Chứng nhân phục sinh
Trong thời sơ khai của Giáo Hội, những lời giảng dạy của các tông đồ mang nội dung chính yếu là sự phục sinh của Đức Giêsu. Nội dung giảng dạy này được gọi là Kerygma, Đó cũng là chủ đề trọng tâm các cuộc tranh luận giữa thánh Phaolô với người Do Thái cũng như với dân ngoại. Tại Xêdarê, ông Phéttô báo cáo vua Ác-ríp-pa nhân dịp vua đến thăm: “Họ chỉ tranh luận với ông ta về một số vấn đề liên quan đến tôn giáo riêng của họ, và liên quan đến một ông Giêsu nào đó đã chết, mà Phaolô quả quyết là vẫn sống” (Cv 25, 19). Giảng về Đức Giêsu phục sinh cũng là một điều gây vấp phạm đối với cử tọa, như trường hợp ở Athena, vừa khi thánh Phaolô nói đến Chúa Giêsu sống lại, thì nhiều người nhạo cười và bỏ về (x. Cv 17,22-32).
Thực ra, khi Chúa bước ra khỏi mồ, không có môn đệ nào chứng kiến. Ngôi mộ trống là khởi điểm cho những câu hỏi được đặt ra, khiến họ hồi tưởng quá khứ để suy tư những lời Chúa đã nói trước. Thế rồi, họ được gặp Chúa phục sinh. Lúc đầu họ còn ngờ vực, nhưng rất nhanh sau đó, họ đã nhận ra Người. Họ còn được đàm đạo và ăn uống với Người. Nhờ đó mà họ có cảm nhận rất sâu sắc về Đấng Phục sinh.
Sự phục sinh của Chúa giúp các tông đồ kiên vững lòng tin vào Thày mình. Trường hợp hai môn đệ trên đường Emmaus là một chứng minh. Trước khi gặp Chúa, các ông mệt mỏi, thất vọng và đang tính bỏ cuộc, nhưng sau khi nhận ra Thày mình, họ tìm lại nghị lực, vui tươi, phấn khởi và lên đường về Giêrusalem ngay trong đêm ấy. Biến cố phục sinh cũng giúp cho họ hiểu hơn về giáo huấn của Chúa Giêsu. Quan niệm của họ về Chúa Giêsu được nhìn với nhãn giới “hậu-phục-sinh” và nhờ đó, họ có một chân dung xác thực về Đấng Thiên Sai.
Chính chứng từ của các tông đồ đã làm nên sức mạnh của cộng đoàn tín hữu tiên khởi và đem lại hiệu quả nhanh chóng của công cuộc truyền giáo. Những người đương thời với tông đồ không nhìn thấy Đấng Phục Sinh, nhưng qua cử chỉ, lời nói và nhất là qua niềm xác tín của những người dân chài chất phác này, họ thấy được Chúa Giêsu đang hiện diện. Họ thấy rằng sự kiện một người đã chết rồi sống lại không thể lý giải được bằng lý trí, nhưng cũng không phải là chuyện tầm phào, vì chứng nhân sẵn sàng lấy mạng sống của mình để làm chứng. Đối diện với các nhà chức trách đạo cũng như đời, những người dân chài hiền lành này lại rất can đảm, không phải bằng một thứ lý luận uyên thâm, nhưng rất đơn giản và chắc chắn: “Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,20).
Những chứng nhân phục sinh là ai? Đầu tiên, phải kể đến Maria Mađalêna, một người đã nghe lời Chúa giáo huấn mà rũ bỏ quá khứ tội lỗi. Kế đến là những tông đồ, những người đã cùng sống với Chúa, đã chứng kiến những phép lạ Người làm. Các tông đồ là những người dân chài ít học. Họ không lý luận uyên thâm thông thái. Họ chỉ nói điều họ đã nghe, đã thấy và đã cảm nhận.
Khi mừng lễ Phục sinh, tôi được mời gọi trở thành chứng nhân của sự kiện Chúa sống lại. Tuy vậy, để có thể làm chứng về Đấng Phục Sinh, tôi phải biết Người, phải gặp Người và cảm nhận được sự hiện diện của Người trong đời tôi. Tôi không thể làm chứng về một người hay một sự việc mà tôi không biết chắc. Làm chứng nhân cho Đấng Phục Sinh hôm nay đôi khi phải chấp nhận là kẻ “ngược dòng” trong một xã hội xô bồ, phức tạp. Các tông đồ và các thánh tử đạo sau này đã những người dám đem mạng sống mình để “đặt cược” cho lời chứng về Chúa Giêsu, Đấng đã chết và đã sống lại. Một chứng từ được cam kết bằng mạng sống sẽ có tính thuyết phục mạnh mẽ và làm cho người khác tin. Xác tín nơi Đấng Phục Sinh, các tông đồ khi bị đánh đòn và bạc đãi, lại “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41).
“Bà Maria ơi, trên đường bà thấy những gì? Xin kể cho chúng tôi nghe” (Ca Tiếp liên lễ Phục Sinh). Ngày hôm nay, xung quanh tôi, có biết bao người đang đặt câu hỏi này cho tôi. Tôi đã thấy những gì? Tôi có gặp Đấng Phục Sinh giữa đời tôi hay không? Sự hiểu biết Chúa của tôi có thâm sâu đến mức tôi có thể kể cho mọi người nghe về Người? Hay tôi chỉ biết Chúa như một nhân vật của huyền thoại hoặc một nhân vật của lịch sử. Sự hiểu biết Chúa phải dẫn tôi đến việc biến đổi canh tân cuộc đời, để tôi được sống lại với Chúa. Nói cách khác, chính Chúa Phục Sinh sống trong tôi và làm đổi mới tận căn cuộc đời tôi, đến mức “tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Đối với những người đang đau khổ vì bệnh tật, vì đói nghèo, vì bất công, tôi làm thế nào để kể cho họ nghe về Đấng Sống Lại đã đến nâng đỡ hai môn đệ trên đường Emmaus, giúp họ tìm lại nghị lực và niềm tin? Với những người đang sống trong chia rẽ bất hòa, tôi làm thế nào để kể cho họ nghe về Đấng Sống Lại đang yêu thương tha thứ? Chứng từ phục sinh phải đến từ cuộc sống an bình, vui tươi và thấm đượm ân sủng.
Hiểu được như trên, mỗi tín hữu sẽ trở thành một chứng nhân của Đấng Phục Sinh giữa đời thường. Họ sẽ làm lan tỏa đến mọi môi trường cuộc sống niềm vui của Tin Mừng và tình yêu thương của Thiên Chúa là Cha của gia đình nhân loại.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm