Chúa Nhật XIX thường niên - Năm C
TỈNH THỨC TRONG ĐÊM TỐI
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta hãy tỉnh thức. Tỉnh thức để làm gì? Bài Tin Mừng hôm nay nói "để đợi chủ về". Nghĩa đầu tiên là đợi chờ ngày Chúa Giêsu lại đến; nghĩa thứ hai là ngày chết của mỗi người; nghĩa thứ ba là những lúc Chúa đến viếng thăm ban ơn cho ta. Trong cả 3 trường hợp ấy, chỉ có ai tỉnh thức, sẵn sàng và nhanh nhạy mới gặp được Chúa và được Chúa thưởng.
Chúng ta hãy tham dự Thánh lễ sốt sắng và xin Chúa giúp chúng ta luôn tỉnh thức.
II. Gợi ý sám hối
Nếu Chúa bảo chúng ta phải chết ngay hôm nay thì chắc chúng ta không kịp chuẩn bị, và do đó số phận đời đời của chúng ta rất đáng sợ.
Nếu bây giờ Chúa như vị Thanh tra đến kiểm tra những việc bổn phận của chúng ta, Ngài có hài lòng không?
Chúa Giêsu đã dạy: "Hãy bán tài sản đời này để sắm lấy kho tàng không bao giơ hư nát trên trời". Chúng ta có làm theo Lời Chúa không?
III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (Kn 18, 6-9)
Việc được Thiên Chúa giải phóng khỏi ách nô lệ Ai cập luôn là một kỷ niệm sâu đậm trong tâm khảm người Do Thái mọi thời và mọi nơi. Bởi vậy người Do Thái sống ở diaspora vào thế kỷ I trước công nguyên vẫn luôn tưởng nhớ đêm giải phóng ấy. Trong đoạn trích này, tác giả sách Khôn ngoan khuyên họ hãy luôn sống xứng đáng là con cháu của thế hệ đã xuất hành khỏi Ai cập bằng cách luôn tin tưởng vào những lời hứa của Thiên Chúa.
2. Đáp ca (Tv 32)
Tv này thuộc loại Tv minh triết, ca tụng sự quan phòng và những kỳ công Thiên Chúa đã làm trong quá khứ.
3. Tin Mừng (Lc 12, 32-48)
Từ chìa khóa của đoạn Tin Mừng này là "Tỉnh thức". Chúa Giêsu dùng 2 dụ ngôn để minh họa bài học tỉnh thức:
a/ Dụ ngôn người đầy tớ: Tỉnh thức như một người đầy tớ đang đợi chủ đi ăn cưới không biết sẽ về lúc nào (Tiệc cưới ở Do Thái kéo dài không biết đến bao giờ mới kết thúc, có khi kết thúc buổi chiều, có khi mãi tới nửa đêm hay muộn hơn nữa). Người đầy tớ ấy "thắt lưng cho gọn" (tư thế sẵn sàng làm việc), và "thắp đền cho sẵn" (để khi chủ về thấy lối mà vào nhà. Tư thế sẵn sàng phục vụ). Nếu biết rõ lúc nào chủ về thi dễ hơn nhiều, vì chỉ cần chờ gần tới lúc đó mới thắt lưng và thắp đèn. Nhưng vì không biết chừng nào chủ về nên phải sẵn sàng luôn. Vừa nghe thấy một tín hiệu nhỏ cho biết chủ sắp về tới là mau mắn làm việc và phục vụ ngay. Như thế tỉnh thức đi kèm với sẵn sàng và nhanh nhạy.
Tỉnh thức để làm gì? Dụ ngôn nói "để đợi chủ về". Nghĩa đầu tiên là đợi chờ ngày Chúa Giêsu lại đến; nghĩa thứ hai là ngày chết của mỗi người; nghĩa thứ ba là những lúc Chúa đến viếng thăm ban ơn cho ta. Trong cả 3 trường hợp ấy, chỉ có ai tỉnh thức, sẵn sàng và nhanh nhạy mới gặp được Chúa và được Chúa thưởng.
b/ Dụ ngôn quản gia trung thành (41-48): dụ ngôn này nói riêng cho những người có trách nhiệm lãnh đạo. Luca dùng hay dùng danh từ "quản lý" để chỉ những kẻ lãnh đạo (x. 16, 1. 3. 8). Người lãnh đạo được Thiên Chúa giao coi sóc giáo đoàn phải trung thành phục vụ mọi người cho tới khi Chúa Quang lâm. Khi đó người ấy sẽ được trọng thưởng. Trái lại nếu nghĩ rằng Chúa chậm Quang lâm để rồi lạm dụng chức vụ để lo cho bản thân (ăn uống lu bù) và ngược đãi kẻ khác (đánh đập tôi trai tớ gái) thì khi đến Ngày Quang lâm sẽ bị trừng phạt nặng. Chúc vụ càng cao thì hình phạt càng nặng. Ý chính là trung thành trong nhiệm vụ được giao.
4. Bài đọc II (Dt 11, 1-2. 8-19) (Chủ đề phụ)
Trong đoạn trích này, tác giả thư Do Thái ca tụng đức tin của tổ phụ Abraham: do tin vào lời Chúa, ông đã bỏ quê hương xứ sở ra đi mà không cần biết trước sẽ đi tới đâu; do đức tin, ông đã dám đem đứa con duy nhất sinh ra trong lúc tuổi già để giết làm lễ vật dâng lên cho Chúa.
IV. Gợi ý giảng
1. Sống với sự bấp bênh
Trong tất cả mọi chuyến bay, khi máy bay vừa cất cánh và đã ổn định đường bay, các tiếp viên hàng không đều chi dẫn cho hành khách phải làm những gì khi rủi mà máy bay gặp tai nạn. Sự việc này có nghĩa là mặc dù chuyến bay đã được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, nhưng người ta vẫn chưa dám chắc là sẽ an toàn 100 %, do đó phải chuẩn bị đối phó với điều bất ngờ.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng ban cho chúng ta những chỉ dẫn cho chuyến bay cuộc đời. Ngài bảo chúng ta phải luôn tỉnh thức sẵn sàng, như một người đầy tớ chuẩn bị sẵn mọi thứ để chờ chủ về bất cứ lúc nào.
Lời dạy của Chúa rất hợp lý, bởi vì cuộc sống con người rất bấp bênh. Càng sống nhiều năm, con người càng cảm nhận sự bấp bênh của cuộc sống: người ta có thể chết ở bất cứ tuổi nào, bất cứ ở đâu và chết vì đủ thứ lý do.
Ở những vùng thường bị lũ lụt, người ta luôn chuẩn bị sẵn sàng để nếu có lũ thì tài sản không bị hư hao. Vào mùa hè thường xảy ra hỏa hoạn, người ta cũng nhắc nhau lúc nào cũng chuẩn bị sẵn sàng. Đối với nhà cửa và tài sản, chúng ta biết chuẩn bị sẵn sàng, vậy tại sao không biết chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống đời đời?
2. Chuẩn bị thế nào?
Chuẩn bị sẵn sàng không có nghĩa là đã hoàn thành hết mọi việc phải làm (được như vậy thì càng tốt, nhưng ít ai được như vậy), mà là lúc nào cũng đang làm tốt việc bổn phận.
Một tu sĩ kia đang quét nhà trong tu viện. Chợt một người đến hỏi "Nếu một giờ nữa anh phải chết thì anh sẽ làm gì?" Vị tu sĩ trả lời "Tôi cứ tiếp tục quét nhà cho xong".
Làm tốt việc bổn phận không phải chỉ là làm cho xong việc bổn phận đó, mà còn là làm cách vui vẻ và với lòng yêu mến. Cựu Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc, ông Dag Hammarskjold đã để lại câu sau đây: "Có ngày nào mà niềm vui thì lớn còn nỗi buồn thì nhỏ không?" Và chính ông trả lời: "Thưa có, ngày nào chúng ta biết sống với bổn phận và chu toàn bổn phận thì ngày đó chúng ta sẽ thấy niềm vui thật lớn và thấy những nỗi buồn thật nhỏ nhoi". Thi hào Tagore cũng có một câu tương tự: "Tôi ngủ mơ thấy đời sống là vui. Tôi thức giấc thấy đời sống là bổn phận. Tôi làm việc và thấy bổn phận là niềm vui".
Cách đây vài năm, một thầy dòng Phanxicô kia phụ trách một trường giáo dục các trẻ em hư hỏng. Trong một chuyến đi vận động các nhà hảo tâm trợ giúp tài chánh cho trường, Thầy đã bị tai nạn xe và chết. Nhiều người tội nghiệp cho Thầy vì chết đột ngột quá. Nhưng cũng có nhiều người khác cho rằng Thầy đã chết một cách tuyệt đẹp, bởi vì chết đang khi thi hành bổn phận mình. (FM)
3. Sẵn sàng chết
Tại chùa Tô Châu, có một nhà sư tên Viên Thủ Trung, tu hành đắc đạo, nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ 5 tấc, có một cái nắp mở ra đóng vào được.
Khách đến chơi trông thấy cười nhạo nói rằng:
- Ngài chế ra cái này dùng để làm gì?
Nhà sư trả lời:
- Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Tôi thực lấy làm lạ, người đời ai cũng chỉ biết phú quí, công danh, tài sắc, thị hiếu, lo buồn, vất vả suốt đời chẳng biết đến cái chết là gì. . . Mỗi khi có việc không vừa ý, tôi cầm lấy cái quan tài mà ngắm, tức khắc tôi cảm thấy được yên tâm trong tâm hồn ngay.
Thật là hiếm, những con người luôn ngẫm suy về cái chết của chính mình, và còn hiếm hơn nữa, những con người xem cái chết như người bạn đồng hành, giúp họ vượt qua những nỗi chán chường trong cuộc sống như nhà sư Viên Thủ Trung trong câu chuyện trên đây. Phần nhiều, người ta bôn ba để kiếm sống, họ lo thu tích cho nhiều của cải, vội vã thụ hưởng những thú vui trần tục, họ sống như thể sẽ không bao giờ phải chết. (TP)
4. Hành trình trong đức tin
Trong một bài đăng trên báo The Tablet (Ngày 1 tháng 4 năm 2000), Pastor Ignotus viết rằng có hai cách để sống cuộc đời mình: một là làm như một người lập chương trình, hai là làm như một kẻ hành hương.
Người lập chương trình muốn kiểm soát toàn bộ đời mình và đặt chương trình cho từng giai đoạn cuộc đời theo những mục tiêu định sẵn, đó là những thứ mà xã hội coi là thành đạt. Người lập chương trình tốn rất nhiều thời giờ để bắt chước kiểu sống của những khác và theo đuổi những giá trị của những người khác. Thế nhưng nếu không đạt được những mục tiêu ấy thì họ sẽ thất vọng ê chề.
Còn người hành hương thì trái lại. Đó là người đón nhận cuôc sống như một quà tặng bao gồm cả mặt phải và mặt trái của nó. Người hành hương không thể kiểm soát tất cả những gì xảy đến trong đời mình, nhưng biết thưởng thức tất cả những điều ấy, xem tất cả là những cơ hội cho mình lớn lên. Không như người lập chương trình, người hành hương không bao giờ cảm thấy dễ chịu hay khó chịu với những giá trị mà những người khác trong xã hội nhắm tới.
Nói tóm lại, người lập chương trình không biết sống theo đức tin. Còn người hành hương thì luôn sống theo đức tin. Người hành hương ý thức rằng cuộc đời có nhiều việc khó lường nhưng biết chấp nhận chúng. Người hành hương đặt mình trong bàn tay Thiên Chúa, phó thác đời mình cho Thiên Chúa chở che. Vì biết sống giây phút hiện tại nên người hành hương có thể sống tròn đầy cả cuộc đời mình.
Ông Abraham (bài đọc I) là một tấm gương của người hành hương trong đức tin. Nghe theo lời Chúa gọi, ông rời bỏ quê hương, lên đường đi đến một xứ sở mà Chúa hứa ban cho ông mặc dù ông chưa biết xứ sở ấy ở đâu. Ông đi chỉ vì ông tin vào lời Chúa hứa, thế thôi.
Chúng ta là con cháu Abraham, nên chúng ta phải noi gương đức tin của Abraham. Cuộc đời đầy dẫy những chuyện khó lường. Chúng ta không biết ngày mai sẽ ra sao. Nhưng chúng ta cứ mạnh dạn tiến bước vì chúng ta biết rằng chúng ta không cô đơn trong cuộc hành trình, có Chúa cùng bước với chúng ta. Hơn nữa chúng ta còn biết rằng nơi mà Chúa dẫn chúng ta tới chính là Đất Hứa, một nơi đầy tràn bình an và hạnh phúc. (FM)
5. Chuyện minh họa
a/ Được chọn cách chết
Một tên hề kia chuyên làm trò cho nhà vua vui. Nhưng một hôm hắn lở nói một câu xúc phạm khiến nhà vua nổi giận truyền xử tử hắn. Tuy nhiên vì những công lao bấy lâu nay của hắn nên nhà vua cho hắn được chọn cách chết. Sau một hồi suy nghĩ, hắn tâu: "Xin cho hạ thần được chết già!"
Lời bàn: Tên hề này là một người may mắn vì được chọn cách chết và lúc chết của mình. Chúng ta không được may mắn như hắn đâu. Cho nên phải luôn sẵn sàng.
b/ Ở với con
Một bà mẹ kể: tối đó, khi tôi đang dọn giường cho đứa con nhỏ, nó thỏ thẻ: "Mẹ ơi, mẹ ở với con khi con ngủ nhé!" Nghĩ đến bao việc nhà chưa làm sau một ngày ở sở, tôi đã tính ra ngoài để nó ngủ một mình. Chợt một ý tưởng nảy ra trong trí, tôi đến nằm bên con, đặt tay con trong tay mình. Và trong lúc đứa con chìm vào giấc mộng, ý tưởng đó biến thành lời nguyện: "Lạy Chúa, xin giúp son sống thế nào để khi bước vào hoàng hôn cuộc đời, con có thể âu yếm nói với Cha trên trời: "Cha ơi, Cha ở với con khi con ngủ nhé!"
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế: Anh chị em thân mến, trung thành làm tròn mọi bổn phận đối với Chúa và tha nhân là phương thế tốt nhất để đón chờ Chúa trở lại trong vinh quang. Với quyết tâm luôn tỉnh thức và chờ đợi Chúa đến, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:
1. Hội thánh không ngừng kêu gọi con cái mình tỉnh thức và cầu nguyện / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị mục tử / biết tìm mọi phương thế thích hợp / để giúp các tín hữu luôn luôn tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng.
2. Trong đời sống thường ngày / có lắm người sống như mình không bao giờ chết / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi người hiểu rằng / cái chết không buông tha bất cứ một ai / và nhiều khi xảy đến hết sức bất ngờ.
3. Tận tụy phục vụ tha nhân / là một trong những cách tỉnh thức đón mừng Chúa đến / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Kitô hữu / biết hết lòng phục vụ Chúa nơi những người đói khổ nghèo nàn.
4. Siêng năng lãnh nhận các bí tích / và tích cực sống lời Chúa dạy trong Tin mừng / là sẵn sàng / là tỉnh thức như Chúa dạy / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết luôn chuẩn bị thật tất tâm hồn / để khi Chúa gọi trở về với Chúa / không ai bị Người khiển trách bất cứ điều gì.
Chủ tế: Lạy Chúa, giữa bao sóng gió của cuộc đời, chúng con dễ ngã lòng nản chí và lơ là trong việc chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ quyết định với Chúa là vị Thẩm phán công minh. Vậy xin Chúa ban ơn trợ giúp cho chúng con. Chúng con cầu xin
VI. Trong Thánh Lễ
- Trước kinh Lạy Cha: Khi đọc những lời "Xin Cha tha nợ chúng con", chúng ta hãy xin Chúa tha thứ những tội chúng ta không chu toàn bổn phận hằng ngày như một người đầy tớ trung thành.
- Sau kinh Lạy Cha: "Lạy Cha xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, nhất là sự dữ tệ hại là chết khi chưa kịp chuẩn bị gì cả. Xin đoái thương cho những ngày chúng con đàng sống được bình an..."
VII. Giải tán
Cuộc đời chúng ta đầy những bổn phận: bổn phận với Chúa, bổn phận với Giáo Hội, bổn phận với xã hội, bổn phận với gia đình v. v. Trong tuần này chúng ta hãy cố gắng chu toàn tất cả mọi bổn phận ấy một cách vui vẻ và trong tâm tình yêu mến.
bài liên quan mới nhất
- Thứ Bảy tuần 18 Thường niên năm II (Mt 17,14-21)
-
Thứ Tư tuần 18 Thường niên năm II (Mt 15,21-28) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (Ga 8,1-11) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C - Hãy sám hối (Lc 13,1-9) -
Chúa nhật 2 mùa Chay năm C - Biến đổi (Lc 9,28b-36) -
Chúa nhật 1 mùa Chay năm C (Lc 4,1-13) -
Chúa nhật 8 Thường niên năm C (Lc 6,43-49) -
Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Chúa nhật 6 Thường niên năm C (Lc 6,17.20-26)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Sáu tuần thánh - Thương khó (Ga 18,1-19,42)
-
Thứ Bảy tuần thánh - Ngôi mộ trống (Mc 16,1-8) -
Thứ Năm tuần thánh (Ga 13,1-15) -
Thứ Tư Lễ Tro - Giữ chay và kiêng thịt (Mt 6,1-6.16-18) -
Chúa nhật 5 Thường niên năm A -
Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày) -
Chúa nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa năm A -
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa - Năm A -
Bài giảng lễ Mồng Hai Tết -
Ngày 22/07: thánh nữ Maria Mađalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18)