Chúa Nhật 6 Phục sinh năm A

Chúa Nhật 6 Phục sinh năm A

Chúa Nhật 6 Phục sinh năm A

“Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con
một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi”.
(Ga 14,16)

BÀI ĐỌC I: Cv 8, 5-8. 14-17

“Các ngài đặt tay trên họ, và họ nhận lãnh Thánh Thần”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Philipphê đi xuống một thành thuộc sứ Samaria, rao giảng Đức Kitô cho họ. Dân chúng chú ý đến những lời Philipphê rao giảng, vì họ cũng nghe biết và xem thấy các phép lạ ngài làm. Quỷ ô uế đã ám nhiều người trong họ, lúc đó kêu lớn tiếng và xuất ra. Nhiều người bất toại và què quặt được chữa lành. Bởi đó cả thành được vui mừng khôn tả.

Khi các tông đồ ở Giêrusalem nghe tin Samaria đón nhận lời Thiên Chúa, liền gởi Phêrô và Gioan đến với họ. Khi đến nơi, hai ngài cầu nguyện cho họ được nhận lãnh Thánh Thần: vì chưa có ai trong họ được nhận lãnh Thánh Thần, họ mới chỉ được chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ các ngài đặt tay trên họ, và họ nhận lãnh Thánh Thần.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 65, 1-3a. 4-5. 6-7a. 16 và 20

Đáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa! (c. 1)

Hoặc đọc: Alleluia.

  1. Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa! Hãy ca ngợi vinh quang danh Người; hãy kính dâng Người lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa! .
  2. Toàn thể đất nước thờ lạy và ca khen Ngài, ca khen danh thánh của Ngài. Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa, Người thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta!.
  3. Người biến bể khơi thành nơi khô cạn, người ta đã đi bộ tiến qua sông, bởi đó ta hãy hân hoan trong Chúa! Với quyền năng, Người thống trị tới muôn đời. .
  4. Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao. Chúc tụng Chúa là Đấng không hất hủi lời tôi nguyện, và không rút lại lòng nhân hậu đối với tôi. 

BÀI ĐỌC II: 1 Pr 3, 15-18

“Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, anh em hãy tôn thờ Chúa Kitô trong lòng anh em, hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời thoả mãn cho mọi kẻ hỏi lý do của niềm hy vọng nơi anh em, nhưng phải làm cách hiền từ, kính cẩn, hãy có lương tâm ngay chính, để những kẻ lăng mạ đời sống đạo đức của anh em trong Đức Kitô, phải hổ thẹn về điều họ gièm pha anh em. Vì nếu Thiên Chúa muốn, thì thà làm việc thiện mà đau khổ còn hơn là làm điều gian ác. Vì Đức Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Đấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa; thật ra Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại.

Đó là lời Chúa.

Tin Mừng: Ga 14,15-21

15 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy. 16 Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi. 17 Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con. 18 Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con. 19 Một ít nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần các con, các con thấy Thầy vì Thầy sống và các con cũng sẽ sống. 20 Trong ngày đó, các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. 21 Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy. Và ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu nó, và sẽ tỏ mình ra cho nó”.


Bài giảng của linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân

Suy niệm (Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng)

Theo lời Ðức Giêsu, ai yêu mến Ngài và tuân giữ các mệnh lệnh của Ngài, thì được Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Ðấng phù trợ, an ủi. Người sẽ ở trong người ấy và dẫn đưa về cùng Chúa Cha và Chúa Giêsu.

Yêu mến là thực thi lệnh truyền của Chúa. Ðức Giêsu đã nhắc đến mệnh lệnh này nhiều lần... Người muốn dạy chúng ta: lòng tin và yêu mến không chỉ là lý thuyết, là tư tưởng suông nhưng phải được thực hành, đó mới là bằng chứng cụ thể. Vì đức tin không có việc làm là đức tin chết (Gc 2,17), và đức ái không có việc làm là đức ái vô ích, trống rỗng ngoài môi miệng (Mc 7,6).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một đức tin mạnh mẽ và một lòng mến dồi dào. Khi chúng con nói được rằng chúng con tin vào Chúa và thực thi giới răn của Ngài, thì chúng con biết sống những điều đó bằng một đời sống cụ thể. Ðể cuộc sống của chúng con là một chứng từ sống động cho mọi người nhận biết Chúa. Amen.

Ghi nhớ : “Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác”.

 

Suy niệm 1: (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Sợi chỉ đỏ:

- Bài đọc I: Dân Samari được lãnh nhận Chúa Thánh Thần.

- Bài Phúc Âm: Chúa Cha sẽ ban cho tín hữu một Đấng phù trợ khác, đó là Chúa Thánh Thần.

- Bài đọc II: Cuộc sống lạc quan của người tín hữu vì đã có Chúa Thánh Thần giúp họ trong cảnh khó khăn, thù hằn của thế gian.

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến,

Chỉ còn một tuần lễ nữa là đến lễ Thăng thiên. Phúc Âm hôm nay thuật rằng trước khi Đức Giêsu lên trời, Ngài đã hứa gởi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta để giúp chúng ta chu toàn sứ mạng mà Ngài đã giao cho chúng ta, tức là loan báo Phúc Âm khắp thế giới. Chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần trong ngày được Rửa tội và Thêm sức. Nhưng chúng ta có ý thức Ngài đang ở trong chúng ta không, và có nghe theo sự hướng dẫn của ngài không ?

II. GỢI Ý SÁM HỐI

- Mặc dù đã được rửa tội nhân danh Đức Giêsu và được thêm sức trong Chúa Thánh Thần, thế mà chúng ta vẫn sống một cuộc sống tầm thường không hơn những kẻ chưa được rửa tội bao nhiêu.

- Kitô hữu là người mang hy vọng, thế mà nhiều khi chúng ta để mình bị rơi vào thất vọng.

- Chúa Thánh Thần là Đấng phù trợ luôn bênh vực chúng ta. Nhưng chúng ta thường sợ hãi như không có Ngài.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I: Cv 8,5-8.14-17

Bị đuổi khỏi Giêrusalem do cuộc bách hại mà những người do thái phát động chống các kitô hữu, phó tế Philíp lánh sang miền Samari. Ông dùng dịp này để loan Phúc Âm Đức Giêsu Kitô cho dân Samari. Nhiều người Samari đã xin lãnh nhận phép rửa. Hoạt động truyền giáo của Philíp đã có tiếng vang đến tai các tông đồ, nên ít lâu sau, chính Phêrô và Gioan đích thân đến Samari và đặt tay xin Thánh Thần xuống trên các tân tòng Samari.

2. Đáp ca: Tv 65

Khi hồi tưởng biết bao ơn lành mà Thiên Chúa đã ban cho mình, dân Israel vui mừng cất tiếng tung hô Ngài và còn kêu mời cả trái đất hợp tiếng tung hô nữa.

So với dân Israel, dân kitô hữu chúng ta còn được Thiên Chúa ban nhiều ơn lành hơn gấp bội. Lẽ nào chúng ta không cất tiếng tung hô Ngài ?

3. Bài đọc II: 1 Pr 3,15-18

Bức thư 1 Pr do Thánh Phêrô gởi cho các tín hữu đang bị bách hại vì đạo Chúa để chỉ dạy họ cách làm chứng niềm tin giữa hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ấy:

- Khi người ta chất vấn về niềm tin của mình thì hãy sẵn sàng trả lời. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng.

- Phải sống tốt lành theo lương tâm ngay thẳng, khiến cho cuối cùng chính những kẻ bách hại cũng phải xấu hổ vì đã đối xử tệ với các tín hữu.

4. Bài Phúc Âm: Ga 14,15-21

Trước khi đi vào cuộc chịu nạn chịu chết, Đức Giêsu an ủi các môn đệ. Ngài sẽ không bỏ các ông bơ vơ như những đứa con mồ côi, nhưng Ngài sẽ ban cho họ một Đấng phù trợ khác đến ở với họ luôn mãi, đó là Chúa Thánh Thần.

 

Suy niệm 2 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Có một người thổ dân (Aborigine) ở châu Úc, sống trong một hoàn cảnh thật thảm thương. Ông ta đã cao niên nhưng từ bao năm tháng ông chỉ một thân một mình cô đơn trong túp lều tối tăm xiêu vẹo. Lần đầu Mẹ Têrêsa tới thăm ông, thấy cảnh bề bộn thiếu vệ sinh vì không được chăm sóc, Mẹ đề nghị: “Ðể tôi dọn dẹp nhà và sửa soạn giường chiếu lại cho ông”. Ông hờ hững nói: “Tôi đã quen sống như vậy rồi”. Nhưng Mẹ bảo ông: “Tuy vậy, ông sẽ cảm thấy dễ chịu hơn với căn nhà sạch sẽ và ngăn nắp”.

Sau cùng, ông ta bằng lòng để Mẹ dọn dẹp lại nhà cửa cho ông. Trong khi quét dọn Mẹ Têrêsa thấy một cái đèn cũ, đẹp nhưng phủ đầy bụi bẩn. Mẹ hỏi ông: “Có bao giờ ông thắp đèn này không ?”. Ông ta trả lời với giọng chán ngán: “Nhưng thắp đèn cho ai ? Có ai bước chân vào nhà này bao giờ đâu. Tôi sống ở đây đã lâu rồi mà chẳng hề trông thấy một ai cả”. Mẹ Têrêsa hỏi ông: “Nếu như các nữ tu đến thăm ông thường xuyên, ông có bằng lòng thắp đèn lên không ?”. Ông vui vẻ đáp: “Dĩ nhiên rồi”.

Từ hôm đó, các nữ tu Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêsa quyết định mỗi chiều sẽ ghé qua nhà ông viếng thăm. Cũng từ đó, người thổ dân bắt đầu thắp đèn và dọn dẹp căn lều cho sạch sẽ hơn.

Ông sống thêm hai năm nữa. Trước khi chết ông nhờ các nữ tu nhắn tin cho Mẹ Têrêsa: “Xin nhắn với Mẹ Têrêsa và các bạn, ngọn đèn mà Mẹ đã thắp lên trong đời tôi vẫn còn chiếu sáng. Ðó chỉ là một việc nhỏ, nhưng trong bóng tối cô đơn của đời tôi, một tia sáng đã chiếu lên và vẫn còn tiếp tục sáng mãi”.

Suy niệm

Giữa lúc các môn đệ mất niềm hy vọng, cô đơn không biết nương tựa vào ai khi nghe lời cáo biệt của Thầy (x. Ga 13,31-38), Chúa Giêsu đã thắp ánh lửa hy vọng bằng việc khích lệ các ông: Đã sống theo Thầy, hãy vững niềm tin. Đã đặt niềm hy vọng vào Ngài, và đã yêu Ngài với một con tim của một người môn sinh thì hãy sống Lời Ngài truyền, đặc biệt là giới răn yêu thương (x. Ga 13,34). Các tông đồ không còn đơn côi nữa vì Thầy luôn hiện diện bên họ khi các ông sống di ngôn tình yêu, mà sau này thánh Gioan đã cảm nghiệm: “Thiên Chúa là tình yêu”, tình yêu hiện diện trong điều răn yêu thương. Thầy ra đi, nhưng khi di ngôn Thầy được sống trọn, đó là sự hiện diện của chính Thầy, chính Chúa... Niềm hy vọng sẽ được lên sáng hơn nữa, khi Ngài hứa xin Cha gửi Thần Chân lý - Đấng Bảo Trợ sẽ đến đồng hành với các ông trong mọi biến cố cuộc đời.

Lời Thầy luôn vang lên “nếu con yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy” (Ga 14,15), đó là sống yêu thương như thánh Grégôriô le Grand đã khẳng định: “Bằng chứng của tình yêu là chứng nhân qua những công trình. Không bao giờ tình yêu của Thiên Chúa cư ngụ trong nhàn rỗi. Khi tình yêu hiện hữu, tình yêu luôn làm những sự việc lớn lao” (Homélie XXX).

Tin Mừng Ga 14,15-21 vẫn trong mạch văn những lời từ biệt các môn đệ (x. Ga 13 - 17), Ngài ra đi nhưng vẫn mong sao các đồ đệ giữ lấy niềm tin, giữ lấy cuộc sống giữa những thử thách sắp tới. Dù không có Ngài, Ngài muốn các môn sinh của mình cùng ngăn nắp, cùng gắn bó với nhau và với sứ vụ như vẫn có Thầy hiện diện. Thầy hiện diện với họ qua các di ngôn: sống tình yêu, và chính Đấng Bảo Trợ mà Ngài gửi đến để đồng hành với các ông.

Ý của Thầy đã thế, phần còn lại là ở các môn sinh có làm theo lời di ngôn hay không, có “giữ các lời của Thầy.”.. có tiếp nhận Đấng Bảo Trợ sẽ đến. Giữ các lời Thầy truyền như là làm cho tâm hồn đầy đủ “dầu đèn” và khơi lên niềm hy vọng, Đấng Bảo Trợ sẽ đến thêm sức cho các ông, tăng niềm tin, niềm hy vọng. Niềm hy vọng sẽ không còn mong manh như lời hứa, nhưng là mạnh mẽ, đầy sức sống. Hình ảnh đó hiện thực rõ nét nhất trong ngày lễ Ngũ tuần (x. Cv 2,1-4), niềm hy vọng sẽ vực dậy tất cả nơi người môn đệ theo Chúa...

Hãy giữ các lệnh truyền của Thầy, lệnh Thầy truyền là hãy yêu và thực hành. Tin vào Thầy mà không làm theo Thầy thì đức tin đó không có sự sống vì đức tin không có việc làm là đức tin chết (x. Gc 2,17). Hơn nữa trong việc làm không có nội lực là đức ái mà Thầy đã truyền dạy, tất cả vô ích, trống rỗng, hiện hữu bên ngoài và mọi sự bằng không (x. 1Cr 13,1-4). Vì thế thánh Phaolô đã kết luận: “Hãy làm mọi sự vì đức ái” (1Cr 16,14) và đó chính là diễn giải di ngôn của Thầy: “Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy”.

Chính vì lẽ đó, lời từ biệt của Thầy không còn làm cho các môn đệ cảm thấy cô đơn trống vắng như ban đầu nữa, nhưng tràn đầy niềm hy vọng... vì di sản tình yêu và vì Đấng Bào Chữa sẽ đến...

Qua mọi thời kể từ hai ngàn năm, lời biệt ly của Thầy vẫn đồng hành với các môn đệ cũng như là đồng hành với nhân loại. Xưa các tông đồ và nay chúng ta đón nhận và thực hiện di ngôn của Thầy: Mệnh lệnh tình yêu và mở lòng mình ra chờ đợi Đấng Bào Chữa đến trong tâm hồn để cùng sống mầu nhiệm vượt qua cuộc đời, tràn ngập hy vọng mà Đức Kitô đã đốt lên khi Ngài ra đi...

Ý lực sống

“Bằng chứng của tình yêu là chứng nhân qua những công trình. Không bao giờ tình yêu của Thiên Chúa cư ngụ trong nhàn rỗi. Khi tình yêu hiện hữu, tình yêu luôn làm những sự việc lớn lao” (Thánh Grégôriô le Grand).

 

Suy niệm 3 (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

YÊU MẾN VÀ GIỮ LỜI CHÚA

A. DẪN NHẬP

  Thi sĩ Xuân Diệu nói: “Đố ai định nghĩa được tình yêu”. Đúng thế, cho đến nay chúng ta chưa có được một câu định nghĩa nào về tình yêu khả dĩ có thể bao hàm được mọi khía cạnh của tình yêu.

  Thi sĩ Hồ Dzếnh cũng chỉ nói được như thế:

Yêu là khó nói cho xuôi,
Bởi ai hiểu được
sao trời lại xanh”.

  Thánh Gioan cũng chỉ có thể nói: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã phó mạng vì chúng ta” (1Ga 13,7).

  Đức Giêsu chỉ khuyên người ta yêu nhau mà không hề định nghĩa tình yêu là gì, vì Ngài không muốn dùng đến những từ ngữ hay những tư tưởng trừu tượng mà chỉ khuyên người ta thực hành tình yêu thôi.

  Với những lời tạ từ trong bữa Tiệc ly, Đức Giêsu chỉ dùng những lời thân tình mà khuyên các môn đệ “Nếu các con yêu mến Thầy, các con hãy giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14,15). Nói như thế, Đức Giêsu không chấp nhận một thứ tình yêu trừu tượng, mông lung, hoa mỹ hoặc văn vẻ như trong tiểu thuyết, thi ca hay trong các nghệ thuật thứ bảy. Ngài muốn một tình yêu sinh động và cụ thể đối với Ngài và đối với nhau. Theo đó, tình yêu của chúng ta đối với Ngài là vâng phục theo đường lối của Chúa, tức là tuân giữ các điều răn Ngài truyền, vì chính Ngài đã yêu mến Chúa Cha bằng cách vâng phục và thi hành mệnh lệnh của Cha Ngài (Ga 15,10).

  Kitô hữu đích thực là dồn tất cả tham vọng của mình vào việc mô phỏng theo Đức Kitô. Người ta thường nói: “Kitô hữu, đó là Đức Kitô khác”: “Alter Christus”. Không có định nghĩa nào chính xác và hay đẹp hơn. Khi đã theo Đức Kitô thì phải đi theo con đường khổ giá mà Ngài đã đi. Tuân theo thánh ý Chúa và giữ các điều răn của Đức Kitô là đang đi trên con đường khổ giá và con đường này sẽ dẫn chúng ta đến vinh quang.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cv 8,5-8.14-17

  Các tín hữu của cộng đoàn Giêrusalem bị các người Do thái bách hại đã lánh sang vùng Samaria của dân ngoại. Thầy phó tế Philipphê được sai đến rao giảng Tin mừng. Dân chúng hoan hỉ đón nhận Tin mừng này, và tiếng tăm đã đồn đến tai các Tông đồ. Các ngài liền cử ông Phêrô và Gioan đến đặt tay ban Thánh Thần cho họ, vì họ mới chỉ được chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu.

+ Bài đọc 2: 1Pr 3,15-18

  Thánh Phêrô gửi thư cho các tín hữu đang bị bách hại vì đạo Chúa, để chỉ dạy cho họ cách thức thể hiện niềm tin và hy vọng của mình trước mặt lương dân. Người ta sẽ chất vấn về niềm tin của họ, thì phải trả lời cho họ bằng hai cách sau đây:

a) Hãy trả lời cho họ bằng những lời lẽ ôn hoà và trong sự kính trọng.

b) Hãy ăn ở công minh chính trực khiến cho những kẻ bách hại phải xấu hổ vì đã bách hại.

+ Bài Tin mừng: Ga 14,15-21

  Đức Giêsu biết trước việc Ngài ra đi sẽ làm cho các môn đệ xao xuyến, nên trước khi đi vào cuộc tử nạn, đã yên ủi các ông một cách chân tình. Ngài khuyên các ông hãy yên tâm, vì Ngài không để các ông sống chơ vơ như những đứa con mồ côi đâu, Ngài sẽ sai Đấng Phù trợ khác đến ở với họ luôn mãi. Đấng Phù trợ khác mà Chúa Cha sẽ ban cho đây, chính là Chúa Thánh Thần mà các ông sẽ được lãnh nhận vào dịp lễ Ngũ tuần. Chúa Thánh Thần sẽ làm cho các Tông đồ yêu mến Chúa và thi hành lời Ngài dạy.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Yêu nhau trăm sự chẳng nề

I. NHỮNG LỜI NHẮN NHỦ THÂN TÌNH

  Trong bữa Tiệc ly, sau khi truyền cho các môn đệ phải yêu mến nhau và đặt việc yêu mến nhau như là dấu chỉ để mọi người nhận ra họ là môn đệ đối với Ngài. Mở đầu đoạn trích Tin mừng hôm nay theo thánh Gioan, Đức Giêsu nói: “Nếu các con yêu mến Thầy thì các con sẽ tuân giữ mệnh lệnh Thầy” (Ga 14,15).

  Việc yêu mến đó được Đức Giêsu liên kết với việc tuân giữ và thực hành Lời Chúa. Những ai yêu mến Đức Giêsu và giữ Lời Ngài sẽ được ở trong cộng đồng tình yêu của Thiên Chúa: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ ra cho người ấy biết Thầy” (Ga 14,21).

  Ở đây cho thấy Đức Giêsu không chấp nhận một thứ tình yêu trừu tượng, chỉ bằng tình cảm mông lung, Ngài chủ trương một thứ tình yêu sống động và được biểu lộ trong sự tuân phục theo đường lối của Chúa, tức là tuân giữ các giới răn Ngài truyền. Chính Đức Giêsu cũng đã yêu mến Chúa Cha bằng cách giữ các lệnh truyền của Chúa Cha (x. Ga 15,10).

  Lúc này, chắc các môn đệ đã cảm nhận được những việc sắp xảy ra. Họ hẳn đã cảm nhận được chuyện bi thảm đang tới gần. Nhưng Đức Giêsu đã yên ủi họ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho các con một Đấng bầu chữa khác đến với các con luôn mãi… Thầy không để cho các con mồ côi đâu” (Ga 14, 16.18).

  Từ ngữ “mồ côi” dùng ở đây có nghĩa là không có cha, từ ngữ này cũng được dùng để chỉ đám môn sinh, đám học trò mất thầy, mất đi những lời dạy bảo của thầy thân yêu. Lúc Socrate chết, Platon nói về các môn sinh của Socrate rằng: “Họ nghĩ họ sẽ phải sống mồ côi suốt quãng đời còn lại như những đứa con mất cha, và họ sẽ chẳng biết phải làm gì”.

  Nhưng Đức Giêsu bảo các môn đệ rằng, trường hợp của họ thì không như thế. Ngài phán: “Thầy sẽ trở lại”. Ngài có ý nói về sự phục sinh và việc Ngài luôn có mặt bên họ sau khi phục sinh. Nhưng sự hiện diện của Ngài không thể dùng giác quan mà thấy, nhưng phải dùng con mắt đức tin bởi vì Ngài hiện diện một cách vô hình.

  Sau cùng, Đức Giêsu kết luận: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy… và sẽ được Cha Thầy yêu mến” (Ga 14,21). Đây là một mạc khải của Đức Kitô về tình yêu của Chúa Cha. Mạc khải này cũng hé mở cho ta hiểu thêm về tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa thật thâm sâu, mật thiết trên mọi bình diện (x. Ga 4,34; 6,38).

II. YÊU NHAU SINH TỬ CŨNG LIỀU

1. Yêu mến và hành động

  Đức Giêsu luôn yêu thương các môn đệ của Ngài cả khi Ngài vắng mặt. Ngài hứa không để cho các ông sống vất vưởng như những đứa con mồ côi, nhưng sẽ sai Đấng Phù trợ đến ở với các ông để yên ủi, soi sáng, khích lệ và nâng đỡ các ông. Đáp lại, Đức Giêsu cũng đòi buộc các ông phải yêu Ngài. Tình yêu đối với Ngài không phải chỉ là những tình cảm hay một cảm xúc bồng bột nhất thời, nhưng tình yêu này phải được xây dựng trên ý chí, nghĩa là phải vâng theo lời Ngài, phải thực hiện lời Ngài trong cuộc sống vì ngài đã nói rõ: “Nếu ai yêu mến Thầy thì sẽ vâng giữ lời Thầy” (Ga 14,23).

  Chữ “nếu” đây không phải là một việc làm tuỳ nghi nhưng là một điều kiện thiết yếu, một điều kiện mà tiếng La tinh gọi là “conditio sine qua non”, không có không được. Từ ngữ “nếu” đây liên kết hai vế của “yêu Chúa” và “giữ lời Ngài”, hễ không có vế này thì không có vế kia. Giữ lời hay giữ giới răn không phải là một loạt những điều Tuỳ nghi trong nhiệt tình tình yêu của chúng ta hướng về Chúa Kitô. Đây thậm chí không phải là một điều logic: nếu tôi yêu mến Chúa Kitô, tôi phải giữ các giới răn của Ngài. Tiếng “nếu” liên kết chặt chẽ hơn lòng chúng ta yêu mến Chúa Giêsu với cách ăn ở của chúng ta trong cuộc sống: tôi chỉ yêu thương khi tôi vâng lời Ngài, bởi vì tình yêu thực sự, cụ thể của tôi chính là đều mà tôi làm. Nhưng thất bại của chúng ta có nguồn gốc tại đây: từ chối hiểu rằng tình yêu không phải là một từ, một giấc mơ, cũng như một nhịp đập của tim, mà là một cách cư xử (André Sève, Tin mừng Chúa nhật, năm A, tr 164).

  Tình yêu phải thể hiện ra bằng việc làm cụ thể, chính việc làm ấy mới bảo đảm cho tình yêu thật. Nếu yêu mà không thể hiện bằng hành động thì tình yêu chỉ ở trên đầu môi chót lưỡi, hay chỉ là một cảm xúc nhất thời. Hành động đó phải được thể hiện ra trước mặt người yêu để người ấy vui lòng, và hành động theo ý người mình yêu ngay cả khi người ấy không có mặt. Nếu không người ta sẽ nói:

Thương thương nhớ nhớ thương thương,
Nước kia muốn chảy mà mương chẳng đào (Ca dao)

  Trong cuốn sách The Living Stone có một câu truyện như sau: Jonathan làm được những việc phi thường, phần lớn vì hấp thụ được từ vị thầy khả kính. Ngày vị thầy này sắp lìa trần, ông cho gọi Jonathan trở về để gặp thầy lần cuối. Jonathan hy vọng thầy sẽ truyền cho bí quyết đặc biệt mà suốt đời thầy còn cất giữ. Nhưng lời trăn trối cuối cùng của ông chỉ vỏn vẹn mấy chữ: “Hãy hành động vì lòng mến”.

  Trong Tin mừng mà Giáo hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, Đức Giêsu trước khi giã biệt các môn đệ, Ngài cũng nhắn nhủ các ông về điều căn bản của lòng mến: “Ai nghe và vâng giữ giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy”. Đức Giêsu không đòi những kẻ yêu mến Ngài phải có những rung động thuộc cảm tính, dù rằng đó cũng là điều quí giá cho phép chúng ta tin tưởng rằng chúng ta đang yêu mến Chúa. Tuy nhiên một tình yêu đúng nghĩa là luôn tìm cách làm đẹp lòng người yêu, sẵn sàng cho đi tất cả, chứ không dừng lại ở những rung cảm của thân xác phần nào nói lên tính vị kỷ của mình (Mỗi ngày một tin vui, Phục sinh, tr 253).

  Với thánh Gioan, chỉ có một cách để trắc nghiệm tình yêu thương là sự vâng lời. Đức Giêsu đã chứng minh Ngài yêu Chúa Cha bằng sự vâng lời. Ông Barett nói: “Thánh Gioan chẳng bao giờ cho phép biến tình yêu thành một thứ cảm xúc. Tình yêu được bộc lộ dưới tính cách đạo đức, bày tỏ ra bằng sự vâng lời”.

  Chúng ta biết nhiều người chỉ yêu thương qua đầu môi chót lưỡi, đồng thời lại làm cho những người họ yêu phải đau đớn, khổ tâm. Có những thanh thiếu niên bảo chúng yêu thương cha mẹ, nhưng lại gây buồn khổ, lo âu cho cha mẹ. Có những ông chồng bảo yêu vợ, có những bà vợ bảo yêu chồng, nhưng lại hay cộc cằn, gắt gỏng, thô lỗ, nhỏ nhen, vô tâm vô tính, làm cho chồng hay vợ mình phải đau khổ. Với Đức Giêsu, tình yêu thương chân thật không phải là điều dễ dàng, tình yêu chân thật chỉ có thể chứng minh bằng “sự vâng lời chân thật”.

2. Hành động như thế nào?

  Một người nọ đã từng trông thấy một thiên thần đi bộ xuống phố, tay cầm bó đuốc, tay kia cầm xô nước. Người ấy liền hỏi: “Ngài làm gì với bó đuốc và xô nước vậy?” Vị thiên thần đột ngột đứng lại nhìn vào người ấy nói: “Ta sẽ thiêu rụi các tòa nhà trên trời bằng bó đuốc và sẽ dập tắt lửa hỏa ngục bằng xô nước. Lúc đó chúng ta sẽ thấy được ai là kẻ thực sự yêu mến Thiên Chúa”.

  Chủ ý của vị thiên thần muốn nói là nhiều người vâng theo lệnh Chúa là vì sợ hoả ngục hoặc vì hy vọng phần thưởng Nước trời. Họ không giữ huấn lệnh ấy vì yêu thương như Đức Giêsu đã nêu ra trong Tin mừng hôm nay: “Nếu các con yêu mến Thầy, các con sẽ vâng giữ lời Thầy”.

  Có hai loại tình yêu: tình yêu vô vị lợi hay vị tha và tình yêu vị lợi hay vị kỷ.

a) Tình yêu vô vị lợi

  Đây là thứ tình yêu vị tha, một thứ tình yêu chỉ biết cho đi, chỉ lo tìm hạnh phúc cho người yêu, tình yêu không so đo tính toán, tình yêu quảng đại; và tình yêu vị tha lên đến chóp đỉnh là sẵn sàng chết cho người mình yêu như Chúa Giêsu đã nói: “Không có tình yêu nào lớn bằng tình yêu của người chết cho người yêu” (Ga 15,13). Tình yêu này là tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người và đã được thực hiện nơi Đức Giêsu chịu treo trên thập giá.

  Người đời cũng nói lên được một phần nào thứ tình yêu vô vị lợi ấy:

Yêu anh cốt rũ xương tàn,
Yêu anh đến thác vẫn còn yêu anh.

hoặc:

Yêu nhau mỗi thứ mỗi cho,
Ghét nhau thì mảnh quạt mo cũng đòi. (Ca dao)

Truyện: Cha Maximilien Kolbe

  Cha Maximilien Kolbe làm gương cho chúng ta về cung cách sống của người môn đệ Chúa: Một buổi sáng cuối tháng 7 năm 1941 tại trại tập trung Auschwitz của Đức quốc xã, có một người vượt ngục, 10 người khác bị xử thay vào. Các nạn nhân run rẩy bước ra, đứng không vững, khiếp đảm, không dám kêu la, trừ một người kêu ré lên “Ôi vợ và các con tôi”.

  Hàng trăm dẫy tù nhân xếp hàng dài im thin thít, hú hồn vì chưa phải tên mình, không một ai dám cựa quậy. Bỗng từ dãy tù nhân bên trái, một người gầy guộc rời hàng bước về phía viên trưởng trại. Mọi người nín thở: chuyện chưa từng có! Viên trưởng trại đặt tay lên súng:

 - Anh muốn gì? - Tôi muốn chết thay một người trong bọn họ.

  Viên trưởng trại sửng sốt. Y tưởng mình nghe lầm. Nhưng không, người kia thực sự xin được chết thay cho người có vợ và các con đang đợi ở nhà. Sau mấy câu gượng gạo, viên trưởng trại nhượng bộ, chấp nhận lời yêu cầu. Kẻ tình nguyện đó chính là Maximilien Kolbe, một linh mục công giáo. Cha đã được Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II phong thánh ngày 10.10.1982 tại Rôma.

b) Tình yêu vị lợi (vị kỷ)

  Đây là thứ tình yêu trá hình. Đối tượng của tình yêu không phải là người được yêu mà là chính mình. Người yêu chỉ lợi dụng người được yêu để tìm lợi ích cho mình, cho hạnh phúc của riêng mình; còn người được yêu chỉ là phương tiện được dùng để người yêu khai thác. Tình yêu trá hình này đã được nhà thơ ngụ ngôn La Fontaine diễn tả trong câu truyện con cáo và con cọp.

  Câu truyện đó là con cáo không may bị rơi xuống hố sâu, không cách nào lên được. May thay, một con cọp đi qua, con cáo xin cứu đưa lên. Con cọp tỏ ra thương hại muốn cứu vớt nhưng với điều kiện: khi lên bờ cáo phải chịu cho cọp ăn thịt. Cáo đồng ý. Cọp nhảy xuống hố. Cáo nhảy lên lưng cọp và nhảy ngay lên bờ, biến mất. Cọp lên bờ buồn rầu than: “Chị đã thương em đến thế mà em không biết ơn”.

  Như vậy cọp đâu có thương con cáo, chỉ biết thương mình thôi, đã thương sao lại còn đòi ăn thịt cáo? Con người chúng ta đôi lúc cũng vậy. Nhiều khi việc làm của chúng ta có vẻ lo cho người khác, nhằm ích lợi cho người khác, tạo hạnh phúc cho họ, nhưng trong thực tế, họ chỉ có một tình yêu giả tạo. Tình yêu đó được người ta gói ghém trong câu ca dao:

Thương thay những kẻ quạt mồ,
Hại thay những kẻ lấy vồ đập săng (Ca dao)

3. Thái độ của ta đối với Chúa

  Nếu thánh Giacôbê nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” thì chúng ta cũng có thể nói được: tình yêu mà không được thể hiện ra bằng hành động cụ thể thì chỉ là thứ tình yêu trên mây gió, một tình yêu èo uột, một tình cảm phớt qua, có khi là một tình yêu trá hình, giả tạo. Tình yêu chân thật đòi hỏi hy sinh như Pierre l’Ermite nói: “Nếu biết tình yêu có chân thật hay không, hãy bỏ tình yêu vào máy ép, nếu nó tiết ra chất hy sinh vô vị lợi, đó là tình yêu thật”.

  Thánh Gioan tông đồ nói: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã phó mạng vì chúng ta” (1Ga 3,16). Nếu yêu là hy sinh, mà giữ luật Chúa là hy sinh, thì yêu là giữ luật Chúa. Tam đoạn luận này rất chặt chẽ, nó nối kết giữa việc yêu Chúa và giữ luật Chúa lại với nhau.

  Vậy giữ giới răn Chúa là gì? Giữ giới răn Chúa, nói nôm na ra là giữ đạo, là sống đạo, sống nhân đức tin mà Chúa ban cho chúng ta ngày chịu phép Rửa tội. Chúa nhắc lại đến hai lần: “Nếu các con yêu mến Thầy, các con hãy giữ giới răn của Thầy”, và sau đó Ngài thêm: “Các con là bạn hữu của Thầy nếu các con thực hành điều Thầy truyền dạy”.

  Qua lời mời của Chúa, chúng ta thấy rằng giữ giới răn, sống đạo, có thể có hai tâm trạng và hai thái độ: một là giữ đạo vì vụ lợi, giữ đạo cho có lệ gọi là có; hai là giữ đạo vì yêu mến Chúa... Chắc chắn ai cũng giữ đạo vì yêu Chúa, yêu Chúa là chính, còn các mục tiêu khác chỉ là phụ tùy. Đối với từng người, tình yêu đối với Chúa cũng có cấp độ nên việc giữ giới răn cũng có cấp độ. Ta tạm chia thành ba cấp:

* Một là có đạo: Những người đã được chịu phép rửa tội đều được gọi là có đạo, vì họ đã được thanh tẩy, đã được gia nhập Hội thánh Chúa. Nhưng họ sống hời hợt, chỉ có danh nghĩa là Kitô hữu, còn cuộc sống của họ nhiều khi như người ngoại đạo, thậm chí tệ hơn nữa, họ sống như người vô thần. Có những người chỉ đến nhà thờ 3 lần trong đời họ: ngày chịu phép rửa tội, ngày lễ hôn phối và ngày lễ an táng.

* Hai là giữ đạo: Những người này là những Kitô hữu bình thường, giữ luật Chúa, thi hành các bổn phận của một người Kitô hữu như đọc kinh, dự lễ, xưng tội rước lễ, ăn chay kiêng thịt... không có gì đáng trách trong việc giữ đạo... Nhưng họ chỉ sống theo mức bình thường, mức tối thiểu, chưa vươn lên cao hơn.

* Ba là sống đạo: Những người này là những người sống trọn nhiệm vụ của những người Kitô hữu bình thường, nhưng họ còn vươn lên cao hơn, cuộc sống của họ là chứng nhân, những hiện thân của Chúa Kitô. Họ xứng đáng được gọi là Alter Christus. Cuộc sống của họ đã trở nên muối và ánh sáng cho đời. Họ thực hiện lời Chúa Giêsu đã phán: “Sự sáng của các con phải chiếu toả ra chung quanh để người ta trông thấy việc lành các con làm mà phải ngợi khen Cha các con ở trên trời”.

Suy niệm 4 (song ngữ)

6th Sunday of Easter
Reading I: Acts 8:5-8,14-17
Reading II: 1Peter 3:15-18

Chúa Nhật 6 Mùa Phục Sinh
Bài Đọc I: Cv 8,5-8.14-17
Bài Đọc II: 1 Pr 3,15-18

Gospel
John 14:15-21

15 Jesus said to his disciples: “If you love me, you will keep my commandments.
16 And I will ask the Father, and he will give you another Advocate to be with you always,
17 the Spirit of truth, whom the world cannot accept, because it neither sees nor knows him. But you know him, because he remains with you, and will be in you.
18 I will not leave you orphans; I will come to you.
19 In a little while the world will no longer see me, but you will see me, because I live and you will live.
20 On that day you will realize that I am in my Father and you are in me and I in you.
21 Whoever has my commandments and observes them is the one who loves me. And whoever loves me will be loved by my Father, and I will love him and reveal myself to him”.

Phúc Âm
Gioan 14,15-21

15 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy.
16 Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi.
17 Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con.
18 Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con.
19 Một ít nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần các con, các con thấy Thầy vì Thầy sống và các con cũng sẽ sống.
20 Trong ngày đó, các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con.
21 Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy. Và ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu nó, và sẽ tỏ mình ra cho nó".

Interesting Details

  • This passage is the conclusion of Jesus' response to Philip's request: “Show us the Father”. The beginning (v.15) “love me, keep my commandments" and the end (v.21) “keep my commandments, love me" repeat the same idea but in reverse.
  • A Counselor/Advocate/Paraclete (v.16) can mean a spokesman, a mediator, an intercessor, a comforter, a consoler or a helper. Another permanent Counselor is in contrast with Jesus' departure. The Counselor may be seen as continuing the functions of Jesus' earthly ministry for the disciples.
  • The Spirit of Truth (v.17) is a moral force put into a person by God, as opposed to the spirit of perversity (Jn 8:44).
  • "I live, you will live also" (v.19) refers to living through Jesus, it appears in connection with the eucharistic formula as described in Jn 6:56.
  • "In that day" (v.20) refers to the whole period after Jesus' resurrection.

Chi Tiết Hay

  • Đoạn Phúc Âm này là phần kết luận khi Chúa Giêsu trả lời câu hỏi của Philiphê: “Xin tỏ cho con thấy Chúa Cha”. Câu đầu (c.15) “yêu mến Thầy, giữ điều răn của Thầy" và câu cuối (c.21) “giữ điều răn của Thầy, yêu mến Thầy" lập lại cùng một ý nhưng lời đảo ngược.
  • Đấng Bảo Trợ (c.16) còn có nghĩa là đấng an ủi, đấng hòa giải, đấng chuyển cầu, đấng giúp đỡ, người bào chữa, người bênh vực. Ở đây, một Đấng Bảo Trợ khác và vĩnh viễn tương phản với sự ra đi của Chúa Giêsu. Đấng Bảo Trợ tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu ở thế gian qua các môn đệ.
  • Linh Khí Sự Thật (c.17) là sức mạnh của luân lý mà Chúa đã ban cho mỗi người, trái ngược với sự gian dối (Gioan 8:44).
  • "Thầy sống và anh em cũng được sống" (c.19) nói lên sự cùng sống với Chúa Giêsu liên kết qua phép Thánh Thể (Gioan 6:56).
  • "Ngày đó" (c.20) ám chỉ cả thời gian sau khi Chúa sống lại.

One Main Point

Jesus promises to the believers of his continuing presence through a Counselor, the Spirit of Truth and the Holy Spirit (v.26 later). The world will not know this gift and will oppose to its existence. The reward is for those who love Jesus and keep his commandments of loving one another.

Một Điểm Chính

Chúa Giêsu hứa cùng những kẻ tin là Người sẽ tiếp tục hiện diện qua Đấng Bảo Trợ, qua Thần Khí Sự Thật và trong Thánh Thần (c. 26 kế tiếp). Thế gian sẽ không nhận biết món quà này và sẽ chống lại sự hiện hữu của nó. Phần thưởng chỉ dành cho những ai yêu Chúa và giữ giới răn của Người là thương yêu lẫn nhau.

Reflections

  1. Have I ever felt the presence of Jesus living in me ? How do I recognize and react to his presence ?
  2. What are the forces that still keep me lying instead of always telling the truth ?
  3. If I am an orphan, how do I feel ? What do I need the most ? What should I do ?

Suy Niệm

  1. Có khi nào tôi cảm nhận được Chúa sống thật trong tôi không ? Làm thế nào tôi nhận ra sự sống ấy và phản ứng của tôi lúc ấy ra sao ?
  2. Lý do gì làm tôi tiếp tục gian dối thay vì luôn luôn nói sự thật ?
  3. Nếu tôi mồ côi, tôi cảm thấy thế nào ? Lúc ấy tôi cần gì nhất ? Và tôi phải làm gì ?

Top