Chúa nhật 21 Thường niên năm B - Bỏ Thầy con biết theo ai? (Ga 6,61-70)

Chúa nhật 21 Thường niên năm B - Bỏ Thầy con biết theo ai? (Ga 6,61-70)

Chúa nhật 21 Thường niên năm B - Bỏ Thầy con biết theo ai? (Ga 6,61-70)

“Ông Simôn Phêrô liền đáp: Thưa Thầy,
bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?
Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”
(Ga 6, 68)

BÀI ĐỌC I: Gs 24, 1-2a. 15-17. 18b

“Chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa, vì chính Người là Thiên Chúa chúng tôi”.

Trích sách ông Giosuê.

Trong những ngày ấy, Giosuê triệu tập tất cả các chi tộc lại ở Sikem, rồi gọi các kỳ lão, các thủ lãnh gia tộc, quan án, sĩ quan đến, và họ đứng trước mặt Thiên Chúa. Giosuê liền nói với toàn dân như thế này: “Nếu các ngươi không muốn tôn thờ Thiên Chúa, thì cho các ngươi lựa chọn: hôm nay, các ngươi hãy tuỳ ý chọn phải tôn thờ ai hơn: hoặc là các thần cha ông các ngươi đã tôn thờ ở Mêsôpôtamia, hoặc các thần của người xứ Amôrê, nơi các ngươi đang ở. Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa”. Dân trả lời rằng: “Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần ngoại. Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, chính Người đã dẫn chúng tôi và cha ông chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Người đã làm những việc kỳ diệu cả thể trước mắt chúng tôi và đã gìn giữ chúng tôi suốt con đường chúng tôi đã đi, giữa tất cả mọi dân chúng tôi đã đi qua. Chúa đã trục xuất tất cả những dân đó cũng như người Amôrê trên phần đất chúng tôi đã tiến vào”.   

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 33, 2-3. 16-17. 18-19. 20-21. 22-23

Đáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao (c. 9a).

Xướng:

1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa, linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. - Đáp.

2) Thiên Chúa để mắt coi người hiền đức, và tai Người lắng nghe tiếng họ cầu. Thiên Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai. - Đáp.

3) Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ; Người cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo. Thiên Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương giập nát. - Đáp.

4) Người hiền đức gặp nhiều bước gian truân, nhưng Thiên Chúa luôn luôn giải thoát. Người giữ gìn họ xương cốt vẹn toàn, không để cho một cái nào bị gãy. - Đáp.

5) Sự độc dữ sẽ sát hại đứa ác nhân; kẻ ghét người hiền sẽ phải đích thân đền tội. Thiên Chúa cứu chữa linh hồn tôi tớ của Người, và phàm ai tìm đến nương tựa nơi Người, người đó sẽ không phải đền bồi tội lỗi. - Đáp.

 

BÀI ĐỌC II: Ep 5, 21-32

“Mầu nhiệm này thật lớn lao: trong Đức Kitô và trong Hội Thánh”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, anh em hãy phục tùng nhau trong sự kính sợ Đức Kitô. Người vợ hãy phục tùng chồng mình, như đối với Chúa: vì chồng là đầu người vợ, như Đức Kitô là đầu Hội Thánh: chính Người là Đấng Cứu Chuộc thân thể mình. Nhưng như Hội Thánh phục tùng Đức Kitô thể nào, thì người vợ cũng phục tùng chồng mình trong mọi sự như vậy. Hỡi những người làm chồng, hãy yêu thương vợ mình, như Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh, để thánh hoá Hội Thánh, khi Người dùng nước và lời hằng sống rửa sạch Hội Thánh, ngõ hầu bày tỏ cho mình một Hội Thánh vinh quang, không vết nhơ, không nhăn nheo hay phải điều gì khác tương tự, nhưng thánh thiện và vẹn tuyền. Cũng thế, người chồng phải yêu thương vợ mình như chính thân mình. Ai yêu thương vợ mình, là yêu thương chính mình. Vì không ai ghét thân xác mình bao giờ, nhưng nuôi dưỡng và nâng niu nó, như Đức Kitô đối với Hội Thánh: vì chúng ta là chi thể của thân xác Người, do xương thịt Người. Bởi thế, người ta lìa bỏ cha mẹ mình mà kết hợp với vợ mình: và cả hai nên một thân xác. Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh.    

Đó là lời Chúa.

 

Tin mừng: Ga 6, 61-70

60 Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” 61Nhưng Đức Giêsu tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? 62 Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? 63 Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.

64 Nhưng trong anh em có những kẻ không tin.” Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. 65 Người nói tiếp: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.” 66 Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.

67 Vậy Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” 68 Ông Simôn Phêrô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. 69 Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Trước câu hỏi của Ðức Giêsu đặt ra cho các Tông Ðồ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao ?”

Thánh Phêrô thay cho anh em nói lên niềm xác tín của mình nơi Ðức Giêsu: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai ? Thầy mới có lời ban sự sống đời đời”.

Còn câu trả lời của chúng ta thế nào ? Hãy trả lời cho Chúa bằng cuộc sống và bằng chính thái độ sống của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn mong muốn con người bước đi trong đường lối của Chúa. Nhưng Chúa không ép chúng con. Trái lại, Chúa hoàn toàn tôn trọng sự tự do lựa chọn của mỗi người chúng con.

Xin cho chúng con ngày càng khám phá rõ hơn nét đẹp của đường lối Chúa, để chúng con lựa chọn cho mình một đời sống hạnh phúc vĩnh cửu. Ðời sống ấy chỉ có được khi chúng con sống theo ý Chúa mà thôi. Amen.

Ghi nhớ: “Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho”

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Chúng ta không ngạc nhiên mấy khi thấy các môn đệ cho rằng bài giảng của Chúa Giêsu thật khó lãnh hội. Từ ngữ Hilạp skleros không phải là khó hiểu nhưng có nghĩa là khó chấp nhận. Các môn đệ biết rất rõ Chúa Giêsu tự xưng là sự sống từ Thiên Chúa giáng hạ chẳng ai có thể sống hay đối diện với cõi đời đời nếu không tin nhận và đầu phục Ngài.

Đến đây chúng ta gặp một chân lý nổi bật vào mọi thời đại. Nhiều khi người ta khước từ Chúa Cứu Thế vì không đáp ứng được tiêu chuẩn đạo đức mà Ngài đòi hỏi, chứ chẳng phải vì không biết Ngài. Khi thành thật suy nghĩ về vấn đề này, chúng ta bắt buộc nhìn nhận tại tâm điểm của mọi tôn giáo đều phải có huyền nhiệm, lý do đơn giản vì ở trung tâm của mọi tôn giáo đều có Thiên Chúa. Theo bản tính chung của mọi sự vật, tâm trí loài người chẳng bao giờ hiểu được đầy đủ, trọn vẹn về Thiên Chúa. Bất cứ một nhà tư tưởng chân chính nào cũng phải chấp nhận huyền nhiệm.

Chỗ khó thật sự của Kitô giáo gồm hai phương diện. Nó đòi hỏi một hành động đầu phục Chúa Giêsu, nhận Ngài là quyền uy tối hậu, và nó cũng đòi hỏi một tiêu chuẩn đạo đức cao nhất. Các môn đệ vốn hiểu rất rõ rằng Chúa Giêsu tự xưng chính Ngài là sự sống, là thần trí của Thiên Chúa xuống thế gian. Cái khó của họ là chấp nhận điều đó là đúng. Mãi đến nay nhiều người vẫn khước từ Chúa Cứu Thế, không phải vì trí tuệ họ không hiểu nổi, nhưng vì không theo nổi tiêu chuẩn sống của Ngài.

Cho nên Chúa Giêsu tiếp tục không nhằm cố gắng chứng minh cho lời tự xưng của Ngài mà để vạch rõ rằng sẽ có ngày các biến cố xảy ra chứng minh điều đó. Ngài nói “các ngươi thấy khó tin Ta là bánh, là phần thiết yếu cho sự sống, từ trời xuống. Rồi sẽ đến ngày các ngươi không còn thấy khó tin nữa”. Đây là lời báo trước sự thăng thiêng. Điều đó có ý nghĩa rằng sự phục sinh bảo đảm cho tất cả các lời tuyên bố của Ngài. Chúa Giêsu không phải là người sống cao quí và chết dũng cảm cho một chính nghĩa bị thất bại. Ngài là Đấng mà những lời tự xưng được ứng nghiệm bởi sự kiện Ngài chết rồi sống lại.

Chúa Giêsu tiếp tục dạy rằng điều tối quan trọng là quyền ban sự sống bởi Chúa Thánh Linh, xác thịt chẳng ích lợi gì cả. Thật đơn giản để hiểu phần nào ý nghĩa của câu nói ấy; điều quan trọng hơn hết, ấy là phần tinh thần ở trong mọi hành động. Giá trị của bất cứ vật gì tùy thuộc vào mục đích của nó. Nếu chỉ ăn để mà ăn thì chúng ta trở thành kẻ tham ăn. Như thế có hại hơn là có lợi; nếu chúng ta ăn để bảo tồn sự sống, để làm việc tốt hơn, để giúp thân thể thích ứng với điểm cao nhất của nó thì thức ăn mới có ý nghĩa đích thực. Nếu một người dành thời giờ để chơi thể thao chỉ vì thể thao mà thôi, thì trong phạm vi nào đó họ đã phí phạm thời giờ của mình. Nhưng nếu người ấy chơi thể thao để thân thể được tráng kiện, nhờ đó họ có thể phục vụ Thiên Chúa và loài người đắc lực hơn thì thể thao lại trở thành quan trọng. Mọi điều liên hệ tới xác thịt có giá trị hay không tùy thuộc vào tinh thần của người thực hiện.

Chúa Giêsu tiếp tục “Lời Ta là thần linh (tinh thần) và sự sống”. Chỉ một mình Chúa Cứu Thế cho chúng ta biết sự sống là gì, đặt trong chúng ta phần tinh thần hướng dẫn cuộc sống đời mình, và ban cho chúng ta năng lực để sống cuộc đời ấy. Sự sống có giá trị hay không tùy theo chủ đích, chủ đích thực của đời sống và cũng chỉ một mình Ngài ban cho chúng ta năng lực để thực hiện mục đích ấy là chống lại những nghịch cảnh bên ngoài và bên trong sẽ đến với mình.

Nhưng Chúa Giêsu biết rất rõ nhiều người đã chối bỏ lời đề nghị này với lòng đối kỵ, thù ghét. Không ai có thể tin nhận Chúa Giêsu trừ khi được Thánh Thần tác động để làm như vậy, nhưng con người cũng có thể chống lại Thiên Thần cho đến ngày cuối cùng. Một người như thế không phải bị Thiên Chúa loại bỏ ra, nhưng chính người ấy tự loại bỏ mình ra.

Đoạn này được viết theo linh tính về thảm họa sắp xảy ra, vì đây là phần bắt đầu của giai đoạn cuối cùng. Nhiều người kéo đến theo Chúa Giêsu, lúc Ngài dự Lễ Vượt Qua tại Giêrusalem, họ đã thấy các phép lạ Ngài làm và tin danh Ngài, số người đến xin chịu phép rửa không kể xiết (2, 23; 4, 1-3). Tại Samari nhiều việc lớn đã xảy ra (4, 1.39.45). Tại Galilê, mới ngày hôm trước dân chúng hãy còn theo Ngài rất đông (6, 2), nhưng bây giờ giọng mô tả đã thay đổi. Từ nay trở đi, sự oán ghét sẽ càng chồng chất cho đến khi đạt đến tột đỉnh là thập giá. Thánh sử Gioan đã hé mở màn cuối của tấm thảm kịch. Chính trong những hoàn cảnh như thế, người ta mới thấy rõ lòng người và bộ mặt thật của họ. Và trong những hoàn cảnh như thế, đã có ba thái độ khác nhau đối với Chúa Giêsu.

1. Có sự bỏ cuộc:

Nhiều người quay lưng lại, không đi theo Ngài nữa, họ bỏ đi vì nhiều lý do. Một số người trong số họ đã thấy rõ Chúa Giêsu đang đi về đâu. Không thể thách thức giới cầm quyền như Ngài đã làm mà có thể tránh khỏi tai họa. Chúa Giêsu đang đi vào thảm họa và họ đã rút lui kịp thời, họ là hạng người tùy thời. Người ta bảo muốn thử một đạo quân hãy xem cách đạo quân ấy đánh giặc khi mọi người đều mệt mỏi. Nếu sự nghiệp của Chúa Giêsu cứ đi lên, chắc những người kia chưa quay lui, nhưng ngay khi nhìn thấy bóng thập giá họ đã bỏ Ngài. Có một số người khác bỏ Chúa vì muốn trốn tránh thách thức của Ngài. quan điểm cơ bản phải mất một chút gì đó cho Ngài là họ bỏ đi ngay. Nếu theo Ngài là thơ mộng huy hoàng, chắc họ bám sát Ngài, nhưng khi đường đi trở thành khó khăn, theo Ngài đòi hỏi một số điều khó làm thì họ bỏ Ngài. Việc họ tìm thầy học đạo hoàn toàn đều do những động lực ích kỷ. Thật ra chẳng có ai ban cho chúng ta nhiều hơn Chúa Giêsu. Nhưng nếu chúng ta chỉ đến với Ngài nhằm mục đích thu vào chứ chẳng cho ra, chắc chắn chúng ta phải trở lui. Những ai muốn theo Chúa Giêsu phải nhớ đường theo Ngài là đường thập giá.

2. Có sự suy thoái:

Chúng ta thấy điều này nơi Giuđa rõ ràng nhất. Chúa Giêsu đã thấy ông là người có thể dùng cho mục đích của Ngài. Nhưng thay vì trở thành anh hùng, Giuđa lại trở thành tên vô lại, và người đáng lẽ là thánh lại thành kẻ phản bội. Câu chuyện của họa sỹ vẽ bức tranh Bữa Tiệc Ly là một kinh nghiệm đáng sợ. Đó là một bức tranh khổng lồ, đòi hỏi họa sỹ phải mất nhiều năm để vẽ. Tìm một người mẫu để vẽ Chúa Giêsu, ông gặp một thanh niên có khuôn mặt đẹp đẽ, thuần khiết và siêu thoát, ông thuê chàng làm người mẫu. Bức tranh cứ thế được bổ túc, ông cứ vẽ hết môn đệ này đến môn đệ khác. Một ngày kia ông cần một người để vẽ Giuđa mà ông đã dành lại để vẽ sau cùng. Ông đi ra tìm trong số người hèn hạ nhất trong thành phố. Cuối cùng ông gặp được một người, bộ mặt in hằn dấu vết của một kẻ trụy lạc vô cùng xấu xa. Ông thuê người ấy làm mẫu. Khi bức tranh hoàn tất, người mẫu nói với họa sỹ “trước đây đã có lần ông vẽ tôi rồi”. Họa sỹ đáp: “chắc chắn là không”. Người nọ bảo: “Ồ có chứ, lần trước ông vẽ tôi, ông đã dùng tôi làm mẫu để vẽ Chúa Giêsu đấy”. Năm tháng đã tạo nên sự suy thoái khủng khiếp. Thời giai thật bạo tàn có thể cướp đi những lý tưởng, những hăng say, những mơ ước và sự trung thành của chúng ta, có thể để lại nơi chúng ta một đời sống ngày càng nhỏ nhoi thay vì càng cao đẹp. Nó có lưu lại cho chúng ta một tấm lòng chai lỳ thay vì được mở rộng trong tình yêu thương của Thiên Chúa. Cuộc đời có thể làm mất đi vẻ đẹp của chúng ta.

3. Có sự quyết định.

Đây là cách Gioan viết lại lời tuyên xưng của Phêrô tại Xêzarê. Chính trong một hoàn cảnh như thế, người ta đã thấy lòng trung thành của Phêrô. Đối với Phêrô, có một điều thật đơn giản, ấy là chẳng có ai đáng cho ông đi theo hơn là Chúa Giêsu. Với ông chỉ có Ngài mới có lời của sự sống đời đời.

Lòng trung thành của Phêrô được căn cứ trên mối liên hệ cá nhân với Chúa Giêsu. Có nhiều điều Phêrô không hiểu. Ông cũng bối rối lạc lõng như bất cứ ai khác, nhưng nơi Chúa Giêsu có một cái gì khiến ông sẵn sàng hy sinh tính mạng. Nói cho cùng, Kitô giáo không phải là một triết lý mà chúng ta phải chấp nhận hay một lý thuyết buộc chúng ta phải trung thành. Nó là sự đáp ứng cá nhân với Chúa Giêsu. Đó là lòng trung thành và tình yêu mà một người hiến dâng, vì tấm lòng ấy không cho phép họ làm gì khác hơn được.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

QUYẾT BƯỚC THEO CHÚA

A. DẪN NHẬP

Bốn bài giảng liên tiếp về Bánh hằng sống của Đức Giêsu đã tạo ra nhiều phản ứng nơi những cử tọa Do thái. Khi Ngài tiết lộ cho họ biết Ngài có Bánh hằng sống, ăn vào sẽ không đói khát nữa, họ bèn xin Ngài cho họ thứ bánh đó. Tiến thêm một bước, Ngài cho họ biết Bánh đó chính là Ngài từ trời xuống, họ có phản ứng chống lại ngay vì họ cho rằng Ngài chỉ là con bác thợ mộc Giuse ở Nazareth, làm sao lại có chuyện đó được? Nhưng khi Đức Giêsu cho họ biết Bánh Hằng sống đó chính là thịt máu Ngài, phải ăn thì mới có sự sống trong mình, thì họ có phản ứng kịch liệt vì họ cho đây là một việc tởm gớm, không thể chấp nhận được. Thậm chí cả một số môn đệ cũng có phản ứng tương tự: “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe được”. Kết quả là một số môn đệ bỏ đi, không theo Ngài nữa.

Sau thất bại tàn tệ đó, Đức Giêsu quay sang nhóm Mười Hai, là những người thân tín nhất, xem họ có thái độ thế nào? Rất may, ông Phêrô đã thay mặt cho nhóm Mười Hai thưa ngay với Ngài rằng: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai, Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”. Như vậy, các Tông đồ đã tin vào lời Chúa và quyết tâm theo Ngài.

Ngày nay, trước mầu nhiệm Thánh Thể, vẫn còn có những người có thái độ như dân Do thái và một số môn đệ xưa: họ không tin nhận phép Thánh Thể, vì họ cho là một việc phi lý, một sự bày đặt. Còn chúng ta, chúng ta hãy học theo gương thánh Phêrô và các Tông đồ mà tuyên xưng đức tin và quyết tâm theo Chúa đến cùng, mặc dầu việc tin theo đó đòi hỏi nơi chúng ta nhiều từ bỏ, nhiều hy sinh.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Gs 24,1-18

Sau khi ông Maisen qua đời, ông Giosuê lãnh nhận trách nhiệm lãnh đạo dân chúng và đưa họ vào Đất hứa. Sau khi chinh phục được Đất hứa và chia phần đất cho từng chi tộc, ông Giosuê tập họp dân chúng lại tại Sikem và đòi họ phải tuyên bố dứt khoát lập trường: tin theo Đức Chúa và trung thành với Giao ước của Ngài hay tin theo các thần của dân ngoại ở Babylon hay các thần của xứ sở mà họ vừa chiếm cứ?

Toàn dân dứt khoát và đồng bộ chọn Thiên Chúa, Đấng đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai cập. Từ nay họ sẽ trở thành dân riêng của Đức Chúa, trung thành thi hành giao ước đã ký kết với Ngài; và từ nay sự hiệp nhất sẽ phát xuất từ một niềm tin chung vào Giavê Thiên Chúa.

+ Bài đọc 2: Ep 5,21-32

Bài đọc hai chỉ là đề tài phụ nhưng nói lên mối dây chặt chẽ giữa các tín hữu với Chúa Kitô. Chắc chắn thánh Phaolô biết đề tài Kinh thánh về lễ cưới giữa Thiên Chúa và dân Ngài, và một cách tự nhiên, ngài nói sang hôn lễ giữa Đức Kitô và Hội thánh để nhấn mạnh rằng: chính nơi Đức Kitô mà tình yêu Thiên Chúa đối với dân Ngài đã đến mức viên mãn.

Theo đó, giáo huấn của thánh Phaolô về đạo vợ chồng có 2 điểm:

a) Vợ phải phục tùng chồng như Hội thánh tùng phục Đức Kitô.

b) Chồng phải yêu thương vợ như Đức Kitô thương yêu Hội thánh và như người ta yêu thương thân xác mình.

Kiểu nói của thánh Tông đồ Dân ngoại có thể gây ngỡ ngàng cho người nghe, nhưng sẽ không gây khó chịu và có thể chấp nhận được khi quy chiếu về Tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội thánh.

+ Bài Tin mừng: Ga 6,60-69

Sau bài giảng về Bánh hằng sống với lời khẳng định quyết liệt của Đức Giêsu: “Thịt Ta thật là của ăn và Máu Ta thật là của uống” (Ga 6,55), sự cứng lòng tin của người Do thái lây sang cả nhóm các môn đệ. Họ cảm thấy chướng tai vì những lời quá táo bạo, đảo lộn hết cả mọi quan niệm của họ từ trước đến giờ.

Bị đặt trước giờ phút phải lựa chọn: tin hay không tin, theo hay rời bỏ? Nhiều người Do thái không tin và cùng với một số môn đệ cũng rời bỏ Ngài. Nhưng Đức Giêsu không rút lại điều gì trong lời khẳng định của Ngài.

Nhưng một câu hỏi được đặt ra một cách đột ngột cho các Tông đồ: “Cả các con nữa, các con cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6,67) Thánh Phêrô đã đại diện cho nhóm Mười Hai tuyên xưng đức tin một cách tuyệt vời: “Lạy Thấy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68).

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Bỏ Ngài con biết theo ai?

Cả bốn bài Tin mừng của bốn Chúa nhật trước và bài Tin mừng hôm nay là phần cuối bài giảng của Đức Giêsu về Bánh hằng sống. Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết thái độ và phản ứng của các thính giả, cách riêng của các môn đệ và đặc biệt của các Tông đồ.

I. CÂU CHUYỆN LỰA CHỌN

1. Dân Do thái chọn Thiên Chúa

Bài đọc 1 hôm nay thuật lại cho chúng ta biết: vào khoảng năm 1200 trước kỷ nguyên, dân Do thái đã vượt qua sông Giođan để vào đất hứa dưới sự hướng dẫn của ông Giosuê. Sau khi chia đất đai cho các chi tộc, ông cảm thấy phải đau lòng trước sự ngỗ nghịch phản bội của dân Do thái, ông đã triệu tập toàn thể dân chúng lại, truyền cho các kỳ lão, thủ lãnh các gia tộc, các quan án, các sĩ quan đến trước tôn nhan Chúa, rồi ông nói với họ: “Hôm nay, các ngươi hãy tùy ý chọn lựa phải tôn thờ ai, Thiên Chúa hay các tà thần?” Toàn dân đã biết hối cải, chừa bỏ tội lỗi và đồng thanh quyết định chọn Thiên Chúa để tôn thờ Ngài, khi thưa với ông Giosuê: “Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Thiên Chúa mà tôn thờ những thần ngoại lai, vì Chúa là Thiên Chúa chúng tôi”.

Dân Do thái hồi tưởng lại biết bao ơn lành Chúa đã ban cho họ, đã cứu họ thoát ách nô lệ Ai cập. Ngài đã làm biết bao việc kỳ diệu, những phép lạ do cánh tay hùng mạnh của Ngài; Ngài đã thi thố biết bao ơn phúc khi dẫn đưa dân tộc họ vào Đất hứa, đất chảy sữa và mật mà Chúa đã hứa với cha ông họ. Mặc dầu họ phản bội, Chúa vẫn luôn rộng lòng tha thứ, yêu thương chờ đợi họ trở lại để tôn thờ Ngài. Chúa đã chấp nhận lòng sám hối của họ khi họ đồng tâm từ bỏ tà thần, trở lại chọn Chúa để tôn thờ Ngài. Dân Do thái đã quyết định và lựa chọn đúng…

Nhưng thực sự, dân Do thái có trung thành với lời giao ước mà họ đã ký kết khi quyết định chọn Chúa để tôn thờ Ngài hay không? Lịch sử dân Do thái đã trả lời cho câu hỏi này.

2. Lựa chọn và tin theo Đức Giêsu

a) Thái độ của dân Do thái

Trong suốt bài giảng Đức Giêsu nói về Bánh hằng sống, chúng ta thấy các thính giả có những phản ứng như sau:

- Khi Đức Giêsu nói với họ phải tin vào Ngài thì dân chúng thưa với Ngài: “Vậy thì ông làm dấu gì cho chúng tôi thấy mà tin ông? Ông làm gì nào?” (Ga 6,30).

- Khi Ngài hứa ban bánh sự sống thì dân chúng thưa Ngài: “Thưa Ngài, hãy luôn luôn cho chúng tôi bánh ấy” (Ga 6,34).

- Khi Ngài tự xưng là Bánh bởi trời thì họ kêu ca: “Ông ấy lại không phải là Giêsu con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết! Làm sao bây giờ ông ấy dám nói: Ta từ trời xuống?” (Ga 6,40-42)

- Khi Ngài phán: “Bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Mình Ta”. Lúc này người Do thái mới la lối rùm beng lên: “Làm sao ông ấy có thể cho chúng ta ăn thịt mình được” (Ga 6,52).

Đọc tất cả những cảm nghĩ đó ta thấy rằng trong giới thính giả, một số người lưỡng lự, một số dứt khoát bỏ Chúa, không nghe Ngài nữa.

b) Thái độ của các môn đệ

Trước lời tuyên bố của Đức Giêsu: “Thịt Ta là của ăn, máu Ta là của uống” thì không những đám dân chúng mà nhiều trong số các môn đệ đã phản ứng như những người Do thái khác: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi” (Ga 6,60). Khi nghe Đức Giêsu nói vậy, nhiều môn đệ, tuy được sống gần Ngài một thời gian, cũng rút lui, từ giã Ngài: “Từ bấy giờ, có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Ngài nữa” (Ga 6,66). Họ đã theo Ngài một thời gian, đã tin, đã trở thành môn đệ, nhưng họ không thể đi tới cùng.

c) Thái độ của Nhóm Mười Hai

Đứng trước sự tan rã bi đát này, Đức Giêsu quay về Nhóm Mười Hai, những người được coi là thân tín nhất của Ngài. Vậy phản ứng của họ thế nào trước câu hỏi của Đức Giêsu: “Cả chúng con, chúng con có muốn bỏ đi không?” Thánh Phêrô đã thay mặt cho cả Nhóm nói lên thái độ của họ: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa” (Ga 6,70).

Như vậy, thánh Phêrô đã đại diện cho anh em nói lên một lời tuyên xưng rất trọn vẹn và đầy đủ, Ngài có những lời ban sự sống đời đời. Do đó, những lời tuyên bố, quả quyết và khẳng định trong bài giảng về Bánh hằng sống này thực sự là theo nghĩa đen thông thường nói về phép Thánh Thể.

II. LỰA CHỌN VÀ TIN THEO

1. Nói về sự lựa chọn

Ngày nay người ta nói nhiều đến dân thân. Dấn thân, nhập cuộc là thân phận của con người. Sống là lựa chọn. Mà chọn lựa là liều lĩnh, vì không bao giờ ta nắm chắc được một cách rành rọt như 2 với 2 là 4 tất cả những lý do lựa chọn và những điều tương lai dành cho sự lựa chọn của ta. Nhưng không vì thế mà ta không dám liều mình. Khi đã dùng trí khôn suy nghĩ, cân nhắc theo như ta có thể, rồi ta cứ tiến bước.

Cuộc đời là một chuỗi những sự lựa chọn. Có lẽ chỉ trừ việc sinh ra và cái chết là người ta không lựa chọn được, còn tất cả mọi việc khác thì người ta phải lựa chọn. Và chính sự lựa chọn này sẽ định hướng và đánh giá cuộc đời của mình. Nghĩa là nếu chọn đúng, chọn khéo thì đời mình sẽ tốt, sẽ hạnh phúc; còn nếu chọn ẩu, chọn sai thì cuộc đời sẽ xấu, sẽ bất hạnh.

Nói đến lựa chọn là giả thiết phải có sự tự do trong đó. Nếu ai bị ép buộc phải làm một việc gì ngoài ý muốn thì không còn là tự do lựa chọn nữa, mà là sự bó buộc. Chính sự tự do trong lựa chọn làm cho chúng ta phải suy nghĩ, phải day dứt vì phải có trách nhiệm trong việc lựa chọn, phải nhận lấy hậu quả của việc lựa chọn ấy.

Truyện: Thần Hercule

Theo truyện thần thoại của Hy lạp, Hercule là một vị thần, một lần đứng giữa ngã ba đường và tự hỏi xem đi về đâu. Hai người chỉ đường đến với ông. Một người nói:

- Hãy theo tôi, đây là con đường thoải mái, hạnh phúc và lối đi dễ dàng.

Người thứ hai nói:

- Đây là con đường cố gắng, nỗ lực, khó khăn. Tuy là đường khó khăn, nhưng đưa tới hạnh phúc.

Hercule đã chọn con đường khó khăn và quả thực ông khôn ngoan, ông đã thành công.

Bất cứ cách nào, lựa chọn là phải liều, phải chấp nhận một tương lai bấp bênh, phải chấp nhận hậu quả của việc lựa chọn ấy, mặc dầu phải hy sinh rất nhiều. Trong chọn lựa việc kết hôn, chúng ta sẽ thấy rõ đặc tính của sự lựa chọn ấy:

Nhà anh chẳng chiếu chẳng giường,
Chỉ ấm ổ ra, nàng thương chăng là?
Yêu nhau chẳng quản cửa nhà,
Chuồng chim cũng lấy, chuồng gà cũng theo.

2. Chúng ta chọn Đức Giêsu   

Đức Gioan Phaolô II thường khuyên những người đến với Ngài rằng: Chúng con phải lựa chọn. Chọn là một quyết định lớn và quan trọng của đời người. Chúng ta đã chọn. Và chúng ta còn phải tiếp tục chọn, vì đời là một tiến trình, đời là một cuộc đổi mới không ngừng nghỉ. Khẩu hiệu của Đức Gioan 23 là: Giờ đây tôi mới khởi sự. Mỗi ngày chúng ta phải khởi đầu với sự lựa chọn.

Mà sự lựa chọn căn bản và quan trọng nhất của cuộc sống là chọn Đấng chúng ta tôn thờ. Chúng ta phải chọn Chúa là thần tượng, vì Ngài là một vị thần siêu việt, tuyệt đối đáng tôn thờ. Ta không được bắt chước dân Do thái xưa thờ con bò vàng thay vì Ngài. Chính Đức Giêsu cũng khuyên: “Không ai có thể làm tôi hai chủ... Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6,24).

Nhưng Thiên Chúa là Đấng vô hình, ta không thể tiếp cận với Ngài, ta cần phải có một thần tượng nào gần chúng ta hơn, vị thần ấy đã nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” và Đấng ấy đã nói: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).

Có một người suốt 2000 năm đã được bao nhiêu người hâm mộ tin theo, thậm chí còn nhận lấy cái chết để tỏ ra trung thành với vị thần ấy!

Vị thần đó là ai? Đó là Đức Giêsu Kitô.

Sự lựa chọn của chúng ta sẽ mang lại phần thưởng mà thánh Phêrô và các Tông đồ xưa đã nhận lãnh, đó là được chia sẻ tấm bánh hằng sống, Mình và Máu Đức Kitô. Được chết đi với Chúa mỗi ngày để được sống lại với Chúa trong hạnh phúc và vinh quang. Đó là niềm vui của mỗi chúng ta. Đây là một lựa chọn quan trọng có liên quan đến cuộc đời mai hậu của ta.        

3. Chúng ta tin theo Đức Giêsu

Chúng ta đã chọn Đức Giêsu làm thần tượng, làm Chúa của mình, điều đó chứng tỏ không những chúng ta phải có niềm tin và còn hơn nữa chúng ta phải có đức tin. Mà giả như chúng ta chưa có đức tin cho đủ, thì hãy theo lời khuyên của triết gia Blaise Pascal: “Nếu bạn muốn có đức tin, hãy quỳ xuống và cầu nguyện”.

Sống theo đức tin là đi trong đêm tối, vì đức tin là “khước từ cách hiểu biết thông thường, nhờ giác quan và lý trí, lý luận” để “tin vào một người khác”, đó là tin mà không thấy, như thánh Gioan sẽ nói rất nhiều lần.

Đối với Đức Giêsu, như chúng ta đã thấy, luôn gây đụng chạm! Đức tin không hẳn nhiên là thế. Đức tin luôn luôn cho ta thấy chướng. “Đức tin” không phải là một bài học được lặp đi lặp lại “nhưng” là một “dấn thân” trong cuộc sống, là một thôi thúc phải chấp nhận từ bỏ ánh sáng riêng của mình, được coi là có tính khoa học, để đón nhận mạc khải của một người khác mà không thể kiểm chứng được bằng những phương thế nhân loại. Chính Thánh Thể là cớ vấp phạm cho các môn đệ khiến họ từ bỏ Chúa, và ngày nay cũng có những người không chấp nhận được mầu nhiệm này.

Đức tin cũng đòi hỏi phải có thử thách. Qua câu chuyện được kể trong bài Tin mừng hôm nay, tức câu chuyện Đức Giêsu nói với các môn đệ Ngài về bí tích Thánh Thể. Trong cuộc sống cũng sẽ có những giây phút chúng ta cũng bị thách đố như các môn đệ, và có thể chúng ta cũng bị cám dỗ từ bỏ Chúa, không theo Ngài nữa.

Những lúc đó, chúng ta đừng để mình vấp phạm những lỗi lầm giống như các môn đệ xưa đã vấp phải, nghĩa là đừng chỉ lo chú tâm đến những vấn đề xảy đến cho chúng ta, mà hãy đưa mắt nhìn vào Đức Giêsu, chúng ta hãy xác nhận lại niềm tin vào Ngài như thánh Phêrô đã làm: “Lạy Thầy, Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin Thầy là Đấng thánh của Thiên Chúa”.

III. TRUNG THÀNH VỚI SỰ LỰA CHỌN

Trong ngày chịu phép Rửa tội, linh mục hỏi chúng ta có từ bỏ ma quỷ và những việc làm của chúng không? Cha mẹ chúng ta hay chính chúng ta đã quả quyết thưa từ bỏ. Ta lại còn tuyên xưng và tin theo Chúa Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần. Chúng ta đã chọn Thiên Chúa là gia nghiệp của mình. Rồi trong mỗi dịp lễ Phục sinh, từng người chúng ta lại có dịp bày tỏ sự lựa chọn của mình một lần nữa, khi tuyên xưng đức tin và lại tuyên bố từ bỏ ma quỷ và các việc của chúng.

Chúng ta đã chọn Chúa và chỉ chọn một mình Chúa chứ không thể chọn cả hai, không được thờ hai chủ. Lựa chọn một lần chưa đủ, còn phải lặp đi lặp lại nhiều lần, nó phải được thể hiện qua những lựa chọn nho nhỏ trong mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta chỉ có một sự lựa chọn duy nhất: chọn Chúa. Chọn lựa đúng thì được sống và chọn lựa sai thì chết.

Cũng như ở đô thị Jaffa xứ Palestina, có một khu đất gọi là khu đất quyết định. Các sông ngòi chảy vào khu đất ấy lưỡng lự một lúc rồi mới chảy sang một trong hai hướng. Những sông ngòi theo một hướng thì chảy vào khu vườn Sharon xinh đẹp. Còn những sông ngòi theo hướng kia thì chảy vào Biển Chết, biển này không có một sinh vật nào sống nổi. Cuộc đời chúng ta cũng thế. Chúng ta phải chọn một hướng, không ai có thể làm tôi hai chủ:

Một nhà hai chủ không hoà,
Hai vua một nước ắt là không yên.

Chọn lựa tự do, nhưng chọn lựa lại là giới hạn. Khi đã có một chọn lựa là chúng ta phải biết tự giới hạn mình. Chính Đức Giêsu khi chọn con đường cứu độ nhân loại, Ngài cũng đã phải chấp nhận thân phận giới hạn con người, và cả cái chết nhục nhã trên thập giá như lời thánh Phaolô trong bài đọc 2: “Đức Kitô yêu thương Hội thánh, và phó mình vì Hội thánh, để thánh hóa Hội thánh,... ngõ hầu bày tỏ cho mình một Hội thánh vinh quang, không vết nhơ, không nhăn nheo..., nhưng thánh thiện và tinh tuyền”.

Phải chăng chọn Chúa và theo Chúa là một nghịch lý, vì Chúa chỉ hứa cho những sự mất mát? Người ta thuật lại câu chuyện của một ông tướng kỳ lạ, đó là đại tướng Garibaldi. Một ngày kia, ông nhóm họp quân đội ăn mặc rách rưới mà hiểu dụ rằng: “Ta cho các ngươi sự đói khát, lạnh lẽo, thương tích và chết trận. Ai vui lòng nhận các điều ấy thì hãy theo ta”. Kết quả: chẳng ai chịu rời bỏ hàng ngũ của mình.

Chúng ta nghĩ thế nào về câu nói của vị đại tướng ấy? Có kỳ lạ không? Có vô lý không? Có điên khùng không? Và chúng ta nghĩ thế nào về câu nói của Đức Giêsu: “Ai gìn giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai vì Ta mà mất mạng sống mình thì lại tìm lại được” (Mt 10,39)

Và để kết thúc, chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Nếu ta chọn Chúa thì sẽ ra sao? Và nếu ta bỏ Chúa thì sẽ ra sao? Nhạc sĩ P. Kim đã suy diễn câu hỏi bất hủ của thánh Phêrô thành một bài thánh ca rất ý nghĩa như sau “Bỏ Ngài con biết theo ai?”

- Bỏ Ngài thì đời con sẽ như một cách chim bơ vơ trong khung trời lộng gió.

- Bỏ Ngài con sẽ theo ai, đời lộng gió cánh chim ngàn khơi.

- Bỏ Ngài thì đời con sẽ như một con thuyền lao đao trên biển cả mênh mông.

- Bỏ Ngài con biết theo ai, như thuyền buông lái biết trôi về đâu?

- Bỏ Ngài con biết theo ai, trên đời kia tương lai khuất mờ.

- Và bỏ Ngài thì đời con sẽ như một cuộc hành trình cô đơn, buồn bã. Bước đi không Ngài, đời con buồn tênh.

Còn nếu chọn Ngài, thì cuộc đời của chúng ta tuy cũng vẫn là một cuộc hành trình, cũng vẫn như cánh chim bay trong khung trời lộng gió, cũng như một con thuyền giữa biển cả mênh mông, nhưng trong cuộc hành trình ấy, đã có Chúa đồng hành, cánh chim đã biết hướng mà bay, con thuyền đã có người lèo lái và như thế sẽ bảo đảm đi tới bến đò bình an (Lm. Carolô, Sợi chỉ đỏ, năm B, tr 606-607).

Chọn Chúa, đi theo Chúa, trước mắt là một sự hy sinh, một sự mất mát và bị người đời coi như một sự điên rồ, nhưng như thánh Phaolô nói thì đó là sự khôn ngoan trước mặt Chúa. Có lẽ người ta nói đúng: “Khôn thế gian làm quan địa ngục, dại thế gian làm quan thiên đàng!”

Truyện: Vua Charles V và hoàng tử

Vua Charles một lần kêu hoàng tử đến và cho hoàng tử được chọn. Trên bàn vua đặt một thanh kiếm và một vương miện (triều thiên), Vua nói:

- Con chọn cái nào?

Ngần ngừ một lúc hoàng tử cầm lấy thanh kiếm.

Vua cha hỏi:

- Sao con lại chọn thanh kiếm?

Hoàng tử cầm thanh kiếm chỉ vào vương miện đáp:

- Nhờ thanh kiếm này, con sẽ được vương miện kia.

Chúng ta đã quen với khẩu hiệu “Per crucem ad lucem”: qua thập giá để tới vinh quang. Bước theo Chúa là phải đi vào con đường khổ giá, phải qua cửa hẹp, nhưng chính con đường hẹp hòi khắc khổ lại đem đến vinh quang. Theo gương hoàng tử, chúng ta cũng phải nhờ thanh kiếm đau khổ để có thể chiếm được triều thiên vinh phúc muôn đời, thánh giá phải đi trước triều thiên.

Xả thân nếu muốn theo Thầy,
Vác cây khổ giá hằng ngày mà theo (Mt 16,24).

 

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

ĐẤNG THÁNH CỦA THIÊN CHÚA

Đức Giêsu đã giảng một bài dài sau phép lạ bánh hóa nhiều.

Ngài tuyên bố: “Chính tôi là bánh đem lại sự sống” (Ga 6,35).

“Chính tôi là bánh từ trời xuống” (Ga 6,41).

“Chính tôi là bánh hằng sống từ trời xuống” (Ga 6,51).

Và Ngài hứa: ai tin vào Ngài, ai ăn bánh này sẽ khỏi phải chết,

nhưng được sống muôn đời (Ga 6,47.51b.58).

Người Do-thái không dễ chấp nhận khi nghe những lời ấy.

Họ không tin Đức Giêsu là Đấng từ xuống từ trời

vì họ biết rõ gốc gác từ đất của Đức Giêsu (Ga 6,42).

Họ cũng không tin có thứ bánh đem lại sự sống vĩnh cửu.

Người Do-thái lại càng bị sốc khi nghe Đức Giêsu khẳng định:

“Bánh tôi sẽ ban là thịt tôi đây, để thế gian được sống” (Ga 6,51).

Họ bị sốc vì người đang đứng trước mặt họ tuyên bố:

“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì có sự sống đời đời” (Ga 6,54).

Bởi thế họ tranh cãi với nhau về chuyện vô lý đó:

“Làm sao ông này có thể cho ta ăn thịt ông được?” (Ga 6,52).

Ăn thịt và uống máu ông để được sống đời đời ư? (Ga 6,54).

Nhưng nếu như thế thì ông chết mất còn gì!

Quả thật Đức Giêsu đã chấp nhận chết để nhân loại được sống.

Ngài ban sự sống đời đời bằng chính cái chết của mình.

Con Thiên Chúa là Ngôi Lời đã thành người như ta (Ga 1,14),

có thân xác như ta, có máu và thịt như ta.

Trên thập giá, Ngài đã hiến trao máu và thịt của mình.

Và Ngài muốn nuôi sống chúng ta bằng thịt, máu đó.

Hy tế thập giá được diễn lại trong Bí tích Thánh Thể mỗi ngày.

Trong mỗi Thánh Lễ, Đức Giêsu nói với chúng ta:

“Anh em hãy ăn, hãy uống,

vì đây là Mình của Thầy, là Thịt của Thầy, bị nộp vì anh em;

đây là Máu của Thầy, Máu đổ ra vì anh em”.

Người Do-thái đã khó chịu vì những lời Đức Giêsu nói.

Một số môn đệ đi theo Ngài cũng thấy chướng tai (Ga 6,60).

Họ cũng xầm xì với nhau và tỏ ra không tin (Ga 6,64).

Họ không tin Ngài là Đấng từ trời xuống,

cũng chẳng tin chuyện “ăn thịt và uống máu” Đức Giêsu,

để khỏi phải chết và được sống mãi.

Thế là họ lập tức rút lui, không đi với Ngài nữa.

Đức Giêsu buồn nhưng chấp nhận sự rút lui này.

Ngài tôn trọng chọn lựa và quyết định của họ.

Để theo Đức Giêsu, cần được Chúa Cha ban ơn (Ga 6,65),

nhưng cũng cần con người tự do đáp lại.

Con người đáp lại bằng việc mở ra trước lời của Đức Giêsu,

Lời là thần khí và là sự sống (Ga 6,63b).

Nhóm Mười Hai không thuộc nhóm môn đệ trên đây.

Khi Đức Giêsu hỏi về quyết định của họ: ra đi hay ở lại,

Simôn Phêrô đã đại diện anh em để nói lên ý cả nhóm:

Chúng con không thể bỏ Thầy, vì chỉ nơi Thầy

chúng con mới có những lời ban sự sống đời đời (Ga 6,68).

Sự sống đời đời, sự sống lại trong ngày sau hết,

là những điều quý báu mà không ai khác có thể cho được.

Chúng con tin Thầy có thể cho chúng con

vì Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa (Ga 6,69).

Thời nào cũng vậy, các môn đệ vẫn bị cám dỗ rút lui,

không đi với Giêsu nữa, không ở trong Giáo hội nữa.

Những lời của Chúa Giêsu vẫn là những lời khó nghe.

Có những câu Lời Chúa như viên đá làm ta bị vấp.

Có những giáo huấn của Giáo Hội thấy khó chấp nhận:

không được ly dị, phá thai, an tử, phong chức cho phụ nữ…

Hơn nữa có những gương xấu trong giới lãnh đạo Giáo Hội

làm chúng ta hoang mang và thất vọng.

Ở lại với Giêsu khi ta nghi ngờ tình yêu quyền năng của Ngài

khi dịch bệnh và sự dữ tung hoành trên thế giới;

ở lại với Hội Thánh ngay khi Hội Thánh ít thánh nhất.

Ở lại như thế cần có đức tin mạnh mẽ.

Xin cho chúng ta dám nói với Chúa: “Chúng con xin ở lại!”

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa, con cám ơn Chúa

về tất cả những điều Chúa đòi hỏi nơi con trong suốt cuộc đời.

Chúc tụng Chúa về thời đại con đang sống.

Chúc tụng Chúa về những giờ phút sướng vui

và những ngày tủi thân buồn bã.

Chúc tụng Chúa về cả những gì

Chúa đã không cho con được hưởng.

Lạy Chúa, xin đừng sa thải

người tôi tớ bất xứng và lười biếng của Chúa đây.

Ôi lạy Chúa khôn ngoan, nhân hậu và yêu thương,

xin đừng đuổi con xa Chúa.

Xin giữ con để con luôn phụng sự Chúa trong suốt đời con.

Xin giữ con để con phục vụ bất cứ điều gì Chúa muốn.

Dù khi mỏi mệt, dù khi chán chường,

con xin Chúa vẫn luôn kiên nhẫn,

để không bao giờ mỏi mệt về con,

và giữ con luôn luôn phụng sự Chúa.

Xin Chúa đến giúp con,

ban cho con ơn bắt đầu và lại bắt đầu,

cho con biết cậy trông

cả những khi cùng đường tuyệt vọng,

cho con tin chắc rằng Chúa sẽ thắng,

một chiến thắng huy hoàng nơi con.

Karl Rahner

 

5. Suy niệm (song ngữ)

21st Sunday in Ordinary Time
Reading I: Joshua 24:1-2,15-17,18
Reading II: Ephesians 5:21-32

Chúa Nhật 21 Thường Niên
Bài Đọc I: Giôsuê 24,1-2.15-17.18
Bài Đọc II: Êphêsô 5,21-32

------o0o------

 

Gospel
John 6:60-69

60 Many of his disciples, when they heard it, said, "This is a hard saying; who can listen to it?"

61 But Jesus, knowing in himself that his disciples murmured at it, said to them, "Do you take offense at this?

62 Then what if you were to see the Son of man ascending where he was before?

63 It is the spirit that gives life, the flesh is of no avail; the words that I have spoken to you are spirit and life.

64 But there are some of you that do not believe." For Jesus knew from the first who those were that did not believe, and who it was that would betray him.

65 And he said, "This is why I told you that no one can come to me unless it is granted him by the Father."

66 After this many of his disciples drew back and no longer went about with him.

67 Jesus said to the twelve, "Do you also wish to go away?"

68 Simon Peter answered him, "Lord, to whom shall we go? You have the words of eternal life;

69 and we have believed, and have come to know, that you are the Holy One of God.

Phúc Âm
Gioan 6,60-69

60 Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: "Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?"

61 Nhưng Chúa Giêsu tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: "Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư?

62 Thế thì anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?

63 Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.

64 Nhưng trong anh em có những kẻ không tin". Quả thật, ngay từ đầu, Chúa Giêsu đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người.

65 Người nói tiếp: "Vì thế, Thầy bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho".

66 Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Người nữa.

67 Vậy Chúa Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?"

68 Ông Simon Phêrô liền đáp: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.

69 Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa".

Interesting Details

  • Jn 6:60-69 is the closing section of the discourse on the bread of life.
  • The synagogue of Capernaum has been the scene of Jesus' teaching. Jesus' words are greeted with unbelief. Many of His listeners find it difficult to accept Jesus as the sacramental bread of life (v.60).
  • "Flesh" in (v.63) "flesh is useless" or in (Mt.16:17) "flesh and blood has not revealed this ... but my Father in Heaven," refers to human nature, contrasting with the "spirit" of God, and has a different meaning from the one intended in (v.55) "my flesh is real food."
  • For the first time, the darkest possibility of all enters the story. Not only will some in Jerusalem persecute and kill Him but Jesus will be the subject of betrayal from within His discipleship community (v.64).
  • At the beginning of the chapter, Jesus saw a vast crowd "coming toward Him" (v.5) for whom He would feed with bread. At the chapter's end, many will "walk away" (v.66).
  • Peter is strong in his faith and conviction:
    • Jesus has referred to His words as spirit and life (v.63), Peter builds on this and calls them "words of eternal life" (v.68).
    • Jesus spoke of Himself as the "One who is from God" (v.46), Peter calls Him: "the Holy One of God" (v.69).
    • Jesus taught that no one could come to Him unless the Father draw him (v.44), Peter affirms that truth by his question: "Lord, to whom shall we go?" (v.68).
  • Peter says for the group that they have already a deep-rooted confidence in Jesus, they do not want to leave Him. They had begun to perceive Jesus as Messiah (Mt 16:13-20, Mk 8:27-30), the Holy One of God (Mk 1:24, Lk 1:35, 4:34, Acts 2:27).
  • Judas would betray Jesus (v.64,71) for obviously faith was not "granted him by the Father" (v.65). Similarly, many other disciples left His company just as Judas would leave the supper room (13:30). They would not be present for the moment when Jesus would give His "flesh" for the "life" of the world, and "ascend" to the Father

Chi Tiết Hay

  • Gioan 6:60-69 là đoạn kết thúc của diễn từ về bánh trường sinh.
  • Chúa Giêsu giảng bài này trong hội đường Ca-phác-na-um. Lời của Ngài không được dân chúng tin theo. Họ thấy chướng tai khi nghe Chúa Giêsu nói Ngài là bánh trường sinh (v.60).
  • Chữ "thịt" dùng trong (c.63):"xác thịt chẳng có ích gì" có ý chỉ về phàm nhân. Ngược lại, chữ "thịt" trong (c.55): "thịt tôi thật là của ăn", là chính thân thể Chúa Giêsu.
  • Ở đây thánh Gioan cho thấy những dấu hiệu đầu tiên về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Không phải chỉ có một số người ở Giêrusalem sẽ hành hạ và giết Ngài, nhưng chính từ trong nhóm các môn đệ, nhiều người đã phản bội Ngài (c.64).
  • Ở đoạn mở đầu chương, Chúa Giêsu thấy đông đảo đân chúng đi theo Ngài. Ở cuối chương, Ngài thấy họ bỏ đi (c.66).
  • Phêrô tỏ ra mạnh dạn và cương quyết trong đức tin:
    • Chúa Giêsu nói lời của Ngài là thần khí và sự sống (c.63) thì Phêrô dựa vào đó để nói rằng: "Thầy mới có những lời sống đời đời" (c.68).
    • Chúa Giêsu nói Ngài là "Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến" (c.46) thì Phêrô tuyên xưng Ngài là "Đấng Thánh của Thiên Chúa" (c.69).
    • Chúa Giêsu dạy rằng "chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha không lôi kéo người ấy" (c.44) thì Phêrô xác tín bằng câu hỏi:"Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với aỉ" (c. 68).
  • Phêrô nói thay cho nhóm rằng họ tin tưởng sâu xa nơi Chúa Giêsu và không muốn bỏ Ngài. Họ bắt đầu nhận ra Ngài là Đấng Kitô(Mt 16:13-20, Mc.8:27-30), Đấng Thánh của Thiên Chúa (Mc 1:24, Lc.1:35, 4:34, Cv 2:27).
  • Giuđa sẽ phản bội Chúa Giêsu (c.64,71), ông không có đức tin vì "Chúa Cha không ban ơn ấy cho" (c.65). Cũng thế, nhiều môn đệ khác đã bỏ Chúa Giêsu giống như Giuđa đã bỏ phòng tiệc ly mà ra đi (c.13:30).

One Main Point

The promise of the Eucharist led many people (the crowd, the Judean, His disciples) to give up following Jesus (v.66), but the Twelve believed in Jesus.

Một Điểm Chính

Lời hứa ban phép Thánh Thể là mình và máu Ngài đã làm cho nhiều người (đám đông dân chúng, người Do Thái, và các môn đệ của Ngài) bỏ Chúa Giêsu mà đi. Nhưng Nhóm Mười Hai đã tin nơi Chúa Giêsu.

Reflections

  1. You are present among the crowds. What is your reaction to Jesus' teachings? How do you think Jesus felt after many of His disciples stopped following Him?
  2. Have you ever found something, or some teachings, hard to accept and how does this passage address that situation?
  3. What was your motive in coming to Jesus? What is your motive now for remaining in Him?

Suy Niệm

  1. Bạn đang ở trong đám đông đi theo Chúa Giêsu. Bạn có phản ứng gì khi nghe lời Ngài dạy như thế? Theo bạn nghĩ Chúa Giêsu cảm thấy thế nào khi các môn đệ của Ngài bỏ đi?
  2. Có bao giờ bạn thấy điều gì, hoặc lời giáo huấn nào khó chấp nhận? Đoạn Tin Mừng này giúp giải đáp như thế nào?
  3. Đông lực nào đưa bạn đến với Chúa Giêsu? Động lực nào làm cho bạn muốn ở lại trong Ngài?

Top