Chứng nhân niềm hy vọng
Bất cứ ai có dịp tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới đều có chung một cảm nhận, đó là niềm vui lan tỏa nơi mọi người tham dự. Khi tham dự biến cố quan trọng này, mọi người phải hy sinh và chấp nhận nhiều bất tiện. Vì số tham dự viên quá đông, nên họ phải mang theo túi ngủ, để có thể qua đêm trong những phòng thi đấu thể thao, những trường học hoặc trung tâm văn hóa. Vấn đề ẩm thực cũng vậy, Ban Tổ chức phát phiếu ăn cho mỗi người và họ có thể lãnh đồ ăn tại các điểm phân phát hoặc tại một số nhà hàng. Phần ăn thường là cơm hộp và rất đơn sơ. Vì lý do an ninh, việc kiểm soát được tăng cường tối đa với lực lượng an ninh dày đặc. Các tham dự viên cũng phải đi bộ rất nhiều trong những ngày này, vì phương tiện công cộng không thể đáp ứng nhu cầu di chuyển. Các bạn trẻ phải đi bộ từ 8 đến 10 kilômét từ nơi trọ để đến tham dự các buổi giáo lý đa ngữ và những cử hành chung như lễ khai mạc (chiều thứ Ba), đón tiếp Đức Thánh Cha (chiều thứ Năm), ngắm đàng Thánh Giá (chiều thứ Sáu), Cầu nguyện canh thức cùng với Đức Thánh Cha (chiều thứ Bảy) và lễ bế mạc (sáng Chúa nhật). Mặc dù vất vả như vậy, nhưng nơi mỗi người tham dự, chúng ta đều gặp thấy toát lên niềm vui. Trong lời chào mừng Đức Thánh Cha trước thánh lễ bế mạc sáng Chúa nhật, Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám mục Krakow đã nói: “Thưa Đức Thánh Cha, các bạn trẻ khắp thế giới về Krakow để gặp gỡ Đức Thánh Cha và để làm chứng cho niềm vui của Đức tin…”. Dường như các bạn trẻ quên hết mọi mệt mỏi, quên hết những khác biệt về văn hóa. Niềm vui của họ rất đơn sơ và chân thành. Con đường xa không làm họ nản lòng, vì họ được gặp Vị Chủ Chăn của Giáo Hội và được gặp gỡ nhau. Đây là dịp các bạn trẻ thể hiện sức mạnh và niềm vui của Đức tin. Về nơi này, họ cũng diễn tả một hình ảnh sinh động của Giáo Hội Chúa Kitô, bao gồm mọi sắc tộc, ngôn ngữ và văn hóa. Danh Thiên Chúa đáng ca tụng bằng tất cả mọi ngôn ngữ trên thế gian này. Cuộc gặp gỡ của giới trẻ thế giới đã chứng minh điều đó.
Trong Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31 này, cùng với các bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới, có các bạn đến từ Irắc, từ Li Băng và từ Syria, là những nước đang có chiến tranh khốc liệt. Người dân phải rời bỏ quê cha đất tổ để giữ gìn mạng sống, tạo thành làn sóng khổng lồ những người di dân đến những chân trời vô định. Những Kitô hữu phải lên đường để giữ đức tin và để tránh những cuộc tàn sát đẫm máu. Tương lai của họ rất mờ mịt ảm đạm. Trong phần chia sẻ những chứng từ trước giờ cầu nguyện canh thức, trong nước mắt và nghẹn ngào, các bạn trẻ này đã nói lên sự lo âu của họ cùng với những nguy hiểm rình rập họ mỗi ngày. Trong bối cảnh đó, họ vẫn vững tin vào Thiên Chúa và hy vọng vào lòng thương xót của Ngài. Họ cũng xin các bạn trẻ có mặt cầu nguyện cho đất nước và dân tộc của họ, để chiến tranh chấm dứt và mọi sắc tộc, tôn giáo cùng nhau chung sức xây dựng tương lai.
Ngỏ lời với các bạn trẻ trong đêm canh thức, thứ Bảy, 30-7-2016, trước sự hiện diện của khoảng 1,6 triệu bạn trẻ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Chúng ta không muốn chiến thắng hận thù bằng chính sự hận thù; chiến thắng bạo lực bằng việc gia tăng bạo lực; chiến thắng sự kinh hoàng bằng việc gia tăng mối kinh hoàng. Câu trả lời của chúng ta đối với thế giới đang có chiến tranh, đó là tình huynh đệ, sự hiệp thông, gia đình”. Vị Giáo Hoàng mang tước hiệu của Thánh Phanxicô, vị thánh của hòa bình, mong muốn các bạn trẻ Công giáo trên toàn thế giới hãy là những người chiến thắng bạo lực bằng hòa bình, chiến thắng gian dối bằng chân lý và chiến thắng chia rẽ bằng tình huynh đệ. Đó chính là “vũ khí” đầy sức mạnh và hiệu quả của các môn đệ Chúa Kitô. Ngài kêu gọi mọi người có mặt hãy dành giây lát thinh lặng, tay nắm tay, cùng giơ cao để cầu nguyện theo ý ấy. Ngài cũng kỳ vọng nơi giới trẻ, sau khi tham dự biến cố quan trọng này, hãy trở nên những chứng nhân của niềm hy vọng trong một thế giới đang lãng quên Thiên Chúa. Con người thời nay chủ trương tự do, nhưng lại tự giam mình làm nô lệ của vật chất tiền bạc, của những quan niệm hẹp hòi, của điện thoại, máy vi tính và của một nền kỹ nghệ khô khan, biến con người thành những cỗ máy vô hồn. Bởi sự ràng buộc đó, người ta sống ích kỷ, lãng quên tha nhân. Họ đào những hố sâu, xây những bước tường ngăn cách ngay giữa các thành viên trong một gia đình. Cần phải giải thoát khỏi những ràng buộc này để mỗi bạn trẻ trở thành người tự do.
Đức Thánh Cha hỏi các bạn trẻ: “Ngày hôm nay, Chúa muốn dùng cánh tay các bạn để tiếp tục xây dựng thế giới. Chúa muốn xây dựng thế giới với các bạn. Còn bạn, bạn trả lời thế nào, chấp thuận hay từ chối?” Các bạn trẻ có mặt đã đồng thanh trả lời: “Chấp thuận!”, và sau đó là những tràng pháo tay vang dội.
Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31 tại Krakow đã khép lại. Các bạn trẻ lên đường trở về với quê hương xứ sở của mình. Trở về từ cuộc gặp gỡ lịch sử này, các bạn không chỉ mang theo những hình ảnh, những kỷ niệm về một đất nước có truyền thống công giáo, mà chắc chắn các bạn còn mang theo những cảm nhận sâu sắc về lòng thương xót của Chúa, nhận ra Ngài hiện diện trong cuộc đời. Đó cùng là niềm hy vọng và nghị lực vượt lên mọi khó khăn trong cuộc sống đầy phức tạp hôm nay. Mỗi người một cách thức và mức độ khác nhau, các bạn đều được lòng thương xót của Chúa “chạm” tới , nhờ đó những suy tư cũng như hành động được biến đổi trong đời sống đức tin và trong cuộc sống hằng ngày.
Khi trờ về từ Krakow, các bạn trẻ còn được Đức Thánh Cha trao phó một sứ mạng: hãy trở nên những chứng nhân của niềm hy vọng! hãy góp phần thay đổi thế giới, khởi đi từ thay đổi bản thân. Sứ mạng này cũng được Đức Thánh Cha trao phó cho các bạn trẻ Việt Nam của chúng ta, mặc dù chúng ta chỉ hiện diện tại Ngày Giới trẻ Thế giới qua một phái đoàn gồm trên 30 thành viên. Vâng lời Đức Thánh Cha, thay vì phàn nàn bất mãn vì xã hội hôm nay nhiều khoảng tối, bạn trẻ chúng ta hãy thắp lên ngọn nến của tình thương và hy vọng. Thay vì trách móc con người hôm nay vô cảm dửng dưng, chúng ta hãy chuyên cần thực thi bác ái và quan tâm đến những người bất hạnh xung quanh. Nhiều ngọn nến nhỏ góp lại sẽ thành một vầng sáng lớn, và như thế, chúng ta sẽ có thể góp phần thắp sáng cuộc đời tại quê hương thân yêu của chúng ta.
Krakow, Chúa nhật, 31-7-2016
(Nguồn: WHĐ)
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm