Cảm tạ Chúa xót thương từ thân phận yếu hèn
Trong Năm Thánh Việt Nam hiện nay, nhiều gương sáng về thánh thiện đã được nêu lên. Gương sáng về đức tin, gương sáng về bác ái. Tất cả những gương sáng ấy đều được nhìn nhận là những tấm lòng dũng cảm làm chứng cho Thiên Chúa. Họ được tôn vinh trên bệ cao lộng lẫy oai hùng.
Bên cạnh những chứng nhận cao sang rực sáng đó, còn có những chứng nhân loại khác. Họ bé nhỏ, thầm lặng, nhiều khi sống chôn vùi. Họ cũng làm chứng cho Chúa, nhưng một cách khác. Không ở pháp trường, không ở chiến trường, nhưng ở đời thường, ngay trong thân phận yếu hèn của họ.
Dưới đây là vài chi tiết, họ xin được nói ra.
1/ Mình yếu đuối, mà vẫn được Chúa hoà nhập vào đời mình
Sự hoà nhập này của Chúa Kitô được thực hiện một cách hết sức quảng đại. Chúa hoà nhập vào đời người tội lỗi, để nhắc nhở họ hãy muốn điều lành và làm điều lành. Thực hiện nhắc nhớ đó là là chuyện khó khăn. Họ phải chiến đấu. Họ chiến đấu, Người cũng chiến đấu với họ.
Đôi lúc, sự hoà nhập như thế của Chúa đã gây tai tiếng cho Người. Nhưng Người đành chịu tai tiếng, để gần gũi thân phận con người tội lỗi. Tai tiếng đến nỗi Người bị coi như hiện thân của tội lỗi. Thánh Phaolô nói: “Đấng chẳng hề biết tội lỗi là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta được nên công chính trong Người” (2 Cr 5,21).
Hơn nữa, do sự hoà mình quảng đại của Người, Người đành chịu bị nguyền rủa, để chúng ta khỏi bị nguyền rủa. Thánh Phaolô quả quyết: “Đức Kitô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, khi vì chúng ta chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa” (Gl 3,13).
Như thế, Chúa Giêsu không tách rời khỏi họ, cho dù họ rất tội lỗi. Người hoà mình, Người mang vào mình những yếu đuối của người tội lỗi.
Kinh nghiệm trên đây đã làm cho họ tin tưởng vào Chúa và gắn bó với Chúa.
Họ càng tin và gắn bó với Chúa, khi họ thấy Chúa ở bên họ, để cảm thương những yếu hèn của họ.
2/ Mình yếu hèn, mà được Chúa cảm thương
Rất nhiều người đã trải qua một cuộc đời yếu đuối. Từ sai sót này đến lỗi lầm khác. Họ thấy mình đáng khinh, đáng trách. Nhưng chính những lúc tối tăm đó, họ cảm thấy Chúa Giêsu ở bên họ. Họ đang trong vực thẳm dơ bẩn, nhưng Chúa vẫn đến bên họ. Chúa chia sẻ những mệt mỏi ưu phiền của họ, đồng thời ban cho họ niềm hy vọng và can đảm để họ tích cực hợp tác vào ơn Chúa.
Họ nhận được sự cảm thương kín đáo ấy. Họ nhận ra lời Chúa dưới đây được thực hiện nơi họ: “Vị thượng tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta. Vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như chúng ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15).
Sự cảm thương của Chúa dành cho họ không làm cho họ ỷ lại, nhưng giúp họ nhìn rõ hơn thân phận yếu hèn của mình với một thái độ khiêm tốn. Nhất là khiêm tốn nhận ra ở sự cảm thương của Chúa một Đấng Cứu độ đầy tình xót thương. Tất cả đều là hồng ân Chúa. Hồng ân này dẫn tới một hồng ân khác, đó là đón nhận được sự Chúa thứ tha cứu độ.
3/ Mình sa ngã, nhưng được Chúa thứ tha cứu độ
Kinh nghiệm về thân phận yếu hèn được Chúa yêu thương sẽ như dòng nước thiêng tràn lên niềm vui chan chứa, khi người tội lỗi cảm thấy mình được Chúa thứ tha cứu độ.
Đáng lẽ họ phải bị trừng phạt, khai trừ, nhưng Chúa tha thứ cho họ, giải cứu họ, hơn nữa còn chia sẻ sự sống của Người cho họ và đổi mới họ.
Họ vui sướng, nhớ lại lời thánh Phaolô xưa: “Bẩm sinh chúng ta là những kẻ đáng phải chịu cơn thịnh nộ của Chúa, như những người khác. Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu thương chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ” (Ep 2,3-6).
“Do ân sủng Chúa” mà con người sa ngã của họ được trỗi dậy. Với lòng biết ơn, họ đón nhận ân sủng ấy. Họ cộng tác vào ân sủng đó.
Từ kinh nghiệm bản thân về lòng Chúa xót thương, họ sẽ dấn thân yêu thương phục vụ mọi người, như Chúa đã yêu thương họ.
4/ Mình nghèo hèn, nhưng vẫn được Chúa dùng để yêu thương phục vụ kẻ khác
Đời của họ là một chuỗi dài những kinh nghiệm về tình yêu thương xót Chúa. Từ đó, họ được Chúa sai đi, để yêu thương phục vụ kẻ khác, như Chúa đã yêu thương họ. “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
Họ biết mình không thể tự mình thực hiện được lời Chúa truyền dạy trên đây, nên họ gắn bó với Chúa, để nhờ vậy, mà yêu thương phục vụ của họ có thể sinh được kết quả tốt. “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, người ấy sẽ sinh được nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
Nhờ gắn bó mật thiết với Chúa, họ có thể đi xa trên đường yêu thương phục vụ như lời Chúa khuyên: “Nếu ai bị vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa. Nếu ai kiện anh em để lấy áo trong của anh em, thì hãy để cho họ lấy cả áo ngoài nữa” (Mt 5,39). Với lời Chúa dạy trên đây, họ hiểu yêu thương phục vụ theo gương Chúa đòi hỏi một sự từ bỏ mình quyết liệt.
***
Chia sẻ trên đây là chia sẻ về kinh nghiệm bản thân. Những người chia sẻ là những con người yếu đuối. Xin cảm tạ Chúa đã xót thương họ một cách đặc biệt.
Rất mong, ngày Chúa nhật mừng lễ Chúa giàu lòng thương xót, nhiều nhân chứng về lòng thương xót sẽ góp phần nhỏ vào Năm Thánh Việt Nam.
Chứng từ của họ sẽ là những kinh nghiệm sống động mang tính cách thời sự.
Tình yêu Chúa rực sáng nơi các người thánh thiện tinh tuyền và cũng sáng rực nơi bao người yếu đuối tội lỗi. Đó là một an ủi lớn lao tuyệt diệu.
Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm