Cảm nhận từ Phatima
“Năm xưa trên cây sồi, làng Phatima xa xôi…”: có lẽ hầu hết người tín hữu công giáo Việt Nam đều biết đến bài thánh ca quen thuộc này. Mặc dù đa số người dân Việt không có điều kiện hành hương đến Phatima, linh địa này vẫn rất thân thương và gần gũi với họ. Nơi đây, Mẹ Thiên Chúa đã đến viếng thăm các con cái của Mẹ đang đau khổ vì chiến tranh tàn khốc. Những năm đầu của thế kỷ trước, các quốc gia châu Âu kinh hoàng trước cuộc đại chiến thế giới 1914-1918. Máu chảy, đầu rơi, xác người chất thành đống. Cuộc sống thật bấp bênh, mịt mù, không có ngày mai. Trong bối cảnh bi đát đó, Đức Mẹ đã đến can thiệp. Sứ điệp đầu tiên mà Đức Mẹ nhắn gửi với ba trẻ mục đồng, đó là mời gọi cầu nguyện: “Các con hãy cầu nguyện! Hãy cầu nguyện thật nhiều!”. Ngày 19-8-1917, Đức Mẹ còn đề nghị: “Hãy hy sinh nhiều để xin ơn tha thứ cho các tội nhân. Có rất nhiều linh hồn đang sa xuống hỏa ngục, vì không có ai hy sinh đền tội và cầu nguyện cho họ”.
Từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1917, Đức Mẹ hiện ra vào những ngày 13 mỗi tháng (trừ tháng 8, Đức Mẹ không hiện ra vào ngày 13, vì ba trẻ mục đồng bị bắt giam, nhưng Mẹ hiện ra vào ngày 19-8, sau khi các em đã được tha). Số lượng người đến cầu nguyện ngày một thêm đông. Lần cuối cùng hiện ra vào ngày 13-10-1917, một phép lạ hùng vĩ xảy ra như chính Mẹ đã hứa trước đó: trước đám đông không thể đếm xuể, mặt trời nhảy múa trên không trung. Những người có mặt lúc đầu lo sợ vì họ nghĩ ngày tận thế đã đến, sau đó họ vui mừng và quỳ gối lần hạt, nhiều người ăn năn khóc lóc sám hối tội lỗi của mình.
Từ Phatima, Mẹ đã truyền đi thông điệp cho cả thế giới, như một điều kiện khẩn thiết để thế giới được hòa bình: “Hãy siêng năng lần hạt; hãy cải thiện đời sống; hãy tôn sùng Trái Tim Mẹ”.
Chiến tranh thế giới kết thúc tháng 11-1918. Người ta tin chắc đó là do quyền năng của Đức Mẹ. Đất nước Bồ Đào Nha và Châu Âu được hòa bình. Phatima từ đó đã trở nên điểm hành hương quốc tế, mỗi ngày đón tiếp hàng ngàn tín hữu đến cầu nguyện.
Đến Phatima vào tháng Năm, tháng của Đức Mẹ, ta mới thấy được lòng yêu mến Đức Mẹ của các tín hữu công giáo bốn phương. Từng đoàn người tấp nập về đây, già trẻ, nam nữ, da trắng da vàng da đen, đủ mọi ngôn ngữ, mọi sắc tộc. Tại Phatima, hình ảnh một Giáo hội hoàn vũ và một Giáo hội cầu nguyện được thể hiện đậm nét. Như các tông đồ ngày xưa đã cầu nguyện quây quần xung quanh Đức Mẹ trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần ngự đến, nơi đây, xung quanh tượng đài tại chính nơi Đức Mẹ đã hiện ra, mỗi ngày có hàng ngàn hàng vạn người đến để cầu nguyện. Họ đến để xin ơn đức tin, xin ơn bình an trong cuộc sống. Có nhiều bệnh nhân đến với nơi này, và khi trở về họ được thêm nghị lực và sức mạnh. Nơi đây, Đức Mẹ đã lau khô bao dòng lệ đau thương để thay vào đó là những nụ cười hạnh phúc. Mẹ đã nâng đỡ bao mảnh đời đau khổ thất vọng, giúp họ lấy lại niềm tin và nghị lực trong hành trình cuộc đời.
Cuộc rước Đức Mẹ đêm thứ Bảy, 4-5-2013 thật long trọng và cảm động. Trước cuộc rước là nghi thức lần hạt Mân Côi. Kinh Kính mừng được xướng lên bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, mỗi thứ tiếng được đọc 5 kinh. Thật cảm động và ấm lòng khi nghe lời kinh “Kính mừng Maria…” bằng ngôn ngữ Việt Nam được đọc lên nơi xa xôi này. Năm kinh Kính mừng như năm bông hồng trồng từ đất Việt, trên mảnh đất khô cằn nghèo nàn, được đem về đây dâng kính Mẹ thay cho tiếng nói từ trái tim của bảy triệu tín hữu công giáo. Những người con dân Việt tôn vinh Đức Mẹ là “Nữ Vương nước Việt Nam” với tâm tình thân thương trìu mến. Quả vậy, dân tộc Việt Nam rất trọng đạo hiếu. Hình ảnh người mẹ rất đậm nét trong nền văn hóa Việt Nam, rất thân thương trong tâm khảm của mỗi người. Vì thế mà người công giáo Việt Nam rất yêu mến Đức Mẹ. Lòng tôn kính Đức Mẹ không chỉ là một thứ tình cảm đơn thuần, mà còn kèm theo lòng cậy trông, niềm xác tín nơi quyền năng của Mẹ, vì Mẹ là “Đấng phù hộ các tín hữu”. Trong đoàn rước này, ước tính có tới trên mười ngàn người tham dự. Trong màn đêm còn giá lạnh trong tiết mùa xuân, một rừng nến lung linh làm rực sáng trời đêm, tượng trưng cho ngọn lửa yêu mến xuất phát từ những trái tim nồng cháy của các tín hữu. Tất cả những người tham dự đoàn rước, dù khác biệt về chủng tộc nguồn gốc, đến đây đều thấy như anh em một nhà, bởi vì họ chỉ có một người mẹ, đó là Đức Trinh nữ Maria. Trong đoàn rước, có sự hiện diện của 40 linh mục Việt Nam đang du học tại châu Âu. Lời kinh của họ hòa quyện với lời cầu nguyện và tâm tình của những con cái Mẹ đến từ khắp nơi trên thế giới. Trước đó, vào lúc 6 giớ 30 phút sáng thứ Bảy, các linh mục Việt Nam đã đồng tế thánh lễ ngay tại nơi Đức Mẹ hiện ra. Thánh lễ được dâng với ý chỉ cầu nguyện cho Quê hương và Giáo hội Việt Nam. Xin cho Giáo hội được thăng tiến trong đời sống đức tin, xin cho Quê hương Việt Nam được thanh bình và hạnh phúc. Xin cho những người đau khổ tinh thần và thể xác được ơn Chúa nâng đỡ nhờ lời cầu bầu của Mẹ Phatima. Qua những bài thánh ca và lời cầu nguyện bằng tiếng Việt, Quê hương Việt Nam thực sự đang hiện diện tại nơi linh thiêng này.
Địa danh Phatima nói lên ước vọng hòa bình của cả nhân loại. Bên cạnh Vương cung Thánh đường, khách hành hương còn được thấy một mảng lớn của bức tường Bá-linh. Người ta gọi đó là “bức tường ô nhục” vì nó được xây nên để phân cách nước Đức, chia ra thành Đông Đức và Tây Đức, làm cho anh em một nhà phải xa nhau. Bức tường ấy đã bị phá đổ ngày 9-11-1989 và một mảng tường lớn có chiều dài chừng 7m, chiều rộng chừng 2,2m được đưa về đây, như một lời tạ ơn Đức Mẹ và như lời kêu gọi hãy phá bỏ những hàng rào ngăn cách giữa các dân tộc, các quốc gia, xây dựng và củng cố hòa bình.
Phatima cũng gợi lại cho chúng ta những bằng chứng về tình thương của Thiên Chúa qua lời cầu bầu của Đức Mẹ. Ngày 13-5-1981, Đức Gioan Phaolô II bị ám sát tại quảng trường đền thờ Thánh Phêrô. Chính Đức Mẹ đã cứu sống Ngài, mặc dù vết thương rất nặng và nguy cấp. Để tạ ơn Đức Mẹ, vị Giáo hoàng người Ba Lan đã muốn gắn viên đạn sát thương Ngài trên vương miện của Đức Mẹ tại Trung tâm Hành hương Phatima, cùng với một bông hồng bằng vàng, để tỏ lòng yêu mến của vị Chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ đối với Mẹ Thiên Chúa. Sự hiện diện đông đảo không thể đếm xuể của khách hành hương cũng là một chứng từ sống động về những ơn lành Đức Mẹ đã ban cho những ai cậy trông Người.
Phatima còn gợi lại cho chúng ta một đời sống đơn sơ, đạo đức và khiêm nhường nhẫn nại. Những mục đồng đã được diễm phúc chiêm ngưỡng Đức Mẹ trước hết là những em bé đơn sơ, đó là Luxia, Giaxinta và Phanxicô. Mẹ đã dùng các em để gửi đi một thông điệp cho thế giới, đó là lời mời gọi hãy thiết tha cầu nguyện. Chính nhờ lời cầu nguyện mà mỗi chúng ta tìm được bình an cho bản thân và cho cộng đồng xã hội xung quanh chúng ta. Các trẻ mục đồng đã trung thành truyền đạt sứ điệp của Mẹ, mặc dù lúc đó, các em bị gây phiền nhiễu cả từ phía chính quyền lẫn giáo quyền.
Mỗi sự vật, mỗi bước đi tại nơi linh thiêng này đều gửi gắm đến chúng ta những lời nhắn nhủ của Mẹ. Đến với Phatima, chắc chắn chúng ta sẽ chẳng về không, vì Đức Mẹ là Mẹ nhân từ. Mẹ sẽ theo sát chúng ta trên mọi nẻo đường đời để nâng đỡ phù trợ ta. “Năm xưa trên cây sồi, làng Phatima xa xôi…”. Phatima xa xôi mà lại gần gũi lạ thường, vì Đức Mẹ Phatima đang ở bên ta mỗi ngày.
Phatima, Chúa nhật, 5-5-2013
(Nguồn: WHĐ)
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm