Chúa nhật 15 Thường niên năm A

Chúa nhật 15 Thường niên năm A

Chúa nhật 15 Thường niên năm A

“Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được,
nên sinh hoa kết quả đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi”. (Mt 13,23)

BÀI ĐỌC I: Is 55, 10-11

“Chúng làm cho đất phì nhiêu”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Đây Chúa phán: “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm, cho người gieo có hạt giống, cho người ta có cơm bánh ăn, cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta, và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 64, 10abcd. 10e-11. 12-13. 14

Đáp: Hạt giống rơi vào đất tốt, và sinh hoa kết quả (Lc 8, 8).

Xướng:

1) Chúa đã viếng thăm ruộng đất và tưới giội: Ngài làm cho đất trở nên phong phú bội phần. Sông ngòi của Thiên Chúa tràn trề nước, Ngài đã chuẩn bị cho thiên hạ có lúa mì. - Đáp.

2) Vì Ngài đã chuẩn bị như thế này cho ruộng đất: Ngài đã tưới giội nước vào những luống cày, và Ngài san bằng mô cao của ruộng đất. Ngài làm cho đất mềm bởi thấm nước mưa; Ngài chúc phúc cho mầm cây trong đất. - Đáp.

3) Chúa đã ban cho một năm hồng ân, và lốt xe ngự giá của Ngài khơi nguồn phong phú. Đống đất hoang vu có nước chảy đầm đìa, và các đồi núi vận xiêm-y hoan hỉ. - Đáp.

4) Đồng ruộng đông chật những đàn chiên dê, và các thung lũng được che lợp bằng ngũ cốc; muôn loài đều hát xướng và hoan ca. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: Rm 8, 18-23

“Các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi nghĩ rằng những đau khổ ở đời này không thể sánh với vinh quang sắp tới sẽ được mạc khải cho chúng ta. Vì chưng các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa. Các tạo vật đã phải tùng phục cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn như vậy, nhưng vì Đấng đã bắt nó phải tùng phục với hy vọng là các tạo vật sẽ được giải thoát khỏi vòng nô lệ sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa. Vì chúng ta biết rằng cho đến bây giờ, mọi tạo vật đều rên siết và đau đớn như người đàn bà trong lúc sinh con. Nhưng không phải chỉ có các tạo vật, mà cả chúng ta là những kẻ hưởng ơn đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên siết trong khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử và ơn cứu độ thân xác chúng ta.

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Mt 13, 1-23

Ngày ấy, Chúa Giêsu ra khỏi nhà và đi đến ngồi ở ven bờ biển. Dân chúng tụ tập quanh Người đông đảo đến nỗi Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Và Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.

Người nói: “Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất. Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên liền khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt. Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi. Ai có tai thì hãy nghe”.

Các môn đệ đến gần thưa Người rằng: “Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?” Người đáp lại: “Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết. Vì ai đã có, thì ban thêm cho họ được dư dật; còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi. Bởi thế, Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ: vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết. Thế mới ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về họ rằng: “Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành”. Phần các con, phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe.

“Vậy, các con hãy nghe dụ ngôn về người gieo giống: Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường. Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó, đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã. Hạt rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến lời giảng bị chết nghẹt mà không sinh hoa kết quả được. Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi”.


Bài giảng của linh mục Ignatiô Hồ Văn Xuân

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến sự phong phú của ơn Chúa. Tất cả mọi đất tốt, xấu đều được đón nhận hạt giống. Thế nhưng tùy theo thái độ của người đón nhận, của đám đất mà có những kết quả khác nhau. Lời Chúa cũng làm cho chúng ta phải suy nghĩ: chúng ta thuộc những loại người nào ? chúng ta có thật tâm nghe lời Chúa và đem ra thực hành cách trọn hảo không ? hay chỉ nghe qua mà không đem lại cho chúng ta một cách sống nào cho có kết quả.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con biết với sức phàm của chúng con, làm sao chúng con có thể hiểu được lời của Ngài, nếu không có ơn trên soi dẫn. Xin ban cho chúng con trí hiểu biết, tâm cảm nghiệm về Lời của Chúa

và đem ra thực hành trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

Ghi nhớ : “Ai có tai thì hãy nghe”.

 

Suy niệm 2: (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

HẠT GIỐNG LỜI CHÚA

+++

A. DẪN NHẬP

  Lời Chúa là đèn soi bước đường chúng ta đi, là ánh sáng chỉ đường trong đêm tối và là lương thực nuôi linh hồn chúng ta. Lời Chúa được ví như hạt giống, tự nó có sức phát triển mạnh mẽ, nhưng hạt giống ấy, tuy là hạt giống hảo hạng có sức mạnh vô song, cũng cần có điều kiện thuận lợi để phát triển. Chúng ta có nhiệm vụ phải làm cho hạt giống ấy nảy nở và phát triển. Chúa đòi chúng ta phải cộng tác vào trong công việc này.

  Hạt giống Lời Chúa được gieo vãi khắp nơi một cách dồi dào, nhất là gieo vào lòng người. Hạt giống ấy có được tiếp nhận hay không, hoặc được tiếp nhận một cách ơ hờ lạnh nhạt, hoặc được tiếp nhận một cách trân trọng, thì hạt giống ấy được phát triển tùy theo thái độ của từng người. Chúng ta cố gắng biến thành thửa đất tốt để đón nhận hạt giống Lời Chúa, hy vọng hạt giống ấy sẽ sinh hoa kết quả, hạt sinh 30, hạt sinh 60 hay sinh 100 hạt khác.

  Tâm hồn mỗi người là một thửa ruộng, và không có thửa ruộng nào là vô ích. Nhưng để thửa ruộng là mảnh đất phì nhiêu đòi hỏi mỗi người chúng ta phải ra công cày xới. Đương nhiên không có cuộc cày xới nào mà không đòi phải vất vả, long đong. Tâm hồn chúng ta sẽ không là mảnh đất sinh hoa trái, nếu chúng ta không chịu hy sinh, mất mát lo cày xới, gạn lọc, nhổ hết gai góc, nhặt đi những sỏi đá của ích kỷ hẹp hòi, của những đam mê hư hèn, của gian tham lừa lọc, của thù hận ghen tương.

  Như vậy Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta đừng để tâm hồn mình thành sỏi đá, đường đi bởi do lòng ích kỷ và thói vô tâm, cũng đừng để tâm hồn mình là bụi gai bởi lòng tham những của hư hèn và tính ươn lười ngại hy sinh cố gắng, nhưng là hãy ra công cày xới cho hồn mình là mảnh đất phì nhiêu.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Is 55,10-11

  Dân Do thái đang phải sống trong cảnh lưu đày, niềm tin đang lụi dần, tiên tri Isaia được sai đến an ủi, khuyến khích và nói cho dân biết rằng Thiên Chúa đã hứa cho dân thoát cảnh lưu đày và được trở về quê hương.

  Tuy thế, nhiều người Do thái tỏ ra nghi ngờ lời hứa đó, họ không thể tin được. Tiên tri Isaia phải nói cho họ biết tính chất phong phú của lời Chúa giống như mưa và tuyết thấm vào đất làm cho đất nên phì nhiêu thế nào thì lời Chúa luôn luôn hữu hiệu như vậy: Ngài đã nói thì thế nào cũng xảy ra đúng như lời Ngài đã nói, Ngài đã hứa thì chắc chắn Ngài sẽ thực hiện. Lịch sử đã minh chứng cho lời tiên tri Isaia: dân Do thái đã được hồi hương vào năm 538 trước công nguyên đúng như lời đã báo trước.

+ Bài đọc 2: Rm 8,18-23

  Trong đoạn thư gửi tín hữu Rôma mà phụng vụ hôm nay ghi lại, thánh Phaolô cố cho chúng ta hiểu thế nào là niềm hy vọng của người Kitô hữu. Tuy mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô. Niềm hy vọng của Kitô giáo là một sự chờ đợi, được thực hiện trong nước mắt khổ đau như một cuộc vượt qua cái chết.

  Tuy sống trong cuộc đời đầy đau khổ nhưng Kitô hữu luôn lạc quan hướng về tương lai, chờ đợi ngày được hưởng ơn cứu độ viên mãn trong Nước trời.

+ Bài

Tin mừng: Mt 13,1-23

  Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn về người gieo giống đi gieo lúa, để dạy rằng cũng một lời Chúa rao giảng nhưng sinh nhiều hiệu quả khác nhau là tùy theo thái độ đón nhận của các tâm hồn người nghe.

  Để ý nhận xét, ta thấy người nông phu này gieo hạt giống xuống mọi loại đất, mặc dù biết trước là nhiều hạt sẽ không nảy mầm mọc lên. Điều đó có ý nói Thiên Chúa rất hào phóng sẵn sàng ban lời Ngài cho mọi người và ban cách quảng đại dồi dào.

  Một nhận xét nữa là dụ ngôn kể ra 4 loại đất trong đó có tới 3 loại đất xấu. Điều đó có ý nói là có rất nhiều người không sẵn sàng đón nhận lời Chúa để cho lời ấy sinh hoa kết quả. Nhưng cũng có những người thiện chí biết đón nhận lời Chúa và đem ra thực hành để cho Lời Chúa sinh hoa kết quả dồi dào: hạt sinh 30, 60, 100 hạt khác.

  Qua bài dụ ngôn hôm nay, Giáo hội muốn nhắc nhở chúng ta phải nhận thức giá trị thiêng liêng của Lời Chúa, để nhờ đó chúng ta biết tha thiết lắng nghe và chăm chỉ đem ra thực hành trong đời sống hằng ngày.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Lời Chúa sinh hoa kết quả

  Khi đi truyền giáo, Chúa Giêsu rao giảng về Nước Thiên Chúa hay Nước trời. Đây là những ý tưởng quá trừu tượng mà thính giả phần lớn là dân quê, ít học, ngay các Tông đồ nòng cốt cũng ở trong tình trạng đó. Để diễn tả về Nước trời, Chúa Giêsu hay dùng dụ ngôn để giảng dạy, mỗi dụ ngôn diễn tả được một khía cạnh của Nước trời. Đây là một lối giảng dạy rất cụ thể, dễ hiểu, hấp dẫn, động não để đi từ cái cụ thể đến cái trừu tượng mà các nhà hiền triết thời xưa thường dùng để dạy các đồ đệ.

  Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người gieo giống đi gieo lúa để nói về hạt giống của Lời Chúa. Theo đó, Lời Chúa như hạt giống được gieo vào lòng mọi người để có thể phát triển và sinh hoa kết quả tùy theo thái độ đón nhận của từng người: có người không chấp nhận, có người chấp nhận với thái độ ơ hờ lạnh nhạt, có người đón nhận với lòng thành để Lời Chúa có thể sinh hoa kết quả dồi dào gấp 30, 60 hay 100 lần.

I. LẮNG NGHE LỜI CHÚA

1. Lời Chúa trong Thánh kinh

  Thấu hiểu huấn lệnh Chúa truyền, Giáo hội đã khuyên nhủ chúng ta: “Thánh Công đồng Vatican 2 nhiệt liệt cổ vũ các tín hữu chuyên cần lắng nghe và đọc Thánh kinh, suy gẫm và sống Lời Chúa, vì đó là khoa học cao siêu dạy về Chúa Kitô. Vì theo thánh Giêrônimô: Dốt Thánh kinh là không hiểu biết về Chúa Kitô” (cf Verbum Dei # 25). Thánh kinh dạy cho chúng ta hiểu biết về Chúa, am tường về các mầu nhiệm cao cả của Nước Trời; hay nói cách khác, Thánh kinh là Lời Thiên Chúa nói với chúng ta, tỏ cho chúng ta thánh ý của Ngài.

2. Ba bước đón nhận Lời Chúa

  Theo Mark Link, có ba bước trong việc lắng nghe Lời Chúa, mỗi bước một tiến hơn:

* Bước thứ nhất là nghe Lời Chúa. Chúng ta có thể gọi đây là bước của trí não. Bước này bao hàm việc chăm chú lắng nghe, đọc và giải thích Kinh thánh.

* Bước thứ hai là trân trọng tích giữ Lời Chúa. Bước này có thể được gọi là bước của trái tim, bao hàm việc ghi sâu vào lòng lời ta vừa nghe, và suy nghĩ xem có cách nào áp dụng lời ấy vào cuộc sống và làm sao để lời ấy biến cuộc sống của chúng ta nên tốt đẹp hơn. Bước thứ hai này không nhất thiết xảy ra tại nhà thờ. Nó có thể khởi sự tại nhà thờ, nhưng thường kéo dài suốt tuần lễ sau khi chúng ta suy nghĩ Lời Chúa đã nghe hôm Chúa nhật.

* Bước thứ ba là đem Lời Chúa ra thực hành. Nếu chúng ta gọi bước thứ nhất là của “trí não”, bước thứ hai là của “trái tim”, thì chúng ta có thể gọi bước thứ ba là bước của “linh hồn”. Bước này bao hàm tác động lên những gì trí óc chúng ta lãnh nhận và con tim chúng ta tích chứa giữ gìn.

3. Bốn thái độ tiếp nhận Lời Chúa

  Theo bài Tin mừng, Chúa Giêsu đã phân chia thành 4 loại đất mà người nông phu gieo hạt giống vào. Bốn loại đất ấy tiêu biểu cho 4 thái độ của con người trước Lời Chúa:

* Đất vệ đường: những kẻ chẳng thiết tha gì đến Lời Chúa. Lời gieo xuống đó chẳng bao lâu thì bị quỉ dữ cướp đi.

* Đất lẫn sỏi đá: những người mau mắn đón nhận Lời Chúa nhưng không quí chuộng bao nhiêu. Khi gặp chút gian khó là bỏ cuộc.

* Đất có nhiều gai: những người cũng đón nhận Lời Chúa, nhưng điều họ quan tâm hơn là những đam mê, vui thú, của cải... Các thứ sau này như gai góc um tùm dần dần làm cho Lời Chúa chết nghẹt.

* Đất tốt: những người sốt sắng đón nghe Lời Chúa, ghi sâu vào tâm hồn và quảng đại đem ra thi hành trong cuộc sống.

  Mỗi người phải chuẩn bị đất tốt để đón nhận hạt giống Lời Chúa:

. Đất phải xốp: không cứng như vệ đường, tức là phải có tinh thần khao khát Lời Chúa như một nhu cầu của sức sống để lắng nghe, tìm hiểu và thực hành lời Chúa.

. Đất không có sỏi đá: tức là phải cất những chướng ngại vật như: sự lười biếng, thờ ơ, chểnh mảng Lời Chúa, bỏ các thành kiến, khuynh hướng xấu trong tâm hồn.

. Đất không có gai: tức là tâm hồn phải thanh thoả, không có những bồn chồn lo lắng về những sự ở đời như thú vui xác thịt, danh vọng, của cải vật chất... vì những cái đó là những gai góc bóp chết lời Chúa.

. Đất tốt: là tâm hồn khiêm nhường biết tin tưởng, trông cậy và yêu mến Lời Chúa để biến đổi đời sống (Lm. Trần Hữu Thành, Suy niệm Tin mừng Chúa nhật năm A, tr 218).

II. SỐNG THEO LỜI CHÚA

1. Sức mạnh của Lời Chúa

  Hạt giống lời Chúa là thứ hạt giống tốt có thể phát triển mạnh. Lời Chúa có thể thay đổi được lòng người nhưng Chúa không muốn can thiệp vào đời tư của con người một cách thô bạo. Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người.

  Lời Chúa tự nó có sức mạnh vô biên. Ta có thể ví lời Chúa như nước chảy, nước rất mềm, nhưng có thể làm cho đá mòn như người ta thường nói: “Nước chảy đá mòn” (tục ngữ). Lời Chúa tuy êm ái nhẹ nhàng nhưng có sức bào mòn những gì gồ ghề trong tâm hồn để trở nên những viên đá tròn trịa.

  Thiên Chúa cứ gieo hạt giống Lời Chúa vào lòng người, còn việc hạt giống đó có phát triển được hay không là do thái độ của tùng người có muốn cộng tác hay không.

Truyện: Nước làm sạch rổ rau

  Bà vợ đi lễ về làm cơm sáng hơi muộn làm cho người chồng khó chịu. Người chồng thì khô khan, thỉnh thoảng mới đến nhà thờ. Vợ thì siêng năng đi lễ để nghe Lời Chúa.

  Bụng đang đói, chồng tức bực hỏi vợ:

 - Em đi lễ hằng ngày như vậy để được cái gì?

  Bà vợ trả lời:

 - Được nhiều lắm, anh ạ.

  Chồng hỏi tiếp:

 - Được cái gì?

  Vợ thản nhiên đáp:

 - Được nghe Lời Chúa. Được Lời Chúa soi dẫn và rửa sạch tâm hồn em!

  Chồng trợn mắt:

 - Rửa sạch?

  Vợ chỉ tay vào rổ rau mới rửa, trả lời:

 - Vâng, nước đã làm cho bụi bặm rổ rau này sạch trơn!

  Người chồng hiểu, lặng thinh và suy nghĩ!

2. Sống đạo bằng gì?

  Nếu được hỏi câu này, một người bàng quan nhìn chúng ta sống sẽ trả lời rằng: họ sống đạo bằng đọc kinh, bằng nhận lãnh các bí tích và bằng tham dự các lễ nghi.

  Đúng vậy, người Công giáo chưa hoặc rất ít sống đạo bằng Lời Chúa. Nếu sống đạo bằng đọc kinh thì sau giờ kinh là hết sống đạo! Nếu sống đạo bằng lãnh nhận các bí tích thì có bao nhiêu dịp sống đạo đâu! Và nếu sống đạo bằng cách tham dự các lễ nghi thì sẽ không còn sống đạo khi ra khỏi nhà thờ! Vả lại, đạo ở các kinh đọc, trong các bí tích và trong những lễ nghi không thấm nhập vào cuộc đời, vào xã hội.

  Đạo là đường, sống đạo là đi đường. Trong cuộc hành trình này. Lời Chúa chỉ hướng cho ta đi. Lời Chúa dạy ta giải quyết những tình huống như thế nào, Lời Chúa là kim chỉ nam đưa ta tới cùng đích (Lm. Carôlô, Sợi chỉ đỏ, năm A, tr 387-388).

Truyện: Lời Chúa khắc ghi trong lòng

  Hôm ấy, một nhà thừa sai Công giáo gặp một cậu bé người Ả rập trên đường từ trường về nhà. Nhà truyền giáo vui vẻ hỏi:

 - Sao, hôm nay con học thêm được gì về sách Coran?

  Mắt cậu sáng lên và mau mắn đọc thuộc lòng những câu trích từ sách Coran là sách thánh của các tín đồ Hồi giáo. 

  Nhà truyền giáo nói thêm:

 - Bây giờ, con thử viết những lời đó trên đất, để cha có thể hiểu dễ dàng hơn và học mau thuộc hơn không?

  Cậu bé đáp:

 - Thưa cha, không được! Lời thánh phải được viết trong trí và ghi khắc trong lòng, chứ không thể viết trên đất được.

  Theo tư tưởng của cậu bé đó thì Kinh thánh phải được ghi khắc trong tâm hồn, nghĩa là Lời Chúa phải thấm nhập vào lòng trí người Kitô hữu để họ phải sống bằng Lời Chúa.

          Sống đạo là để cho Lời Chúa thấm nhập tâm hồn.

          Sống đạo là để cho Lời Chúa hướng dẫn cuộc sống.

          Sống đạo là để cho Lời Chúa tuôn trào ra cửa miệng và thấm nhuần môi trường sống.

III. PHỔ BIẾN LỜI CHÚA

  Lắng nghe và thực hành Lời Chúa là điều cần thiết nhưng chưa đủ, chúng ta còn có sứ mạng rao giảng Lời Chúa cho người khác. Chúa Giêsu đã nói: “Nếu các con đã lành nhận nhưng không, thì cũng phải cho đi nhưng không” (Mt 11,08). Nếu bản chất của Hội thánh là truyền giáo thì bản chất của những thành viên trong đó cũng phải là truyền giáo.

  Lời Chúa phải được chúng ta loan truyền để mang lại nhiều mùa gặt khác. Cũng như những hạt giống được gió đưa đi, rơi xuống và nảy mầm ở nơi xa, hạt giống Phúc âm phải được rải ra từ chính tấm lòng của chúng ta vào trong lòng anh em chúng ta. Nếu chúng ta giữ Lời Chúa cho riêng mình, chắc chắn chúng ta sẽ mất Lời Chúa. Hạt giống không phải được tạo ra để nằm trong một góc của bồ lúa, mà là để được nảy sinh trong những cánh đồng và cuối cùng là trên khắp thế gian.

  Mỗi người chúng ta tùy theo ơn gọi, địa vị, chức vụ và khả năng, đều được Chúa mời gọi lãnh nhận sứ vụ rao giảng Lời Chúa, như hạt giống được gieo vào hồn chúng ta, như sức sống nuôi dưỡng làm cho triển nở tới thời sung mãn, để rồi sau đó lại phải gieo rắc sự dư tràn đó vào lòng những người khác. Đó là sứ mạng Chúa uỷ thác cho mỗi người chúng ta phải chu toàn.

Truyện: Rao giảng bằng cuộc sống

  Khi một người ra đi gieo Lời Chúa, người ấy không biết rõ việc mình đang làm và kết quả của hạt giống đó sẽ ra thế nào thì ông H.L. Gee đã thuật lại cho chúng ta câu chuyện sau đây:

  Trong xóm đạo của ông, có một cụ già cô độc tên là Tôma. Cụ thọ hơn bạn bè của cụ nên không còn ai biết cụ nữa. Khi cụ Tôma qua đời, ông Gee nghĩ rằng không ai đi đưa đám cụ, nên ông quyết định đi để còn có người đưa cụ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Không có ai đi đưa cả, hôm đó trời lại mưa dầm ướt lạnh. Khi quan tài đến nghĩa trang, có một quân nhân đứng ở cổng chờ, đó là một sĩ quan, nhưng trên áo mưa không thấy quân hàm. Quân nhân đó đứng bên huyệt dự lễ an táng. Xong lễ, ông ta tiến đến bên huyệt đưa tay lên chào theo nghi thức dành cho một vị vua. Rồi ông Gee và quân nhân đó ra về.

  Khi họ đang đi, gió thổi bật cái áo mưa của vị sĩ quan và ông Gee thấy quân hàm của ông ta, quân hàm thiếu tướng. Vị sĩ quan nói với ông Gee:

 - Có lẽ ông ngạc nhiên không hiểu tôi làm gì ở đây. Nhiều năm trước đây cụ Tôma là giáo viên dạy giáo lý ở trường tôi. Tôi là một thằng bé ngỗ nghịch và là một thứ gai nhức nhối cho cụ. Cụ không hề biết cụ đã làm gì cho tôi, nhưng cả đời tôi mang ơn cụ, và hôm nay tôi phải đến để nghiêng mình chào tiễn cụ lần cuối.

  Ông Tôma không biết được việc mình đã làm, không một giáo sư hay nhà truyền giáo nào biết được. Công tác của chúng ta là gieo ra không chút nản lòng và phần còn lại hãy để cho Chúa định liệu.

  Khi một người đi gieo giống, anh ta không thể và không được trông đợi có kết quả tức khắc. Trong thiên nhiên, sự tăng trưởng không bao giờ vội vã, phải mất một thời gian dài để hạt giống đơm bông kết trái, và có thể còn phải mất thời gian dài hơn nữa để hạt giống nảy mầm trong lòng người.

  Chúng ta tin chắc rằng hạt giống Lời Chúa có sức tăng trưởng phi thường trong những môi trường thuận lợi. Công việc chúng ta là gieo, cứ gieo rồi để hạt giống mọc lên và khi đã mọc lên thì phát triển mạnh mẽ để sinh hoa trái dồi dào

Truyện: Hạt giống bông lau

  Trong số những vị anh hùng xây dựng Hợp chủng quốc, phải kể đến Benjamin Franklin, tạ thế năm 1790. Ông là một văn sĩ, nhà ấn loát và xuất bản; lại còn là một nhà phát minh, một khoa học gia, thương gia và nhà ngoại giao. Một hôm, ông nhận được món quà từ Ấn Độ. Đó là một cây chổi bông lau. Nhìn cây chổi, ông thấy có vài hạt còn dính lại ở đó, ông đã nhặt ra và lấy đem gieo, thế là hạt giống nảy mầm, sinh hoa kết hạt. Tới mùa gặt, ông lại lấy những hạt giống đó đem phân phát cho các bạn bè xóm ngõ. Tất cả đều đem gieo, và chẳng bao lâu, Hoa Kỳ đã có một kỹ nghệ làm chổi bông lau phát đạt rải rác khắp nơi trong quốc gia. Đó cũng là nhờ Benjamin Franklin đã có sáng kiến, biết lợi dụng vài hạt giống nhỏ mọn.

  Sau khi đã tìm hiểu lời Chúa, chúng ta phải quyết tâm lắng nghe, thực hành và phổ biến Lời Chúa cho người khác. Muốn cuộc đời chúng ta sinh hoa kết quả, muốn cho bản thân thành đạt trên đường đời, hãy kiểm tra ruộng lúa tâm hồn thường xuyên và kỹ lưỡng như người nông dân luôn biết săn sóc ruộng sạ của mình. Càng vất vả cày bừa, diệt cỏ, càng can đảm diệt tính hư nết xấu, Lời Chúa gieo xuống, càng đem lợi ích cho cuộc đời chúng ta.

 

Suy niệm 3: (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Mt 13,1-23

SINH HOA KẾT QUẢ

Nơi bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu kể dụ ngôn người gieo giống.

Trước hết Ngài kể dụ ngôn này cho dân chúng và môn đệ (Mt 13,3-8).

Sau đó Ngài giải thích riêng cho môn đệ về ý nghĩa của dụ ngôn này

khi họ đến gần Ngài (Mt 13,18-23).

Dụ ngôn Ngài kể rất gần gũi với cuộc sống của người đương thời.

Câu chuyện về một người gieo hạt giống ở những loại đất khác nhau,

nên chúng cũng mang lại những hiệu quả khác nhau.

Có những hạt rơi trên vệ đường, đất cứng nên hạt nằm chơ vơ ở trên.

Chúng dễ dàng làm mồi cho lũ chim trời đến ăn mất.

Có những hạt rơi trên sỏi đá, chỉ có một lớp đất mỏng ở trên.

Chúng mọc ngay, nhưng không sao bén rễ sâu được.

Lớp đá sỏi khiến rễ không hút đủ nước để nuôi cây.

Khi nắng nóng nổi lên, cây lúa bị cháy rụi và chết khô.

Có những hạt rơi trên bụi gai.

Cây lúa mọc lên, nhưng bụi gai lại mọc lên mạnh hơn lúa,

lấn át và làm cây lúa không lớn lên được và bị chết nghẹt.

Cả ba trường hợp trên đều cho thấy sự thất bại.

Các hạt giống rốt cuộc chẳng đem lại được gì.

May mắn thay có những hạt rơi vào đất tốt.

Đất không quá cứng, không sỏi đá, không bụi gai.

Những hạt này đã đem lại mùa bội thu vượt quá lòng mong đợi.

Một hạt thành gấp trăm, gấp sáu mươi hay gấp ba mươi.

Dụ ngôn Đức Giêsu kể cho đám đông dân chúng chỉ có thế.

Sau đó Ngài giải thích cho các môn đệ để họ hiểu (Mt 13,18-23).

Đức Giêsu chính là người gieo hạt giống.

Hạt giống là lời giáo huấn của Ngài.

Mỗi loại đất tượng trưng cho tâm hồn của một hạng người.

Có loại tâm hồn “vệ đường” cứng cỏi, khép kín, không chịu đón nhận.

Có thể xếp một số người trong nhóm Pharisêu vào loại này.

Họ đã tố cáo Đức Giêsu là liên minh với quỷ (Mt 9,34; 12,24).

Một số người ở các thành vùng Galilê cũng thuộc hạng người này,

vì họ đã không chịu hoán cải khi nghe Đức Giêsu (Mt 11,20-24).

Có loại tâm hồn “sỏi đá” nông nổi nhất thời, không bám rễ sâu trong đất.

Khi nghe lời của Đức Giêsu, họ lập tức đón nhận với niềm vui.

Nhưng khi gặp thử thách, bách hại, thì họ tháo lui và vấp ngã.

Đây là hình ảnh của đám đông chạy theo Đức Giêsu khi Ngài thành công,

Nhưng chẳng ai thấy họ trong những ngày Ngài bị bắt.

Có loại tâm hồn “bụi gai” làm cho lời Đức Giêsu bị bóp nghẹt.

Gai là nỗi lo âu chuyện đời và mê đắm danh vọng của cải.

Anh thanh niên giàu có đã không thể đáp lại lời mời của Đức Giêsu,

không phải vì có nhiều của cải, mà vì gắn bó với của cải quá mức.

Cả ba loại người trên đều nghe lời của Đức Giêsu,

nhưng lời ấy bị thui chột, không sinh được hoa trái nào.

Chỉ ai có tâm hồn “đất tốt” mới thật sự nghe và hiểu, rồi sinh trái.

Là môn đệ của Đức Giêsu, họ đã mở lòng đón nhận hạt giống.

Mùa bội thu lớn lao mà họ đem lại khiến ta có niềm lạc quan vô bờ.

Lời Đức Giêsu tung gieo sẽ thành công mỹ mãn,

bất chấp việc có những hạt giống rơi vào chỗ không phù hợp.

Qua dụ ngôn này, Giáo Hội sơ khai hiểu Đức Giêsu muốn nhắn nhủ gì.

Và đối với chúng ta, bài học của dụ ngôn vẫn không mất đi tính hiện đại.

Lời Chúa đã được gieo vào tim ta lại bị ác thần cướp mất.

Lời Chúa được đón nhận hời hợt và nông cạn nên chẳng biến đổi gì.

Lời Chúa bị bóp nghẹt bởi lo lắng cơm áo gạo tiền, bởi đam mê vật chất.

Làm sao để cải tạo mảnh đất tâm hồn mình?

Làm sao để mảnh đất của mình mềm hơn, ít sỏi đá và gai góc hơn?

Có được tâm hồn như mảnh đất tốt không phải là chuyện tự nhiên.

Cần cộng tác với ơn Chúa để từ từ cải tạo mảnh đất của trái tim (Mt 13,19).

LỜI NGUYỆN

Lạy Cha,

sống là tìm kiếm.

Mỗi người chạy theo điều mình đang mải mê kiếm tìm.

Chúng con tự hỏi mình đang tìm kiếm gì, tìm kiếm ai,

đâu là hướng đi, đâu là lý tưởng đời mình.

Chúng con thấy rằng những giá trị của thế gian

chiếm chỗ lớn trong những ước mơ của chúng con.

Tiền bạc , danh vọng, khoái lạc, quyền lực

vẫn là những điều làm chúng con ngây ngất say mê.

Cha vẫn không có chỗ cao nhất trong cuộc đời của chúng con.

Lạy Cha, xin ban cho chúng con ơn hoán cải.

Xin đánh thức chúng con khỏi cơn mê.

Xin làm cho chúng con tỉnh ngộ để nhận ra giá trị đích thực.

Xin dạy chúng con biết kiếm tìm Cha,

Vì chỉ có Cha mới thật sự đong đầy

những ước mơ sâu kín của chúng con,

và cho chúng con được hạnh phúc viên mãn.

 

Suy niệm 4: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một hôm, Benjamin Flanklin nhận được món quà từ Ấn Độ. Đó là một cây chổi bông lau. Nhìn cây chổi, ông thấy có vài hạt còn dính lại ở đó, ông đã nhặt ra và lấy đem gieo, thế là hạt giống nảy mầm, sinh hoa kết hạt. Tới mùa gặt, ông lại lấy những hạt giống đó đem phân phát cho các bạn bè xóm ngõ.

Tất cả đều đem gieo và chẳng bao lâu, Hoa Kỳ đã có một kỹ nghệ làm chổi bông lau phát đạt rải rác khắp nơi trong quốc gia. Đó cũng là nhờ Benjamin Franklin đã có sáng kiến, biết lợi dụng vài hạt giống nhỏ mọn.

Suy niệm

Đất nông nghiệp Do Thái có rất nhiều đá. Cho nên, việc lượm đá là một công việc quen thuộc trong việc làm của nhà nông Israel cũng như việc làm cỏ. Ðá lượm ra xếp thành bờ ngăn các thửa ruộng, do đó mép bờ cũng là nơi gai mọc, nơi đó thiếu nước, chỉ có gai có sức chịu khô lâu nhất nên sống và phát triển được.

Vì những đặc điểm như thế, nên khi người nông dân vung tay gieo hạt: Lúa giống sẽ rơi trên đất đá, mặt lối đi, bụi gai và đất tốt...

Muốn gieo cho kín ruộng, người nông dân phải chấp nhận có sự hao hụt vì một số nào đó sẽ rơi vào ba loại vị trí không kết quả: “Xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất”. “Hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên liền khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt”...

Thiên Chúa phân phát thật rộng rãi để hạt giống được phủ kín mảnh ruộng qua hình ảnh người nông dân gieo giống, dù rằng đôi lúc có phung phí ân sủng, Ngài mong ít ra có những hạt giống rơi trên đất tốt…

Sự quảng đại của Chúa trong việc ban phát mọi ơn lành cho chúng ta làm cho chúng ta an tâm và tin tưởng vào tình yêu của Ngài. Ngài không bao giờ rút lại tình yêu, chỉ có chúng ta từ chối: Không chịu nhặt đá nên hạt giống hồng ân không bén rễ sâu nên chết khô hoặc bóp nghẹt không cho tình yêu Ngài triển nở trong chúng ta khi không tận lực nhổ cỏ lùng.

Biết rằng đời mình còn nhiều sỏi đá, cỏ lùng, đừng thất vọng mà để hoang tàn, nhưng xin vẫn cứ chăm chỉ: Chăm chỉ nhặt sỏi, chăm chỉ nhổ cỏ, vun trồng chuẩn bị tốt cho mảnh đất của đời mình để sẵn sàng đón nhận hạt giống được gieo trong mùa màng hồng ân. Và khi mùa gặt tới, mong rằng, mảnh đất đời tôi, đời bạn nuôi dưỡng giống, ít nhất cho những hạt sinh được ba mươi….

Ý lực sống

Mảnh đất hoang dại nên tươi tốt
Giống được gieo, này giống nảy mầm
Mầm lên cao ra cây kết hạt
Sinh được năm mươi, hạt ba mươi.

Suy niệm 4: (song ngữ)

15th Sunday in Ordinary Time
Reading I: Isaiah 55:10-11
Reading II: Romans 8:18-23

CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN A
Bài Đọc I: Isaia 55,10-11;
Bài Đọc II: Rôma 8,18-23

Gospel
Matthew 13:1-23

1 That same day Jesus went out of the house and sat beside the sea.
2 And great crowds gathered about him, so that he got into a boat and sat there; and the whole crowd stood on the beach.
3 And he told them many things in parables, saying: “A sower went out to sow.
4 And as he sowed, some seeds fell along the path, and the birds came and devoured them.
5 Other seeds fell on rocky ground, where they had not much soil, and immediately they sprang up, since they had no depth of soil,
6 but when the sun rose they were scorched; and since they had no root they withered away.
7 Other seeds fell upon thorns, and the thorns grew up and choked them.
8 Other seeds fell on good soil and brought forth grain, some a hundredfold, some sixty, some thirty.
9 He who has ears, let him hear.”
10 Then the disciples came and said to him, “Why do you speak to them in parables?”
11 And he answered them, “To you it has been given to know the secrets of the kingdom of heaven, but to them it has not been given.
12 For to him who has will more be given, and he will have abundance; but from him who has not, even what he has will be taken away.
13 This is why I speak to them in parables, because seeing they do not see, and hearing they do not hear, nor do they understand.
14 With them indeed is fulfilled the prophecy of Isaiah which says: 'You shall indeed hear but never understand, and you shall indeed see but never perceive.
15 For this people's heart has grown dull, and their ears are heavy of hearing, and their eyes they have closed, lest they should perceive with their eyes, and hear with their ears, and understand with their heart, and turn for me to heal them.'
16 But blessed are your eyes, for they see, and your ears, for they hear.
17 Truly, I say to you, many prophets and righteous men longed to see what you see, and did not see it, and to hear what you hear, and did not hear it.
18 “Hear then the parable of the sower.
19 When any one hears the word of the kingdom and does not understand it, the evil one comes and snatches away what is sown in his heart; this is what was sown along the path.
20 As for what was sown on rocky ground, this is he who hears the word and immediately receives it with joy;
21 yet he has no root in himself, but endures for a while, and when tribulation or persecution arises on account of the word, immediately he falls away.
22 As for what was sown among thorns, this is he who hears the word, but the cares of the world and the delight in riches choke the word, and it proves unfruitful.
23 As for what was sown on good soil, this is he who hears the word and understands it; he indeed bears fruit, and yields, in one case a hundredfold, in another sixty, and in another thirty.”

Phúc Âm
Matthêu 13,1-23

1 Hôm ấy, Đức Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ.
2 Có đám đông lớn tụ họp bên Người, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn toàn thể đám đông thì đứng trên bờ.
3 Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói : “Kìa người gieo giống ra đi gieo giống.
4 Trong khi người ấy gieo,thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất.
5 Có những hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu;
6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rể nên bị chết khô.
7 Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt.
8 Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gâp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục.
9 Ai có tai thì nghe”.
10 Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giêsu rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?
11 Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không.
12 Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất.
13 Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu
14 Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy.
15 Vì lòng dân này đã ra đần độn, chúng đã nặng tai, còn mắt thì chúng nhắm lại, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.
16 “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe.
17 Quả thế, Thầy bảo thật anh em. nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe , mà không nghe.
18 “Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống.
19 Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỵ dử đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường.
20 Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận.
21 Nhưng nó không đâm rể mà là kẻ nhất: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay.
22 Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh quang phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì
23 Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục”.

Interesting Details

  • Despite the traditional title as the parable of “the sower”, the real focus is on the seeds and their respective yields.
  • The assumption is that all the seeds are good, the problem is the type of soil in which the seeds have been sown.
  • There is a clear contrast between the ideal disciples who accept and understand the word against those who neither accept nor act upon Jesus' preaching for various reasons: evil activity, personal shallowness, worldly concerns, or desire for wealth.
  • According to the traditional Palestinian farming practices, sowing often precedes plowing. We can assume that the sower intended to come back and plow the seeds into the soil. Nevertheless when the seeds already fall on the bad soil they still cannot yield fruitfully even with plowing.
  • Mt 13:1-52 features seven parables, the subject matter of the parables is the kingdom of heaven. Every parable except the parable of the sower begins with the phrase: “The kingdom of heaven is like...” However the parable of the sower also clearly shows responses to the kingdom of heaven.

Chi Tiết Hay

  • Mặc dầu truyền thống vẫn gọi đề tài của dụ ngôn là “người gieo giống,” nhưng chủ yếu là hạt giống và những hoa lợi thu hoạch được.
  • Hạt giống tất nhiên hoàn hảo, đất để gieo mới là vấn đề.
  • Có một sự khác biệt rõ ràng giữa các tông đồ lý tưởng đón nhận và hiểu Lời Chúa, và những kẻ không đón nhận hoặc hành động theo lời Chúa Giêsu dạy vì nhiều lý do: ma quỵ, hời hợt, lo lắng sự đời và vinh quang phú quý.
  • Theo truyền thống canh nông của người Palestine thời đó, gieo giống thường trước khi cày. Vì vậy người gieo giống có thể sẽ trở lại để cày cho hạt giống cắm sâu xuống đất. Tuy nhiên khi hạt giống đã rơi vào đất xấu thì dầu có cày cũng vẫn không thâu hoạch được gì.
  • Chương 13 (Mt 13:1-52) trong Phúc Âm thánh Matthêu gồm có bảy dụ ngôn, chủ yếu là giải thích về Nước Trời. Mỗi dụ ngôn đều bắt đầu bằng câu: “Nước Trời giống như...” ngoại trừ dụ ngôn người gieo giống. Dầu vậy dụ ngôn người gieo giống cũng cùng một chủ đích là trình bày những lối đáp trả của mỗi người về Nước Trời.

One Main Point

The word of the Lord is the seed, our hearts and minds are the soil. The good spiritual yield in life depends on how much a person willingly accepts and responds to the word of the Lord. The yield arising from the positive response will be abundant beyond all imagination.

Một Điểm Chính

Lời Chúa là hạt giống, tâm trí chúng ta là đất để gieo. Thành quả tốt đẹp trong đời sống tinh thần tùy thuộc thiện chí mỗi người đáp lại tiếng Chúa. Kết quả gặt hái từ thái độ tích cực đáp trả thì dồi dào ngoài sức tưởng tượng.

Reflections

  1. Deep down in my heart, where do I fit in with the four types of soil in the parable? What are the reasons?
  2. In order to let Jesus' word yield abundantly in my spiritual life, what changes do I have to make in my relationship to God and to others, in my interest, and in my career?
  3. Imagine I am attending a Sunday's Mass, a priest is delivering a sermon as a sower is sowing the seeds, my ear and my mind is listening to the word as the soil is receiving the seeds. Am I prepared to receive the word? How much do I absorb? Do I still vividly remember the word after leaving the Mass? A week after? How can I become the good soil ready to receive the word?

Suy Niệm

  1. Tự đáy lòng mình, tôi thuộc loại người nào trong bốn loại đất đề cập trong dụ ngôn? Vì lý do gì?
  2. Để Lời Chúa sinh hoa kết quả dồi dào trong đời sống tinh thần, tôi cần thay đổi những gì trong liên hệ với Chúa và tha nhân, trong sở thích, trong nghề nghiệp.
  3. Hãy tưởng tượng tôi đang dự thánh lễ Chúa Nhật, vị linh mục đang giảng ví như người đi gieo giống, và tôi đang dùng tai và trí để lắng nghe cũng giống như mảnh đất chờ hạt giống. Tôi có sửa soạn để đón nhận lời giảng không? Tôi thâu nhận được bao nhiêu? Tôi còn nhớ gì không khi ra về? Một tuần sau đó? Làm thế nào để tôi trở thành đất tốt luôn sẵn sàng đón nhận?

Top