Cộng đoàn giáo xứ và việc dạy giáo lý

Cộng đoàn giáo xứ và việc dạy giáo lý

Cộng đoàn giáo xứ và việc dạy giáo lý

WHĐ (21.7.2020) - Hội Thánh luôn coi cộng đoàn Kitô hữu như là trung tâm huấn giáo. Ở những nơi này, người Kitô hữu được sinh ra, được giáo dục và sống trong đức tin[1]. Cộng đoàn này còn là nơi phát sinh việc loan báo Tin Mừng để mời gọi con người trở lại và đi theo Đức Kitô[2]. Riêng trong Tông huấn Dạy Giáo Lý, Hội Thánh đã đề cập đến cộng đoàn giáo xứ và coi đây là nơi mà dân Chúa quy hướng về, đồng thời là địa điểm ưu tiên cho công việc dạy giáo lý[3]. Chính vì thế, chúng ta hãy tìm hiểu khái quát xem cộng đoàn là gì? Và cụ thể, cộng đoàn giáo xứ có liên hệ và có trách nhiệm gì với giáo lý?

1. Ý NGHĨA VÀ HÌNH THỨC CỘNG ĐOÀN

1.1 Theo nghĩa chung (Communauté)

Cộng đoàn là một nhóm người có những điểm giống nhau. Họ sống chung với nhau, nhắm cùng một lợi ích, văn hoá và lý tưởng[4]. Cộng đoàn chủ yếu được xây dựng trên những mối liên kết không theo lý trí nhưng là tình yêu, tham vọng, tình bạn; những mối liên hệ ân nghĩa, chủng tộc, ngôn ngữ, số phận v.v... Tinh thần cộng đoàn khác với xã hội, vì cộng đoàn giả thiết người ta có chung hoặc cùng nhau tìm kiếm một lợi ích chung, được chia sẻ với nhau, trong tình liên đới huynh đệ[5].

1.2 Theo nghĩa tôn giáo

Cộng đoàn là nhóm người tin cùng một điều, sống cùng một nơi, dưới một quyền bính, theo đuổi cùng một việc để người trong cũng như kẻ ngoài đều được hưởng. Tùy theo nhóm người ấy chia sẻ những điều tin tưởng, cuộc sống và các hoạt động nhiều hay ít mà ta sẽ có những cộng đoàn sâu sắc hay hời hợt, cũng như xác định được chân tướng của cộng đoàn ấy trong tư thế là một xã hội loài người[6].

1.3 Các hình thức cộng đoàn

Người ta thường gọi Hội Thánh là cộng đoàn đức tin, đức cậy và đức ái (GH 8). Còn những nhóm giáo dân xa nhà thờ quy tụ chung quanh vị linh mục để cử hành Thánh Thể và các bí tích, thì cũng được gọi là cộng đoàn đức tin. Trong các cộng đoàn này, Đức Kitô và Hội Thánh hiện diện (GH 26), nhờ việc rao giảng Phúc Âm và tuỳ thuộc vào Đức Giám mục. Đối với những Kitô hữu ly khai, họ cũng hợp thành cộng đoàn nhưng không có sự hiệp nhất hoàn toàn với Hội Thánh Công giáo (HN 3,22).

Ngoài ra, người ta còn sử dụng cụm từ này để chỉ về một cộng đồng nhân loại (MV23-32), cộng đồng quốc tế (MV83-90), cộng đồng chính trị (MV 73-76) và cộng đồng tôn giáo (TD 4,6,13). Ở đây muốn nói đến cộng đoàn giáo xứ, là cộng đoàn có nhiều liên hệ với giáo lý và các sinh hoạt giáo lý.

2. CỘNG ĐOÀN LIÊN HỆ VỚI GIÁO LÝ[7]

Ngày nay, người ta nhấn mạnh đến mối liên kết chặt chẽ giữa cộng đoàn và giáo lý. Kinh nghiệm giáo lý hiện nay xác tín rằng tất cả sự đổi mới bắt đầu từ các giáo lý viên và sách giáo lý. Nhưng cả hai lại phải được đổi mới ở trong các cộng đoàn Hội Thánh.

2.1 Dạy giáo lý là trách nhiệm của cả cộng đoàn[8]

(1) Cộng đoàn có trách nhiệm đón tiếp các Kitô hữu vào một môi trường; (2) Giúp họ có thể sống đầy đủ nhất điều họ đã biết[9]. Kinh nghiệm cho thấy một sự thất bại đang gia tăng về một thứ giáo lý chỉ giới hạn ở sự nhận biết toàn bộ sứ điệp Kitô giáo một cách trừu tượng, mà không có sự bảo đảm rõ rệt, cũng như không được minh xác qua cuộc sống trong cộng đoàn: “Không thể có một cộng đoàn đức tin nếu ở đó không có sự hiệp thông đức tin”.

2.2 Phẩm chất của cộng đoàn

Trở thành tiêu chuẩn để xác định xem môi trường này có phải là nơi thích hợp của giáo lý không? Một cộng đoàn Kitô hữu hoạt động tích cực và đáng tin là điều cốt yếu của việc truyền bá đức tin và đón nhận đức tin. Trong cộng đoàn, tất cả mọi người cùng tham gia giáo lý và tất cả các thành viên đều phải làm chứng cho đức tin. Giáo lý không chỉ đưa người học đến sự trưởng thành đức tin mà còn hướng cả cộng đoàn đến mức trưởng thành như vậy. (DGC, 221)

3. TRÁCH NHIỆM CỦA CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ ĐỐI VỚI GIÁO LÝ

3.1 Các linh mục đang cai quản giáo xứ, họ đạo

Các ngài vừa là mục tử vừa là nhà giáo dục của cộng đoàn Kitô hữu. Đây là chức năng riêng biệt xuất phát từ bí tích Truyền chức thánh mà các ngài đã lãnh nhận (DGC 224). Chính vì thế, các ngài phải:

Thúc đẩy trong cộng đoàn Kitô hữu tinh thần trách nhiệm chung đối với việc dạy giáo lý.

Chăm lo tổ chức căn bản việc dạy giáo lý cũng như có một chương trình phù hợp.

Khuyến khích và phân định những ơn gọi phục vụ cho việc dạy giáo lý, quan tâm đến việc đào tạo giáo lý viên bằng cách dành cho việc đào tạo này một sự chăm sóc chu đáo nhất.

Đưa sinh hoạt giáo lý vào kế hoạch loan báo Tin Mừng của cả cộng đoàn, đặc biệt quan tâm đến mối liên hệ giữa giáo lý với bí tích và phụng vụ.

Bảo đảm việc dạy giáo lý của cộng đoàn được hoà hợp với những chương trình mục vụ cấp giáo phận.

Lo huấn luyện giáo lý cho người lớn, thanh niên và trẻ em. Cổ võ và thúc đẩy cha mẹ chu toàn bổn phận dạy giáo lý trong gia đình. (CIC 776)

Kinh nghiệm cho thấy rằng phẩm chất việc dạy giáo lý của một cộng đoàn tuỳ thuộc phần lớn vào sự hiện diện và hoạt động của linh mục.

3.2 Các tu sĩ đang hoạt động trong giáo xứ

Trong Giáo luật đã nói rằng: Bề trên dòng tu và các tu đoàn tông đồ phải lo dạy giáo lý cách chuyên cần trong các nhà thờ, trường học và các cơ sở khác đã được uỷ thác cách nào đó cho mình. (CIC 778).

Ước mong các tu sĩ, ngoài việc sống theo linh đạo riêng của Hội Dòng với những hoạt động có tính cách chuyên biệt, thì cũng cần phải được học tập và trau dồi về mục vụ huấn giáo, để trong mọi nơi mọi lúc và mọi hoàn cảnh, luôn sẵn sàng dạy giáo lý như là những giáo lý viên chuyên nghiệp và có khả năng cộng tác với các linh mục để đào tạo các giáo lý viên giáo dân. Mọi thành phần trong cộng đoàn giáo xứ cần giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi để các tu sĩ dạy giáo lý và hoạt động giáo lý được dễ dàng và có hiệu quả.

3.3 Các thành phần trong giáo xứ hỗ trợ các cha mẹ trong việc dạy giáo lý gia đình

Nếu cha mẹ hoặc những người thay quyền cha mẹ và những người đỡ đầu có bổn phận lấy lời nói và gương lành huấn luyện đức tin cho con cái và dạy chúng sống đời sống Kitô giáo (CIC 774), thì các cá nhân và các hội đoàn cũng phải đặc biệt quan tâm đến các bậc cha mẹ qua những cuộc tiếp xúc cá nhân hoặc những cuộc gặp gỡ chung, những khoá học hỏi và cả việc dạy giáo lý người lớn dành cho các bậc cha mẹ, hầu giúp họ hoàn thành nhiệm vụ của mình, một nhiệm vụ rất tế nhị hiện nay, đó là giáo dục đức tin cho con cái. Điều này lại càng cấp bách hơn nữa trong những nơi mà xã hội không cho phép hoặc làm cho việc tự do giáo dục đức tin thêm khó khăn. (DGC 227)

Để hỗ trợ cho công việc này, ước mong, ít là trong giáo phận, cần biên soạn một Sách giáo lý gia đình với nội dung căn bản và các phương pháp sư phạm cần thiết, được trình bày một cách đơn sơ, dễ hiểu, để hỗ trợ cho các cha mẹ khi hướng dẫn và dạy giáo lý cho con cái. Giáo lý này được tiếp nối trong tiến trình giáo lý phổ thông sẽ được dạy tại các lớp giáo lý của giáo xứ.

4. CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ VỚI SINH HOẠT GIÁO LÝ

Không nghi ngờ gì nữa, cộng đoàn giáo xứ được mời gọi để trở thành một mái ấm gia đình, huynh đệ, và niềm nở đón tiếp, nơi mà người Kitô hữu ý thức mình là Dân Thiên Chúa (CT 67c); là nơi thường xuyên cho tín hữu qui tụ lại để được lớn lên trong đức tin, để sống mầu nhiệm hiệp thông với Hội Thánh và tham gia vào sứ mạng của Hội Thánh[10].

4.1 Đối với việc dạy và chuẩn bị địa điểm dạy giáo lý

Cộng đoàn giáo xứ cần cầu nguyện cho công cuộc huấn giáo, gia tăng và thích nghi các địa điểm dạy giáo lý tùy theo khả năng và lợi ích[11].

Ước mong mỗi giáo xứ đều có những nơi dạy giáo lý ổn định, không bị sách nhiễu bởi bầu khí ồn ào chung quanh; những phòng học giáo lý được trang bị đầy đủ tranh ảnh, bảng phấn, phương tiện nghe nhìn; được một đội ngũ giáo lý viên có thực lực và nghiêm túc giảng dạy.

4.2 Đối với giáo lý viên và các sinh hoạt giáo lý

Cộng đoàn giáo xứ cần quan tâm đến việc bồi dưỡng và khích lệ họ, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn; thăm viếng các lớp giáo lý; cổ võ việc học giáo lý với những khích lệ đặc biệt hay định kỳ cho các học viên học giáo lý xuất sắc; hỗ trợ vật chất cho các sinh hoạt giáo lý như: chương trình đố vui, thi kể chuyện Chúa Giêsu, tham quan, cắm trại, văn nghệ, khai giảng năm học giáo lý và tổng kết cuối khóa giáo lý...

4.3 Đối với những em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt

Có cha mẹ rối hoặc hôn nhân khác đạo, khô khan nguội lạnh, nghèo khó, neo đơn, xa nhà thờ, không có điều kiện hoặc gặp khó khăn trong việc ghi danh theo học các lớp giáo lý, Ban Mục vụ giáo xứ, các đoàn thể Công giáo Tiến hành, các nhóm tông đồ, cần quan tâm gặp gỡ, tạo tình thân, trao đổi, động viên và tạo điều kiện để các em được học giáo lý và tìm mọi cách để đưa các em tới lớp giáo lý. Mặt khác, cộng đoàn tiếp tay với các giáo lý viên để tìm cách giải quyết những trường hợp cá biệt nơi một số các em học giáo lý như: phá phách, thiếu đạo đức, trốn học giáo lý...

4.4 Đối với các dự tòng

Rất mong các linh mục, tu sĩ và các giáo lý viên trong cộng đoàn cần dạy giáo lý cho họ một cách kỹ lưỡng; thanh lọc những ý hướng không ngay lành nơi họ; làm gương và dạy cho họ biết gặp gỡ Chúa qua kinh nguyện, qua công việc và qua việc cầu nguyện cá nhân; chuẩn bị thích đáng cho việc lãnh nhận các bí tích.

4.5 Đối với các tân tòng

Cần quan tâm đặc biệt, bởi vì hơn ai hết, hạt giống đức tin được gieo vào thửa ruộng tâm hồn của họ trong ngày lãnh bí tích Rửa Tội mới còn đang chớm nở. Nếu không tiếp tục chăm sóc cẩn thận, nó sẽ không lớn lên được và sẽ sớm lụi tàn. Việc năng gặp gỡ cá nhân, tháp tùng để giúp họ sống đạo tốt; tiếp tục bồi dưỡng giáo lý cho họ; tổ chức quy tụ định kỳ để lắng nghe những băn khoăn, nguyện vọng của họ và tìm cách giúp đỡ họ, luôn là điều cần thiết. Có nơi đã tổ chức họp mặt các tân tòng vào dịp lễ Hiển Linh mỗi năm. Trách nhiệm này thuộc về cộng đoàn, trong đó có các linh mục, tu sĩ và mọi thành phần giáo dân, đặc biệt là về phía những người đỡ đầu, những thân nhân có đạo và các nhóm tông đồ giáo dân.

Để hỗ trợ cho việc chăm sóc các dự tòng và tân tòng, thiết tưởng cần biên soạn một sách giáo lý dự tòng phù hợp với trình độ dân trí và tâm thức của một người khác tôn giáo hoặc không có đạo có thể hiểu được, chấp nhận được những lẽ đạo và những chân lý đức tin của Kitô giáo. Sau đó, cần biên soạn một cuốn giáo lý khác dành cho những tân tòng để giúp họ hiểu biết về Chúa và đạo một cách sâu xa hơn, hầu niềm tin của họ được củng cố và thêm vững chắc.

ĐỂ KẾT

Hội Thánh sẽ đi về đâu nếu việc huấn giáo không được quan tâm đúng mức? Việc dạy giáo lý sẽ đi về đâu nếu không được cộng đoàn tích cực hỗ trợ? Ước mong mọi thành phần dân Chúa càng ngày càng ý thức hơn bổn phận, trách nhiệm của mình trong cộng đoàn và trong công cuộc dạy giáo lý mà Hội Thánh luôn coi là một trong những nhiệm vụ tối quan trọng của mình[12].

__________

[1] THÁNH BỘ GIÁO SĨ, Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý 1997 (Bản dịch của UBGLĐT), NXB Phương Đông, 2008, s. 253.

[2] Nt., 254.

[3] GIOAN PHAOLO II, Catechesi Tradendae, 67.

[4] VIỆN NGÔN NGỮ HỌC, Từ điển tiếng Việt, NXB Khoa Học Xã Hội, 1994, trang 205 & TỪ ĐIỂN PHÁP VIỆT, Fahasa, 2002, trang 353 & Le ROBERT, Dictionnaire de la langue Française, Paris 1998, tr. 250.

[5] OLIVIER de la BRÓSSE, Dictionnaire de la Foi Chrétienne, 2006, tr.184.

[6] John A.HARDON, S.J., Từ điển Công giáo phổ thông, NXB Phương Đông, 2008, tr.100.

[7] Emilio ALBERICH, Les Fondamentaux de la catéchèse , Novalis Lumen vitae, 2006, p.279-283.

[8] THÁNH BỘ GIÁO SĨ, Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý 1997 (Bản dịch của UBGLĐT), NXB Phương Đông, 2008, s. 220.

[9] GIOAN PHAOLO II, Catechesi Tradendae, 24.

[10] GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Giáo Hội tại Á châu, s. 25.

[11] Nt., s. 67.

[12] GIOAN PHAOLO II, Catechesi Tradendae, 1.

Trích Tập san HiệpThông / HĐGM VN, số 89 (tháng 7 & 8 năm 2015)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top