Chúng tôi cần có những chứng nhân !
“Thời nay, chúng tôi cần có những chứng nhân”. Đó là lòng mong ước tha thiết của những tầng lớp con người thế giới hôm nay. Vâng, bởi tất cả những gì chúng ta nói, suy nghĩ, bàn luận... vẫn chưa thể đáp ứng được những khát vọng sâu xa của thời đại ; và những loay hoay, trăn trở, trục trặc... hiện nay cho thấy chúng ta còn mong ước Tỉnh Dòng sản sinh ra những vị chứng nhân đích thực, những người sống hết mình với sứ mệnh riêng biệt mà mình đã lãnh nhận, những người có khả năng đưa “lửa” vào những ngành nghề, những hoạt động trong nhiều lãnh vực khác nhau.
Chứng nhân không phải là làm hết mọi việc, làm hết sức lực khả năng của mình mà là làm với tất cả Thiên Chúa trong con người của mình. Họ được đẩy tới lòng nhiệt thành trong những lãnh vực sinh hoạt. Họ là chứng nhân của Tin Mừng bằng cách lấy cả mạng sống mình mà loan báo ; không ngại những khó khăn, vượt ra khỏi chính con người luộn thuộm của mình bằng sức sống bên trong, vượt qua được những hàng rào cản trở phía bên ngoài bằng niềm tin vững vàng. Họ đi đến tận biên cương đối diện với thực tại và tiến tới phía trước bất chấp cả mạng sống của mình.
Chứng nhân tông đồ bác ái.
Hiện nay, trong Tỉnh Dòng đã có những vị dấn thân làm việc tông đồ bác ái như phong cùi, đồng bào thiểu số, những người nghèo khổ khố rách áo ôm... Cũng đã có nhà dòng hàng tháng bỏ ra những món tiền kha khá để ban phát cho người nghèo, thăm viếng những trại này trại nọ một cách đều đặn, bảo trợ những công tác xã hội...
Những việc làm này thật đáng tuyên dương, bởi chúng làm cho con người bớt đói bớt nghèo bớt khổ... càng bớt được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Có điều những món tiền đó, nếu được kèm theo sức mạnh của chứng nhân, chắc chắn sẽ trở nên sinh động, làm sống dậy, chẳng những thể xác, mà cả tinh thần của những người được lãnh nhận biết bao.
Mặt khác, những công việc như thế, hình như, chưa lôi kéo, thôi thúc của ngọn lửa nhiệt tâm tông đồ ? Quả thực, nếu thành tâm nhìn lại, chúng ta thấy trong Tỉnh Dòng nói chung, vẫn còn ít có vị nào dám đến ở với người phong cùi, với người dân tộc thiểu số... “dựng lều” ở giữa họ, sống chết với họ, nên một trong họ để cùng với họ khám phá ra một Đấng đang dẫn dắt và cùng đồng hành với họ, đang là người bạn thân tình của họ.
Có lẽ cuối cùng thì Tỉnh Dòng vẫn còn cần có nhiều chứng nhân hơn trong việc tông đồ bác ái, trong sứ vụ mục tử, trong mọi công tác tông đồ để những thao thức về sứ vụ Đa Minh có được bước chuyển mình và đi vào vận hành của sức mạnh ơn cứu độ.
Chứng nhân (cầu nguyện) chiêm niệm.
Hiện nay, trong sinh hoạt của mọi tu viện và của Tỉnh Dòng, chúng ta vẫn có đầy đủ các sinh hoạt đạo đức : kinh nguyện, thánh lễ, tĩnh tâm... thế mà lại vẫn không ngừng có nhiều ý kiến nhắc tới sự sa sút trong đời sống tâm linh (GY ss 42,55,84)
Tất cả chúng ta đều đã học biết cầu nguyện là gì ; chiêm niệm là như thế nào ; có mấy cách, mấy phương pháp cầu nguyện ; cầu nguyện có cần thiết không ; tại sao ta phải cầu nguyện ; khẩu nguyện, tâm nguyện, kết hiệp, nhiệm hiệp... là gì.... ; nhưng chúng ta mới “biết” những điều đó trong lý thuyết nhiều hơn là “cảm” được chúng trong đời sống thực. Tất cả chữ nghĩa, khái niệm, định nghĩa như thế còn cần tới một chứng nhân (tôn sư) cầu nguyện thực sự, cần được thể hiện với những hiệu quả cụ thể của một đời sống kết hiệp với Chúa.
Có lẽ chứng nhân thực sự về đời sống chiêm niệm phải là những con người sống đỉnh cao của đức tin, để tìm thấy nền tảng cho mọi sinh hoạt, mọi lãnh vực của đời sống ; họ có kinh nghiệm sống với Chúa Kitô, để từ đó biết yêu mến Giáo Hội, yêu mến Dòng, yêu mến những thành phần trong Gia đình Đa Minh Việt Nam... ; họ mặc lấy tấm lòng của Thiên Chúa, để có thể quảng đại, từ tâm với những người đau khổ, nghèo khó ; họ cảm nhận lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa nên, tuy vẫn mang thân phận con người yếu đuối giòn mỏng giới hạn, nhưng không bị suy sụp bởi những biến cố bào mòn bên ngoài lẫn bên trong ; họ đi tìm những kho tàng kiến thức tư tưởng, hoặc đối diện với những đam mê tiền bạc danh vọng thú vui, những tính toán vụn vặt theo kiểu loài người, nhưng họ vẫn nhận ra những khát vọng thâm sâu của con người, khát vọng ơn cứu độ của Đức Giêsu Kitô ; họ sống nhờ Thần Khí, nên dù gặp những trục trặc không bao giờ thiếu trong cuộc đời, họ vẫn tìm được một lối sống sinh động, vui tươi, hài hòa
Điều đó quá lý tưởng chăng ? Vâng ! Nhưng không phải chính vì lý tưởng đó mà chúng ta được kêu gọi để trở nên một tu sĩ Đa Minh sao ? “Truyền thống Đa Minh mang nét tự do vui tươi, hết sức tôn trọng mọi người và ân điển riêng của họ. Không có con đường vạch ra trước, chỉ có tình yêu với Đức Kitô cứu độ nói cho biết phải thích ứng thế nào với cuộc sống thời đại” (Theo Spiritualité Đominicaine p.757)
Ôi lậy Chúa, con thấy mình đói lả
Chỉ có Ngài làm no thỏa được thôi
(Thánh Thi Kinh Trưa Mùa Chay)
Chứng nhân học hành.
Có vị Giám mục kia nói rằng, ngày nay, các dòng tu ganh đua nhau học hành, đua nhau đi nước ngoài nên công việc tông đồ không còn ai muốn dấn thân. Lời phàn nàn ấy phải chăng là một lời cảnh tỉnh cần thiết cho thời đại hôm nay ? Theo thiển ý tôi, việc say mê học hành là một dấu hiệu tốt, bởi Dòng chúng ta luôn lấy việc học là quan trọng, đồng thời là một việc khổ chế cho nền tu đức Đa Minh. Chỉ có điều, việc học còn cần phải được nối kết nhiều hơn với sứ vụ và đời sống tu đức Đa Minh.
Tôi vẫn thích đọc các bài của cha Bề trên Tổng quyền. Đọc đi đọc lại mà không biết chán. Tôi đội ơn Chúa vì Chúa đã ban cho Dòng một vị Bề Trên Tổng Quyền tuyệt vời như thế. “Điều xác tín của tôi trong bức thư này gửi toàn Dòng là : Nếp sống học hành là một trong những con đường giúp chúng ta lớn lên trong tình yêu, một tình yêu “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả”....
Với gợi ý của Bề trên Tổng quyền, có lẽ chúng ta phải tự duyệt xét xem : “Thử hỏi việc học hành của chúng ta có sinh ra Chúa Kitô một lần nữa hay không ? Việc học hành của chúng ta có là những khoảnh khắc sáng tạo đích thực, Nhập Thể đích thực hay không ? Các nhà học lẽ ra phải là những “nhà hộ sinh”... Anh Mc Cabe viết : “Một trong những thích thú lớn lao của việc giảng dậy trong học viện của chúng ta là quan sát cái khoảnh khắc, xảy ra sớm muộn tùy theo mỗi sinh viên, khoảnh khắc hoán cải, nếu có thể nói được như vậy. Trong khoanh khắc ấy, người sinh viên nhận ra rằng : Thiên Chúa không là gì khác hơn là nguồn mạch của mọi hành vi tự do của tôi, và là lý do vì đó các hành vi kia là của tôi...”. Bề trên Tổng quyền viết tiếp : “Mục đích tối hậu việc học hỏi của chúng ta nhắm tới là đưa chúng ta đến khoảnh khắc hoán cải ấy, trong đó những hành vi sai lạc chúng ta có về Thiên Chúa bị phá hủy.... Mục đích việc học hành nghiên cứu của chúng ta không chỉ đơn thuần để thông tin nhưng làm cho Đức Kitô sinh ra trong thế giới. Muốn lượng giá việc học hành của chúng ta vấn đề không phải là tìm hiểu xem việc học có làm cho chúng ta trở nên những người học rộng biết nhiều hay không mà là việc học có làm cho chúng ta thành những con người sinh sản phong phú hay không.”.... (Học hành và Loan báo Tin Mừng).
Vâng, tôi chỉ xin trích mấy đoạn ngắn nhưng cũng là những nỗi băn khoăn trong tôi, vẫn là những câu hỏi luôn đặt ra trong tôi, và vẫn là nỗi mong chờ của tôi về những chứng nhân học hành như thế.
Chứng nhân đời tu.
Ở đây, tôi muốn chia sẻ với những anh em đang và đã sống ơn gọi trợ sĩ. Vì tôi được Tỉnh Hội 94 cắt cử làm Giám sư anh em trợ sĩ, kiêm cổ động viên ơn thiên triệu trợ sĩ, và ngay từ đầu, tôi được, từ “Quan Đầu Tỉnh” đến “Quan Cuối Tỉnh”, nhắc nhở, cần nói với anh em rằng anh em phải xác tín đây là một ơn gọi riêng biệt, đừng mặc cảm, buồn bã rồi chán nản bỏ đường đứt gánh đời tu.
Tôi đã muốn thực hiện lời nhắn nhủ ấy bằng cách, cùng với anh em, xác tín rằng : tự căn bản, chúng ta là những con người khát (Ga 4), và đang dấn bước lên đường đi tìm dòng suối... ; và khi đã gặp được rồi thì “ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa...”.
Thế nhưng, trong bước hành trình ấy, chúng ta tìm đường, xoay sở, trang bị... và rồi ta quên mất cơn khát của mình. Có lẽ anh em giáo sĩ cũng dễ quên điều đó, nên còn loay hoay khẳng định mình bằng những cách thức này khác ; và anh em trợ sỹ thì lại buồn phiền vì mình thấp cổ bé miệng, bị thua thiệt, bị quên lãng.... và vẫn thấy đây là “ơn gọi chịu vậy” (híc !).
Ơn gọi nào ? đời tu nào ? “Sướng tu”, khổ tu, tu kín, tu hở, tu trong, tu ngoài... ? Tất cả vẫn chỉ là việc Chúa gọi đi theo Ngài. Ngài đề nghị : anh nhà giầu từ bỏ két tiền (19,16) ; môn đệ từ bỏ cha mẹ anh chị em (Lc 14,26) ; từ bỏ chính mình hằng ngày (Lc 9,23) ; từ bỏ mọi sự (Lc 9,57) ; ra đi không mang theo gậy, bao bị, lương thực... (Lc 9,3). Ngài đã không hứa hẹn điều gì cũng không có tính toán đổi chác theo kiểu : anh bỏ cái này tôi sẽ cho anh cái kia.
Đi theo Chúa, ở với Chúa, người tu sĩ sẽ khám phá được nhiều điều thú vị, những chuyện bất ngờ, ngỡ ngàng kinh ngạc, những chuyện không đoán định trước và đó là niềm vui, hạnh phúc của người môn đệ đi theo Chúa. Từ bỏ mà không trở nên phong phú tình yêu, niềm vui, hạnh phúc hơn mà chỉ thấy mỗi ngày tàn tạ sầu héo thêm thì cần xem xét lại ơn gọi của mình.
Đường nào đi tới, cách này cách kia, tất cả vẫn chỉ là gặp gỡ Ai - Đó và nhanh chóng được thúc đẩy làm chứng về Người trong môi trường, hoàn cảnh, sinh hoạt nào đó. Chỉ khi nào người tu sĩ gặp gỡ được Đức Kitô thật sự, được Ngài biến đổi thành tạo vật mới thì lúc đó người tu sĩ sẽ có nguồn vui lớn lao, niềm hạnh phúc đích thực ; lúc đó người tu sĩ mới nhận ra con đường Chúa gọi, Chúa dẫn mình đi đúng quá, hay quá ; và ngay lúc đó tu sĩ trở thành nhân chứng đời tu.
Chứng nhân mục vụ.
Trong công việc mục vụ của chúng ta, đặc biệt tại những tu viện có nhà thờ, chúng ta thường phân chia công tác theo kiểu ăn đồng chia đều để cùng đồng lao cộng khổ với nhau. Về điểm này, giáo xứ của chúng ta có cái hay ở chỗ là giáo dân ngồi nghe đỡ bị ngán ngẩm, đồng điệu, bởi có nhiều cha nhiều thầy, có nhiều thay đổi, nhiều ý tưởng tâm tình mới mẻ... Tuy nhiên, cũng có cái bất tiện là những anh em trong tu viện đó trở thành những người giữ bổn phận, làm xong nhiệm vụ là khỏe rồi, nên mất đi cái bề sâu của sự dấn thân. Cái bất tiện nữa là cùng bài Tin Mừng mà mỗi bài giảng của mỗi vị lại khác nhau, thậm chí đối chọi nhau, làm cho giáo dân rối tung lên. Cái bất tiện khác là cám dỗ muốn được việc, muốn cho xuôi chảy ; từ đó các cha, các thầy làm hết mọi chuyện từ A đến Z, bao hết công việc, không cần đến ban hành giáo, trưởng các hội đoàn, nên người ta thường nói với nhau : “Ôi dào, nhà thờ của các cha các thầy chứ có phải của giáo dân mình đâu !.... “
Tại một giáo xứ kia, có một vị linh mục chỉ đến làm việc chưa đầy một năm mà dấu ấn để lại cho giáo dân suốt mấy chục năm vẫn không phai nhạt. Dấu ấn đó là một tâm tình sống đạo ảnh hưởng vào tận những sinh hoạt đời sống thường ngày của những người giáo dân. Hỏi ra thì biết rằng : ngài đã quan tâm thăm viếng từng gia đình, biết từng đứa con ; ngài chia vui sẻ buồn với từng gia đình một cách thật chân tình, mộc mạc, đơn giản, gần gũi ; ngài đã tham dự giờ kinh tối của từng gia đình, để ý đến gia đình nghèo...; dân chúng hay kháo láo với nhau là lời ngài nói có “lửa”, con người ngài có “thần”.
Trong Tỉnh Dòng chúng ta cũng có một số linh mục coi xứ thật tận tâm và khá thành công mà công lao không ai phủ nhận được. Tuy nhiên, cứ giả thiết những điều dân chúng nói về vị linh mục trên kia là đúng thật, thì chúng ta cũng được quyền ước vọng, trong Tỉnh Dòng, sẽ có những chứng nhân mục vụ như thế, để trong số đàn em đi sau sẽ vẫn có những người tha thiết và chọn lựa đường hướng mục vụ như sứ vụ của mình.
Kết.
Đọc Hiến pháp, Công vụ Tổng hội, Công vụ Tỉnh hội... tôi cảm nhận được rằng những điều viết lên, nói lên, toàn là dành cho những chứng nhân, dành cho những người đang yêu, dành cho những người sống theo Thần Khí, dành cho những người sống một phần trong cái toàn phần (một khía cạnh trong cái tổng thể) - (một mảnh vườn nhiều loại hoa, nhiều mầu sắc rực rỡ). Vì thế, bao lâu tôi chưa là chứng nhân, tôi vẫn cứ thấy mớ lý thuyết dầy đặc nằm chết trong góc tủ, rối mù tung lên, cái gì cũng hay mà không hay được cái gì.
Do đó, tôi luôn cần xét lại mình là nguyên do bởi đâu tôi chưa là chứng nhân ? Phải chăng là do đào tạo giáo dục huấn luyện ? Phải chăng tôi đã lạm dụng đề cao tự do của Dòng để tôi sống tự do ích kỷ cá nhân riêng tư của tôi ? Phải chăng tôi được Dòng cưng chiều cho học cao hiểu rộng để rồi trở thành chuyên viên “lý sự” cùn ? Tôi cần bắt đầu từ đâu để trở thành chứng nhân ? Có phải là trở về chiều sâu trong lòng để lắng nghe lòng mình, lắng nghe tiếng Chúa và lắng nghe tha nhân thời đại ? Đó là vấn đề tôi cần đi tìm để khám phá...
Có lẽ người Đa Minh còn sống là còn nhiều thao thức, nhiều ưu tư, nhiều mong ước, vì còn nặng lòng khao khát chân lý... Lý tưởng thì còn xa ; nhưng chính khi chúng ta ưu tư và thao thức, mong chờ và hy vọng, chúng ta đang thể hiện tinh thần Đa Minh một cách nào đó chăng.
Chúng tôi rất cần có những chứng nhân !
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm