Con đường nên Thánh
LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ
Kh 7, 2-4, 9-14; 1 Ga 3, 1-3; Mt 5, 1-12a
Nhớ lại thuở còn thơ khi đi học giáo lý, trong quyển Bổn Đồng Ấu thuở còn Con người sống ở đời này để làm gì? thì quyển sách ấy dạy là ta sống ở đời này để thờ phượng kính mến Chúa và để sau này đạt được sự sống đời đời.
Vâng! Sự sống đời đời chứ không phải là sự chết đời đời như những ai không tin vào sự sống ở đời sau, sự sống vĩnh cửu. Những người không tin thì người ta vẫn cho rằng và thường nói chết là hết nhưng người Công Giáo, người có đức tin thì lại tin rằng chết chính là đi vào sự sống đời đời với Thiên Chúa. Thế nhưng, để đạt được sự sống đời đời, sự sống vĩnh cửu mà Thiên Chúa hứa thì con người phải sống, phải đi theo đường lối của Thiên Chúa.
Ngày hôm nay, đại gia đình Giáo Hội Công Giáo mừng một Thánh Lễ hết sức đặc biệt, phải nói là quá đặc biệt trong năm phụng vụ. Đâu đó trong ngày, trong tuần, trong tháng, Giáo Hội mừng vị thánh này vị thánh kia hay thậm chí mừng các thánh tử đạo của một nước như các thánh tử đạo Việt Nam hay như Thánh Phaolô Chung và các bạn xứ Hàn tử đạo nhưng hôm nay Giáo Hội mừng tất cả các thánh nam nữ ở trên trời.
Bài sách Khải Huyền hôm nay cho chúng ta thấy hình ảnh đông vô kể của các Thánh:
Sau đó, tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: "Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta." Tất cả các thiên thần đều đứng chung quanh ngai, chung quanh các Kỳ Mục và bốn Con Vật. Họ đều sấp mặt xuống, phủ phục trước ngai và thờ lạy Thiên Chúa mà tung hô rằng:
"A-men! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh, đến muôn thuở muôn đời! A-men! " (Kh 7, 9-12)
Đoàn người đông đảo không tài nào đếm nổi mà sách Khải Huyền vừa mô tả đó là các thánh nam nữ của Thiên Chúa. Các thánh mà Giáo Hội mừng hôm nay không phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội hay thậm chí địa vị giáo hội như là Tử Đạo, giám mục, linh mục, tu sĩ hay tiến sĩ Hội thánh như thi thoảng Giáo Hội mừng. Các thánh mà Giáo Hội mừng hôm nay cũng như các vị tiến sĩ, giám mục, linh mục trong Giáo Hội hình như có một cái gì đó chung, có một mẫu số chung để được gọi là Thánh, để được hưởng nhan Thánh Chúa. Mẫu số chung đó là gì? Mẫu số chung đó chính là Tình Yêu. Để đạt được vương quốc mà Thiên Chúa đã hứa đó không có con đường nào khác là con đường Tình Yêu vì lẽ ở trong vương quốc ấy người đứng đầu được gọi là Vua của Tình Yêu.
Bài đáp ca trong Thánh Lễ các thánh nam nữ thật đơn giản, nhẹ nhàng, ca từ thì mộc mạc, dễ hiểu chứ không văn hoa văn vẻ chi cả. Chúng ta vừa hát với nhau đấy:
Này là dòng dõi những người tìm Chúa
Đây là những người mong bệ kiến Người
Một đời lòng ngay không hề gian dối
Giữa bao hận thù luôn sống mến yêu
Ai được lên núi Chúa, ai được ở trong đền Thánh của Ngài?
Đó là những kẻ có lòng ngay
không mê theo ngẫu tượng không hề thề dối thề gian.
Vấn đề ở chỗ là giữa bao hận thù luôn sống mến yêu chứ không phải sống hận thù để đáp lại hận thù.
Chỉ thoáng một chút để nhìn lại các thánh.
Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một con người nhỏ bé hết sức khiêm hạ. Thuở sống trong nhà tu, trong nhà tu đàng hoàng đấy nhưng bị chị em giặt đồ hất xà bông vào mặt! Không hề một lời lẩm bẩm kêu ca. Thánh nữ đã chịu đựng, không chỉ chịu đựng thường nhưng chịu đựng một cách hết sức lạ lùng là lại cầu nguyện cho những người hại mình và cũng không quên cầu xin Chúa cho mưa hoa hồng, cho mưa tình yêu xuống trong cái cuộc đời đầy hận thù ghen ghét này.
Một điều hết sức lạ đó là giữa những cái hận thù trong đời thường ấy đã loé lên được một tình yêu và tình yêu ấy hết sức lạ lùng. Têrêsa đã nêu cao một tình yêu tuyệt vời giữa những con người hận thù, căm ghét và hãm hại người khác.
Một con người nhỏ bé khác và phải nói hết sức nhỏ bé đó là một Giêrađô, một tu sĩ nhỏ bé của Dòng Chúa Cứu Thế lại trở thành một vị thánh. Cuộc đời của Giêrađô phải nói là “ba chìm - bảy nổi - chín lênh đênh”. Con đường tận hiến của Giêrađô phải nói là một con đường hết sức khó khăn, có những lúc con đường ấy tưởng như đi vào ngõ cụt khi bà mẹ nhốt Giêrađô lên lầu không muốn cho con mình đi tu. Con đường ấy cũng tưởng chừng như bế tắt khi cha giới thiệu Cha lo cho ơn gọi “Tôi xin gửi đến cha một con người ốm yếu, bệnh hoạn!”.
Giữa những cái cản trở hết sức con người ấy, Giêrađô đã coi như không có gì xảy đến với mình và coi mọi sự chẳng là gì cả miễn làm sao đi tu được là được rồi.
Còn nữa, bị một cô gái vu khống rằng mình làm chuyện xằng bậy với mình nhưng Giêrađô vẫn im hơi lặng tiếng chịu đựng. Đến khi không còn đủ sức chịu đựng nữa cô gái ấy đã bày tỏ sự thật với bề trên của Giêrađô. Sự chịu đựng của Giêrađô hết sức khâm phục. Nếu như Giêrađô không đủ khiêm tốn, không đủ kiên nhẫn, không đủ tín thác vào Chúa thì Giêrađô sẽ cư xử khác, sẽ cư xử như bao con người bình thường là sẽ làm ầm lên và lu loa để bào chữa cho mình. Giêrađô đã sống cái tình yêu thật trọn vẹn, thật tuyệt hảo giữa những con người đầy mưu toan tính toán.
Cuối cùng, với biết bao nhiêu trở ngại trong cuộc đời, tình yêu của Giêrađô đã chiến thắng sự ác, sự dữ do con người bày mưu tính kế.
Hay gần chúng ta nhất, một Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Ngài đã sống trong 13 năm tù với biết bao nhiêu vất vả của kiếp tù tội nhưng Ngài đã không hề oán trách những nhân viên cai ngục. Với tấm lòng bao dung và vị tha ấy, Hồng Y Nguyễn Văn Thuận còn hoán cải được tấm lòng của những vị cai ngục. Từ thù thành bạn và từ bạn trở thành người thương của Đức Hồng Y.
Nếu như Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận không sống cái tình yêu với những con người canh giữ mình, những con người hãm hại mình thì có lẽ mối hận thù giữa hai bên ngày mỗi ngày sẽ tăng dần và khoảng cách giữa hai bên cứ mãi xa nhau.
Phải chăng chỉ gợi lên hình ảnh của những bậc tu trì mà không gợi lên hình ảnh của những giáo dân hèn mọn. Thật là thiếu nếu như không nhắc lại hình ảnh của một con người hay nói đúng hơn của một người vợ, một người mẹ hết sức chịu thương chịu khó vì chồng và vì con đó chính là thánh nữ Monica.
Sống trong một gia đình quá sức ngột ngạt mới ông chồng chẳng ra gì và thằng con cũng chẳng ra chi. Nếu như bình thường, như bao bà mẹ khác thì Monica có thể buông xuôi trong cái tự do của con người, nhưng không, Monica đã cầu nguyện cũng như đã chảy hết nước mắt vì chồng và vì con. Như người khác, Monica ca thán chồng và con, và thậm chí nguyền rủa chồng con nhưng Monica đã sống cái tình yêu, Monica đã lấy cái tình yêu để bù vào cuộc sống ăn chơi trác táng của người con yêu.
Cuối cùng, tình yêu của Monica, sự kiên nhẫn chờ đợi và tha thứ của Monica đã vượt thắng tội lỗi, đã vượt qua con người yếu đuối của Augustinô. Cuối cùng, hai mẹ con đã trở thành thánh, Augustinô trở thành tiến sĩ Hội Thánh, trở thành đại thánh của Hội Thánh.
Thế đấy! làm Thánh là như thế đấy ! Giữa bao hận thù, giữa bao nghịch cảnh của cuộc đời luôn sống tròn vẹn cái tình yêu.
Giữa cái xã hội sống buông thả, giữa các xã hội hưởng thụ và ăn chơi truỵ lạc thì làm gì mà sống được cái tình yêu chân thật, tình yêu chân chính mà Chúa Giêsu mời gọi, mà các thánh đã sống.
Mỗi khi chiều về em ngồi hát bên dòng sông
Dòng sông xa nơi đất khách quê người và từng chiều em hát:
Tình yêu đến em không mong đợi gì
Tình yêu đi em không hề hối tiếc?
Cuộc sống cần lắm một tấm lòng, cuộc sống cần một tình yêu ấy vậy mà tình yêu đến cũng chẳng đợi mà tình yêu đi cũng chẳng hề tiếc. Nó làm sao ấy giữa một cái xã hội mà trào lưu của hưởng thụ, trào lưu của mackeno, của ích kỷ, của vun vén.
Làm thánh! Thật sự là khó chứ không phải là dễ. Nói thì dễ nhưng sống thánh giữa cuộc đời này không dễ chút nào. Không dễ nhưng mà làm được như các thánh hôm nay chúng ta mừng kính đã làm.
Trang Tin Mừng theo Thánh Matthêu mà chúng ta vừa nghe đã cho ta biết cái khó của con đường nên thánh, con đường phúc mà Chúa đưa ra. Thánh cũng như cái phúc của công dân Nước Trời nó hoàn toàn ngược lại với cái phúc của trần gian này.
Giữa một cái thế giới đầy hưởng thụ, đầy vun vén, đầy sự ích kỷ mà Chúa Giêsu lại mời gọi người ta sống khó nghèo, sống hiền lành, sống khiêm nhượng, sống bị sỉ vả, bị chà đạp … Dưới con mắt của người đời thì sống như vậy sẽ bị thiệt thòi, bị lỗ vốn nhưng trong mắt Thiên Chúa đó lại là điều có phúc.
Chuyện đơn giản là Chúa để cho ta tự do chọn lựa để sống cái phúc của trần gian hay cái phúc của Nước Trời. Các thánh nam nữ mà chúng ta mừng lễ hôm nay đã chọn cái phúc của nước trời.
Lược qua một chút về cuộc đời của vài vị thánh chúng ta thấy đó, có một cái bí quyết nên thánh giữa đời thường đó chính là chuyện sống trọn vẹn cái tình yêu giữa cuộc đời này. Tình yêu mà các thánh đã sống không phải là tình yêu nam nữ hay tình yêu vị kỷ mà là tình yêu bao dung với anh chị em đồng loại. Cũng khó để yêu người mà mình khó yêu hay người làm tổn thương mình không phải là chuyện dễ. Không dễ nhưng các thánh đã sống và nhất là Thầy Chí Thánh Giêsu đã sống, đã nêu gương cho mỗi người chúng ta.
Điều quan trọng nơi các thánh đó là các thánh cảm nhận được mình được yêu thương từ tình yêu của Giêsu để rồi các thánh lại sống, lại đáp lại cái tình yêu ấy giữa cái thế giới đầy hận thù, đầy ghen ghét này.
Nguyện xin Chúa Giêsu là vua của Tình Yêu đến và ở lại với mỗi người chúng ta để chúng ta sống ngày mỗi ngày cũng biết yêu như các thánh để mai sau chúng ta được cùng chung hưởng nhan Thánh Chúa với các ngài.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm