Chúa nhật 18 Thường niên - năm C
"Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi,
thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?" (Lc 12,20)
Lời Chúa: Lc 12,13-21
13 Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi". 14 Người bảo kẻ ấy rằng: "Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?" 15 Rồi Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu."
16 Người lại nói với họ thí dụ này rằng: "Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, 17 nên suy tính trong lòng rằng: 'Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?' 18 Đoạn người ấy nói: 'Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, 19 và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: "Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi." 20 Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: 'Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?' 21 Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy".
Suy niệm:
A- Phân tích (Hạt giống...)
1. Vấn đề của đoạn Phúc Âm này được gợi lên từ việc anh em tranh dành gia tài.
2. Dụ ngôn nói tới một người phú hộ đã lo tích trữ được rất nhiều của cải và cho rằng từ nay cuộc đời mình sẽ được bảo đảm.
3. Nhận định của Chúa Giêsu về người phú hộ đó: hắn là đồ ngốc vì đã lấy của cải vốn không bền để mà bảo đảm cho cuộc đời mình. Người khôn phải dùng của cải không bền ở đời này mà làm phúc để mua lấy của cải bền vững đời sau. Đó mới là bảo đảm chắc chắn thật sự cho cuộc đời.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Con người có khuynh hướng tạo an toàn cho mình, bằng tiền bạc, bằng bảo hiểm, bằng dự trữ... Nhưng tất cả những thứ mà con người tưởng là an toàn ấy có thể sụp đổ tan tành trong một sớm một chiều. Như thế sự an toàn của con người không nằm trong tầm tay của con người. Nó nằm trong bàn tay của Chúa. Do đó an toàn nhất là “làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (c. 21).
2. Có hai cách xài tiền đưa đến hai kết quả khác nhau:
a) Xài một cách ích kỷ cho riêng mình - Kết quả: không bảo đảm cho sự sống đời đời.
b) Dùng tiền để “làm giàu trước mặt Chúa” - Kết quả: sự sống đời đời được bảo đảm.
3. Một ông già nghèo ngồi bên cửa sổ lo lắng cho tương lai. Một người lạ mặt ôm một con ngỗng đến tặng ông già và nói: “Ông hãy chăm sóc con ngỗng này chu đáo thì nó sẽ giúp ích cho ông”. Rồi người đó đi mất. Ông già nghèo đem con ngỗng vào nhà, cho nó ăn, cho nó uống, ban đêm cho nó ngủ trong một cái lồng sạch sẽ. Sáng hôm sau khi nhín vào chiếc lồng ông vui mừng thấy một quả trứng ngỗng bằng vàng. Ông mang quả trứng ra tiệm bán được một số tiền lớn, mua được đủ mọi thứ cần thiết cho cuộc sống. Hôm sau ông được thêm một trứng ngỗng vàng nữa. Hôm sau nữa cũng vậy. Cứ thế mỗi ngày ông nhặt được một quả trứng vàng. Từ đó ông không còn nghèo nữa, ông sống rất thoải mái. Nhưng dần dần ông trở thành tham lam. Ông không chịu mỗi ngày chỉ có một trứng, ông không thể chờ cho tới hết tuần mới có được 7 trứng. Ông muốn có ngay một lúc tất cả những trứng vàng của con ngỗng. Thế là ông mổ bụng con ngỗng ra. Nhưng ông chẳng thấy quả trứng nào trong đó cả. Ông vội may bụng ngỗng lại mong nó đừng chết. Nhưng vô ích. Khi đó người lạ mặt kia trở lại, và nói: “Trước đây tôi đã chẳng bảo với ông rằng nếu ông chăm sóc con ngỗng tử tế thì nó sẽ giúp ích cho ông sao? Bây giờ cả ông lẫn tôi đều đã mất tất cả”.
4. Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi mới nghĩ bụng rằng: “Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,16.19-20)
Trong mớ giấy tờ còn lại của một viên sĩ quan chết ở thế chiến thứ nhất, người ta đã thu nhặt được lời kinh này:
“Lạy Chúa Giêsu, ngay từ bây giờ con chấp nhận cái chết từ bàn tay Chúa... Con ước ao chết đi để hoàn toàn bị tước đoạt tự do và nhờ thế trở nên trọn vẹn là của Ngài... Con ước ao chết đi bởi vì con phó thác vào tình Chúa vô bờ bến. Nhưng lạy Chúa Giêsu, con là của Ngài, con sẵn sàng làm việc cho Ngài lâu hơn nếu Chúa cho con sức mạnh. Con không muốn chết để chạy chốn đau khổ... Lạy Chúa, xin làm cho con điều Ngài muốn, bây giờ và cho đến muôn đời. Amen”
Tôi thật cảm động và khó quên trước cái chết của những người đang sống đẹp, sống tốt. Và tôi thật khâm phục trước cái chết của những người sẵn sàng với giờ chết, vì thấy mình đã sống trọn vẹn cho đời.
Chúa Giêsu ơi, như ngài đã dạy chúng con, chết không phải là hết, nhưng chỉ là đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu. Xin giúp con biết sống trọn vẹn ở đời này. để con khỏi ngỡ ngàng trước phúc Thiên Đàng Chúa đang chờ con. (Hosanna)
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa đã từng chỉ cho con nẻo đường sống. Lắm lúc, con tưởng mình biết tất cả, khi một sự việc nào đó chưa xảy ra cho bản thân, thì con rất sáng suốt biết cái gì là đúng, cái gì là sai. Nếu có ai ra sức làm việc để kiếm tiền, tìm danh dự, con sẽ nói người đó là kẻ theo chủ nghĩa kim tiền, sẽ khuyên người đó không nên quá lao lực; nhưng khi cơ hội đến, con cũng không bỏ lỡ dịp y như họ!
Lạy Chúa, Chúa đã từng khuyên bảo con trên phương diện vật chất, không nên tìm sự hưởng thụ, nhưng con lại cần vật chất của cải để sống. Lạy Chúa, Chúa bảo con phải làm thế nào?
Lạy Chúa, tiền bạc thật cần thiết cho cuộc sống và sinh hoạt của con. Nhưng có những lúc nó làm con quên đi mục đích chính, quên rằng con đang trên đường tiến về quê trời.
Nhân danh sự an toàn cá nhân và gia đình, con cũng như bao người khác thường chỉ quan tâm tới hạnh phúc riêng và phớt lờ trước những người nghèo đói, nạn nhân bất công xã hội. Có những lúc việc kiếm tiền làm con ra như quên hết con đang ở đâu và sẽ đi đâu?
Lời Chúa hôm nay chất vấn con: “Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?” (Lc 12, 20). Cuộc sống tốt đẹp không liên quan gì tới việc làm giàu, trái lại “Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12, 15).
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể đang ngự trong lòng con,
Xin dạy con biết giá trị đích thực của đồng tiền và biết cách sử dụng chúng như “tên đầy tớ trung thành” mà vươn tới hạnh phúc mai sau. Amen.
Đọc thêm:
BÀI ĐỌC I: Gv 1,2; 2,21-23
Tác giả sách Giảng Viên nhấn mạnh tới sự phù vân của tiền của vật chất. Tất cả mọi sự trên cuộc đời không tồn tại mãi mãi. Tác giả sách Giảng Viên không phải là một con người bi quan về cuộc sống hiện tại, nhưng có cái nhìn thực tế và đúng đắn về cuộc sống này. Con người mải mê chìm đắm vào những gì tại thế, vất vả tìm kiếm tiền tài của cải vật chất để rồi được những gì, để rồi theo đuổi và tìm cách thủ đắc những thứ không thuộc về mình mãi mãi. Của cải vật chất chỉ tồn tại trong thời gian tại thế, vậy khi con người vượt khỏi cõi hiện hữu trong thời gian, tức khỏi sự sống đời này lúc chết, thì thử hỏi của cải vật chất còn có giá trị gì với người đó nữa chăng? Sách Giảng Viên đã đúc kết kinh nghiệm mà mỗi người đều thấy và phải trải qua thành một sứ điệp: “Quả thế, có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết.” Sách Giảng Viên đã đưa ra một sứ điệp nhằm mời gọi con người chú tâm đến những giá trị siêu nhiên và vĩnh cửu. Những giá trị này mới tồn tại mãi và đem lại cho con người ý nghĩa đích thực của đời sống.
BÀI ĐỌC II: Cl 3,1-5.9-11
Thánh Phaolô tiếp nối sứ điệp của sách Giảng Viên khi Người kêu mời các tín hữu Côlôxê tìm kiếm những giá trị siêu nhiên: “anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời,…chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất.” Những giá trị siêu nhiên không phải là những giá trị không thực tế, viễn vông thuộc cõi trên, mà là những giá trị đích thực cho cuộc sống của con người. Những gì thuộc thượng giới là được thông phần vào sự sống đời đời và đầy vinh quang của Đức Giêsu Kitô Phục sinh. Tuy nhiên, để hướng về những giá trị vĩnh cửu ở trên trời đó, các tín hữu cần thực hành các giá trị của Nước Trời ngay lúc còn ở dưới đất, vì ngay lúc này, chính sự phục sinh của Đức Giêsu làm thay đổi con người của họ. Quả thật, vì đã được chịp phép Rửa tội, các Kitô hữu được mời gọi trỗi dậy khỏi những yếu đuối, ích kỷ và mặc lấy con người mới trong Đức Kitô. Cụ thể là “hãy lột bỏ người cũ cùng các việc làm của nó” như “sự gian dâm, ô uế, dục tình, đam mê xấu xa và hà tiện….” Đừng để cho những giá trị hạ giới cản trở những giá trị thượng giới mà chúng ta là các Kitô hữu đã được lãnh nhận từ Chúa Giêsu Kitô.
bài liên quan mới nhất
- Thứ Bảy tuần 18 Thường niên năm II (Mt 17,14-21)
-
Thứ Tư tuần 18 Thường niên năm II (Mt 15,21-28) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (Ga 8,1-11) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C - Hãy sám hối (Lc 13,1-9) -
Chúa nhật 2 mùa Chay năm C - Biến đổi (Lc 9,28b-36) -
Chúa nhật 1 mùa Chay năm C (Lc 4,1-13) -
Chúa nhật 8 Thường niên năm C (Lc 6,43-49) -
Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Chúa nhật 6 Thường niên năm C (Lc 6,17.20-26)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Sáu tuần thánh - Thương khó (Ga 18,1-19,42)
-
Thứ Bảy tuần thánh - Ngôi mộ trống (Mc 16,1-8) -
Thứ Năm tuần thánh (Ga 13,1-15) -
Thứ Tư Lễ Tro - Giữ chay và kiêng thịt (Mt 6,1-6.16-18) -
Chúa nhật 5 Thường niên năm A -
Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày) -
Chúa nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa năm A -
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa - Năm A -
Bài giảng lễ Mồng Hai Tết -
Ngày 22/07: thánh nữ Maria Mađalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18)