Chúa nhật 17 Thường niên năm A

Chúa nhật 17 Thường niên năm A

Chúa nhật 17 Thường niên năm A

“Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý”. (Mt 13,45)

BÀI ĐỌC I: 1 V 3, 5. 7-12

“Xin ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn khôn ngoan”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, tại Gabaon, ban đêm, Chúa hiện ra cùng Salomon trong giấc mộng và phán rằng: “Ngươi muốn gì thì hãy xin, Ta sẽ ban cho ngươi”. Salomon thưa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa khiến tôi tớ Chúa cai trị kế vị Đavít thân phụ con. Nhưng con chỉ là một trẻ nhỏ, không biết đường đi nước bước. Tôi tớ Chúa đang sống giữa dân Chúa chọn, một dân đông đảo không thể đếm và ước lượng được. Vậy xin Chúa ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn khôn ngoan để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ, vì ai có thể xét xử dân này, một dân của Chúa đông đảo thế này?”

Điều Salomon kêu xin như trên đã đẹp lòng Chúa, nên Chúa phán cùng Salomon rằng: “Vì ngươi đã xin điều đó, mà không xin sống lâu, được giàu có, của cải, mạng sống quân thù, lại xin cho được khôn ngoan để biết xét đoán, thì đây Ta ban cho ngươi điều ngươi xin, và ban cho ngươi tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi không có ai giống ngươi, và sau ngươi không có ai bằng ngươi”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 118, 57 và 72. 76-77. 127-128. 129-130

Đáp: Lạy Chúa, con yêu chuộng luật pháp của Chúa biết bao! (c. 97a)

Xướng:

1) Lạy Chúa, con xưng thực kỷ phần của con là tuân giữ những lời ban dạy của Ngài. Đối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn. - Đáp.

2) Xin Chúa tỏ lòng thương hầu uỷ lạo con, theo như lời đã hứa cùng tôi tớ Chúa. Nguyện Chúa xót thương cho con được sống, vì luật pháp Ngài là sự sung sướng của con. - Đáp.

3) Bởi thế nên con yêu quý chỉ thị Ngài hơn vàng, và hơn cả vàng ròng tinh khiết. Bởi thế nên con tự chọn tất cả huấn lệnh của Ngài; hết thảy đường lối gian tà con đều ghét bỏ. - Đáp.

4) Kỳ diệu thay những lời Ngài nghiêm huấn, bởi thế linh hồn con vẫn tuân theo. Sự mạc khải lời Ngài soi sáng và dạy bảo những người chưa kinh nghiệm. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: Rm 8, 28-30

“Người đã tiền định cho chúng ta trở nên giống hình ảnh Con Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, chúng ta biết rằng những kẻ yêu mến Thiên Chúa thì Người giúp họ được sự lành, họ là những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh. Vì chưng, những kẻ Chúa đã biết trước, thì Người đã tiền định cho họ nên giống hình ảnh Con Người, để Ngài trở nên trưởng tử giữa đoàn anh em đông đúc. Những ai Người đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; mà những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho họ được vinh quang.

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Mt 13, 44-52

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy.

Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.

“Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài.

Trong ngày tận thế cũng vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?” Họ thưa rằng: “Có”. Người liền bảo họ: “Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái mới, cũ trong kho mình”.


Bài giảng của linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Ðoạn Tin Mừng cho thấy, Nước trời như báu vật cao quý hơn tất cả mọi sự trần gian đồng thời nhấn mạnh đến niềm vui sướng của người tìm thấy được báu vật ấy. Chính vì thế, con người phải sẵn sàng chấp nhận hy sinh tất cả để chiếm đoạt Nước Trời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Nước Trời chỉ dành cho những ai thành tâm tìm kiếm mà thôi. Xin cho chúng con biết từ bỏ những danh vọng vật chất để chỉ lo tìm kiếm hạnh phúc đích thực. Ước gì mỗi người chúng con luôn khao khát như Thánh Âu-tinh “Hồn con những mòn mỏi tìm kiếm, cho tới khi được nghỉ an trong Chúa”. Amen.

Ghi nhớ: “Anh bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng đó”.

 

Suy niệm: (TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Vua Salomon nổi tiếng là vị vua khôn ngoan sáng suốt. Ông đã xử những vụ án rất khó khăn một cách khéo léo không khác gì Bao Công. Bà hoàng hậu Saba ở mãi tận phương nam cũng phải đến nghe sự khôn ngoan của ông. Nhưng khôn ngoan nhất là khi được Chúa cho chọn lựa, ông đã không xin được trường thọ hay được giàu sang, mà chỉ xin được ơn khôn ngoan. Lời cầu xin của ông rất đẹp lòng Chúa. Nên Chúa đã khen ngợi và ban cho ông mọi điều mong muốn. Chúa muốn tôi bắt chước vua Salomon, biết xin ơn khôn ngoan và biết khôn ngoan trong những lựa chọn. Nhất là biết khôn ngoan lựa chọn Nước Trời như những người trong bài Tin Mừng hôm nay.

Những người trong bài Tin Mừng hôm nay khôn ngoan vì thao thức đi tìm. Sự thao thức đi tìm được thấy trong thái độ bôn ba đây đó, khảo sát đất đai. Chắc phải đào bới nhiều mới thấy kho tàng chôn giấu trong ruộng. Sự thao thức đi tìm cũng thấy trong việc ra khơi thả lưới. Vất vả chài lưới rồi còn phải lựa chọn. Dù vất vả, họ quyết tìm cho ra Nước Trời.

Họ khôn ngoan vì biết phân định. Đời sống đem đến cho ta đủ mọi loại giá trị thượng vàng hạ cám, như chiếc lưới đánh bắt đủ mọi loại tôm cá. Giữa những giá trị ấy ta phải biết phân định. Lựa chọn những giá trị cao quý, tốt đẹp. Biết chọn lựa cá tốt, vứt bỏ cá xấu. Biết giá trị của viên ngọc dù nó còn đang nằm giữa khối đá sù sì dơ bẩn. Biết giá trị của kho tàng dù nó còn đang bị chôn giấu dưới lòng đất sâu. Biết giá trị của Nước Trời dù Nước Trời chưa tỏ hiện rõ ràng trên thế gian.

Họ khôn ngoan vì dám dấn thân. Khi đã biết được giá trị Nước Trời, họ dấn thân theo đuổi đến cùng. Dấn thân trọn vẹn nên bán tất cả những gì mình có để đổi lấy kho tàng, viên ngọc quý. Dấn thân quyết liệt vì bán hết nhà cửa rồi thì không thể quay về chốn cũ, chỉ còn gắn bó với quê hương mới mà thôi. Dấn thân tuyệt đối, bỏ hết tất cả chỉ vì một viên ngọc. Dấn thân như thế là thái độ của tình yêu, sự say mê, sự khao khát mãnh liệt. Đó chính là thái độ phải có khi đi tìm Nước Trời.

Họ khôn ngoan vì biết từ bỏ. Bán tất cả những gì mình có là một từ bỏ lớn lao. Dứt lìa những gì mình gắn bó còn đau đớn hơn nữa. Bỏ một nơi yên thân chắc chắn để dấn thân vào một tương lai bấp bênh thì thật là phiêu lưu đến tận cùng. Nhưng không có cách nào khác. Phải bán tất cả mới đủ sức mua viên ngọc Nước Trời. Phải đầu tư trọn vẹn con người với tất cả tài năng trí tuệ, sức lực, thời giờ mới mong chiếm đoạt được Nước Trời. Luyến tiếc một chút là bất thành. Chần chừ một chút là hỏng việc. Nấn ná một chút là bị lỡ cơ hội.

Họ từ bỏ một cách nhẹ nhàng thanh thoát. Nên từ bỏ rồi họ cảm thấy vui tươi. Họ từ bỏ một cách mau mắn vì họ đã dứt khoát với những gì xưa cũ. Lòng trí của họ chỉ gắn bó tha thiết với kho tàng mới tìm thấy.

Đó là những thái độ khôn ngoan đáng cho ta noi theo trên con đường đi tìm Nước Trời. Biết thao thức đi tìm. Biết phân định giá trị. Biết mau mắn từ bỏ. Biết hăng hái dấn thân đến cùng.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Bạn có thực sự coi Nước Trời là kho tàng quý giá nhất không?
2) Bạn đã thực sự bán hết mọi sự để mua Nước Trời chưa? Còn những gì bạn còn luyến tiếc chưa muốn bán?
3) Bạn nghĩ thế nào về sự khôn ngoan. Bạn muốn trở thành người khôn ngoan thực sự không?

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin ban cho con ơn khôn ngoan để con biết chọn Chúa là nguồn mạch hạnh phúc.

 

Suy niệm 2: (Lm. Giuse Trịnh Văn Viễn)

Chia sẻ Lời Chúa

Nước Trời giống như:

• Kho tàng chôn giấu trong ruộng.
• Người buôn đi tìm ngọc quý.
• Lưới đầy cá, ngư ông kéo lên bờ ngồi lựa chọn cá tốt.

Nhìn vào bố cục các sách Tin Mừng, nhất là của Thánh Matthêu, chúng ta thấy Nước Trời là đề tài tổng quát và xuyên suốt.

• Phần I: Đức Giêsu công bố Nước Trời với hiến chương là Tám Mối Phúc Thật.
• Phần II: Đức Giêsu rao giảng Nước Trời và chọn mười hai Tông đồ và sai các ông đi rao giảng.
• Phần III: Đức Giêsu dùng dụ ngôn để mạc khải Nước Trời.
• Phần IV: Đức Giêsu lập Hội Thánh là bước đầu của Nước Trời.
• Phần V: Sự tử nạn và Phục sinh của Đức Giêsu mở cửa Nước Trời.

a) Nước Trời là gì ?

Để hé mở cho con người chúng ta thấy Nước trời, Chúa Giêsu dùng một loạt dụ ngôn (ví dụ).

• Dụ ngôn hạt giống (Mt 13, 1 - 9).
• Dụ ngôn cỏ lùng (Mt 13, 24 - 29).
• Dụ ngôn nấm men trong hũ bột (Mt 13, 33).
• Dụ ngôn hạt cải (Mt 13, 31 - 32).
• Dụ ngôn kho tàng chôn trong ruộng (Mt 13, 44).
• Dụ ngôn người buôn đi tìm ngọc quý (Mt 13, 45 - 46).
• Dụ ngôn lưới đầy cá, ngư ông kéo lên bờ ngồi lựa chon cá tốt (Mt 13, 47 - 50).

Như vậy Nước Trời là cái gì thật là quý giá, con người phải tìm cho được, phải bỏ tất cả mọi sự để được Nước trời.

Sau loạt dụ ngôn ấy, Chúa Giêsu hỏi các Môn đệ: “anh em có hiểu điều ấy không ?”. Họ thưa: “Hiểu”. Có lẽ các môn đệ hiểu thì hiểu đấy nhưng chưa có thông. Các ông còn đang tính toán xem khi Chúa Giêsu lập được Nước Trời của Ngài thì các ông sẽ có vị trí nào ? Ai là người lớn nhất ? Chính lúc mà Chúa Giêsu tuyên bố trước mặt Philatô “Ta là Vua” và xác nhận: “Nước Ta không thuộc về thế gian này” thì hầu hết các môn đệ không có mặt.

Theo Thầy Giêsu mà thấy Thầy mình đã bị chết treo trên thập giá, thế là hết rồi. Các môn đệ lủi thủi khăn gói về quê, các Tông đồ co cụm trong phòng tiệc ly. Chỉ khi Chúa Thánh Thần đến với các ông, các ông mới thực sự dám chọn chết vì Thầy. Gioan 3,3 đã ghi lại câu nói của Thầy: “Ai không sinh ra bởi Thần khí thì không thể thấy Nước Thiên Chúa”.

b) Nước Trời ở đâu ?

Nước Trời là cõi sống (Mt 18, 8 - 9): “Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã thì hãy chặt mà ném đi”; thà cụt tay, cụt chân mà vào được cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay, hai chân mà bị ném vào lửa đời đời. Nếu mắt anh là cớ cho anh sa ngã thì hãy móc mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hoả ngục.

Chúng ta phải bám đất mà nhìn trời, phải lần từng bước khổ ải trần gian để tìm vào cõi sống, phải sinh lời cái số vốn tinh thần, vật chất Chúa giao (như những nén bạc). Chúa sẽ cho chúng ta cả vốn lẫn lời cộng với phần thưởng đời đời là sự vui mừng của Thiên Chúa là Chủ chúng ta (dụ ngôn nén bạc Mt 25, 14 - 30).

Như vậy cõi sống chính là thiên đàng đối lập với chốn khóc lóc nghiến răng là hoả ngục.

Trong bài 25 “Ơn phục sinh và đời sống vĩnh cửu” sách giáo lý công giáo đã dạy rằng:

• Câu 177: Thiên đàng là tình trạng hạnh phúc tràn đầy và vĩnh viễn vì được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa ba Ngôi và cộng đoàn các Thánh.

• Câu 178: Hoả ngục là tình trạng đâu khổ cùng cực vì phải vĩnh viễn xa cách Thiên Chúa là nguồn sống và hạnh phúc.

Bằng mọi giá chúng ta phải tìm kiếm và xây dựng cho được một tình trạng đầy tràn ân sủng và ân nghĩa với Thiên Chúa và anh em để ngay ở đời này được nếm thử thiên đàng và sau này được lọt vào cõi phúc. Đổ vỡ ân nghĩa với Chúa và anh em là một sự thua lỗ hoàn toàn.

 

Suy niệm 3: (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

SỰ KHÔN NGOAN ĐÍCH THỰC

A. DẪN NHẬP                                              +++

  Các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay thúc giục chúng ta hãy tìm kiếm sự khôn ngoan. Vua Salomon trong bài đọc 1 đã không xin Chúa điều gì khác ngoài sự khôn ngoan. Lời cầu xin ấy làm đẹp lòng Chúa, nên Salomon đã được như ý và Chúa cho ông trở thành người khôn ngoan nhất trên đời.

  Dụ ngôn kho tàng và viên ngọc quí trong bài Tin mừng cũng nhắc cho chúng ta phải đi tìm kiếm sự khôn ngoan. Hai người tìm được kho tàng và viên ngọc quí tỏ ra khôn ngoan, sẵn sàng bán hết của cải để mua cho được hai thứ đó. Người Kitô hữu đã được biết Chúa Giêsu, là sự Khôn ngoan của Thiên Chúa, đã lãnh nhận được đức tin thì phải dứt bỏ tất cả để chiếm hữu cho được của quí giá ấy, mặc dầu phải hy sinh.

  Đức tin là một kho tàng vô giá, nó đem đến cho chúng ta sự sống vĩnh cửu và sự sống bất tận của Thiên Chúa. Chính nhờ Đức tin chúng ta chiếm hữu được Thiên Chúa là nguồn mọi sự thiện hảo. “Đức tin cho ta biết liên hệ giữa đời này và đời sau, giữa người ta và Thiên Chúa. Với đức tin ta được đón nhận ánh sáng siêu nhiên để nhận biết ở trong ta những khả thể mà đến nay ta không biết. Đức tin đổi mới cái nhìn của ta về Thiên Chúa, về vũ trụ và về chính chúng ta. Nó làm cho ta có cái nhìn siêu việt của Thiên Chúa” (Lm. Thân Văn Tường trong tập “Đối diện với Chúa”).

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: 1V 33,5.7-12

  Bài đọc 1 cho chúng ta biết Salomôn là ông vua sáng chói nhất trong Cựu ước và của riêng dân Israel. Vị vua này lúc 20 tuổi lên kế vị cha là vua Đavít vào năm 960 trước công nguyên. Salomôn đến Gabaon và cầu nguyện. Trong khi cầu nguyện, Thiên Chúa hiện ra và bảo: “Ngươi muốn xin gì thì hãy xin và Ta sẽ ban cho”. Salomon không xin sống lâu, được giàu có, tiêu diệt quân thù mà lại xin được ơn khôn ngoan để biết suy xét và lãnh đạo dân chúng. Thiên Chúa khen ông và ban cho sự khôn ngoan, đến nỗi sau này trong lịch sử, ông được mang tên là “Ông Vua khôn ngoan”. Sự khôn ngoan biến thành từ ngữ “Khôn ngoan như vua Salomôn”.

  Nhưng bất hạnh thay, lúc về già, vua Salomôn thay tính đổi nết, đã trở nên dại dột, đã làm những điều ngang trái và đây là cả một sự tai hại lớn cho Israel.

+ Bài đọc 2: Rm 8,28-30

  Trong thư gửi cho tín hữu Rôma, thánh Phaolô đã đề cập đến ơn “Tiền định”. Theo đó, tiền định đây chỉ có nghĩa là ngay từ trước khi tạo thành thế giới, Thiên Chúa đã định cho loài người nên con cái của Người, theo hình ảnh Con của Người, Đấng đã trở nên người Anh Cả của một đàn em đông đúc.

  Đối với những người được Thiên Chúa thương yêu thì:

- Người giúp họ được sự lành,

          - Người kêu gọi họ nên thánh,

          - Người kêu gọi họ và sẽ cho họ được vinh quang.

+ Bài Tin mừng: Mt 13,44-52

  Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra ba dụ ngôn để khuyến khích thính giả hy sinh tất cả, không do dự, để sở hữu được Nước trời.

  Hai dụ ngôn kho báu và viên ngọc quí dạy chúng ta rằng Nước trời là một thứ quí giá nhất, đối tượng của mọi nỗ lực tìm kiếm của ta, đáng cho mọi người bán đi tất cả để mua lấy.

  Dụ ngôn mẻ lưới kéo nhiều cá từ biển lên cũng cùng một ý nghĩa với dụ ngôn lúa và cỏ lùng của tuần trước. Dụ ngôn nhắc cho chúng ta: trong Nước trời có người tốt kẻ xấu sống lẫn lộn. Thiên Chúa chỉ phân xử trong ngày tận thế để lựa lọc: kẻ tốt sẽ được thưởng, còn kẻ xấu sẽ bị phạt trong lửa đời đời.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Hãy tìm kiếm sự khôn ngoan

  Người ta thường nói: “Khôn sống mống chết(Tục ngữ) hay “Khôn sống bống chết”, nghĩa là khôn ngoan thì sống, dại dột đần độn thì chết. Tục ngữ “khôn sống mống chết” dùng nói về việc ở đời, nếu biết cách lo liệu, tính toán làm ăn, cư xử thì mọi việc đều đạt được đời sống khá giả. Ngược lại, sẽ lâm vào cảnh thất bại, khổ sở.

  Trong đời sống thiêng liêng, người Kitô hữu cũng phải biết khôn ngoan lo cho tương lai của mình. Đời sống mai hậu hoàn toàn tùy thuộc ở nơi mình: được hạnh phúc vĩnh cửu hay trầm luân đời đời. Nước trời là đối tượng của mọi sinh hoạt nơi trần thế, nhiều khi phải từ bỏ tất cả để chiếm hữu được Nước trời, vì Nước trời chỉ có thể chiếm được bằng sức mạnh (Regnum coelorum vim patitur). Theo Kinh thánh thì “Đầu mối sự khôn ngoan là lòng kính sợ Chúa”.

I. Ý NGHĨA BA DỤ NGÔN

  Dụ ngôn Nước trời giống như kho báu chôn trong ruộng có vẻ hơi lạ đối với một số người, nhưng lại hoàn toàn tự nhiên đối với dân chúng ở Palestine. Trong thời Chúa Giêsu và cả ngày nay nó cũng vẽ ra bức tranh mà dân ở Đông phương đều biết cả.

  Người thường dân hay cất giấu tài sản quí giá nhất dưới đất, xem đó là nơi an toàn. Trong dụ ngôn về các nén bạc, người đầy tớ không trung tín chôn giấu nén bạc mình dưới đất để khỏi mất (Mt 25,25) đều nói lên thói quen đó. Ở Việt Nam chúng ta thỉnh thoảng cũng có người tình cờ đào được chum vàng hay những vật quí giá chôn dưới đất từ lâu mà nay đã mất chủ.

Truyện: Kho tàng ở Sidon

  Thompson trong quyển “Xứ thánh và Kinh thánh” xuất bản đầu tiên năm 1876 kể lại một trường hợp chính ông đã chứng kiến một kho tàng ở Sidon. Trong thành phố đó có một đại lộ nổi tiếng có trồng cây, một số công nhân đang đào xới trong một khu vườn trên đại lộ đã khám phá ra nhiều hũ bằng đồng chứa đầy những đồng tiền vàng. Họ có ý giữ kín chuyện khám phá này, nhưng vì họ đông và vì quá mừng nên chuyện lộ ra và chính quyền địa phương sung công kho tàng ấy. Đó là kho tàng của Alexandre đại đế và phụ hoàng Philipphê. Thompson cho rằng khi Alexandre bất ngờ qua đời ở Babylon và tin này đến Sidon thì một số viên chức chính quyền đã chôn giấu số tiền này với ý định chiếm đoạt chúng trong cuộc khủng hoảng sau cái chết của Alexandre.

  Cả ba dụ ngôn này có ý nói rằng Chúa muốn dạy chúng ta phải là người khôn ngoan chân chính, là người biết đi tìm Nước Chúa, biết lo phần rỗi linh hồn mình, lo việc Chúa trước đã. Nói thế không phải là không lo đến đời sống vật chất, đời sống gia đình. Chúng ta phải lo việc Chúa trước đã “mọi sự khác Chúa sẽ ban cho sau”.

II. NÓI VỀ SỰ KHÔN NGOAN

  Nếu nói về chuyện “khôn dại dại khôn” thì chúng ta hãy nói đến chuyện vua Salômôn. Vua Salômôn xem ra “dại” nhưng thực ra lại quá “khôn”. Chúa đã bảo: “Ngươi muốn gì cứ xin, Ta sẽ ban cho ngươi”. Ông dại quá, không xin giàu có, không xin sống lâu, không xin một thế lực hùng mạnh... mà lại xin khôn ngoan. Tuy nhiên, thực ra ông quá khôn, bởi vì khôn ngoan là nền tảng và nguồn gốc của mọi thứ khác: nhờ khôn ngoan nên sau đó ông giàu có, triều đình ông vững bền, đất nước ông giàu mạnh... và nhất là ông được Thiên Chúa che chở bảo vệ.

  Thi sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau khi đã chán ngán với đường danh vọng, và bị ảnh hưởng triết lý “vô vi” của Lão Tử đã về ở ẩn. Ông đã nói lên cái “triết lý dại khôn” của ông trong một câu thơ:

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn người tìm chốn lao xao (Nguyễn Bỉnh Khiêm)

  Ở đời, có những người khôn mà không ngoan, có người ngoan mà không khôn. Có những người khôn vặt, khôn láu cá, khôn lỏi, cái khôn mà Thánh kinh gọi là sự Khôn ngoan của con cái tối tăm. Nghĩa là chỉ biết khôn ngoan trong việc trần thế vật chất, tội lỗi, mà không có một chút khôn ngoan trong sự sáng, biết phân biệt lành dữ, biết lo phần rỗi. Chúa phán: “Được mọi sự thế gian, nghĩa là khôn ngoan nơi trần thế mà mất linh hồn thì nào được ích gì?” Vì thế người ta mới nói:

Khôn thế gian làm quan địa ngục,
Dại thế gian làm quan thiên đàng.

  Muốn có sự khôn ngoan, con người phải dùng đến lý trí và lương tâm trong sáng mới đạt được, nghĩa là đừng để cho vật dục lôi kéo, trấn áp, làm cho tâm trí trở nên mê muội. Có những người học thức cao, bằng cấp đầy mình mà hành động hết sức thiếu khôn ngoan.

  Trường hợp của vua Salômôn cũng nói lên điều đó. Salômôn là vị vua khôn ngoan nhất trần gian, sáng tác được những câu châm ngôn tuyệt vời, không ai sánh bằng, nhưng khi về già đã đổi tính đổi nết, kết hôn với những người đàn bà ngoại đạo, đưa các thần ngoại vào trong triều đình, khiến nhà vua mất khôn ngoan sáng suốt, làm những việc ngu xuẩn khác với thời trước.

                                                Truyện: Ngọc bích họ Hoà

  Nước Sở có người họ Hoà, được một hòn ngọc ở trong núi, đem dâng vua Lệ Vương. Vua sai thợ ngọc xem. Thợ ngọc nói: “Đá, không phải ngọc”. Vua cho người họ Hoà là nói dối, sai chặt chân trái.

  Đến khi vua Vũ Vương nối ngôi, người họ Hoà lại đem ngọc ấy dâng. Vua sai thợ ngọc xem. Thợ ngọc nói: “Đá, không phải ngọc”. Vua lại cho họ Hoà là nói dối, sai chặt nốt chân phải.

  Đến khi vua Văn Vương lên ngôi, người họ Hoà ôm hòn ngọc, khóc ở chân núi Sở sơn suốt ba ngày ba đêm đến chảy máu mắt ra. Vua thấy thế, sai người đến hỏi. Người họ Hoà thưa: “Tôi khóc không phải là thương hai chân tôi bị chặt, chỉ thương về nỗi ngọc mà cho là đá, nói thật mà cho là nói dối”. Vua bèn sai người xem lại cho rõ kỹ, thì quả nhiên là ngọc thật, mới đặt tên gọi là “Ngọc bích họ Hoà” (Nguyễn Văn Ngọc, Cổ học tinh hoa, tập 1, tr 144).

III. CÁCH HÀNH XỬ CỦA TA

1. Phải can đảm chọn lựa

  Trong cuộc đời có nhiều sự chọn lựa. Quyền chọn lựa là do mỗi người và mỗi người phải nhận lấy hậu quả của sự chọn lựa ấy. Không một chọn lựa nào có thể hoàn toàn bảo đảm cho tương lai, nên con người luôn bị day dứt về sự lựa chọn: bởi vì có người lựa chọn trong sự khôn ngoan sáng suốt, có người lựa chọn trong sự u tối mờ mịt. Nhưng riêng trong việc lựa chọn Nước trời luôn là một sự lựa chọn khôn ngoan, một chọn lựa đúng hướng. Muốn lựa chọn Nước trời, chúng ta phải có thái độ can đảm, dám hy sinh tất cả, dám gạt bỏ mọi trở ngại trong việc tìm kiếm, dám nhận lấy cái nhãn hiệu là “người dại, người khờ”.

  Hai người trong bài Tin mừng hôm nay rất khôn ngoan: người thứ nhất khám phá một kho tàng giấu trong một thửa ruộng. Anh vội về nhà bán hết tài sản rồi trở lại mua thửa ruộng đó. Người thứ hai thấy được một viên ngọc quí, cũng về nhà bán hết tài sản để trở lại mua viên ngọc quí đó. Ai trong chúng ta khám phá một kho tàng hay một viên ngọc quí mà không làm như hai người ấy! Đương nhiên chúng ta sẽ làm như họ thôi. Chúng ta dám bỏ tất cả vì chúng ta biết mình sẽ được lại cái còn quý giá hơn nhiều.

Truyện: Cách bắt khỉ

  Muốn bắt khỉ, người ta cho quả táo vào cái ống to, miệng nhỏ, chỉ để vừa tay con khỉ thò vào, đầu kia gắn vào gốc cây, rồi người ta ngồi rình chờ. Khỉ đến thấy quả táo ngon thì thò tay vào lấy luôn nhưng không rút tay ra được, vì vướng miệng ống. Muốn rút tay ra được thì phải buông quả táo ra. Nhưng con khỉ không biết buông quả táo ra mà cứ nắm chặt lấy nó mà la hét. Người ta đến bắt dễ dàng.

  Con khỉ thật dại dột, không biết buông quả táo ra, để có thể rút bàn ta ra khỏi ống mà cứ khư khư giữ lấy quả táo thì không bao giờ có thể rút tay ra được. Con khỉ không biết bỏ cái nhỏ mà chọn lấy cái lớn, không biết bỏ quả táo đi mà giữ lấy bản thân.

  Chúng ta đôi lúc cũng hành động như vậy. Chúng ta muốn thờ Thiên Chúa vừa muốn thờ thần Mammon, trong khi đó Chúa đã nhắc nhở: “Không ai có thể làm tôi hai chủ”. Bao lâu chúng ta còn hành động theo kiểu “bắt cá hai tay”, thì không bao giờ thành công, phải chọn một trong hai.

  Muốn vào Nước trời thì phải hy sinh, phải từ bỏ những gì làm cản trở: “Không phải cứ kêu Lạy Chúa, Lạy Chúa mà được vào Nước trời, nhưng chỉ những ai làm theo ý Cha trên trời”. bởi vì Nước trời chỉ có thể chiếm được bằng sức mạnh, sức mạnh tinh thần (regnum coelorum vim patitur). Chúng ta dám bỏ tất cả để được một kho tàng, để chiếm được một viên ngọc quí. Tại sao chúng ta không dám bỏ tất cả để chiếm hữu được Nước trời.

2. Chuẩn bị cho Giờ của Chúa

  Hình ảnh chiếc lưới vét hết mọi loại cá thường được dùng chỉ ngày tận thế, ngày cuối cùng của lịch sử (x. Lc 21,34). Điều khác biệt với dụ ngôn trên đây là vào ngày đó, tất cả mọi người, dù muốn hay không đều phải ra trình diện trước tòa phán xét. Ngày ấy sẽ là cuộc thanh lọc người dữ người lành. Sự lành sự dữ không thể được xếp đồng hạng với nhau. Sẽ có thời điểm phân tách để thưởng phạt công minh.

  Như vậy người khôn ngoan là người sống hôm nay mà đang chuẩn bị cho tương lai ngày mai. Họ sống trên trần gian nhưng không thuộc về trần gian, vì họ luôn hướng về Quê hương vĩnh cửu. Tuy vậy, hạnh phúc đời đời không làm chúng ta quên đi bổn phận đối với anh em, đối với cuộc sống hiện tại. Vì hạnh phúc vĩnh cửu chính là kết quả của những gì chúng ta đã thực thi trong cuộc đời này.

Truyện: Cần phần rỗi linh hồn

  Attila xâm chiếm nước Italia với các binh đoàn hùng hậu của ông. Khi đã chiếm đóng làm chủ khắp mọi nơi thuộc đế quốc Rôma, ngày kia quân lính đến báo cáo với ông ta rằng: Ở vùng ông ta đang trú đóng có một vị ẩn tu rừng. Attila, ông vua hiếu chiến, hung dữ, rất kiêu căng này luôn muốn mọi người run sợ sụp lạy trước mặt mình, nên ông ta nảy ra ý định thử đến gặp vị ẩn sĩ xem sao.

  Tưởng rằng vị tu hành sẽ sợ hãi khi đối diện với nhà chinh phục khét tiếng này, không ngờ, người của Thiên Chúa chẳng những không run khiếp, trái lại còn tỏ ra ung dung tự tại khiến Attila vừa nể phục vừa cảm mến. Sau khi trò chuyện với một người khôn ngoan, có tài đáp ứng mau lẹ, Attila bèn hứng chí nói: “Ta sẽ cho ngươi tất cả những gì ngươi có thể ước muốn trong vương quốc ta”. Lúc đó, vị ẩn sĩ vừa ngửa tay chìa về phía Attila vừa nói: “Thưa Ngài, trong toàn vương quốc của Ngài, tôi chỉ ước muốn một điều duy nhất: Phần rỗi của linh hồn Ngài thôi (Quê Ngọc, Dấu ấn tình yêu, năm A, tr 98).

  Phần rỗi linh hồn là một điều quan trọng và khẩn thiết nhất trong cuộc đời. Đức tin đưa chúng ta đến phần rỗi đời đời. Như người lái buôn tìm được ngọc quí, ông ta về bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy. Người Kitô hữu được Thiên Chúa tặng ban cho Đức tin là một hồng ân quí giá, chúng ta hãy về bán tất cả để giữ cho được cái kho tàng ân sủng ấy, có nghĩa là chúng ta phải dứt khoát từ bỏ những sở hữu phàm trần như: những đam mê thấp hèn, lòng tham danh vọng, tiền tài vật chất quá lẽ, tính ích kỷ kiêu căng, sự thờ ơ trước những đau khổ của người khác…

  Suy gẫm các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay chúng ta thấy Chúa Giêsu đưa ra ba dụ ngôn này là muốn mỗi người chúng ta phải nhận thức cho bằng được bài học quan trọng này: đang lúc còn sống ở trần gian, ai cũng phải ghi tâm khắc cốt rằng không có gì cao quí và quan trọng cho bằng NƯỚC TRỜI. Nước trời là kho báu tuyệt vời mà mọi người đáng mong ước. Xác tín như thế, người ta mới dám hy sinh từ bỏ mọi sự khác, hy sinh cả bản thân mình để chiếm được hạnh phúc thiên đàng.

 

Suy niệm 4: (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.)

Mt 13,44-52
VUI MỪNG ĐI BÁN MÀ MUA

Hai dụ ngôn Kho báu và Viên ngọc quý không làm ta ngạc nhiên,

bởi lẽ ở vào hoàn cảnh đó, ai trong chúng ta cũng làm thế.

Nếu ta là một nông dân gặp được kho báu khi đang cày ruộng,

ta cũng sẽ tìm cách để mua được thửa ruộng đó bằng mọi giá.

Mua được thửa ruộng là có được kho báu vô chủ.

Có được kho báu là cuộc sống hoàn toàn không như xưa.

Nếu ta là một thương gia sành sỏi chuyện buôn ngọc,

đi khắp nơi để lùng những viên ngọc quý hiếm.

Nhờ may mắn mà tìm thấy được viên ngọc chỉ có trong mơ,

hẳn ta sẽ tìm mọi cách để chiếm được viên ngọc đó.

 

Khi người nông dân tìm thấy kho báu,

hay khi người thương gia tìm thấy viên ngọc quý,

cả hai đều có phản ứng như nhau.

Đó là sự say mê, phấn khích, và thèm muốn đến tột cùng.

Cả hai đều sẵn sàng làm bất cứ điều gì để sở hữu được chúng.

Kho báu hay viên ngọc quý thu hút toàn bộ suy nghĩ của họ.

Mọi sự khác trên đời dường như chẳng còn giá trị gì.

Họ coi cuộc đời họ như bị đổ vỡ nếu không chiếm được chúng.

Chính vì thế cả người nông dân và người thương gia

đều làm những hành động giống nhau:

đi, bán tất cả những gì mình có, và mua cho bằng được.

Không có dấu vết của nuối tiếc hay đắn đo.

Chỉ có niềm vui của người nghĩ mình đã làm đúng.

Chỉ có hạnh phúc của người biết là mình đã khôn ngoan.

 

Đấy là chuyện về kho báu và viên ngọc quý ở trần gian.

Còn Nước Trời có là kho báu hay viên ngọc quý đối với tôi không,

lại là chuyện khác.

Nước Trời có vẻ xa xôi, vô hình, mà tôi lại chưa có cảm nghiệm,

nên tôi không dễ thấy được giá trị và vẻ đẹp của Nước Trời.

Kho báu Nước Trời thì khó thấy, ít hấp dẫn.

Còn kho báu trần gian phù du thì ai cũng mong tích trữ,

đến nỗi Đức Giêsu phải kêu: Hãy tích trữ kho báu trên trời (Mt 6,20).

Vấn đề là tôi chọn kho báu nào, kho báu ở đâu thì tim ở đó (Mt 6,21).

Chỉ khi thấy Nước Trời là kho báu bền vững và vượt trội,

ta mới dám đi, bán tất cả những gì mình có mà mua.

Nếu chúng ta còn ngần ngại, bị giằng co giữa hai kho báu,

thì đó là vì chúng ta chưa thấy sự ưu việt của kho báu trên trời.

 

Để có được kho báu trên trời, cần làm một chọn lựa quan trọng.

Đó là bán tất cả những gì mình có.

Bán tất cả mọi sự không hẳn là trở nên trắng tay,

nhưng là đặt mọi sự mình có ở dưới Thiên Chúa.

Cả tương lai, gia đình, hạnh phúc, của cải, uy tín, thành công:

những kho báu đó phải đặt dưới Kho Báu viết hoa là Nước Trời,

và khi cần, chúng ta phải vui lòng hy sinh mọi sự.

 

Để thấy được vẻ đẹp của Nước Trời, cần có thời gian.

Để mê thiên đàng, cần gỡ mình khỏi những trói buộc vật chất.

Khi có kinh nghiệm về kho tàng mối mọt đục khoét được,

chúng ta sẽ dễ tìm đến kho báu đích thực, tuyệt đối.

Trước khi bán tất cả tài sản để mua viên ngọc quý là Nước Trời,

ta cần bán từ từ, từng món một, qua những buông bỏ mỗi ngày.

Rồi có lúc ta sẽ thấy mình tự do và siêu thoát.

Anh thanh niên giàu có buồn rầu bỏ đi vì muốn giữ của.

Còn người vui sướng bán tất cả lại thấy mình giàu có khi trắng tay.

 

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã trìu mến nhìn người thanh niên giàu có

và mời anh theo Chúa để được sự sống đời đời.

Chúa mời anh đi bán tài sản mình, cho người nghèo,

rồi đến và theo Chúa.

Nhưng anh đã buồn rầu bỏ đi, vì quá gắn bó với của cải.

Anh bị giằng co, vì anh muốn được kho tàng trên trời,

nhưng lại không muốn mất kho tàng dưới đất.

Hẳn Chúa cũng buồn và tiếc cho anh.

Chúa có mong anh ấy một ngày nào trở lại?

 

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã ngước nhìn ông Gia-kêu khi ông còn ở trên cây.

Chúa chỉ gọi tên ông và xin đến nhà của ông.

Chúa chẳng đòi ông phải hoán cải hay bỏ nghề thu thuế,

Nhưng trong cách cư xử trân trọng của Chúa,

ông nhận ra một lời mời.

Gia-kêu đã vui sướng đáp lại lời mời đó,

khi ông hứa sẽ đền gấp bốn, và cho người nghèo nửa phần gia sản.

Bỗng nhiên Gia-kêu được tự do khỏi của cải từng làm ông mê say.

Ông ngất ngây vì giờ đây nhà ông được hưởng ơn cứu độ.

 

Lạy Chúa Giêsu,

buông bỏ tất cả để sống cho những điều trên cao,

vừa khó lại vừa dễ.

Chỉ cần Chúa chạm đến chúng con một giây,

và vén mở cho chúng con thấy kho tàng trong trái tim Chúa,

chúng con sẽ hết bị ràng buộc bởi những thứ mau qua,

để sống cho những giá trị vĩnh cửu.

 

Suy niệm 5: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Ignatiô sinh tại Lôyôla miền Cantabria nước Tây Ban Nha trong một gia đình giàu sang, phú quý và đầy thế giá vào năm 1493. Ignatiô đã nhập ngũ và bị thương khi quân đội Tây Ban Nha giao tranh với quân đội Pháp ở Pampelune vào năm 1523.

Thời gian nằm bệnh viện dưỡng bệnh lâu dài. Sau khi đã đọc rất nhiều sách vở, người ta đưa cho chàng cuốn sách Hạnh các thánh. Chính gương mẫu đời sống các thánh đã thúc giục Ngài: “Hãy bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu”, ngài tự hỏi: Tôi có phải thực hiện điều mà thánh Phanxicô và Đôminicô đã làm chăng ?

Ơn trên thúc đẩy, Ignatiô bắt đầu khám phá ra mầu nhiệm nước Trời trong ơn gọi của mình, Ngài đã bỏ thanh kiếm quý tộc của mình ở bàn thờ Đức trinh nữ Maria tại Mont-Serrat. Ngài sống một đời sống họa lại tình yêu của Chúa Giêsu, Ngài đã sống khó nghèo như một người ăn mày, Ngài đã viết nhiều sách rất có giá trị về mặt đạo đức và thiêng liêng. Cùng với các cộng sự viên ngài đã sáng lập Dòng Chúa Giêsu tức là Dòng Tên, châm ngôn của Dòng là: “Tất cả cho vinh danh Chúa hơn”.

Ignatiô thường cầu nguyện: “Xin ban cho con tình yêu và ơn thánh Chúa, thế là con giàu rồi, con không xin gì nữa”.

Suy niệm

Chúa Giêsu dùng hình ảnh kho báu và ngọc quý, nói lên giá trị tuyệt đỉnh của nước Trời, theo Chúa Kitô đó là mục đích lớn nhất của đời người. Muốn đạt tới nước Trời, con người phải nỗ lực đi tìm và hy sinh tất cả để gìn giữ khi tìm thấy. Nếu như giá trị của kho tàng, vàng, ngọc, kim cương vượt lên trên mọi giá trị của con người mà họ hăng say tìm kiếm ở trần gian, qua hình ảnh này, Chúa Giêsu cũng nói về niềm vui, giá trị nước Trời vượt trên tất cả. Tuy nhiên, kho tàng nước Trời, ngọc quý của Thiên quốc là những của cải không hề bị mất đi trong lúc vàng, kho tàng, ngọc, kim cương sẽ chỉ có giá trị ở đời này, còn kho tàng nước Trời là vĩnh cửu, nên nước Trời sẽ vượt lên trên mọi thứ vật chất, vui sướng của trần thế.

Để hiểu thêm ý nghĩa của dụ ngôn kho tàng và ngọc quý mà Chúa Giêsu muốn truyền dạy, chúng ta tìm hiểu chi tiết hoàn cảnh xã hội Do Thái đương thời. Thời đó, do tình trạng chính trị với sự đe dọa xâm lăng của ngoại bang ở vùng Trung Đông, chôn giấu của cải là việc thông thường để gìn giữ nó trước biến động, giống như Việt Nam chúng ta vào thời chiến tranh, chôn giấu của cải để bảo vệ nguyên vẹn trước những biến động. Theo luật người Rôma thời ấy, ai tìm được bảo vật thì họ có quyền sở hữu. Nhưng theo luật Do Thái thì quyền sở hữu thuộc về chủ thửa đất. Dụ ngôn này cho thấy Đức Giêsu rất thông thạo về luật lệ và phong tục Do Thái. Trong dụ ngôn kho báu, tìm được báu vật là một sự tình cờ; nhưng trong dụ ngôn tìm ngọc quý đó là một chủ tâm, chủ tâm làm mọi sự để đạt được nước Chúa.

Ngày hôm nay, con người vẫn mải mê tìm kiếm vật chất mà quên đi những giá trị của nước Trời, con người lo lắng mọi sự thế gian: Làm tất cả để giàu, để đẹp, chính vì mải mê đó mà quên đi những thực tại quê Trời mà họ cần phải tìm kiếm. Con người hôm nay đặt tất cả mọi lo toan, lo lắng, mà quên Đức Kitô và nước Ngài như thánh Âugustinô đã nhìn thấy trong cách sống con người: “Chúa Giêsu không đáng giá chút nào, nếu Ngài không được coi trọng hơn tất cả”. Phải chăng, Chúa Giêsu không phải là kho tàng, nước Trời mà Ngài rao giảng không có giá trị gì với chúng ta chăng ?

Chúa Giêsu đã hứa với những ai dành trọn tâm cho việc tìm kiếm nước Chúa: “Trên hết, hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Bạn để tâm hồn mình định hướng tìm kiếm nước Thiên Chúa, mình sẽ có được tất cả, vì nước Thiên Chúa mà bạn tìm được sẽ chiếm hữu bạn. Chính lúc đó, bạn sẽ cảm nghiệm được hạnh phúc có nước Trời. Nước Trời bắt đầu ở trong tâm hồn của bạn như lời nguyện Giáo hội xác định: “Và cho chúng con được nếm trước những ân huệ Cha sẽ ban cho chúng con ở đời sau” (Lời tiền tụng các thánh Trinh Nữ và các thánh Tu Sĩ) “bởi lẽ chính tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt” (Pl 3,12).

Xin cho con xác định đời con để con luôn nỗ lực tìm kiếm nước Trời.

Ý lực sống

Để tâm toàn ý tìm nước Trời
Con vui tiến bước vì ngày mai.

 

Suy niệm 4: (song ngữ)

17th Sunday in Ordinary Time
Reading I: 1 Kings 3:5,7-12
Reading II: 
Romans 8:28-30

Chúa Nhật 17 Thường Niên A
Bài Đọc I: 1 Sách các vua 3,5.7-12
Bài Đọc II: 
Rôma 8,28-30

Gospel
Matthew 13:44-52

44 “The kingdom of heaven is like treasure hidden in a field, which a man found and covered up; then in his joy he goes and sells all that he has and buys that field.
45 “Again, the kingdom of heaven is like a merchant in search of fine pearls,
46 who, on finding one pearl of great value, went and sold all that he had and bought it.
47 “Again, the kingdom of heaven is like a net which was thrown into the sea and gathered fish of every kind;
48 when it was full, men drew it ashore and sat down and sorted the good into vessels but threw away the bad.
49 So it will be at the close of the age. The angels will come out and separate the evil from the righteous,
50 and throw them into the furnace of fire; there men will weep and gnash their teeth.
51 “Have you understood all this?” They said to him, “Yes.”
52 And he said to them, “Therefore every scribe who has been trained for the kingdom of heaven is like a householder who brings out of his treasure what is new and what is old.”

Phúc Âm
Matthêu 13,44-52

44 “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia khi gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.
45 “Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp.
46 Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi , bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.
47 “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá
48 Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài.
49 Đến ngày tận thế, cũng sẽ xãy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính,
50 rồi quăng vào lò lửa. ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.
51 “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa hiểu”.
52 Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ”.

Interesting Details

  • Political conditions in Palestine and the continuing threat of invasion made the burial of one's valuables a common way of protecting them.
  • Under the Roman law, the person who found the treasure is its owner; but under the Jewish law, the field's owner is the rightful owner of the treasure. This shows that Jesus is well versed in Jewish laws and customs.
  • In the parable of the treasure, there is an element of surprise, whereas the parable of the pearl is the result of a deliberate search.

Chi Tiết Hay

  • Vì tình trạng chính trị và sự đe dọa xâm lăng của ngoại bang ở vùng Trung Đông thời đó, chốn dấu là việc thông thường để gìn giữ của cải.
  • Theo luật người Rôma thời ấy, người tìm được bảo vật có quyền sở hữu. Nhưng theo luật Do-thái thì quyền sở hữu thuộc về chủ thửa đất. Dụ ngôn này cho thấy Đức Giêsu rất thông thạo về luật lệ và phong tục Do thái.
  • Trong dụ ngôn kho báu, tìm được báu vật là một sự tình cờ; nhưng trong dụ ngôn tìm ngọc quý đó là một chủ tâm.

One Main Point

The treasure and the pearl indicate the inestimable value of the kingdom and hence it should be zealously pursued to the point of renouncing everything one possesses in order to acquire it. The joy of the kingdom brings to the discoverer is beyond earthly happiness. The dragnet implies that God's kingdom comprises of all kind of people: the good, the bad and the ugly; and the best way to deal with the mixed response to God's words is patient tolerance until the day of final judgment.

Một Điểm Chính

Kho báu và ngọc quý nói lên giá trị không lường được của Nước Trời. Muốn đạt được Nước Trời, con người phải nổ lực đi tìm và hy sinh tất cả để gìn giữ khi tìm thấy. Niềm vui Nước Trời mang lại vượt trên tất cả mọi vui sướng của trần thế. Hình ảnh của chiếc lưới cho thấy Nước Trời bao gồm đủ mọi hạng người. Phán xét là việc của Thiên Chúa, kiên nhẫn chờ ngày phán xét là bổn phận của con người.

Reflections

  1. As followers of Christ, how do we envision the nature of God's kingdom? How can we make known that kingdom to other people? If we value the worldly goods such as money, fame, power, appearance, etc... and spend time and energy to pursue them, how do we compare these with the values of God's kingdom? No doubt that these worldly goods bring ephemeral joy to us, but how we deduce from these experiences the greater joy of discovering God's kingdom?
  2. Each on of us physically found the Kingdom of God (the Church), but has our soul found the Kingdom of God? Is our soul rejoicing? What does one need to do for one's soul to find and to keep the joy of God's kingdom?
  3. Man is like the precious pearls that Jesus found, and Jesus gave all for us. Have you found Christ? What joy and energy has He brought to your being, body and soul? Have you found the joy to give all for Christ?

Suy Niệm

  1. Là môn đệ của Đức Kitô, bạn hình dung Nước Trời với hình ảnh nào? Làm sao bạn giới thiệu Nước Trời với mọi người chung quanh? Nếu bạn quan tâm đến những giá trị của thế gian như tiền bạc, danh vọng, quyền chức, bề ngoài, v.v... và đổ mọi nổ lực và thời giờ để đeo đuổi, thì bạn so sánh thế nào những giá trị này với giá trị của Nước Trời? Dĩ nhiên là vật chất cũng đem lại những niềm vui. Từ những kỵ niệm trần thế này, hãy suy niệm về niềm hạnh phúc của Nước Trời?
  2. Là môn đệ của Chúa Kitô, bạn đã tìm được Nước Trời (Giáo hội) trên phương diện thể chất, nhưng tâm hồn của bạn có tìm thấy Nước Trời chưa? Tâm hồn của bạn ta có tràn đầy niềm vui như người thương gia trong dụ ngôn ngọc quý không? Làm sao cho tâm hồn bạn tìm được và giữ mãi niềm hạnh phúc của Nước Trời?
  3. Con người như là hòn ngọc quý Đức Giêsu nổ lực tìm được, và Ngài đã hy sinh tất cả cho con người. Bạn có tìm thấy Chúa Kitô chưa? Sinh lực và hạnh phúc nào Ngài mang lại cho con người bạn, thể xác và tâm hồn? Bạn tìm được niềm vui nào trong tâm hồn để hy sinh cho Ngài tất cả?

 

Top