Chay lời
Blog WGPSG (30-3-2012) -- “Hôm nay không phải là ngày bà ăn chay, thì mày đã chịu mọi sự khốn khó với bà rồi, nghe chưa con!” Tiếng chửi oang oang của người phụ nữ nhà bên đánh thức những người hàng xóm.
Những mái đầu rối bù ló khỏi cửa sổ lắc đầu ngao ngán: mới sáng sớm mà đã phải nghe tiếng “oanh tạc chứ không oanh vàng” của người hàng xóm giàu sức… chửi này! Thật đáng thương cho đối tượng mà bà ta nhắm tới để chửi, cũng thật buồn cho những người hàng xóm phải miễn cưỡng “thưởng thức” tiếng chửi miễn phí nọ! Như thường khi, dù không muốn chút nào, họ cũng đã sẵn sàng nằm nghe sự oanh tạc liên tục, kéo dài của người phụ nữ nọ!
Nhưng, lạ quá, đã 5 phút trôi qua, họ chẳng còn “được” nghe tiếng chửi miễn phí kia nữa! Lạ thật! Hay là bà ta đang bị ốm nên hết còn sức chửi?
Những mái đầu rối bời lại ló ra cửa sổ, ngộ ghê người phụ nữ đang quét sân với dáng vẻ khỏe mạnh bình thường, chẳng có chút dấu hiệu bệnh tật gì!
Điều gì làm nên sự lạ này? Ngơ ngác nhìn nhau một lúc, những người hàng xóm chợt nhớ câu nói: “Hôm nay là ngày bà ăn chay!” Thì ra thế! Nhờ ăn chay!
Hiểu ra lý do khiến cho “mặt trận bình yên”, những người hàng xóm lại băn khoăn tự hỏi: Ăn chay thì được nói gì và kiêng nói gì? Và họ đã không tài nào dỗ được giấc ngủ nướng!
Người phụ nữ nọ đã ý thức rằng: ăn chay thì kiêng nói những điều tiêu cực, cụ thể là tránh cãi nhau, chửi nhau. Và bà đã thực hiện ý hướng tốt đẹp đó của việc ăn chay: Chay lời – nhịn chửi trong ngày ăn chay!
Thật may phúc cho đối tượng “đáng chửi” mà bà ta đã bỏ qua vì “hôm nay là ngày ăn chay”!
Tuy nhiên, xét cho cùng, việc nhịn chửi, tránh nói điều tiêu cực trong khi ăn chay cũng chưa đủ, chúng ta còn phải tránh luôn những điều dư thừa nữa!
Chúng ta hãy xem: người phụ nữ đã ý thức ăn chay là không cãi nhau, vậy đâu cần thiết buông lời hăm dọa, khủng bố, hoặc loan tin cho “đối tượng” biết rằng “nếu không mày đã chịu mọi sự khốn khó với bà!”
Như thế, chay lời gồm có: tránh những điều tiêu cực trong lời nói, đồng thời kiêng luôn những lời nói dư thừa, những lời nói vô ích.
Thế vẫn còn chưa đủ!
Chăm sóc một khu vườn mà chỉ chăm chăm chú chú nhổ cỏ dại, nhưng không đồng thời trồng hoa, trồng cây thì không thể gọi đó là khu vườn nữa!
Bởi đâu? Thưa, cỏ dại có thể được nhổ sạch, tận diệt cả gốc rễ và khu vườn sẽ vắng bóng cỏ dại, nhưng khu vườn còn lại gì? Chỉ là mảnh đất hoang vu, không sức sống, toàn là sỏi đá, cát bụi, không có lấy một chút màu xanh của sự sống nào. Hơn nữa, một mảnh đất không được canh tác, chẳng sớm thì muộn cỏ dại lại sinh sôi nảy nở tràn lan gấp nhiều lần hơn trước.
Cách tốt nhất đó là vừa nhổ cỏ dại vừa trồng hoa, gieo hạt! Trồng hoa nhân đức, gieo hạt yêu thương sẽ giúp cho khu vườn nội tâm rực rỡ muôn màu muôn sắc, và màu xanh tươi mát, tràn ngập sức sống của cây cối trong vườn sẽ xóa tan hình ảnh mảnh đất hoang vu, cằn cỗi.
Cũng thế, chay lời phải là “diệt cỏ” lời nói tiêu cực, dư thừa, đồng thời “gieo trồng” lời tích cực, yêu thương.
Mùa Chay 2012 đã đến những hồi cuối, mong thay khu vườn nội tâm của mỗi người ngày thêm xanh cây nhân đức hoa yêu thương!
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm