Cảm nhận về đôi bàn tay & Mùa Chay 2012
WGPSG -- Người ta kể lại câu chuyện như sau: Một cậu bé đang bơi trên một con sông thì bị một con cá sấu đuổi theo mà cậu bé không hay biết gì. Lúc ấy, mẹ cậu bé ở trong nhà nhìn qua cửa sổ. Bà hoảng hốt. Thấy con mình đang gặp nguy hiểm, người mẹ chạy ra bờ sông kêu một tiếng thật to để gọi cậu bé bơi nhanh vào bờ. Thế nhưng, khi cậu bé vừa bơi vào tới bờ thì cũng là lúc con cá sấu đớp được chân cậu. Người mẹ chộp lấy cánh tay cậu bé và cất tiếng kêu cứu. Lúc đó, một người nông dân đi qua, vội vã lấy một chiếc gậy thật to để chiến đấu với con cá sấu. Cuối cùng, con cá sấu đành thả chân cậu bé ra, nhưng cậu bé đã bị thương.
Khi cậu đã bình phục, các phóng viên phỏng vấn cậu bé: Có phải vết sẹo ở chân sẽ làm cậu không bao giờ quên? Nhưng rồi cậu bé trả lời: “Không đâu, hãy nhìn tay cháu đã.” Thì ra trên tay áo của cậu là một vết sẹo thật to. Đó là vết sẹo thật sâu, với những cào xước rất đậm và kéo dài do móng tay của mẹ cậu. Đó là vết sẹo mà một người mẹ đã dồn tất cả sức lực và yêu thương để giữ lại đứa con trai yêu quý của bà. Cậu bé đã nói với phóng viên rằng: “Chính vết sẹo này cháu mới không bao giờ quên được! Và cháu tự hào về nó, tự hào vì mẹ cháu đã không chịu buông tay.”
Bạn thân mến,
Câu chuyện trên đây chắc hẳn gợi lên nơi tâm trí và cõi lòng mỗi Kitô hữu chúng ta những cảm xúc khó quên. Chúng ta thật cảm kích trước đôi bàn tay đầy nghị lực và trái tim đầy yêu thương của người mẹ dành cho đứa con của mình. Bởi vậy, một tác giả nào đó đã nói rằng: nếu có thể ví cái gì nơi con người giống Thiên Chúa nhất, thì đó chính là trái tim của người mẹ. Vâng, đôi bàn tay của người mẹ đã ẵm bồng, chăm sóc mỗi người trong chúng ta từ tuổi ấu thơ. Đôi bàn tay của mẹ đã vất vả giặt tã, giặt chăn chiếu mùng mền, giặt quần áo cho chúng ta. Đôi bàn tay của mẹ đã dẫn chúng ta đến trường trong ngày đầu tiên đi học. Đôi bàn tay của mẹ đã vỗ về cho ta những giấc ngủ say bên chiếc nôi nhỏ bé và tiếng ru ầu ơ… Thật vậy, cho dù có phải thử thách, đau khổ, có phải vất vả đến đâu thì đôi bàn tay của mẹ vẫn không chịu buông đôi bàn tay của chúng ta. Bởi vậy, nhạc sĩ Y Vân đã viết: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào.” Thật cảm động biết bao trước một cuộc đời và đôi bàn tay vất vả hy sinh của một người mẹ quê: chồng mất sớm vì bị ung thư, người mẹ ấy phải tần tảo nuôi ba đứa con trai ăn học thành tài. Có thể ví người mẹ ấy như một vị thánh giữa đời thường mà mấy ai biết tới?
Khởi đi từ đôi bàn tay yêu thương của mẹ, chúng ta liên tưởng đến những đôi bàn tay yêu thương trong cuộc sống hôm nay. Đó là đôi bàn tay gầy guộc của một người anh làm nghề đập đá để kiếm tiền lo cho đứa em trai ăn học. Đó là đôi bàn tay của một người con chăm sóc một người mẹ vừa trải qua một ca phẫu thuật nguy hiểm: đôi bàn tay pha sữa cho mẹ uống, mua cháo cho mẹ ăn, đôi bàn tay xoa bóp, đấm lưng cho mẹ bớt mệt mỏi và thấy dễ chịu hơn, đôi bàn tay lấy từng viên thuốc để cho mẹ uống… Vâng, đó là bàn tay thể hiện chữ “Hiếu” một cách cụ thể và cảm động biết bao. Đôi bàn tay ấy đã biết cảm thông với những vất vả hy sinh của cha mẹ: “Thương cha xuôi ngược giữa dòng, Mẹ yêu tất tả gánh gồng nuôi con.”
Đặc biệt hơn, trong mùa Chay Thánh 2012 này, chúng ta cảm nhận được những đôi bàn tay yêu thương nơi tha nhân và nơi Thiên Chúa. Cảm động biết bao trước đôi bàn tay của một người phụ nữ tốt bụng: ngày ngày đi vào bệnh viện tình nguyện chăm sóc cho những người bệnh nhân cô thế cô thân. Cảm động biết bao trước đôi bàn tay của những người phụ nữ xa quê vào thành phố sinh sống: Có người làm công nhân, làm “oshin” cho những gia đình đại gia, có người đi bán vé số, có người lượm rác, nhặt ve chai hay với đôi gánh hàng rong kiếm tiền lo cho chồng cho con ăn học ở quê nhà. Tất cả những đôi bàn tay ấy đều khởi đi từ một trái tim biết yêu thương làm cho cuộc đời trở nên ý nghĩa.
Hơn thế nữa, chúng ta thật cảm động trước đôi bàn tay của các linh mục: đôi bàn tay ấy hằng ngày cử hành Thánh lễ để cầu nguyện cho chúng ta, đôi bàn tay ấy đã cử hành bí tích Xức Dầu cho những bệnh nhân đang hấp hối, hay đôi bàn tay ấy dang rộng ra như muốn ôm vào lòng người mục tử đoàn chiên của ngài, nhất là những con chiên đi lạc, bệnh tật, yếu đau. Cảm động biết bao trước những đôi bàn tay hy sinh phục vụ của những nữ tu bác ái đang dấn thân ở các trại cùi, ở các viện dưỡng lão, các cô nhi viện hay ở các trường Tình Thương v.v… Phải chăng đó là những đôi bàn tay đi gieo những hạt giống Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô cho những mảnh đời bất hạnh, túng thiếu và cô đơn trong cuộc sống hôm nay? Phải chăng những đôi bàn tay yêu thương như thế trở thành dấu chỉ cho con người thời đại nhận thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời này?
Cuối cùng, chúng ta cùng hướng về đôi bàn tay của Thiên Chúa Tình Yêu trong mùa Chay Thánh 2012 này. Phải chăng đã nhiều lần trong cuộc sống, đôi bàn tay của Thiên Chúa đã chạm đến cuộc đời của chúng ta? Nếu đọc lại Tin Mừng, chúng ta nhận thấy đôi bàn tay của Chúa Giêsu đã chữa lành những người câm điếc, què quặt, đui mù và tội lỗi… Vâng, Chúa Giêsu đã cúi xuống thật sâu để chạm đến cuộc đời của chúng ta. Những lần chúng ta vấp ngã, đôi bàn tay của Chúa đã kéo chúng ta đứng lên. Những lần chúng ta tưởng chừng như sắp rơi vào vực thẳm của tuyệt vọng và bế tắc, nhưng bàn tay của Thiên Chúa đã “không chịu buông” tay chúng ta ra. Đôi bàn tay yêu thương nhiệm mầu của Thiên Chúa đã cứu vớt cuộc đời chúng ta. Thật vậy, đôi bàn tay của Chúa Giêsu đã ẵm và vác chúng ta -những con chiên lạc -trên vai của Ngài.
Vậy thì, phải chăng mùa Chay Thánh 2012 mời gọi nơi mỗi Kitô hữu chúng ta: hãy mở rộng đôi bàn tay để quan tâm, chia sẻ với những người bệnh tật, nghèo khổ và cô đơn trong cuộc sống này? Chúng ta có thể dùng đôi bàn tay để vất vả lao động lo cho gia đình, con cái. Chúng ta có thể dùng đôi bàn tay để cầu nguyện cho cha mẹ, anh chị em, cho người thân và cho những người nghèo khổ. Vì thế, đôi bàn tay trong mùa Chay Thánh 2012 là đôi bàn tay dấn thân phục vụ Giáo hội, phục vụ Chúa và phục vụ tất cả mọi người. Vậy, tôi và bạn cần phải làm gì để sống mùa Chay Thánh 2012 này với đôi bàn tay Chúa ban cho mỗi người chúng ta?
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm