Chỉ số làm nhói lòng người!
WGPSG -- Ở trong nhà chăn ấm nệm êm sẽ chẳng bao giờ thấy được cảnh nghèo người khổ quanh ta. Cứ bước chân ra đường, ta sẽ bắt gặp biết bao nhiêu hình ảnh của những người nghèo.
Người nghèo đó chẳng phải là ai xa lạ. Người nghèo đó có thể là chính người thân ruột thịt của ta, người bà con của ta, người hàng xóm của ta và ắt hẳn họ cùng dòng máu đỏ da vàng của ta.
Nơi chốn đô thị ồn ào và sầm uất, ta ít nhận ra những người nghèo bởi lẽ ra đường nơi phố thị ai cũng mặc đẹp, đi xe sang và làm những công việc mang tính đầu óc, trí tuệ. Có chăng ta bắt gặp được số ít người bán vé số, bán hàng rong .. Họ là ai? Họ là những người xa quê, họ là những người phải bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để tìm về những đô thị lớn để sống phận "di dân".
Cũng không khó hiểu lắm khi những thành phố lớn, đặc biệt là Thủ Đô và Sài Thành phải đón nhận số lượng di dân đến mức báo động. Vì sao họ phải bỏ quê để đi lên thành thị sống? Bởi lẽ, họ không còn cách nào khác để tìm kế sinh nhai.
Thời gian không dài nhưng cũng không quá ngắn để sống ở vùng Phú Thọ - Hưng Hóa còn in đậm trong trí của tôi khi dân ở đó không tìm ra đâu công ăn việc làm. Một số người lên rừng để cạo dầu chai. Công việc phải thức thật sớm, bởi lẽ khi nắng lên thì không làm được nữa. Nhìn những bàn tay nứt nẻ vì bị dầu chai ăn khi họ lên chịu Lễ mà nhói lòng.
Hỏi ra thì thu nhập của họ đổi ra không đủ mua được một đô la.
Những người có hoàn cảnh thì đành phải ở lại nhà quê để sống với mức sống như thế. Những người khá hơn thì họ tìm cách để thoát khỏi quê nghèo tìm hướng sống. Cái nghèo đã bám víu mảnh đất Phù Lao - Phú Thọ - Hưng Hóa này.
Mới đây, trên quãng đường ngắn từ Huế ra La Vang, tôi lại chứng kiến hình ảnh của những con người nghèo. Những ngày mưa phùn lạnh giá nhưng người làm nông ở vùng này phải tìm cách quấn áo mưa hay những mảnh ni-lông tự chế sao cho ấm người để kịp ra đồng cày cấy. Không còn cách nào khác, họ phải dầm sương như thế để kiếm sống qua ngày. Cái nghèo như ôm chầm cuộc đời của họ.
Nhìn thoáng qua với những tòa nhà cao ngất, với những chiếc xế hộp trị giá đến chục tỷ chạy bon bon trên đường và những nhà hàng cửa hiệu lộng lẫy thì thấy vui với một đất nước đang trên đà phát triển. Đúng thật là phát triển nhưng khi nhìn lại những con số thống kê thì thật đau lòng và choáng!
Cuối năm 2013 này, GDP bình quân đầu người tính bằng USD ước đạt 1.900 USD. Nhìn con số này, thoạt tiên là mừng vì thấy thu nhập đầu người bình quân đến cả ngàn đô la. Thế nhưng, một sự thật phũ phàng và đau đớn là hiện nay, ở Việt Nam, có tới 17 triệu lao động vẫn nằm ở mức thu nhập dưới cận nghèo, và chỉ đạt chưa đến 2 USD/ngày.
Đang khi đó thì Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra mục tiêu GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái đến năm 2015 đạt 2.000 USD.
Với những thành quả như thế, dĩ nhiên người ta hết sức lạc quan khi dự đoán rằng mục tiêu này dễ đạt vì lẽ GDP bình quân đầu người tính bằng USD trong năm 2013 đang tiến tới mốc 1.900 USD.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ngày 12/12 cho biết, hiện còn khoảng 17 triệu lao động Việt Nam có thu nhập quá thấp, không vượt lên trên chuẩn nghèo 2 USD/ngày (khoảng hơn 40 ngàn đồng/ngày).
Dân số Việt Nam như hiện nay, có khoảng 23 triệu người khác đang sống mấp mé trên ngưỡng chuẩn nghèo và rất dễ tái nghèo khi xảy ra khủng hoảng kinh tế.
Nhìn thấy con số biết nói 40 ngàn đồng thu nhập của mỗi ngày, chẳng lẽ ta không quặn lòng sao?
40 ngàn đồng, ở mảnh đất Sài Thành, chắc có lẽ được 1 tô phở Anh ở đường Kỳ Đồng. Ở những tiệm khác có thể giá còn cao hơn nữa chứ không dừng lại ở cái giá 40 ngàn.
40 ngàn đồng hiện nay làm được gì? Và con số những người thu nhập như thế này không chỉ ở con số một vài hay chục nhưng lên đến 23 triệu người nghèo.
Mỗi ngày, người dân kiếm được thu nhập như thế thì thử hỏi đời sống của họ sẽ như thế nào và đi về đâu. Ăn không đủ ăn nữa chứ đừng nói gì đến mặc, học hành, y tế ... Có nằm mơ chắc họ cũng không bao giờ dám nghĩ đến chuyện giải trí.
Nhìn vào cuộc sống, khoảng cách giàu nghèo ngày càng cách biệt rõ nét.
Có những ngôi biệt thự giá từ chục tỷ đến hàng trăm tỷ.
Có những chiếc xe sang từ vài tỷ đến chục tỷ.
Và, có những người chỉ mơ có cuộc sống bình dị với mức thu nhập đủ sống nhưng nào giấc mơ đó có thực.
Không phủ nhận chuyện đất nước phát triển nhưng số người nghèo và quá nghèo sao còn nhiều quá. Làm sao cho họ có lối thoát để họ sống đúng mức là một người bình thường đây?
Những ngày cận Tết đang đến. Có những gia đình đang, đã và sẽ tìm cho mình những kỳ nghỉ xa và dài, thậm chí ở ngoài nước nhưng ngược lại cũng còn đó nhiều và rất nhiều gia đình đang chạy ăn từng bữa và lo lắng cho cuộc sống.
Và, hình ảnh những người xa quê lại phải lao đao vất vả cho hành trình về thăm quê lại hiện ra. Người xa quê có tiền về thăm quê cũng là diễm phúc, bởi lẽ có nhiều người ngậm ngùi ở lại đất khách vì không đủ khả năng về quê.
Hình ảnh của những người nghèo, những người di dân xa quê lại cứ hiện về rõ nét hơn trong những ngày tháng cuối năm.
Làm sao cho họ thoát nghèo, làm sao cho họ được sống với mức sống bình quân với tư cách là người hơn đây?
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm