Chúa nhật VI Phục Sinh A
6th Sunday of Easter
Reading I: Acts 8:5-8,14-17 II: 1Peter 3:15-18
Chúa Nhật 6 Mùa Phục Sinh
Bài Đọc I: Công vụ 8:5-8,14-17 II: 1Pr 3:15-18
Gospel
John 14:15-21
15 "If you love me, you will keep my commandments.
16 And I will pray the Father, and he will give you another Counselor, to be with you for ever,
17 even the Spirit of truth, whom the world cannot receive, because it neither sees him nor knows him; you know him, for he dwells with you, and will be in you.
18 "I will not leave you desolate; I will come to you.
19 Yet a little while, and the world will see me no more, but you will see me; because I live, you will live also.
20 In that day you will know that I am in my Father, and you in me, and I in you.
21 He who has my commandments and keeps them, he it is who loves me; and he who loves me will be loved by my Father, and I will love him and manifest myself to him."
Phúc Âm
Gioan 14:15-21
15 "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.
16 Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến với anh em luôn mãi.
17 Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.
18 Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em.
19 Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng được sống.
20 Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.
21 Ai có và giữ các điều răn Thầy, người ấy mới là kẻ yêu Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy."
Interesting Details
• This passage is the conclusion of Jesus' response to Philip's request: "Show us the Father." The beginning (v.15) "love me, keep my commandments" and the end (v.21) "keep my commandments, love me" repeat the same idea but in reverse.
• A Counselor/Advocate/Paraclete (v.16) can mean a spokesman, a mediator, an intercessor, a comforter, a consoler or a helper. Another permanent Counselor is in contrast with Jesus' departure. The Counselor may be seen as continuing the functions of Jesus' earthly ministry for the disciples.
• The Spirit of Truth (v.17) is a moral force put into a person by God, as opposed to the spirit of perversity (Jn 8:44).
• "I live, you will live also" (v.19) refers to living through Jesus, it appears in connection with the eucharistic formula as described in Jn 6:56.
• "In that day" (v.20) refers to the whole period after Jesus' resurrection.
Chi Tiết Hay
• Đoạn Phúc Âm này là phần kết luận khi Đức Giêsu trả lời câu hỏi của Philiphê: "Xin tỏ cho con thấy Chúa Cha." Câu đầu (c.15) "yêu mến Thầy, giữ điều răn của Thầy" và câu cuối (c.21) "giữ điều răn của Thầy, yêu mến Thầy" lập lại cùng một ý nhưng lời đảo ngược.
• Đấng Bảo Trợ (c.16) còn có nghĩa là đấng an ủi, đấng hòa giải, đấng chuyển cầu, đấng giúp đỡ, người bào chữa, người bênh vực. Ở đây, một Đấng Bảo Trợ khác và vĩnh viễn tương phản với sự ra đi của Đức Giêsu. Đấng Bảo Trợ tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu ở thế gian qua các môn đệ.
• Thần Khí Sự Thật (c.17) là sức mạnh của luân lý mà Chúa đã ban cho mỗi người, trái ngược với sự gian dối (Gioan 8:44).
• "Thầy sống và anh em cũng được sống" (c.19) nói lên sự cùng sống với Chúa Giêsu liên kết qua phép Thánh Thể (Gioan 6:56).
• "Ngày đó" (c.20) ám chỉ cả thời gian sau khi Chúa sống lại.
One Main Point
Jesus promises to the believers of his continuing presence through a Counselor, the Spirit of Truth and the Holy Spirit (v.26 later). The world will not know this gift and will oppose to its existence. The reward is for those who love Jesus and keep his commandments of loving one another.
Một Điểm Chính
Đức Giêsu hứa cùng những kẻ tin là Ngưòi sẽ tiếp tục hiện diện qua Đấng Bảo Trợ, qua Thần Khí Sự Thật và trong Thánh Thần (c. 26 kế tiếp). Thế gian sẽ không nhận biết món quà này và sẽ chống lại sự hiện hữu của nó. Phần thưởng chỉ dành cho những ai yêu Chúa và giữ giới răn của Người là thương yêu lẫn nhau.
Reflections
1. Have I ever felt the presence of Jesus living in me? How do I recognize and react to his presence?
2. What are the forces that still keep me lying instead of always telling the truth?
3. If I am an orphan, how do I feel? What do I need the most? What should I do?
Suy Niệm
1. Có khi nào tôi cảm nhận được Chúa sống thật trong tôi không? Làm thế nào tôi nhận ra sự sống ấy và phản ứng của tôi lúc ấy ra sao?
2. Lý do gì làm tôi tiếp tục gian dối thay vì luôn luôn nói sự thật?
3. Nếu tôi mồ côi, tôi cảm thấy thế nào? Lúc ấy tôi cần gì nhất? Và tôi phải làm gì?
CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH – Năm A
Lời Chúa: Cv. 8, 5-8. 14-17; 1Pr. 3, 15-18; Ga. 14, 15-21
MỤC LỤC
1. Điều răn Chúa dạy
2. Sự sống mới – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
3. Anh em cũng sẽ sống
4. Đấng Bảo Trợ – R. Veritas
5. Một cuộc đàm thoại liên hệ đến chúng ta
6. Mến Chúa yêu người
7. Cặp mắt của trái tim
8. Hãy vì Chúa mà yêu mến tha nhân – Lm. Trần Ngà
9. Mồ côi
10. Giữ giới răn
SUY NIỆM
Ai yêu mến Thầy, thì tuân giữ những điều răn của Thầy. Bên cạnh trung tâm huấn luyện của quân đội, có một người giáo dân rất hăng say với việc tông đồ. Anh muốn giới thiệu Tin Mừng Đức Kitô cho hàng ngàn tân binh quân dịch. Thế nhưng các vị chỉ huy lại không cho phép anh được ra vào trung tâm. Bởi đó, anh đã nghĩ ra một sáng kiến truyền giáo thật hay. Anh đặt làm hàng ngàn chiếc gương nhỏ với một giá rẻ. Mặt sau chiếc gương, thay vì hình một cô gái hay một bông hoa, anh cho in những lời Chúa phán trong Phúc Âm. Chẳng hạn: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài, để những ai tin vào Con của Ngài thì sẽ không phải chết”. Bên dưới lời Chúa là hàng chữ chỉ dẫn như sau: “Nếu bạn muốn biết người được Chúa yêu, thì hãy nhìn ở mặt kia”. Thật là tuyệt vời, mỗi quân nhân khi nhìn ngắm mình trong gương, họ sẽ thấy chính bản thân họ là người được Chúa yêu thương.
Mặt sau chiếc gương khác, có in lời Chúa phán quan đoạn Tin Mừng hôm nay: “Ai yêu mến thầy, thì tuân giữ những điều răn của Thầy”. Và khi soi gương, những quân nhân sẽ tự hỏi: “Mình đã tuân giữ những giới răn của Chúa để được Chúa yêu thương hay chưa?”
Thực vậy, chúng ta chứng minh tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa bằng sự tuân giữ những điều răn của Ngài bởi vì lề luật của Ngài là những chỉ dẫn yêu thương tuyệt hảo nhất. Chúng nói cho chúng ta biết những gì Thiên Chúa muốn và không muốn. Nhưng đồng thời cũng chỉ cho chúng ta hay đâu là điều tốt lành nhất cho bản thân, gia đình và xã hội.
Chẳng hạn điều răn thứ I: “Thờ phượng và kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự”, sẽ giúp chúng ta chu toàn những bổn phận đối với Đấng Tối Cao đã đành, mà còn giúp chúng ta tránh đi được những mê tín dị đoan và những sự thờ phượng nhảm nhí làm giảm giá trị con người, như thờ con bò, con rắn, thờ tiền tài, danh vọng, lạc thú.
Chẳng hạn điều răn thứ IV: “Hãy hảo kính cha mẹ”, sẽ giúp chúng ta chu toàn những bổn phận đối với cha mẹ, là những người đã có công sinh thành dưỡng dục chúng ta đã đành, mà còn nhờ đó đem lại cho gia đình chúng ta một bầu khí hoà thuận, cảm thông và hạnh phúc.
Chẳng hạn điều răn thứ V: “Tôn trọng thân xác và mạng sống của mình cũng như của người khác”. Rồi điều răn thứ VII và thứ X: “Tôn trọng đức công bằng, không được lấy hay giữ của người ta một cách trái phép”. Tất cả những điều răn này không phải chỉ đem lại cho cá nhân một sự bảo đảm an toàn, mà hơn thế nữa còn đem lại cho xã hội một sự ổn định và trật tự.
Và như chúng ta đã nói, bên trên những lợi ích cá nhân, gia đình và xã hội, việc tuân giữ những điều răn của Chúa sẽ là một phương thế giúp chúng ta biểu lộ tình yêu mến và gắn bó của chúng ta đối với Chúa, vì tình yêu mà không có việc làm thì chỉ là một tình yêu chết mà thôi. Hơn nữa, chính Chúa Giêsu đã phán dạy chúng ta: Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ những điều răn của Thầy.
2. Sự sống mới – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Nếu các Tin mừng Matthêu, Marcô và Luca mời gọi ta vào Vương quốc Thiên Chúa, thì Tin Mừng Gioan mời gọi ta vào tình yêu Chúa Giêsu Kitô. Thánh Gioan là người sống sau cùng. Sau khi đã nghiền ngẫm tất cả cuộc đời và những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, thánh nhân nghiệm ra cái cốt lõi của cuộc sống người môn đệ là tình yêu chúa Giêsu Kitô, là kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô, là sống sự sống của Thiên Chúa.
Tình yêu đó không phải là thứ tình yêu mơ mộng lãng mạn nhưng là một tình yêu sàng suốt của lý trí.Tình yêu đó không phải là chuyện đuổi bướm, hái hoa, rung động, xúc cảm, nhưng là một tình yêu với những việc làm cụ thể. Việc làm cụ thể đó là tuân giữ những điều Chúa Giêsu truyền dạy.
Đó chính là bí quyết Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ, trước khi người giã từ các ông để đi vào thế giới đức tin. Từ nay để gặp gỡ Người, để yêu mến Người, để sống với Người, cần phải có đức tin và tình yêu.
Tin và Yêu là đôi mắt giúp ta nhìn thấy những sự thực siêu nhiên. Người không tin và không yêu sẽ không nhìn thấy như lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay: “Thầy ban cho anh em Thần chân lý, Đấng mà thế gian không thể đón nhận được vì thế gian không thấy và không biết Người”. Cũng như kiến thức ý khoa là khả năng chuyên môn giúp người bác sĩ nhận dạng được các loại vi trùng, định đúng được bệnh trạng của bệnh nhân; hoặc như kiến thức về thảo mộc của nhà thực vật học giúp họ nhận dạng phân loại và biết rõ đặc tính của những loải cây cỏ, tin và yêu cũng phải là khả năng chuyên môn giúp người môn đệ Chúa nhận ra những sự thực siêu nhiên, nhìn thấy, nhận biết và đón nhận Thiên Chúa.
Tin và Yêu, như vậy, là con đường dẫn đưa ta tới gặp gỡ Thiên Chúa.
• Với đức tin và tình yêu, người môn đệ Chúa không còn thấy Thiên Chúa là một Đấng xa vời, mơ hồ, nhưng là một Đấng gần gũi, rất thật. Với đức tin và tình yêu ta sẽ gặp được Đức Chúa Cha, Đấng thương yêu, luôn chăm sóc cho ta, luôn mời gọi ta, luôn muốn ấp ủ ta, luôn muốn tha thứ cho ta.
• Với đức tin và tình yêu, ta sẽ gặp được Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, trong Sách Thánh, trong những lời giáo huấn của Giáo hội và trong những anh em sống quanh ta.
• Với đức tin và tình yêu, ta sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Thánh Thần khi Người đốt lên trong tim ta ngọn lửa yêu mến, khi Người thúc đẩy ta dẫn thân phục vụ, khi Người soi sáng cho ta những sáng kiến trong những hoạt động mới.
Nhưng quan trọng nhất là: Tin và Yêu là hai cánh cửa mở vào sự sống thần linh. Tin và Yêu không chỉ cho ta nhìn thấy Chúa, gặp gỡ Chúa mà còn cho ta được tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống đó là hiệp thông, như lời Chúa Giêsu nói: “Ai có và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến”.
Chúa Cha ở trong Chúa Con và như Chúa Con ở trong Chúa Cha, ta sẽ được ở trong sự sống mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi và thật kỳ diệu, Ba Ngôi đến ở trong ta. Ở trong người nào tức là được người ấy yêu thương. Hiệp thông trong yêu thương là một thái độ cởi mở: mở tâm hồn ra để cho đi và nhận lãnh sự sống. Nhờ Tin và Yêu, ta mở lòng ra đón nhận Thiên Chúa, sự sống mới, sự sống sung mãn, sự sống vĩnh cửu.
Đúng như lời Chúa Giêsu nói: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi”. Ai nhắm mắt đức tin, sẽ không nhìn thấy Chúa, sẽ trở thành mồ côi. Ai đóng cửa tình yêu, sẽ không gặp được Chúa, sẽ sống trong cô độc. Nhưng người môn đệ Chúa, nhờ có đức tin và tình yêu sẽ gặp được Thiên Chúa Ba Ngôi. Và như thế việc ta đi của Chúa Giêsu không những không thiệt hại mà còn ích lợi cho ta. Sự ra đi của Người dẫn ta đi đến kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi trong sự sung mãn, sự sống dồi dào.
Nhưng để đạt tới điều Chúa Giêsu đã hứa, ta hãy nhớ lại một lần nữa lời Người căn dặn: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em hãy giữ các giới răn của Thầy”. Đức tin được thể hiện bằng tình yêu. Tình yêu được chứng minh qua hành động. Đó là chìa khoá của đời sống Kitô hữu.
GỢI Ý CHIA SẺ
1. Theo bạn, tình yêu mến Chúa là những tình cảm bồng bột hay những việc làm cụ thể theo lý trí?
2. Có bao giờ bạn cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống không?
3. Bạn có cố gắng làm chứng cho người khác về sự hiện diện của Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện và bác ái của bạn không?
3. Anh em cũng sẽ sống (Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Marina Picasso là cháu của họa sĩ nổi tiếng Pablo Picasso. Từ năm 73-75, bà phải chịu nhiều cái tang lớn: ông nội mất, anh ruột tự tử, cha đột ngột qua đời. Đây thật là những mất mát không sao bù đắp, dù bà năm trong tay một gia sản khổng lồ.
Năm 1990, bà nhận các em bé Việt Nam làm con nuôi, và giúp cho các trẻ mồ côi được có nơi ăn học. Từ lúc ấy, bà thấy một sự thay đổi nơi nội tâm: “Nhờ giúp đỡ con em của nước này mà tôi đã tìm lại được chính mình. Giờ đây tôi cảm thấy mình như sống lại, và tôi muốn phân phát sự sống đó cho các em.”
Hẳn có những Kitô hữu đã trải qua kinh nghiệm của Marina, kinh nghiệm thấy mình được sống lại nhờ biết ra khỏi nỗi đau của mình để cúi xuống trên nỗi đau của người khác. Kinh nghiệm tìm lại được chính mình trong bình an, khi không còn bận tâm lo cho mình nữa, kinh nghiệm thấy sự sống được nhân lên gấp bội khi được đem chia sẻ tận tình.
Kitô giáo là tôn giáo của Đấng đã sống lại, Đấng đang sống sự sống tràn trề của Thiên Chúa.
Đức Giêsu phục sinh không chỉ hiện ra một đôi lần, Ngài muốn ở mãi bên chúng ta cho đến tận thế. Một sự hiện diện hai chiều, thâm sâu và mới mẻ: “Anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em” (c.20) Một sự hiện diện đem lại sức sống dồi dào: “Vì Thầy sống và anh em cũng sẽ sống” (c.19).
Kitô hữu tự bản chất là người đã được phục sinh, nhờ thông hiệp với Đấng đang sống là Đức Kitô. “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Mùa Phục sinh nhắc ta nhìn lại sự sống nơi mình.
Lắm khi tôi sống èo uột, chỉ vì không dám yêu thương. Bắt đầu yêu thương là bắt đầu thấy Chúa tỏ mình, thấy sự sống Chúa bùng lên mạnh mẽ.
Thế giới hôm nay cố làm cho cuộc sống được bảo đảm hơn, tiện nghi hơn và kéo dài hơn. Nhưng thế giới hôm nay vẫn đầy nguy hiểm. Mạng sống bi đe dọa bởi chiến tranh, tội ác, đói nghèo... Cuộc sống bị héo úa vì không tìm thấy ý nghĩa. Thế giới đói khát sự sống đích thực.
Nếu chúng ta thật sự là người đang sống trong Đức Kitô, chúng ta có thể trao cho thế giới sự sống đó qua việc phục vụ trong yêu thương.
Gợi Ý Chia Sẻ
1. Để cảm nghiệm được Thiên Chúa, cần phải can đảm sống theo lời Ngài dạy, dù phải từ bỏ và chịu thua thiệt trước mắt. Có khi nào bạn thấy Chúa thật gần gũi, vì bạn đã dám sống cho tha nhân không?
2. Khi tinh thần bạn sa sút vì những nỗi đau riêng tư, bạn thường làm gì để ra khỏisự sa sút đó?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
Xin ban cho con sự sống của Chúa, sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.
Xin ban cho con bình an của Chúa, bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.
Xin ban cho con niềm vui của Chúa, niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.
Xin ban cho con hy vọng của Chúa, hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.
Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa, Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.
4. Đấng Bảo Trợ – R. Veritas (Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)
Cuốn phim có tựa đề: “Đời Vẫn Đẹp” do Roberto đạo diễn và thủ diễn. Cuốn phim đã nêu lên câu truyện của người Do Thái cùng với vợ và đứa con trai nhỏ bị Đức Quốc Xã đưa vào trại. Nhờ tài khôi hài, ông đã giữ vững được tinh thần của đứa con khi quân đội đồng minh đến giải thoát.
Cuốn phim hẳn gợi lại kinh nghiệm của bác sĩ Victo Rey, ba năm lưu đày tại Ba-Lan và nhiều trại tập trung khác của Đức Quốc Xã, đã giúp cho vị bác sĩ chuyên gia tâm lý này khám phá được một chân lý quan trọng trong cuộc sống của con người, chân lý đó là, trong những hoàn cảnh nghiệt ngã đau thương nhất con người vẫn có thể tồn tại nếu họ có niềm tin và tìm được ý nghĩa của cuộc sống.
Bác sĩ Brand đã quan sát những phản ứng khác nhau của các bạn tù của ông, có những người trước khi vào tù thì được mọi người trọng vọng, ngưỡng mộ, thế nhưng bỗng chốc lộ nguyên hình của những kẻ hèn hạ có thể bán đứng anh em vì một chút lợi lộc nhỏ mọn. Một số khác thoạt tiên thể hiện bản lĩnh của những nhà lãnh đạo, thế nhưng liền sau đó thất vọng và ngã gục chỉ trong vài ngày. Trái lại, cũng không thiếu những người rất ít được mọi người chú ý đến, họ đã âm thầm chịu đựng cho đến cùng và được sống còn.
Tìm hiểu sự khác biệt giữa những hạng người trên đây, bác sĩ Brand khám phá ra rằng, chính mục đích và ý nghĩa của cuộc sống là sức mạnh làm cho con người tồn tại trong những điều kiện tột cùng khốn khổ của cuộc sống. Trong kinh nghiệm bản thân, bác sĩ Brand cho biết, chính tình yêu đối với vợ ông đã giúp cho ông tiếp tục tìm thấy ý nghĩa và lẽ sống trong tận đáy của hỏa ngục. Mặc dù không biết vợ mình bị giam giữ ở đâu, còn sống hay đã chết, bác sĩ Brand đã chia sẻ kinh nghiệm như sau:
Không có gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu, những ý nghĩ và hình ảnh người vợ yêu dấu của tôi, cho dẫu người ta có báo tin rằng vợ tôi đã chết thì tôi sẽ không bao giờ ngưng chiêm ngắm hình ảnh của nàng và thôi không chuyện vãn với nàng nữa. Càng lúc tôi càng cảm nghiệm được hình ảnh của vợ tôi; vợ tôi vẫn luôn ở bên cạnh tôi. Chính tình yêu đối với vợ đã mang lại hy vọng và sức mạnh giúp cho bác sĩ Brand chịu đựng mọi nghịch cảnh và tồn tại cho đến ngày được giải cứu khỏi các trại tập trung. Khám phá được ý nghĩa của cuộc sống, đây hẳn không phải là một điều xa xỉ hay phụ thuộc trong cuộc sống con người, mà là một nhu cầu hiện sinh còn quan trọng hơn cả các ăn thức uống của con người.
Ý nghĩa lẽ sống của người Kitô chúng ta chính là Chúa Giêsu Kitô, đây là điều một lần nữa hôm nay Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta. Kitô giáo chúng ta không phải là một ý thức hệ; cũng không phải là một hệ thống luân lý chỉ gồm những điều luật phải tuân giữ; lại càng không phải là một xã hội theo thể chế chính trị nào đó. Kitô giáo thiết yếu là một con Người, con Người đó hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một, Ngài đã hiện diện trong giáo hội và trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, Ngài là sức sống của mỗi người Kitô chúng ta. Thường thì một vị thánh hiền, một bậc vĩ nhân đi qua trong lịch sử nhân loại và để lại sự nghiệp của mình, nhưng với Chúa Kitô lại khác, Ngài không hiện diện như một xác chết được tẩm liệm, Ngài cũng chẳng hiện diện qua những di tích Ngài để lại, Ngài cũng chẳng để lại sự nghiệp nào, Ngài đã chết và Ngài đã sống lại, chính vì đã sống lại cho nên Ngài vẫn có đó, Ngài hiện diện một cách sống động nơi đây, trong giây phút này đây, đó là niềm tin, là sức sống, là lịch sử của Giáo Hội từ hơn 2,000 năm qua, đó cũng là lẽ sống của không biết bao nhiêu người tín hữu đã đi trước chúng ta, trong Ngài họ đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống và để có thể vui sống, nhất là kiên trì cho đến cùng giữa những thử thách và bách hại, tất cả đều sống niềm xác tín của thánh Phaolô như ngài đã viết trong thư gởi cho giáo đoàn Rôma: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Chúa Kitô, phải chăng là gian truân, khắc khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?”
Đây là niềm xác tín mà Giáo Hội mời gọi chúng ta hâm nóng lại khi cho chúng ta lắng nghe Tin Mừng hôm nay. Trong bài diễn văn tự thuật với các môn đệ trước khi đi vào cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, họ được mời gọi để chuẩn bị tinh thần đón nhận cách thế hiện diện mới của Ngài, Ngài nói với các ông: “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi, Thầy sẽ đến với các con.” Quả thật, sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần, các môn đệ đã cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu, từ những con người quê mùa, dốt nát và nhát đảm, các môn đệ đã được Chúa Thánh Thần biến thành những nhà rao giảng không biết mỏi mệt và nhất là dùng chính cái chết của mình để làm chứng cho sự hiện diện ấy của Chúa Giêsu.
Hơn hai ngàn năm qua, sức sống được Chúa Thánh Thần thông ban cho các môn đệ đã tràn ngập thế giới, đã trở thành lẽ sống của không biết bao nhiêu người. Chính nhờ sức sống ấy mà các tín hữu Kitô tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống và sống đúng ơn gọi làm người của mình. Sống công bình, sống bác ái, sống phục vụ, sống quên mình không phải là độc quyền của người Kitô giáo. Tôn giáo nào cũng đề cao những giá trị ấy; giới răn yêu thương cũng không phải là giới răn riêng của các tín hữu Kitô chúng ta. Thế nhưng Chúa Giêsu đã ban bố giới răn ấy như một giới răn mới mẻ và là riêng của Ngài, bởi vì Ngài ban chính sức sống và tình yêu của Ngài cho các tín hữu để họ yêu thương bằng chính tình yêu của Ngài.
Chúa Giêsu chính là tình yêu, Chúa Giêsu chính là sức sống của các tín hữu. Chúng ta họp nhau cử hành thánh lễ của mỗi ngày Chúa Nhật để xin Chúa Kitô bổ sức cho chúng ta, để chúng ta tiếp tục sống, để cho mọi người thấy rằng, Ngài thật sự là Đấng đang hiện diện và tác động trong chúng ta, Ngài chính là lẽ sống mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta, Ngài là sức mạnh để chúng ta tiếp tục chiến đấu, Ngài là niềm hy vọng để chúng ta tiếp tục tiến bước.
5. Một cuộc đàm thoại liên hệ đến chúng ta (Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Bài đọc này được trích từ một đoạn dài Phúc Âm theo thánh Gioan, chương 13 đến 17, được gọi là diễn từ trong bữa Tiệc Ly. Thánh Gioan thuật lại cuộc đàm thoại của Chúa Giêsu với các môn đệ trong khoảng một vài giờ trước khi chịu nạn. Một không khí thân ái mật thiết ở cường độ phi thường đã khiến đoạn Phúc Âm này thành 1 trong những bài văn tuyệt mỹ. Điều khiến chúng ta lưu ý hơn hết là giá trị, một sứ điệp liên quan đến chúng ta, vì chúng ta quả hiện diện trong tâm tưởng Chúa Giêsu khi Ngài nói chuyện với các môn đồ. Những điều Ngài nói về sự liên kết giữa họ với nhau, về việc gặp gỡ Chúa Cha, về việc Chúa Thánh Thần đến, tất cả trực tiếp liên hệ đến chúng ta và bắt chúng ta tỏ thái độ. Mỗi câu đều đáng dừng lại suy niệm. Hãy để mỗi người tìm ra câu đáp ứng, nguyện vọng và ơn nhận được. Ở đây, người ta ghi nhận các ý sau:
1) Nếu các con yêu mến Ta, các con sẽ giữ các giới răn Ta.
Mạch văn toàn thể Phúc Âm thánh Gioan cho chúng ta biết hai giới răn (mà thực chỉ là một) là kính mến Thiên Chúa như cha và yêu mến mọi người như anh em. Chính cho các môn đệ của tình yêu ấy mà Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha để họ được nhận lãnh Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần được gọi là Đấng bầu chữa, vị trạng sư, Đấng trợ lực. Chúa Giêsu đã báo cho các môn đệ hay Ngài sẽ không còn hiện diện với các ông trong hình thể khả giác và vật lý như những ngày chung sống. Nhưng Ngài sẽ không bỏ các ông, Ngài sẽ hiện diện bằng một cách sâu kín hơn trước đặc biệt bằng Thần Khí của Ngài. Thần Khí sẽ bảo vệ, trợ lực, gìn giữ họ. Cả với chúng ta là những khi không được biết Chúa Giêsu trong lịch sử. Hôm nay chúng ta cũng được nghe dạy rằng, Chúa Thánh Thần trợ lực và gìn giữ chúng ta. Chúng ta có nghĩ rằng Lời Chúa phán ở một thời nhất định có giá trị sống động hiện thời đối với chúng ta hay không?
2) Thánh Thần… mà thế gian không thể lãnh nhận.
Chữ “thế gian” ở đây phải hiểu theo nghĩa chung các quyền lực phản nghịch Thiên Chúa và Đấng Kitô của Ngài. Tinh thần thế gian này chính yếu là một tâm trạng bất ổn; một không khí nhiễm độc vì sai lầm và ngu dại vì kiêu ngạo thâm căn và tự mãn ngây ngô, một khuynh hướng tâm lý và tinh thần khép kín con người tại chính mình. Thế gian ấy không tin được cả đến việc có thể có thần tính của Đức Kitô, và do đó có thể có việc Chúa Thánh Thần đến. Đàng khác, Chúa Giêsu Ngài cầu xin Cha Ngài gìn giữ các môn đệ khỏi thế gian, nghĩa là gìn giữ chúng ta hôm nay đây.
3) Ai yêu mến Ta sẽ được Cha Ta yêu mến.
Chúng ta gặp lại ở đây một trong những chân lý căn bản thường được diễn tả trong Tân Ước nhất, trình bày một cách dễ lưu ý. Tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu, cấu tạo tương quan của chúng ta với Chúa Cha. Tuân theo các giới răn của Chúa Giêsu, tức là tuân theo Chúa Cha, cầu khấn với Chúa Giêsu là cầu khấn với Chúa Cha; ca tụng tôn vinh Chúa Giêsu, nhìn nhận trong thán phục và vui mừng địa vị của Ngài tức là ca tụng tôn vinh Thiên Chúa; tin tưởng nơi Chúa Giêsu là tin tưởng nơi Chúa Cha. Các con sẽ chịu gian nan, nhưng hãy vững lòng, Ta đã thắng thế gian (Ga 16,33).
6. Mến Chúa yêu người (Trích trong ‘Chia Sẻ Tin Mừng’)
Thánh Phanxicô Átsidi có lòng mến Chúa và yêu người rất sâu xa. Một hôm, ngài gặp một người bạn, người này nói với ngài rằng ông ta không thể nào yêu mến Thiên Chúa được. Đang khi hai người đi đường thì gặp một người hành khất vừa mù vừa què ngồi bên lề đường. Ngài dừng lại hỏi người hành khất: “Này anh, nếu tôi chữa cho anh thấy được và đi được thì anh có yêu mến tôi không?”. Người hành khất trả lời: “Dạ thưa ngài, không những tôi yêu mến ngài, mà tôi còn xin dâng hiến trọn phần còn lại của đời tôi để phục vụ ngài”. Nghe câu trả lời của người hành khất xong, thánh Phanxicô quay sang nói với người bạn: “Đấy anh thấy không, người hành khất này chỉ thấy được, đi được mà còn hứa với tôi như thế huống hồ là anh, anh không những được Chúa dựng nên với chân tay mắt mũi lành lặn, Ngài còn chịu chết để cứu chuộc anh nữa, đang khi đáng lý ra anh phải chết vì tội của anh, vậy mà anh lại không yêu mến Chúa sao?”.
Yêu Chúa, đó là bổn phận của mỗi người chúng ta, nhưng như thế nào là yêu Chúa? Bài Tin mừng hôm nay, chính Chúa Giêsu trả lời cho chúng ta: “Ai giữ các giới răn của Chúa là yêu mến Chúa”. Như vậy, yêu mến Chúa là giữ các giới răn của Chúa. Giữ ở đây không thể hiểu theo nghĩa thụ động, nghĩa là đem chôn giấu, nhưng phải hiểu theo nghĩa tích cực, nghĩa là có sáng kiến đem các giới răn của Chúa ra thực hành trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.Nhưng đâu là các giới răn của Chúa? Ai mà không biết đạo Chúa có mười giới răn. Nhưng điều đặc biệt là mười giới răn ấy được tóm rất gọn trong một tiếng thôi, đó là tiếng “Yêu”: Yêu Chúa với tình yêu của một người con hiếu thảo, và yêu người với tình yêu như Chúa yêu ta. Ngắn gọn hơn nữa, chính Chúa còn cho chúng ta biết: chỉ cần xét xem chúng ta có yêu người không là đủ, nghĩa là muốn biết chúng ta có yêu Chúa không và yêu Chúa như thế nào, thì chỉ cần xét xem chúng ta có yêu người không và yêu người ra sao.Tình yêu phải được thể hiện bằng việc làm, chứ không căn cứ trên lời nói suông mà thôi. Bởi vì ngôn ngữ của tình yêu là những hành động cụ thể. Ánh mắt trìu mến và âu yếm vuốt ve của người mẹ đối với đứa con có giá trị hơn bất cứ một quyển sách biên khảo nào về tình yêu. Những mồ hôi nước mắt, những hi sinh từng ngày của người cha giúp cho con cái hiểu được thế nào là yêu thương, hơn bất cứ lời dẫn giải nào về tình yêu. Và có lẽ cũng dư thừa để bảo rằng khi hai người yêu nhau, thì sự thinh lặng và cử chỉ âu yếm có sức hùng hồn hơn là những lời nói hoa mỹ nhưng trống rỗng.Thiên Chúa là tình yêu, Ngài tỏ tình, Ngài bộc lộ tình yêu với con người, không chỉ bằng lời nói suông mà bằng cả một lịch sử: Những can thiệp, những thể hiện cụ thể. Một tình yêu không được chứng tỏ bằng những hành động cụ thể đối với tha nhân là một tình yêu thiếu sức thuyết phục, nếu không nói là giả hình, giả dối. Đạo Kitô của chúng ta là đạo của tình yêu, không viết lên hai chữ tình yêu bằng những hành động cụ thể đối với tha nhân, người đó chỉ là một người Kitô giả hiệu. Một đức tin không việc làm là một đức tin chết, thì một lòng mến không được thể hiện bằng hoa trái của lòng mến là một lòng mến giả tạo.Như mẹ Têrêxa đã nói: Tình yêu thương ấy cần được thể hiện với những người gần gũi với chúng ta hơn, từ những người trong gia đình chúng ta trước hết. Những người chỉ biết mơ mộng thực hiện những việc anh hùng nơi chân trời xa xăm nào đó, trong khi đó lại lãng quên những cơ hội ngay trước mắt, đó hẳn là thứ tình yêu thiếu thực tế biết bao. Nếu chúng ta thực sự yêu mến Chúa, hãy chiếu giãi tình yêu đó trong gia đình và cho những người chung quanh, hãy dùng tình yêu nồng thắm trong trái tim chúng ta để sưởi ấm cho cha mẹ, anh chị em trong gia đình và những người chung quanh.Trong một xã hội đầy những ích kỷ, hai chữ tình yêu vẫn còn rất mù mờ trong nhiều người. Sứ mệnh của người Kitô chúng ta chính là viết lên một cách rõ ràng hai chữ tình yêu. Chúng ta không chỉ viết lên bằng những lời nói suông mà bằng những cử chỉ cụ thể của lòng bác ái. Những dòng chữ được viết lên bằng mồ hôi nước mắt, bằng quên mình chia sẻ... có giá trị hơn bất cứ một quyển sách nào, cho dù quyển sách đó in bằng bạc bằng vàng. Thiên Chúa thắp lên trong tâm hồn chúng ta tình yêu của Ngài và Ngài mong muốn chúng ta chiếu tỏa tình yêu ấy đến với mọi người, như bài hát chúng ta vẫn hát: “Thắp sáng lên trong con tình yêu Chúa. Thắp sáng lên trong con tình tuyệt vời. Để con hân hoan đem tin yêu đi về muôn lối, tựa như mưa tuôn mưa hồng ân Chúa trên trần đời”.
7. Cặp mắt của trái tim (Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Thánh Phanxicô Assisi có lòng mến Chúa và yêu người rất sâu xa. Một hôm ngài gặp một người bạn, người này nói với thánh nhân rằng ông ta không thể nào yêu mến Thiên Chúa được. Đang khi hai người đi đường thì gặp một người hành khất vừa mù vừa què. Thánh nhân hỏi người hành khất:
- Nếu tôi chữa cho anh thấy và đi được thì anh có yêu mến tôi không?
Người hành khất trả lời:
- Dạ thưa ngài, không những tôi yêu mến ngài mà tôi xin dâng hiến trọn phần còn lại của đời tôi để phục vụ ngài.
Nghe câu trả lời của người hành khất xong, thánh nhân quay sang người bạn đang đứng bên ngài nói:
- Đấy anh thấy không, người hành khất này chỉ thấy được, đi được, thế mà còn hứa với tôi như thế, huống hồ là anh, anh không những được Chúa dựng nên với chân tay mắt mũi lành lặn. Ngài lại còn chịu chết để cứu chuộc anh nữa, đang khi đáng lý ra anh phải chết vì tội của anh. Vậy mà anh lại không yêu mến Chúa sao?
Thưa anh chị em, yêu mến Chúa là bổn phận của mỗi người chúng ta. Nhưng thế nào là yêu mến Chúa? trong Tin Mừng hôm nay, chính Chúa Giêsu đã trả lời cho chúng ta câu hỏi này. Trước hết, yêu là thấy. Chúa Giêsu đã nói: “Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống”. Thực thì ngay trong cuộc sống của xã hội con người, chúng ta cũng có thể gặp những trường hợp một người đã ra đi một chuyến đi xa, nhưng những người còn ở lại vẫn cảm thấy người đó như đang hiện diện ở đâu đây, thật gần gũi, nơi từng sự vật, trong từng căn phòng, nơi mỗi lối đi. Chính tình yêu, sự quen thuộc, sự cảm thông đã tạo nên cái điều lạ lùng này. Giữa những người thân yêu, sự vắng mặt không tạo nên sự xa cách: “Xa mặt mà không cách lòng”. Vì vậy, Đức Giêsu đã nói: “Thế gian sẽ không thấy Thầy, còn anh em, anh em sẽ được thấy Thầy”. “Cái thấy” Chúa Giêsu muốn nói ở đây không còn là cái thấy ngang qua cặp mắt của thân xác; cái thấy ấy có những giới hạn nhất định, ở ngoài tầm nhìn thì không thấy được nữa. Còn “cái thấy” ở đây là cái thấy bằng con tim, bằng sự cảm nhận, bằng sự hoà nhập. Tình yêu làm cho người xa cách trở nên gần gũi. Vì yêu mến Thầy, các môn đệ vẫn cảm thấy Thầy hiện diện ở khắp nơi.
Nguyên trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta đã thấy Chúa Giêsu lặp lại đến năm lần từ “yêu mến”. Yêu mến trở thành mối quan hệ giữa môn đệ và Thầy, giữa môn đệ và Thiên Chúa Cha. Yêu mến đưa đến sự hoà nhập: “Anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em” và “Thầy sẽ tỏ mình ra cho anh em thấy Thầy”.
Thì ra, trái tim cũng có “cặp mắt” của nó. Cặp mắt của trái tim thấy được những cái mà cặp mắt thể xác không thể thấy được. Chính cái thấy bằng cặp mắt của trái tim sẽ giúp chúng ta thấy được mối quan hệ mật thiết giữa sự hiện diện của Chúa Giêsu với cuộc đời của một người Kitô hữu và của cộng đoàn. Có yêu mến Chúa, chúng ta mới thấy được sự hiện diện thân thiết của Chúa ở giữa chúng ta.
Yêu còn là tuân giữ: Tình yêu không dừng lại ở cái nhìn thấy. Tình yêu sẽ dẫn tới hành động. Không có hành động, tình yêu chỉ là giả dối. Hành động mới là bằng chứng của tình yêu đích thực. Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ các giới răn của Thầy. Ai giữ các giới răn của Thầy mới là người yêu mến Thầy”. Nói rằng: “Tôi yêu mến Chúa” thì ai cũng có thể nói được. Nhưng nếu không tuân giữ các giới răn của Chúa thì những lời nói đó chỉ là những lời nói dối.
Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm rằng: Khi yêu ai, chúng ta cảm thấy được những gì làm vui lòng người chúng ta yêu và không có gì cưỡng bức chúng ta tự nhiên làm tất cả để người yêu được vui, được hạnh phúc. Yêu mến Chúa cũng vậy. Yêu mến Chúa là sống theo ý Chúa muốn, là giữ các giới răn của Chúa, là thực thi ý Chúa muốn, là giữ các giới răn của Chúa, là thực thi ý muốn của Chúa trên cuộc sống chúng ta và trên cuộc sống của xã hội loài người.
Nhưng các giới răn của Chúa là gì, thưa anh chị em?
Các giới răn của Chúa là chính Chúa Giêsu với các giáo huấn, với những chọn lựa của Ngài. Tất cả cuộc sống của Chúa Giêsu trở thành mẫu mực cho cuộc sống của người Kitô hữu. Giữ các giới răn ở đây là biến đổi chính con người của mình để có thể trung tín với Chúa trong cuộc sống. Như thế, giữ các giới răn là sống trong tình yêu của Chúa.
Chúa Giêsu đã xác định: “Ai giữ các giới răn của Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến. Cha và Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ đến và ở trong người ấy”. Giữ các giới răn là ta ở với Chúa và Chúa ở với ta, là lưu lại trong tình yêu của Chúa. Kitô giáo là đạo của tình yêu: yêu Chúa và yêu người. Tình yêu sẽ chắp cho chúng ta đôi cánh để bay lên cao. Vậy mà có nhiều người lại coi Kitô giáo như những giới răn cấm kỵ và trừng phạt, như những gông cùm tròng vào cổ hay những gánh nặng đèn lên vai. Vì vậy cuộc sống đạo của họ trở thành một bài toán khô khan và nghèo nạn, nhiều khi quá máy móc. Họ bóp méo đạo yêu thương thành đạo sợ hãi. Đạo sợ hãi làm người ta mất nhiệt tình và cởi mở, mất nét vui tươi trên khuôn mặt của những người con cái Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến, người Kitô hữu đích thực phải sống đạo bằng con tim. Tình yêu làm cho cuộc sống đầy sức sáng tạo và năng động. Chính cuộc sống tích cực và đầy sức sáng tạo này mới thực sự là một bằng chứng về sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng đã chết nhưng đã sống lại và đang tiếp tục hoạt động nơi những kẻ tin ở Ngài, và là bằng chứng của lòng tin nơi sự hiện diện sống động của Ngài. Chính đời sống yêu thương nhau chân thành, hy sinh phục vụ nhau theo mẫu mực của tình yêu Chúa yêu thương chúng ta sẽ biểu lộ cho mọi người nhận thấy sự hiện diện sống động của Chúa, Ngài đang sống và đang có mặt sống động trên trái đất chúng ta, như Ngài đã nói khi từ biệt các môn đệ: “Thầy không bỏ anh em cô độc. Thầy sẽ đến với anh em. Anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống”.
8. Hãy vì Chúa mà yêu mến tha nhân – Lm. Trần Ngà (Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’)
Người mẹ đang thoi thóp nhìn năm đứa con khóc thút thít quanh giường, mắt bà nhoà lệ. Cha của chúng đã lìa thế từ lâu, để lại cho bà gánh nặng một mình tần tảo nuôi năm đứa con thơ. Giờ đây lại đến lượt bà nối gót chồng ra đi, vĩnh viễn xa lìa đàn con nheo nhóc. Bà không an tâm chút nào khi thấy lâu nay các con hay kình cãi, tranh chấp nhau từ chuyện nhỏ cho đến chuyện lớn, từ việc chia cá, chia cơm trong mỗi bữa ăn cho đến việc tranh nhau tấm áo manh quần. Đứa nào cũng ích kỷ chỉ nghĩ đến mình mà quên tình anh em ruột thịt. Đứa nào cũng mong chiếm cho được phần hơn mà không màng gì đến quyền lợi các em. Mai đây bà ra đi, ai sẽ là nhịp cầu nối kết chúng lại với nhau trong tình huynh đệ? Ai sẽ là trọng tài phân xử những tranh chấp bất hoà thường xuyên nổ ra giữa chúng?
Tuy nhiên, điều an ủi lớn lao cho bà là mặc dù chúng không thương nhau, nhưng đứa nào cũng thương mẹ; tuy chúng không hề biết hy sinh cho nhau, nhưng nếu vì mẹ thì chúng sẵn sàng hy sinh và làm cho mẹ bất cứ chuyện gì.
Thế nên, cậy dựa vào tình thương chúng dành cho mình, bà lấy chút hơi tàn thều thào mấy lời trăn trối: “Các con yêu của mẹ, mẹ rất buồn, rất khổ tâm khi thấy các con bất hoà bất thuận với nhau. Chốc lát nữa, mẹ sẽ vĩnh viễn xa lìa các con. Nếu mỗi người trong các con còn thương mẹ thì hãy vì mẹ mà thương yêu các anh em mình!”
Nói xong, bà ra hiệu cho từng đứa cúi xuống cho bà hôn lên trán rồi lịm vào giấc ngủ ngàn thu.
Chính Chúa Giêsu cũng có cùng tâm trạng đó. Ngài đến thế gian để nhen lửa yêu thương trên mặt đất và Ngài mong mỏi ngày đêm cho lửa ấy cháy lên. Ngài đã truyền cho các môn đệ điều răn mới là hãy yêu thương nhau như Ngài đã hết lòng yêu mến họ. Nhưng ngọn lửa yêu thương Ngài đã nhọc công nhen lên lại hắt hiu như đèn trước gió, dễ dàng bị lòng tham lam ích kỷ hận thù dập tắt đi.
Thế nên, khi sắp lìa bỏ thế gian và các môn đệ là đoàn con thân tín để về cùng Chúa Cha, Ngài nhắn nhủ họ những lời tâm huyết: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở lại với anh em một ít lâu nữa thôi.... Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm nầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Gioan 13, 33-35)
Biết rằng xây dựng, vun đắp tình thương giữa người với người là điều rất khó; anh em ruột thịt trong nhà chưa dễ thương nhau, huống là yêu thương người ngoài hay thù địch. May ra vì lòng yêu mến Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng, yêu thương và hiến mình chết thay cho họ, họ mới có thể đền đáp tình thương cao vời của Chúa bằng cách vâng lời Chúa và vì Chúa mà yêu mến tha nhân. Cần phải nại đến lòng yêu mến Thiên Chúa của con người để khuyến dụ con người vì Chúa mà yêu thương nhau.
Trong tâm tình đó, Ngài tiếp: Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ điều răn Thầy truyền... là hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em.
Kế đó, sợ các môn đệ chưa chú tâm đến những lời tâm huyết của mình, Chúa Giêsu lặp lại nội dung trên theo hình thức đảo ngữ: “Ai giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy.”
Qua những lời trên, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh với chúng ta rằng nếu chúng ta thực tình yêu mến Chúa thì hãy giữ điều Chúa truyền dạy là yêu mến tha nhân; chỉ những ai giữ luật yêu thương tha nhân mới thực sự là kẻ yêu mến Ngài. Cho dù chúng ta không thể yêu mến người khác vì họ khó thương, thì chúng ta cũng hãy vì lòng yêu thương Chúa mà đón nhận tha nhân như lệnh Chúa truyền.
Đó cũng là tâm tình mà chúng ta thường bày tỏ với Thiên Chúa qua kinh kính mến, xin hãy cùng khấn nguyện với nhau:
“Lạy Chúa, con kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự, vì Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng; lại vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vậy. Amen.
9. Mồ côi
Mỗi khi đi tham dự đám tang của một người cha, hay của một người mẹ trẻ vừa mới nằm xưống, nhìn giải khăn xô buộc hờ hững trên mái đầu xanh, chúng ta cảm động như muốn khóc lên được. Đứa bé ngây thơ nhìn những nắm đất được ném xuống lòng huyệt lạnh. Nó chẳng hiểu gì cả. Nó đâu có biết rằng chết là ra đi vĩnh viễn, hai bờ bến ngàn trùng xa cách. Nó tưởng rằng ba nó hay mẹ nó đi thăm ông bà nội ngoại, mai mốt sẽ về và cho nó thật nhiều quà. Người khác nhìn vào sẽ cảm thấy chua xót và khóc thầm cho cuộc đời của nó. Ngày mai nó sẽ ra sao? Lớn lên, nó mới hiểu được rằng: mất cha, mất mẹ là một nỗi bất hạnh quá lớn không thể lalm cho vơi giảm, là một mất mát quá to không thể nào bù đắp.
Vì thế, người Âu châu có một ngày lễ rất đẹp vào Chúa nhật thứ hai trong tháng năm, đó là là ngày lễ của những người mẹ. Ngày lễ này được tổ chức để ghi nhớ công ơn mẹ hiền. Và những ai còn mẹ, khi đi ra ngoài đường sẽ được cài một bông hồng trên áo, để nói lên rằng người ấy thật hạnh phúc vì còn được sống bên người mẹ của mình.
Nếu có dịp ghé thăm một cô nhi viện, chúng ta sẽ thấy những em bé mồ côi quấn quít bên chúng ta, mong muốn được nói chuyện với chúng ta vì các em thiếu vắng một tình yêu thương chăm sóc.
Từ những kinh nghiệm cụ thể ấy, chúng ta dễ dàng hiểu được lời Chúa phán:
- Thầy không bỏ các con mồ côi.
Thực vậy. Trước khi từ giã các môn đệ, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các ông, đã căn dặn các ông những điều cuối cùng và nhất là đã trăn trối cho các ông bổn phận phải yêu thương nhau. Ngài đã phác họa cho các ông thấy cả một tương lai đen tối:
- Họ đã bắt bớ Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con.
Tuy nhiên, để các ông được yên tâm, không hoảng sợ, không thất vọng, Ngài đã hứa ban Chúa Thánh Thần cho các ông và nhất là đã hứa ở với các ông một cách mầu nhiệm:
- Thầy không bỏ các con mồ côi.
Bây giờ, chúng ta đi vào lãnh vực cá nhân của mỗi người. Thực vậy, đời sống giống như một mặt biển đầy bão táp. Vậy bão táp ấy là gì? Đó là những tội lỗi, những khuynh hướng xấu xa, những lo lắng về tiền bạc vật chất… Tất cả là như những con sóng mốn nhận chìm con người bé bỏng chúng ta. Thế nhưng, người Kitô hữu không hề hoảng sợ và thất vọng, bởi vì chúng ta không chiến đấu đơn độc một mình, nhưng chúng ta chiến đấu bên cạnh những người anh em khác và nhất là chúng ta chiến đấu cùng với Chúa Giêsu. Ngài luôn ở bên chúng ta. Có Ngài, chúng ta sẽ làm được tất cả. Có Ngài, chúng ta sẽ vượt qua được mọi gian nan thử thách. Có Ngài, chúng ta sẽ chiến thắng vẻ vang. Chúng ta không phải là những đứa trẻ mồ côi, lạc lõng giữa chợ đời, nhưng chúng ta bước đi trong tình thương của Chúa, một người Cha nhân từ và giàu lòng xót thương.
Người ta kể lại rằng: Sau nghi lễ đăng quang, Đức Piô XI đã trở về phòng riêng, ngồi vào chiếc ghế vị tiền nhiệm là Đức Bênêdictô XV, tự nhiên một nỗi lo âu xâm chiếm. Ngài nhìn thấy con đường trước mặt thật tăm tối: Một Giáo hội bị tấn công về mọi mặt. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất vừa chấm dứt, nhưng chiếc ngòi nổ vẫn còn âm ỉ. Trong lúc chán nản, ngài đã làm công việc duy nhất mà một người lo âu có thể làm, đó là quì xuống cầu nguyện. Trong khi cầu nguyện như thế, tay ngài đưa ra và chạm vào một bức ảnh còn lại trên bàn giấy của đức Bênêdictô. Ngài cầm bức ảnh ấy lên xem và bổng nỗi lo sợ tan dần. Tâm hồn ngài tràn ngập an bình. Đó là bức ảnh Chúa Giêsu đang truyền cho sóng gió yên lặng. Từ đó, ngài luôn để bức ảnh ấy trên bàn và mỗi khi lo âu chuyện gì, ngài liền nhìn vào và nhớ lại rằng: Chúa Giêsu chỉ cần phán một lời là sóng yên biển lặng.
Chúa Giêsu ở trong chúng ta và Ngài đã mang lại sự bình an cho tâm hồn. Bởi đó, giữa những cơn sóng gió của cuộc đời, chúng ta hãy bắt chước các môn đệ, chạy đến với Ngài và nài xin: Lạy Chúa, xin cứu chúng con, kẻo chúng con chết mất. Chắc chắn Chúa sẽ không để chúng ta mồ côi, nhưng Ngài sẽ nâng đỡ để chúng ta vượt thắng được những gian nan thử thách và luôn trung thành phụng sự Ngài.
Điều Chúa Giêsu dạy ta hôm nay là: “Nếu anh em yêu mến Thầy thì sẽ giữ các giới răn của Thầy”. Lời dạy xem ra nghe không êm tai mấy, bởi vì giữa tình yêu và lề luật có vẻ như xung khắc với nhau. Tình yêu gợi cho ta cảm giác êm đềm, dịu ngọt, tình yêu làm cho đời ta vui tươi thoải mái, trong khi đó các giới răn, các luật lệ lại gây cho ta một cảm giác gò bó, trói buộc và mất tự do. Thánh Augustinô cũng đã nói: “Hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”. Nói như thế có nghĩa là trong tình yêu thì không cần lề luật gì nữa. Vậy mà Chúa Giêsu lại ghép việc tuân giữ giới răn vào chuyện yêu thương như một điều kiện không thể thiếu. Điều này xem ra không ổn.
Tuy nhiên, nếu suy nghĩ kỹ ta lại thấy lời dạy của Chúa Giêsu rất hợp tình hợp lý và không có gì là không ổn cả. Có thể nói: Yêu mến và việc tuân giữ các lề luật chỉ là một dòng chảy duy nhất và rất tự nhiên. Tuân giữ các giới răn là sự thể hiện ra bên ngoài tình yêu ở bên trong. Chẳng hạn:
- Vâng phục cha mẹ là cách diễn tả rất tự nhiên của lòng hiếu thảo và yêu mến mà con cái dành cho cha mẹ.
- Chấp nhận mưa nắng dãi dầu để kiếm cơm áo cho con cái, chấp nhận gian khổ để chu toàn trách nhiệm trong gia đình là một tỏ bày tình yêu con cái của những bậc làm cha mẹ.
- Không ngoại tình, không phản bội là một đòi hỏi đương nhiên của tình yêu vợ chồng.
- Chính Chúa Giêsu cũng đã thể hiện tình yêu đối với Chúa Cha qua việc thi hành mọi sự theo ý muốn của Cha.
Và mọi mối liên hệ yêu thương khác cũng thế. Chỉ yêu trong lòng mà thôi thì chưa đủ, nếu không muốn nói đó chưa phải là yêu mến thật sự.
Do đó, lòng yêu mến Chúa thực đòi ta giữ giới răn của Người. Điều đó rất tự nhiên. Bởi khi yêu nhau, người ta sẵn sàng chấp nhận gian khổ, chấp nhận hy sinh vì nhau. Người ta cũng sẵn sàng làm theo ý của nhau nếu đó là những ý muốn chính đáng. Điều cần nói ở đây là việc ta tuân giữ giới răn của Thiên Chúa chẳng đem lại lợi lộc gì cho Người, nhưng đem lại lợi ích cho chính chúng ta. Bởi lẽ, lề luật của Chúa là một hàng rào cần thiết để bảo vệ ta được an toàn và khỏi rơi xuống vực thẳm tội lỗi. Đồng thời chúng cũng là những bảng chỉ đường giúp ta đi đúng con đường dẫn đến sự sống, đến hạnh phúc. Biết như vậy nhưng dường như ta vẫn cảm thấy khó khăn và ngại ngùng khi phải tuân giữ, phải thực thi các giới răn của Người. Phải chăng chủ trương đạo tại tâm lại chẳng phản ảnh việc chối từ thực thi giới răn của Thiên Chúa đó sao?
Chúa Giêsu cũng biết những khó khăn và ngại ngùng ấy của ta. Chính vì vậy, Người đã hứa ban cho ta Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ ở với chúng ta, sẽ trợ lực, sẽ ban sức mạnh để giúp ta sống và thực thi những điều Người đã dạy ta. Chúa Thánh Thần đã đến với ta ngày ta lãnh nhận bí tích Rửa tội và đặc biệt qua bí tích Thêm sức. Người vẫn còn ở với ta để hướng dẫn và nâng đỡ ta trong suốt cuộc đời. Chỉ có điều là ta có đón nhận sự hiện diện, sự nâng đỡ, có lắng nghe sự hướng dẫn của Người hay không mà thôi.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm