Chúa yêu người - Người yêu Chúa
Khi tham dự lễ Truyền chức linh mục, cộng đoàn tín hữu thường hòa chung tâm tình tận hiến với tiến chức: "Từ muôn thuở Chúa đã yêu con, một tình yêu không bờ bến, nay con biết lấy chi báo đền, lòng từ ái Chúa vô biên…". Vâng, trong ngày hồng phúc ấy, niềm vui vỡ òa trong con tim các vị tân chức, cờ xí tung bay trong gió, đón chào khách thập phương về dự đại lễ, ca đoàn rộn vang tiếng hát, ngợi ca thánh chức cao vời.
Nhưng ngược lại, khi tham dự lễ Khấn tại dòng kín Cát Minh Sài Gòn, chúng ta sẽ cảm nhận được một bầu khí thật linh thánh: Không ồn ào náo nhiệt, không cờ xí, băng-rôn, không đón rước, kèn trống, mà là một bầu khí thánh thiêng đến lạ kỳ: một không gian tĩnh lặng, chiêm niệm và cầu nguyện; một khung cảnh ấm cúng, đơn sơ và thân mật, đã làm tôi miên man suy nghĩ, bởi đâu các nữ tu dòng kín lại có được một tình yêu Chúa mãnh liệt đến thế? Phải chăng, các chị đã cảm nhận sâu sắc: “Tình Chúa yêu con người và tình con người yêu Chúa”?
Chúa yêu người
Nhớ lời Kinh Thánh: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16), tôi mới ngộ ra rằng: Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài mà được cứu độ.
Thế nhưng, lại có người hỏi: “Nếu Chúa yêu thương con người sao Chúa không đơn giản tha tội cho họ? Như vậy tất cả đều được cứu rỗi và Con của Ngài không phải xuống thế, chịu chết?”
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhớ lại rằng sự chết là hậu quả của tội lỗi mà con người đã phạm như Thiên Chúa nói với Adam và Eva: “Ngày nào ngươi ăn, (trái cấm) chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2,17). Thánh Phaolô cũng giải thích thêm về nguyên nhân gây ra sự chết: “Vì một người mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12).
Cho nên mọi người phải chết vì đó là hậu quả của tội lỗi. Không ai có thể tránh được hậu quả này trừ Chúa Giêsu và Mẹ Maria (tuy mang thân xác con người nhưng không hề vướng mắc tội tổ tông và mọi tội khác). Nhưng Chúa Giêsu đã chết trong thân xác con người của Chúa không phải vì hậu quả của tội lỗi, vì Chúa hoàn toàn vô tội. Người vô tội, nhưng đã tự hiến chịu chết thay cho kẻ tội lỗi như Thánh Phaolô đã nói: “Thiên Chúa đã sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta. Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình” (Rm 8, 3).
Đó là lý do vì sao Chúa Giêsu đã vui lòng vác thập giá, chịu mọi cực hình để cuối cùng “Đã phải nếm sự chết để cho mọi người được cứu độ nhờ ơn Thiên Chúa” (Dt 2,9). Chính Chúa Giêsu cũng xác nhận điều này trong Sách Khải Huyền: “Ta là Đấng Hằng Sống. Ta đã chết và nay Ta sống muôn đời, và Ta giữ chìa khóa của Tử thần và Âm phủ” (Kh 1,18).
Như thế thì quá rõ, Chúa Giêsu xuống thế, làm người, chịu chết chỉ vì vâng theo thánh ý Chúa Cha và vì yêu thương con người. Đó chính là “Tột đỉnh của tình yêu” mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta.
Thánh Gioan đã diễn tả tình yêu của Chúa Giêsu dành cho con người: “Khi ấy, có một người đau liệt tên là Ladarô, ở Bêtania, làng quê của Maria và Martha. Vậy hai chị sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt”. Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển” (Ga 11, 1-4).
Như vậy, Ngài đã trải qua những niềm vui của thời thơ ấu, niềm vinh sáng của đời rao giảng và nỗi đau khổ của tuần thương khó, để thể hiện tình yêu tột đỉnh của con Thiên Chúa làm người, như Thánh Gioan đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Người yêu Chúa
Truyện kể rằng, có hai cây nến bị ném vào góc tủ đã tâm sự với nhau:
- Cây nến thứ nhất (được sử dụng trên bàn thờ) hối tiếc! Trước đây, tớ luôn tỏa sáng trên bàn thờ, mọi người chăm chú dự lễ, nhưng cũng thường hay liếc qua nhìn tớ, nên tớ rất tự hào về mình! Thế nhưng chợt nhìn lại mình, thấy thân mình ngày càng còm cõi theo tháng ngày, tớ đã nói với ngọn đèn dầu. Tội gì mình phải làm chuyện không đâu này, mình có được chi, lợi ích gì! Tại sao họ không dùng cậu mà cứ bắt tớ phục vụ hoài. Không ngờ ngày hôm sau, người ta đã thay tớ bằng ngọn đèn điện, còn tớ bị xếp vào góc tủ này. Giờ muốn ra ngoài để tỏa sáng như ngày trước, nhưng đâu ai thèm sử dụng tấm thân bẩn thỉu, đầy bụi bặm của mình nữa!
- Cây nến thứ hai (được sử dụng tại phòng ăn một gia đình) than vãn! Thực ra tớ rất được chủ nhà nuông chiều, khi gia đình sum họp dùng cơm, tớ luôn tỏa hơi nóng tạo bầu khí ấm cúng cho gia đình họ. Khi có khách đến chơi, mọi người đều trầm trồ khen tớ có thân hình tuyệt đẹp. Nhưng vào một đêm No-en, dù cố gắng hết sức để tỏa những ánh sáng kỳ ảo, chợp chờn cùng với ánh đèn điện, nhưng không sao tớ tạo được chú ý của mọi người! Thật vô phúc, một cơn gió lạnh vụt bay đến, nhận chìm ánh sáng của tớ, và rồi mọi người đã đưa tớ vào đây, chờ ngày lấy sáp đúc "Nến Phục Sinh".
Câu truyện trên tưởng bình thường, nhưng đã để lại trong tôi một bài học vô cùng quý giá: Để thực thi giới luật “Mến Chúa Yêu Người” thật khó, nếu chúng ta không tự hủy cái tôi của mình để hòa tan con người mình vào trong tình yêu của Chúa, vào tình thương của mọi người. Chấp nhận cho đi không mong đền đáp.
Tôi giật mình suy nghĩ: Những việc bác ái tôi làm, những hoạt động tông đồ tôi thực hiện trong các đoàn thể... có phải vì tôi yêu Chúa hay tôi đang yêu chính mình!
Nhiều khi chúng ta tưởng mình yêu Chúa nhưng chính Chúa mới là người yêu chúng ta trước, yêu vô điều kiện và yêu không bến bờ.
Chúng ta rất dễ nói yêu Chúa khi chúng ta thuận lợi thành công, chúng ta dễ nói yêu Chúa khi nhận được những điều tốt đẹp.
Yêu đâu phải chỉ bằng cảm xúc và bằng lời nói, nhưng còn bằng cả hành động nữa. Nếu ai ghét anh em mình mà bảo yêu Chúa thì chúng ta là kẻ nói dối. Hãy vui với kẻ vui và khóc với kẻ khóc. Khi tình yêu của Chúa tuôn đổ trên chúng ta, hãy để nó chảy đến với mọi người xung quanh, vì có nhiều người cần đến tình yêu của Chúa. Đó là dòng chảy yêu thương.
Đừng nói yêu Chúa, nếu ta không thấy trong lòng mình sự rạo rực tình yêu thương tha nhân một cách mãnh liệt.
Đừng nói yêu Chúa, nếu ta vẫn còn chứa chan tỵ hiềm và ganh ghét, vẫn còn kiêu ngạo và khoe khoang.
Đừng nói yêu Chúa, nếu ta chỉ sống để bảo vệ cái tôi ích kỷ của mình.
Đừng nói yêu Chúa, nếu ta chỉ tìm hư danh hão huyền để vuốt ve lòng tự ái quá lớn trong ta.
Chỉ khi nào niềm vui của người khác là niềm vui của chính mình. Chỉ khi nào mình biết hy sinh nhu cầu bản thân, để san sẻ cho người thiếu thốn, bất hạnh. Chỉ khi nào mọi người đều là kẻ mình yêu mến, yêu mến như mực thước cao thượng trong lời Chúa Giêsu: “Hãy yêu kẻ lận cận như chính mình”, thì ta mới có thể ngước mặt lên thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa, con yêu Chúa”.
Vì thế, Chúa muốn chúng ta trở thành muối và ánh sáng cho thế gian này bằng những nghĩa cử yêu thương. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta vô điều kiện, dù chúng ta đáng bị trừng phạt. Vậy khi yêu thương nhau, chúng ta đã áp dụng nguyên tắc cao vời của Chúa Giêsu: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34).
Chỉ như vậy, chúng ta mới có được tình yêu đích thực với tha nhân, một tình yêu trao ban và chấp nhận nhau. Từ đó, mọi suy nghĩ và hành động của chúng ta đều là vì lòng yêu mến Chúa và tha nhân. Khi ấy, tâm hồn chúng ta sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn, để bay lên, kết hiệp thân mật với Đấng là Tình Yêu.
Chúng ta không giàu có vì những gì mình đã nhận lãnh, mà giàu có vì những gì mình đã trao ban. Cha Mark Link viết: “Khi Chúa đến, Người không cân đo trí khôn chúng ta thông minh thế nào. Nhưng Người sẽ cân đo trái tim chúng ta yêu thương ra sao”.
Lạy Chúa, xin cho trái tim chúng con nồng cháy yêu thương, cho bàn tay chúng con rộng mở để trao ban, cho đôi chân chúng con đến với những người nghèo khổ. Vì chỉ có thế, chúng con mới xứng đáng là thần dân của Vua Tình Yêu, luôn mang cờ hiệu là “Phục vụ và Yêu thương”. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm