Caritas Tổng Giáo phận TP.HCM: Hội thảo Phục hồi Chức năng cho trẻ bại não
WGPSG -- Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 trẻ sinh ra bị tổn thương não. Những trẻ này chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số trẻ khuyết tật và được xếp vào dạng khuyết tật về vận động. Y học khẳng định: những vùng não của trẻ đã bị tổn thương là không tiến triển. Hay nói cách khác: các khiếm khuyết của trẻ là không thể phục hồi nhưng cũng không trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, những vùng não hay những chức năng không bị ảnh hưởng thì phát triển hoàn toàn như một trẻ khoẻ mạnh. Chính vì sự phát triển không đồng đều giữa những bộ phận, giữa những chức năng của trẻ làm cho cơ thể trẻ bị biến dạng. Từ đó, kéo theo sự suy giảm những chức năng còn lại – những chức năng hoàn toàn không bị khiếm khuyết do tổn thương não. Nhưng những nguy cơ này hoàn toàn có thể ngăn ngừa và khắc phục nếu trẻ được hỗ trợ duy trì, phục hồi sớm và đúng cách.
Để giúp cho gia đình và cộng đồng có cái nhìn chính xác hơn về bại não và những việc chúng ta có thể làm cho trẻ, Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn đã tổ chức hội thảo: “PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TRẺ BẠI NÃO DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG”. Với sự nối kết của các chuyên gia trong và ngoài nước về lĩnh vực trẻ bại não, buổi hội thảo đã được diễn ra vào sáng ngày 20 tháng 6 năm 2015 tại Toà Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn.
Chương trình đã quy tụ gần 80 tham dự viên là những nhân viên trong các trung tâm, những bậc phụ huynh của trẻ bại não và những người quan tâm về trẻ bại não. Đây là một con số có tính khích lệ cho Ban Tổ chức vì nó cho thấy những vấn đề của trẻ bại não đang được quan tâm bởi nhiều thành phần trong Tổng Giáo phận.
Hội thảo được bắt đầu bằng lời mời gọi chung tay vì trẻ em bất hạnh của Cha Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng – Giám đốc Caritas. Cha chia sẻ: “Tất cả mọi người chúng ta được mời gọi kết hiệp với nhau, mỗi người đều nhận biết rằng, Caritas không chỉ có trách nhiệm chăm sóc cho người có hoàn cảnh kém may mắn, cho các trẻ bại não, đồng thời cũng có trách nhiệm nối kết nhiều tâm hồn, nhiều trái tim quảng đại, quan tâm đến với những anh chị em đang trong hoàn cảnh khó khăn, để cùng chia sẻ sự khó khăn của tất cả anh chị em đó”. Đây không chỉ là sứ mạng của những ai là thành viên Caritas mà còn là của tất cả Kitô hữu chúng ta.
Về phần chuyên môn, buổi hội thảo đã trình bày về 3 lĩnh vực cần thiết trong phục hồi chức năng trẻ bại não. Đó là Vận động trị liệu, Hoạt động trị liệu và Phẫu thuật chỉnh hình nhi.
Giảng viên Nguyễn Ánh Chí – Trưởng Bộ môn Vật lý trị liệu, Đại học Y Dược TP.HCM là thuyết trình viên trình bày đầu tiên trong buổi hội thảo. Cô trao đổi về Vật động trị liệu trong phục hồi chức năng cho trẻ bại não dựa cộng đồng. Cô quả quyết: “Chúng ta không thể phục hồi phần tế bào não của trẻ bị tổn thương, nhưng chúng ta phải biết rằng ngoài phần bị tổn thương đó, thì còn biết bao tế bào khác tuy có bị ảnh hưởng, nhưng không hề bị khiếm khuyết và cần được hỗ trợ phục hồi càng sớm càng tốt”.
Trong những trường hợp đặc biệt, việc phục hồi chức năng cần đến sự can thiệp của phẫu thuật chỉnh hình. Để giúp cho tham dự viên có nhận thức đúng về những tác động của phẫu thuật chỉnh hình trên trẻ bại não, bác sĩ Phạm Thế Hiển – Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã có phần phân tích khá thực tế. Bác sĩ cho biết những vùng não bị tổn thương của trẻ khiến cho một phần thân thể trẻ không hoạt động bình thường. Mỗi trẻ có một kiểu co cơ, co gân khác nhau. Chính sự chênh lệch về mức độ phát triển giữa những nhóm cơ, gân được điều khiển bởi vùng não bị tổn thương và những nhóm cơ, gân còn lại dẫn đến sự biến dạng trong các khớp của trẻ. Và mỗi một trẻ là một quá trình điều trị khác nhau. Phẫu thuật chỉnh hình sẽ can thiệp khi thấy cần thiết và chỉ phát huy được tác dụng tối đa khi kết hợp chặt chẽ với tập luyện vật lý trị liệu. Điều này khẳng định: sự rèn luyện của gia đình mới là nhân tố chính tạo nên sự thay đổi và tiến bộ của trẻ.
Hầu hết các trẻ bại não đều gặp rất nhiều những khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Cha mẹ hay những người chăm sóc trẻ tại trung tâm thường chấp nhận rằng: trẻ không thể làm được. Nhưng qua phần trình bày của 2 chuyên gia Hoạt động trị liệu đến từ Tổ chức Butterfly Basket, Hà Lan – Cô Angelique và Cô Sylvie, tham dự viên đã có cái nhìn tích cực hơn. Cô Angelique đã minh hoạ: “Trẻ bại não như một thành phố bị cúp điện, nhưng không phải là cúp hết, mà vẫn còn những nơi có ánh sáng mang lại hy vọng.”. Đồng thời, Cô Sylvie đã giới thiệu một dụng cụ giúp cha mẹ hỗ trợ trẻ trong sinh hoạt hằng ngày đó là bộ sách Hoạt động trị liệu cho trẻ khuyết tật do chính Tổ chức Butterfly Basket biên soạn và hướng dẫn. Trong tương lai, bộ công cụ này sẽ được tập huấn cho gia đình, cho nhân viên chăm sóc trẻ và những cộng tác viên của Caritas trong dự án PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TRẺ BẠI NÃO DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG.
Sau hơn hai tiếng lắng nghe các giảng viên thuyết trình, các tham dự viên đã đưa ra những câu hỏi thắc mắc thực tế và cụ thể về trẻ như: những câu hỏi sâu xa về bệnh trạng, những câu đơn giản về cách chăm sóc trẻ. Tất cả đã được các thuyết trình viên giải đáp tận tình.
Ngoài ra, những tham dự viên là những người tình nguyện viên cũng đưa ra những thắc mắc về tiêu chuẩn trở thành cộng tác viên của dự án. Trả lời thắc mắc này, cha Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng và bác sĩ Phạm Thế Hiển đã khái quát tiến trình hình thành của dự án trong 1 năm vừa qua. Đồng thời, cũng nêu rõ vai trò của cộng tác viên là đi thật, làm thật và hỗ trợ có kết quả. Vì vậy, cộng tác viên phải trải qua kỳ tuyển chọn để tìm kiếm những người phù hợp nhất với dự án. Trong năm nay, vào ngày 27 và 28 tháng 6, dự án sẽ tổ chức tiếp xúc và tuyển mộ tình nguyện viên để tiến hành đào tạo trong 3 lĩnh vực:
- Vận động trị liệu: những người có sức khoẻ để tập luyện và hướng dẫn gia đình tập luyện những bài tập vận động cho trẻ.
- Hoạt động trị liệu: những người có sự chu đáo để hướng dẫn gia đình hỗ trợ trẻ tự phục vụ chính mình trong sinh hoạt hằng ngày.
- Dụng cụ thích nghi: những người có tay nghề trong ngành mộc, tiện, hàn, may vá, thêu đan…
Tất cả cộng tác viên đều được tập huấn trước và trong khi đi đến cộng đồng một cách bài bản.
Caritas Tổng Giáo phận tin rằng với tình yêu và bằng khoa học, cuộc sống của trẻ bại não sẽ có thay đổi tích cực hơn, sự bất hạnh của gia đình sẽ được xoa dịu. Và để đạt được mong ước đó, Caritas cần sự nối kết của tất cả những người hữu tâm, từ các chuyên gia cho đến những tình nguyện viên, từ gia đình cho đến cộng đồng chung tay vì sự phục hồi của trẻ bại não.
“Phần não bị tổn thương là không thay đổi và không thể tiến bộ. Nhưng những tác động theo thời gian có thể thay đổi tốt lên hoặc tồi tệ đi.” Xin để câu này làm chú thích cho 1 tấm hình.
bài liên quan mới nhất
- Thư ngỏ về việc tổ chức Ngày Thế giới Người nghèo 2020
-
Phóng sự: Caritas Việt Nam đồng hành cùng người khuyết tật -
Caritas Việt Nam: Tập huấn “di cư an toàn và phòng tránh buôn người” -
Tin mừng cho người khuyết tật -
Thư ngỏ của Hội Saint Lucas và Caritas Việt Nam -
Caritas Việt Nam: Ngày thứ III – Bế Mạc Hội Nghị 2019 -
Caritas Việt Nam: Khai mạc Hội nghị Thường niên 2019 -
Caritas Việt Nam: Bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta -
Caritas Việt Nam: Gieo niềm hy vọng -
Caritas Việt Nam: Phóng sự Caritas Việt Nam đồng hành cùng sự nghiệp trồng người
bài liên quan đọc nhiều
- Caritas Việt Nam: Khai mạc Hội nghị Thường niên 2019
-
Đêm nhạc gây quỹ 'Nhịp cầu Caritas 6' -
Caritas Việt Nam: Thư ngỏ chương trình Nhịp Tim Yêu Thương -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn tĩnh tâm Mùa Chay -
Caritas TGP. Sài Gòn trao tặng xe lăn, xe lắc cho người già, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn -
Tin mừng cho người khuyết tật -
Thư ngỏ của Hội Saint Lucas và Caritas Việt Nam -
Thư ngỏ về việc tổ chức Ngày Thế giới Người nghèo 2020 -
Caritas Việt Nam: Gieo niềm hy vọng -
Caritas Việt Nam: Tập huấn “di cư an toàn và phòng tránh buôn người”