Chúa nhật 4 mùa Vọng năm A (Mt 1,18-24)

Chúa nhật 4 mùa Vọng năm A (Mt 1,18-24)

Chúa nhật 4 mùa Vọng năm A (Mt 1,18-24)

“Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”. (Mt 1, 24)

BÀI ĐỌC I: Is 7, 10-14

“Này trinh nữ sẽ thụ thai”.

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, Chúa phán bảo vua Achaz rằng: “Hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi, một dấu ở dưới lòng đất hay ở trên trời cao!” Nhưng vua Achaz thưa: “Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử thách Chúa”.

Và Isaia nói: “Vậy hãy nghe đây, hỡi nhà Đavít, làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa ? Vì thế, chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6

Đáp: Chúa ngự qua, chính Ngài là Hoàng Đế hiển vinh (x. c. 7c và 10b).

Xướng:

1) Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. - Đáp.

2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài ? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa. - Đáp.

3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Đấng cứu độ ban ân thưởng. Đó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp. - Đáp.

 

BÀI ĐỌC II: Rm 1, 1-7

“Đức Giêsu, thuộc dòng dõi vua Đavít, là Con Thiên Chúa”.

Bài trích thơ Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Rôma.

Phaolô, tôi tớ Chúa Giêsu Kitô, đã được kêu gọi làm Tông đồ và đã được tuyển chọn để rao giảng tin mừng Thiên Chúa. Tin mừng ấy Thiên Chúa đã hứa trước bằng lời các tiên tri trong Kinh Thánh về Con của Người; Người đã sinh ra theo huyết nhục bởi dòng dõi Đavít, đã được tiền định là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Thần, đã sống lại từ cõi chết. Đó chính là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, để nhân danh Người, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về Đức Tin, trong đó có cả anh em là những người mà Chúa Giêsu đã kêu gọi.

Tôi chúc tất cả mọi người trong thành Rôma được Thiên Chúa yêu mến và kêu gọi nên thánh, được ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Đức Giêsu Kitô là Chúa chúng ta.

 

Tin mừng: Mt 1, 18-24

18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. 22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: 23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. 24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.

Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Sợi chỉ đỏ:

- Ngôn sứ Isaia báo cho vua Achaz về một nhân vật mệnh danh là Emmanuel (Bài đọc I)

- Tv 23 bày tỏ niềm tin tưởng Thiên Chúa sẽ đến như một vị Vua vinh hiển (Đáp ca)

- Đức Giêsu chính là Emmanuel mà Isaia đã tiên báo (Tin Mừng)

- Thánh Phaolô khẳng định Đức Giêsu thực hiện những lời tiên tri xưa (Bài đọc II)

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Trong suốt Mùa Vọng, chúng ta mong chờ Đức Giêsu đến. Nhưng chúng ta mong chờ Ngài mang gì đến cho chúng ta: Tiền bạc chăng ? Thành công chăng ? Sức khoẻ chăng ?

Lời Chúa hôm nay trả lời rằng: Ngài mang đến cho chúng ta chính bản thân Ngài, bởi vì Ngài là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đó là điều quý báu nhất và bao gồm tất cả mọi điều báu.

Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy nguyện “ở với” Chúa cũng như Ngài đã “ở với” chúng ta.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

- Đức Giêsu đã bỏ trời xuống thế để ở với loài người chúng ta. Nhưng lắm khi chúng ta quên mất Ngài, không hề nhớ tới Ngài.

- Đức Giêsu ngự trong Nhà Tạm để chúng ta dễ đến với Ngài. Nhưng rất ít khi chúng ta đến đó để gặp Ngài.

- Chúng ta không “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với Đức Giêsu trong cuộc sống hằng ngày.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (Is 7, 10-14):

Khi ấy vương quốc Giuđa đang bị đế quốc Assyria đe dọa. Ngôn sứ Isaia khuyên vua Achaz đừng sợ, hãy trông cậy vào sự trợ giúp của Thiên Chúa. Nhưng vua Achaz hoài nghi. Để khuyến khích nhà vua thêm tin tưởng, Isaia cho nhà vua một dấu chỉ: “Này đây một phụ nữ sẽ thụ thai, sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở với chúng ta”.

Lời tiên tri này trước tiên ứng vào hoàn cảnh của vua Achaz: Quả thực sau đó hoàng hậu vợ vua Achaz (“phụ nữ”) đã thụ thai và sinh cho nhà vua một thái tử. Việc sinh ra thái tử là dấu chỉ chứng minh rằng Thiên Chúa sẵn sàng phù hộ cho vua Achaz nếu ông thực lòng trông cậy nơi Ngài (“Thiên Chúa ở cùng chúng ta”).

Về sau người ta đã hiểu rộng hơn và coi đây là lời tiên tri về Đấng Messia sẽ đến. Người ta còn tin rằng Đấng Messia ấy sẽ do một trinh nữ sinh ra. Vì thế bản dịch 70 bằng tiếng hy lạp đã dùng chữ “trinh nữ” thay vì chữ “phụ nữ”.

2. Đáp ca (Tv 23):

Tv 23 được dùng trong những cuộc hành hương lên đền thờ Giêrusalem. Người ta ý thức rằng Thiên Chúa chính là Vua vinh hiển ; và chỉ những ai có bàn tay vô tội và tâm hồn trong sạch mới xứng đáng đến trước nhan Ngài.

Quan niệm này đúng. Nhưng đến thời Tân Ước (như bài Tin Mừng sẽ cho ta thấy), Thiên Chúa sẽ ưu ái loài người đến nỗi bỏ qua đòi hỏi trên: chẳng những không đòi những người muốn đến với Ngài phải có tay sạch lòng thanh, Ngài còn hạ cố xuống với loài người để thành Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

3. Tin Mừng (Mt 1, 18-24):

Đức Giêsu Ngôi Hai Thiên Chúa đã sinh ra, làm một con người như mọi người: có mẹ là một người nữ mang tên Maria, cha là một bác thợ mộc tên là Giuse.

Nhưng thiên thần Gabriel cho thánh Giuse biết những đặc tính thiêng linh của Đức Giêsu: Ngài được thụ thai là “bởi phép Chúa Thánh Thần”, Ngài đến trần gian là “để cứu dân mình khỏi tội”.

Thánh Matthêu hiểu rằng việc này làm ứng nghiệm lời tiên tri của ngôn sứ Isaia: Đức Giêsu chính là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

4. Bài đọc II (Rm 1, 1-7):

Thánh Phaolô muốn tín hữu Rôma hiểu rõ về Đức Giêsu: Tuy Ngài đã sinh ra “theo huyết nhục”, nhưng nguồn gốc của Ngài rất cao sang vì Ngài “bởi dòng Đavít”, “đã được tiền định là Con Thiên Chúa”, và “đã sống lại từ cõi chết”.

Từ ý thức đó, Thánh Phaolô khuyên các tín hữu hãy sung sướng vì được thuộc về một Đấng cao sang như thế: “Đó chính là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”, đồng thời cũng hãy sung sướng với ơn gọi của mình: “Anh em là những người mà Chúa Giêsu Kitô đã kêu gọi”.

V. GỢI Ý GIẢNG

1. Chỉ cần một so sánh tầm thường

Đức Giêsu là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Chỉ cần một so sánh rất tầm thường, chúng ta sẽ thấy đó là một ơn rất to lớn mà Thiên Chúa ban cho chúng ta:

Tôi có một người bạn vừa tốt vừa đa tài đa năng. Mỗi khi có chuyện gì cần, tôi gọi thì anh đến và anh giúp tôi giải quyết rất tốt đẹp. Tôi sung sướng lắm. Nhưng nhiều khi tôi đang cần mà anh lại đang đi vắng xa nên không giúp gì cho tôi được. Khi đó tôi ao ước: phải chi người bạn ấy luôn ở với tôi!

Chúa Giêsu hơn người bạn ấy rất nhiều: Ngài không chỉ là một con người mà còn là Thiên Chúa. Ngài không chỉ đa tài đa năng mà còn là toàn tài toàn năng. Ngài nói “Này Ta ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế”. Ngài đúng là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Còn gì quý hơn!

2. Thế nào là một Tin Mừng ?

Một tin chỉ là Tin Mừng khi nó đáp ứng một ước mong mà người ta chờ đợi. Thí dụ chén cơm là tin mừng cho người đang đói, mùa gặt bội thu là tin mừng cho người nông dân đã khổ công cấy cày. Nếu không ước mong đợi chờ thì chẳng có tin mừng: chén cơm không phải là tin mừng cho người đã no, mùa gặt cũng chẳng là tin mừng cho người không làm ruộng.

Thánh Phaolô nói với tín hữu Rôma rằng ngài mang đến cho họ một Tin Mừng, đó là Thiên Chúa đã ban Con của Ngài cho loài người. Và tín hữu Rôma đã vui mừng vì họ có được một Đức Chúa cao cả quyền năng hơn các thần thánh nhan nhãn trong các đền thờ ở Rôma.

Lẽ ra sống trong Mùa Vọng thì phải mong chờ Chúa. Nếu ta không mong chờ Chúa thì việc Chúa Giáng sinh không là Tin Mừng cho ta gì cả.

3. Chúa ở cùng chúng con

Lạy Chúa, tên Chúa là Emmanuel, Chúa ở cùng chúng con.

Nhưng đã có biết bao người lấy danh thánh Chúa khắc vào dây lưng, hùng hùng hổ hổ xông ra trận để chém giết anh em đồng loại! Biết bao người đã đi tàn sát nhân danh Chúa, tuy họ không xâm tên Chúa vào ngực hay khắc vào dây nịt.

Chúa ở với chúng con để kéo chúng con ra khỏi tội lỗi, chứ không phải làm cớ cho chúng con bênh vực mình, bênh vực những hành vi tội lỗi của mình.

Chúa ở với chúng con để giúp chúng con vượt qua những chướng ngại trên con đường đi tìm công lý và tình huynh đệ, chứ không phải để dẫn chúng con đến những quần đảo thoát ly.

Chúa hãy ở với chúng con những khi vì sợ hãi, chúng con ngừng bước hay lui bước. Chúa hãy ở với chúng con khi vì lơ đễnh chúng con đi lạc đàng chính nẻo ngay.

Thân lạy Emmanuel, xin Chúa hãy luôn ở cùng chúng con! (Trích Công giáo và Dân tộc, số đặc biệt giáng sinh 1998)

4. Chuẩn bị Lễ Giáng sinh

Ngày nay thói quen mừng lễ Giáng sinh có thể nói là rất phổ biến: hầu hết mọi người trên thế giới, dù là người có đạo hay không có đạo, cũng đều quen mừng lễ Giáng sinh. Tuy nhiên, hầu như ai ai cũng coi đây là một dịp lễ vui, có nhiều hoa đèn, nhiều tiếng thánh ca. Trong dịp lễ Giáng sinh người ta cũng sáng tác nhiều tiêu phẩm văn nghệ rất cảm động nhưng qua đó ta thấy được khía cạnh mỉa mai là lễ Giáng sinh đã không được mừng đúng ý nghĩa. Có một tiểu phẩm kể chuyện một em bé gái nghèo, đêm Giáng sinh phải co ro lặn lội trong sương tuyết để bán từng hộp que diêm, trong khi đó thì xa xa vọng lại tiếng hát thánh ca réo rắt ; một tiểu phẩm khác kể chuyện một tên ăn trộm coi lễ Giáng sinh là dịp tốt để hành nghề, nó biết đêm đó nhà giàu nào cũng có nhiều bánh trái, cho nên nó đợi đến lúc người ta di dự lễ ở nhà thờ để lẻn vào ăn trộm, và xa xa vọng lại cũng những hồi chuông giáng sinh rộn rã.

Cũng có một tác phẩm tuy không nói về lễ Giáng sinh nhưng cũng mang cùng một ý nghĩa. Đây là một chuyện phim tưởng tượng. Đạo diễn tưởng tượng có một Đức Giáo hoàng vì chán cảnh lễ nghi rườm rà trong Tòa Thánh Vatican nên nhân một dịp đi lạc khỏi Tòa Thánh, đã đi luôn vào sống ở một ngôi làng nghèo. Làng này đang bị bệnh dịch hoành hành nên bị cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài, lương thực khan hiếm. Trong làng có một cái cối dùng sức gió để cung cấp nước, nhưng cối gió đã hư và không ai sửa. Nếp sống quá khổ cực khiến người ta không đến nhà thờ nữa, nhà thờ bị hoang phế, và chính vị Linh mục coi sóc nhà thờ đó cũng chán nản hồi tục đi làm nghề chăn cừu. Đức Giáo hoàng đã cùng với dân làng đi moi đống rác, tiếp xúc với những trẻ em lang thang bụi đời, và động viên người ta cùng Ngài sửa lại cái cối xay nước. Sau một thời gian làm việc vất vả với rất nhiều khó khăn, cái cối xay gió ấy đã được sửa chữa và hoạt động lại. Cho tới lúc đó dân làng mới biết Ngài chính là Giáo hoàng. Và Ngài giã từ họ trở về Tòa Thánh. Cuốn phim kết thúc với cảnh Đức Giáo hoàng chủ tọa một Thánh lễ có rất đông người tham dự, đặc biệt trong số đó có dân chúng của cái làng nghèo khổ kia và cả vị Linh mục nữa, vị Linh mục này đã trở về với đoàn chiên giáo dân của mình. Chắc chúng ta hiểu được ngụ ý của đạo diễn: Nếu giáo hội chỉ thu mình trong các lễ nghi ở nhà thờ thì dần dần Giáo hội sẽ xa lìa quần chúng và quần chúng cũng xa lìa Giáo hội. Còn Giáo hội dấn thân phục vụ những nhu cầu thiết thực của quần chúng thì quần chúng sẽ đến vây quanh Giáo hội.

Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Giáo Hội cũng phải là Emmanuel. Và mỗi tín hữu cũng phải là Emmanuel.

 

Câu chuyện

Tổ phụ Giuse trong Cựu ước mơ thấy bó lúa của các anh em cúi xuống thần phục bó lúa của mình; và trong một giấc mơ khác ông thấy mặt trời, mặt trăng, và 11 ngôi sao cúi mình trước mặt ông (x. St 37,5-9) ông đã kể lại với anh em và bị họ chế nhạo là “kẻ mơ màng”.Giấc mơ của Giuse là mạc khải của Thiên Chúa về tương lai: Giuse là người được Thiên Chúa tuyển chọn, trở thành tể tướng của nước Ai Cập, để cứu nước Ai Cập và gia đình của ông khỏi nạn đói. Bản thân Giuse là người công chính, luôn biết kính sợ Chúa, nên tâm hồn nhạy cảm dễ đón nhận mặc khải của Thiên Chúa. Ngoài ra, ông còn giải mã được những giấc mơ của người khác (x. St 40,1-20), đặc biệt hơn cho chính vua Ai Cập (x. St 41,1-36), sự giải mã những giấc mơ này là một phần của con đường Thiên ý: ông sẽ trở nên tể tướng bao bọc sự sống còn của cả dân tộc Ai Cập và gia đình ông. Chính ông đã nên hình ảnh báo trước về Giuse thời Tân ước.

Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Giuse thời Tân ước được báo mộng trong giấc mơ về chương trình của Thiên Chúa được thực hiện qua cuộc hôn nhân giữa ông và Maria, việc nàng có thai không phải ý của phàm nhân nhưng dưới tác động của Thiên Chúa. Vì thế ông đã đón Maria về nhà mình theo sự báo mộng của Thiên thần thay vì có ý định ruồng bỏ nàng lúc phát hiện người bạn đời có thai (không phải của mình). Giấc mơ của Giuse đã thành hiện thực bởi sự tín trung vào Thiên Chúa với báo mộng về lời phán truyền của Ngôn sứ Isaia về Đấng Thiên Sai sẽ thành hiện thực ở nơi gia đình ông (x. Is 7,14-16). Chính con trẻ này trở nên ơn cứu độ và bao bọc cho cả nhân loại.

Sự huyền bí về giấc mơ của Giuse đưa chúng ta suy tư về hành trình của Thiên ý trong cuộc đời, mỗi người đi từ giấc mộng của niềm tin mà mỗi chúng ta đều mơ thấy qua Bí tích Rửa tội đến hiện thực của hôm nay và ngày mai: Chúng ta trở nên con Thiên Chúa và sống niềm tin chờ đợi để chính Ngài đón chúng ta vào Thiên quốc trong ngày Ngài quang lâm. Đó là giấc mơ của hôm nay đang sống trong chờ đợi, vào tương lai nơi Thiên Chúa hằng sống sẽ đến đón mọi người. Giấc mơ của Mùa Vọng đang được thực hiện trong bình an Giáng sinh, ngày Chúa giáng trần của hôm nay khi chúng ta cử hành kỷ niệm biến cố ấy và của ngày mai được Thiên Chúa đón rước vào vương quốc Ngài.Giấc mơ của Giuse - cha nuôi của Chúa Giêsu gợi cho chúng ta lòng tin tưởng vào Chúa quan phòng và sống vững tin chờ đợi: Giuse luôn sống trong thánh ý của Thiên Chúa. Ông luôn trung tín với Thiên ý dù sự việc diễn ra thật khó hiểu, đôi lúc không thể tin được như: Con Thiên Chúa Giáng sinh trong khó nghèo, chính Con Vua Trời lại trốn tránh dưới cơn bách hại của người phàm... Nhưng Giuse vẫn đi trong thánh ý và bước theo niềm tin vào lời báo trong mộng. Ông trung tín vào Thiên ý khi luôn săn sóc, bảo vệ gia đình Thánh gia: Con Thiên Chúa và Mẹ Người. Sự trung tín trong thánh ý đã khiến Giuse trở nên nhân vật tiêu biểu cho Mùa Vọng của mọi thời. Vì thế giấc mộng mà ông thị kiến, trở thành hiện thực không chỉ cho niềm ngóng trông của ông mà cho cả nhân loại như tên con trẻ “Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.Trong giấc mộng của Mùa Vọng, chúng ta được chiêm ngắm hình ảnh tương lai vào Đấng Emmanuel. Vì thế chúng ta không cảm thấy cô đơn, chán nản, thất vọng, bi quan trong đau khổ, vì được nhìn thấy trong giấc mộng Thiên ý: Đức Kitô - Đấng Emmanuel đang đi cùng với chúng ta, để biến những đau khổ của nhân loại thành một ý nghĩa cứu độ trên thập giá.

Chúng ta vui vì giấc mộng của Mùa Vọng sẽ được thành hiện thực. Ước gì tôi và bạn vẫn luôn tin và bước theo Chúa như Giuse bước đi từ giấc mộng đến hiện thực...

Ý lực sống

“Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7,14-16; Mt 1,23).

Top