Chương trình Đào tạo Mục vụ - Bài 2: Đức Giêsu là con đường sự thật và sự sống
Uỷ ban Giáo dân
trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam
Chương trình Đào tạo Mục vụ
Bài 2
Đức Giêsu là con đường sự thật và sự sống
Lời mở
Cuộc đời con người giống như một con đường. Có con đường bằng phẳng, đầy bóng cây râm mát và ta đi dễ dàng trong ít phút, nhưng cũng có con đường khúc khuỷu, mấp mô, đầy thử thách, ta phải đi trong suốt cuộc đời. Ngoài những con đường hữu hình đo theo từng cột mốc, còn có những con đường vô hình được gọi là “đạo” như “đạo làm người, đạo làm con”. Đó là những đường lối hay nguyên tắc mà con người có bổn phận giữ gìn và tuân theo trong đời sống xã hội[1]. Những con đường tâm linh, được nhiều người đồng hoá với tổ chức tôn giáo như Đạo Phật, Đạo Lão, Đạo Khổng, Đạo Hồi, Đạo Chúa…, lại còn có thể đưa con người vượt qua cả đời trần thế để đi vào cõi vĩnh hằng.
Vì thế, trong phạm vi bài này, chúng ta tìm hiểu về con đường của muôn loài, của Thiên Chúa và của Giáo hội Chúa Kitô để bước theo trong đời sống.
1. Con đường của muôn loài tìm về cội nguồn
Nhìn vào vũ trụ bao la, dù không phải là nhà khoa học, chúng ta cũng có thể thấy vạn vật chuyển động như đang đi chung một con đường. Sau vụ nổ lớn (Big Bang) đầu tiên cách đây 13,8 tỉ năm, các thành phần của vũ trụ là các thiên hà, các ngôi sao đang lao nhanh trong không gian và mỗi giây phút lại biến đổi và tiến hoá không ngừng[2] như đang tìm về một đích điểm. Nhà khoa học C.R. Darwin (1809-1882) còn mô tả cho ta quá trình tiến hoá này: từ vật chất vô cơ đến hữu cơ, từ đơn bào đến đa bào, từ sinh vật hạ đẳng đến thượng đẳng có tinh thần là chúng ta như “con người biết suy tư”, gọi là “homo sapiens”, xuất hiện cách đây khoảng 40.000 năm[3].
Hơn nữa, con người hiểu biết rằng vạn vật vô cùng kỳ diệu, được vận hành theo những định luật chính xác, giống như chiếc đồng hồ hết sức tinh xảo, nên không thể ngẫu nhiên mà có, mà cần phải do người thợ khéo léo, thông minh làm ra. Riêng con người có khoảng 75 ngàn tỉ tế bào trong cơ thể được chia thành 200 loại khác nhau, được tổ chức thành nhiều nhóm để tạo nên các mô, rồi thành các cơ quan như bộ não, tim phổi gan ruột, nhờ đó con người có thể suy nghĩ, rung cảm, yêu thương, chuyển động, tiêu hoá đồ ăn, sinh sản,[4]…quả là một cấu trúc nhiệm mầu.
Nhờ tinh thần biết suy tư, con người luôn đặt câu hỏi với mình: “Con người là gì hay là ai, từ đâu tới và sẽ đi về đâu?”. Con người luôn muốn tìm ra cội nguồn của mình cũng là nền tảng tối thượng của mọi loài hiện hữu trong vũ trụ[5]. Trong đời sống ngắn ngủi, biến động, vô thường ở trần thế, con người ý thức và cảm nghiệm về đau khổ, bệnh tật, già yếu, chết chóc trong khi vẫn nuôi trong lòng khát vọng được sống tốt đẹp mãi mãi và được hưởng trọn vẹn tự do, công bằng, hạnh phúc, tình yêu, hoà bình…[6] .
Con người không muốn chỉ truyền lại sự sống và ước mơ của mình cho con cháu sau này, nhưng muốn chính mình đạt được khát vọng đó. Vì thế con người luôn cố gắng đi tìm con đường dẫn tới nguồn của mọi hiện hữu để “được cứu độ, giải thoát, được hoá thành thần thánh, được vào Niết Bàn, vào Thiên Đàng…”.
Đấy là con đường tự nhiên của vạn vật trong vũ trụ cũng là con đường tâm linh của con người[7].
2. Con đường của Thiên Chúa
Người Cha Tạo Hoá, mà mỗi tôn giáo gọi bằng tên khác nhau như Đức Chúa Trời, Thiên Chúa, Đức Thượng Đế, Đấng Cao Đài, Đấng Tối Cao…, đã vạch ra con đường yêu thương để muôn loài tìm về được với Ngài. Các nhà khoa học ngày càng kinh ngạc khi khám phá ra những định luật kỳ diệu trong từng cục đá tầm thường, từng bông hoa nay còn mai mất… như dấu hiệu của con đường siêu việt ấy ẩn giấu trong vạn vật. Muôn loài thọ tạo, vì được Thiên Chúa là nguồn Chân Thiện Mỹ tạo thành, nên đều được chia sẻ những phẩm tính cao đẹp vĩnh hằng của Thiên Chúa (x. Kn 1,13-15; Mt 6,25-32).
Con đường này càng rõ rệt và cụ thể hơn nơi con người vì con người được Ngài dựng nên theo hình ảnh Ngài với tinh thần mở rộng đến vô biên và với tình yêu tự do để đáp lại tình yêu của Đấng Tạo Hoá (x. St 1-3)[8].
Nhưng con người đã chối từ tình yêu này, muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời mình, cắt đứt với nguồn hiện hữu, nên con người đương nhiên mất hết những ân sủng cao quý Chúa ban: trẻ đẹp, khôn ngoan và sống mãi. Hành động chối từ của nguyên tổ Ađam-Eva nói lên thực trạng bất toàn của con người (x. St 1-3)[9]. Vạn vật, vì gắn bó một cách mật thiết với con người, nên cũng bị ép buộc lệ thuộc sự hư nát (x. Rm 8,28) do tội lỗi con người gây nên.
Vì thế, khi chiều theo những tham vọng và dục vọng, con người không còn nhận ra con đường của Chúa ghi khắc nơi vạn vật cũng như nơi chính mình. Con người quay sang tôn thờ những sức mạnh thiên nhiên, bái lạy các tượng thần tưởng tượng. Ngày nay con người còn tôn thờ cả tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, tài năng, khoa học vì tưởng lầm rằng chúng có thể ban cho mình hạnh phúc, sự sống, tình yêu…
Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn đặt con đường của Ngài trong lương tâm ngay chính của con người để dẫn họ về với Ngài. Ngài đã chỉ bảo cho họ bằng nhiều cách khác nhau (x. Dt 1,14) và các tôn giáo được coi là những con đường tâm linh để giúp con người tìm về với Ngài. Những con đường ấy, dù còn những điểm bất toàn, sai lạc, có khi mê tín, nhưng thật sự cũng là những con đường được Chúa Thánh Thần soi sáng cho con người[10].
Thiên Chúa còn chỉ dạy con đường của Ngài qua lịch sử dân tộc Do Thái khi kêu gọi Abraham lên đường (x. St 12,1-5). Dân tộc Do Thái đã học kinh nghiệm đi với Thiên Chúa của mình (x. Mk 6,8), nhất là trong cuộc xuất hành qua hoang địa (x. Tv 68,8), có cột mây, cột lửa dẫn đường (x. Xh 13,21), với giao ước Mười Điều Răn như bộ luật đi đường, để vào được Đất Hứa. Cuối cùng, họ hiểu ra con đường của Giavê, Đấng hiện hữu, là con đường tình yêu và chân lý (x. Tv 25,10; Tv 136) chứ không phải là luật lệ hình thức và việc thờ phượng bên ngoài[11].
Sau những lầm lạc của dân Do Thái và mọi dân tộc, chính Thiên Chúa sẽ xây dựng một con đường mới (x. Is 49,11) cho muôn loài. Đó là con đường Giêsu.
3. Đức Giêsu là Con đường sự thật và sự sống
Việc Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành con người chính là công trình Thiên Chúa xây dựng con đường của Ngài. Một Thiên Chúa tuyệt đối, vô hạn, siêu việt ở bên ngoài không gian, thời gian, đã trở thành một con người lịch sử hữu hình trong một không gian và thời gian nhất định. Con người đó là Đức Giêsu Nazareth. Thiên Chúa thực hiện công trình này do tình yêu thúc đẩy[12] vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,6). “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài, thì khỏi phải chết nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).
Con đường Giêsu có 2 chiều: một chiều đi xuống từ phía Thiên Chúa đến với thụ tạo và một chiều đi lên để nâng thụ tạo thành thần linh, chia sẻ cho họ sự sống đời đời, giúp họ thoả mãn khát vọng sâu xa là trở thành Thiên Chúa như Ngài. “Không ai lên trời được ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13), chỉ cho họ con đường lên trời. Đây là điểm khác biệt của con đường Giêsu so với các con đường tâm linh một chiều khác trong lịch sử[13] .
Đức Giêsu thật sự là con đường dẫn đến sự thật toàn vẹn và sự sống vĩnh hằng khi Người công bố và minh chứng cho con người và vạn vật biết Người “là con đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Người” (Ga 14,6)[14]. Người đã minh chứng con đường này bằng những lời giảng dạy đầy quyền năng, bằng những phép lạ, bằng cái chết trên thập giá và cuộc sống lại của Người. Như thế, con đường Giêsu không còn phải là những tín điều, những giáo thuyết, những nghi lễ hay luật lệ (x. Cv 9,2; 18,25; 24,22) nhưng là một con người sống động mà chúng ta cần tìm hiểu, đi theo, yêu mến và kết hợp thành một với Người.
Hơn nữa, Đức Giêsu còn đồng hoá mình với con người, nhất là với những ai đau khổ, nghèo đói, bệnh tật, bị coi thường, bị tù tội (x. Mt 25,31-46) để mời gọi chúng ta yêu thương con người. Trong dòng lịch sử, nhiều tôn giáo đã có lúc quá chú trọng đến hình thức, nghi lễ dành cho thần linh, cho Thiên Chúa, mà coi nhẹ những hoạt động dành cho con người[15]. Đây cũng là một trong các nguyên nhân phát sinh ra những thái độ của con người chối bỏ thần thánh, tạo nên các chủ nghĩa vô thần. Những chủ nghĩa này đã nhân danh con người hay xã hội loài người để đòi lại những gì mà các tôn giáo đã dành cho thần linh, cho Thiên Chúa[16].
Vì thế, từ Công đồng Vaticanô II, Giáo hội Công giáo đã bắt đầu xây dựng một nền nhân bản, dựa vào Chúa Kitô và lấy con người làm gốc, để làm sáng tỏ mầu nhiệm về con người và mời gọi mọi người cùng tìm giải đáp cho những vấn đề chính yếu của thời đại[17]. Giáo hội Công giáo đã xác định rằng “con người là con đường của Giáo Hội”[18] và cũng là con đường của Thiên Chúa, vì “Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành Đức Giêsu Kitô (x. Ga 1,14). Người sống với con người để làm cho tất cả những giá trị của con người thành cao cả vô biên vì “mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ nơi Đức Giêsu Kitô”[19].
Lời kết
Khi hiểu được Đạo là Chúa Giêsu Kitô, chúng ta sẽ thấy việc đi đạo, theo đạo, giữ đạo, sống đạo chính là đi theo và kết hợp thành một với Chúa Giêsu trong tình yêu để chính mình lại trở thành con đường dẫn muôn loài về với Người.
Câu hỏi gợi ý
1. Bạn đang theo đạo Công giáo, bạn hiểu đạo là gì?
2. Bạn đang quan tâm thế nào đến con người?
[1] X. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng-Vietlex, 2013, tr.386
[2] X. Hiên Phan, Thuyết Big Bang là gì?, Nguồn Space.com, Internet, 16/8/2005; Docat, câu số 2, tr.16.
[3] X. Bs. Alice Roberts, Atlas giải phẫu cơ thể người, NXB Y Học, 2015, tr.12-15
[4] X. Bs. Alice Roberts, Atlas giải phẫu cơ thể người, NXB Y Học, 2015, tr.18-24
[5] X. Uỷ ban Giáo lý Đức tin, Docat, NXB Tôn Giáo, 2017, câu số 2, tr.16
[6] X. Công đồng Vaticano II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 1965, số 10; Uỷ ban Giáo lý Đức tin, Docat, câu số 4, NXB Tôn Giáo, 2017, tr.18
[7] X. Uỷ ban Giáo lý Đức tin, Docat, NXB Tôn Giáo, 2017, câu số 4, tr.17
[8] X. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, NXB Tôn Giáo, 2007, số 130; Uỷ ban Giáo lý Đức tin, Docat, NXB Tôn Giáo, 2017, câu số 53, tr. 64
[9] X. Uỷ ban Giáo lý Đức tin, Docat, NXB Tôn Giáo, 2017, câu số 6, tr.19
[10] X. CĐ. Vat. II, Hiến chế Dei Verbum, số 2-6; x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn giáo, 2015, tr.245-251
[11] X. Uỷ ban Giáo lý Đức tin, Docat, NXB Tôn Giáo, 2017, câu số 10-11, tr.21
[12] X. Uỷ ban Giáo lý Đức tin, Docat, NXB Tôn Giáo, 2017, câu số 5, tr.19
[13] X. ĐTC Gioan Phaolo II, Tông huấn Giáo hội tại Á Châu, số 6, 11; Docat, NXB Tôn Giáo, 2017, câu số 13, tr.22; x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn giáo, 2015, tr.251-253
[14] X. Docat, NXB Tôn Giáo, 2017, câu số 9, tr. 20-21
[15] X. Đức Giáo hoàng Phanxico, Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng,24/11/2013, số 49
[16] X. Công đồng Vaticano II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 19-21
[17] X. Công đồng Vaticano II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 10
[18] X. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, NXB Tôn Giáo, 2007, số 62; Docat, câu số 306, tr.277
[19] X. Công đồng Vaticano II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 22
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm