Cho là nhận

Cho là nhận

Trong cuộc sống thường nhật, nhất là thời cơ giới hóa và kỹ thuật số – thường gọi tắt là thời @, có lẽ chúng ta dành quá ít thời gian cho nhau trong các mối quan hệ. Xã hội ngày nay làm chúng ta không thỏa mãn nhiều thứ. Hoài bão của cha mẹ dành cho con cái, và ngược lại. Sự trông mong vào vợ chồng với nhau. Sự hy vọng vào người khác. Hoài bão càng cao, thất vọng càng nhiều. Chỉ đòi hỏi, muốn NHẬN mà không muốn CHO là sao? Hành động tương xứng và phản ứng hợp lý luôn đem lại sự thỏa mãn cho cả đôi bên. Hãy biết “cho đi” trước khi muốn “nhận lãnh”. Đó là quy luật tất yếu! Thánh Phanxicô Assisi xác nhận: “Khi hiến thân là khi nhận lãnh, lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Vâng, chính sự chết lại là sự sống viên mãn. Một nghịch-lý-thuận!

Việt Nam là nước đang phát triển, tiếng nói của phụ nữ có “trọng lượng” hơn trước đây. Kinh tế phát triển nhưng tỷ lệ lại tăng cao về ly dị, tự tử, lạm dụng ma túy, trộm cướp, lạm dụng trẻ em, buôn bán người, giết người, học sinh đánh giáo viên, nữ sinh đánh và lột trần nhau,… Tuổi trẻ ngày nay còn bất chấp, sẵn sàng “sống thử”. Báo chí hằng ngày có nhiều tin tức về tội phạm tuổi thanh niên, thậm chí là “tội phạm tuổi nhí”. Tình trạng đó như “dịch” lây lan nhanh! Tính ích kỷ và đòi hỏi có hệ lụy với nhau, luôn xảy ra do không khéo điều chỉnh, đòi hỏi cao vì không biết nghĩ đến người khác.

Ích kỷ là yêu mình thái quá, theo chủ nghĩa vật chất và thực dụng. Chúng ta được dạy phải kiên nhẫn, bác ái, khiêm nhường và tha thứ. Sống như vậy thì không ai phiền trách chúng ta. Tuy nhiên, nói thì dễ mà làm thì khó. Đó là sự yếu đuối của con người – vừa mặc nhiên vừa minh nhiên!

Trước hết, chúng ta tập trung vào quan hệ cha mẹ và con cái. Các cha mẹ bận rộn, không có thời gian dành cho con cái. Trẻ em cô đơn sẽ yếu kém về tâm sinh lý. Chúng rất cần một tổ ấm, một gia đình, chứ không phải nhà cao cửa rộng với đầy đủ tiện nghi và ăn xài xả láng. Chúng cần cha mẹ quan tâm và yêu thương để không sợ hãi, thêm tự tin, luôn mạnh mẽ và có trách nhiệm. Vậy hãy cho chúng những gì chúng cần. Và khi đó, cha mẹ sẽ nhận được sự đền đáp vô giá từ con cái.

Ngày nay, vợ chồng cũng ít có thời gian dành cho nhau vì ảnh hưởng kinh tế thị trường và những cơn “bão giá”. Quá bận rộn thì mất dần lãng mạn, sự đơn điệu tăng dần và khoảng cách cứ xa hơn. Rất cần những khoảng thời gian riêng hai người, gọi là “khoảng phu thê”. Cố gắng quan tâm và yêu thương, bạn sẽ thấy sự thay đổi kỳ diệu. Bạn sẽ hưng phấn và thoải mái vì serotonin sản sinh trong não. Mỗi gia đình sẽ là thiên đường nếu mỗi thành viên luôn biết quên mình, biết cho đi mà không đòi hỏi nhiều từ người khác. Các mối quan hệ khác chắc hẳn cũng không ngoài quy luật đó.

Hãy biết cách cho vô điều kiện trong bất kỳ mối quan hệ nào. Khi bạn cười với người khác, bạn luôn được cười đáp lại. Cuộc đời là tấm gương phản chiếu trung thực, tùy bạn khóc hay cười. Hãy cởi mở, đừng tiết kiệm nụ cười. Khó tính và chấp lách người khác là tự làm khổ mình. Yêu thương không dễ nhưng có mãnh lực, khả dĩ vượt qua mọi thứ chứ không như chúng ta tưởng!

Đức Kitô xác định: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì bạn hữu mình”. LM Kolbe đã chết thay người bạn tù, ĐGH Gioan-Phaolô II đã đích thân đến nhà tù gặp gỡ và tha thứ cho chính anh chàng đã ám sát ngài. Đó là những con người vĩ đại và là thánh nhân vì đã làm theo Ý Chúa.

Báo chí đưa tin: Thượng úy Phạm Đắc Thắm, 33 tuổi, đội phó đội bảo vệ trại giam Hòa Sơn (Công an TP Đà Nẵng) đã nhiều lần hiến máu cứu phạm nhân khi nguy cấp, anh còn hiến máu cứu cả người nghèo khi anh gặp. Anh nói: “Dù là phạm nhân, họ vẫn là con người”. Câu nói đó thật nhân bản và khiến chúng ta phải suy nghĩ. Đó mới là con người biết yêu thương, tha thứ, không phân biệt để có thể “cho đi” vô điều kiện. Thật đáng khâm phục một tâm hồn vĩ đại!

Có lòng yêu thương thì có thể CHO nhiều hơn NHẬN, có thể tha thứ. Gandhi, được dân Ấn độ coi là thánh nhân, nói: “Cách xử thế vàng là biết tha thứ cho nhau”. Yêu thương và tha thứ là những tặng phẩm vô giá.

Top