩ, ý tá, điều dưỡng, những người được gọi là “Thầy Thuốc Việt Nam”.
Nếu như chúng ta đã nhắc nhiều đến bệnh tật nơi những bệnh nhân ngày “Quốc Tế Bệnh Nhân” (12.02.2012) vừa qua, thì hôm nay, chúng ta đề cập nhiều đến chân dung những người bác sĩ, những người đang hiện diện nơi các bệnh viện và nơi cuộc đời của rất nhiều bệnh nhân.
Vì thế, nhà truyền giáo Albert Schweitzer đã viết: “Bệnh nhân nào cũng đem theo bên trong ‘người thầy thuốc’ của chính bản thân mình.” Thật vậy, như đứa trẻ thơ mới sinh cần sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha mẹ thì nơi mỗi bệnh nhân đều cần đến bàn tay, tài năng và y đức của những vị y - bác sĩ.
Thực tế cuộc sống hôm nay cho chúng ta thấy, có những người mắc phải nhiều chứng bệnh nan y, thập tử nhất sinh như: ung thư, sơ gan, chấn thương sọ não v.v… Nếu không có những đôi bàn tay của những vị bác sĩ tài năng thì có lẽ nhiều bệnh nhân đã ra đi vĩnh viễn. Chính nhờ những ca phẫu thuật hằng giờ, nguy hiểm, căng thẳng tinh thần của nhiều vị bác sĩ nên kết quả cuối cùng đã thành công, để rồi nhiều bệnh nhân vượt qua được những giờ phút nguy hiểm tưởng như đã chết một lần trong cuộc đời.
Có những người dân quê làm ruộng quanh năm suốt tháng, vất vả và nghèo khổ, mang trong mình chứng bệnh viêm gan B, C, suy thận… hằng tháng phải lên thành phố gặp bác sĩ để được tái khám, theo dõi bệnh tình, lấy thuốc uống theo sự hướng dẫn và điều trị của bác sĩ. Thật vậy, người bác sĩ được gọi là “Người Thầy” của mỗi bệnh nhân, và mỗi bệnh nhân là những người chịu ơn và mang ơn bác sĩ trong cuộc đời của họ.
Bởi đó, những vị y - bác sĩ được người ta tôn vinh “Lương y như từ mẫu”, nghĩa là những “Người Thầy Thuốc Việt Nam” được ví như những người mẹ hiền, luôn hiện diện và chăm sóc những đứa con bệnh hoạn, ốm đau. Tấm lòng của người mẹ được so sánh “bao la như biển Thái Bình”, trái tim của người mẹ bao giờ cũng chan chứa tình yêu thương vô bờ bến dành cho những người con yêu dấu của mình. Vì vậy, ngày “Thầy Thuốc Việt Nam 2012” hôm nay, người ta cũng ca ngợi tấm lòng phục vụ và trái tim biết yêu thương của những vị bác sĩ, phải chiến đấu với những ca phẫu thuật “thập tử nhất sinh” với nhiều chứng bệnh ác nghiệt của nhiều bệnh nhân, phải vất vả làm việc nơi những vùng sâu, vùng xa thiếu thốn phương tiện sinh hoạt, dụng cụ y khoa hay thiếu nguồn kinh phí hoạt động. Thật vậy, khi đến một bệnh viện thiếu thốn như thế, có lẽ mỗi người Kitô hữu chúng ta không khỏi chạnh lòng xót xa cho những mảnh đời đáng thương nơi nhiều bệnh nhân, không khỏi ước ao rằng: phải chi bệnh viện này có thêm nhiều bác sĩ giỏi để phục vụ cho bà con vùng sâu, vùng xa.
Thật cảm động biết bao khi có một vị linh mục – bác sĩ đang là giám đốc một phòng khám từ thiện ở một giáo xứ của giáo phận Sài Gòn, ngài luôn yêu thương chăm sóc cho những bệnh nhân nghèo, già cả, neo đơn qua những lần đi phát thuốc từ thiện ở những giáo xứ, trạm xá xa xôi của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long hay những vùng biên giới “khỉ ho cò gáy” ít ai biết tới. Có lần ngài tâm sự rằng: khi đến thăm và xức dầu cho một anh trưởng ca đoàn trong xứ đang bị bệnh ung thư, ngài ao ước phải chi được gánh thay chứng bệnh này cho người đàn ông ấy. Thật cảm động biết bao khi có một vị linh mục phải nằm viện vào dịp Tết Nhâm Thìn 2012 vừa qua: khi ngài hơi khỏe lại, đã cố gắng bước từng bước chân thật chậm rãi đến thăm một người mẹ của một nữ tu trẻ không may bị tai nạn xe do người ta vô tình gây ra. Chẳng những tới thăm hỏi, trò chuyện mà vị linh mục này còn có một chút quà để chia sẻ cho người đang sống trong hoàn cảnh giống như ngài. Vâng, tấm lòng của những vị linh mục ấy phải chăng cũng là những tấm lòng và trái tim của Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành trong Tin Mừng, của những “Người Thầy Thuốc Việt Nam” mà chúng ta ca ngợi và tôn vinh hôm nay? Bởi lẽ, điều cốt lõi mà người ta ca ngợi những người Thầy Thuốc Việt Nam không chỉ ở những khả năng, tài năng, học vị, bằng cấp nhưng còn ở tấm lòng y đức vượt lên trên những lợi ích cá nhân hay vật chất: luôn biết nghĩ đến nhu cầu của người khác, nhất là những nhu cầu của những bệnh nhân nghèo khổ phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch và thiếu thốn, đang cần đôi bàn tay yêu thương chăm sóc, phục vụ của những vị bác sĩ, y tá, điều dưỡng ở nhiều bệnh viện nơi các thành phố lớn hay ở các bệnh viện của những vùng nông thôn hẻo lánh xa xôi.
Thật trùng hợp, bài Tin Mừng trong Thánh lễ hôm nay (Thứ Hai, 27.02.2012), nhắc tới ngày Cánh Chung: Chúa Giêsu chỉ hỏi mỗi Kitô hữu chúng ta về Đức Ái mà thôi. Ngài không hỏi chúng ta có phải là bác sĩ, kỹ sư; có bao nhiêu bằng cấp, biết bao nhiêu thứ tiếng hay có bao nhiêu nhà lầu, xe hơi; bao nhiêu tài khoản gửi trong các ngân hàng v.v… Nhưng Chúa chỉ hỏi chúng ta về những nghĩa cử quan tâm, yêu thương và phục vụ tha nhân: “Ta đói các ngươi có cho Ta ăn; Ta khát các ngươi có cho Ta uống; Ta trần truồng các ngươi có cho áo mặc; Ta ngồi tù các ngươi có thăm viếng; Ta là khách lạ các ngươi có hỏi han.” (x. Mt 25,35-36). Vâng, đây chính là hạt giống tốt đẹp và cốt lõi của Tin Mừng mà Chúa Giêsu muốn gieo vào lòng mỗi Kitô hữu chúng ta. Phải chăng Chúa cũng đang mong đợi nơi mỗi “Người Thầy Thuốc Việt Nam”, nơi mỗi người Kitô hữu chúng ta biết làm trổ bông những hạt giống ấy qua những nghĩa cử yêu thương, dấn thân phục vụ và chăm sóc người bệnh hoạn tật nguyền như Chúa Giêsu đã từng làm trong cuộc đời tại thế hay như tấm gương bác ái phục vụ tha nhân của mẹ Têrêsa Calcutta? Cho dù những việc làm của chúng ta có bé nhỏ, thầm lặng hay tầm thường đến đâu, nhưng đó là những nghĩa cử chan chứa tình Chúa tình người, xuất phát từ trái tim nhạy cảm và tấm lòng chân thành của chúng ta. Vậy, chúng ta cần phải làm gì để sống trọn vẹn với hai hoàn cảnh: vừa là bệnh nhân của Chúa với những thương tích và tội lỗi trong tâm hồn, vừa là “Người Thầy Thuốc” cho tha nhân?
Cuối cùng, sự kiện mừng “Ngày Thầy Thuốc Việt Nam 2012” là cơ hội để mỗi người chúng ta hướng lòng về những vị y sĩ, bác sĩ, y tá, những vị lương y đã từng điều trị, chăm sóc và quan tâm đến chúng ta dù chỉ một lần nào đó trong cuộc đời. Hơn thế nữa, sự kiện “Ngày Thầy Thuốc Việt Nam 2012” lại rơi vào mùa Chay Thánh, là cơ hội để mỗi Kitô hữu chúng ta hướng lòng lên Chúa Giêsu Kitô - “Người Thầy Thuốc” vĩ đại của tâm hồn chúng ta, luôn yêu thương chữa lành chúng ta qua bí tích Hòa Giải và Thánh Thể, hay qua những lần chúng ta thoát khỏi chứng bệnh nan y. Vì vậy, mừng ngày “Thầy Thuốc Việt Nam 2012” là dịp để mỗi người chúng ta ý thức rằng: chúng ta luôn cần đến Chúa và cần đến nhau trong cuộc đời.
bài liên quan mới nhất
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Quà Tết cho người vô gia cư -
Noel ấm áp tình người -
Đồng hương Thái Bình miền Nam: Họp mặt Tân niên -
Đồng hương Đàn Giản: mừng Xuân đoàn viên -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Thông điệp của mùa xuân -
Giờ kinh Giao Thừa -
Trăng Rằm miền biên giới -
Vầng Trăng Yêu Thương
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Quà Tết cho người vô gia cư -
Thông điệp của mùa xuân -
Sống tâm tình tạ ơn trong ba ngày Tết -
Tây Tạng: Tết Losar của lòng hiếu khách và từ tâm -
Giờ kinh Giao Thừa -
Năm Thìn, tản mạn chuyện Rồng -
Tất niên và tân niên -
Trăng vàng mùa thu