Cha mẹ bận gì suốt quãng đời thơ ấu của con
Nghĩ cũng phức tạp thật khi chúng ta làm cha mẹ mà bị con cái chúng trách móc hỏi câu: “Cha mẹ bận gì trong suốt quãng đời thơ ấu của con?”. Một câu hỏi mà cần bao nhiêu chục năm mới có thể giải thích và trả lời hết cho các con tôi được. Đó là chúng tôi đã cố gắng hết sức chăm lo đầy đủ cho các con. Trong suốt cuộc đời của chúng lớn lên và ngay cả bây giờ thì vợ chồng chúng tôi sắp xếp để luôn có mặt một người ở nhà, không đi làm để mà lo cho chúng; từng đứa một. Để được như vậy thì gia đình chúng tôi cũng sống trong vất vả và chật vật lắm! Vì trong xã hội của ngày nay gia đình muốn có cuộc sống vừa đủ xài thì phải cần cả hai cùng đi làm, cần hai đầu lương thì mới đủ để trang trải. Ai cũng xấc bấc xang bang, tần tảo, chạy xuôi chạy ngược, để có đủ chi phí mà thanh toán cho những món nợ hằng tháng. Nào là tiền nhà; tiền xe; bảo hiểm xe; tiền xăng, gas, điện, nước, điện thoại; tiền chợ; và mọi thứ vặt vẵn rất cần trong nhà phải có. Làm sao các con chúng tôi hiểu được những khó khăn cha mẹ phải đối phó hằng ngày?.
Đứa con gái lớn nhất nhà của chúng tôi, tuy đã 22 tuổi rồi nhưng còn sống chung dưới mái nhà của chúng tôi. Cháu còn đang đi học bán thời gian, và đi làm bán thời gian, thời giờ còn lại của cháu thường là đi giúp người và giúp đời ở những nơi cần thiện nguyện viên. Cháu lớn của chúng tôi tuy đi ra ngoài nhiều nhưng lại hướng nội, không thích sống riêng bên ngoài. Hình như cháu cũng rất hiểu, thông cảm, và rất thương cha mẹ. Cháu cũng rất biết so sánh giữa mình và các bạn bè cùng trang lứa. Hiểu được cháu rất hạnh phúc khi có cha mẹ lo cho cháu từng li từng tí; ngược lại cháu cũng rất thương và lo lằng cho hai em khi có thể. Phải nói thật đó là những cảm nghĩ của chúng tôi hiểu về cháu là như vậy! Nhưng cũng không hiểu cháu 100% cho được, vì cháu thường rất ít nói, và hay nén lòng. Buồn cha mẹ cách mấy cháu cũng chọn làm thinh mà nuốt cái giận chứ rất ít khi mà trách móc cha mẹ. Chỉ khi nào chúng tôi bước quá mức giới hạn mà cháu không chịu được mới nói ra và giải thích cho cha mẹ hiểu là cháu đã lớn khôn và tự lo liệu được. Lúc này là lúc mà cháu cần phải được nói ra và mong cha mẹ thông cảm để cho cháu chọn làm được những gì cháu muốn, cho tương lai của cháu. Cháu này thì thường trách cứ chúng tôi là ngăn cản chuyện cho cháu làm người lớn như câu: “ở nhà với cha mẹ biết ngày nào khôn?”. Chứ cháu có làm gì sai trái trong gia đình hay ngoài xã hội đâu!. Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng tôi cháu gái đầu tiên này!. Tuy đầu óc của cháu hơi chậm chạp trong vấn đề học vấn, nhưng bù lại Chúa đã ban cho cháu tánh tình thật dễ cảm mến đối với tất cả mọi người cháu gặp thường ngày. Từ già cho đến trẻ con, ai cũng dành cho cháu sự thương mến rất chân tình, vì đầu óc của cháu rất trong lành như một thiên thần vậy!. Cháu không biết đua đòi, ít tốn kém, không chải chuốt, không biết đòi một thứ gì cho mình mà phải dùng tiền của cha mẹ; vì cháu biết cha mẹ cũng chẳng có tiền. Ra ngoài thì cháu ăn mặc làm sao để cháu cảm thấy thoải mái và sống rất thật với lòng mình; ai chê cháu cũng chẳng cần; cháu chỉ cầu sống sao để làm mọi người được vui là cháu cảm thấy mãn nguyện rồi!.
Còn cháu thứ hai của chúng tôi có tánh tình mà ông bà mình thường nói là: “cha mẹ sanh con, Trời sanh tánh”. Có nghĩa tuy cháu có mặt trong nhà nhưng lại luôn hướng ngoại. Khi trường đại học nhận cháu và chính phủ cấp cho cháu học bổng là được nuôi ăn, học, và sống trong trường là cháu đòi được đi ngay. Vì có tánh hay hướng ngoại nên bất chấp những lời dậy dỗ có tính cách sống lành mạnh cho cháu thì cháu không thích nghe. Thích chính mình tự bay nhẩy và tự học lấy kinh nghiệm cho đời mình. Kết quả không được tốt đẹp cho mấy!. Trải qua bao nhiêu cuộc tình. Trải qua bao nhiêu kinh nghiệm đời mà trắng thì hiếm thấy chỉ thấy cuộc đời là một dải mây đen luôn đe dọa. Cũng chẳng phụ cha mẹ được gì dù cháu có đi làm bán thời gian như chị của nó. Khi cháu vui vẻ thì chẳng ai trong gia đình hưởng được gì của cháu, nhưng khi nó bị đời và người ăn hiếp thì cháu đem tất cả những rác rưởi ấy về nhà để đổ đầy trong nhà. Nhưng thưa anh chị em! Có phải làm cha mẹ thì cái lúc con cái chúng cần cái mái ấm gia đình thì chúng ta phải dơ hai bàn tay rộng mở ra mà đón nhận cháu hay không?. Trong thời gian cháu bất mãn với đời và với người, cháu đã thẳng tay đổ đầy lên cha mẹ những bất mãn mà cháu cảm nhận và đã lãnh nhận. Mà người mà cháu đổ thừa nhiều nhất là ba của cháu. Nào là ba thiếu trách nhiệm với cháu suốt quãng thời gian cháu lớn lên; có ý trách là không gần cháu; tuy mang tiếng có ở nhà mà như là không; và v.v.v…….
Có mấy gia đình mà có được một người ở nhà chăm sóc cho con cái?. Thưa đếm trên đầu ngón tay hoặc hoàn toàn là không. Bởi cuộc sống đã đòi hỏi chúng ta là thế!. Ba cháu thất nghiệp đã lâu mà vì lớn tuổi đã không có thể đi làm được nữa vì chẳng ai thèm mướn. Ông quay qua đi học tiếp cũng hy vọng có bằng cấp cao thì họ sẽ mướn; nhưng sau khi có bằng rồi thì cũng chẳng ai thèm mướn ông. Nhờ ông đi học mà đã giúp đỡ các cháu trong vấn đề học hành rất là nhiều vì ông đã lên trước và đã quá quen thuộc với những lớp học trên đại học. Trách nhiệm và trọng trách của người cha trong gia đình rất lớn là vì các ông phải đi làm kiếm tiền mà nuôi vợ nuôi con chứ!. Con tôi nó trách ba nó như thế thì hoàn toàn không đúng, bởi không người cha nào mà ở nhà để nuôi con hay bên cạnh con suốt 24 giờ đồng hồ được, mà không ở nơi công sở ít nhất 8 tiếng một ngày. Có người cha phải cầy một ngày đến hai việc (jobs); cuối tuần lại làm thêm giờ phụ trội (OT). Mà có phải chuyện cháu thích được sống ở riêng bên ngoài là sự lựa chọn của cháu? Chúng tôi phải chìu theo ý của cháu đấy chứ!. Nếu không mai sau cháu sẽ đổ thừa rằng vì chúng tôi mà cháu bị gián đoạn mọi thứ và tất cả đều đi sai không được theo chiều hướng của cháu muốn đi, vì chúng tôi đã cấm đoán cháu.
Thưa anh chị em! Người Mỹ họ nói như thế này: “ Rất ngu dại để được làm cha mẹ, vì không gì chúng ta làm mà con cái chúng không đổ thừa”. Rất đúng như thế! Nhưng không phải thế mà chúng ta không cố gắng từng ngày để dậy dỗ chúng. DẬY và DỖ là hai điều rất quan trọng chúng ta cần phải lưu ý, nhất là lối dậy kiểu VN. Vừa dậy mà vừa đánh là chúng ta đã phạm luật nhất là bên Âu Mỹ này!. Có rất nhiều phức tạp để chúng ta chạm trán với Luật Pháp, nhẹ là mất thời giờ của chúng ta ít nhất cũng mấy tháng trời đi học, nếu không có thể bị bắt nhốt và phạt tiền. Thứ hai chúng ta đã gieo trong đầu óc của con cái là chỉ có cách bạo hành như thế mới là lối đúng để dậy cho con cái chúng nghe và làm theo. Cái hại là chúng sẽ bắt chước y chang như thế để cư xử với gia đình của chúng sau này!. Có gì gọi là hay là đẹp khi con cái lớn lên chúng chỉ nhớ những hành vi xấu xa của cha mẹ dành cho chúng, mà không thù ghét cha mẹ của chúng chứ!?. Thật phải khi chúng ta đối xử với con cái của chúng ta một cách bạo tàn và hung dữ như vậy!. Nếu không đánh đập mà chỉ la hét, đập nhà đập cửa, chén bát nát tan, cũng tạo cho chúng sự khủng hoảng trong đầu cả một đời của chúng; thật tội nghiệp!.
Làm cha mẹ chúng ta phải luôn cố gắng tạo tình thân trong gia đình vì đó là mái ấm của tất cả chúng ta. Sự cố gắng ấy là làm cho mọi thành phần trong gia đình được nên tốt đẹp, trở thành người hữu dụng cho từng cá nhân, cho gia đình, và ngoài xã hội. Ít ai ra ngoài đời thành công, nếu trong gia đình đã và đang xào xáo. Ít người con nào mà thành công khi luôn công kích và cãi lời cha mẹ. Ngược lại cũng có ít cha mẹ không biết dậy dỗ con cái mà chúng lại thành công vì chúng biết gạn lọc những điều hay điều dở chúng học được từ người ngoài và bên ngoài. Dù gì đi chăng nữa! Không ai là tuyệt hảo cả! Chỉ được gọi là tuyệt hảo khi tất cả chúng ta biết nhận lỗi lầm và có thiện chí thay đổi để mọi người được sống trong thuận hòa, bình an, và vui vẻ. Biết thông cảm, chia sẻ, bỏ qua, và tha thứ, chín nhịn làm mười, luôn đứng cùng một khối, thì bảo đảm gia đình ấy luôn sống vững vàng trong những cơn bão tố và mất mát.
bài liên quan mới nhất
- Tình chị em
-
Uỷ ban Mục vụ Gia đình: Chào tiễn ĐGM Luy Nguyễn Anh Tuấn -
Năm “Gia đình Amoris Laetitia”: Học hỏi Phần I của Tông huấn -
Năm “Gia đình Amoris Laetitia”: Học hỏi phần Dẫn nhập của Tông huấn -
Để hôn nhân được tốt đẹp: Bí quyết 'Bàn Thạch' -
Chương trình Chuyên đề Giáo Dục: Giới thiệu Lời Kinh Đẹp Nhất Thiên Niên Kỷ -
Năm giai đoạn của tình yêu -
Đức Thánh Cha Phanxicô: Về hôn nhân đồng tính -
Chuyên đề: “Đồng hành với người trẻ trong gia đình” ngày 21-10-2020 -
Gia đình: Đại dương Lòng Thương Xót
bài liên quan đọc nhiều
- Phá thai & Quyền giải vạ tuyệt thông
-
Hôn nhân khác đạo -
Vấn đề "Chữ Hiếu" của giới trẻ ngày nay -
Giờ Kinh Chung Trong Gia Đình -
Nghệ thuật Giáo dục Con cái -
Uỷ ban Mục vụ Gia đình: Chào tiễn ĐGM Luy Nguyễn Anh Tuấn -
Năm giai đoạn của tình yêu -
Để hôn nhân được tốt đẹp: Bí quyết 'Bàn Thạch' -
Đức Thánh Cha Phanxicô: Về hôn nhân đồng tính -
Phóng sự: Báu vật Chúa ban