Câu hỏi duy nhất quan trọng
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 12 Thường Niên năm C
WGPSG / ZENIT -- TORONTO, 15.6.2010 -- Nửa đoạn sau của Tin Mừng Thánh Luca là một cuộc hành hương vĩ đại tiến về Giêrusalem, thành phố định mệnh. Đối với Thánh Luca, cuộc hành trình của Kitô hữu là một con đường hân hoan được chiếu sáng bởi ân sủng của Đấng Cứu Độ thế gian.
Dọc đường, Đức Giêsu hỏi các môn đệ một câu rất quan trọng. “Anh em nói Thầy là ai?” cũng là câu hỏi được đặt ra cho mỗi môn đệ trong mỗi thời đại. Từ lúc này trở đi trong tin Tin Mừng, Đức Giêsu ở trên đường đi lên Thập Tự. Mỗi điều Ngài nói và làm đều là một bước tiến lên Golgotha – nơi mà Ngài sẽ minh chứng sự vâng phục trọn hảo, tình yêu trọn hảo và bỏ mình trọn vẹn.
Biến cố trong Tin Mừng hôm nay (Luca 9: 18-24) dựa trên Tin Mừng của Thánh Máccô 8:27-33, nhưng Thánh Luca bỏ đi lời Phêrô từ chối chấp nhận Đức Giêsu như một Con Người đau khổ, và việc Đức Giêsu quở trách Phêrô (Máccô 8:33). Ở chỗ khác trong Tin Mừng của mình, Thánh Luca làm ‘mềm mại’ lại chân dung ‘thô nhám’ của Thánh Phêrô và các tông đồ khác, đã từng được ghi lại trong nguồn của Maccô (Luca 22:39-46), và tương tự như thế, trong Luca cũng thiếu việc Chúa quở trách Phêrô, mà Máccô đã từng thuật lại ở 14:37- 38.
Các môn đệ liệt kê một loạt những nhãn hiệu mà người ta gán cho Đức Giêsu. Và những danh xưng này bộc lộ tất cả những gì người ta đang mong đợi nơi Ngài. Một số người cho Ngài là một Êlia, hoạt động đối đầu với các thế lực đang có. Một số người cho rằng Ngài là một trong những ngôn sứ thời xa xưa.
Khi Đức Giêsu hỏi các môn đệ: họ quan niệm Ngài là ai, Ngài hỏi người ta nói sao về Ngài. Họ nhìn việc làm của Ngài như thế nào? Ngài là ai trong tâm hồn họ? Có lẽ bị giật mình trước câu hỏi này, các môn đệ moi trong ký ức những nhận xét nghe thấy, vớ lấy những mẩu đối thoại chia sẻ, các ý kiến đồn thổi trong những thị trấn đánh cá của vùng biển hồ. Bản thân Đức Giêsu cũng biết những điều này. Các câu trả lời của các môn đệ khác nhau, giống như câu trả lời của mỗi người chúng ta ngày nay khi Đức Giêsu, qua miệng người khác, hỏi chúng ta cũng câu hỏi này, nhưng với mức độ thường xuyên và mạnh mẽ hơn.
Khái niệm về “Đấng Mêsia” trong Do Thái giáo
Không có một khái niệm đơn thuần nào về “Đấng Mêsia” trong Do Thái giáo. Ý tưởng: Đấng Mêsia là người được xức dầu như một vị Vua lý tưởng thuộc dòng dõi vua Đavít, là ý tưởng được biết đến sớm nhất. Nhưng trong thời Macabê (khoảng năm 163 – 63 trước Công Nguyên) các di chúc của 12 tổ phụ, các tài liệu được bảo tồn tại Hy Lạp, cung cấp cho chúng ta chứng cớ niềm tin về một Đấng Mêsia đến từ chi tộc Lêvi, mà dòng họ Macabê thuộc về chi tộc này. Các Cảo bản Biển Chết chứa đựng nhiều ý tưởng khác nhau: một Đấng Mêsia tư tế và Đấng Mêsia (giáo dân) của Israel (1Qsa); một ngôn sứ như Môsê (Đệ Nhị Luật 18:18-19) cũng là một ngôi sao từ Gia cóp (Dân số 23:15-17) (4Q175); nhưng cũng là Đấng Mêsia thuộc dòng dõi Đa Vít. Menkisêđê cũng là một vị cứu tinh nhưng không được gọi là Đấng Mêsia (11QMelch).
Công bố Đức Giêsu là Đấng Mêsia là một phát biểu nguy hiểm. Đó là tất cả những gì kẻ thù của Đức Giêsu dùng để chống lại Ngài, và đã có nhiều người sẵn sàng chiêu mộ thuộc hạ dưới lá cờ của một người giả hiệu hoàng tộc. Nhưng còn hơn thế nữa, một vai trò như thế không phải là định mệnh của Đức Giêsu. Ngài sẽ không là và không thể là Đấng Mêsia quân phiệt hay chính trị.
Nhận diện Đức Giêsu hôm nay
Ngày nay, cuộc đấu tranh để nhận diện Đức Giêsu và vai trò của Ngài như là Đấng Mêsia vẫn còn tiếp tục. Có người nói: cá nhân Kitô hữu và toàn thể Giáo Hội phải có dung mạo của Êlia, đối đấu với những những hệ thống, những thể chế, những chính sách quốc gia. Đó là cách Êlia nhìn về trách vụ của mình. Chúng ta chỉ cần đọc chương đầu của Sách Các Vua (các chương từ 17 đến 21) để khẳng định điều này. Có người nói rằng, như Giêrêmia, lãnh địa của Đức Kitô, qua Hội Thánh của Ngài, chỉ nằm trong lãnh vực cá nhân riêng tư của cuộc sống. Thật ý nghĩa, Đức Giêsu thăm dò vượt hẳn cả hai và hỏi, “Phần anh em, anh em bảo Thầy là ai?”
Trong câu trả lời của Phêrô, “Thầy là Đấng Mêsia,” được thốt lên với tính mạnh mẽ tiêu biểu của ông, chúng ta nhận được một khái niệm liên quan đến cả hai ý tưởng trên và vượt xa chúng. Đấng Mêsia bước vào xã hội và đời sống cá nhân, một cách toàn diện, dung hòa sự khác biệt giữa chung và riêng. Phẩm chất câu trả lời của chúng ta cho câu hỏi này là tiêu chuẩn tốt nhất để đánh giá phẩm chất tông đồ của chúng ta. Hãy nhớ lại một số dữ kiện và sự thật về bối cảnh của Đức Giêsu, và sứ vụ trần thế chuẩn bị cho Kitô giáo trở thành một Giáo Hội trần thế đích thực:
1) Đức Giêsu sinh ra thuộc chi tộc Giuđa về mặt chính trị - không thuộc chi tộc tư tế Lêvi cũng không thuộc dòng dõi tư tế Sađốc. Đức Giêsu không phải là một nhà chính trị.
2) Đức Giêsu có cảm thức về chính trị. Sứ vụ trần thế không thể được đảm nhiệm một cách độc lập mà không có tác động hỗ tương nghiêm túc với chính trị.
3) Đức Giêsu cư trú tại Caphanaum nhiều hơn là ở trong sa mạc hoặc nơi một số làng mạc xa xôi. Trong thị trấn của Ngài dọc theo bờ Tây Bắc Biển Hồ Galilê, có một con đường chính, có những người thu thuế, và có các mối quan hệ với sĩ quan Rôma. Phần lớn thời gian Đức Giêsu ở nhà của ngài tại Caphanaum, chứ không phải tại Giêrusalem.
4) Đức Giêsu gắn bó với những người bệnh hoạn, những người hấp hối, những người tội lỗi và những người sống bên lề xã hội. Qua cuộc sống của Ngài, Đức Giêsu đưa công lý Kinh thánh vào thực tế khi rao giảng Tám Mối Phúc Thật. Công lý đích thực là sự gắn kết bản thân với người bệnh, người tàn tật, người nghèo và những người đói khổ. Nhưng Ngài cũng không quên những người khác. Ngài dùng bữa với người giàu cũng như với người nghèo và những người bị áp bức. Ngài dạy chúng ta tinh thần ấp ủ tất cả mọi người.
5) Đức Giêsu không rao giảng vương quốc chính trị của Đa Vít nhưng là Vương Quốc của Thiên Chúa. Ngài có khả năng lớn lao cuốn hút mọi sự và kết hợp mọi sự vào trong tầm nhìn Vương Quốc của Ngài. Trong cả cuộc đời – Ngài chỉ cố gắng hoàn tất những hy vọng của Israel.
Kết thành tấm khảm
Nếu bạn đã từng kết dệt một tấm khảm cổ, bạn hẳn đã biết công việc vất vả trong một cố gắng như thế. Trong các cuộc nghiên cứu Kinh Thánh của tôi tại Thánh Địa, tôi có tham gia vào vài chuyến đi khảo cổ liên quan đến việc khám phá những tấm khảm cổ. Từng mảnh nhỏ chắp lại với nhau thành một bức tranh. Tương tự, khi chúng ta cố gắng trả lời câu hỏi của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng của ngày hôm nay, “Nhưng anh em bảo Thầy là ai?” (Luca 9:20), chúng ta đươc mời gọi chắp lại với nhau thành một tấm khảm lộng lẫy.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu chỉ là Đấng Mêsia khi Ngài thí mạng cho người khác. Và tôi chỉ giống Đức Giêsu khi tôi hy sinh bản thân cho người khác. Căn tính của Đức Giêsu được nhìn thấy khi thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa. Thánh Luca áp dụng nguyên tắc này cho chúng ta là những môn đệ. Căn tính và mục đích thật sự của chúng ta được nhìn thấy trong việc ra khỏi bản thân mình. Đây là trọng trách hằng ngày: “Nếu ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình và vác Thập Giá hằng ngày mà theo Ta” (Luca 9:23). Nếu tôi đánh mất mạng sống mình vì Đức Kitô, tôi sẽ tìm lại được nó!
Ghi nhớ biến cố Tor Vergata 2000
Một trong những suy tư mạnh mẽ và đáng nhớ nhất về căn tính Đức Giêsu đã xảy ra vào đêm ngày 19 tháng 8 năm 2000 trong buổi kinh tối tại Tor Vergata ở ven đô Rôma trong ngày Ngày Quốc tế Giới trẻ của Năm Toàn Xá. Tôi sẽ không bao giờ quên được đêm nóng bỏng đó, khi bầu khí im lặng bao trùm đám đông hơn một triệu thanh niên, lúc Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hỏi họ câu hỏi duy nhất quan trọng: “Các con bảo Thầy là ai?”
Vị Giáo Hoàng cao niên nói chuyện với các bạn trẻ bằng những lời vang lên qua quang cảnh giống như cảnh khải huyền trước mặt Ngài: “Đâu là ý nghĩa của cuộc đối thoại này? Tại sao Đức Giêsu muốn biết người ta nghĩ sao về Ngài? Tại sao Đức Giêsu muốn biết các môn đệ nghĩ sao về Ngài? Đức Giêsu muốn các môn đệ ý thức điều tiềm ẩn trong tâm trí họ và lên tiếng cho sự xác tín này. Dầu vậy, đồng thời Ngài biết rằng ý kiến mà họ trình bày sẽ không đơn thuần là của họ, vì nó sẽ bày tỏ điều Thiên Chúa tuôn đổ trong lòng họ qua ân sủng đức tin.”
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Đây là điều mà đức tin muốn nói! Đó chính là sự đáp trả của con người có lý trí và tự do trước lời Thiên Chúa hằng sống. Những câu hỏi mà Đức Giêsu nêu lên, những câu trả lời của các tông đồ, và cuối cùng câu trả lời của Simon Phêrô, là một hình thức khảo sát sự trưởng thành đức tin của những người gần gũi nhất với Đức Kitô.”
Chính là Đức Giêsu
Đức Giáo Hoàng nói tiếp: “Quả thật, đó chính là Đức Giêsu mà các con đang tìm kiếm khi các con mơ đến hạnh phúc; Ngài chờ đợi các con khi không có gì thỏa mãn được các con; Ngài là nét đẹp cuốn hút các con; đó chính là Đấng khơi gợi khiến các con khao khát sự hoàn hảo, một cơn khát không khoan nhượng; đó chính là Đấng thôi thúc các con cởi bỏ những mặt nạ của cuộc sống giả trá; đó chính là Đấng hiểu rõ những chọn lựa chân thật nhất trong tim các con, những chọn lựa mà những người khác đang cố gắng bưng bít. Đó chính là Giêsu, Đấng khuấy động các con ước muốn làm một điều gì đó vĩ đại bằng chính cuộc sống của các con, ý muốn đi theo một lý tưởng, từ chối sống đời tầm thường, can đảm dấn thân một cách khiêm tốn và kiên nhẫn để cải thiện bản thân và xã hội, làm cho thế giới ngày một người hơn và huynh đệ hơn.”
Ngài kết thúc bài diễn từ đáng nhớ này bằng những lời như sau: “Các bạn thân mến, vào lúc bình minh của Thiên niên kỷ thứ III, tôi thấy nơi các bạn “những lính canh hừng đông” (xem Is 21_11-12). Trong khi thế kỷ này qua đi, lớp người trẻ như các bạn được mời đến các cuộc họp mặt đông đúc để học hỏi cách thù hằn, họ được sai đi đánh nhau. Những phương pháp cứu tinh vô thần quái ác khác nhau thay thế niềm hy vọng Kitô giáo đã bộc lộ bộ mặt vô cùng khủng khiếp. Hôm nay các bạn tề tựu để tuyên bố rằng trong thế kỷ mới này, các bạn không để bản thân mình bị biến thành những khí cụ của bạo lực và hủy diệt; các bạn sẽ bảo vệ hòa bình, trả giá bằng chính bản thân nếu cần. Các bạn sẽ không cam chịu một thế giới mà nơi đó còn có người chết vì đói, thất học và không có việc làm. Các bạn sẽ bảo vệ cuộc sống triển nở trong từng giây phút; bằng hết sức mình các bạn sẽ cố gắng làm cho trái đất này đáng sống hơn cho tất cả mọi người.
Đức Giêsu là ai đối với chúng ta. Quả thật, đây là câu hỏi duy nhất thật sự có ý nghĩa.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm