Chúa nhật 18 Thường niên năm A (Mt 14, 13-21)

Chúa nhật 18 Thường niên năm A (Mt 14, 13-21)

Chúa nhật 18 Thường niên năm A (Mt 14, 13-21)

“Mọi người đều ăn no”.

BÀI ĐỌC I: Is 55, 1-3

“Hãy đến mua lúa mà ăn”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Đây Chúa phán: “Hỡi tất cả những ai khát nước, hãy đến uống nước; hỡi kẻ không tiền bạc, hãy đến mua lúa mà ăn; hãy đến mà mua rượu và sữa, không cần trả tiền, không cần đổi chác gì. Tại sao các ngươi không dùng tiền mà mua bánh, sao không dùng tiền lương mà mua đồ nuôi thân? Vậy hãy lắng tai nghe, hãy đến ăn đồ bổ, và các ngươi sẽ được thưởng thức món ăn mỹ vị. Hãy lắng tai và đến cùng Ta, hãy nghe, thì các ngươi sẽ được sống; Ta sẽ ký kết với các ngươi một giao ước vĩnh cửu, đó là những hồng ân đã hứa cho Đavít”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 144, 8-9. 15-16. 17-18

Đáp: Lạy Chúa, Chúa mở rộng bàn tay ra, và thi ân cho chúng con được no nê (x. c. 16).

Xướng:

1) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. - Đáp.

2) Muôn loài để mắt cậy trông vào Chúa, và Ngài ban lương thực cho chúng đúng theo giờ. Chúa mở rộng bàn tay ra, và thi ân cho mọi sinh vật được no nê. - Đáp.

3) Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi kẻ kêu cầu Ngài, mọi kẻ kêu cầu Ngài cách thành tâm. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: Rm 8, 35. 37-39

“Không một tạo vật nào có thể tách biệt chúng ta khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô, Chúa chúng ta”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, ai sẽ tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô được? Hay là gian truân, buồn sầu, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, bắt bớ, gươm giáo sao?

Nhưng chúng ta vượt thắng được trong tất cả những sự ấy, vì Đấng đã yêu thương chúng ta. Tôi chắc chắn rằng dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay các bậc quyền quý, tài sức, dù những sự hiện tại hay tương lai, hoặc sức mạnh, dù cao hay sâu, dù tạo vật nào khác, cũng không có thể tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Mt 14:13-21

13 Khi ấy Chúa Giêsu nghe tin Gioan Tẩy Giả đã chết, thì Người rời bỏ nơi đó, xuống thuyền đi đến nơi hoang địa vắng vẻ. Dân chúng nghe biết, thì từ các thành phố đi bộ theo Người. 14 Ra khỏi thuyền, Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ, và chữa những người bệnh tật trong họ.

15 Chiều tới, các môn đệ đến gần thưa Người rằng: “Đây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi, xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn”. 16 Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn”. 17 Các ông thưa lại rằng: “Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá”. 18 Người bảo các ông rằng: “Hãy đem lại cho Thầy”.

19 Khi Người đã truyền cho dân chúng ngồi trên cỏ, Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các ông này phân phát cho dân chúng. 20 Mọi người đều ăn no. Và người ta thu lượm được mười hai thúng đầy những miếng bánh vụn. 21 Số người ăn là năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ.


Bài giảng của linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Tìm hiểu Tin Mừng chúng ta thấy Ðức Giêsu có đủ mọi điểm đáng ca tụng: Khiêm nhượng, công bình, can đảm, tế nhị... Nhưng nổi bật nhất là lòng thương xót, Ðức Giêsu đến trần gian để thực hiện chương trình cứu rỗi. Tình thương được thể hiện bằng cách: Giảng dạy và cứu họ khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền, cùng ban bánh nuôi sống họ.

Còn chúng ta, đối với anh em chung quanh, ta có thái độ nào ? Yêu thương, giúp đỡ hay lãnh đạm dửng dưng ? Các đối xử của ta đối với tha nhân sẽ là bằng chứng nói lên chúng ta có phải là Kitô hữu đích thực hay chỉ là giả hiệu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa luôn quan phòng yêu thương chúng con. Ngài chăm sóc phần hồn, nuôi dưỡng phần xác... Xin cho chúng con cảm nhận được tình yêu của Chúa, để chúng con an tâm vững bước trên đường đời. Xin cho chúng con cũng biết học nơi Chúa để sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những khổ đau nghèo khó của anh chị em chúng con trong tinh thần quảng đại, yêu thương. Amen.

Ghi nhớ: “Mọi người đều ăn no”.

 

Suy niệm 2: (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

CHÚA BAN LƯƠNG THỰC CHO LOÀI NGƯỜI

+++

A. DẪN NHẬP

  Mọi sinh vật trên mặt đất này cần phải có một thứ lương thực thích hợp để nuôi sống. Con người cũng là một sinh vật nên cũng phải theo qui luật bất di bất dịch ấy. Nhưng con người lại khác với những sinh vật khác ở chỗ ngoài sự sống vật chất còn có sự sống tinh thần, sự sống thần linh mà lương thực trần gian không thể đáp ứng được. Căn cứ vào lời Chúa Giêsu nói với quỉ đến cám dỗ Ngài: “Người ta không sống nguyên bởi bánh”. Như vậy con người còn có một thứ lương thực đặc biệt khác, đó là lương thực thần linh.

 Mọi người đói khát hãy đến với Chúa vì theo ý Chúa Cha, Đức Giêsu đã tự hiến dâng để làm dịu cơn đói khát lương thực thiêng liêng ấy. Ngày nay Hội thánh dạy chúng ta: lương thực thần thiêng nuôi dưỡng chúng ta đó là Lời Chúa và Thánh Thể. Khi đã được Chúa nuôi dưỡng bằng lương thực ấy, chúng ta cũng có trách nhiệm phải làm cho người khác cũng được nuôi dưỡng như vậy vì: “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì cũng phải cho đi nhưng không”.

 Thiên Chúa như nguồn nước, Ngài không ngừng thông ban ân phúc cho con người qua các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể và Lời Chúa, nên các môn đệ Chúa ngày nay mặc dù không có khả năng sản xuất ra lương thực nuôi dân, nhưng họ sẽ gắng sức, tận dụng tài năng, trí lực của mình để đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, rồi trao ban cho con người để người người biết cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, làm giàu mặt đất và đem lại hạnh phúc cho nhân loại.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Is 55,1-3

 Khi thời gian lưu đày ở Babylon sắp hết, tiên tri Isaia được sai đến kêu gọi toàn dân (-540) khi thoát cảnh lưu đày trở về xây dựng lại đất nước, hãy “lắng tai và đến cùng Ta, hãy nghe thì sẽ được sống”. Thiên Chúa mời gọi người ta đến dự một bữa tiệc do Người khoản đãi. Bữa tiệc sẽ có những cao lương mỹ vị, hoàn toàn miễn phí, không phải trả đồng xu nào.

 Với hình ảnh thức ăn và thức uống vật chất được tặng miễn phí cho người nghèo của Giavê, Isaia muốn dạy chúng ta phải biết thèm muốn và tìm lương thực tâm linh là Lời Chúa và tình thân hữu với Chúa. Như vậy, hình ảnh bữa tiệc mang ý nghĩa tượng trưng:

- Tượng trưng cho sự thỏa mãn những khát vọng của con người.

          - Tượng trưng cho hạnh phúc Nước trời.

+ Bài đọc 2: Rm 8,35.37-39

 Trong đoạn thư này, thánh Phaolô biểu lộ niềm tin và niềm hy vọng vào Chúa Kitô. Tình yêu của Chúa Kitô chiến thắng tất cả, vì thế không có gì có thể tách biệt chúng ta ra khỏi lòng mến của Đức Kitô, dù bị gian nan thử thách như gian truân, buồn sầu, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, bắt bớ, gươm giáo.

 Chúa yêu thương chúng ta như chưa có ai đã thương như thế bao giờ. Ngay từ bây giờ chúng ta tham dự cuộc sống thần thánh của Người trong khi chờ đợi chúng ta chia sẻ vinh quang của Người trên trời.

+ Bài Tin mừng: Mt 14,13-21

 Thánh Mátthêu mô tả việc Chúa Giêsu làm cho bánh hóa ra nhiều để nuôi hơn 5000 người ăn. Phép lạ cũng được cả bốn Thánh sử ghi chép lại, nói lên sự quan trọng của sự việc. Chiều đến, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Họ chẳng cần phải đi đâu, anh em hãy cho họ ăn”. Việc biến hoá bánh ra nhiều là biểu tượng phép Thánh Thể mà Chúa sẽ thiết lập sau này. Thánh Thể cũng sẽ là lương thực, là của ăn của nhân loại trên đường về quê trời. Và Chúa Giêsu cũng thiết lập vào một buổi chiều tối, Giáo hội tiên khởi cũng “bẻ bánh” lúc đêm về.

 Phép Thánh Thể là bí tích của đoàn người đi trong sa mạc, trong đêm tối dưới ánh sáng Chúa Phục sinh, như ngày xưa dân Chúa đi qua sa mạc dưới ánh cột lửa và nhờ manna nuôi sống.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Lương thực dưỡng nuôi chúng ta

I. NHU CẦU CỦA CON NGƯỜI

 Con người được kết hợp bởi hai phần: linh hồn và thể xác. Mỗi phần có những nhu cầu khác nhau. Con người không những cần phải được thỏa mãn những nhu cầu vật chất nhưng còn những nhu cầu tinh thần nữa.

1. Nhu cầu vật chất

 Con người cũng như các sinh vật phải ăn mới có thể sống. không ăn không uống là chết, đó là qui luật tự nhiên cho mọi sinh vật trên mặt đất này. Người Việt Nam chúng ta hay nói:

Dĩ thực vi tiên hay Có thực mới vực được đạo

 Người Tây phương cũng nói giống thế: “Ăn đã rồi hãy triết lý” (manducare priusquam philosophare).

 Điều ấy chứng tỏ rằng ăn uống là cần thiết và cũng là điều kiện tất yếu của sự sống.

 Một cuộc nghiên cứu có tính cách quốc tế cho biết một nửa dân số thế giới không được cung cấp đủ nước sạch và 450 triệu người mỗi đêm đi ngủ mà bụng đói meo. Nhiều nước châu Phi đã bị nạn đói hoành hành trầm trọng cần được Liên Hợp Quốc cứu trợ.

 Xem ra loài người được cho là thông minh nhất vẫn mãi mãi lo giải quyết cái ăn cái mặc. Và oái oăm thay vẫn những phương tiện tối tân như cơ giới hóa việc cày cấy, gieo trồng lúa đúng khoa học kỹ thuật, thay trời làm mưa gió để tăng năng xuất, thế mà dường như thế giới loài người càng ngày càng nghèo hơn, đói khổ lan tràn.

 Ở Việt Nam chúng ta, chương trình xoá đói giảm nghèo đang được xúc tiến mạnh mẽ, hy vọng dân chúng sẽ bớt nghèo đói. Phải chăng đói khổ mãi mãi là hậu quả của tội nguyên tổ mà con cháu loài người chúng ta phải lãnh đủ lời nguyền rủa của Thiên Chúa “phải khó nhọc bưới đất nhặt cỏ mới có của ăn”.

 Chúng ta nên nhớ rằng Thiên Chúa đã tạo dựng nên trái đất này, một trái đất phong phú, sản sinh ra đầy đủ đến dư thừa mọi lương thực chẳng những cho loài người mà còn cho muôn loài. Cho nên trên căn bản là Chúa bảo đảm cho con người được no nê.

2. Nhu cầu tinh thần

 Con người tuy cũng là con vật nhưng là một con vật có lý tính (Homo est animal rationale) không những chỉ đòi hỏi thỏa mãn nhu cầu vật chất mà còn đòi hỏi thỏa mãn những nhu cầu cao hơn vật chất: đó là những khát vọng cao hơn và quí hơn như bình an sâu sắc, tình yêu chân thật, sự sống vĩnh cửu... Chân, thiện, mỹ tuyệt đối. Những khát vọng này không ai và không cái gì có thể thỏa mãn cho chúng ta, ngoài một mình Thiên Chúa.

 Chúa Giêsu rao giảng ở đâu thì người ta tấp nập kéo đến khắp nơi từ thành thị đến thôn quê. Người ta đến quấy rầy Chúa đến nỗi Ngài và các môn đệ không có thì giờ nghỉ ngơi ăn uống. Số người đến nghe Chúa rao giảng rất đông. Nếu chỉ tính riêng đàn ông mà đã tới 5,000 người thì con số sẽ lên đến 10,000 hay hơn nữa nếu kể cả đàn bà và con nít. Họ say mê đi nghe Chúa giảng đến nỗi quên cả thời gian, quên cả ăn uống. Như trong bài Tin mừng hôm nay, sau khi đã giảng dạy dân chúng lâu giờ, trời đã xế chiều, có lẽ vào khoảng 3 giờ chiều, các môn đệ giục Chúa cho họ về, vào làng mạc mà mua thức ăn, kẻo ở nơi hoang địa thì không có gì ăn và đêm đã xuống dần.

II. CHÚA THOẢ MÃN NHU CẦU CON NGƯỜI

 Thánh Mátthêu cho biết, khi hay tin Chúa Giêsu xuống thuyền đi đến chỗ hoang vắng riêng biệt thì dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người. Chúa Giêsu thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương vì họ như đàn chiên không có người chăn. Họ đến với Chúa như đến với vị mục tử nhân lành, họ đặt tin tưởng vào Chúa. Đáp lại, Chúa Giêsu chữa lành nhiều bệnh nhân và đáp ứng nhu cầu vật chất cho họ.

 Dân chúng say mê nghe Chúa giảng, quên ăn quên uống, nhưng dù sao dạ dày của họ cũng phải nổi loạn khi không được cung cấp thức ăn thức uống cho nó. Bóng chiều đang xuống dần mà dân còn đang ở trong nơi hoang vắng xa làng mạc thành thị, họ ra về, đường còn xa sợ có người đói lả dọc đường. Chúa Giêsu muốn các môn đệ cho họ ăn. Nhưng trong hoang địa này lấy đâu ra lương thực cho ngần ấy người ăn. Ở đây chỉ có thằng nhỏ có 5 chiếc bánh và 2 con cá. Bằng ấy thực phẩm thì nhằm nhò gì với một biển người như vậy! Nhưng Chúa Giêsu cứ bảo họ ngồi xuống thảm cỏ để cho Người làm việc. Thánh Mátthêu kể: “Người cầm lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được 12 giỏ đầy”.

 Lời giảng của Chúa đã làm cho dân chúng say mê. Lời Chúa là thức ăn nuôi dưỡng và bồi bổ cho linh hồn. Tuy thế, Chúa không quên thoả mãn nhu cầu vật chất cho họ, vì họ là con người có hồn có xác, phải được nuôi dưỡng đầy đủ. Như vậy Chúa thực hiện lời khuyên: “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa, còn mọi sự khác Người sẽ thêm cho”.

 Ngoài thức ăn vật chất, Chúa Giêsu còn muốn hướng con người đến một thức ăn khác nữa, cần thiết hơn, quí trọng hơn. Bởi đó, sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, người ta tiếp tục tuốn đến với Chúa mong Người tái diễn phép lạ ấy, nhưng Người đã lánh họ mà đi. Theo tường thuật của thánh Gioan, Người còn nói với họ: “Các ngươi tìm Ta chỉ vì đã được ăn bánh no nê. Hãy nỗ lực tìm kiếm thứ lương thực nuôi dưỡng sự sống muôn đời”. Thứ lương thực ấy chính là bản thân của Chúa Giêsu, được ban cho chúng ta qua bí tích Thánh Thể.

III. CHÚA CẦN CHÚNG TA CỘNG TÁC

 Ở đây diễn tả lòng nhân đạo của các Tông đồ đối với dân chúng. Nhưng lòng nhân đạo này chỉ có tính cách hạn hẹp theo khả năng tự nhiên của con người, nên bất lực không thể lo cho họ ăn được. Vì thế ở đây muốn nói lên sự hạn hữu và bất lực của con người nơi các Tông đồ nhưng chính sự bất lực này làm nổi bật quyền năng của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu trong việc làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng.

 Chúa Giêsu biết rõ các Tông đồ bất lực trong việc cho dân chúng ăn no, nhưng Người vẫn ra lệnh cho các ông để chứng tỏ việc phân phát có ý nghĩa như một trung gian, cho dân chúng ăn là việc các Tông đồ làm được, còn việc làm cho có bánh nhiều là việc các Tông đồ bất lực thì chính Người sẽ làm thay (x Ga 6,6) (Lm. Trần Hữu Thành, Suy niệm Tin mừng Chúa nhật năm A, tr 235-236).

 Chúa Giêsu không muốn làm việc một mình, Ngài muốn cho chúng ta cộng tác, mỗi cái Ngài làm một nửa, Ngài để công việc còn “dang dở” cho chúng ta tiếp tục.

 Chiều hôm ấy, đám dân chúng đói không có gì ăn. Các môn đệ không đủ bánh, nghĩa là có nhưng thiếu; hoặc nói cách khác là có mà dở dang. Chúa không vất cái dở dang ấy rồi tự mình làm phép lạ. Chúa bảo đem cái dở dang ấy đến. Sao Chúa không làm phép lạ cho có bánh, mà chỉ làm phép lạ cho bánh hóa ra nhiều? Sao Chúa ưa thích cái dang dở của các Tông đồ làm chi? (Mc 6, 36-43)

 Chúa thích làm phép lạ dang dở. Chúa làm có một nửa nên nhân loại mới được góp phần trong công việc trọng đại ấy. Cái dang dở Chúa để xảy ra là dang dở huyền nhiệm. Thiếu dang dở này con người thiệt thòi biết bao. Cần có những dang dở của Chúa để dang dở của con người hết dở dang. Con người không thể làm phép lạ tự cứu lấy mình. Chúa cũng không cứu con người khi con người không tự do lãnh nhận. Phép lạ của Chúa cần là phép lạ một nửa, phép lạ dang dở để tôi được tham dự. Cái dở dang của Chúa là chỗ trống cho tôi bước vào. Cái dở dang của Chúa thật là huyền diệu, sâu thẳm (Lm. Nguyễn Tầm Thường, Viết trong tâm hồn, tr 7).

 Các Tông đồ chỉ kiếm cho Chúa được có 5 cái bánh và 2 con cá. Thật là một đóng góp quá nhỏ nhoi, nhưng thực ra, chỉ cần bằng ấy đã quá đủ đối với Chúa. Chúa không muốn làm phép lạ tự không mà có bánh cho họ ăn, nhưng Chúa muốn cho con người đóng góp một chút để cộng tác với Chúa. Như vậy, phép lạ hóa bánh ra nhiều là kết quả của sự kết hợp giữa quyền năng vô biên của Chúa với sự cộng tác nhỏ bé của con người.

 Việc này muốn dạy rằng để giải quyết kinh tế, con người với trí óc thông minh và sức lực sẵn có của mình tự tìm kiếm miếng cơm manh áo cách chính đáng trước, còn thiếu những gì Chúa sẽ bù đắp thêm. Cho nên phải tránh tính ỷ lại, lòng cậy trông kiểu khoán trắng cho Chúa an bài, còn mình ngồi không mà thụ hưởng hay kiêu căng tự phụ cho mình làm ra tất cả, chẳng ai giúp đỡ kể cả Thiên Chúa.

Truyện: Người chạnh lòng thương

 Mẹ Têrêsa Calcutta thuật lại một câu chuyện như sau: Một hôm, có một cặp vợ chồng trẻ đến thăm tu viện và trao tặng cho chúng tôi một khoản tiền lớn, bảo là để đóng góp vào chi phí mua thức ăn cho những người nghèo.

 Ở Calcutta mỗi ngày dòng Nữ tử Bác ái Truyền giáo chúng tôi phải cung cấp lương thực cho 9,000 người. Bởi đó không lạ gì hai bạn trẻ này muốn dùng khoản tiền họ tặng vào mục tiêu trên.

 Thấy họ còn quá trẻ, tôi tò mò hỏi:

- Hai con có thể cho mẹ biết tiền đâu mà hai con có nhiều thế?

 Họ trả lời:

- Chúng con vừa cưới nhau được hai ngày. Chúng con quyết định không may đồ cưới, cũng không tổ chức linh đình, để dùng tiền đó giúp những người kém may mắn hơn chúng con.

 Mẹ Têrêsa hỏi tiếp:

- Ở Ấn độ, không có quần áo cưới và tiệc cưới là điều nhục nhã. Tại sao các con lại quyết định táo bạo như thế, làm phật lòng cha mẹ và họ hàng?

 Họ thưa:

- Chúng con yêu nhau và muốn tặng nhau món quà cưới đặc biệt. Chúng con muốn khởi đầu cuộc chung sống bằng một hy sinh mà cả hai cùng đóng góp vào (Thiên Phúc, Như Thầy đã yêu, tr 106-107).

 Hôm nay, Người cũng mời gọi chúng ta góp phần nhỏ bé và âm thầm của mình cho anh em. Người chờ đợi nơi chúng ta một chút lòng chạnh thương. Và cả thế giới được hưởng chung phép lạ lẫy lừng của Thiên Chúa.

 Thực ra, con người chỉ tìm được ý nghĩa cho cuộc sống khi biết chia sẻ cho đi. Con người chỉ lớn lên theo mức độ của sự trao ban vô vị lợi mà thôi. Có biết trao ban thì con người mới thực sự triển nở trong nhân cách. Có biết trao ban thì con người mới vui sống và tìm được hạnh phúc đích thực trong cuộc sống. Triết gia Platon quả quyết: “Con người chỉ tìm được hạnh phúc khi làm cho người khác được hạnh phúc”. Sách Công vụ Tông đồ cũng đã ghi lại khuôn vàng thước ngọc của Chúa Giêsu: “Cho thì có phúc hơn nhận lãnh” (Cv 20,35).

 Chúng ta hãy làm cho thế giới này được hạnh phúc. Chắc chúng ta cho rằng mình chỉ là hạt cát trong biển cả làm sao có thể làm gì cho thế giới? Đúng vậy, chúng ta quá nhỏ nhoi và yếu đuối, tài hèn, nhưng Thiên Chúa chỉ cần chúng ta đúng góp phần nhỏ mọn của chúng ta như một dụng cụ trung thành, còn bao nhiêu hãy dành cho Chúa. Cậu bé với 5 cái bánh và 2 con cá làm sao có thể làm cho ngần ấy người ăn no lại còn thu được 12 thúng đầy? Cậu không làm được, nhưng Chúa làm được. Thiên Chúa sẽ hoàn chỉnh được những cái “dang dở” của ta.

 Trong thời kỳ mới tìm hiểu đạo Chúa, Premanand đến liên lạc với Giám mục Whiley ở Ranchi. Ông viết: “Vị giám mục đọc Kinh thánh với tôi mỗi ngày. Đôi khi tôi đọc tiếng Bangal. Càng sống gần vị giám mục, tôi càng đến gần ngài hơn, và Chúa Cứu thế càng được bày tỏ cho tôi qua đời sống của ngài. Hành động và lời nói của ngài khiến tôi dễ hiểu được giáo huấn của Chúa Giêsu về những điều tôi đọc trong Kinh thánh mỗi ngày. Tôi có một sự hiểu biết mới về Chúa Giêsu khi tôi nhìn thấy cuộc đời yêu thương, hy sinh và từ chối bản thân của Chúa Cứu thế trong đời sống hằng ngày của vị giám mục, đối với tôi ngài thực sự là sứ giả của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cần những môn đệ để Ngài có thể làm việc qua họ, và nhờ họ đem chân lý và tình yêu của Ngài đến với đời sống của người khác. Không có những người như vậy, Ngài không thể làm việc. Phận sự chúng ta là làm những người đó cho Ngài. Người ta dễ lo sợ nản lòng đối với một công tác to lớn như vậy”.

 Nhưng còn một điều khác trong câu truyện này có thể nâng cao tinh thần của chúng ta. Khi Chúa Giêsu bảo môn đệ cho đám đông ăn, họ bảo chỉ có 5 cái bánh và 2 con cá. Với những thứ họ mang đến đó, Chúa Giêsu đã làm phép lạ. Chúa đặt trên mỗi chúng ta một công tác trọng đại là truyền đạt Ngài cho người khác, nhưng Ngài không đòi hỏi chúng ta những tài năng, tiền của và những phẩm tính mà chúng ta không có. Ngài bảo chúng ta: “Hãy đến với Ta bằng con người thật của ngươi, dù nó nghèo nàn, hãy mang đến Ta điều gì ngươi có, dù ít ỏi, và Ta sẽ sử dụng nó một cách lớn lao trong công việc của Ta” (TVH, Tin mừng Chúa nhật, năm A, tr 192).

 Chúng ta hãy kết thúc với bài thơ của Amado Nervo, một đại thi sĩ cũng là một nhà huyền bí, người Mễ Tây Cơ. Bài thơ này tóm tắt sứ điệp và tinh thần bài Tin mừng hôm nay:

Con chỉ là một tia lửa,

xin biến con thành ngọn lửa.

Con chỉ là một sợi dây,

xin biến con thành chiếc đàn.

Con chỉ là một ngọn đồi cỏn con,

xin biến con thành ngọn núi.

Con chỉ là một giọt nước,

xin biến con thành một dòng suối.

Con chỉ là một cọng lông,

xin biến con thành chiếc cánh.

Con chỉ là gã ăn mày,

xin biến con thành một ông vua”.

 

Suy niệm 3: (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.)

Mt 14,13-21

NO NÊ DƯ THỪA

Phép lạ bánh hóa nhiều là một phép lạ đặc biệt,

vì được cả bốn sách Tin Mừng kể lại,

vì những người chứng kiến và thụ hưởng là một đám đông lớn,

và vì các môn đệ được cộng tác với Thầy Giêsu trong phép lạ này.

 

“Xin Thầy giải tán dân chúng để họ đi mua thức ăn” (Mt 14,15).

Các môn đệ bén nhạy khi nhận ra nhu cầu có thật của dân chúng.

Bây giờ trời đã về chiều, và đây lại là nơi vắng vẻ.

Họ đã theo Thầy cả ngày, bụng đã đói,

nên Thầy cần cho họ về để họ đi mua thức ăn.

Lời của các ông khơi mào cho Thầy Giêsu đi đến một quyết định.

 

“Họ không cần phải đi mua. Chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14,16).

Lời của Thầy làm các ông ngỡ ngàng chưng hửng.

Thầy giao cho các ông sứ mạng nuôi đám đông lớn ngần này,

cho họ ăn miễn phí, không phải tốn tiền đi mua !

Làm sao các ông có thể thực hiện được mệnh lệnh đó ?

“Ở đây chúng con chỉ có năm ổ bánh và hai con cá !”

Đó là tất cả những gì các ông có trong hiện tại.                                                                                                        

Nhưng bấy nhiêu thì đáng là gì so với nhu cầu của đám đông !

Các ông cảm thấy bất lực, bế tắc và thất vọng.

 

“Đem lại đây cho Thầy !” (Mt 14,18).

Thầy Giêsu bảo các ông cứ đưa cho Thầy tất cả những gì đang có.

Thầy cần cái vốn liếng nhỏ bé đó của các ông.

Thầy cần các ông trao tất cả cho Thầy và an tâm để Thầy định liệu.

Năm ổ bánh và hai con cá từ tay các ông được chuyển qua tay Thầy.

Thầy sẽ chẳng làm gì nếu con người không tích cực đóng góp.

 

Vào buổi chiều mùa xuân, tại vùng đất hoang vắng,

Thầy lệnh cho đám đông ngả mình trên thảm cỏ xanh.

Tay cầm bánh, Thầy dâng lời chúc tụng lên Cha trên trời,

bẻ bánh ra và trao cho các môn đệ, để các ông trao lại cho dân chúng.

Những ổ bánh đã đi một vòng.

Từ tay môn đệ đến tay Thầy Giêsu,

Thầy dâng bánh lên chúc tụng Cha trên trời, và trao lại cho các ông,

các ông đã trao lại cho đám đông dân chúng.

Bánh cứ được bẻ ra khi trao đi.

Lạ thay, khi bẻ ra, bánh chẳng những không nhỏ đi mà lại tăng lên.

Năm ổ bánh nuôi được ít là năm ngàn người, ăn no nê.

Mười hai môn đệ làm công tác cuối cùng:

đi thu lại mảnh bánh vụn được đầy mười hai thúng.

 

Phép lạ bánh hóa nhiều không chỉ diễn ra một lần.

Ngày nào trên thế giới này còn có người đói,

Đức Giêsu còn muốn chúng ta giúp Ngài cho họ ăn.

“Chính anh em hãy cho họ ăn !”

Mệnh lệnh này vẫn vang lên và làm chúng ta lúng túng,

Vì nguồn lực, khả năng, thời gian, sức khỏe của ta có giới hạn.

Lắm khi ta muốn bỏ cuộc, buông xuôi.

Nhưng Đức Giêsu chỉ đòi ta đặt tất cả những gì mình đang có

vào bàn tay quyền năng và nhân ái của Ngài.

Nếu ta dám trao cho Chúa số bánh và cá ít ỏi của đời ta,

và nếu ta dám trao cho Dân Chúa những gì Chúa trao lại,

thì phép lạ bánh hóa nhiều lại tiếp tục diễn ra hôm nay.

 

Đừng ngại bẻ ra và trao đi những gì mình có.

Hãy liều lĩnh tin vào mầu nhiệm của sự chia sẻ.

Chia sẻ chỉ làm người nhận và cả người cho được giàu lên.

Nếu ta cứ giữ lại, năm ổ bánh vẫn chỉ là năm ổ bánh.

Năm 2019, có gần 690 triệu người đói trên thế giới.

Với dịch bệnh hiện nay, năm 2020 sẽ có thêm 130 triệu người.

Thiên Chúa vẫn chờ ta cộng tác để Ngài làm phép lạ nuôi họ.

 

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã có kinh nghiệm về cái đói,

sau khi ăn chay bốn mươi ngày trong hoang địa.

Sau khi được dân chúng tung hô lúc vào thành Giêrusalem,

Chúa cũng đói đến mức phải tìm trái nơi cây vả.

Chúa đã xin nước uống nơi người phụ nữ Samari,

và Chúa đã nếm cái khát của người bị mất máu trên thập giá.

                                       

Lạy Chúa Giêsu, vì Chúa có thân xác như chúng con,

nên Chúa đã bênh các môn đệ khi họ bứt lúa mà ăn vì đói,

Chúa đã làm phép lạ bánh hóa nhiều vì sợ người ta xỉu dọc đường,

Chúa đã bảo người ta cho cô bé mới hồi sinh được ăn.

 

Đói khát là chuyện bình thường của thân xác con người,

và Chúa chẳng bao giờ coi thường

những nhu cầu chính đáng của nó.

Nhưng xin nhắc chúng con nhớ rằng

con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, mà còn nhờ Lời Chúa,

con người không chỉ đói khát thức ăn vật chất

mà còn khao khát những giá trị tinh thần của Nước Trời.

 

Xin dạy chúng con đừng khép cửa lòng

như ông nhà giàu xây thêm kho.

Nhưng biết chia sẻ cho những Ladarô đang nằm ngoài cổng,

Xin cho chúng con hiểu được giá trị của một ly nước được trao đi,

một tấm bánh giữa đêm khuya cho người bạn mượn,

và chút vụn bánh rơi xuống từ bàn ăn đủ nuôi một người.

 

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa là người đói khát vẫn ngửa tay xin chúng con mỗi ngày

mà chúng con không hay.

Xin giúp chúng con bắt chước Chúa trong bữa tiệc cuối cùng

dám bẻ ra và trao đi tấm bánh đời mình để phục vụ tha nhân.

Ước gì mai này chúng con được đồng bàn với Chúa

và với mọi người thành tâm thiện chí trong Nước Trời.

 

Suy niệm 4: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Nakamura, một thiếu nữ Nhật, 18 tuổi, gia nhập đạo Công giáo được bốn năm, từ ngày vào đạo, hầu như không ngày nào bỏ tham dự thánh lễ lúc 6g30 sáng.

Ngày 6/8/1945, Mỹ thả trái bom nguyên tử đầu tiên xuống Hirôshima. Cảnh tượng tàn phá thật là khủng khiếp... Đã gần hai tuần, vị linh mục phụ trách giáo điểm truyền giáo không thấy Nakamura đi lễ nên quyết định đi thăm nàng. Ngài khổ sở len lỏi mãi, mới tới được nhà Nakamura. Hỡi ôi, nhà nàng đã sụp đổ tan tành, chỉ còn cái tường cao chừng hai thước trơ trọi đứng đó... Vị thừa sai thổn thức vòng lại phía sau nhà. Trời ơi, một cái chòi thô sơ, bốn góc là bốn cái cột, chung quanh che bằng chiếu, mành, áo quần rách, trên nóc, mấy tấm tôn kẽm xiêu vẹo. Ngài bước vào trong. Ôi lạy Chúa, một cái chõng thô sơ, ọp ẹp: Nakamura nằm trên đó, áo xống tả tơi, cháy sém, hai tay hai chân co quắp như một xác chết...

Vị linh mục khựng lại, không sao nói được một lời. Sau một lát, ngài lấy can đảm gọi tên nàng. Nakamura nhúc nhích, nhưng không sao trở mình được. Nàng bị thương nặng quá, chân tay mình mẩy, chỗ nào cũng thấy sây sát. Ở đầu vai bên phải, thịt xương cháy xám lòi ra, để một lỗ hổng, có thể đút lọt bàn tay. Vị linh mục xắn áo, lau chùi, dọn dẹp rồi giúp nàng xoay mình. Nakamura mở hai mắt nhìn vị linh mục, tràn ra mấy giọt lệ, cựa quậy tay trái như muốn giơ lên chào mà không giơ lên nổi. Nàng nói thì thầm: “Cha có đưa Mình Thánh Chúa đến cho con không?”. Vị linh mục chưa kịp trả lời nàng, thì nước mắt đã trào ra. Sau ít phút trao đổi, vị linh mục được biết, đã 14 ngày qua, trừ ra cha nàng, ông cũng bị thương nặng, mỗi ngày đem cho nàng chút ít đồ ăn, nước uống, còn ngoài ra, chẳng ai lo lắng chăm sóc nàng. Vậy mà Nakamura không một lời kêu ca than thở, không kêu xin xót thương giúp đỡ. Nàng như quên hết mọi đau đớn, ê chề, chỉ nhỏ nhẹ hỏi: “Cha có đưa Mình Thánh Chúa đến cho con không?”. Vị linh mục nghẹn ngào cảm kích cực độ, nước mắt cứ thi nhau trào ra...

Ngài trở lại nhà, lấy Mình Thánh Chúa cho Nakamura rước lễ, rồi ngài nán ở lại, lau chùi, dọn dẹp thêm chút nữatúp lều của nàng... Nakamura nhỏ nhẹ nói với ngài: “… Đã bốn năm nay, con chuẩn bị vào Dòng. Con muốn tận hiến đời con cho Chúa, muốn phục vụ hết mình những người nghèo khó, bệnh tật. Hiện giờ, con thế này, không biết Chúa sẽ dẫn dắt con về đâu? Dẫu sao, ở đâu, đi về hướng nào, ra sao, Chúa là nguồn sức mạnh, là nguồn hạnh phúc, là tất cả của con...”.

Hôm sau, vị linh mục trở lại, mang theo Mình Thánh Chúa… nhưng Nakamura đã về trời với Bạn Chí Thánh Giêsu... không còn trên mặt đất khổ đau này nữa. Nakamura mới gia nhập đạo được mấy năm, hằng ngày đi lễ ban sáng và rước lễ... bị tai nạn, cửa nhà tan nát, thương tích đầy mình, đớn đau tinh thần, thể xác, mà không một lời kêu ca, ta thán. Gặp linh mục Nakamura chỉ hỏi đến Mình Thánh Chúa... Vị thừa sai xác tín: Ngoài trường “Thánh Thể” ra, không còn trường nào khác dạy được như vậy! (Theo tạp chí “Mater nostra”, Trương Vân Thục, OSB sưu tầm).

Suy niệm

Dân Chúa khao khát nước Trời, họ bỏ tất cả để được lắng nghe và như lời dạy của Đức Kitô: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Ngài đã cho họ thêm: Đã làm cho họ được no đủ, họ được thỏa lòng khao khát Lời công chính, Lời đó dẫn về nước Trời. Nước đó được bắt đầu nơi tâm hồn của người theo Chúa, bởi vì khi theo và nghe Đức Kitô giảng dạy, chính Ngài thương xót và chữa lành những người bệnh tật, Ngài làm cho họ no thỏa nhu cầu sự sống con người tại “chỗ hoang vắng” (Mt 14,13), chỗ Ngài làm bánh hóa nhiều gợi lại cho chúng ta hình ảnh sa mạc mà dân Do Thái đi trong bốn mươi năm và được nuôi bằng manna, bánh bởi Trời để dân Người được sống trong hành trình về đất hứa, nơi đó “mọi người sẽ được nuôi ăn và ăn no nê” (x. Đnl 6,11; 11,15; 31,20).

Trước sự khao khát Lời Hằng Sống mà dân Chúa đứng trước sự đói khát của nhu cầu thân xác, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “…các con hãy cho họ ăn”. Các ông thưa lại rằng: “Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá”. Với sự lo toan của con người, các con không thể lo cho cả ngàn người, đó là sự phản ứng bất lực nơi con người trước những nhu cầu to lớn về lương thực cho năm ngàn người. Người bảo các ông: “Hãy đem lại cho Thầy”. Chúa truyền cho dân “ngả lưng trên cỏ” (Mt 14,19) có nghĩa là sửa soạn ăn, ngả lưng là tư thế để ăn, như là tư thế sẵn sàng để lãnh nhận hồng ân. “Cầm bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ”: Chúa làm hành động giống như trong bữa tiệc ly (x. Mt 26,26), và cũng để chỉ tới bữa tiệc sau này trên nước Trời (x. Mt 8,11-12; 22,1-10). Hành động trung tâm của nước Trời và mọi người đều ăn no. Sự dư dật này là một dấu chỉ được loan báo cho thời kỳ của Đấng Mêssia trong Kinh Thánh (x. Đnl 6,11; Tv 132,15; Is 65,10). Phép lạ bánh hóa nhiều của Chúa Giêsu gợi cho chúng ta sự việc: Tiên tri Êlisê ra lệnh cho các đầy tớ đa nghi mang hai mươi chiếc bánh nuôi cả trăm người (x. 2V 4,42-44). Các sách Tin Mừng thuật lại cho chúng ta sáu lần hóa bánh ra nhiều (Mt 14,13.21; 15,32-39; Mc 6,30-44; 8,1-9; Lc 9,10-17; Ga 6,1-15).

Như dân Chúa tìm về đất hứa, như những người cất bước tìm nước Thiên Chúa và nghe Lời giảng dạy, chúng ta đến với Chúa, được Ngài chăm sóc đỡ nâng, chữa lành mọi vết thương, cho đủ thỏa tất cả…

Ý lực sống

“Chúa mở rộng bàn tay ra,
và thi ân cho chúng con được no nê”
(Tv 144,16).

 

Suy niệm (song ngữ)

18th Sunday in Ordinary Time
Reading I: Isaiah 55:1-3
Reading II: Romans 8:35,37-39

Chúa Nhật 18 Thường Niên A
Bài Đọc I: Isaia 55,1-3
Bài Đọc II: Rôma 8,35.37-39

Gospel
Matthew 14:13-21

13 Now when Jesus heard [of the death of John the Baptizer], he withdrew from there in a boat to a lonely place apart. But when the crowds heard it, they followed him on foot from the towns.

14 As he went ashore he saw a great throng; and he had compassion on them, and healed their sick.

15 When it was evening, the disciples came to him and said, “This is a lonely place, and the day is now over; send the crowds away to go into the villages and buy food for themselves”.

16 Jesus said, “They need not go away; you give them something to eat”.

17 They said to him, “We have only five loaves here and two fish”.

18 And he said, “Bring them here to me”.

19 Then he ordered the crowds to sit down on the grass; and taking the five loaves and the two fish he looked up to heaven, and blessed, and broke and gave the loaves to the disciples, and the disciples gave them to the crowds.

20 And they all ate and were satisfied. And they took up twelve baskets full of the broken pieces left over.

21 And those who ate were about five thousand men, besides women and children.

 

Phúc Âm
Matthêu 14,13-21

13 Nghe tin ấy, Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đám đông từ các thành đi bộ mà theo Người.

14 Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đám người đông đúc thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.

15 Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn”.

16 Đức Giêsu bảo họ: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn”.

17 Các ông đáp: “Ở đây chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!”

18 Người bảo: “Đem lại đây cho Thầy!”

19 Rồi sau đó Người truyền cho đám đông ngả lưng trên cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mặt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho đám đông.

20 Ai nấy đều ăn được no nê. Những mẫu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy.

21 Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.


Interesting Details

  • “Deserted place” (v.13) is not a desert because it's next to the Sea of Galilee, but it refers to the desert where Israel traveled for 40 years and ate manna.
  • Jesus asked the disciples to feed the people, “you give them something to eat” (v.16). Jesus used the disciples' food (v.17f), and used the disciples themselves to distribute that food (v.19).
  • “Sitting down” (v.19) can be translated more accurately as “reclining,” the position for eating. In public places, men would be together, and women and children would gather separately.
  • “He looked up to heaven, and blessed, and broke and gave the loaves”: is similar to the language of the Eucharist (Mt 26:26), and also anticipates the banquet in heaven (Mt 8:11-12, or 22:1-10).
  • The Jewish blessing before a meal is “Blessed are You, O Lord our God, king of the universe, who bring forth bread from the earth”.
  • A similar feeding story appeared in 2Kings 4:42-44, where the prophet Elisha ordered his hesitant servants to use twenty loaves to feed a hundred men. Jesus fed even more, showing his higher status.

Chi Tiết Hay

  • “Chỗ hoang vắng” (c.13) gợi lại hình ảnh sa mạc mà dân Do Thái đi trong 40 năm và được nuôi bằng manna.
  • Chúa bảo các môn đệ: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (c.16). Chúa dùng đồ ăn của các môn đệ (c.17f), rồi dùng các môn đệ để phân phát đồ ăn này (c.19).
  • Chúa bảo dân “ngả lưng trên cỏ” (c.19) có nghĩa là sửa soạn ăn, vì ngả lưng là tư thế để ăn. Ở những nơi công cộng, đàn ông thường tụ họp chung với nhau, còn đàn bà và trẻ em thì tụ họp ở nơi khác.
  • “Cầm bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ”: giống như trong bữa tiệc ly (Mt 26:26), và cũng chỉ tới bữa tiệc sau này trên nước trời (Mt 8:11-12,22:1-10).
  • “Lời chúc tụng” trước bữa ăn của người Do Thái là “Chúc tụng Chúa là Chúa tể càn khôn, đấng ban bánh bởi trời”.
  • Có một câu chuyện nuôi dân tương tự trong sách Các Vua quyển 2, câu 4:42-44. Tiên tri Elisha ra lệnh cho các đầy tớ đa nghi mang 20 chiếc bánh nuôi cả trăm người. Chúa nuôi tới năm ngàn, nên phép lạ của Chúa còn lớn hơn và vai trò của Chúa còn cao hơn nữa.

One Main Point

Jesus fed the people. Compare the two feasts. King Herod Antipas dined on delicacies with a chosen few in his stately palace, and beheaded John the Baptist to reward a dancer (Mt 14:3-12, the preceding passage). King Jesus used simple food to feed anyone who followed him to a deserted area, and everyone was healed and satisfied.

Một Điểm Chính

Chúa nuôi dân Ngài. Hai bữa tiệc khác hẳn nhau. Vua Herod Antipas thiết đãi cao lương mỹ vị cho những nhà quyền quý trong cung điện, rồi chặt đầu Gioan Tẩy Giả để thưởng vũ nữ (Mt 14,3-12). Vua Giêsu dùng món ăn của dân nghèo để nuôi bất cứ ai đến với Ngài nơi hoang địa, mọi người được chữa lành và no đủ.


Reflections

  1. What am I at the feast? A sick person to be healed, a follower to be fed, a disciple working with Jesus to feed the people, a bystander, or someone else? Or, am I a prince at Herod's birthday party instead ?
  2. What nourishes my life? My work, my achievement, my family, my money, grace from God, or what? Am I well-fed and satisfied, or malnourished and frustrated?
  3. What can I do to stay close to the source of my nourishment, and to help Jesus feed people around me?

Suy Niệm

  1. Tôi là ai trong bữa tiệc: người bệnh được chữa lành, người lữ hành đói được ăn, khách bàng quan, hay một người khác ? Hay tôi là một ông hoàng trong bữa tiệc của Herod ?
  2. Thực phẩm nào nuôi dưỡng đời tôi? Công việc, thành quả, gia đình, tiền bạc, ơn Chúa, hay cái gì khác ? Tôi có được no đủ, hay đói và bất an?
  3. Tôi có thể làm gì để được nuôi dưỡng đều đặn, và để giúp Chúa nuôi dưỡng anh chị em quanh tôi ?

Top