Cảm nhận "Thánh giá" giữa đời thường
WGPSG -- Ngày 14.09 hằng năm, Giáo hội mừng lễ kính suy tôn Thánh Giá Chúa Giêsu. Quả vậy, Chúa Giêsu đã biến cây thập tự giá thành cây Thánh giá. Nơi đó có sự hy sinh. Nơi đó có tình yêu. Một tình yêu đến cùng như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người đã hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13). Phải chăng ý nghĩa cốt lõi của ngày mừng lễ kính suy tôn Thánh Giá Chúa Giêsu chính là để tôn vinh một tình yêu tận cùng như thế? Phải chăng thập giá có sự hiện diện của Chúa Giêsu đã không còn là biểu tượng của hình phạt chết chóc nhưng trở thành biểu tượng của tình yêu? Thập giá minh chứng tình yêu.
Liên hệ đến đời thường
Bạn thân mến, dưới góc nhìn đời thường, mỗi Kitô hữu chúng ta đều mang những thánh giá riêng: Thánh giá của sự cô đơn và đố kỵ. Thánh giá của sự hiểu lầm và sai lầm. Thánh giá của sự lừa dối phản bội trong đời sống hôn nhân. Thánh giá của người trẻ thất bại trong tình yêu và đường đời. Vâng, đó là những thánh giá giữa đời thường. Mỗi người một thánh giá. Gia đình nào cũng có thánh giá. Mỗi người, mỗi gia đình với những thánh giá mức độ nặng nhẹ khác nhau. Thông thường nhiều người than thở rằng: “Sao Chúa để thánh giá của con nặng quá?” Thật ra có phải như thế không? Vậy những thánh giá giữa đời thường hôm nay là gì? Làm thế nào để chấp nhận con đường thánh giá như Chúa đã đi qua?
Thánh giá của nghèo đói và bệnh tật
Trước tiên, người nghèo đói và bệnh tật thường mang thánh giá đời mình thật nghiệt ngã. Họ nghèo về tiền bạc, vật chất, kiến thức và lương thực v.v.. Họ phải mang những chứng bệnh nan y như ung thư, sida… Đó là những mảnh đời bất hạnh. Những mảnh đời đôi khi bị gạt ra bên lề xã hội trong thời đại hôm nay. Phải chăng vì thánh giá quá nặng nề khó vác nên họ đã cất tiếng kêu cứu? Thế nhưng, vẫn có những người âm thầm chịu đựng những éo le xảy đến cho đời mình.
Bạn thân mến, tại sao lại gọi cái nghèo và bệnh tật là thánh giá? Bởi lẽ nơi đó có sự hy sinh. Nhiều bệnh nhân nghèo không có tiền trị bệnh nên chấp nhận sống với bệnh tật cho đến chết. Nếu bạn đã từng nằm trên giường bệnh thì sẽ cảm thấu được thế nào là thánh giá của nhiều bệnh nhân. Bạn sẽ dễ cảm thông với người bệnh nhiều hơn. Bạn sẽ thấy thân phận giới hạn và yếu đuối của mình nhiều hơn. Vì thế, bạn trông cậy vào ơn Chúa nhiều hơn.
Chiều nay anh bạn tôi có đề cập đến mẹ Têrêsa Calcutta. Anh nói rằng một cô hoa hậu nào đó đã phát biểu đại loại thế này: Đối với cô, người phụ nữ đẹp nhất trong cuộc đời này đó chính là mẹ Têrêsa Calcutta. Nhận định này có đúng không? Làm thế nào một bà lão mặt mũi với nhiều nếp nhăn lại là người phụ nữ đẹp nhất trần gian này? Chắc chắn đó là nét đẹp của tâm hồn. Nét đẹp của trái tim. Nét đẹp của tình yêu. Nét đẹp ấy đã làm cho biết bao thánh giá của người nghèo đói bệnh tật được nở hoa.
Thánh giá của những đau khổ tinh thần
Bên cạnh đó, thánh giá giữa đời thường còn là những đau khổ tinh thần. Quả vậy, có người không khổ vì tiền thì khổ vì tình. Không khổ vì nghèo đói bệnh tật thì khổ tâm. Đôi khi những khổ tâm lại dai dẳng và kéo lê cuộc đời chúng ta. Thế nên mới gọi đó là thánh giá. Thánh giá vì đòi hỏi ta chấp nhận hy sinh. Một bà mẹ quê tâm sự với đứa con trai thế này: “Nhà mình bây giờ đủ thứ chuyện. Hết lo cho mấy đứa rồi tới lo cho cha mấy đứa. Nào là chuyện học hành tương lai. Nào là chuyện tiền nong chợ búa. Nào là chuyện nợ nần đeo bám. Sức người có hạn. Nếu không vì thương tụi con chắc mẹ bỏ đi lâu lắm rồi.”
Thật vậy, người mẹ mang thánh giá cho con. Người vợ mang thánh giá cho chồng. Thánh giá vì người chồng suốt ngày cờ bạc, rượu chè. Thánh giá vì người chồng suốt ngày ghen bóng ghen gió. Thánh giá vì con cái không nghe lời, ăn chơi, không biết lo nghĩ đến tương lai. Thế, nên, nếu không có tình yêu thì làm sao người phụ nữ ấy có thể chịu đựng được.
Hôm nay ngày 14.09, cũng là ngày hai người anh của tôi chọn làm bổn mạng. Sáng nay điện thoại nói chuyện anh bảo thế này: “Hồi đó thấy cuộc đời của tụi mình sao khổ quá. Nghề nghiệp không có. Tiền bạc cũng không. Anh không biết phải làm gì. Còn anh kia thì đi bộ đội xa quê hương và người thân hai năm trường. Vì thấy thánh giá đời mình sao khổ quá nên chọn thánh giá Chúa Giêsu để chiêm ngắm, tôn thờ và tin tưởng sẽ được nâng đỡ, cảm thông và chia sẻ.” Tôi thật cảm động với những lời tâm sự đơn sơ chân thành và sâu lắng của anh. Nếu một ai đó có những trải nghiệm về thánh giá đời mình giống như anh thì thật ý nghĩa biết bao! Lúc ấy, ngày lễ suy tôn thánh giá không chỉ dừng lại ở những nghi thức phụng vụ, những ý nghĩa cao siêu. Nhưng ngày lễ hôm nay đã gắn liền với những cảm thức đời thường của mỗi Kitô hữu chúng ta. Bởi vậy, Chúa Giêsu đã nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28). Vậy, làm thế nào để chấp nhận phó thác cuộc đời dấn bước theo con đường thánh giá Chúa đã đi qua?
Làm thế nào để chấp nhận vác thánh giá theo Chúa Giêsu?
Chúa Giêsu nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình” (Mt 16,24). Điều kiện Chúa Giêsu đưa ra thật không dễ tí nào. Bởi lẽ, con người thường muốn được chứ không muốn mất. Muốn thu tích chứ không muốn cho đi. Muốn đón nhận chứ không thích từ bỏ. Hơn nữa, từ bỏ tiền bạc, tình cảm, danh vọng, lợi lộc trần thế đã khó, từ bỏ chính bản thân mình lại còn khó hơn. Vì thế, chọn Chúa Giêsu là chọn con đường thánh giá. Con đường lên đỉnh đồi Gôn-gô-ta. Con đường của tình yêu.
Bạn thân mến, chuyện kể rằng: Có một người thanh niên than thở với Chúa sao Chúa để thánh giá đời anh nặng nề quá. Chúa cho anh chọn lại thánh giá đời mình. Ngài dẫn anh vào một căn phòng có hàng triệu cây thánh giá. Anh được quyền lựa chọn. Sau một hồi nhìn ngắm, cân nhắc, anh cũng đã chọn cho mình cây thánh giá rất nhẹ. Chúa nói với anh rằng: “Con à, đó là cây thánh giá mà con đã mang từ hồi xưa tới giờ đó. Và đó cũng là cây thánh giá nhẹ nhất mà Ta đã chọn cho đời con”. Anh ta mới bắt đầu sám hối và cảm tạ tình thương của Chúa đã dành cho đời mình.
Ước gì, chúng ta cũng biết sám hối và cất lên lời cảm tạ Chúa Giêsu mỗi lần cúi mình và nhìn lên thánh giá Chúa Giêsu. Ước gì ngày lễ suy tôn thánh giá Chúa Giêsu đọng lại nơi tận sâu thẳm tâm hồn chúng ta những cảm thức đức tin về tình Chúa và tình người.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm