Con đường đối thoại
Trong những ngày qua, cả thế giới chú tâm đến những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên. Sự căng thẳng càng lúc càng dâng cao, nhất là sau khi chính quyền Bắc Hàn đề nghị các sứ quán rời khỏi thủ đô Bình Nhưỡng vì không thể đảm bảo an ninh trong tình trạng chiến tranh.
Về phía Giáo hội Công giáo, mới đây, trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Fides, Đức cha Peter Kang, giám mục Cheju và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hàn Quốc, đã nói lên quan điểm và lập trường chính thức của Giáo hội. Có thể tóm tắt lập trường ấy bằng hai từ đối thoại.
Trước hết là đối thoại với Thiên Chúa, điều mà ngôn ngữ nhà đạo quen gọi là cầu nguyện. HĐGM Hàn Quốc đã tổ chức “chiến dịch cầu nguyện cho sự hòa giải” từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2013. Cầu nguyện là đối thoại với Thiên Chúa vì mục đích của cầu nguyện không phải là yêu cầu Thiên Chúa thực hiện ý muốn của con người, nhưng trước hết và trên hết, là lắng nghe thánh ý Thiên Chúa và xin ơn khôn ngoan cùng sức mạnh để thực thi thánh ý. Thiên Chúa mà các Kitô hữu tuyên xưng là Thiên Chúa của Tình Yêu và Sự Sống, vì thế thánh ý Ngài chắc chắn phải là sự sống và tình yêu chứ không thể là hận thù và hủy diệt.
Cùng với việc đối thoại với Chúa là đối thoại với nhau. HĐGM Hàn Quốc lưu ý rằng năm 2013 đánh dấu 60 năm hiệp ước đình chiến giữa hai miền Nam, Bắc Triều Tiên; vì thế đây phải là cơ hội để hai bên tiến đến một hiệp ước hòa bình đích thực chứ không phải để hủy diệt lẫn nhau. Các giám mục thấy rõ mối nguy hiểm của chiến tranh hạt nhân, có thể hủy diệt toàn bộ dân tộc Hàn Quốc và cả những dân tộc khác, vì thế vận động cho sự hòa giải là đòi hỏi khẩn thiết hơn bao giờ. Để thực hiện điều này, các giám mục Hàn Quốc không những xin Đức Thánh Cha Phanxicô chúc lành cho dân tộc Hàn Quốc mà còn xin ngài “nói chuyện với các vị lãnh đạo các quốc gia để họ góp phần đem lại hòa bình cho Hàn Quốc”.
Cũng trong tinh thần đối thoại ấy, Đức cha chủ tịch HĐGM Hàn Quốc không ngần ngại trình bày những phân tích về tình hình tại Bắc Triều Tiên. Ngài cho rằng nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng căng thẳng hiện nay là do “tình hình kinh tế suy sụp nghiêm trọng và dân chúng không còn chịu nổi sự đói nghèo và áp bức”. Trong tình hình đó, “nhà lãnh đạo trẻ và các nhà lãnh đạo quân sự phải tìm ra một kẻ thù và nỗi sợ hãi để cho dân chúng thấy mối nguy hiểm đang đe dọa”. Một phân tích sâu sắc, không nhằm chửi bới và lên án bất cứ ai, nhưng cho thấy nguyên nhân chính của vấn đề; có thấy nguyên nhân mới có thể giải quyết vấn đề tận gốc rễ; nếu không, sẽ chỉ là những giải pháp vá víu đã lặp đi lặp lại trong nhiều thập kỷ qua.
Trong mọi tình huống, người môn đệ Chúa Giêsu luôn chọn con đường đối thoại, cũng là đường của tình yêu và chân lý. Vì yêu thương nên nói sự thật và nói sự thật bằng cả tấm lòng yêu thương. Con đường ấy đã dẫn Chúa Giêsu đến đồi Canvê nên chắc chắn không phải là đường dễ đi. Nhưng niềm tin của người Kitô hữu không dừng lại ở Đức Giêsu chịu treo trên thập giá, mà hướng đến Đức Kitô Phục sinh. Vì thế, dù sống trong hoàn cảnh nào, người Kitô hữu vẫn bước đi trong tin tưởng và hi vọng. Xin hiệp ý với HĐGM Hàn Quốc trong những bước đi đầy cam go và thử thách hiện nay.
(Nguồn: WHĐ)
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm