Côn Đảo có một Họ Đạo đang hồi sinh

Côn Đảo có một Họ Đạo đang hồi sinh

Côn Đảo có Hang Đá Đức Mẹ trên núi khá cao đã có gần 80 năm lịch sử, tham dự buổi phụng vụ “nghe lễ” của cộng đoàn giáo dân quy tụ mỗi sáng Chúa nhật, tham quan Nhà nguyện (nay thành kho củi) trong trại tù Phú Sơn, tìm hiểu nguồn cội Nhà thờ Côn Lôn (nay là quán càphê) chỉ cách biển một vườn cây xanh ngát, lên núi Thánh Giá và núi Chúa sẽ là những khám phá kỳ thú và những cảm nhận về hồng ân diệu vợi xuyên suốt dọc dài lịch sử của người Công giáo sống trên Côn Đảo.

Kể từ năm 1976, Lm Ngô Gia Thụy, Dòng Chúa Cứu Thế về đất liền tham dự kỳ tĩnh tâm, rồi không được phép trở lại Côn Đảo. Từ đó, suốt 33 năm, trên đảo không có linh mục, không có thánh lễ, bà con giáo dân giữ đạo âm thầm bằng kinh hạt riêng tư. Nhà thờ bị biến thành rạp chiếu phim, chuông nhà thờ bị tháo gỡ và đem đi bán. Những người trên đảo không được phép theo một tôn giáo nào khác, những nhà Công giáo không được để bàn thờ Chúa nên việc đọc kinh chung không còn thực hiện được nữa, giáo dân sống trong hoang mang lo âu sợ hãi. Giáo dân như đàn chiên không người chăn dắt và không biết khi nào mới được có thánh lễ cũng như việc lãnh nhận các Bí tích. Từ năm 1976 đến năm 1999 cha Thụy vẫn âm thầm lo lắng hướng dẫn họ đạo từ xa qua điện thoại như an ủi, cầu nguyện... Năm 1999, Côn Đảo thuộc Giáo phận Xuân Lộc. Từ năm 2005 cho đến nay, Côn Đảo thuộc Giáo phận Bà Rịa.

Theo lời mời của Lm Phêrô Đặng Duy Linh (bạn cùng lớp K3 ĐCV Sài Gòn), Quản xứ Đất Đỏ, Giáo phận Bà Rịa Vũng Tàu, tôi cùng với Lm Nguyễn Văn Thuần và 4 Thầy ĐCV Xuân Lộc, 4 vị HĐGX Đất Đỏ làm một chuyến đi mục vụ và du lịch Côn Đảo. Huyện Đất Đỏ chỉ có 1 Giáo xứ Đất Đỏ. Huyện Côn Đảo chỉ có 1 họ đạo Côn Đảo.

Kể từ tháng 6 năm 2009, cha Phêrô Linh ra đảo tham quan tìm hiểu. Buổi đầu xa lạ, rụt rè. Lân la làm quen, “miếng trầu mở đầu câu chuyện” trao đổi, hỏi han, mục tử và đàn chiên dần dà nhận ra nhau và thân tình kể lể. Nhờ tính tình vui vẻ, trẻ trung năng động, lòng nhiệt thành và đức ái mục tử, cha Linh lần lượt đến thăm các gia đình, ân cần gặp gỡ từng người. Bà con giáo dân từ lạ lẫm đến thân quen rồi yêu mến gắn bó vị mục tử. Nhiều người tuyên xưng đức tin sau mấy mươi năm âm thầm sống đạo. Cha Linh lập nên Ban điều hành Giáo họ, dâng lễ “chui” tại tư gia một vài gia đình “can đảm”. Thánh lễ đã nối kết mọi người lại trong đức tin và lòng mến. Chúa Giêsu Thánh Thể hiện diện giữa cộng đoàn non trẻ như nguồn mạch ơn phúc và sức mạnh đỡ nâng. Vài tháng cha Linh lại ra vài ngày thăm họ đạo Côn Đảo một lần, dâng lễ, giải tội, ban bí tích hôn phối, giúp các em thiếu nhi Xưng Tội Rước Lễ lần đầu… Chúa Giêsu Thánh Thể hiện diện nơi Nhà Tạm trong phòng nguyện nhỏ. Hàng ngày luôn có người đến viếng Thánh Thể. Mỗi sáng Chúa nhật, bà con giáo dân quy tụ, đọc kinh lần chuỗi rồi “nghe lễ”. Anh Nam “chuyên viên tin học” của đảo thu âm phần “Rao lịch”, “Thánh Lễ”, “Suy niệm Lời chúa”, “Chuyện tử tế”… từ trang web của đài phát thanh Chân Lý Á Châu (Veritas) và trang tinvui.org, thánh lễ tại Nhà thờ đá Vĩnh Hòa, lần lượt phát lại cho bà con “nghe lễ”. Con cái Chúa nơi phương xa cách trở được nuôi dưỡng bằng lương thực thiêng liêng nhờ các phương tiện truyền thông như thế đó. Trải qua hai năm, nhiều khó khăn vất vả, đời sống đạo của giáo dân trên đảo đang từng bước hồi sinh.

Chính vì thế, tôi phấn khởi đến thăm họ đạo Côn Đảo lần đầu. Từ phi trường Tân Sơn Nhất, máy bay lên cao vòng xuống miền Tây rồi ra biển lớn. Chỉ 45 phút bay là đến Côn Đảo. Trên cao nhìn xuống, Côn Đảo như một dãi núi ngút màu xanh tuyệt đẹp giữa đại dương bao la. Máy bay hạ thấp dần trên mặt biển, nước trong xanh thấy rõ san hô và đàn cá bơi lội. Phi công lượn điêu luyện giữa hai dãy núi rồi đáp xuống sân bay sát bờ biển. Mỗi ngày có 4 chuyến bay Sài Gòn - Côn Đảo và 1 chuyến bay Cần Thơ - Côn Đảo. Mỗi tháng có 12 chuyến tàu nối Vũng Tàu - Côn Đảo.

Ban hành giáo Họ Đạo Côn Đảo niềm nở đón anh em chúng tôi tại sân bay. Xe chạy 16km trên đường dốc uốn lượn như đèo ngoạn mục về đến thị trấn. Sau khi nghỉ ngơi tại tư gia một vị ban hành giáo, chúng tôi thuê mấy chiếc xe honda hồ hởi đi thăm Hang đá Đức Mẹ trên núi. Đường lên núi ghập ghềnh đá khó đặt bước chân, phải bám từng bước mà leo. Khá vất vả và ướt đẫm mồ hôi để lên đến Hang đá. Khung cảnh hoang sơ tựa thưở xưa lắm. Hai vách đá dựng đứng, tảng đá to có một hang nhỏ, tượng Đức Mẹ trên cao, có hoa tươi và mấy ngọn nến nhỏ. Chúng tôi thắp nến, ánh sáng lung linh xua tan bóng tối bên trong, hang đá ấm dần lên qua lời kinh chuỗi hạt Mân Côi. Chúng tôi sốt mến hát ca dâng kính Mẹ rồi thinh lặng cầu nguyện. Chung quanh vách đá có những bảng tạ ơn bằng tiếng Pháp ghi từ năm 1941, có những hàng chữ không đọc được mờ mịt dấu thời gian. Trước Hang Đá có một khối đá lớn với 3 chữ được khắc sâu vào đá N.D.L. Hỏi han những vị cao niên, tôi nghe kể từ những năm 1930, có một người Pháp đã khám phá ra hang đá này, ông đã đặt tượng Đức Mẹ và có thể 3 chữ N.D.L là Notre-Dame de Lourdes? Tôi có hành hương đến Đức Mẹ Lộ Đức. So sánh hai nơi, thấy có nét giống nhau từ khung cảnh đến hang đá. Lộ Đức nằm dưới chân dãy núi Pyrénées, miền Tây Nam nước Pháp là một điểm hành hương kính Đức Mẹ nổi tiếng nhất thế giới. Xa xưa nơi đây chỉ là một ngôi làng nhỏ bé hẻo lánh thuộc địa phận Tarbes. Từ ngày 11 tháng 2 đến ngày 16 tháng 7 năm 1858, Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra với Bernadette tất cả 18 lần. Mỗi lần Đức Mẹ hiện ra, Người đều khuyên Bernadette hãy siêng năng lần hạt và làm việc đền tội thay cho các người tội lỗi, yếu đuối. Đức Mẹ còn yêu cầu người ta hãy xây cất cho Người một ngôi thánh đường ở Lộ Đức để dâng kính Mẹ.

Theo lời kể của ông Ba Hương, trưởng ban hành giáo, ngày xưa nơi đây nhiều người đến hành hương, vẫn thường có kiệu tượng Đức Mẹ. Sau 1975, tượng bị phá bỏ, nơi đây bị quên lãng hơn 20 năm. Đến năm 1997, anh Nghĩa và anh Tân tìm đến, sau hai tháng dọn dẹp mới có lối đi lên, một mặt bằng nhỏ trước hang đá. Bà con giáo dân đặt tượng mới. Từ đó nơi Hang Đá Đức Mẹ Côn Lôn, hàng ngày có người lên viếng Mẹ dâng lời kinh hạt. Những ngư dân thường lên kính viếng và cầu nguyện. Những ngư dân đi đánh cá xa từ Phú Yên Bình Định, từ Vinh Tân Thanh Xuân vùng Lagi, Thanh Hải Phú Hài vùng Phan Thiết thường vào Bến Đầm tránh bão tố mua lương thực và nhiên liệu, họ tìm đến khấn xin với Đức Mẹ. Bà con giáo dân trên đảo cũng thường xuyên lên núi viếng Mẹ dù gặp những cấm cách của chính quyền.

Tôi thầm nguyện xin với Đức Mẹ cho tương lai nơi đây là nơi Mẹ chọn như một địa chỉ thân thương để trở thành điểm hành hương dâng kính Mẹ.

Ban tối chúng tôi dâng lễ tại phòng nguyện nhỏ do một gia đình tốt lành dành riêng đặt Mình Thánh Chúa. Có thêm Cha Đởm từ xứ đạo Thala, Giáo phận Phú Cường cùng đồng tế. Bà con giáo dân vui mừng quy tụ về dự lễ. Cửa đóng kín, không dám hát lớn. Thánh lễ thật sốt sắng, thiêng liêng và huyền diệu. Chúa Giêsu Thánh Thể đang hiện diện ấm áp thân thương giữa cộng đoàn nhỏ bé của chúng tôi.

Những ngày ở Côn Đảo chúng tôi đi thăm nhiều nơi, gặp gỡ nhiều bà con giáo dân. Các gia đình mời dùng cơm với những đặc sản biển. Ai cũng hiếu khách, hàn huyên câu chuyện kể. Anh em chúng tôi dâng lễ tại tư gia vài gia đình, ban bí tích giải tội, dạy giáo lý… Những ngày ở đảo cho tôi niềm xác tín: sự hiện diện của linh mục mang lại sức sống mãnh liệt cho giáo dân; có linh mục là có thánh lễ, có nhà thờ với nhiều sinh hoạt đạo đức của các hội đoàn để làm nên một cộng đoàn đức tin sống động.

I. Những thao thức và đề nghị

1. Khách du lịch tham quan Côn Đảo được hướng dẫn viên giới thiệu: có hai vị “nữ thần” thiêng liêng phù hộ dân đảo là bà Phi Yến và liệt sĩ Võ Thị Sáu. “Nghĩa trang Hàng Dương”, nơi chôn cất hàng vạn binh sĩ cách mạng qua nhiều thế hệ bị tù đày, kéo dài từ năm 1862 đến năm 1975, ở đây có phần mộ chị Võ Thị Sáu. “Miếu bà Phi Yến” còn có tên là An Sơn Miếu, nơi thờ bà Phi Yến, thứ phi của chúa Nguyễn Ánh.

Trên đảo còn có Đức Trinh Nữ Maria hiện diện nơi Hang Đá Đức Mẹ tự thuở nào. Đức Mẹ là người phụ nữ diễm phúc nhất thế gian. Đức Mẹ là Đấng “Đầy Ơn Phúc”, là Nữ Vương Hòa Bình, ban muôn ơn lành và phù trợ cho dân chúng trên cù lao xinh đẹp này. Ước mong chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để nơi đây được tôn tạo, mọi người đến hành hương với lòng thành kính.

2. Nhà Thờ Côn Lôn được xây cất chắc chắn khang trang từ khoảng những thập niên 1940, nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh của người tín hữu. Nay nhà nước cho thuê làm quán cà-phê nhạc xập xình suốt ngày. Nơi thánh thiêng tôn nghiêm lại náo nhiệt làm đau lòng đến quặn thắt. Đề nghị chính quyền trả Nhà thờ và các công trình phụ khác lại cho giáo dân và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các Linh mục đến chăm sóc mục vụ cho hơn 400 tín hữu nơi đây. Nhà thờ là một ngôi nhà nhưng không phải là nhà của riêng ai mà là nhà chung của tất cả mọi người trong giáo xứ. Nơi đây, hàng ngày, nhất là Chúa nhật và những ngày lễ lớn, mọi người gặp gỡ nhau. Trong nhà thờ, trẻ mới sinh được rửa tội. Trong nhà thờ, những đôi tân hôn cử hành hôn lễ. Trong nhà thờ, những ai qua đời sẽ được đưa đến để cử hành lễ an táng trước khi đưa ra nghĩa trang. Nhà thờ là nơi để thờ phượng Chúa bằng việc đọc kinh cầu nguyện, bằng các cử hành phụng vụ qua các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Nhà thờ là nhà chung nên mọi người và mỗi người tín hữu luôn quý chuộng, gìn giữ, tu bổ và thường xuyên đến đây để gặp gỡ và sinh hoạt với nhau. Đó cũng là tâm tư tha thiết và là đề nghị chân thành của bà con giáo dân trên đảo.

II. Thiên nhiên Côn Đảo (x. Lịch sử nhà tù Côn Đảo)

Côn Lôn là một trong những quần đảo tiền tiêu của nước ta, “nguy nga đứng trấn giữa biển Đông” (Đại Nam nhất thống chí), bao gồm 14 hòn đảo lớn nhỏ, với tổng diện tích 72,18km2, trải ra trên một vùng biển có tọa độ địa lý từ 106o45’ kinh độ đông; từ 8o34’ đến 8o49’ vĩ độ bắc (*).

Đường biển từ Côn Lôn đến Vũng tàu dài 179km, đến Sài Gòn 230km, đến cửa sông Hậu 83km, đến thành phố Cần Thơ 165km.

Sử sách nước ta xưa nay gọi hòn đảo lớn nhất là đảo Côn Lôn (gọi tắt là Côn Đảo), cả quần đảo này cũng gọi chung bằng địa danh ấy – quần đảo Côn Lôn. Người ta cũng thường gặp những biến dạng gần gũi của từ đó như: Côn Lôn Sơn, Côn Sơn, Côn Nôn. Từ ngày thành lập đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (30-5-1979), Côn Đảo là địa danh chính thức của hòn đảo lớn nhất cũng như của cả quần đảo.

Đảo Côn Lôn là một hòn đảo lớn từ Đông sang Tây, dài 15 km, chỗ rộng nhất là 9km, chỗ hẹp nhất khoảng 1 km. Với diện tích 51,52 km2, đảo Côn Lôn chiếm gần 2/3 tổng diện tích quần đảo. Trên đảo có thị trấn Côn Đảo nằm ở tọa độ 8o40’57” vĩ độ bắc, 106o36’10” kinh độ đông. Nói đến quần đảo Côn Lôn là nói đến hòn đảo này, vì đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của cả quần đảo tập trung ở đây. Từ khi Pháp thiết lập nhà tù, Côn Đảo không còn dân thường. Không kể tù nhân, bộ máy cai trị (kể cả vợ con họ) trước Cách mạng tháng Tám (1945) không đến 500 người.

Hòn Bà tiếp giáp với hòn Côn Lôn về phía Tây Nam, hai đảo chỉ cách nhau bằng khe nước Họng Đầm không quá 20m. Giữa hai đảo này là Vũng Đầm, còn gọi là vịnh Tây Nam, giống hình cái quạt mở về hướng Tây Bắc. Vũng Đầm sâu, lại ở vào nơi khuất gió, thuận tiện cho việc xây dựng một bến cảng tốt.

Hòn Bảy Cạnh nằm trước mặt thị trấn Côn Lôn, trên đó có ngọn Hải Đăng Côn Đảo, rọi đường cho tàu bè quốc tế đi lại.

Hòn Bông Lan nằm sát Hòn Bảy Cạnh, từ xa trông giống như nửa chiếc bánh bông lan.

Hòn Cau cách Côn Lôn chừng 12km về hướng Đông Bắc, nơi chim yến hay làm tổ. Dưới thời phong kiến, người dân ở đây phải thu lượm tổ yến (yến sào) để dâng nộp cho triều đình sản vật đặc biệt này. Đất đai Hòn Cau phì nhiêu, cây cỏ tươi tốt. Xưa kia ở đây có loại cau quả to, vỏ hồng, vị ngon, người Gia Định rất ưa chuộng, mua với giá cao (Gia Định thành thông chí).

Hòn Tài Nhỏ, Hòn Tài Lớn, Hòn Trách Nhỏ, Hòn Trác Lớn, họp thành một chuỗi đảo nhỏ nối tiếp Hòn Bảy Cạnh, kéo dài từ Đông Bắc xuống Tây Nam, che chắn cho đảo Côn Lôn.

Hòn Trọc, còn gọi là Hòn Trai vì ở đó có nhiều trai ốc biển. Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ tiếp nối nhau che chắn phía Tây và Tây Bắc đảo Côn Lôn.

Hòn Trứng, còn gọi là Hòn Đá Bạc nằm xa đảo Côn Lôn về hướng Đông Bắc. Ở đây không có cây cối nhưng lại là nơi trú chân, làm tổ, đẻ trứng của các loài chim biển, biến đảo này thành một trong những “sân chim” của miền Nam nước ta.

Hòn Vung trông giống như chiếng vung nồi úp chụp xuống mặt biển xanh, là một hòn đảo nhỏ ở phía Tây Nam quần đảo.

Diện tích 13 hòn đảo kể trên cộng lại chỉ bằng nửa diện tích đảo Côn Lôn. Đất canh tác ở đây không đáng kể, trừ mấy hòn đảo lớn như Hòn Bà, Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, các đảo khác trông như những trái núi đá vượt lên khỏi mặt biển với những bãi cát nhỏ, chói lòa ánh nắng trong những ngày đẹp trời.

Địa hình quần đảo Côn Lôn chủ yếu là đồi núi. Diện tích núi đồi là 6.328 hecta, chiếm 88,4% tổng diện tích tự nhiên, đá lộ tương đối nhiều. Những ngọn núi cao nhất đều ở đảo Côn Lôn, như núi Chúa cao tới 515m. Ngọn núi phía Nam thị trấn Côn Đảo cao 577m.

Thị trấn Côn Đảo nằm trên một thung lũng hình bán nguyệt, dài từ 8 đến 10km, rộng từ 2 đến 3km, ba bề có núi bao bọc, mặt trông ra vịnh Côn Lôn (còn gọi là vịnh Đông Nam hay vịnh Đề Lao). Khu vực tương đối bằng phẳng thứ hai là làng Cỏ Ống. Hai thung lũng này đất đai bằng phẳng, có nhiều chỗ trũng tạo thành hồ nước và ruộng trồng lúa. Côn đảo không có sông mà chỉ có những dòng suối cạn, hai con suối đáng kể đều ở trong khu vực thị trấn. Dòng suối thứ nhất bắt nguồn từ phía Sở Tiêu, Sở Lò Gạch chảy vòng phía sau thị trấn và đổ ra vịnh Đông Nam gần Sở Muối An Hội. Dòng suối thứ hai bắt đầu từ khu vực Sở Ruộng dưới chân núi Chúa và chảy ra cống Lò Bò gần mũi Lò Vôi. Đất đai nông nghiệp chiếm 3,2% tổng diện tích, chủ yếu tập trung ở hai khu vực này và ở Hòn Cau.

Khí hậu Côn Đảo là loại khí hậu đại dương. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 26,9oC. Lượng mưa trung bình là 2.200mm. Côn Đảo có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4. Tháng một là tháng khô nhất nhất trong năm. Mùa khô thời tiết mát mẻ hơn, nhiệt độ trung bình là 24oC, tháng 2 là tháng mát nhất, nhiệt độ trung bình là 22oC. Oi bức nhất là tháng 5, có lúc tới 34oC. Độ ẩm trung bình hàng năm trên đảo là 80%.

Gió mùa Đông Đông Bắc ở Côn Đảo thường rất mạnh, từ cấp 6 đến cấp 7, người dân thường gọi là gió chướng, gây nhiều trở ngại cho sinh hoạt. Người tù thường lợi dụng mùa gió này để thả bè vượt ngục trở về đất liền.

Nhìn chung, khí hậu Côn Đảo trong lành, thuận lợi cho sức khỏe con người. Nhưng điều này còn tùy thuộc rất nhiều ở vị trí cụ thể, nơi ở cao hay thấp, có chướng ngại che chắn gió nhiều hay ít. Nước ngầm là nguồn nước ngọt chủ yếu ở đảo để dùng trong sinh hoạt cũng như trong mọi hoạt động kinh tế.

Về thực vật, Côn Đảo có những loài đại diện cho những vùng khác nhau trên đất nước Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ, Côn Đảo có các cây thuộc 22 bộ, 71 họ, 191 chi, 285 loài. Quăng và găng là hai thứ gỗ quý ở Côn Đảo. Ở đây cũng có nhiều cây thuốc có giá trị như thiên niên kiện, ngũ gia bì, sâm nam, hà thủ ô, cam thảo, đỗ trọng, hương nhu, ngải cứu ở Hòn Bảy Cạnh nổi tiếng là tốt, người dân gọi là ngải Bảy Cạnh dùng chữa các chứng bệnh đường ruột.

Chim và thú ở Côn Đảo có tới 100 loài thuộc 50 bộ, 22 họ. Sóc mun và chim gầm ghì trắng chỉ ở Côn Đảo mới có. Những sản vật quý như tổ yến đồi mồi, vích (loại rùa biển khổng lồ có con dài tới 1,5m, nặng cả tạ), cá heo, cá mập, rau câu, rong mơ, hải sâm,… với trữ lượng đáng kể.

Côn Đảo có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Riêng đảo Côn Lôn đã có 24 bãi biển lớn nhỏ.

III. Một vài địa danh tham quan

- Dinh chúa Đảo: Trước đây là nơi ở và làm việc của các đời chúa đảo, tìm hiểu lịch sử hình thành Côn Đảo thông qua các hiện vật, cổ vật, hình ảnh và các tư liệu được lưu lại từ thời Pháp đến nay.

- Trại tù Phú Sơn, Phú Hải: Nơi ghi dấu bước chân lưu đày của hàng trăm nghìn người tù cộng sản với các truyền thuyết về Hầm Xay Lúa, phòng tra tấn mang tên Phòng Tối, ...

- Biệt Giam Chuồng Cọp: Bao gồm 40 "chuồng giam" và 60 phòng tắm nắng (phòng giam không có mái che), nơi các hình thức tra tấn và cực hình dã man nhất được áp dụng đối với tù chính trị cộng sản

- Khu biệt lập Chuồng Bò: Vốn từng là nơi chăn nuôi bò, nuôi heo với 9 phòng biệt giam, 24 hộc chứa heo, 2 chuồng nhốt bò và 1 hầm chứa phân bò. Năm 1930, Pháp biến chuồng bò thành một trại giam các tù nhân nữ. Năm 1963, để mở rộng nhà tù, Mỹ sửa 24 hộc nuôi heo thành 24 phòng giam.

- Nghĩa trang Hàng Dương

- Miếu bà Phi Yến

- Cảng Bến Đầm: Từ trung tâm thị trấn đướng sá rất tốt về bến Đầm, có những cảnh đẹp thiên nhiên như Bãi Đá Trắng, Mũi Cá Mập, Đỉnh Tình Yêu. Tại bến Đầm, từ cầu cảng, thấy vẻ đẹp hoang sơ của hòn Bà và hòn Vung cách đó không xa.

- Tắm biển bãi Nhát: Sau 4 giờ chiều, khi thủy triều xuống, bãi Nhát lộ dần với bãi cát trắng phẳng lì sóng nhẹ.

- Bãi Đầm Trầu: là bãi biển hoang sơ và đẹp như bãi biển Tân Lý, Cam Bình ở Lagi Bình Thuận. Cách sân bay mấy trăm mét có lối rẽ vào Miếu Cậu nơi thờ hoàng tử Cải, con của chúa Nguyễn Ánh và bà Hoàng Phi Yến là đến bãi tắm.

- Vườn quốc gia Côn Đảo: có những hệ sinh thái rừng nguyên sinh Côn Đảo với nhiều loại động thực vật quý hiếm. Khi thủy triều xuống, bơi lặn ngắm san hô tại bãi Ông Đụng.

IV. Lời kết

Cù lao bắt nguồn từ Poulo, tiếng Mã Lai là hòn đảo. Cù lao Côn Đảo (Poulo Condor) với Cù lao Chàm là những điểm dừng quan trọng trên hải trình Đông Tây. Hai hòn đảo này luôn được ghi chú cẩn thận qua các câu chuyện kể cũng như các bản đồ hàng hải những thế kỷ qua. Từ xa xưa các thuyền trưởng và thủy thủ đã lưu ý đến các vùng đá ngầm và san hô của quần đảo Paracels (Hoàng Sa) Và Spartley (Trường Sa). Đi vào vùng biển đó mà gặp bão tố, tàu rất dễ tan vỡ nếu sống sót cũng chẳng có ai cứu và tìm thấy thực phẩm. Trái lại họ biết rất rõ lộ trình dọc duyên hải Champa và Đại Việt với những lạch nước sâu, nhiều cảng sông biển có thể trú ẩn khi gặp giông bão, nơi có nhiều dân cư sinh sống, giúp đỡ khi cần thiết hoặc cung cấp nước ngọt, thực phẩm và chất đốt như củi, than đốt.

Nếu đi từ phía Nam lên phía Bắc, tức từ Malacca, các thuyền buồm hướng đến Côn Đảo rồi tiếp tục hướng Tây Bắc áp sát vùng biển từ Vũng Tàu đến Touron (Đà Nẵng). Núi Đá Bia (Varella, Vũng Rô) là một địa điểm mà ngoài khơi rất dễ thấy. Họ tiếp tục qua các đảo Cambir (Cù lao Xanh), rồi Falso Campello (Cù lao Chàm Giả, tức Cù Lao Ré) ngày nay gọi là Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi, để tiến về Cù lao Chàm thật. Tại đây họ lấy nước ngọt, thực phẩm, mua hàng hóa rồi quay mũi thuyền về hướng Đông Bắc đi Macau.

Trong hành trình Nam tiến, các triều đại phong kiến Việt Nam đã mở mang, khai thác, xây dựng và bảo vệ quần đảo Côn Lôn, thực hiện chủ quyền của mình một cách thường xuyên liên tục để biến quần đảo Côn Lôn thành một nơi trù phú.

Côn Đảo ngày nay có nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan nghỉ dưỡng mỗi ngày một đông đảo. Khung cảnh thiên nhiên lý tưởng. Đặc sản biển phong phú. Những địa danh lịch sử một thời ghi dấu chiến tranh. Có một ngôi chùa đang xây rất lớn lưng chừng núi. Cơ sở hạ tầng được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư nên rất khang trang như thị xã Bà Rịa.

Tôi được biết đảo Phú Quốc đã có ngôi Nhà thờ mới, đảo Phú Quý đã có giấy phép xây dựng Nhà thờ mới. Tôi hy vọng với sự đổi mới của đất nước, một ngày gần đây, giáo dân toàn cầu cũng sẽ biết đến hòn đảo xinh đẹp mang tên Cù lao Côn Lôn sẽ có một Ngôi Thánh Đường, người dân trên đảo sẽ đến cầu nguyện dâng thánh lễ và có những sinh hoạt tôn giáo bình thường như bao nhiêu nơi khác trên thế giới này.

Côn Đảo 13.7.2011

------------------------------------------------
(*) Từ năm 1995, Nhà nước giao cho huyện Côn Đảo được quản lý thêm 2 hòn đảo mang tên Hòn Anh và Hòn Em (còn gọi là Hòn Trứng Lớn và Hòn Trứng Nhỏ) cách trung tâm thị trấn Côn Đảo 27 hải lý về phía tây (chếch Nam 50). Với 16 hòn đảo kể trên Côn Đảo có tổng diện tích là: 76,71 km2.

Top