Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C - Tôi phải làm gì? (Lc 3,10-18)

Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C - Tôi phải làm gì? (Lc 3,10-18)

Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C - Tôi phải làm gì? (Lc 3,10-18)

“Ai có hai áo, hãy cho người không có;
ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy.” (Lc 3, 11)

BÀI ĐỌC I: Xp 3, 14-18a

“Chúa sẽ hân hoan vì người”.

Trích sách Tiên tri Xôphônia.

Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa.

Trong ngày đó, ở Giêrusalem thiên hạ sẽ nói rằng: Hỡi Sion, đừng sợ, tay ngươi sẽ hết rã rời! Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Đấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi. Người hân hoan vui mừng vì ngươi. Người cảm động yêu thương ngươi, và vì ngươi, Người sung sướng reo mừng. Những kẻ hư hỏng bỏ lề luật, Ta sẽ quy tụ họ lại, vì họ cũng là con cái ngươi.

Đó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Is 12, 2-3. 4bcd. 5-6

Ðáp: Hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi có Ðấng Thánh của Israel thật cao cả (c. 6).

Xướng: Ðây Thiên Chúa, Ðấng Cứu Chuộc tôi. Tôi sẽ tin tưởng mà hành động, tôi không run sợ: vì Thiên Chúa là sức mạnh của tôi và là Ðấng tôi ca ngợi. Người trở nên phần rỗi của tôi.

Xướng: Các ngươi sẽ hân hoan múc nước nơi suối Ðấng cứu độ: Hãy tung hô Chúa, hãy kêu cầu thánh danh Người, hãy công bố cho các dân tộc biết các kỳ công của Người, hãy nhớ rằng danh Người rất cao trọng.

Xướng: Hãy hát mừng Chúa, vì Người đã làm những việc cả thể, hãy công bố việc này trên khắp địa cầu. Hỡi dân Sion, hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi, có Ðấng Thánh của Israel thật cao cả.

 

BÀI ĐỌC II: Pl 4, 4-7

“Chúa gần đến”.

Trích thơ Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên! Đức ôn hoà của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ. Và bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giêsu Kitô.

Đó là lời Chúa.

 

Tin mừng: Lc 3, 10-18

10 Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?”

11 Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. 12 Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?”

13 Gioan đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. 14 Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?”

Ông đáp: “Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”. 15 Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: “Có phải chính ông là Đức Kitô chăng?”

16 Gioan trả lời cho mọi người rằng: “Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Đấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, - tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, - chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa.

17 Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!” 18 Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Dân chúng tuôn đến với Gioan và xin ông chỉ giáo cho phải làm gì để được đón nhận ơn cứu độ.

Tôi phải làm gì ? Ðó có phải là câu hỏi luôn cật vấn tôi không ? Tôi có luôn trở về với lòng mình để tự kiểm điểm trước những hành động của mình không ? Tôi có áy náy trước điều không được làm mà tôi cứ làm không ? Tôi có lo toan trước việc phải làm mà tôi chưa làm không ?

Phải luôn tự hỏi mình: Tôi phải làm gì để được đón nhận Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, như Gioan hướng dẫn từng giới để biết chu toàn nhiệm vụ của mình và sống tương quan tốt với tha nhân. Ngày nay Lời Chúa cũng luôn hối thúc trong lương tâm chúng con, trong Kinh Thánh mà chúng con suy niệm hằng ngày. Xin cho chúng con biết lắng nghe và đón nhận Lời Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì ?”

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống..

Khi “dọn đường” tâm hồn cho các thính giả nghe Gioan giảng, ông đã nói “Hãy sám hối”. Người ta hỏi lại “Vậy chúng tôi phải làm gì?”. Và Gioan đã chỉ cho họ những việc cụ thể phù hợp với tình trạng cuộc sống của họ:

- Người có thì hãy chia sớt cho kẻ không có.

- Người đang sống bằng những thu nhập bất công thì hãy cố gắng sống công bình.

- Kẻ đang áp bức người khác thì chấm dứt những việc làm hà hiếp của mình.

Gioan còn khiêm tốn phủ nhận những dư luận coi ông là chính Đấng Messia, và giới thiệu Đấng Messia thật cho họ biết.

B. ... nẩy mầm.

1.”Chúng tôi phải làm gì?”, đó là câu hỏi của các thính giả của Gioan ngày xưa. Câu hỏi của mỗi người chúng ta ngày nay cũng phải là “Tôi phải làm gì đây?”. Sống Mùa Vọng không phải chỉ là thụ động chờ đợi, mà phải tích cực làm một điều gì đó cụ thể. Điều cụ thể đó cũng phải có liên hệ tới cách sống hiện tại: nó thiếu sót chỗ nào thì phải sửa đổi chỗ đó.

2. Những thiếu sót của các thính giả Gioan cũng là những thiếu sót của tôi: ích kỷ không chia xẻ, lỗi đức công bình, hà hiếp người khác…

3. Gương khiêm tốn của Gioan: nhìn nhận đúng như mình là. Người ta tưởng mình là gì đi nữa, cho dù những tưởng tượng ấy làm cho mình có một hình ảnh tốt đẹp và khiến mình hãnh diện sung sướng thì mình cũng không nhận.

4. Lần kia, khi nói chuyện với một nhóm nhỏ, Alexander White đã làm cho họ ngạc nhiên khi nói: “Ở trong thành phố Edinburgh này, tôi biết có một người xấu xa nhất. Tôi còn biết cả tên người đó.” Rồi cúi mình thật sâu, ông nói nhỏ: “Người đó tên là A. White.” Ông nói câu đó với tất cả lòng thành thực, không chút giả tạo, màu mè. Nên lời nói của ông ngày đó có tác động sâu xa. (Góp nhặt)

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?

A. DẪN NHẬP

Chúa nhật hôm nay được gọi là Chúa nhật Màu hồng, vì ca nhập lễ bắt đầu bằng lời kêu gọi “Hãy vui lên” của thánh Phaolô. Bài đọc 1 và 2 hôm nay làm sáng lên niềm vui và hy vọng. Màu hồng là màu diễn tả niềm vui thay vì màu tím, màu của tình trạng chưa được thoả mãn. Có tất cả những điều ấy vì ngày Chúa đến đã gần kề. Ngày hôm nay là cơ hội thuận tiện để chúng ta suy nghĩ về niềm vui của đời Kitô hữu, của những người có Tin mừng cứu độ của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, chúng ta chỉ có được niềm vui thực sự khi tâm hồn chúng ta đã được chuẩn bị sẵn sàng cho việc Chúa đến. Nói cách khác, trong khi chờ đợi Chúa đến, chúng ta phải làm gì một cách cụ thể? Thánh Gioan đã trả lời cho chúng ta trong bài Tin mừng hôm nay.

Một cách tổng quát, thánh Gioan bảo mọi người phải thực thi công bằng và bác ái trong khi chờ đợi Chúa đến. Nhưng cách riêng đối với từng hạng người thì Gioan đã cho những chỉ dẫn khác nhau:

- Đối với dân chúng: hãy biết chia sẻ cho người khác.

- Đối với người thu thuế: hãy thực thi đức công bằng.

- Đối với quân nhân: đừng hà hiếp dân chúng.

Họ không cần thay đổi nghề nghiệp mà chỉ cần sống cho lương thiện.

Ngoài ra, để đánh tan dư luận cho ngài là Đấng Messia thì Gioan đã khiêm tốn loan báo cho họ biết Đấng Messia sẽ đến, Ngài cao trọng hơn ông, đến nỗi ông không xứng đáng cởi quai dép cho Ngài.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+  Bài đọc 1: Xp 3,14-18

Tiên tri Xôphônia, là người đồng thời với tiên tri Giêrêmia, đi rao giảng vào cuối thế kỷ thứ 7 trước công nguyên, thời ấu vương Giosias (640-630) vào những năm trước cuộc phục hưng tôn giáo do nhà vua phát động.

Trong hoàn cảnh đó, nước Do thái đang ở trong tình trạng tồi tệ: bên trong thì đạo đức suy đồi, bên ngoài thì hoạ xâm lăng đang rình rập. Tuy thế, tiên tri Xôphônia vẫn loan báo tin vui cho dân chúng: “Án lệnh của ngươi Thiên Chúa đã rút lại, và thù địch của ngươi Ngài đã đẩy xa”, vì thế “Hãy reo lên hỡi thiếu nữ Sion. Hoan hô đi nào, hỡi Israel! Mừng vui lên, hỡi thiếu nữ Giêrusalem… Bởi đã đến ngày Thiên Chúa đến ban ơn cứu độ và ngự giữa dân Ngài”.

+  Bài đọc 2: Pl 4,4-7

Thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu Philipphê hãy vui lên trong niềm vui của Thiên Chúa, bởi vì Chúa sắp đến với ơn bình an của Ngài: “Anh em hãy vui lên trong Chúa. Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên” (Pl 4,4).

Niềm vui này sẽ đến với chúng ta nếu chúng ta biết sống hiền hoà rộng rãi với mọi người và biết sống phó thác cho Chúa trong lời cầu nguyện. Không phải lo lắng gì cả, có gì cứ trình bày với Chúa.

+  Bài Tin mừng: Lc 3,10-18

Nghe Gioan rao giảng, người ta nô nức đến sông Giođan chịu phép rửa để xin ơn tha tội. Họ tỏ lòng sám hối để đón chờ Chúa đến. Nhưng để dọn đường cho Chúa đến, dân chúng chưa biết phải làm gì và làm thế nào, nên họ hỏi ông: “Chúng tôi phải làm gì?”

Để giúp các thành phần trong dân Chúa dọn lòng đón tiếp Đấng Messia, Gioan Tẩy giả đã đề nghị một cách tổng quát: Hãy sống công bình và bác ái. Ông không bảo họ phải bỏ nghề nghiệp của mình mà hãy sống tốt cho phù hợp với hoàn cảnh của từng hạng người:

- Đối với người dân: hãy chia sớt cho ai không có.

- Đối với người thu thuế: hãy sống công bằng.

- Đối với quân nhân: đừng hà hiếp dân.

Thấy dân chúng tôn vinh mình, tưởng mình là Đấng Messia, Gioan đã khiêm tốn phủ nhận dư luận ấy, và giới thiệu Đấng Messia thật cho họ biết: “Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài”.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Tôi phải làm gì đây?

I. ẢNH HƯỞNG CỦA LỜI KÊU GỌI

1. Gioan rao giảng việc sám hối

Trong tuần lễ trước, thánh Gioan đã xuất hiện tại sa mạc Giordan rao giảng kêu gọi mọi người chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Ông đã lặp lại lời tiên tri Isaia cách đó 500 năm, vạch ra con đường để dân chúng theo: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Lời kêu gọi đó đã được nhiều người chấp nhận, trong số những người đã chịu phép rửa ở sông Giođan có cả những người thu thuế và quân nhân. Dĩ nhiên cũng có người tò mò đến xem hoặc đến nghe mà cứng lòng không hối cải như những người biệt phái và luật sĩ. Đối với những người ấy, Gioan đã răn đe, báo trước cho họ hình phạt sẽ hòng đổ xuống đầu như chiếc rìu đã đặt sẵn vào gốc cây.

2. Ý thức và nhận mình là người có tội

Muốn sửa đổi con người của mình, muốn tiến triển trên con đường nhân đức, điều cần thiết là phải biết mình. Người ta thường mắc khuyết điểm này vì: “Bàng quan giả tỉnh, đương cục giả mê”: việc người thì sáng, việc mình thì quáng. Nhiều khi con người bị tính tự ái hay tình tư dục làm mờ ám lương tri, không còn nhìn ra chân lý, không biết thực trạng con người mình, nên nhiều khi cần có người thức tỉnh.                                    Truyện: Anh là người có tội

Cách đây ít lâu, bác sĩ Karl Menninger, trưởng khoa tâm bệnh học của Mỹ đã làm nhiều người kinh ngạc với quyển sách của ông mang tựa đề “Whatever became of sins” (điều gì đang xảy đến cho tội lỗi). Ông bắt đầu quyển sách bằng một câu chuyện trào lộng khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Vào một ngày chúa nhật tháng 9 năm 1972, trên góc phố đông người qua lại thuộc khu trung tâm Chicago, xuất hiện một nhà chuyên giảng thuyết ở đường phố. Đang lúc các nhân viên văn phòng vội vã lo đi ăn trưa, nhà giảng thuyết này thình lình giương cánh tay phải lên, dùng cánh tay xương xẩu chỉ vào một nhân viên nào đó rồi la lên: “Anh là kẻ có tội!” Đoạn ông đứng im, nghỉ vài giây, rồi lại bắt đầu chỉ vào một nhân viên khác rồi la lên: “Anh là kẻ có tội!”

Bác sĩ Menninger nói: “Tác động mà nhà giảng thuyết gây ra nơi những người bộ hành đi ngang qua đó thật là kỳ lạ”. Họ lấm lét nhìn ông, rồi lại quay mặt đi chỗ khác, rồi lại lén nhìn nữa, và cuối cùng vội vàng đi tiếp (Mark Link).

Chắc chắn Gioan Tẩy giả cũng gây được tác động tương tự trên đám dân khi ngài xuất hiện ở bờ sông Giođan. Ngài cũng như nhà giảng thuyết đã chạm vào nơi vùng thâm sâu dễ thương tổn nhất của dân chúng. Ngài đòi buộc dân chúng xét lại tâm hồn mình và nhận biết lỗi lầm của mình. Ngài còn đòi hỏi họ phải từ bỏ tội lỗi để quay về cùng Thiên Chúa.

3. Chờ đợi Đấng Cứu thế

Kẻ học biết Kinh thánh và những luật sĩ chỉ lo nghiền ngẫm những lời tiên tri loan báo: Đấng Cứu thế sắp đến là: “Vua được xức dầu. Ngài đến trong dòng dõi Giuđa. Ngài chiến thắng quân thù, giết những vua chúa ngoại bang… Đấng xức dầu sẽ tụ họp dân Ngài trong đường công chính, cai trị các quốc gia, loại trừ mọi bất công và gian ác. Phúc cho ai được sống trong thời đại ấy”.

Họ nghiền ngẫm những lời ấy và suy đoán sắp đến ngày Đấng Cứu thế xuất hiện và ai ai cũng đều cầu xin Ngài đến.

Giờ đây họ được nghe loan báo Ngài đang đến. Thế là như cá gặp nước, như người chết đuối vớ được phao cứu, dân chúng đổ xô đến với Gioan và hỏi: “Chúng tôi phải làm gì để đón rước Đấng Cứu thế”.

II. CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?

Những hướng dẫn cụ thể

Sau khi được nghe lời kêu gọi sám hối của Gioan Tẩy giả, dân chúng nôn nóng muốn thực hành ngay những điều ông dạy, nhưng những lời rao giảng ấy còn khó hiểu với những người phần lớn là thôn quê, đơn sơ chất phác. Họ muốn những lời dạy cụ thể hơn. Những việc mà Gioan muốn cho họ thực hiện chung qui là “Công bằng và Bác ái”. Tùy từng hạng người mà ông cho những hướng dẫn cụ thể.

a) Đối với dân chúng

Đám dân đến nghe Gioan rao giảng đều là những người bình dân, cho nên lời rao giảng của ông là rõ ràng, chính xác và cần thực hiện ngay không được chậm trễ. Nó không có gì thuộc phạm vi trí thức hay khó hiểu cả, chính trong cái bình thường nhất hay tầm thường nhất của cuộc sống hằng ngày (ăn, mặc…) mà sự hoán cải qua thân xác, sự quay lại của tâm hồn gọi là “metanoia” cần được thực hiện. Nên Gioan đã trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có, ai có gì ăn thì cũng làm như vậy”.

b) Đối với người thu thuế và quân nhân (cảnh sát)

Trong đám đông dân chúng đến chịu phép rửa, người ta nhận thấy có cả người thu thuế và cảnh sát. Đó là những người bị người ta ghét nhất thời đó, là những người ít tư cách nhất để đón tiếp Đức Giêsu, những người sống ngoài lề xã hội và bị khinh bỉ, những người tội lỗi nhất, những hạng người “đểu cáng”.

Những người thu thuế cũng thành thực hỏi ông: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời cho họ: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho mình”. Binh lính cũng hỏi ông: “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?” Ông bảo họ: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình”. Ở đây chúng ta nhận ra rằng Tin mừng theo thánh Luca sẽ cho chúng ta thấy Đức Giêsu” dùng bữa nơi nhà người tội lỗi” (Lc 5,27-30). Làm cho những người công chính rất bất bình với Đức Giêsu, “ngụ tại nhà người tội lỗi” (Cl 19,7) làm cho những người “đàng hoàng” phải bực bội. Đức Giêsu nói rằng Ngài đến không phải vì những người công chính (Lc 5,32).

2. Không đổi nghề nhưng đổi cung cách hành xử

Thánh Phaolô không bảo họ phải lên rừng, vào hoang địa đi tu như Ngài. Không bảo người ta phải sống khắc khổ, ăn châu chấu và mật ong rừng, mặc áo nhặm da thú như ngài. Nhưng đối với đại đa số dân chúng, ngài chỉ bảo họ sống yêu thương, hãy thực thi bác ái.

Còn đối với những người thu thuế và cảnh sát của quân đội chiếm đóng, Gioan Tẩy giả không yêu cầu họ đổi nghề, nhưng chỉ cần có cung cách sống mới: tôn trọng công lý, không lạm dụng sức mạnh mình có trong tay, bằng lòng với những gì mà quyền lợi và luật pháp đã quy định. Tất cả những lời khuyên trên đây thuộc lãnh vực nghề nghiệp. Chúng nhằm đến những tội lỗi, mà người thu thuế và binh lính thời ấy thường hay vấp phạm: làm giàu bằng cách lợi dụng tư thế bất khả xâm phạm do nghề nghiệp của mình. Lợi dụng thế mạnh nhất của mình đang nắm giữ (Noel Quesson).

Lao động là việc cần thiết và có lợi cho đời sống vật chất cũng như tinh thần. Nói đến lao động là nói đến nghề nghiệp. Hiện nay bên Mỹ người ta đếm được 23.559 cách làm ăn để sinh sống. Tựu trung tất cả các nghề làm ăn sinh sống đều quy về hai loại lao động là trí óc và chân tay. Nghề nào cũng tốt, không có nghề nào xấu, chỉ có người xấu như ngạn ngữ Pháp đã nói: “Il n’y a pas un sot métier”: không có nghề nào xấu cả. Chúng ta cứ tiếp tục nghề nghiệp hiện tại của mình một cách lương thiện.

Những lời khuyên của Gioan ở trên thích nghi với địa vị của mỗi người. Ông không đòi buộc người ta tách lìa khỏi thế gian hoặc phải từ bỏ các nghề nghiệp. Ông chỉ đòi hỏi lòng nhân hậu và đức công bình, đó là những hoa trái biểu lộ lòng sám hối đích thực trong lúc chờ đợi Đấng Cứu thế. Giáo huấn của thánh Gioan vì thế có tính cách chuẩn bị cho những đòi hỏi quyết liệt hơn của Đức Giêsu (Lc 6,29.32-36; Mt 5,39-48).

3. Kết quả của việc sám hối

Nếu mọi người biết thực thi lời Gioan khuyên nhủ, chắc chắn niềm vui sẽ đến với mọi người vì tâm hồn mình đang sẵn sàng chờ đợi Chúa đến. Lời thánh Phaolô tông đồ trong bài đọc 2 hôm nay phải rộn vang trong lòng mọi người đón chờ Chúa đến: “Anh em hãy vui lên trong Chúa. Tôi nhắc lại một lần nữa: Anh em hãy vui lên” (Pl 4,4).

Tác giả Chesterton đã viết: “Niềm vui là bí mật to lớn của người Kitô hữu”. Quả đúng như thế, bởi vì Kitô hữu là người đã được Thiên Chúa mạc khải, được Ngài hướng dẫn đưa vào trong những kế hoạch huyền nhiệm của Ngài liên quan đến tương lai của nhân loại, cũng như những phương thế để thực hiện tương lai này. Ngoại trừ tội lỗi, không một thứ gì có thể làm cho người Kitô hữu phải buồn phiền: họ vui vì họ đã đặt mọi niềm hy vọng nơi Thiên Chúa; họ luôn luôn vui, bởi vì Chúa Thánh Thần là Đấng dưỡng nuôi niềm vui của họ.

Để cho niềm vui được chan hoà trong lòng, người Kitô hữu cần biết chia sẻ niềm vui; bởi vì tâm hồn càng triển nở và dồi dào sức sống, nếu nó biết trao hiến, biết tận tình phục vụ. Đây không phải là một tình huynh đệ giả tạo, mà là sự khả ái, sự an nhiên giúp chúng ta có thể thấu hiểu mọi sự, mà không thiếu sự cương quyết; có thể sống an nhiên, mà không vì thế trốn tránh các khó khăn của cuộc đời.

Thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu: “Hãy vui cùng kẻ vui, hãy khóc cùng kẻ khóc”. Sở dĩ Ngài khuyên các tín hữu như vậy là vì con người hay ích kỷ, chỉ biết vơ mọi cái vào cho mình, mình là trung tâm của vũ trụ, còn thì sống chết mặc bay. Cho nên biết chia sẻ niềm vui cho người khác cũng là thực thi bác ái và nó đòi phải hy sinh, hy sinh phải ra khỏi cái ốc đảo của mình để chú ý đến người khác. Người ta nói: “Niềm vui mà được chia sẻ thì tăng lên gấp bội, và nỗi buồn mà được chia sẻ thì sẽ giảm đi được một nửa”. Như vậy thì ai mà không muốn được chia sẻ?

Sự vui tươi không ở trong cảnh vật mà chỉ có ở trong lòng người: ta vui thì cảnh vật vui, ta buồn thì cảnh vật sẽ buồn. Cảnh vật bên ngoài chỉ là bức hoạ phản chiếu tâm hồn từng người. Đúng như thi sĩ Nguyễn Du đã nói trong truyện Kiều:

                                      Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,

                                                Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

Một người đã có Chúa trong mình thì bao giờ cũng vui tươi mặc dầu sống trong cảnh đau khổ. Không gì có thể làm cho họ buồn, vì thánh vịnh 42 đã chứng minh: “Introibo ad altare Dei, ad Deum qui laetificat juventutem meam”: Tôi sẽ bước tới bàn thờ Thiên Chúa, đến cùng Đấng làm cho tuổi xuân tôi được mừng vui” (Tv 42,4). Truyện: Vui buồn ở tại lòng người

Buổi sáng ở trạm xăng ngoại ô San Francisco. Một người ngồi xe hơi đến:

- Xin cho hỏi thăm ông chủ một chuyện. Hai tuần lễ vừa qua, tôi nghỉ mát tại Santa Cruz. Thật hứng thú. Phong cảnh ở đó đẹp. Dân ở đó dễ thương. Còn về Redwood-Highway, ông chủ có ý kiến gì không?

Ông chủ cây xăng hớn hở trả lời:

- Ở Redwood-Highway dân cũng dễ mến lắm.

Chưa đầy một tiếng đồng hồ sau, một người khác cũng muốn biết về nơi nghỉ mát này. Chàng nhăn nhó nói:

- Vừa rồi, tôi đã uổng mất hai tuần nghỉ mát. Chỉ thấy bực mình. Phòng ngủ thì thiếu tiện nghi. Dân ở đó dễ ghét.

Ông chủ rầu rầu đáp:

- Miền Redwood-Highway cũng chẳng hơn gì.

Khách đi rồi, người ta mới hỏi ông:

- Tại sao thay đổi ý kiến chóng như vậy?

Ông nói:

- Đâu có. Tôi chỉ nhận xét rằng hai ông khách kia mỗi người theo đuổi một cảm nghĩ, không ai muốn thay đổi. Ông thứ nhất yêu những người đã gặp, và thích phong cảnh đã được xem. Vậy chắc là đi tới nơi nào ông cũng thích cũng yêu nơi đó. Còn người thứ nhì thì khó tính, hay càu nhàu. Vậy tôi nghĩ rằng đi tới đâu, ông ta cũng bất mãn nơi đó (Lm. Vũ Minh Nghiễm, Sống sống, tr 210-212).

Trong tuần lễ này, chúng ta phải năng hỏi Chúa: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” Câu hỏi này chúng ta đã từng gặp nhiều lần trong Kinh thánh, để rồi Chúa sẽ trả lời cho chúng ta trong ơn thánh. Chúng ta thử đưa ra mấy trường hợp.

Trước hết, người thanh niên giàu có và thông luật đến hỏi Đức Giêsu: “Tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Ông Nicôđêmô, sau khi nghe Đức Giêsu nói về sự “tái sinh” bởi nước và Thánh Thần, ông thấy khó hiểu và tự hỏi: “Tôi phải làm gì, không lẽ già cả như tôi lại chui vào lòng mẹ mà sinh lại?” Khi bị quật ngã trên đường đi Đamas, thánh Phaolô cũng đã hỏi Chúa một câu tương tự: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”

Tóm lại, qua bài Tin mừng hôm nay, thánh Gioan Tẩy giả đã vạch ra cho chúng ta một cách sống đẹp lòng Chúa để dọn đường cho Chúa đến là hãy sống yêu thương và công bằng. Đó là những hoa trái biểu lộ đích thực lòng sám hối. Và đó cũng là những chuẩn bị cho những đòi hỏi quyết liệt của Chúa Giêsu sẽ vạch ra sau này. Chúa đòi hỏi chúng ta phải ra sức làm việc phục vụ anh em trong yêu thương, trong công bằng bác ái, chú ý đến kẻ khác để có thể nói “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”.

Chúa cũng muốn chúng ta thực hiện câu tục ngữ người ta thường nói: “Có đi có lại mới toại lòng nhau”: chúng ta có biết quên mình đi mà đến với tha nhân, thì Chúa mới đến với chúng ta và khi đã có Chúa là nguồn vui thì chắc chắn chúng ta sẽ được vui tươi. Hãy thực hiện lời thánh Phaolô: “Anh em hãy vui lên trong Chúa”.

 

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

LOAN BÁO TIN MỪNG

Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng có tên là Chúa Nhật Gaudete.

Gaudete có nghĩa là “Nào ta hãy vui lên!”

Chúa nhật hôm nay chủ tế có thể mặc áo lễ màu hồng.

Cả hai Bài Đọc và Đáp Ca đều mời gọi vui lên:

“Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xion! hò vang lên, hỡi Ítrael!”

Vì Đức Chúa, đang ngự giữa ngươi, đã rút lại án phạt.

Hòa mình trong niềm vui của Dân riêng,

Chính Đức Chúa cũng sẽ nhảy mừng hoan hỷ (Xp 3,17).

Thánh Phaolô đã khẩn khoản mời tín hữu Philípphê:

“Anh em hãy vui luôn trong Chúa.

Tôi nói lại một lần nữa: anh em hãy vui lên!” (Pl 4,4).

Bài Đáp ca cứ ngân nga điệp khúc mời gọi:

“Dân Xion, hãy mừng rỡ reo hò, vì giữa ngươi,

Đức Thánh của Israel quả thật là vĩ đại” (Is 12,2).

Tuy nhiên, bài Tin Mừng lại có vẻ không vui.

Khi dân chúng đến với Gioan để xin chịu phép rửa,

Ông đã gọi họ là nòi rắn độc,

đang tìm cách lẩn tránh cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.

Gioan mô tả khuôn mặt của Đấng Mêsia, Đấng sắp đến.

Đấng ấy như người đang cầm rìu trong tay,

sẵn sàng chặt bất cứ cây nào không sinh quả tốt (Lc 3,9).

Đấng ấy như người cầm cái chĩa rê lúa trên sân,

thóc mẩy cho vào kho, còn thóc lép thì đốt đi (Lc 3,17).

Trong cái nhìn của Gioan, Đấng Mêsia quả thật đáng sợ.

Đấng ấy đến như thể để thiêu hủy bằng lửa:

cây không sinh trái bị quăng vào lửa,

thóc lép hay trấu cũng chịu chung số phận trong lửa.

Và phép rửa của Đấng ấy cũng trong lửa (Lc 3,16).

Có ai chờ mong một Đấng Mêsia kinh khủng như thế không?

Dù vậy Gioan vẫn coi việc Đấng Mêsia đến là một Tin Mừng.

Và “ông đã loan báo Tin Mừng cho dân” (Lc 3,18).

Nhìn sâu, ta mới thấy màu hồng của bài Tin Mừng hôm nay.

vì Đấng Mêsia mà dân Do-thái chờ đợi, nay đã đến.

Đấng ấy quá cao trọng đến nỗi Gioan chẳng đáng là đầy tớ,

cúi xuống để cởi quai dép cho Ngài.

Đấng ấy sẽ đến ban phép rửa để thanh tẩy.

Phép rửa này vượt trội so với phép rửa của Gioan,

vì là phép rửa trong Thánh Thần (x. Cv 19,1-7).

Như thế thời đại thiên sai huy hoàng nay đã đến.

Dòng lịch sử dân Do-thái đã sang một trang mới.

Đấng Mêsia đem đến màu hồng cho dòng lịch sử.

Chúng ta thường nghĩ hối cải có màu buồn, màu tím.

Tin Mừng hôm nay cho thấy hối cải có màu hồng, màu vui.

Vui vì có bao đoàn người đáp lại lời mời của Gioan,

muốn đến lãnh nhận phép rửa của ông để tỏ lòng hối cải.

Vui vì ai cũng có một ước mơ, một câu hỏi như nhau:

“Vậy chúng tôi phải làm gì ?” (Lc 3,10.12.14).

Tất cả đều hiểu hối cải không phải là buồn bã ăn năn,

nhưng là đổi lối nghĩ, dẫn đến đổi lối sống.

Hối cải là để cho cây đời mình sinh trái, trái ngon (Lc 3,8.9).

Chính Gioan dạy cho ta biết thế nào là hối cải thực sự.

Hối cải là quảng đại chia sẻ chiếc áo dư của mình,

để mình chỉ còn một áo, ngang bằng với người khác.

Hối cải là không lạm dụng quyền lực để hà hiếp, chiếm đoạt,

hay đòi hỏi người khác quá mức ấn định.

Hối cải đơn giản là thắng được lòng tham nơi mình,

bằng lòng và vui với những gì mình đang có.

Như thế hối cải có màu hồng, và làm thế giới thêm hồng.

Dù Đức Chúa đã đến từ hai ngàn năm qua,

nhưng thế giới hôm nay vẫn ảm đạm bởi bao chuyện,

bao tai họa con người gây cho nhau và cho trái đất.

Không đổ lỗi cho Trời được, khi trái đất nóng lên,

khi chiến tranh, dịch bệnh, ô nhiễm hoành hành,

khi con người sống với nhau như loài sói.

Chúng ta phải xây dựng bình an, công bằng, bác ái,

phải điểm tô màu hồng cho mọi nơi mình sống,

để Mùa Vọng năm nay thật là hồng.

LỜI NGUYỆN

Tất cả những gì chúng con nên nghĩ

nhưng đã không nghĩ.

Tất cả những gì chúng con nên nói

nhưng đã không nói.

Tất cả những gì chúng con nên làm

nhưng đã không làm.

Tất cả những gì chúng con không nên nghĩ

nhưng đã nghĩ.

Tất cả những gì chúng con không nên nói

nhưng đã nói.

Tất cả những gì chúng con không nên làm

nhưng đã làm.

Về hết mọi ý nghĩ, lời nói và việc làm của chúng con,

lạy Chúa, chúng con xin Chúa tha thứ.

Lời nguyện vùng Persia

Top