Con người thời đại hôm nay đang tôn thờ điều gì?
Thế giới hôm nay đang tôn thờ những thành tựu của tiến bộ khoa học kỹ thuật, tôn thờ chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng và hưởng thụ. Đó là một thế giới đang bước vào thời kỳ hậu khoa học, một thế giới đang lãng quên và loại trừ Thiên Chúa, một thế giới loại bỏ những người nghèo đói, tàn tật, túng thiếu và đau khổ. Bên cạnh đó, con người thời đại hôm nay đang tôn thờ rất nhiều thần tượng. Người ta tôn thờ quyền lực, sắc đẹp và thế lực của đồng tiền. Người trẻ sống rập theo thần tượng của mình qua cách ăn mặc, cử chỉ và hành động. Con người hôm nay đang đánh mất những cảm thức đức tin và những cảm thức về tội lỗi. Điều này làm cho con người rơi vào những khủng hoảng về luân lý và đạo đức như chiến tranh, phá thai, ly dị, tự tử v.v… Giữa một thế giới hậu khoa học và tục hóa như thế, nhân loại sẽ đi về đâu?
Mừng lễ Chúa Kitô là Vua Vũ Trụ, mốc điểm kết thúc năm phụng vụ, Giáo hội mời gọi mỗi người chúng ta nhìn lại mối tương quan giữa mình với Thiên Chúa và với tha nhân trong bối cảnh của ngày cánh chung.
Các bài đọc trong thánh lễ hôm nay cho thấy Chúa Giêsu Kitô là Vua trên các vua, là Chúa trên các chúa và là mục tử có trái tim luôn biết yêu thương đoàn chiên của Người: “Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ cho mạnh; con nào béo mập, con nào khỏe mạnh, Ta sẽ canh chừng.” (Ed 34,16)
Vậy thì, Thiên Chúa không phải là vị vua làm cho con người khiếp sợ mà là mục tử gần gũi và yêu thương đoàn chiên. Điều này cho thấy, trong trái tim Chúa, mỗi người chúng ta đều có chỗ đứng của mình. Chúa không bao giờ muốn đặt dấu chấm hết và loại trừ một ai trong chúng ta.
Ngoài ra, bối cảnh của ngày cánh chung cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu Kitô mới thật sự là Vua, là Chúa và là cứu cánh vĩnh cửu cho con người mọi thời đại. Ngày cánh chung, Chúa không hỏi chúng ta có bao nhiêu bằng cấp, bao nhiêu nhà lầu, xe hơi, bao nhiêu vàng bạc, của cải vật chất. Chúa chỉ hỏi chúng ta một điều duy nhất liên quan đến đức ái mà thôi: chúng ta có chia sẻ miếng cơm, manh áo cho người đói rách? Chúng ta có thăm viếng an ủi những người bệnh tật, tù tội và cô đơn? Những câu hỏi như thế đã dẫn đến biết bao ngạc nhiên và bất ngờ cho mỗi người chúng ta trong ngày cánh chung.
Quả thật, những người Do Thái đã lầm khi quan niệm Đức Giêsu phải là Đấng Messia đầy quyền lực và oai phong. Họ đã tung hô, chúc tụng Đức Giêsu là vua oai phong tiến vào thành thánh Giêrusalem. Nhưng rồi, cũng chính họ là những người kết án và đóng đinh Đức Giêsu như một tên tử tội. Bởi vì những người Do thái bị đóng khung bởi những não trạng và tâm thức như thế nên lòng họ đã không mở ra để đón nhận Đức Giêsu Kitô, Đấng là Chúa, là Vua nhưng sống rất bình thường giữa những người bình thường: "Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ.” (Lc 22,25-26).
Vậy thì, sứ điệp cốt lõi của Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta một sự hoán cải tận căn nơi cõi lòng và tâm thức của mình: chúng ta đang tôn thờ Chúa hay tôn thờ những thứ khác? Phải chăng, con người thời đại hôm nay thích dùng quyền lực để khẳng định bản thân và trấn áp kẻ khác? Phải chăng chúng ta rất sợ cúi mình xuống để phục vụ những người anh em không có địa vị, không có quyền lực, tiền bạc và của cải vật chất?
Kinh nghiệm cuộc sống giúp mỗi người chúng ta nhận ra rằng: nếu thích dùng quyền lực, thích dựa vào thế lực của danh vọng, tiền tài thì sớm muộn gì con người cũng sẽ trở thành những kẻ cọc cằn khó khăn, những kẻ độc tài, kiêu hãnh, háo danh, háo thắng. Điều này sẽ kéo lê cuộc đời của chúng ta trong những bất an, trục trặc, đổ vỡ, thất bại và xung khắc với bản thân, với Thiên Chúa và với tha nhân. Bởi vì, quyền lực rồi cũng sẽ qua đi. Mỗi người chúng ta cũng sẽ qua đi.
Điều gì sẽ còn lại trong cuộc sống hôm nay và mai sau? Câu hỏi này mời gọi mỗi người chúng ta chiêm ngắm chân dung Thiên Chúa là vị mục tử có trái tim luôn yêu thương, gần gũi, và chăm sóc đoàn chiên của Ngài. Điều này nói với mỗi người chúng ta rằng: cho dù con người có diễn tả Thiên Chúa bằng ngôn ngữ nào đi nữa thì điều cốt lõi vẫn luôn là Thiên Chúa của tình yêu.
Bối cảnh của thế giới và con người thời đại hôm nay đòi hỏi mỗi người Kitô hữu một niềm xác tín và một sự dấn thân mạnh mẽ vào Đức Kitô: người Kitô hữu phải là người có Đức Kitô, sống với Đức Kitô và sinh Đức Kitô trong tâm hồn người khác. Vì vậy, hôm nay mừng lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ là dịp để mỗi người chúng ta suy nghĩ và chất vấn chính mình: Giờ này, đối với tôi, Đức Kitô là ai?
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm