Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B - Canh thức (Mc 13,33-37)

Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B - Canh thức (Mc 13,33-37)

Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B - Canh thức (Mc 13,33-37)

“Anh em phải coi chừng,
phải tỉnh thức,
vì anh em không biết
khi nào thời ấy đến”.
(Mc 13,33)

Link thánh lễ:

BÀI ĐỌC I: Is 63, 16b-17; 64, 1. 3b-8

“Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Lạy Chúa, Chúa là Cha và là Đấng Cứu Chuộc chúng con: danh Chúa đã có từ muôn đời. Lạy Chúa, tại sao Chúa để chúng con đi lạc xa đường Chúa, và làm cho tâm hồn chúng con trở nên chai đá, không còn biết kính sợ Chúa nữa ? Vì các tôi tớ Chúa, các chi tộc thừa hưởng gia nghiệp Chúa, xin hãy đoái nhìn lại.

Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống: các núi đồi rung chuyển trước tôn nhan Chúa. Chúa đã ngự xuống và các núi đồi rung chuyển trước tôn nhan Chúa. Đó là việc từ xưa đến nay chưa từng có ai nghe thấy; lạy Chúa, không tai nào nghe thấy không mắt nào nhìn thấy một chúa nào khác ngoài Chúa đã dành những hồng ân cho những ai trông đợi Chúa. Chúa đã đón tiếp kẻ hân hoan thi hành công lý, và nhớ đến Chúa khi đi trong đường lối Chúa.

Này Chúa thịnh nộ, vì chúng con đã phạm tội. Chúng con đã luôn luôn ở trong tình trạng tội lỗi, thì làm sao sẽ được cứu rỗi ? Tất cả chúng con đều đầy vết nhơ, và công nghiệp chúng con đều như chiếc áo dơ bẩn.

Và không còn ai kêu cầu thánh danh Chúa, không còn ai tỉnh thức để bám lấy Chúa. Chúa đã ẩn nấp không cho chúng con nhìn thấy nữa, và Chúa đã phó mặc chúng con cho quyền lực tội lỗi. Tuy nhiên, lạy Chúa, Chúa là Cha chúng con, chúng con là đất sét, còn Chúa là người thợ gốm, tất cả chúng con đều do tay Chúa làm nên.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16. 18-19

Đáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống (c. 4).

Xướng: 1) Lạy Đấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai! Chúa ngự trên các Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con. - Đáp.

2) Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, tự trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình. - Đáp.

3) Xin Chúa ra tay bang trợ người ở bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa, Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Ngài. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 1, 3-9

“Chúng ta mong chờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, chúc cho anh em đầy ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Đức Giêsu Kitô.

Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Vì chưng, trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ và ơn hiểu biết, đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em, khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra. Cũng chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến. Thiên Chúa là Đấng Trung Tín, đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của Người, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.  

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Mc 13,33-37

33 “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. 34 Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. 35 Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng.

36 Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. 37 Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!”


Bài giảng của Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm:  Tỉnh thức đề phòng là hành động của con người khôn ngoan. Biết tỉnh thức đề phòng mới tránh được những bất trắc có thể xảy tới. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dặn các môn đệ hãy tỉnh thức và cầu nguyện. Nhưng tỉnh thức là thế nào ?

Tỉnh thức là biết chuẩn bị những gì cần cho tương lai. Tỉnh thức là biết sắp xếp, biết lo liệu, biết nhận định đúng lúc, đúng sự việc và xử sự cho thích ứng.

Như chủ nhà trở về bất thình lình. Thiên Chúa cũng gọi chúng ta vào lúc chúng ta không ngờ. Chúng ta hãy chuẩn bị cho cuộc ra đi ngay từ bây giờ, đừng chậm trễ, chần chờ.

Cầu nguyện:  Lạy Chúa Giêsu, chúng con thường hành xử khờ khạo. Chúng con rất sợ chết và thường trốn tránh cái chết bằng nhiều cách: chúng con có thể vui chơi quá độ để quên đi cái chết; chúng con thường đánh lừa mình bằng những ý nghĩ ấu trĩ. Chúng con tưởng chúng con chưa có thể chết khi chúng con còn đầy sức mạnh. Chúng con tưởng chúng con còn lâu mới chết khi chúng con vẫn còn tươi trẻ.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết thức tỉnh luôn. Xin cho chúng con biết khôn ngoan để chuẩn bị cho một cuộc ra đi vĩnh viễn trong bình an hạnh phúc, bằng chính những giây phút hiện tại. Từng giây phút sống theo sự thiện hảo, sống trong tình yêu chân thành với Thiên Chúa với anh chị em chúng con. Amen.

Ghi nhớ: “Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...) 

1. Hoàn cảnh soạn tác: Vào thời các thánh sử viết

Tin Mừng thì các tín hữu đều nghĩ rằng Chúa sắp quang lâm. Người ta nôn nóng chờ Chúa đến để rước mình lên thiên đàng. Người ta còn nghĩ rằng ngày quang lâm sẽ đến trong vòng một thế hệ thôi, nghĩa là sẽ không có ai trong Hội thánh phải chết trước ngày ấy. Nhưng rồi hôm nay người này chết, hôm khác người nọ chết, hết chết người này đến chết người khác mà vẫn chưa thấy Chúa quang lâm. Thế là nhiều người mệt mỏi không chờ nữa, họ sống buông trôi, lơ là vệc đạo đức, chểnh mảng việc bổn phận, sống buông thả trụy lạc… Trước tình hình đó, Thánh Marcô nhớ lại Lời Chúa Giêsu đã dạy và ghi lại để khuyên các tín hữu. Ý chính là tỉnh thức và sẵn sàng.

2.Ý nghĩa các chi tiêt trong dụ ngôn:

- Ông chủ đi phương xa: Chúa Giêsu đã sống lại và lên trời.

- Đầy tớ ở nhà được giao công việc: các tín hữu với bổn phận hằng ngày.

- Không biết ngày nào chủ trở về: không thê biết rõ ngày nào Chúa quang lâm trở lại. Nhưng chính vì không biết rõ ngày nào Chúa quang lam trở lại nên chúng ta lúc nào cũng phải tỉng thức sẵn sàng.

- “Tỉnh thức sẵn sàng” nghĩa là luôn ở trong tư thế đang chu toàn bổn phận.

B. Suy niệm (...nẩy mầm) 

1. Trong giai đoạn hiện tại xem ra như Chúa đang đi vắng, vì chúng ta không thấy Chúa làm gì hay nói gì cả, cũng giống như nhà đang vắng chủ. Trong hoàn cảnh như thế, người đầy tớ có thể có 4 thái độ:

a. “Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm”: những người sống buông thả phóng túng, bỏ bê hết mọi bổn phận.

b. Đi ngủ. Khi đoán chủ sắp về mới thức dậy làm việc: những người lười biếng sống đạo, chờ gần chết mới ăn năn trở lại.

c. Làm trọn bổn phận chủ giao, để nếu chủ về bất thần thì mình không bị phạt: những người lo sống tốt vì sợ hỏa ngục.

d. Luôn làm trọn bổn phận chủ giao, để đáp lại sự tín nhiệm của chủ, và vì lòng thương mến chủ: những người sống đạo vì lòng yêu mến Chúa.

Thực ra Chúa không vắng mặt. Ngài cho chúng ta cảm thấy Ngài vắng mặt thôi, vì trọng tự do của ta, vì tín nhiệm ta, và cũng để thử xem ta thuộc hạng đầy tớ nào trong bốn hạng trên.

2. Một người mẹ thương con thì lúc nào cũng lo sẵn cơm nước trong bếp để hễ con đói là có ăn ngay. Một người vợ thương chồng thì lúc nào cũng lo nhà cửa ngăn nắp để gia đình là mái ấm cho chồng. Một đứa con thương cha mẹ thì lúc nào cũng hết sức làm tròn công việc cha mẹ giao.

3. Trong cơ thể con người, có lúc các cơ bắp, hệ thần kinh và bộ máy tiêu hóa nghỉ ngơi, nhưng con tim không bao giờ nghỉ, khi tim nghỉ là con người chết. Con tim là yêu thương.

4. Thánh Phêrô giải thích thế nào là tỉnh thức: “...đừng chiều theo những đam mê…sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em” (1Pr 1,13-16)

5. Những nhà khảo cổ đã đào bới được thành phố Veseve xưa kia bị núi lửa chôn vùi cách đột ngột. Người ta thấy nhiều cảnh tượng trái ngược nhau: có người chết đang khi nhậu nhẹt, có người đang đánh nhau để tranh dành một số tiền. Nhưng đẹp nhất là hình một người lính gác vẫn đứng nghiêm, gươm giáo trong tay.

6. Một ngày nọ vào năm 1780 bỗng dưng cả vùng tiểu bang Connecticut bị tối hẳn lại. Ai nấy đều cho rằng đã đến ngày tận thế. Khi đó Hội đồng lập pháp tiểu bang đang họp. Nhiều người yêu cầu hoãn cuộc họp để họ có thể về với gia đình chờ Chúa đến. Nhưng ông chủ tịch nói:”Không biết hôm nay có phải là ngày tận thế hay không. Nếu không thì không cần hoãn họp. Còn nếu phải thì chúng ta càng cần chu toàn nhiệm vụ hơn nữa. Xin thắp nến lên” (Drinkwater).

 

3. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

Mc 13,33-37

TỈNH THỨC VÀ CANH THỨC

Trong Kinh Tin kính, có hai tín điều mà ta còn phải chờ.

“Và Ngài sẽ lại đến trong vinh quang

để phán xét kẻ sống và kẻ chết.”

“Tôi trông đợi kẻ chết sống lại, và sự sống đời sau.”

Cả hai điều trên đều chưa xảy ra, nhưng là nỗi chờ mong

của các kitô hữu từ hai mươi thế kỷ.

Người Do-thái chờ Đấng Mêsia đến trần gian,

còn kitô hữu chờ ngày Con Thiên Chúa trở lại.

Đôi khi chúng ta nghĩ Đức Giêsu đã phục sinh và lên trời,

như thế là xong, Ngài chẳng còn phải làm gì nữa.

Thật ra khi phục sinh, Đức Giêsu đã chiến thắng thần chết,

nhưng Ngài chưa toàn thắng, và cuộc chiến vẫn còn kéo dài.

Thiên Chúa chưa “bắt muôn loài quy phục dưới chân Ngài”

và kẻ thù cuối cùng là sự chết vẫn chưa bị tiêu diệt (1 Cr 15,24-28).

Hai tín điều trong Kinh Tin kính mà ta còn phải chờ

lại là hai biến cố trùng nhau về thời gian.

Ngày Chúa Giêsu trở lại như một thẩm phán đầy quyền năng

cũng là ngày tận thế, ngày thân xác kẻ chết sống lại.

Ngày đó thật là một ngày quan trọng cho cả vũ trụ loài người,

và cũng là ngày vinh quang lớn lao cho chính Chúa Giêsu.

Nhiều người đoán già đoán non về lúc nào ngày ấy đến.

Đã có những lời đồn đoán về ngày tận thế, và tất cả đều sai.

Có người đã bán cả nhà cửa ruộng vườn để ngồi chờ tận thế.

Có người bỏ cả công ăn việc làm, nhưng chẳng thấy gì xảy ra.

Họ quên rằng chính Đức Giêsu, Con Thiên Chúa mang phận người,

cũng thú nhận chỉ mình Chúa Cha mới biết về Ngày ấy (Mc 13,32).

Chúng ta tin Ngày ấy thế nào rồi cũng đến,

nhưng chúng ta không biết rõ khi nào (Mc 13,33.35.36).

Chính vì thế đời của kitô hữu tự bản chất là chờ đợi.

Nếu Chúa Giêsu không quang lâm,

công trình cứu độ vẫn chưa hoàn thành trọn vẹn,

và Thiên Chúa chưa “là tất cả trong muôn loài” (1 Cr 15,28).

Nhưng kitô hữu không khoanh tay chờ suông cách thụ động.

Bài Tin Mừng hôm nay dạy ta cách chờ.

Chúng ta là những đầy tớ được ông chủ đi xa tin cậy,

giao nhà và giao cả quyền hành, phân công mỗi người mỗi việc.

Chúng ta là anh giữ cửa, có nhiệm vụ mở cửa ngay khi chủ về.

Thường thì ông chủ không về vào ban đêm,

vì trời thì tối, đường không có đèn, ẩn chứa nhiều nguy hiểm.

Nhưng biết đâu ông chủ lại bất thần trở về

vào lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng.

Đó là lúc mọi người dễ chìm trong giấc ngủ say.

“Hãy tỉnh thức! Hãy canh thức!” Đức Giêsu nhắc lại nhiều lần,

không phải chỉ cho bốn môn đệ thân tín (Mc 13,3),

mà cho mọi người và từng người chúng ta (Mc 13,37).

Không phải Ngài cấm chúng ta ngủ trưa hay ngủ tối.

Nhưng Ngài dạy chúng ta đừng ngủ mê trong tội.

Khi ngủ mê, người ta quên mình là đầy tớ,

nhận quyền hành của chủ để chu toàn công việc được giao.

Khi ngủ mê, người ta để chủ ban đêm đứng chờ ngoài cửa.

Sống ở đời, ta dễ bị ru ngủ bởi nhiều thứ gây nghiện.

Thế gian này quá hấp dẫn khiến ta nghĩ nó là vĩnh cửu.

nghĩ chuyện Chúa quang lâm là chuyện không đáng tin (2 Pr 3,4).

chẳng có thưởng phạt, cũng chẳng có phục sinh cho thân xác.

Thái độ thức tỉnh đòi hỏi ta cảnh giác liên tục.

Chính vì không biết lúc nào chủ về, lúc nào Chúa đến

nên lúc nào ta cũng phải sẵn sàng, tích cực chờ đợi,

để ra đón Chúa trong niềm vui bình an.

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã yêu trái đất này,

và đã sống trọn phận người ở đó.

Chúa đã nếm biết nỗi khổ đau và hạnh phúc,

sự bi đát và cao cả của phận người.

Xin dạy chúng con biết đường lên trời,

nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.

Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,

chúng con thấy mình được thêm sức mạnh

để xây dựng trái đất này,

và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,

xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời

không làm chúng con quên trời cao,

và những vẻ đẹp của trần gian

không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.

Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,

mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.

 

4. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG B

MONG ĐỢI NGÀY CHÚA ĐẾN

A. DẪN NHẬP

 Hôm nay chúng ta bắt đầu một năm Phụng vụ mới. Năm phụng vụ bắt đầu từ ngày Chúa nhật I Mùa Vọng.

 Mùa Vọng là mùa trông đợi. Trước mắt chúng ta trông đợi Chúa đến trong ngày lễ Giáng sinh với tâm hồn vui tươi và đạo đức sau bốn tuần lễ đã chuẩn bị kỹ càng.

 Như thế cũng chưa đủ, nhân bầu khí của Mùa Vọng này, Giáo hội hướng lòng ta về ngày quang lâm của Chúa, Ngài sẽ đến trần gian lần thứ hai để xét xử kẻ sống và kẻ chết.

 Ngoài ra, chúng ta cũng còn phải trông đợi Chúa đến với chúng ta trong ngày sau hết của đời mình. Vì thế, Giáo hội muốn dựa vào bài Tin mừng hôm nay để nhắc nhở chúng ta là Chúa sẽ đến với ta cách bất ngờ, thái độ của chúng ta là phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng chờ đợi Chúa đến.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Is 63, 16-64,7 - Dân Israel đã ký Giao ước với Thiên Chúa tại núi Sinai qua trung gian ông Maisen nhưng rồi dân lại bất trung, phá vỡ Giao ước để đi thờ thần dân ngoại. Do đó, Thiên Chúa đã trao dân vào đạo quân của vua Nabuchodonosor: thành Giêrusalem bị phá hủy, dân bị bắt đi lưu đày ở Babylon. Tình trạng lưu đày nơi đất khách quê người rất khốn khổ. Nhưng vào cuối thời lưu đày, dân Israel đã ý thức rằng họ khốn khổ là do họ tội lỗi, đã phản bội Chúa. Tiên tri Isaia đã dùng ngòi bút của mình ghi lại lời kêu van đầy cảm kích trong cơn khốn khổ: “Xin Chúa hãy đến cứu giúp dân Ngài”. Isaia đã thay mặt cho dân chúng bày tỏ đôi điều:

a) Thú nhận tình trạng tội lỗi của dân: Chúng tôi đã luôn ở trong tình trạng tội lỗi. Tất cả chúng tôi đều đầy vết nhơ.

b) Xin Chúa hãy tha thứ tội lỗi. Xin đến cứu thoát: “Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống”.

+ Bài đọc 2: 1Cr 1, 3-9 - Sau khi đã nhận được Tin mừng do thánh Phaolô rao giảng, tín hữu Côrintô đã tỏ ra mình là một cộng đoàn sinh động, có những tấm lòng sốt sắng và chân thành. Tuy thế, họ cũng gặp nhiều khó khăn nội bộ: chia rẽ, kiện tụng, luân lý suy đồi...

 Thánh Phaolô nhắc nhở họ hãy nhớ đến bao ân sủng của Thiên Chúa đã ban cho họ. Tuy nhẹ nhàng khiển trách họ nhưng ngài khuyên họ hãy tỏ ra xứng đáng hơn với những ân huệ đó và hướng dẫn họ nhìn tới ngày trở lại của Đức Kitô và mời gọi họ chuẩn bị đón chờ ngày đó, nhờ thái độ kiên trung trước mọi thử thách.

3. Bài Tin mừng: Mc 13,33-37

 Trong bài Tin mừng này, Chúa Giêsu báo trước cho tất cả các môn đệ là Ngài sẽ trở lại trần gian này cách bất ngờ. Để dễ hiểu, Ngài đưa ra dụ ngôn về người đầy tớ phải canh cửa để đón chủ về bất cứ lúc nào. Do đó, Chúa Giêsu chỉ rõ thái độ cần phải có để chờ Chúa trở lại là Tỉnh thức sẵn sàng như người đầy tớ thức chờ chủ về đột ngột giữa đêm khuya. Dụ ngôn người canh cửa giúp ta có thái độ cảnh giác chống lại tình trạng mê ngủ thiêng liêng đe dọa mọi người chúng ta. Mùa Vọng là mùa canh thức và sẵn sàng chờ đợi.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Đợi chờ trong tỉnh thức và sẵn sàng

I. MÙA VỌNG TRONG ĐỢI CHỜ

1. Dân Israel đợi chờ

 Lịch sử Israel là một cuộc chờ đợi. Trong suốt thời gian 70 năm lưu đày bên Babylon, dân Chúa đã thấm mệt: bị kẻ thù áp bức, hành hạ, khinh bỉ... Họ chờ Đấng Messia đến thiết lập nền công chính trên trái đất này. Sự đợi chờ đã đến cao điểm và tiên tri Isaia đã thay lời cho dân chúng kêu lên lời xin thảm thiết: “Trời cao hãy đổ sương xuống”.

 Trong cảnh khốn cùng, dân Israel mới hồi tỉnh lại và nhận ra mình đã đi sai đường lối, đã lỗi phạm đến Chúa nên đã kêu xin: “Lạy Chúa, chúng con đã phạm tội. Chúng con như chiếc áo dơ bẩn... Chúa đã ẩn nấp không cho chúng con nhìn thấy và Chúa đã phó mặc chúng con cho quyền lực tội lỗi. Nhưng Chúa là Cha, chúng con là đất sét trong tay Chúa là người thợ gốm, tất cả chúng con đều do bàn tay Chúa làm nên... Xin Chúa hãy băng qua các tầng trời mà ngự xuống”.

 Giáo hội dùng những lời đó để làm lời kinh trong Mùa Vọng này. Chúa Kitô thành Nazareth đến, đáp lại mối kỳ vọng ngàn đời của thế giới. Chúng ta, Giáo hội lữ hành đang mong đợi Chúa đến để đánh tan sự thất vọng và khơi dậy niềm tin và hy vọng. Đó là Mùa Vọng khởi đầu hôm nay.

2. Chúng ta chờ đợi

 VỌNG tức là chờ đợi trông mong. Đã chờ đợi thì luôn có hy vọng. Đã hy vọng thì luôn có tin yêu, ví dụ hai người yêu chờ đợi nhau, hoặc chờ đợi người đi xa về. Mùa Vọng là mùa mong đợi Chúa đến. Từ ngữ “Chúa đến” thường được hiểu bằng 4 cách:

- Chúa đến trong lịch sử nhân loại.

          - Chúa đến trong ngày phán xét chung.

          - Chúa đến trong giờ chết của mỗi người.

          - Chúa đến trong ơn thánh hằng ngày.

 Như vậy, Chúa đến với loài người: lần thứ nhất và thứ hai công khai, còn các lần khác thì có tính cách âm thầm và riêng tư.

a) Chúa đến lần thứ nhất: Chúa đã đến trong hang đá Belem để thực hiện việc cứu chuộc nhân loại. Ngày nay ta chỉ còn kỷ niệm ngày Ngài giáng sinh tức là đến lần thứ nhất. Vậy mùa Vọng gồm có 4 tuần dọn lòng để mừng Chúa Giáng sinh ngày 25 tháng 12 mỗi năm.

b) Chúa đến lần thứ hai: Chúa Giêsu lại xuống thế một lần nữa với tư thế là một vị Vua Thẩm phán để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Không ai biết được ngày nào việc đó sẽ xảy ra, chỉ việc chờ đợi trong hy vọng. Vì thế, chúng ta phải sống trong mùa vọng triền miên, vì không biết ngày nào giờ nào Ngài sẽ đến.

c) Chúa đến giữa hai lần: Ngoài ra, Chúa sẽ đến với chúng ta giữa lần thứ nhất và lần thứ hai. Chúa sẽ đến với riêng từng người. Đó là giờ chết. Ngày tận thế thì còn xa vời và mù mờ lắm, còn việc Chúa đến gọi ta trong giờ sau hết thì gần. Nhưng nó cũng giống như Chúa đến lần thứ hai, không ai biết được ngày nào giờ nào Ngài sẽ đến vì “giờ chết đến như kẻ trộm”.

d) Chúa đến trong ơn thánh: Giáo hội dạy chúng ta vẫn phải mong đợi, và hàng năm Giáo hội tổ chức Mùa Vọng, không phải chỉ cốt để chuẩn bị lễ Giáng sinh, không phải chỉ dạy chúng ta gây dựng tâm tình mong đợi trong mùa đó, nhưng Giáo hội muốn nhân không khí lễ Giáng sinh dạy chúng ta phải có tâm tình mong đợi thường xuyên, phải mong đợi Chúa hằng ngày: Chúa đến với ta trong ơn thánh của Ngài, nhất là trong Bí tích Thánh Thể. Ngoài ra, chúng ta mong đợi Chúa trong ngày ta từ giã cuộc đời để về với Chúa.

II. ĐỢI CHỜ TRONG TỈNH THỨC

1. Giáo huấn của Giáo hội

 Giáo hội ý thức về cuộc sống ở trần gian này: mọi sự sẽ qua đi và mọi người đều phải chết. Đây là một định luật khắt khe buộc mọi người phải tuân thủ. Nhưng Giáo hội cũng dạy chúng ta phải dọn lòng chờ Chúa đến, phải tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa vì Chúa đến bất ngờ. Công đồng Vatican 2 đã diễn tả tư tưởng ấy trong hiến chế Lumen Gentium:

 “Đàng khác, vì không biết ngày và giờ, chúng ta phải theo lời Chúa dạy, luôn tỉnh thức, để khi cuộc đời độc nhất của chúng ta ở trên trần gian chấm dứt (Dt 9,27), chúng ta xứng đáng vào dự tiệc cưới với Người và được liệt vào số những người được chúc phúc (Mt 25,31-46), chứ không như những tôi tớ khốn nạn và lười biếng (Mt 25,26) sẽ bị đẩy vào lửa đời đời (Mt 25,41), vào chốn tối tăm, nơi khóc lóc và nghiến răng (Mt 22,13 và 25,30” (LG. số 48).

2. Phải tỉnh thức chờ đợi Chúa đến

a) Có hai kiếp sống

 Bất cứ ai sinh ra ở trên trần gian này đều có hai kiếp sống: một đời sống tạm bợ và một đời sống vĩnh cửu; một đời sống hiện tại và đời sống tương lai; một đời sống hành hương và một đời sống quê thật; một đời sống trần gian và một đời sống thiên đàng hay hỏa ngục. Từ kiếp sống này qua kiếp sống kia, mỗi người phải qua sự chết duy có một lần, đó là lần bái yết Chúa đầu tiên và duy nhất.

b) Một cuộc chuyển tiếp

 Không ai có thể sống mãi trên trần gian này vì số phận của con người thường phải qua 4 giai đoạn: sinh, lão, bệnh, tử. Chết là giai đoạn cuối cùng và kết thúc. Chết không phải là hết, không phải là đi vào hư vô mà chết chỉ là một sự chuyển đổi: “Sự sống thay đổi chớ không mất đi và khi nơi nương náu ở trần gian này bị hủy diệt tiêu tan thì là được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời” (Kinh tiền tụng lễ An táng). Hiểu được ý nghĩa ấy, thánh nữ Têrêsa Hài đồng đã nói: “Tôi không chết, tôi đi vào cõi sống”.

c) Cuộc chuyển tiếp bất ngờ

 Chết là một công lệ, không ai thoát được công lệ đó, nhưng có một điều làm cho day dứt là không biết lúc nào mình sẽ chết, vì giờ chết như “người thợ gặt không ngủ trưa” (Cervantes). Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng loan báo cho chúng ta biết là Ngài sẽ đến gọi chúng ta bất cứ lúc nào, nên phải luôn sẵn sàng tỉnh thức. Để nói về điểm bất ngờ này, Chúa Giêsu đã đưa ra một dụ ngôn về người canh cửa đợi ông chủ về.

 Trước khi trẩy đi xa, Ông chủ gọi các đầy tớ giao công tác cho mỗi người. Riêng tên giữ cửa, Ông dặn phải tỉnh thức mà coi chừng lúc Ông trở về. Ông căn dặn tên giữ cửa vì là phận sự riêng của hắn, nhưng Ông cũng có ý nhắn nhủ cho tất cả. Phải tỉnh thức vì không biết chắc vào giờ nào chủ về: chập tối, nửa đêm, gà gáy, hay ban mai.

 Dụ ngôn cốt nhấn mạnh tư tưởng: mọi người cần phải tỉnh thức vì Ông chủ (là Con Người, cũng là Chúa Giêsu) không báo trước giờ Ngài sẽ đến.

 Những điều Chúa nói ở đây là nói cho 3 tông đồ Phêrô, Giacôbê và Anrê (Mc 13,3), nhưng Chúa nhấn mạnh là Chúa có ý nói với tất cả mọi người: “Điều Ta bảo cho chúng con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là hãy tỉnh thức”.

 Việc Ông chủ trở về ban đêm có ý nhấn mạnh rằng: ban đêm thường ít ai để trí vì ai nấy cũng dễ mê ngủ, vì thế cần phải đề cao cảnh giác, tỉnh thức và sẵn sàng luôn. Ban đêm còn diễn tả ý nghĩa thời gian hiện tại ở trần gian, để phân biệt với thời gian ở Nước trời đời sau là ban ngày. Trong khi sống ở trần gian này, cần phải tỉnh thức và sẵn sàng, có nghĩa là phải sống trong ơn nghĩa Chúa, có đủ điều kiện để được vào Nước trời ở đời sau.

Truyện: con quạ thiếu cảnh giác

 Một người dân Mỹ bị đám quạ hoang phá hoại ruộng ngô. Mang súng ra bắn nhưng không sao lại gần vì trên cái cọc thông cao có một con đậu canh chừng khi các con khác ăn. Len lỏi lâu dưới hố sâu ông lại gần được mà con gác không hay biết. Một tràng đạn nổ, những con sống sót bay vù lên, nhưng không bay đi xa, chúng sà xuống con canh gác với những tiếng kêu giận dữ. Con chim khốn nạn này bị đồng bọn xử một cách tàn nhẫn và nhanh chóng, không thể ở lại trong bầy, phải rời hàng ngũ đi nơi khác

 Đoạn Tin mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta: Chúa sẽ đến, nhưng chúng ta không biết ngày giờ nào. Vậy phải canh thức để sẵn sàng đón Ngài khi Ngài đến. Canh thức sẵn sàng như người đầy tớ hoàn thành nhiệm vụ được trao phó, như các trinh nữ khôn ngoan cầm đèn đi đón chàng rể, như người được trao vốn đem kinh doanh sinh lời lãi, và cuối cùng bằng đời sống yêu thương phục vụ. Đó là cách thức chờ đợi Chúa đến.

 Phải tỉnh thức chờ đợi Chúa đến. Tỉnh thức ở đây là phải sẵn sàng chờ đợi. Từ ngữ “SẴN SÀNG” nói lên một thái độ sinh động chứ không phải ù lỳ, ngồi một chỗ mà chờ đợi. Sẵn sàng ở đây là phải nỗ lực làm việc với ý thức rằng mình đang phải làm việc để đợi chờ Chúa đến. Làm việc ở đây là làm sinh sôi nảy nở ra các ơn Chúa đã ban cho ta, phải sinh hoa kết quả tốt là các việc lành. Khi Chúa đến tính sổ linh hồn, ta sẽ như một tên đầy tớ tỉnh thức đi đón Chúa, trình với Ngài các việc làm của ta để được lĩnh phần thưởng.

 Nhìn vào cuộc sống, chúng ta có thể nói như thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu: “Tất cả là hồng ân”. Hồng ân của Chúa có thể đến từ bất cứ nơi đâu, trong mọi cảnh huống cuộc đời, lúc vui mừng hay khi đau khổ, lúc thành công hay khi thất bại. Điều quan trọng là chúng ta biết nhìn ra đó là ân ban của Chúa, và mỗi ân ban là một “Chúa đến viếng thăm”.

 Phụng vụ thánh lễ hôm nay nhắc nhở cho chúng ta dọn mình: đón nhận ơn Chúa trong mỗi giây phút hiện tại, chờ đợi Chúa đến trong giờ chết và trong ngày chung thẩm của nhân loại. Thái độ chúng ta phải có là hãy sẵn sàng theo như lời khuyên rất khôn ngoan của chân phước Charles de Foucauld: “Bạn hãy sống như bạn sẽ chết vào tối nay”. Nếu những cuộc thăm viếng là những hồng ân của Chúa, thì chúng ta đừng để mất những hồng ân ấy chỉ vì sự thờ ơ, thiếu chuẩn bị, không sẵn sàng.

 Sẵn sàng còn có nghĩa là đã và đang bắt tay vào việc. Việc chờ đợi Chúa đến đây là phải có tinh thần sám hối, sửa đổi lại con người của mình cho phù hợp với ý Chúa. Bài đọc I hôm nay dạy chúng ta một cách tỉnh thức chờ đợi rất hay: như miếng đất sét trong tay người thợ gốm. Tiên tri Isaia đã nói lên một sự thật: “Chúng tôi là đất sét, còn Chúa là người thợ gốm”. Sự thật này đã được sách Sáng thế nói lên ngay từ đầu (St 2,7). Kiểu diễn tả cụ thể của tác giả sách Sáng thế và của tiên tri Isaia có ý rằng: con người lệ thuộc vào Thiên Chúa.

 Sự lệ thuộc chỉ toàn có lợi. Miếng đất sét chịu lệ thuộc bàn tay uốn nắn của người thợ gốm thì sẽ trở thành những vật dụng rất hữu ích, thậm chí trở thành những tác phẩm mỹ thuật rất đẹp.

 Vậy, tỉnh thức và chờ đợi Chúa trong Mùa Vọng là làm như miếng đất sét trong tay người thợ gốm: ngoan ngoãn vâng theo ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, để cho Chúa uốn nắn mình thành những tác phẩm tuyệt vời đúng ý Chúa (Lm. Carôlô, Sợi chỉ đỏ B, tr 12).

 Chúng ta là những người đầy tớ đợi chủ về nhưng không biết vào lúc nào. Chúng ta chỉ biết sẵn sàng chờ đợi Chúa đến. Trong lúc chờ đợi, chúng ta phải làm tròn phận vụ của mình. Chúng ta phải sống dường như việc Ngài trở lại lúc nào cũng là việc bình thường. Ngài đã giao cho chúng ta nhiệm vụ quan trọng là mỗi ngày phải làm việc thích hợp để Ngài xem xét, bất cứ giờ phút nào chúng ta cũng phải sẵn sàng để gặp mặt Ngài mặt đối mặt. Cả đời sống chúng ta là việc chuẩn bị để gặp mặt Vua.              Truyện: Ngày mai ông chủ sẽ đến

 Ngày kia có một khách du lịch dừng chân trước một biệt thự rất sang trọng cạnh một hồ nước trong xanh ở Thụy Sĩ, nhưng không phải trên con đường mà khách vãn cảnh thường qua lại. Khách du lịch gõ vào hàng rào sắt, tức thì một cụ già coi vườn ra mở cổng nặng nề vẫn đóng chặt. Sung sướng vì được thấy một người khách, cụ dẫn ông tham quan cả một khu vườn rộng lớn. Người khách hỏi:

 - Cụ ở đây bao lâu rồi ?            - Thưa ông, tôi ở đây đã 24 năm.

 - Chủ của cụ ít khi nghỉ tại biệt thự này, có phải không ? Cụ đã trông thấy ông mấy lần rồi ?

 - Tôi đã trông thấy ông bốn lần. Lần cuối cùng cách đây đã 12 năm.

 - Ông có viết thư cho cụ chăng ?        - Chẳng bao giờ.

 - Thế ai trả công cho cụ ?                   - Người quản gia của ông.

 - Thế người quản gia này có năng đến đây không ? - Tôi chưa hề thấy mặt ông. Ông ấy liên lạc với tôi qua thư từ.

 - Thế thì ai hưởng sự đẹp đẽ này ?     - Trừ vợ tôi và tôi thì không ai hưởng hết.

 - Tuy vậy, cụ coi sóc vườn này, sân hoa này, bãi cỏ này cách chu đáo, dường như ngày mai chủ của cụ sẽ đến.

 - Ồ, Thưa ông, tôi làm như chủ tôi phải đến ngày hôm nay, vâng thưa ông, ngày hôm nay.

 Mùa Vọng đã bắt đầu. Mùa Vọng là mùa trông đợi trong tin yêu, đợi ngày Chúa đến trong ngày tận thế. Nhưng cũng là trông đợi giây phút cuối cùng của mỗi người khi đi ra gặp Chúa. Chúng ta phải chuẩn bị hành trang cho lần gặp Chúa ấy và hy vọng rằng cuộc gặp gỡ này sẽ đem đến cho ta sự vui mừng khi được nghe Chúa nói lời êm ái: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Nước trời dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa, Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các người đã đến thăm”.

 

5. Suy niệm (song ngữ)

1st Sunday of Advent
Reading I: Isaiah 63:16-17,19;64:2-7
Reading II: 1 Corinthians 1:3-9

Chúa nhật 1 mùa Vọng
Bài Đọc I: Isaia 63,16b-17;64,1.3b-8
Bài Đọc II: 1 Côrintô 1:3-9

----------

Gospel: Mark 13:33-37

33 Be watchful! Be alert! You do not know when the time will come.

34 It is like a man travelling abroad. He leaves home and places his servants in charge, each with his work, and order the gatekeeper to be on the watch.

35 Watch, therefore; you do not know when the lord of the house is coming, whether in the evening, or at midnight, or at cockcrow, or in the morning.

36 May he not come suddenly and find you sleeping.

37 What I say to you, I say to all: “Watch!”

Phúc âm: Máccô 13:33-37

33 “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.

34 Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức.

35 Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng.

36 Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ.

37 Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!”

Interesting Details

  • This passage concludes the teachings of Jesus, and is followed by his passion, death and resurrection.
  • (v.34) The master of the house places everyone in the household “in charge” of something according to his/her own condition and ability.
  • (v.35) Roman army divides the night into four “watches” as in this verse. The Jewish usage divides the night time into three “watches”. Mark's division (evening, midnight, cockcrow and morning) indicated that he was writing for the Gentiles who were unfamiliar with Jewish practice.
  • The door keeper must “watch” even during the night. Thus Jesus asks for more than the normal duty, not only of the door man but of all servants on whatever he has put them in charge regardless of the master's presence or seemingly absence.
  • (v.37) Jesus says to “all” which means all the people in the Church, the ordained and the laity.

Chi tiết hay

  • Đoạn này tóm tắt những lời dạy bảo của Đức Giêsu trước khi Ngài chiụ khổ hình, chịu chết và phục sinh.
  • (c.34) Người chủ nhà chỉ định cho mỗi đầy tớ một việc tùy theo điều kiện và khả năng của mỗi người.
  • (c.35) Quân đội La Mã chia một đêm ra làm bốn canh. Trong khi đó người Do Thái chỉ chia một đêm làm ba canh mà thôi. Cách Máccô nhắc đến bốn canh trong một đêm (chập tối, nửa đêm, lúc gà gáy và tảng sáng) chứng tỏ ông viết cho dân ngoại là những người không biết rõ phong tục Do Thái.
  • Người giữ cửa phải canh thức suốt đêm. Ở đây Đức Kitô đòi hỏi mọi người - không những người giữ cửa mà kể cả các đầy tớ nữa - phải làm nhiều hơn là nhiệm vụ được chỉ định, bất kể khi ông hiện diện hoặc khi ông vắng mặt.
  • (c.37) Khi Đức Kitô nói “hết thảy mọi người”, Ngài ám chỉ tất cả mọi người kể cả tu sĩ lẫn giáo dân.

One Main Point

Be watchful and do our duties. Jesus warns all to be watchful for his second coming by doing perfectly what he has put each of us “in charge.”

Một điểm chính

Chúng ta phải tỉnh thức và thực thi bổn phận của mình. Đức Kitô khuyến cáo mọi người cần phải thức tỉnh chờ đợi ngày Ngài trở lại, đồng thời thi hành những nhiệm vụ Ngài đã trao cho mỗi người.

Reflections

  1. What are my duties that the Lord put me in charge ?
  2. Am I doing the duties the Lord assign, or my own will ?
  3. If the door keeper must watch 24 hours a day, how perfectly am I expected to perform my duty for the Lord ?

Suy niệm

  1. Chúa đang trao cho tôi những công việc nào ?
  2. Tôi đang thi hành những công việc theo ý Ngài muốn hay theo ý riêng tôi ?
  3. Nếu người giữ cửa phải canh thức suốt 24 tiếng một ngày, thì phần tôi, tôi phải làm hoàn hảo công việc Ngài trao phó cho tôi đến mức nào ?

 

Top