Cây đổ
Blog WGPSG (6-4-2012) -- Bão! Đêm mịt mùng! Gió ào ào, mưa xối xả, ngói bốc tung, cây đổ kềnh!
Bão lật gốc cây, quăng quật cây đổ: cây cổ thụ trăm năm tuổi đáng gọi bằng “ông”, cây trung niên bốn mươi năm mươi tuổi đời, cây thiếu nhi chỉ vài năm sinh trưởng… Cây to một người ôm không giáp vòng, cây nhơ nhỡ cũng tròn một vòng tay, cây con chỉ như cánh tay người… đều bị quật ngã, không phân biệt!
Mưa bão, gió giật làm cây nghiêng ngả, xiêu vẹo, trốc gốc! Mưa to gió lớn, theo lẽ tự nhiên, cây nào không bám chặt vào lòng đất mẹ tất sẽ ngã đổ!
Riêng có một loài cây đã vượt ra khỏi lẽ thường tình đó, dù cho bão tố của đất trời, hay ganh ghét của lòng người, cây vẫn hiên ngang vững vàng: THẬP GIÁ ĐỨC KITÔ!
Đóng đinh vào thập giá: Khổ hình mà người Rôma xưa kia dùng để xử án các tử tội. Tội nhân bị treo lên cao nhằm răn đe những người khác.
Nhằm răn đe người qua đường, nên thập giá hết được trồng xuống (với một người tử tội nằm trên mình) lại được nhổ lên, cất đi chờ dịp có một tử tội mới! Điệp khúc trồng xuống nhổ lên cứ thế tiếp diễn, cứ thế thể hiện sự đe nẹt, dọa nạt người ta!
Riêng thập giá Đức Kitô trải qua hai ngàn năm vẫn “ngất cao ở trên thế gian này”. Thập giá Đức Kitô đong đưa làm dáng trên đôi tai xinh! Thập giá Đức Kitô hãnh diện khoe mình trên chiếc cổ trắng ngần! Thập giá Đức Kitô hiên ngang vươn cao trên đỉnh tháp chuông, trên nóc nhà thờ! Thập giá Đức Kitô được tín đồ ghi trên thân thể như minh chứng cho một niềm tin giản dị nhưng mãnh liệt!
Điều gì làm nên khác biệt này?
Đó chính vì Đức Giêsu Kitô, Đấng là Tình Yêu đã ngự trên cây thập giá xưa.
Cây thập giá đặc biệt này vượt ra khỏi khuôn khổ của một hình thức trừng phạt và răn đe, để mặc lấy ý nghĩa mới: dấu chỉ của Tình Yêu!
Một khi thập giá mang lấy Con Thiên Chúa trên thân mình, thì thập giá đã trở nên Thánh Giá!
Thánh Giá vì lẽ Tình Yêu đã ngự trị trên thập giá, biến thập giá trở thành biểu tượng của ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban tặng cho loài người!
Tình Yêu là một điều rất thực vì lẽ không ai là không một lần cảm nghiệm được vị ngọt của tình yêu, nhưng Tình Yêu cũng là một khái niệm trừu tượng, đến nỗi nếu không có những cử chỉ, hành động, lời nói diễn tả tình yêu thì tình yêu mãi mãi lơ lửng, không nắm bắt được.
Tình Yêu nào đã được đặt trên Thánh Giá?
“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!” (Gioan 8,7), là lời Tình Yêu mạnh mẽ, dám lội ngược dòng với đám đông đang phẫn nộ muốn ném đá người phụ nữ ngoại tình để bảo vệ sự nghiêm minh của Lề luật! Sức mạnh Tình Yêu, sức mạnh của tha thứ và tái sinh một kiếp người đã trót nhúng chàm!
“Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.” (Luca 22,61), là Tình Yêu không lời, chỉ một ánh nhìn cảm thông với yếu đuối của phận người, để rồi “Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết” (Luca 22,62). Tình Yêu cảm thông và thức tỉnh người mê muội, lầm lỡ!
Từ lời dạy bảo: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.” (Luca 6,27-28), đến lời thực hành trong chính lúc đau khổ nhất: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Luca 23,34), là lời Tình Yêu ôm trọn cả kẻ thù nghịch trong trái tim mình. Lời Tình Yêu tha thứ và biện hộ cho kẻ làm hại mình!
Tình Yêu trải dài, thấm đẫm trong từng trang Tin Mừng. Tình Yêu cháy bỏng “Ta khát” (Gioan 19,28) của người muốn yêu và được yêu! Tình Yêu khao khát được trao hiến trọn vẹn khi “Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Gioan 19,30), “máu cùng nước chảy ra” (Gioan 19,34)!
Vâng, cây xanh có đổ, thập giá có bị nhổ đi, thì Thánh Giá vẫn mãi vươn cao, vững vàng trước mọi bão táp, chống đối và loại trừ! Bởi Thánh Giá được Tình Yêu ngự trị!
Quả thật, “nước lũ không dập tắt nổi Tình Yêu” (Diễm ca 8,7).
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm