Chúa nhật 21 Thường niên năm A (Mt 16, 13-20)

Chúa nhật 21 Thường niên năm A (Mt 16, 13-20)

Chúa nhật 21 Thường niên năm A (Mt 16, 13-20)

“Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy,
và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16,18)

BÀI ĐỌC I: Is 22, 19-23

“Ta sẽ để chìa khoá nhà Đavít trên vai nó”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Đây Chúa phán cùng Sobna, quan cai đền thờ rằng: “Ta sẽ trục xuất ngươi ra khỏi địa vị ngươi, và Ta sẽ cách chức ngươi; trong ngày đó, Ta sẽ gọi đầy tớ Ta là Êliaqim, con trai Helcia. Ta sẽ lấy áo choàng của ngươi mà mặc cho nó, lấy đai lưng của ngươi mà thắt cho nó, sẽ trao quyền ngươi vào tay nó, nó sẽ nên như cha các người cư ngụ ở Giêrusalem và nhà Giuđa. Ta sẽ để chìa khoá nhà Đavít trên vai nó: nó sẽ mở cửa và không ai đóng lại được; nó đóng cửa lại và không ai mở ra được. Ta sẽ đóng nó vào nơi kiên cố như đóng đinh, và nó sẽ trở nên ngai vinh quang nhà cha nó”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 6 và 8bc

Đáp: Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Chúa (8).

Xướng:

1) Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa; con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài. - Đáp.

2) Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con, Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh. - Đáp.

3) Quả thực Chúa cao cả và thường nhìn kẻ khiêm cung, còn người kiêu ngạo thì Ngài ngó tự đàng xa. Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời; xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Chúa. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: Rm 11, 33-36

“Mọi sự đều do Người, nhờ Người và trong Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Ôi thẳm sâu thay sự giàu có, thượng trí và thông biết của Thiên Chúa: sự phán quyết của Người làm sao hiểu được, và đường lối của Người làm sao dò được! Vì chưng, nào ai biết được ý Chúa ? Hoặc ai đã làm cố vấn cho Người ? Hay ai đã cho Người trước để Người sẽ trả lại sau ? Vì mọi sự đều do Người, nhờ Người và trong Người: nguyện Người được vinh quang đến muôn đời. Amen.

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Mt 16, 13-20

13 Một hôm, khi Đức Giê-su đến miền Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai ?” 14 Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” 15 Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” 16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” 17 Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” 20 Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.

Bài giảng của linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Trước câu hỏi của Ðức Giêsu đặt ra cho các Tông Ðồ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao ?”

Thánh Phêrô thay cho anh em nói lên niềm xác tín của mình nơi Ðức Giêsu: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai ? Thầy mới có lời ban sự sống đời đời”.

Còn câu trả lời của chúng ta thế nào ? Hãy trả lời cho Chúa bằng cuộc sống và bằng chính thái độ sống của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn muốn con người bước đi trong đường lối của Chúa. Nhưng Chúa không ép chúng con. Trái lại, Chúa hoàn toàn tôn trọng sự tự do lựa chọn của mỗi người chúng con.

Xin cho chúng con ngày càng khám phá rõ hơn nét đẹp của đường lối Chúa, để chúng con lựa chọn cho mình một đời sống hạnh phúc vĩnh cửu. Ðời sống ấy chỉ có được khi chúng con sống theo ý Chúa mà thôi. Amen.

Ghi nhớ: Người ta bảo Con Người là ai ?”

 

Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

I. Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến 

Trong anh chị em đang hiện diện ở đây, có người làm cha, có người làm mẹ, có người làm con... người nào cũng có trách nhiệm trong gia đình.

Ðối với giáo xứ, có người được giao trọng trách trong Hội đồng giáo xứ, trong ban trị sự khu xóm, trong các giới các đoàn thể. Những người khác không có chức tước, nhưng cũng có trách nhiệm xây dựng giáo xứ và Hội Thánh. Ai cũng có trách nhiệm.

Ðối với xã hội và đất nước cũng thế. Không ai được quyền chỉ lo cho mình hoặc chờ người khác lo cho mình. Ai ai cũng có trách nhiệm với người khác.

Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy xin Chúa giúp mỗi người chúng ta ý thức trách nhiệm của mình, và xin Ngài giúp sức để chúng ta chu toàn trách nhiệm ấy.

II. Gợi ý sám hối

  • Chúng ta thiếu sót rất nhiều về trách nhiệm đối với gia đình.
  • Chúng ta còn thiếu sót hơn nữa trong trách nhiệm đối với xã hội và Hội Thánh.
  • Nhất là chúng ta có khuynh hướng ích kỷ, lo cho bản thân nhiều hơn lo cho người khác.

III. Lời Chúa

1. Bài đọc I (Is 22,19-23)

Thời vua Êdêkia làm vua nước Giuđa (thế kỷ thứ 8 trước công nguyên), Sobna làm quan cai đền thờ. Vì ông này không xứng đáng nên bị cách chức, và chức vụ này được trao cho một người khác tên là Êliakim.

Những điều đáng chú ý trong chuyện này là:

  • Chính Thiên Chúa trao trách nhiệm cho con người: mặc dù Êliakim phục vụ cho vua Êdêkia, nhưng trách nhiệm của Êliakim không phải do vua trao, mà do chính Thiên Chúa.
  • Khi Thiên Chúa trao trách nhiệm cho ai thì Ngài cũng ban cho người đó những trợ giúp cần thiết để có thể chu toàn trách nhiệm: Ngài trao cho Êliakim “áo choàng” và “đai lưng”, tức là những thứ bề ngoài để người lãnh trách nhiệm có một tư cách được người ta nhìn nhận; Ngài cũng trao cho Êliakim “chìa khóa”, nghĩa là thẩm quyền để hành xử trong phạm vi trách nhiệm của mình; Ngài còn hứa “sẽ đóng nó vào nơi kiên cố như đóng đinh”, nghĩa là che chở, trợ giúp để ông thi hành trách nhiệm.

2. Ðáp ca (Tv 137)

Lời cầu xin Chúa cho kẻ khiêm nhường đang chăm lo công việc Chúa giao: “Lạy Chúa, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Chúa”.

3. Tin Mừng (Mt 16,13-23)

Ðức Giêsu trao cho Phêrô “chìa khóa Nước Trời”, nghĩa là ông được làm người quản trị của Hội Thánh mà Ngài sẽ thành lập. Việc trao trách nhiệm này có một số điều đáng ta lưu ý:

  • Phêrô được giao trách nhiệm sau khi tuyên xưng niềm tin vào Ðức Giêsu: “Thầy là Ðức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”. Người lãnh trách nhiệm của Chúa phải có đức tin vào Chúa.
  • Ðức Giêsu bảo đảm rằng Thiên Chúa sẽ hỗ trợ cho trách nhiệm của Phêrô: “Ðiều gì con cầm buộc trên trời cũng cầm buộc; điều gì con tháo cởi trên trời cũng tháo cởi”.
  • Tuy nhiên người lãnh trách nhiệm không hẳn là người hoàn toàn xứng đáng, thánh thiện: vừa được trao trách nhiệm cao cả, đã can gián Chúa chịu nạn chịu chết và bị Ngài quở trách nặng lời: “Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy”.

4. Bài đọc II (Rm 11,33-36) (Chủ đề phụ)

Thánh Phaolô ca tụng sự khôn ngoan vô cùng của Chúa: “Ôi thẳm sâu thay sự giàu có, thượng trí và thông biết của Thiên Chúa. Sự phán quyết của Người làm sao hiểu được, và đường lối của Người làm sao dò được”

IV. Gợi ý giảng

1. Mỗi người chúng ta cũng là một viên đá sống động

Bài Tin Mừng hôm nay kể rằng Thánh Phêrô đã được Ðức Giêsu chọn làm tảng đá để xây dựng Hội Thánh của Ngài trên đó. Nhưng ngoài tảng đá Phêrô, Chúa còn xây dựng Hội Thánh của Ngài trên tảng đá nào khác nữa không ? Ðây là một câu hỏi thú vị. Câu hỏi thú vị này lại có câu trả lời thú vị không kém, mà lại là câu trả lời của chính tảng đá Phêrô: Thưa có, mỗi kitô hữu cũng là một viên đá để xây dựng Hội Thánh. Nguyên văn câu nói của Phêrô trong thư thứ nhất của ngài là: “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên Ðền thờ thiêng liêng” (1 Pr 2,5)

Như thế, thánh Phêrô không dành độc quyền xây dựng Hội Thánh mà chia quyền ấy cho mọi kitô hữu. Công đồng Vaticanô II cũng nói không khác với Phêrô: mọi kitô hữu đều có sứ mạng xây dựng Hội Thánh, mỗi người trong cương vị của mình, hoàn cảnh của mình và theo khả năng của mình.

Có một bài cầu nguyện rất đặc biệt mà tôi đã đọc trong một quyển sách. Tôi không còn nhớ tựa đề quyển sách đó, cũng không nhớ tên tác giả, nhưng vẫn nhớ nội dung lời cầu nguyện ấy mặc dù không nhớ kỹ từng lời. Ðó là lời cầu nguyện của một viên gạch. Viên gạch này nằm sát chân tường. Ðôi khi nó nhìn lên những viên gạch khác và trong lòng nó chợt nảy ra những so sánh, những ước ao, và nó cầu nguyện như sau:

Lạy Chúa, con chỉ là một viên gạch tầm thường nằm sát dưới chân tường.
Con không được như viên gạch xây cửa, ở ngay tầm mắt người ta.
Con không được như viên gạch xây mặt tiền, hãnh diện nhìn người qua kẻ lại và sung sướng được người ta khen đẹp.
Con không được như viên gạch trong phòng khách, hàng ngày được người ta lau chùi đánh bóng.
Con chỉ là một viên gạch tầm thường nằm sát chân tường
.

Nhưng viên gạch ấy suy nghĩ, rồi nó cầu nguyện thêm:

Nhưng lạy Chúa, con vui vì chỗ ở của con, con vui với nhiệm vụ của con. Con mừng vì con cũng có góp phần trong ngôi nhà xinh đẹp này. Không có phần nhỏ bé và âm thầm của con thì bức tường sẽ đổ, ngôi nhà sẽ sập. Mặt tiền xinh đẹp kia không còn, cánh cửa xinh đẹp kia không còn, phòng khách xinh đẹp kia cũng không còn.

2. Xây nhà trên đá

Bài Tin Mừng về việc Chúa chọn Phêrô làm đá tảng xây dựng Hội Thánh khiến ta liên tưởng tới một đoạn Tin Mừng khác, Ðức Giêsu nói về việc xây nhà trên đá (Mt 7,24-27).

Xây nhà trên đá là gì ? Thưa là biết lắng nghe Lời Chúa và nhất là sau đó đem Lời Chúa ra thi hành. Ðức Giêsu bảo người đó là người khôn. Còn kẻ nào không lắng nghe Lời Chúa và nhất là không thi hành lời Chúa thì giống như người ngu xây nhà trên cát.

Mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm xây dựng Hội Thánh, xây dựng giáo xứ, xây dựng xã hội và xây dựng gia đình. Việc xây dựng đầu tiên, làm nền tảng cho mọi cuộc xây dựng tiếp theo, chính là nỗ lực lắng nghe và sống Lời Chúa.

3. Ðừng là gánh nặng cho nhau, mà hãy là đá để thành chỗ dựa cho nhau

Trong cuộc sống chung, khi mọi việc đều êm xuôi tốt đẹp thì hòa thuận yêu thương nhau rất là dễ, hạnh phúc như đang bao bọc chung quanh mình. Nhưng khi khó khăn xảy đến thì mọi người đều buồn phiền, bực bội, gắt gỏng... Một chuyện nhỏ cũng có thể gây nên một xung đột lớn. Tại sao thế ?

Thưa vì trong những lúc khó khăn như thế, người ta chỉ còn nghĩ đến nỗi khổ của mình mà không còn nghĩ đến người khác, người ta chỉ nhớ rằng người khác phải có trách nhiệm với mình mà quên rằng mình cũng có trách nhiệm với người khác.

Ai nấy cũng đã khổ rồi, sao còn vô tình làm khổ nhau thêm ? Phải chi mỗi người nhớ đến trách nhiệm của mình để đến an ủi người khác, san xẻ gánh nặng của người khác, và trở thành chỗ dựa cho người khác thì tốt hơn biết mấy!

Hạnh phúc không phải do thụ động chờ mà tới. Hạnh phúc phải do con người xây dựng, người này xây dựng cho người kia, mọi người xây dựng cho nhau.

4. Chuyện minh họa

a/ Trách nhiệm âm thầm

Có một người làm công, ngày ngày đi quét lá rừng rụng xuống, gom lại một nơi rồi hốt đi. Một hôm một đoàn người lên rừng chơi, thấy người quét lá họ rất đỗi ngạc nhiên, và họ càng ngẩn ngơ khi biết rằng chính Hội đồng Thành phố đã thuê với số lương 7000 đồng một tháng.

Sau một hồi vãng cảnh, đoàn người trở về. Một số người tìm đến ông Chủ tịch Hội đồng thành phố đề nghị hủy bỏ phụ khoản chi tiêu cho việc quét lá rừng vì quá vô ích. Ông Chủ tịch cũng như Hội đồng chẳng hiểu căn do của phụ khoản kia, vì họ chỉ làm theo truyền thống, nên cuối cùng quyết định không thuê người quét lá rừng nữa.

Ngay giữa thành phố có một cái hồ rộng lớn, nước trong xanh, cây to in bóng mát, người qua lại dập dìu. Mọi người ca tụng nó là viên ngọc trai điểm trang cho thành phố. Nhưng lạ thay, một tháng sau ngày người quét lá rừng nghỉ việc, nước hồ trở nên đục ngầu bẩn thỉu, không còn thấy bóng người hóng gió ngoạn cảnh, quán xá bên bờ hồ vắng tanh... Cả thành phố trở nên buồn tẻ mà không hiểu tại đâu. Hội đồng Thành phố nhóm ngay phiên họp bất thường để tra xét hiện tượng trên. Và sau cùng họ tìm ra nguyên nhân: do người phu quét là rừng nghỉ việc nên lá rừng rụng xuống, gió đùa lá bay tứ tung trên mặt đường, rồi rơi xuống hồ nước trong xanh, gây nên tình trạng ô nhiễm...

Và ngay hôm đó họ tái dụng người phu quét lá với số lương còn cao hơn xưa. (Trích “Phúc”)

b/ Trung thành với trách nhiệm

Một ngày nọ vào năm 1780 bỗng dưng cả vùng tiểu bang Connecticut bị tối hẳn lại. Ai nấy đều cho rằng đã đến ngày tận thế. Khi đó Hội đồng lập pháp tiểu bang đang họp. Nhiều người yêu cầu hoãn cuộc họp để họ có thể về nhà cùng với gia đình chờ Chúa đến. Nhưng ông chủ tịch nói: “Không biết hôm nay có phải là ngày tận thế hay không. Nếu không thì không cần hoãn họp. Còn nếu phải thì chúng ta càng cần chu toàn nhiệm vụ hơn nữa. Xin thắp nến lên” (Drinkwater).

V. Lời nguyện cho mọi người

Chủ tế:

Anh chị em thân mến 

Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh để tiếp tục công cuộc cứu độ của Người. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin

1. Ðức Thánh Cha là đấng kế vị Thánh Phêrô / và thay mặt Chúa Giêsu / hướng dẫn dân Chúa trên đường lữ thứ trần gian / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa luôn gìn giữ Người khỏi mọi hiểm nguy / và giúp đỡ Người chu toàn trọng trách của mình.

2. Các Ðức Giám mục là những đấng kế vị các thánh tông đồ / là thầy dạy chân lý cho các kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa luôn soi sáng / hướng dẫn / và nâng đỡ các ngài trong đời sống mục vụ / vốn đầy dẫy những khó khăn và đau khổ.

3. Tuyên xứng đức tin phải là việc làm thường xuyên của những người tin Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho các kitô hữu / luôn hiên ngang sống đức ái đã lãnh nhận / bất chấp những thử thách cam go trong cuộc sống thường ngày.

4. Bổn phận của người kitô hữu là luôn yêu mến / vâng lời / và bênh vực Hội Thánh / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / luôn trung thành với Hội Thánh / mến yêu hàng giáo phẩm / nhất là biết tích cực cộng tác với các ngài trong việc xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô.

Chủ tế: Lạy Chúa, theo Thánh Gioan Tông đồ, tin không phải là tuân giữ một số điều răn, nhưng là gắn bó và dấn thân theo Chúa. Xin cho tất cả chúng con biết cố gắng sống trọn vẹn niềm tin mà thánh Gioan đã nhắc nhở chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

VI. Trong Thánh Lễ

- Trước kinh Lạy Cha: Trong kinh Lạy Cha hôm nay, khi đọc câu “Xin cho Nước Cha trị đến”, chúng ta hãy tha thiết cầu xin Chúa giúp mỗi người chúng ta biết nghĩ đến trách nhiệm của mình trong việc xây dựng Nước Chúa.

VII. Giải tán

Chúng ta đã ý thức trách nhiệm của mình đối với Hội Thánh, xã hội và gia đình. Anh chị em hãy ra về và cố gắng chu toàn những trách nhiệm ấy.

 

Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

NHẬN LÃNH TRÁCH NHIỆM CHÚA TRAO

A. DẪN NHẬP

 Chúa nhật 21 hôm nay giúp chúng ta hướng lòng về Mầu nhiệm Hội thánh. Công đồng Vatican II gọi “Hội thánh là Dân Thiên Chúa”, một dân có tổ chức hẳn hoi, một Hội có đầy đủ các đặc tính của nó. Hội thánh được coi như một gia đình, trong đó mỗi người đóng một vai trò hoặc lớn hoặc nhỏ, nhưng mọi người đều có trách nhiệm phải bảo vệ và xây dựng gia đình đó.

 Trong số các hồng ân Chúa ban cho loài người, Hội thánh chắc hẳn là hồng ân quí giá nhất. Chính Hội thánh có nhiệm vụ tiếp tục công trình của Đức Kitô và ban cho chúng ta những đặc ân Người mang đến. Chính Hội thánh làm cho Chúa Kitô hiện diện giữa chúng ta. Chúng ta hãy tìm hiểu Hội thánh, để thêm lòng yêu mến và cố gắng làm tròn nhiệm vụ của chúng ta đối với Hội thánh.

 Chúng ta là những thành viên trong Hội thánh. Đã là thành viên thì mỗi người đều có quyền lợi và bổn phận, bởi vì quyền lợi và bổn phận phải đi liền với nhau. Chúng ta đã được lãnh nhận nhiều ơn Chúa qua Hội thánh, thì chúng ta cũng phải có bổn phận bảo vệ và xây dựng Hội thánh. Tuy mỗi người chỉ là một thành phần nhỏ nhưng cũng quan trọng, bởi vì một ngôi nhà được xây dựng lên phải bao gồm nhiều yếu tố, nhiều chất liệu mà thiếu một yếu tố nào thì ngôi nhà ấy chưa được hoàn hảo. Hội thánh là một ngôi nhà chung, mỗi người phải có trách nhiệm góp phần vào việc xây dựng ngôi nhà đó.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Is 22, 19-23

 Lời tiên tri của Isaia hôm nay nói về việc truất phế một vị quan coi đền thờ là Sobna, dưới triều vua Ezechia, vì ông này có những hành vi nhũng lạm. Ông này không xứng đáng, nên chức vụ này được trao cho người khác là Êliakim, ông này sẽ lo quyền lợi chung và sẽ là người cha cho dân của ông.

 Mặc dù Êliakim phục vụ cho vua Ezéchia, nhưng trách nhiệm của Eliakim không phải do vua trao, mà do chính Thiên Chúa. Ngài trao cho Eliakim “chìa khóa”, nghĩa là thẩm quyền để hành xử trong phạm vi trách nhiệm của mình. Ngài còn hứa sẽ che chở, trợ giúp để ông thi hành trách nhiệm được giao phó.

+ Bài đọc 2: Rm 11,33-36

 Trong thư gửi cho tín hữu Rôma, thánh Phaolô ca tụng sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa. Đường lối của Ngài không ai hiểu thấu, vì mọi vật đều do Ngài mà có, nhờ Ngài mà tồn tại. Chúng ta chỉ biết ca ngợi tình thương của Chúa đối với chúng ta, và cố gắng sống theo đường lối và thánh ý của Ngài: Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời.

+ Bài Tin mừng: Mt 16,13-20

 Sau khi các Tông đồ cho Chúa Giêsu biết dư luận của dân chúng về Ngài, thì Chúa Giêsu lại hỏi chính các ông xem các ông bảo Ngài là ai ? Thánh Phêrô đã thay cho các ông khác mà tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu đã chấp nhận lời tuyên xưng ấy và để đáp lại, Ngài đã đặt Phêrô làm thủ lãnh Hội thánh, tượng trưng cho tước vị và quyền hạn này là việc trao chìa khoá.

 Như vậy, thánh Phêrô và những người kế vị đã nhận được nhiệm vụ tiếp tục sứ mạng của Chúa Kitô điều khiển Hội thánh, là dân Thiên Chúa. Ngài còn hứa sẽ bảo trợ thánh Phêrô và các Đấng kế vị trong chức vụ mình, và bảo đảm với các vị là Hội thánh của Ngài luôn bền vững, không một quyền lực nào có thể phá nổi.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Hội thánh của Chúa Kitô

I. HỘI THÁNH VÀ VIỆC TRAO QUYỀN BÍNH

1. Xây dựng Hội thánh

 Sau khi Phêrô đã tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, Chúa Giêsu liền thưởng cho ông: “Phêrô, con là Đá, trên Đá này Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy”.

 Con là Đá”: Đá ở đây vừa là tảng đá vừa là tên mới của Simon. Trong Kinh thánh, khi trao nhiệm vụ đặc biệt cho một nhân vật nào, thì Thiên Chúa thường đổi tên người đó (St 17,5-15; 35,10; Tv 13,16; 2V 23,34). Việc đổi tên như vậy cho thấy có mối liên hệ mới mẻ giữa người đổi tên và kẻ được đổi tên. Quả vậy, khi đổi tên Simon là Phêrô (Đá), Chúa có ý chỉ Phêrô sẽ là Đá tảng vững chắc, trên đó Người sẽ xây Hội thánh của Người. Tất nhiên đây chỉ là tảng đá hữu hình của Hội thánh, còn đá vô hình là Chúa Giêsu (1Cr 3,10-11; 1Pr 2,6-8).

 Qua đặc tính tự nhiên của đá, ta có thể hiểu về đặc tính của Hội thánh. Đá có đặc tính:

          * Cứng: nói lên sức mạnh của Hội thánh.

          * Bền: nói lên sự trường tồn của Hội thánh.

          * Chắc: nói lên sự vững bền của Hội thánh.

 Vì thế Phêrô quả là nền tảng của Hội thánh (Lm. Trần Hữu Thành, Suy niệm Tin mừng CN, năm A, tr 257)

 Hội thánh là chính Chúa Giêsu tiếp tục sống giữa chúng ta. Qua các thời đại, cũng có những người lớn tiếng hô hào rằng: Hội thánh đã đến ngày tận số! Nhưng Hội thánh vẫn còn tiếp tục qua 2000 năm nay và vẫn còn tiếp tục. Chúng ta hãy nghe một số phát biểu:

 Năm 305, hoàng đế Dioclesianô ra lệnh đúc tiền với dòng chữ: Để kỷ niệm ngày đạo Kitô bị tiêu diệt.

 Năm 1758, Voltaire nói tiên tri: hai mươi năm nữa đạo Công giáo sẽ hết đời.

 Năm 1850, P. Proudhon quả quyết: các người đạo đức hãy lo giấy thông hành trước đi. Mười năm nữa sẽ không còn vị linh mục nào để xức dầu cho đâu.

 Và năm 1904, Combes tuyên bố: ba tháng nữa bọn giáo sĩ phản động sẽ bị tiêu diệt.

 Đời nào cũng có những người cao hứng muốn làm nhà tiên tri, để phê phán về số mạng của Hội thánh. Nhưng bây giờ họ ở đâu ? Họ đã chết. Hội thánh vẫn còn sống, sống mạnh, sống mãi, sống vững vàng. Thánh Augustinô nói: “Họ nhìn thấy Hội thánh, họ nói: Hội thánh sẽ chết, giáo dân đã đến ngày tận số. Nhưng tôi thấy họ chết mỗi ngày, mà Hội thánh vẫn tồn tại để rao giảng quyền lực của Thiên Chúa cho các thế hệ nối tiếp nhau”.

2. Phêrô được trao quyền lãnh đạo

 Sau khi Chúa Giêsu tuyên bố sẽ lập Hội thánh trên nền tảng là Phêrô, Chúa Giêsu liền ban quyền lãnh đạo cho ông: “Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước trời, dưới đất con cầm buộc điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, con tháo cởi điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy” (Mt 16,19).

 Không còn nghi ngờ gì nữa, Đức Giêsu đã tuyển chọn và tấn phong Phêrô làm thủ lãnh của Hội thánh. Ngài xây dựng Hội thánh của Ngài trên tảng đá Phêrô, và hứa sẽ bảo vệ Hội thánh khỏi mọi tấn công của tử thần. Ngài còn trao cho Phêrô chìa khóa Nước trời, tượng trưng cho quyền bính trên trời dưới đất. Với quyền tối thượng này, Phêrô sẽ cai quản, giáo huấn và thánh hoá Hội thánh của Đức Kitô trong tinh thần phục vụ và yêu thương, sẵn sàng hiến mình cho đoàn chiên đã được trao phó.

II. SỨ MẠNG LÃNH ĐẠO HỘI THÁNH

 Hội thánh được Công đồng Vatican II gọi là “Dân Thiên Chúa”. Đã là một dân thì phải có tổ chức hẳn hoi. Chúa Giêsu đã lập một hội giáo. Hội đó là một hội hoàn toàn, có người chỉ huy và có kẻ phục tùng, không phải cá mè một lứa, theo hình thức quân chủ theo nghĩa một người có trọn quyền chỉ huy. Hội đó có đủ các quyền hành của một hội hoàn toàn: có quyền cai trị, quyền giáo huấn và quyền thưởng phạt. Các quyền này nhận thẳng từ Đấng sáng lập không chịu quyền của trần gian.

 Như chúng ta đã biết, Chúa Giêsu đã thiết lập Hội thánh không rõ từ lúc nào, các nhà thần học chưa đồng ý với nhau, nhưng biết chắc chắn rằng Chúa Giêsu đã thiết lập và trao quyền lãnh đạo Hội thánh cho thánh Phêrô: “Thầy trao cho con chìa khóa Nước trời, dưới đất con cầm buộc điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy, dưới đất con tháo cởi cái gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy”. Do đó, thánh Phêrô là vị Giáo hoàng tiên khởi, rồi các vị khác tiếp tục thay phiên nhau mà cai trị Hội thánh. Các ngài cũng chỉ là con người như mọi người, nhưng được Chúa Giêsu tuyển chọn, để thay quyền Ngài mà cai trị Hội thánh. Các ngài là những vị đại diện của Chúa Kitô ở trần gian.                        Truyện: ĐGH Gioan-Phaolô II

 Một tờ báo Ý đã tiết lộ một tin quan trọng về ĐGH Gioan-Phaolô II. Tờ báo cho biết, khi Đức Giáo hoàng còn là sinh viên du học tại Rôma, một hôm đã cùng với các bạn đi thăm cha đáng kính Piô, một Linh mục được Chúa in 5 dấu thánh. Vừa gặp, Cha Piô ôm chầm lấy ngài và nói rằng: một ngày kia Cha sẽ làm Giáo hoàng và sẽ chịu đau khổ, máu sẽ chảy. Cha Wojtyla trả lời: “Điều ấy tôi không sợ, vì tôi sẽ không bao giờ làm Giáo hoàng”. Nhưng thánh ý Chúa nhiệm mầu! Cha Wojtyla đã làm Giáo hoàng và máu đã chảy trong cuộc mưu sát ngày 13.10.1981 tại công trường thánh Phêrô. Gioan-Phaolô II là vị Giáo hoàng thứ 264, từ ngày vị Giáo hoàng tiên khởi là thánh Phêrô được Chúa trao quyền tối thượng (Lm. Hồng Phúc, Suy niệm lời Chúa, năm A, tr 128).

Giáo hoàng là vị Cha chung
Cầm quyền thống trị với lòng yêu thương.

Chúa Giêsu xây dựng Hội thánh trên Tảng đá Phêrô. Đá là một vật cứng, nhưng người ta thường nói: “Nước chảy đá mòn” nên tảng đá Phêrô có thể bị sứt mẻ, nhưng không bị vỡ tan. Điều đó nói lên sự yếu đuối của Phêrô. Mặc dù ông đã hứa với Chúa: “Dầu tất cả có vấp phạm vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (Mt 26,33). Và ngay đêm sau đó, không ai bắt ông phải chết, không ai ra tay tra khảo, chỉ có mấy người đầy tớ gặng hỏi, ông đã thốt lên những điều độc địa và thề rằng: “Tôi không biết người ấy” (Mt 26,74).

Thế là đã rõ, Chúa Giêsu đã không chọn một vị thánh để dẫn dắt Hội thánh của Ngài, mà đã chọn một dân chài, ít học, nóng nảy, bộc trực, sa ngã và... phản bội. Vượt lên những khuyết điểm, sai lầm và yếu đuối của Phêrô, hẳn Chúa Giêsu đã nhìn thấu suốt tâm can của Phêrô một tâm tình khiêm tốn sâu thẳm và một lòng sám hối chân thành.

Thật vậy, trước đây trong bữa tiệc ly Chúa Giêsu đã tâm sự với các môn đệ: “Đêm nay tất cả các con sẽ vấp ngã vì Thầy” (Mt 26,21) thì Phêrô không thể nào tin được. Ông quả quyết với Chúa: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26,35). Nhưng “ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy. Chúa Giêsu quay lại nhìn Phêrô” (Lc 22,60). Ánh mắt của Chúa nhìn thấu tâm hồn ông làm cho ông đau nhói. Ông rút lui ra ngoài, tan nát cõi lòng, bước đi nặng trĩu.

Ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết vì lầm lỗi của mình: tại sao mình lại phản bội Thầy ? Lúc này Phêrô mới nhận thấy mình không còn là tảng đá vững chắc nữa, mà mình chỉ là cát bụi, mình yếu đuối dễ sa ngã, không còn cậy vào sức mình như trước nữa, mà phải hoàn toàn trông cậy vào sự nâng đỡ của Chúa. Gương sa ngã của thánh Phêrô làm cho chúng ta nhớ đến lời khuyên của thánh Phaolô: “Ai đang đứng, ý tứ kẻo ngã”. Cái cột trụ Hội thánh đã đổ thì những cột khác có đứng vững không ?

Tuy thế, ông Phêrô cố quên đi quá khứ tội lỗi, để hướng tới tương lai của ơn thánh: cảm nghiệm sâu xa của lòng Chúa khoan dung tha thứ. Với kinh nghiệm bản thân đã kinh qua, sau này thánh Phêrô đã khuyên bảo các tín hữu của mình: “Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em” (Cv 3,19).

III. SỨ MẠNG XÂY DỰNG HỘI THÁNH

 Trong bài TM hôm nay, Chúa Giêsu đã chọn thánh Phêrô là Tảng đá để Ngài xây dựng Hội thánh trên đó. Hội thánh này phải vững chắc, vì xây nhà trên nền đá thì phải vững chắc, không sợ mưa sa bão táp (x. Mt 7,24-27).

 Hội thánh được xây dựng trên đá tảng Phêrô là đúng rồi, nhưng câu hỏi được đặt ra là “Chúa còn xây dựng Hội thánh của Ngài trên tảng đá nào khác nữa không ?” Thánh Phêrô đã trả lời cho chúng ta trong thư thứ nhất của ngài: “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên đền thờ thiêng liêng” (1Pr 2,5). Như thế có nghĩa là thánh Phêrô trả lời cho chúng ta là “có”: vì mỗi Kitô hữu cũng là một viên đá để xây dựng Hội thánh.

 Như thế, thánh Phêrô không dành độc quyền xây dựng Hội thánh, mà chia quyền ấy cho mọi tín hữu. Công đồng Vatican II cũng không nói khác với Phêrô: mọi Kitô hữu đều có sứ mạng xây dựng Hội thánh, mỗi người trong cương vị của mình, hoàn cảnh của mình và theo khả năng của mình mà xây dựng.

 Hội thánh là gia bảo mà Chúa Giêsu để lại cho chúng ta qua các Tông đồ và các Đấng kế vị. Trải qua 2000 năm Hội thánh đã phải chịu bao phen sóng gió, bao cuộc bách hại nhất là tại đế quốc Rôma trong 250 năm kể từ năm 64 đến năm 313, và tại Việt Nam chúng ta trong suốt hơn 100 năm dưới triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và nhóm Văn Thân. Tuy thế Hội thánh vẫn luôn đứng vững, vì Chúa đã hứa với Phêrô là không sức mạnh nào có thể phá nổi.

 Nếu Hội thánh là di sản quí báu cha ông chúng ta đã để lại, chúng ta phải bảo vệ và xây dựng Hội thánh, đừng bao giờ để cha ông chúng ta phải than vì “Đời cha vo tròn, đời con bóp méo” (tục ngữ). Hội thánh là ai ? Hội thánh là ta, là mỗi người chúng ta. Chúng ta phải làm sao cho Hội thánh luôn mặc một vẻ đẹp và hấp dẫn trước mặt lương dân. Bảo vệ và xây dựng Hội thánh, đó là công tác của chúng ta. Hãy giữ lấy gia sản quí báu ấy, như các em thiếu nhi thường hát trong các buổi sinh hoạt giáo lý:

Cái nhà là nhà của ta
Công khó ông cha làm ra.
Cháu con hãy gìn giữ lấy
Muôn năm với nước non nhà
(Lm. Ng. Văn Thích)

 Qua 2000 năm lịch sử của Hội thánh, chúng ta thấy Hội thánh luôn được phát triển trong những hoàn cảnh thật khó khăn, có biết bao thế lực chống phá, ngăn cản việc truyền giáo, nhiều nhà truyền giáo đã phải đổ máu ra để xây dựng Hội thánh vì “Máu các thánh Tử đạo là hạt giống sinh ra các tín hữu” (Tertullianô).

Truyện: Viên đá đầu tiên

 Cho đến năm 1896, vùng Cayenne ở Saint Ouen không bao giờ thấy bóng chiếc áo dòng đen. Nhưng một ngày trong năm đó, một vị linh mục cả gan xâm nhập vào vùng ấy. Một người thấy vậy liền ném đá vào đầu linh mục. Vị linh mục cúi xuống nhặt lấy viên đá đầy máu đỏ.

- Xin cảm ơn ông, đây là viên đá đầu tiên của một đền thờ tôi muốn xây ở đây.

 Và sự thật viên đá đó là viên đá đầu tiên của đền thờ Mân Côi được xây ở đó.

 Nước Chúa trên mặt đất này là Hội thánh, cũng bắt đầu trong nhỏ hèn, trong bạc đãi như vậy. Hội thánh vẫn phát triển trong âm thầm và đau khổ. (Nguyễn Hài Đồng, Tự điển câu truyện, 1969, tr 114).

 Chúng ta luôn tin tưởng rằng: Hội thánh của Chúa luôn vững bền, mặc dầu luôn gặp muôn vàn khó khăn, vì Hội thánh là ngôi nhà được xây trên đá vững chắc. Vậy xây nhà trên đá là gì ? Thưa là biết lắng nghe Lời Chúa và nhất là biết đem Lời Chúa ra thực hành trong đời sống hằng ngày. Theo giáo huấn của Chúa Giêsu, ai xây nhà trên đá là người khôn (Mt 7,24-27), còn ngược lại, kẻ nào không lắng nghe Lời Chúa và nhất là không thực hành Lời Chúa thì giống như người ngu xây nhà trên cát bùn.

 Còn đối với các Đấng bậc trong Hội thánh, Chúa Giêsu đã muốn cho thánh Phêrô và những người kế vị trở thành lãnh đạo Hội thánh mà Ngài đã lập ra, điều này không thể chối cãi được. Bởi đó, chúng ta phải công nhận quyền uy của các Ngài, phải vâng theo lời dạy của các Ngài và làm cho nhiệm vụ của các Ngài được dễ dàng. Vâng lời các Ngài là vâng lời chính Đức Kitô. Ngài đã phán: “Ai nghe lời các con là nghe Ta”.

 Nếu người ta đang hô hào người dân phải bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, vì đó là bổn phận của mỗi công dân, thì chúng ta, mỗi người đều là công dân Nước trời, là thành viên trong Hội thánh, chúng ta cũng có nhiệm vụ phải yêu mến, bảo vệ và xây dựng Hội thánh, xây dựng giáo xứ, xây dựng xã hội và xây dựng gia đình. Việc xây dựng đầu tiên, làm nền tảng cho mọi cuộc xây dựng tiếp theo, chính là nỗ lực lắng nghe và sống Lời Chúa.

 

Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

Mt 16,13-20
KÊ-PHA, ANH LÀ TẢNG ĐÁ

Si-môn, anh là ai ?

Tôi không bén nhạy như anh môn đệ Chúa yêu,

nhưng đôi khi tôi là người đại diện để trả lời trước tiên

những câu hỏi quan trọng Thầy đặt ra cho anh em tôi.

“Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi sao ?” (Ga 6,67).

“Còn anh em, anh em nói Thầy là ai  ?” (Mt 16,15).

Tôi đã nói ngay điều mình tin: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa.

Thật ra anh em chúng tôi đã nghĩ Thầy là Con Thiên Chúa

từ lúc Thầy đi trên mặt hồ và dắt tôi vào thuyền (Mt 14,33).

Tôi tin Thầy là Con Thiên Chúa theo một nghĩa đặc biệt

vì Thầy có tương quan độc đáo với Chúa Cha.

Chỉ mình Thầy biết Chúa Cha trong tư cách Người Con (Mt 11,27).

Tôi không nghĩ mình đã biết rõ hay biết trọn vẹn con người Thầy.

Nhưng càng sống gần Thầy tôi càng nhận ra Thầy là ai (Mt 17,5).

Phải đợi đến sau khi Thầy trải qua cái chết và phục sinh,

tôi mới thật sự tin Thầy Là Đấng Emmanuel (Mt 1,23; 28,20).

Si-môn, anh là ai ?

Tôi tên là Si-môn, tên do bố mẹ đặt cho.

Khi gặp Thầy Giêsu, Thầy đặt tên cho tôi là Kê-pha (Ga 1,42),

hay Phêrô, nghĩa là Đá Tảng, là Thạch (Mt 16,18).

Việc Thầy cho tôi một tên mới không phải chuyện ngẫu nhiên.

Thầy muốn thiết lập một cộng đoàn mới mà Thầy gọi là Giáo Hội.

Giáo Hội này là đoàn Dân Chúa thuộc tứ phương thiên hạ,

vượt mọi bức tường văn hóa, chủng tộc, quốc gia.

Tất cả sống theo giáo huấn của Thầy được ban trên Núi Bát Phúc.

Suốt đời tôi không bao giờ hiểu được

tại sao Thầy chọn tôi làm nền móng cho tòa nhà Giáo Hội của Thầy.

Thầy dạy người ta, khi xây nhà, thì xây trên đá chứ đừng xây trên cát.

Vậy mà Thầy lại coi tôi là Đá, là nền kiên cố cho tòa nhà của Thầy.

Phần tôi, tôi biết sự yếu đuối của tôi, và tôi biết quyền năng của Thầy.

Tôi đã chìm xuống nước, dù biết Thầy đang ở trước mặt.

Tôi đã kêu cứu và Thầy đã nắm lấy tôi giữa sóng cả, gió to.

Tôi biết mình là kẻ kém lòng tin, hay hoài nghi và sợ sệt.

Nếu Xatan và tử thần không thể thắng được tôi,

thì đâu phải bởi tôi, mà do có Thầy đứng sau tôi.

Si-môn, anh là ai ?

Tôi là một ngư phủ ít học, đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định.

Tôi quen với sóng, gió, cá, thuyền và lưới.

Thầy đã gọi tôi theo Thầy, mời người ta hoán cải vì Nước Trời gần đến.

Được vào Nước Trời là ước mơ của mọi người và của tôi.

Vậy mà bây giờ Thầy lại muốn giao cho tôi chìa khóa của Nước đó.

Thầy cho tôi quyền đóng và mở cửa Nước Trời.

Tôi biết mình không phải là Vua của Nước Thiên Chúa,

Tôi chỉ là người quản gia, được trao chìa khóa Nước này,

một Nước viên mãn ở trên trời, nhưng đã bắt đầu lớn lên từ mặt đất.

Thầy cho tôi quyền trói buộc và tháo cởi, quyền quyết định bao điều

liên quan đến đức tin và luân lý của những thành viên trong Giáo Hội.

Tôi là người đã có lần chối Thầy, dù đã hứa sẽ không bỏ Thầy.

Nước mắt của tôi không đủ để làm tôi được sạch,

nhưng làm tôi khiêm tốn hơn và khoan dung hơn.

Qua bao thế kỷ, nhiều đấng đã kế vị tôi để làm nền cho Giáo Hội.

Họ là những mục tử đã tận tình chăm sóc chiên và hy sinh vì chiên.

Điều làm tôi vui sướng, đó là Thầy Giêsu đã giữ lời hứa.

Quyền lực của âm phủ không thắng được Giáo Hội.

Trời và đất vẫn ý hợp tâm đầu (Mt 16,19).

Khiếm khuyết của con người luôn được Thiên Chúa bù đắp

để ngôi nhà của Thiên Chúa vẫn đứng vững giữa cuồng phong.

 

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa,

chúng con không hiểu

tại sao Chúa chọn Simon,

một người đánh cá ít học và đã lập gia đình

để làm vị lãnh đạo đầu tiên của Giáo Hội.

Chúa xây dựng Giáo Hội của Chúa

trên một tảng đá mong manh,

để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.

Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con

theo Chúa, sống cho Chúa,

đặt Chúa lên trên mọi sự:

gia đình, sự nghiệp, tương lai.

Chúng con chẳng thể nào từ chối

viện cớ mình kém đức kém tài.

Chúa đưa chúng con đi xa hơn,

đến những nơi bất ngờ,

vì Chúa cần chúng con ở đó.

Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,

bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,

hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.

 

Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Chúng tôi đang bon bon trên chiếc xe gắn máy, bỗng anh bạn của tôi bất ngờ thắng két… két, không kịp rồi, cả xe lẫn người nằm trọn trong “ổ voi ổ bò” giữa đường mà không có một biển báo hay ít ra là có dấu hiệu, tay tôi chà xuống đường, máu tuôn chảy (bây giờ vẫn còn sẹo trên tay), đầu tôi đập xuống đất (rất may sau đó chúng tôi đi chụp CT nhưng không bị chấn thương ở đầu).

Mỗi lần ra đường tôi lại sợ hãi với những con đường lồi lõm lớn nhỏ. Tôi so sánh với những đất nước tôi đi qua tham quan hay sống làm việc dài ngắn hạn (gần nhất như Manila - Philippines) đường sá xe chạy êm ả vì đường thẳng băng, êm đến nỗi nếu không có ai trò chuyện, bạn có thể ngủ gật bất cứ lúc nào cho những ai dễ ngủ. Đường không ổ gà ổ vịt, và nếu có sẽ được sửa chữa sớm nhất, ngay cả những con đường ngoằn ngoèo nhất ở vùng núi, vùng quê cũng không thấy có ổ gà ổ vịt…

Suy niệm

Nhờ tin và biểu lộ niềm tin vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa, Simon-Phêrô được Ngài trao cho “chìa khóa nước Trời”, chìa khóa mở đóng, biểu tượng trách nhiệm cai quản Hội Thánh, trách nhiệm được Thiên Chúa luôn hỗ trợ để ông được hoàn thành: “Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được…” (Mt 16:18-20).

Trong xã hội nói chung, nơi tất cả các tổ chức lớn nhỏ nói riêng rất cần tinh thần trách nhiệm để bảo đảm sự hiện hữu và phát triển mưu ích cho tha nhân. Nếu mỗi người thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình thì xã hội sẽ phát triển không ngừng, tổ chức, gia đình được kiến tạo và xây dựng hạnh phúc dưới góc cạnh nhân văn. Xây dựng xã hội hướng về nước Trời theo ý muốn của Thiên Chúa dưới khía cạnh của niềm tin.

Với người mang đức tin Kitô, tinh thần trách nhiệm còn là tiếng nói của niềm tin, niềm tin sống động mà Phêrô đã tuyên xưng và sống chết cả đời. Tôi và bạn cũng nhìn vào tinh thần đảm đương trách nhiệm của Phêrô, tấm gương đó cần phản chiếu ở mỗi người chúng ta, một tinh thần trách nhiệm quyết liệt trước hết cho tương lai cho chính mình, đầu tiên qua việc rèn luyện học hành nơi bản thân, kế tiếp là tinh thần làm việc trong trách nhiệm được đào tạo cho sự phát triển gia đình, sự phồn thịnh của quốc gia, của nhân loại. Chính lúc tôi sống hai chữ trách nhiệm, là lúc tôi biểu lộ đức tin vào Thầy Giêsu, Đấng đã giao trách nhiệm quản lý trần thế.

          Như Chúa Giêsu khi trao trách nhiệm cho Phêrô, Ngài đã đào tạo một cách tiệm tiến xuyên qua đời ông: Thầy Giêsu đã chuẩn bị trước cho Phêrô nhiệm vụ “chăm sóc đoàn chiên” ngay vào lúc giây phút đầu tiên ông gặp gỡ, Ngài đã gieo vào tâm hồn ông ý niệm trách nhiệm: “Anh sẽ được gọi là Phêrô” (Ga 1,42) và “trở nên kẻ chài lưới người” (Lc 5:10). Quảng đại nhiệt thành tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:17); Ý thức bản thân khi thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5:8); Ông yếu đuối chối Thầy ba lần khi Đức Giêsu bị bắt (x.Ga 18,17-27). Với cái nhìn của đức tin và khoan dung, trong yếu đuối Chúa dạy Phêrô bài học trách nhiệm đỡ nâng: “Phần con, hỡi Phêrô, sau khi đã trở lại, con hãy củng cố các anh em của con” (Lc 22,32).

Chiêm ngưỡng hình ảnh Phêrô với niềm tin sắt son, với hai chữ trách nhiệm mang trên vai, tôi và bạn được mời gọi trong đức tin đảm đương trách nhiệm mà chúng ta được giao trong xã hội, nơi gia đình tất cả công việc lớn nhỏ, chúng ta thực thi nó với cả trái tim và hết khả năng: Dù là anh phu quét lá, là người thầy dạy học đứng trên bục giảng vì sự nghiệp trăm năm trồng người, đến các kỹ sư chuyên viên tìm tòi sáng tạo cho sự phát triển, hay nhà quản lý với ý thức trách nhiệm cộng đồng…

Chúng ta tuyên xưng đức tin vào Chúa và Người đã gọi đích danh chúng ta như gọi Phêrô, Ngài đang xây Giáo hội, xã hội hướng về Nước Trời nơi tôi và bạn đang sống và làm việc. Chúng ta không thể là đá tảng như Phêrô nhưng là những lát gạch trách nhiệm mà Thiên Chúa dùng để xây dựng nhân loại theo kiểu mẫu của nước Trời. Chính Giáo hội được xây trên đá Phêrô là hình tượng tiêu biểu.

Ý lực sống

“Chăn lạnh choàng vai, đêm chẳng ngủ.
 Suốt đời ôm mãi nỗi lo dân”
.

(Nguyễn Trãi)

 

Suy niệm (song ngữ)

21st Sunday in Ordinary Time
Reading I: Isaiah 22:15,19-23
Reading II: Romans 11:33-36

Chúa Nhật 21 Thường Niên
Bài Đọc I: Isaia 22:15,19-23
Bài Đọc II: Roma 11:33-36

Gospel
Matthew 16:13-20

13 Now when Jesus came into the district of Caesare'a Philip'pi, he asked his disciples, “Who do men say that the Son of man is ?”
14 And they said, “Some say John the Baptist, others say Eli'jah, and others Jeremiah or one of the prophets.”
15 He said to them, “But who do you say that I am ?”
16 Simon Peter replied, “You are the Christ, the Son of the living God.”
17 And Jesus answered him, “Blessed are you, Simon Bar-Jona! For flesh and blood has not revealed this to you, but my Father who is in heaven.
18 And I tell you, you are Peter, and on this rock I will build my church, and the powers of death shall not prevail against it.
19 I will give you the keys of the kingdom of heaven, and whatever you bind on earth shall be bound in heaven, and whatever you loose on earth shall be loosed in heaven.”
20 Then he strictly charged the disciples to tell no one that he was the Christ

Phúc Âm
Matthêu 16,13-20

13 Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai ?
14 Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ”
15 Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?”
16 Ông Si-mon Phê rô thưa: “ Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
17 Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Si-mon con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.
18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.
19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.
20 Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.

Interesting Details

  • (v.13) Caesarea Philippi, where Peter professed that Jesus was the Messiah, is a city built by prince Philip on the slope of Mount Hermon, north of Palestine. This place was known as a place of divine revelation in the Old Testament.
  • (v.16) The term “Messiah” reflects the disciples' hope that Jesus would deliver Israel from its enemies and establish God's kingdom on earth.
  • Verse 16 is parallel to Mk 8:27-28. However Matthew added a further specification of Jesus' identity as the Son of the living God.
  • The phrase the “Son of the living God” corrects any false implications present in the title Messiah. In the Jewish context, the word Messiah has for most people a very precise meaning: the coming Davidic king, the religious/political leader who would restore the power and glory of the nation of Israel. Jesus consistently refuses a political interpretation of his mission.
  • (v.18) In the New Testament, Jesus mentions Peter's name 195 times as compared to 130 times for all the rest of Apostles.

Chi Tiết Hay

  • (c.13) Xê-da-rê Phi-lip-phê, nơi mà Phêrô đã tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, là một thị trấn xây bởi quân vương Phi-lip-phê trên sườn núi Hermon, phía bắc của Pa-lét-tin. Theo trong Cựu Ứớc, nơi này là một chỗ linh thiêng.
  • (c.16) Những từ như “Đấng Cứu Chúa” phản ảnh niềm hy vọng của các tông đồ là Chúa Giêsu sẽ giải phóng Ít-ra-en và sẽ lập nên vương quốc của Ngài trên thế gian.
  • Câu 16 đi song song với Mc 8:27-28, nhưng Thánh Mát-thêu trình bày thêm nét đặc biệt về bản ngã của Giêsu là con Thiên Chúa hằng sống.
  • Câu “Con Thiên Chúa hằng sống” làm sáng tỏ danh hiệu “Đấng Cứu Chúa”. Phần đông người Do thái chờ đợi một vị vua xuất phát từ dòng dõi Đa-vít, một người lãnh đạo cả tôn giáo lẫn chính trị để mang lại vinh quang cho nước Do thái. Chúa Giêsu luôn luôn từ chối sự gán ghép Ngài làm vua dân Do thái về phương diện chính trị.
  • (c.18) Trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã nhắc đến tên của Phêrô 195 lần so với 130 lần tên của các tông đồ khác.

One Main Point

Peter makes his declaration of faith in Christ. Jesus appoints Peter as the leader of the Church as well as the gatekeeper of the kingdom of heaven.

Một Điểm Chính

Phêrô tuyên xưng đức tin trong Chúa Kitô. Chúa Giêsu bổ nhiệm Phêrô làm người lãnh đạo của Giáo hội và người giữ chìa khóa nước trời.

Reflections

  1. If Jesus comes and asks me who he is, how would I answer ? If someone asks me who Jesus is, how do I explain ?
  2. Jesus called Peter to be the leader of his Church. In what role does Jesus call me to be ?
  3. Imagine myself being present at Caesarea Philippi among the apostles; how does Jesus react (gesture, facial expressions, tone) to Peter's answer ? How do the apostles react when Peter is named the leader of the Church ?
  4. Put myself in Peter's position; what will I do for the Church ?

Suy Niệm

  1. Nếu Chúa Giêsu đến và hỏi tôi ngày hôm nay Ngài là ai, tôi sẽ trả lời ra sao ? Nếu người ta hỏi tôi Chúa Giêsu là ai, tôi sẽ giải thích như thế nào ?
  2. Chúa Giêsu gọi Phêrô làm người lãnh đạo Giáo hội, Chúa Giêsu gọi tôi trong vai trò gì ?
  3. Hình dung tôi đang hiện diện ở thành Xê-da-rê Phi-lip-phê cùng với các môn đệ. Tôi thấy Chúa Giêsu phản ứng như thế nào (cử chỉ, dung mạo, giọng nói) trước câu trả lời của Phêrô ? Phản ứng của các tông đồ như thế nào khi Chúa Giêsu bổ nhiệm Phêrô làm người lãnh đạo Giáo hội ?
  4. Tự đặt mình vào địa vị của Phêrô. Tôi sẽ làm gì cho Giáo hội ?

Top