Chúa dẫn con đi
Nhân dịp viếng thăm California, Hoa Kỳ, tôi đã đến thăm ngôi Nhà thờ Kính, theo tên gọi bình dân của người Việt, nhưng tên chính thức là Crystal Cathedral. Nghe nói nhà thờ này vừa được Cộng đoàn Tin Lành bán cho giáo phận Orange County và đang được tu bổ cho hợp với phụng vụ công giáo, hy vọng sẽ chính thức sử dụng vào giữa năm tới. Đây là một ngôi nhà thờ mang kiến trúc hiện đại, được hoàn thành vào năm 1981 và có đủ ghế ngồi cho 2.736 người. Sau khi mua, giáo phận Orange County đã đổi tên nhà thờ thành “nhà thờ Chính tòa Chúa Kitô” (Christ Cathedral).
Bên cạnh nhà thờ, có một khu nghĩa trang rất rộng, được trình bày như một công viên tươi mát, phủ kín cỏ và cây xanh. Khi bước vào nghĩa trang, du khách đều có thể nhìn thấy một bức tranh bằng đá màu rất đẹp. Bức tranh diễn tả hai bàn tay: một bàn tay lớn, chắc là bàn tay phải, từ trên cao đưa xuống; một bàn tay nhỏ, bụ bẫm như một bàn tay trẻ thơ, từ dưới vươn lên. Vì bàn tay trẻ thơ quá nhỏ, nên cố hết sức cũng chỉ nắm trọn được ngón cái của bàn tay lớn. Chắc hẳn bức tranh này được đặt ở lối vào nghĩa trang muốn diễn tả câu Thánh vịnh: “Chúa là Mục tử dẫn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì” (Tv 22,1). Bức tranh rất đơn sơ mà mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc, vì nó diễn tả sự quan phòng yêu thương của Chúa, luôn dắt dìu lối bước của con người. Bức tranh vừa diễn tả tình Chúa, vừa nói lên tình người: Chúa từ trời cao cúi xuống; con người từ đất thấp vươn lên. Chúa với ta gặp gỡ nhau, như Cha gặp con. Chúa rất mạnh mẽ, con người lại bé nhỏ. Cuộc hội ngộ thật thân tình, tràn ngập yêu thương. Hình ảnh ấy làm cho sự chết bớt vẻ bi quan đen tối, nhưng bừng lên niềm hy vọng ủi an. Bức tranh diễn tả hai bàn tay nói với chúng ta rằng, những người đang bước đi trong cuộc lữ hành dương gian cũng như những người đã nằm xuống, đều được Chúa dẫn đưa bằng cánh tay quyền năng và yêu thương của Ngài.
Lời Thánh vịnh rất quen thuộc trên đây thường được hát hoặc đọc trong thánh lễ cầu cho người qua đời. Lời hát hé mở con đường hy vọng đối với người nằm xuống, đồng thời sưởi ấm tâm hồn đối với người ở lại trong lúc biệt ly. Cánh tay của Chúa thật mạnh mẽ, từ cao vươn xuống để nắm lấy tay con người; cánh tay con người thật nhỏ bé, cố gắng vươn lên để được Chúa dẫn dắt. Trong cuộc đời này, có chỗ dựa nào đáng tin cậy hơn là chỗ dựa của người cha? Có tình yêu nào bao la và nồng ấm hơn tình yêu của người mẹ? Chúa vừa là Cha nâng đỡ dìu dắt ta qua những phong ba cuộc đời. Ngài cũng vừa là Mẹ, luôn che chở bao bọc ta trong tình yêu thương ấp ủ.
“Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ
Trong con hồn lặng lẽ an vui
Cậy vào Chúa, Israen ơi
Từ nay đến mãi muôn đời muôn năm” (Tv 130,1-3).
Khi xác tín Chúa là Đấng hướng dẫn đời tôi, tôi cảm thấy an bình thư thái, mặc dù luôn phải đối diện với phong ba bão táp. Tiếc rằng có những lúc trong đời, tôi không nhận ra điều đó. Phải chăng vì thế mà tôi vẫn lo lắng băn khoăn, sợ hãi trước những khó khăn thử thách trong đời?
Ý thức Chúa đang dẫn dắt tôi đi, tôi sẽ nhận ra Ngài hiện diện mọi nơi mọi lúc trong cuộc sống này. Điều đó cũng giúp tôi từng bước nên hoàn thiện. Bởi lẽ nếu Chúa ở gần tôi và dẫn dắt tôi, có lẽ nào tôi còn hận thù, mưu mô, thủ đoạn, dối trá và rắp tâm làm hại người anh em tôi? Có lẽ nào tôi còn buồn sầu chán nản và than vãn ưu phiền, vì có Chúa đang cùng tôi bước đi trong cuộc sống?
Có một câu chuyện rất quen thuộc mang tựa đề “Dấu chân trên cát”. Câu chuyện này đã minh họa cho ta thấy: vào lúc ta gặp giông tố của cuộc đời lại chính là lúc Chúa gần ta hơn cả, vì Ngài bồng ta trên cánh tay của Ngài. Cũng như con cái có những lúc ngộ nhận về cha mẹ mình trước những lời dạy khuyên của cha mẹ mà mình chưa hiểu nổi, nhiều lúc tôi đã băn khoăn, thậm chí phàn nàn kêu trách Chúa, vì dường như Ngài bỏ rơi tôi. Chúa không buồn về điều ấy, vì Ngài hiểu sự yếu đuối và lòng dạ hay thay đổi của tôi. Cũng như cha mẹ chẳng ai nỡ giận con mình mãi mãi, Chúa cũng sẵn sàng tha thứ và nâng tôi dậy. Mỗi khi sa ngã và được Chúa nâng dậy, tôi càng cảm thấy Ngài gần tôi hơn bao giờ hết. Thất vọng sẽ biến thành hy vọng. Đau khổ sẽ biến thành niềm vui. Nước mắt sẽ biến thành nụ cười. Sức mạnh chữa lành của đức tin diệu kỳ là thế.
Tôi vẫn thường cầu nguyện với Chúa: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, nhưng hình ảnh của tôi về Chúa nhiều khi lại chẳng phải là một người Cha. Thế nên, lời cầu nguyện vẫn chỉ là những công thức trên môi miệng, chứ chưa thực sự đem lại cho tôi sự an bình đích thực. “Nguyên nhân tâm hồn chúng ta chưa được hoàn toàn thanh thản là vì chúng ta đi tìm sự thanh thản ở những sự vật tự chúng không có hay chỉ có ít sự thanh thản, trong khi chúng ta lại không quan tâm đến Thiên Chúa, Đấng là Toàn Năng, Toàn Trí, Toàn Thiện, và là sự thanh thản đích thực duy nhất” (Chân phúc Julian Norwich). Vì yếu đuối và bất toàn, tôi cần cầu xin Chúa chỉ cho tôi đâu là con đường đến gặp Ngài, là con đường dẫn tới cội nguồn của Chân Thiện Mỹ:
“Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa;
xin dạy bảo con về lối bước của Ngài.
Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con,
vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con,
và con luôn luôn cậy trông vào Chúa” (Tv 24,4).
Năm Đức Tin đã khởi đầu. Đức tin giúp chúng ta nhận ra cánh tay của Chúa đang yêu thương dẫn dắt và ấp ủ chúng ta trên mọi nẻo đường đời. Nhận ra Chúa, chúng ta sẽ thấy cuộc đời bớt cô quạnh.
Cánh tay Chúa to lớn và mạnh mẽ, bàn tay tôi nhỏ bé yếu hèn. Khi bàn tay tôi chạm vào bàn tay Chúa, tôi được tiếp thêm nghị lực siêu nhiên. Khi dang tay cầu nguyện là tôi cố gắng chạm tới bàn tay Chúa. Khi phó thác cậy trông là tôi muốn làm cho trái tim tôi được chạm đến trái tim Ngài, để Ngài thông chuyển cho tôi sức mạnh.
Có Chúa dẫn đưa, đời tôi sẽ tìm được bến bờ hạnh phúc. Cũng như chẳng có người cha nào lại không muốn cho con mình được sung sướng, Chúa luôn mong muốn cho tôi được hưởng niềm vui bất tận. Hình ảnh được Chúa dẫn dắt làm tôi nhớ lại cuộc sống thần tiên ở vườn Địa đàng vào thuở bình minh của lịch sử. Trước khi con người phạm tội, Chúa vẫn đi dạo với họ trong làn gió thổi của buổi chiều hôm (x. St 3,8). Ôi một khung cảnh thật an bình. Khi tay tôi nắm lấy tay Chúa, tôi tìm được niềm vui và hạnh phúc của vườn Địa đàng năm xưa.
Cùng đi với Chúa, tôi sẽ tìm được niềm vui, vì tôi không còn đơn lẻ trong cuộc đời. Trong Chúa, tôi cũng gặp gỡ anh chị em tôi, vì tôi với họ có cùng một Cha trên trời. Cùng với họ, tôi đang từng bước tiến về Nhà Chúa, để hưởng trọn niềm vui Ngài dành cho những ai yêu mến Ngài.
Cùng đi với Chúa, tôi chắc chắn an tâm vì hướng tôi đã chọn là hướng tốt cho tôi trong hiện tại và tương lai. Có thể tôi sẽ bị thiệt thòi về vật chất, về danh dự, nhưng tôi không hối tiếc, vì chính Chúa đã giúp tôi chọn “phần tốt nhất”, là phần không ai có thể chiếm đoạt được.
Khi xác tín Chúa đang đi với tôi trên đường đời, tôi sẽ thường xuyên “dốc bầu tâm sự” với Ngài qua tâm tình cầu nguyện. Những lời yêu thương của đôi tình nhân chẳng bao giờ nhàm chán. Những dòng tâm sự của lòng hiếu thảo chẳng bao giờ cạn vơi. Những giãi bày nỗi niềm của tôi với Chúa nói mãi mà chẳng hết, vì “Tâm hồn con khắc khoải khôn nguôi, cho đến khi nào được nghỉ yên trong Chúa” (Thánh Agustinnô).
Vâng, mỗi ngày khởi sự đối với tôi là một chặng đường mới có Chúa đi cùng. Tin vào sự dẫn dắt của Chúa sẽ đem lại cho tôi niềm vui, an bình và hạnh phúc.
Hải Phòng, những ngày cuối tháng 11-2012
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm