Chúa nhật Lễ Chúa Hiển Linh (Mt 2,1-12)
“Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông,
nên chúng tôi đến bái lạy Người”. (Mt 2,2)
BÀI ĐỌC I: Is 60, 1-6
“Vinh quang Chúa xuất hiện trên ngươi”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi.
Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi.
Hãy ngước mắt lên chung quanh, và hãy nhìn coi: tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến với ngươi; các con trai của ngươi tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng dậy từ khắp bên hông.
Bấy giờ ngươi sẽ nhìn coi, và ngươi trở nên rực rỡ, tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng lên. Bởi vì những kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay ngươi. Những con lạc đà tràn ngập vây phủ lấy ngươi, những lạc đà một bướu tự xứ Mađian và Epha; tất cả những ai từ Saba đi tới, đem theo vàng và nhũ hương, và họ sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 71, 2. 7-8. 10-11a. 12-13
Đáp: Lạy Chúa, mọi dân tộc trên địa cầu đều thờ lạy Chúa (x. c. 11b).
Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. - Đáp.
Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người, cho đến khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất. - Đáp.
Vì người sẽ giải thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống kẻ cùng khổ. - Đáp.
Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: Ep 3, 2-3a. 5-6
“Bây giờ được tỏ ra rằng các dân ngoại được đồng thừa tự lời hứa”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, (chắc) anh em đã nghe biết rằng: Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho các thánh Tông đồ của Người, và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô.
Đó là lời Chúa.
Tin mừng: Mt 2, 1-12
1 Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, 2 và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.”
3 Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. 4 Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu.
5 Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: 6 ‘Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.”
7 Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. 8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.”
9 Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. 10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng.
11 Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và một dược mà dâng tiến.
12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Các vị đạo sĩ chân thành tìm kiếm vị cứu tinh và đã gặp được Ngài. Muốn gặp được Chúa trong cuộc sống, mỗi người chúng ta cần theo gương các đạo sĩ: thành tâm, kiên trì, quả cảm, bỏ ý riêng và tư lợi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, vua Hêrôđê và những người thuộc lòng Kinh Thánh trong đền vua đã không nhận biết Chúa là Đấng cứu tinh. Trong khi đó, thật vinh dự và an ủi cho các đạo sĩ: họ chân thành đi tìm Chúa và họ đã gặp được Chúa. Con chiêm ngắm các nhà đạo sĩ trên đường đến với Chúa: họ đã hy sinh tất cả. Họ chẳng quản vất vả. Họ không thỏa mãn với địa vị đang có. Họ không kiêu căng tự mãn với cuộc sống. Họ không sống ích kỷ. Họ chân thành tìm Chúa để thờ lạy Chúa. Họ không hề có một ác ý nào trong việc tìm Chúa. Con trông thấy các đạo sĩ đang rong đuổi cách trung thành theo ánh sao trời để tìm Chúa. Con nhận ra các đạo sĩ đang vâng lời tuyệt đối. Họ đi con đường ngôi sao dẫn họ. Có lúc lý trí cũng soi dẫn họ: họ nghĩ Chúa phải sinh ra trong hoàng cung. Nhưng làm theo lý trí, họ đã không tìm ra Chúa. Họ phải nhờ Thánh Kinh để nhận ra Chúa.
Lạy Chúa, cuộc đời con cũng là cuộc hành trình tìm Chúa. Ánh sáng Chúa vẫn dẫn con mỗi ngày mỗi đêm. Đó chính là những lời dạy dỗ của Chúa trong Kinh Thánh. Chúa đang dẫn con từng bước qua lời dạy dỗ của Giáo Hội như ánh sao đặc biệt. Các đạo sĩ đã nhận ra Chúa vì họ đã nỗ lực tìm Chúa. Con cũng thế, con quyết tâm nỗ lực ngày đêm tìm Chúa. Con cũng muốn như các đạo sĩ quên mình và bất chấp mọi khó khăn đến với Chúa trong Bí tích Thánh Thể. Con quyết tâm cố gắng mỗi ngày nhận ra Chúa nơi anh em con, nhất là nơi những người nghèo đói bệnh tật. Đây không phải là chuyện dễ, Chúa ơi. Xin Chúa Hài Đồng giúp con. Con sợ lòng kiêu căng và sự tự mãn làm con mù quáng và không gặp được Chúa như vua Hêrôđê và các nhà thông thạo Kinh Thánh, nhưng con chân thành chạy đến với Chúa. Xin Chúa giúp con. Amen.
Ghi nhớ: “Chúng tôi từ phương Ðông đến thờ lạy Ðức Vua”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Đoạn này được viết theo văn thể Midrash, tức là vận dụng nhiều chi tiết (kể cả những chi tiết hoang đường) để giúp người đọc (nhất là độc giả bình dân) hiểu được ý nghĩa sâu sắc của một đoạn hay một câu Sách Thánh.
Thánh Matthêu (Mt) đã dùng hình ảnh ngôi sao lạ mọc lên phía trời Tây (phía Tây của miền Lưỡng Hà, vùng ngoại giáo), và cuộc hành trình tìm kiếm của các đạo sĩ phương Đông, để trình bày Chúa Giêsu chính là ngôi sao cứu tinh của nhân loại, theo lời tiên báo của Balaam trong sách Dân Số: “Một ngôi sao mọc lên từ nhà Giacóp, một vương trượng nổi dậy từ nhà Israel” (Ds 24,17)
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. Mặc dù thánh Mt viết Tin Mừng cho độc giả do thái, nhưng ngay từ đầu tác phẩm, ngài đã trình bày Chúa Giêsu là Đấng Cứu tinh cho muôn dân, Ngài đã tỏ mình ra cho lương dân.
2. Các đạo sĩ đại diện cho những người thành tâm thiện chí: họ đang theo một tín ngưỡng khác, họ mê tín (đạo sĩ), nhưng họ vẫn luôn kiếm tìm (nhìn ngắm sao trời), khi thấy dấu lạ, họ đã kiên trì đi theo, họ dọ hỏi, cuối cùng họ đã gặp được Chúa Giêsu và họ dâng cho Ngài những thứ quý giá nhất.
3. Một chủ đề khác cũng được Mt ngầm trình bày trong đoạn này là: ngay từ khi Chúa Giêsu mới sinh ra, Ngài đã bị dân mình từ chối: “Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao”. Chữ “xôn xao” có ngữ căn là chữ “seismos”, một chữ được Thánh Kinh dùng cho những thế lực chống đối Chúa Giêsu.
4. Hành trình tìm kiếm Chúa của lương dân gặp nhiều khó khăn, ngăn trở và kể cả hiểm nguy (đường xa, đất lạ, bị Hêrôđê gạt gẫm, sinh mạng bị đe dọa). Nhưng họ được trợ lực và hướng dẫn bởi một ngôi sao. Thánh Phaolô, vị tông đồ truyền giáo, đã hiểu ngôi sao ấy là cuộc sống tốt đẹp của Kitô hữu “Giữa thế hệ đó, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Philipphê 2,15)
5. Huyền thoại về cây nến nhỏ: Một buổi tối, một người cầm cây nến nhỏ leo lên một chiếc cầu thang.
- Chúng ta đi đâu thế ? Cây nến nhỏ hỏi.
- Ta lên sân thượng để soi đường cho thuyền bè vào bến.
- Nhưng tôi quá nhỏ bé, thuyền bè nào mà thấy được ánh sáng của tôi ?
- Chỉ cần ngươi cố gắng chiếu sáng. Mọi việc khác để ta liệu - Con người trả lời.
Khi họ đã leo lên sân thượng thì thấy ở đó có sẵn một chiếc đèn lồng lớn. Người ấy cầm ngọn nến châm vào ngọn đèn. Một luồng sáng lớn bùng lên, tỏa rộng chung quanh, ánh sáng lan đến tận biển khơi.
Chúng ta là những cây nến nhỏ trong tay Chúa. Sứ mạng của ta chỉ là chiếu sáng. Còn kết quả thế nào là hoàn toàn tùy Ngài. (Purnell Bailey).
6. “Trông thấy ngôi sao, các nhà chiêm tinh mừng rỡ vô cùng” (Mt 2,10)
Chuyện kể rằng: đêm trước lễ Noel, một cô bé nghèo muốn dành hết số tiền ít ỏi của mình để mua cho chị một chuỗi ngọc lam quý giá. Số tiến quá ít, không đủ, nhưng tình yêu của cô bé thật tuyệt vời! Nó như một ánh sao làm bừng lên niềm tin yêu cuộc sống cho anh bán hàng đang tuyệt vọng khổ đau.
Noel năm nay, tôi ước trên máng cỏ: đời mình vẫn luôn có một ngôi sao lung linh, lấp lánh.
Cầu nguyện: Chúa Hài Đồng ơi, xin lớn lên trong lòng con, để cả cộc đời con ngời lên ánh sao của Chúa. (Epphata)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
HÃY LÀ ÁNH SAO NHỎ
A. DẪN NHẬP
Lễ Giáng Sinh và lễ Hiển Linh có những điểm giống nhau: lễ Giáng Sinh là lễ Chúa tỏ mình ra cho dân Do thái qua các mục đồng; còn lễ Hiển Linh Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại qua các vị đạo sĩ là đại diện. Thánh Phaolô cho tín hữu Êphêsô biết rằng Thiên Chúa mới mạc khải “mầu nhiệm” được giữ kín từ lâu. Mầu nhiệm ấy là hết mọi dân tộc trên địa cầu đều được kêu mời hưởng nhờ ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô.
Những bài học của ngày lễ hôm nay thôi thúc chúng ta hãy trở thành những người nhiệt tâm thâu họp muôn dân về với Đức Kitô, không phân biệt màu da, chủng tộc hay văn hoá, hầu tạo thành dân Thiên Chúa mà thánh Phaolô gọi là “Thân Thể của Chúa”.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Is 60,1-6
Dân Israel phải đi lưu đày ở Babylon 70 năm. Mặc dầu đang sống trong cảnh lưu đày, tiên tri Isaia đã mơ thấy ngày hồi hương. Thành thánh được tái thiết, Đền thờ được xây dựng lại, mọi dân tộc từng đoàn lũ tiến về ánh sáng rực rỡ trên thành. Trong khi cả trái đất chìm ngập trong tăm tối, thì Giêrusalem lại bừng sáng, nơi thu hút muôn dân, vì có Chúa là ánh sáng đang ngự đó.
Đây là mơ ước của tiên tri Isaia, nhưng Giêrusalem đâu có được đúng như Isaia mơ ước. Giêrusalem đích thực, chính là Hội thánh được Đức Giêsu thiết lập. Mọi dân tộc trên địa cầu sẽ thâu họp lại bởi Hội thánh và trong Hội thánh để trở thành Dân Thiên Chúa.
+ Bài đọc 2: Ep 3,2-6
Trong đoạn thư thánh Phaolô gửi cho tín hữu Êphêsô, Ngài cho biết Thiên Chúa uỷ thác cho Ngài loan báo cho họ biết một mầu nhiệm đã được giữ kín từ lâu mà nay Thiên Chúa đã dùng Thần Khí mà mạc khải cho các Tông đồ và ngôn sứ của Ngài. Mầu nhiệm đó là: hết mọi dân trên địa cầu đều được kêu mời hưởng nhờ ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô.
Chính Đức Kitô đã mặc khải mầu nhiệm sâu kín đó cho các môn đệ và trao cho các ông loan báo cho toàn thế giới biết. Kể từ đó, mọi dân nước đều được mời gọi trở thành Dân Thiên Chúa mà thánh Phaolô gọi là: “Thân thể của Chúa”.
+ Bài Tin mừng: Mt 2,1-12
Thánh Matthêu cho chúng ta biết: Khi Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem, miền Giuđê, có mấy vị chiêm tinh đi tìm Đấng Cứu Thế qua sự xuất hiện của ngôi sao lạ. Nhiều người gọi những nhà chiêm tinh này là những “đạo sĩ”. Các “đạo sĩ” là những nhà trí thức ở vùng Babylon, phía đông xứ Palestine. Họ tin tưởng rằng, ngôi sao lạ là điềm báo một Đấng Cứu tinh đã sinh ra, họ đã đi theo ánh sao chỉ dẫn và tìm đến Đấng Cứu thế mà dân Do thái đang mong chờ.
Trên đường đi tìm Chúa Hài Nhi họ không khỏi gặp những gian lao thử thách, nhất là lúc ngôi sao vụt tắt khi các ông đến Giêrusalem. Nhưng nhờ sự kiên trì và can đảm, ánh sao đã xuất hiện lại và đã dẫn họ đến chiêm bái Chúa Cứu thế.
Như thế, những người ngoại quốc từ thế giới ngoại giáo đã khám phá ra Đức Kitô, trong khi những người Do thái, tuy đã được các tiên tri báo trước, vẫn có thái độ dửng dưng hiềm thù và từ chối Đấng Cứu thế. Như thế, qua ánh sao lạ, Chúa Hài nhi đã tỏ mình ra cho đại diện lương dân.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Sức mạnh của một cây nến
I. HAI NGÀY LỄ SONG SONG
Hiện nay trong nhiều quốc gia, lễ Hiển Linh được mừng long trọng hơn lễ Giáng Sinh. Sở dĩ như thế là vì lễ Hiển linh là lễ Chúa Giêsu xuống thế và tỏ mình ra với dân ngoại. Sự che giấu đã được thổ lộ, sự gì ẩn khuất đã được trình bày. Lễ Giáng Sinh và lễ Hiển Linh là hai lễ song song. Cũng như lễ Giáng Sinh mừng Đức Giêsu tỏ mình ra đặc biệt với những người Do thái, thì lễ Hiển Linh mừng việc Đức Giêsu tỏ mình ra đặc biệt đối với dân ngoại. Vì thế, lễ này được gọi là “Lễ của Chư Dân”.
Ngày xưa, Chúa đã tỏ mình ra cho dân ngoại, ngày nay Chúa còn hiển linh cho chúng ta không ? Chắc chắn là còn, nhưng bằng những cách khác nhau và đơn sơ hơn qua những dấu chỉ thông thường trong cuộc sống hằng ngày. Chỉ cần có đức tin mới nhìn thấy chân lý, mới có được thái độ của ba nhà đạo sĩ là phủ phục thờ lạy và tiến dâng của lễ cho Chúa Hài Nhi.
II. CÁC ĐẠO SĨ ĐI TÌM CHÚA
1. Các “đạo sĩ” là ai ?
Người ta cho rằng các “đạo sĩ” (magi) là những nhà trí thức ở vùng Babylon phía Đông xứ Palestine. Có người lại cho rằng “đạo sĩ” là tên gọi các Tư tế Ba tư, nhưng thời kỳ bị Hy lạp đô hộ, đạo sĩ là tên gọi những người Đông phương hiểu biết khoa chiêm tinh. Dựa theo lễ vật, người ta đoán có ba đạo sĩ đến gặp Hài nhi.
Đối với chúng ta, dường như việc các đạo sĩ từ Đông phương lên đường đi tìm vua là một việc khác thường. Nhưng thật lạ lùng, ngay lúc Chúa Giêsu Giáng sinh, trong thế giới bấy giờ cũng có những sự ngưỡng vọng kỳ lạ về một vị vua sẽ đến. Về điều này sử gia Suetonus của La mã đã viết: “Khắp Đông phương có một niềm tin phổ thông rằng vào thời đó, nhất định có người từ Giuđa đến cai trị thế gian”.
Còn Josephus, sử gia Do thái viết: “Chúng ta không nên nghĩ rằng câu chuyện các Magi đến nơi máng cỏ chỉ là một huyền thoại dễ thương, nhưng chính đó đã là biến cố đã xảy ra trong thế giới cổ. Khi Chúa Giêsu đến thì thế gian đang tha thiết trông đợi. Loài người thật đang trông chờ Thiên Chúa, sự khát khao Thiên Chúa nung nấu lòng người. Họ đã khám phá ra rằng mình không thể tạo được thời đại hoàng kim nếu không có Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã ngự đến một thế gian đang khắc khoải mong đợi và khi Ngài đến, con người từ những phương trời xa xôi nhất đã tề tựu quanh nôi Ngài. Đó là dấu hiệu và biểu tượng đầu tiên chinh phục thế giới của Chúa Giêsu”.
2. Trên đường đi tìm Chúa Hài Nhi
Nhà đại thiên văn Képler khám phá ra rằng vào năm Chúa Giáng Sinh, có một hiện tượng bất bình thường xảy ra giữa các vì sao. Ông nói về hai ngôi sao Jupiter và Saturn rằng: “Bình thường chúng vẫn quay cách đều nhau. Năm đó chúng quay sáp lại gần nhau đến độ ánh sáng của ngôi sao này cộng hưởng ánh sáng của ngôi sao kia, tạo ra một luồng sáng khác thường và kéo dài đến cả mấy tháng”. Phải chăng đó chính là ngôi sao lạ dẫn đường cho các đạo sĩ tìm ra Chúa Hài Nhi ?
“Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông” (Mt 2,2). Người xưa cho rằng ngày ra đời của một vĩ nhân thường được báo hiệu sự xuất hiện của các ngôi sao lớn. Các chiêm tinh gia thường nghiên cứu những chuyển động của các vì tinh tú để đoán biết định mệnh con người. Vì thế, khi nhìn thấy ngôi sao lạ, các đạo sĩ đã nhận ra sự sinh hạ của Đấng Cứu thế, vua dân Do thái (Carôlô, Sợi chỉ đỏ B, tr 96).
Nếu Thiên Chúa đã dùng cột mây cột lửa để hướng dẫn dân Do thái đi trong hoang địa về đất hứa, thì Ngài cũng có thể dùng ngôi sao dẫn đường cho các đạo sĩ đến Belem để gặp Đấng Cứu tinh. Tuy thế, trên bước đường đi tìm kiếm, các đạo sĩ cũng gặp khó khăn, thử thách, nhất là khi ngôi sao dẫn đường vụt tắt ở Giêrusalem. Nhưng Chúa lại thương cho ngôi sao xuất hiện để hướng dẫn các ông đi triều bái Chúa Hài Nhi.
3. Lễ vật dâng Chúa Hài Nhi
Khi ngôi sao dừng lại trên nhà Hài Nhi “các ông vào nhà, thấy Hài Nhi với Thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bao tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2,11-12).
Những lễ vật này đều có ý nghĩa tượng trưng.
a) Vàng: Ông Seneca cho biết chẳng ai vào chầu vua mà không có lễ vật. Ngày xưa người ta coi vàng là vua của mọi thứ kim loại xứng hợp với lễ vật con người dâng cho vua. Cũng vậy, Chúa Giêsu là người “sinh ra để làm vua”, nhưng không phải cai trị bằng vũ lực nhưng bằng tình yêu và phục vụ.
b) Nhũ hương: Ngày xưa, người ta dùng nhũ hương trong việc phụng tự và trong việc dâng lễ vật. Hương thơm và làn khói bay lên trời cao, khiến họ liên tưởng đến thần linh, đến Thiên Chúa. Vì thế, món quà bằng nhũ hương tượng trưng cho thần tính của Đức Giêsu. Chức vụ tư tế sẽ là mở đường cho loài người đến với Thiên Chúa.
c) Mộc dược: Ngày xưa, người ta dùng mộc dược để ướp xác người chết trước khi đem đi mai táng. Vì thế, món quà bằng mộc dược tượng trưng cho nhân tính của Đức Giêsu. Nó nói với chúng ta rằng Đức Giêsu cũng có những yếu đuối, mỏng dòn, dễ bị thương tổn vì Ngài là người như chúng ta.
III. LỄ HIỂN LINH VÀ CHÚNG TA
1. Cuộc hành trình đức tin
Cuộc hành trình của các đạo sĩ được xem là hình ảnh cuộc hành trình đức tin của chúng ta. Với một dấu hiệu không chắc chắn, không rõ rệt là ngôi sao, các ông đã lên đường tìm kiếm sự thật. Trong cuộc hành trình cũng có những bước thăng trầm: có khi con đường rất bằng phẳng êm ái, có khi lại quanh co gồ ghề, có lúc ánh sao sáng tỏ trên bầu trời, có lúc vụt biến mất. Nhưng miễn là người ta không nản lòng mà cứ kiên trì tiến bước thì cuối cùng người ta sẽ gặp được Chúa.
Nhưng đức tin của chúng ta phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Thánh Giacôbê đã nói: “Đức tin không có việc làm là một đức tin chết”. Nhiều khi chúng ta phải can trường lướt thắng bản thân, phải liên lỉ chiến đấu hy sinh, phải anh dũng biểu lộ lòng tin.
Đức hồng y Fulton Sheen khẳng định: “Để trắc nghiệm đức tin của chúng ta, cần phải xem phản ứng trước đau khổ và thử thách, chứ không phải là lúc đời lên hương, thuận buồm xuôi gió”.
Đức tin của chúng ta cần phải trổ sinh hoa trái bằng việc làm để mọi người có thể hiểu được thế nào là tình yêu mà chúng ta tin và có thể nhận ra khuôn mặt của Đấng mà chúng ta suy phục, tôn thờ.
2. Món quà dâng Chúa
Các đạo sĩ đã dâng cho Chúa Hài Nhi 3 lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược, lễ vật chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Những lễ vật này chỉ là dấu hiệu biểu lộ lòng ngưỡng mộ, tôn kính và yêu mến của họ đối với Chúa Hài Nhi, còn phía chúng ta, Chúa cần những lễ vật cao quí hơn, đó chính là tấm lòng chúng ta, cả con người chúng ta. Hãy dâng cho Chúa tất cả. Truyện: Vị đạo sĩ thứ tư
Văn sĩ Koergensen, người Đan mạch, đã nghĩ ra một câu chuyện minh hoạ cho thấy rõ điều đó. Ông đã tưởng tượng ra một vị đạo sĩ thứ tư. Vị này đến gặp Chúa Giêsu Hài đồng sau ba vị kia. Gặp Chúa, nhưng ông rất buồn vì không còn gì để dâng tặng cho Ngài.
Bởi vì trước khi lên đường, ông đem theo ba viên ngọc quí giá. Dọc đường, ông gặp một cụ già đói nghèo, ông tặng viên ngọc thứ nhất. Đi thêm một đoạn đường, ông gặp một toán lính đang làm nhục một cô gái. Ông lấy viên ngọc thứ hai thương lượng với chúng để chuộc cô gái. Cuối cùng, khi đến Belem, ông gặp một người lính do vua Hêrôđê sai đi để tàn sát các hài nhi, ông lấy viên ngọc thứ ba cho anh ta và thuyết phục anh ta từ bỏ hành động gian ác.
Đến khi gặp Chúa Hài đồng, ông chỉ còn hai bàn tay trắng. Ông bối rối kể lại cuộc hành trình của mình. Nhưng thật lạ lùng, Chúa Giêsu đưa hai tay ra và mỉm cười nói với ông: “Con đã dâng cho Ta món quà quí giá nhất. Nó không phải là vàng bạc châu báu, nhưng được dệt bằng những nghĩa cử đối với tha nhân”.
3. Hãy là một ánh sao
a) Hiển linh và truyền giáo
Lễ Hiển Linh là lễ Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại, nhắc chúng ta đến việc truyền giáo. Nhờ ngôi sao mà các đạo sĩ đã tìm ra Chúa Cứu thế; chúng ta cũng hãy là những ánh sao sáng thu hút những tâm hồn đang khao khát tìm kiếm Chúa.
Những gì được Đức Giêsu khởi sự trong thời của Ngài thì cũng phải được chúng ta tiếp tục trong thời của chúng ta. Nếu Đức Giêsu phải được rao giảng cho mọi dân mọi nước, thì việc rao giảng đó phải được thực hiện bằng chính những cố gắng của chúng ta. Chúng ta phải loan báo cho mọi dân tộc trên thế giới biết “Tin mừng” này là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã mặc lấy xác thịt và sống giữa chúng ta. Chúng ta phải nói cho họ biết rằng Đức Giêsu đã đi vào lịch sử, không phải chỉ để cứu độ người Do thái vào thời của Ngài, mà cứu độ tất cả mọi dân tộc, mọi quốc gia trong mọi thời đại nữa.
b) Hãy là ánh sáng trần gian
Chúa Giêsu đã bảo chúng ta: “Các con là ánh sáng trần gian” (Mt 5,14) thì đó là một vinh dự vô cùng lớn lao, nhưng cũng là một trách nhiệm nặng nề.
Nếu thế gian đang đi trong bóng tối của giả dối, hận thù, chúng ta hãy là những ánh sao chân thành, phục vụ và yêu thương.
Nếu thế gian đang chìm trong bóng tối của buồn phiền, thất vọng, chúng ta hãy là những ánh sao của niềm vui, an bình và hy vọng.
Chúng ta đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối, nhưng hãy dấn thân thắp lên những ngọn nến sáng: nến sáng của tin yêu và hy vọng, của bác ái và vị tha, để cả trái đất này tràn ngập ánh sáng tình yêu Chúa.
Truyện: Ánh sáng lan toả
Truyện cổ của người Phi châu có một câu chuyện rất hay:
Một cụ già nọ có ba người con trai, ông yêu thương tất cả các con như nhau. Tuy không xuất thân từ gia đình giàu có nhưng với sự khôn ngoan và cần cù làm việc, ông đã tậu được những mảnh đất rất phì nhiêu. Khi đã về già, biết mình đã gần đất xa trời, ông muốn để phần gia tài cho người con nào thông minh và khôn ngoan. Một hôm, đang trên giường bệnh, ông nghĩ ra một cách thử xem ai là người thông minh và khôn ngoan nhất. Ông gọi ba người con đến trao cho mỗi người 5 đồng và bảo họ đi mua bất cứ cái gì có thể làm đầy trong phòng khách gần như trống rỗng. Mỗi người nhận tiền rồi ra đi.
Người con trưởng nghĩ là việc quá dễ dàng nên ra chợ mua ngay một bó rơm với giá 5 đồng. Người con thứ hai sau một lúc suy nghĩ liền vào tiệm mua một túi lông gà với những màu sắc trông rất đẹp mắt. Còn người con út chậm rãi đi khắp các cửa tiệm vừa đi vừa suy nghĩ đắn đo. Một lúc sau mắt cậu sáng lên, cậu đã tìm ra vật vừa rẻ tiền lại vừa đẹp ý cha mình. Cậu bước vào một tiệm nhỏ bé và hỏi mua một cây nến với một bao diêm. Cậu sung sướng trở về nhà, trong lòng phân vân không biết hai anh đã mua những gì rồi.
Ngày hôm sau, cả ba người con đến bên giường của cha, mỗi người đem theo những gì đã mua được với 5 đồng. Người con cả đem bó rơm trải trên sàn nhà, nhưng chỉ đủ phủ kín một góc phòng mà thôi. Người con thứ mở túi lông gà nhiều màu sắc, nhưng cũng chỉ đủ rải rác qua loa. Người cha nhìn hai người con lớn với nét mặt buồn buồn, rồi ông quay sang hỏi người con út xem đã mua được cái gì khá hơn chăng ? Cậu bé rút ra cây nến với bao diêm. Bật diêm lên đốt, vừa đốt cây nến lên lập tức ánh sáng phủ đầy khắp căn phòng.
Cha với hai anh mỉm cười nhìn cậu sung sướng, cha cậu rất hài lòng với sự lựa chọn của cậu út. Ông chia phần gia tài lớn nhất cho cậu, bởi vì ông hiểu rằng cậu là người thông minh hơn cả, sẽ biết tận dụng gia tài để lại cho cậu.
Câu chuyện cổ của người Phi châu này giúp ta chúng ta nghĩ đến vai trò của ánh sáng. Chúa Giêsu là ánh sáng của chân lý, của sự thật để soi sáng những ai còn ngồi trong bóng tối u mê, của ngờ vực và của kém lòng tin. Đã là ánh sáng thì phải lan tỏa khắp nơi. Người tín hữu Kitô phải đem ánh sáng của chân lý, của sự thật để soi sáng những ai còn ngồi trong bóng tối u mê, của ngờ vực và của kém lòng tin. Hãy thắp lên một tia sáng tình thương đầy hy vọng cho những người chung quanh chúng ta.
c) Ít ra là một ngọn nến nhỏ
Nếu chúng ta thấy mình yếu đuối, kém cỏi làm sao có thể là ánh sáng chiếu tỏa và soi sáng cho những người chung quanh, thì ít ra chúng ta cố gắng trở thành một ngọn nến nhỏ soi sáng trong đêm tối. Ngọn nến nhỏ của chúng ta cứ việc chiếu sáng trong đêm tối, còn việc chiếu sáng đến mức nào, việc ấy ta để dành cho Chúa. Với sự trợ giúp của ơn Chúa, ngọn nến của đời ta sẽ có thể chiếu sáng rộng rãi.
Truyện: Sứ mệnh của một ngọn nến nhỏ
Vào một đêm mưa rào, ngọn đèn hải đăng bị mất điện tắt ngúm. Người phụ trách hải đăng vội vã đốt lên một cây nến nhỏ và cầm cây nến theo đường cầu thang leo lên sân thượng để đốt đèn lên. Bấy giờ cây nến mới lên tiếng hỏi người phụ trách rằng:
- Ông đem tôi đi đâu vậy ?
Ông ta trả lời:
- Ta mang nhà ngươi lên sân thượng để chiếu sáng giúp tàu bè từ ngoài khơi biết đường trở về và cập bến an toàn.
Cây nến lại nói:
- Nhưng tôi chỉ là cây nến nhỏ bé thế này thì tàu bè ở tận ngoài khơi làm sao nhìn thấy ánh sáng của tôi được ?
Người phụ trách trả lời:
- Bây giờ ta chỉ cần nhà ngươi đừng bị gió thổi tắt là được. Còn các chuyện khác thì đã có ta lo liệu.
Khi cả hai leo lên đến nơi, thì người phụ trách đã dùng cây nến châm lửa và trong giây lát ánh sáng từ cây đèn lồng rực lên chiếu toả ra chung quanh. Chiếc đèn lồng này đã được thiết kế để khi cần có thể sử dụng thay bóng đèn điện. Ánh sáng của nó có sức chiếu ra tận ngoài khơi, hầu giúp tàu bè dễ dàng định hướng để quay về cập bến an toàn.
Mỗi người chúng ta cũng là một cây nến nhỏ trong bàn tay Chúa quan phòng. Bổn phận của chúng ta là phải làm hết khả năng Chúa ban và phó thác kết quả vào trong tay Chúa định liệu.
Để kết thúc, chúng ta hãy suy nghĩ về câu nói của L. Éliot:
Nếu bạn không thể là ngôi sao sáng, thì hãy là ánh lửa non cao.
Nếu không thể là ánh lửa non cao, xin hãy làm ánh nến tỏa sáng trong gia đình.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Giáo lý năm thánh 2000 có viết: “Việc giáo dân tham dự và cùng có trách nhiệm trong cộng đồng Kitô hữu, cùng với nhiều hình thức tông đồ và phục vụ của họ trong xã hội, khiến chúng ta có lý mà hy vọng rằng, vào buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba, sẽ có một cuộc hiển linh trọn vẹn và tốt đẹp nơi thành phần giáo dân”.
4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)
NGÔI SAO ĐI TRƯỚC VÀ DỪNG LẠI
Tâm sự của ngôi sao.
Người ta hay gọi tôi là ngôi sao lạ.
Chúa cho tôi xuất hiện trên bầu trời cách đây hai ngàn năm.
Chúa trao cho tôi một sứ mạng đặc biệt,
đó là dẫn đường cho các nhà chiêm tinh ở vùng Ba-tư,
để họ đến gặp Đấng Cứu độ của dân Do-thái ở Israel.
Sự xuất hiện của tôi đã lôi kéo sự chú ý của họ.
Một vì sao mới xuất hiện rạng ngời rực rỡ
Được coi là dấu hiệu cho sự chào đời của một bậc đại vương.
Tôi là ngôi sao lạ được Thiên Chúa sử dụng.
Xin đừng hỏi làm sao tôi có thể dẫn các nhà chiêm tinh
đi trên đoạn đường cả ngàn cây số để đến đất Israel.
Khi đến thánh đô Giêrusalem thì tôi dừng lại, biến mất.
Tôi muốn họ có thời giờ để hỏi thăm và báo cho nhà vua.
Và khi vua Hêrôđê sai các nhà chiêm tinh đi Bêlem,
thì tôi lại xuất hiện, tiếp tục đi trước họ, dẫn đường,
Và tôi chỉ dừng lại khi đến tận căn nhà của Hài Nhi.
Như thế là nhiệm vụ của tôi đã hoàn tất.
Con người hôm nay hay hỏi xem tôi là ngôi sao gì mà lạ thế!
Đúng tôi là ngôi sao sáng trên trời cao,
nhưng ánh sáng của tôi thật ra không ở trên, mà ở trong,
chiếu soi và hướng dẫn tâm trí con người gặp Chúa.
Ai trong các bạn cũng có một ánh sao như thế trong lòng!
Chỉ để ý một chút là thấy ngay.
Tâm sự của Hêrôđê Cả, vị vua đang ở tại Giêrusalem.
Vào những năm cuối đời, tôi có nhiều nỗi sợ và hoang tưởng.
Tôi sợ mình sẽ không được tiếp tục làm vua.
Tôi muốn giết tất cả những ai có thể đụng đến ngai vàng của tôi.
Và thực sự tôi đã giết bà vợ người Do-thái và ba đứa con trai.
Hôm nay tôi vừa bối rối, vừa nổi giận,
khi có những nhà chiêm tinh đến từ vùng Ba-tư xa xôi
để nói về sự chào đời của một vị vua Do-thái mới sinh nào đó.
Nguy quá, như thế là ngai vàng của tôi bị đe dọa rồi.
Tôi muốn biết rõ vị vua ấy sinh ra ở đâu.
Các thượng tế và kinh sư đã cho tôi biết: đó là Bêlem.
Tôi đã giả vờ sai họ đi trước đến Bêlem,
để nhờ thông tin của họ, tôi có thể giết ngay vị vua mới sinh này.
Nhưng kế hoạch của tôi có thành không ?
Tâm sự của các nhà chiêm tinh dân ngoại.
Chúng tôi là những người có học thức cao, có chuyên môn.
Đối với chúng tôi, bầu trời như cuốn sách được mở ra.
Chúng tôi dễ dàng đọc thấy những điều thú vị trong đó.
Khi thấy ngôi sao lạ, chúng tôi quyết định lên đường, với lễ vật,
vì tin thế nào mình cũng gặp được một vị đại vương.
Bất chấp đường xa ngàn dặm, với bao hiểm nguy vất vả,
chúng tôi vẫn bị thôi thúc và háo hức tiến bước,
có ánh sao trên đầu dẫn lối, và ánh lửa trong tim chiếu soi.
Khi ngôi sao dừng ở Giêrusalem, chúng tôi tưởng đã đến nơi.
Nhưng cần có mặc khải của Kinh Thánh,
chúng tôi biết Bêlem mới là nơi mình phải đến.
Ngôi sao lại xuất hiện và dẫn đường khiến chúng tôi vui quá đỗi.
Thật ngỡ ngàng khi ngôi sao dừng lại ở một ngôi nhà đơn sơ,
không phải là hoàng cung cao sang với tiền hô hậu ủng.
Nơi đây có một người mẹ bên một Hài Nhi còn thơ dại.
Vì tin đây là Đấng mà ngôi sao đã dẫn đường chỉ cho,
chúng tôi sấp mình xuống, cung kính bái lạy, và dâng lễ vật.
Chúng tôi không chỉ tin đây là Đấng Cứu độ của người Do-thái,
mà còn tin đây là Đấng Cứu độ của cả thế giới.
Tâm sự của Thiên Chúa Cha.
Phải làm sao để mọi người nhận biết Con của mình được sai đến.
Cách đây hai ngàn năm, ngôi sao lạ đã mời gọi lôi cuốn dân Ba-tư.
Bây giờ phải tìm những dấu lạ mới, những ngôn ngữ mới, hấp dẫn,
để con người hôm nay đọc được, hiểu được, và tin vào Chúa Con.
Nhờ thông thạo khoa chiêm tinh mà người xưa gặp được Chúa Con,
ngày nay, mọi khoa học, mọi thứ hiểu biết,
phải là những con đường dẫn con người đến gặp Thiên Chúa.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
Xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được Chúa
đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
Thánh Têrêsa Calcutta
bài liên quan mới nhất
- Thứ Bảy tuần 18 Thường niên năm II (Mt 17,14-21)
-
Thứ Tư tuần 18 Thường niên năm II (Mt 15,21-28) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (Ga 8,1-11) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C - Hãy sám hối (Lc 13,1-9) -
Chúa nhật 2 mùa Chay năm C - Biến đổi (Lc 9,28b-36) -
Chúa nhật 1 mùa Chay năm C (Lc 4,1-13) -
Chúa nhật 8 Thường niên năm C (Lc 6,43-49) -
Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Chúa nhật 6 Thường niên năm C (Lc 6,17.20-26)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Sáu tuần thánh - Thương khó (Ga 18,1-19,42)
-
Thứ Bảy tuần thánh - Ngôi mộ trống (Mc 16,1-8) -
Thứ Năm tuần thánh (Ga 13,1-15) -
Thứ Tư Lễ Tro - Giữ chay và kiêng thịt (Mt 6,1-6.16-18) -
Chúa nhật 5 Thường niên năm A -
Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày) -
Chúa nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa năm A -
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa - Năm A -
Bài giảng lễ Mồng Hai Tết -
Ngày 22/07: thánh nữ Maria Mađalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18)