Cha dạy tôi đánh cờ
WGPSG -- “Mã nhật, tượng điền, xe liền, pháo cách” là câu nói của Cha dạy tôi cách đi của những quân cờ khiến tôi nhớ mãi đến tận bây giờ, dù 25 năm đã trôi qua kể từ ngày đầu tiên tôi tập tễnh theo Cha học chơi cờ tướng.
Bài học nhập môn, Cha dạy tôi nhận diện và đặt các quân cờ đúng vị trí xuất phát trên bàn cờ tướng.
Tôi rất bỡ ngỡ trước những quân cờ hình tròn với những nét chữ loằng ngoằng trên mặt (sau này tôi mới biết đó là những chữ Trung Quốc, tên của từng quân cờ), tôi gặp rất nhiều khó khăn và vất vả để nhận diện và ghi nhớ tên gọi của chúng. Nào là xe, pháo, mã, tướng, sĩ, tượng, tốt… ôi thôi rất là khó nhớ! Trong ánh mắt của đứa trẻ lên 8, Cha như một thần tượng, tôi rất ngưỡng mộ trước kiến thức của Cha!
Gần một tuần lễ trôi qua mà tôi vẫn gọi sai tên một số quân cờ, thậm chí còn xếp sai chỗ của chúng. Cha không những không giận, không nản lòng trước sự chậm chạp của tôi, mà vẫn kiên nhẫn, ân cần và nhỏ nhẹ ngồi bên tôi cùng chơi một trò chơi.
Cha úp 32 quân cờ xuống bàn cờ, rồi cùng tôi thi thố xem khi lật cờ lên, ai ghi nhớ và gọi đúng, gọi nhanh tên nhiều quân cờ nhất. Rất nhiều lần tôi gọi sai tên của chúng, và kết quả tôi thường thua Cha. Tôi bắt đầu có dấu hiệu nản chí, không muốn tiếp tục học chơi một môn cờ quá khó như vậy nữa (chỉ việc gọi tên cờ mà đã khó đến thế, làm sao dám mơ trở thành một Đại Tướng điều binh khiển tướng tung hoàng ngang dọc khắp cõi sơn hà? Tôi nản là phải!).
Tôi muốn bỏ cuộc, nhưng Cha thì không! Cha kể chuyện về các danh tướng ngày xưa, oai phong lẫm liệt ngồi trên lưng chiến mã tung hoành khắp nơi, đánh đông dẹp bắc giữ yên bờ cõi, mang lại cảnh thái bình cho trăm họ. Cha nói: mỗi quân cờ là một chiến sĩ, chúng có tên gọi, có nhiệm vụ riêng, quan trọng và cần thiết cho một cuộc chiến, thiếu quân nào là sức mạnh của cả đội quân sẽ giảm sút ở vị trí đó ngay!
Lòng tôi như được khơi lại ngọn lửa của một thời oai hùng của các anh hùng dân tộc như Trần Quốc Toản, tuổi nhỏ nhưng chí chẳng nhỏ!
Tôi lại kiên trì ghi nhớ, nhận diện các quân cờ đầy bí ẩn! Sau một thời gian ngắn nữa, tôi cũng đã tự tin, tự hào khi có thể nhanh chóng “dàn quân” cách rất chuẩn xác, mà không cần nhờ đến sự trợ giúp của Cha.
Từ lúc đó, Cha lần lượt dạy tôi từng nước đi, từng thế cờ. Tôi say sưa bày binh bố trận:
Trận “Cường nỏ chi mạt”, nghĩa nôm na là nỏ mạnh bắn ra mũi tên uy lực lớn nhưng vì mục tiêu quá xa nên khi đến nơi cũng hết sức mạnh không tiêu diệt được mục tiêu.
Trận “Phá phủ trầm châu”, hiểu nôm na là đập vỡ cái nồi, nhấn chìm tàu thuyền.
Khi đang hứng chí tưởng tượng mình là một đại tướng đem ba quân đi chinh phạt đó đây, tìm kiếm chiến công oai hùng đáng lưu danh sử sách, Cha ngỏ lời thi đấu với tôi, với bản tính háo chiến háo thắng tôi đồng ý ngay!
Cha đã dạy cho một đứa trẻ non kinh nghiệm chiến đấu mà quá già lòng háo thắng như tôi, qua một chuỗi thất bại ê chề liên tục: tôi không hề thắng được Cha một ván cờ nào! Cha bảo: Làm tướng chỉ huy cần phải biết lúc nhu lúc cương, cần tìm hiểu sức mạnh của đối phương cũng như điểm yếu của họ, để biết lúc nào phải phòng thủ nghiêm mật, khi nào phải tấn công vũ bão, đừng bao giờ hấp tấp! Bài học Cha dạy, tôi không kịp tiếp thu, mà một lần nữa tôi lại rơi vào sự nản chí, nản lòng trước khó khăn, tôi muốn dừng sự nghiệp học chơi cờ, vì thua liên tục mà!
Cha lại áp dụng chiến thuật “giả thua” giúp tôi phấn chấn hơn khi thắng được Cha (người thầy dạy tôi chơi cờ) để khơi dậy trong tôi ngọn lửa đam mê luyện trí. Tôi lại tiếp tục hành trình học hỏi và tìm hiểu bộ môn cờ tướng.
Hình ảnh kiên trì, nhẫn nại của Cha giúp tôi liên tưởng đến một Người Cha khác, cao cả hơn, giỏi giang hơn, và cũng kiên trì, nhẫn nại với tôi hơn: Thiên Chúa!
Nếu Cha tôi biết dùng nhiều phương cách (khi dịu dàng, khi cương quyết, khi dụ khị, khi mạnh tay “đè bẹp” tính háo thắng của tôi) để dạy dỗ tôi từng chút từng chút một, dẫu rằng tôi không phải là đứa trẻ sáng trí và kiên nhẫn; thì Thiên Chúa còn hơn thế nữa: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1,1-2).
Thiên Chúa là một Người Cha đã kiên nhẫn suốt một thời gian rất ư lâu dài để huấn luyện nhân loại, dẫu rằng nhân loại luôn làm phiền lòng Cha của mình: bất trung, phản bội, lỗi ước quên thề!
Nhớ về Cha, người dạy tôi chơi cờ, tôi biết ơn Cha thật nhiều vì những bài học thuở ấu thơ, những bài học giúp tôi vững vàng hơn trong cuộc sống khi trưởng thành; tôi lại càng tri ân Cha Trời cao cả, quyền năng trên trời kia, vì Ngài thật vĩ đại, vinh hiển quá đỗi, vậy mà vẫn hạ mình xuống để dìu dắt tôi qua từng biến cố thăng trầm của lịch sử, từng bước ngoặt trên hành trình làm người!
Tôi thật hạnh phúc vì có đến hai Người Cha luôn yêu thương và chăm sóc tôi!
bài liên quan mới nhất
- Tình chị em
-
Uỷ ban Mục vụ Gia đình: Chào tiễn ĐGM Luy Nguyễn Anh Tuấn -
Năm “Gia đình Amoris Laetitia”: Học hỏi Phần I của Tông huấn -
Năm “Gia đình Amoris Laetitia”: Học hỏi phần Dẫn nhập của Tông huấn -
Để hôn nhân được tốt đẹp: Bí quyết 'Bàn Thạch' -
Chương trình Chuyên đề Giáo Dục: Giới thiệu Lời Kinh Đẹp Nhất Thiên Niên Kỷ -
Năm giai đoạn của tình yêu -
Đức Thánh Cha Phanxicô: Về hôn nhân đồng tính -
Chuyên đề: “Đồng hành với người trẻ trong gia đình” ngày 21-10-2020 -
Gia đình: Đại dương Lòng Thương Xót
bài liên quan đọc nhiều
- Phá thai & Quyền giải vạ tuyệt thông
-
Hôn nhân khác đạo -
Vấn đề "Chữ Hiếu" của giới trẻ ngày nay -
Giờ Kinh Chung Trong Gia Đình -
Nghệ thuật Giáo dục Con cái -
Uỷ ban Mục vụ Gia đình: Chào tiễn ĐGM Luy Nguyễn Anh Tuấn -
Năm giai đoạn của tình yêu -
Để hôn nhân được tốt đẹp: Bí quyết 'Bàn Thạch' -
Đức Thánh Cha Phanxicô: Về hôn nhân đồng tính -
Phóng sự: Báu vật Chúa ban