Tuần lễ Giáo lý - Bài 2: Xây dựng nền nhân bản toàn diện và liên đới
Lời mở
Xây dựng nền văn minh tình yêu là đích điểm cuối cùng cho mọi hoạt động của Giáo hội Công giáo ở trần thế này[1]. Để đạt được mục đích đó, Giáo Hội cổ vũ mọi tín hữu xây dựng một nền nhân bản toàn diện và liên đới. Đường hướng này được Giáo Hội xác định ngay trong lời mở đầu của cuốn Tóm lược HTXHCG (số 6, 19; được nhắc lại ở phần kết luận số 582) và nội dung của nền nhân bản này được trình bày trong suốt 12 chương của cuốn Tóm lược (2004) và cuốn Docat (2016). Tuy nhiên, rất nhiều học viện Công giáo ít quan tâm và hầu hết tín hữu Công giáo chưa hiểu biết nền nhân bản này là gì và bao gồm những nội dung nào.
1. Nền nhân bản Công giáo là gì?
1.1. Phân biệt từ ngữ
Từ "nền nhân bản" chỉ được sử dụng vài ba lần trong cuốn Tóm lược HTXH, được Công đồng Vaticanô II nhắc đến ít lần trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes (số 7,55,56) vì sợ rằng một số người có thể hiểu sai ý nghĩa của nó.
Từ này nguyên ngữ Latinh là humanismus (Anh ngữ: humanism) bắt nguồn từ từ homo - con người (nhân). Nhiều từ điển Việt Nam dịch là chủ nghĩa nhân bản, chủ nghĩa nhân văn (theo Trung Quốc), chủ nghĩa nhân đạo[2].
Từ điển Công giáo 2016 của HĐGMVN nói đến "nền nhân bản Kitô giáo" trong mục từ cùng tên ở trang 637: "là hệ thống quan niệm Kitô giáo về 'căn tính' (bản chất) của con người vốn được biểu hiện trong các mối tương quan của con người với Thiên Chúa, với nhau và với vũ trụ"[3].
Từ điển Công giáo Anh Việt của Nguyễn Đình Diễn dịch từ humanism: chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa nhân bản[4]. Thuật ngữ này bao gồm các phong trào trí thức, văn học và khoa học từ thế kỷ 14 đến 16, nhấn mạnh đến sự phát triển toàn diện con người dựa trên văn hoá Hy Lạp - La Mã cổ điển.
Ngày nay người ta phân biệt chủ nghĩa nhân văn thế tục, nhân văn vô thần với nhân văn tôn giáo. Chủ nghĩa nhân văn thế tục cho rằng thế giới mà con người đạt tới là tất cả thực tại, không có thế giới của những giá trị siêu việt và loài người là giá trị cao quý nhất. Chủ nghĩa này còn cho rằng niềm tin vào Thượng Đế làm cho con người mất đi phẩm giá và tính sáng tạo, khiến cho họ không còn thiết tha đến việc phát triển năng lực và trau chuốt sự cao quý của nhân loại, và làm trì trệ khả năng vươn lên về kinh tế khoa học, thẩm mỹ và đạo đức. Các tác giả tiêu biểu cho chủ nghĩa này: L. Fenerbach (1804-1872), Karl Marx (1818-1883), F. Nietzsche (1844-1900) và Signund Freud (1856-1939).
"Chủ nghĩa nhân văn tôn giáo trong Kitô giáo ý thức phẩm giá đặc biệt của con người trong tương quan với Thiên Chúa"[5].
Công đồng Vaticanô II đã lưu ý nhắc nhở ta về một "nền nhân bản mới, trong đó con người được định nghĩa trước hết dựa trên trách nhiệm của mình đối với anh em và đối với lịch sử"[6]; đồng thời cũng lưu ý ta về chủ nghĩa nhân bản thế tục thuần tuý đối nghịch với tôn giáo[7].
1.2. Xác định từ ngữ
Trước hết, chúng ta dùng từ "nền nhân bản": nền là cơ sở của một việc gì, nhân là người, bản là gốc, cội rễ.
Chúng tôi dùng từ "nền nhân bản" thay vì chủ nghĩa nhân bản để tránh sự hiểu lầm rằng Giáo hội Công giáo đang muốn xây dựng một chủ nghĩa đối kháng với các chủ nghĩa đang có mặt trong đời sống con người như Tư bản, Cộng sản, Duy thực, Duy nghiệm, Duy lý, Duy tâm, Duy vật… Đây là nền nhân bản được xây dựng cho con người và vì con người nên bất cứ chế độ chính trị, tổ chức chính quyền, loại hình kinh tế, văn hoá, xã hội, tôn giáo nào cũng có thể tiếp nhận và hoà hợp, miễn là không đi ngược với bản chất và những quyền lợi căn bản của con người.
Chúng ta dùng từ nhân bản chứ không dùng từ nhân văn, vì nhân văn thuộc về văn hoá con người. Văn hoá là tổng thể những giá trị vật chất hay tinh thần do con người sáng tạo nên trong một giai đoạn nhất định của lịch sử. Nhân bản có ý nghĩa rộng lớn, bao gồm tất cả những gì thuộc về con người, nhưng không phải chỉ là những giá trị do con người sáng tạo mà còn cả những giá trị được ban tặng cho con người.
Nhân bản cũng không đồng nghĩa với nhân đạo (humanitarian), vì nhân đạo là đạo đức thể hiện ở sự yêu thương, quý trọng và bảo vệ con người. Nhân bản bao gồm nội dung cao cả và rộng lớn hơn nhiều, vì bao gồm mọi lĩnh vực hoạt động và mối tương quan của con người trong vũ trụ, trong đó có cả Thiên Chúa và vạn vật.
Thật ra, từ "chủ nghĩa" hay "nền" có thể dùng hoán đổi cho nhau, khi hiểu chủ nghĩa nhân bản vừa là một hệ tư tưởng về các bản chất và mối tương quan của con người, đồng thời vừa là một đường hướng hành động trong mọi lĩnh vực của con người.
Ta cũng cần phân biệt rằng nền nhân bản toàn diện và liên đới là do Công giáo giới thiệu cho cộng đồng nhân loại, chứ không phải là của tất cả Kitô giáo như ghi nhận trong Từ điển Công giáo 2016 của HĐGMVN. Nền nhân bản này lấy Đức Giêsu Kitô là con người mới, hoàn hảo, nhưng nhiều hệ phái Tin Lành không đồng quan điểm với Công giáo về Đức Giêsu Kitô, nhất là từ khi nhà thần học Rudoft Bultmann (1884-1976), vào những năm 1940-1960, chủ trương giải trừ huyền thoại ra khỏi Phúc Âm, loại bỏ những phép lạ và thậm chí cả cuộc sống lại của Đức Giêsu để cho con người thời nay chuộng khoa học thực nghiệm dễ đón nhận Lời Chúa hơn[8].
1.3. Nền nhân bản Công giáo
Sau khi xác định từ ngữ, ta có thể tạm thời định nghĩa rằng nền nhân bản mới này là một hệ thống suy tư và hành động lấy con người làm gốc, làm nền tảng, làm trung tâm để quy chiếu như các nền chủ nghĩa nhân bản khác, thay vì lấy vật chất hay thần linh. Đây là hệ thống suy tư giúp con người có những nhận thức đúng đắn về bản chất, về nguồn gốc, về hướng đi, về mối tương quan, về mục đích cuối cùng của con người và cộng đồng nhân loại trong vũ trụ này[9]. Đồng thời đây cũng là hệ thống hành động bao gồm những kỹ năng sống để con người thể hiện cách tốt đẹp và hiệu quả các nhận thức trên.
Trong dòng lịch sử nhân loại, nhiều tôn giáo, trong đó có cả Kitô giáo, đã có những lúc quá chú trọng đến các hình thức lễ nghi dành cho thần linh, cho Thiên Chúa mà coi nhẹ những hoạt động dành cho con người. Đây cũng là một trong các nguyên nhân phát sinh ra những thái độ từ chối thần thánh của con người tạo nên những chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa này đã nhân danh con người hay xã hội loài người để đòi lại những gì mà các tôn giáo lấy của con người để đem về cho thần linh, cho Thiên Chúa[10].
Nền nhân bản Công giáo đặt con người và xã hội con người vào điểm trung tâm để quy chiếu mọi hoạt động của Giáo hội Công giáo vào đó. Con người này, từ muôn thuở, được Thiên Chúa yêu thương, được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, nghĩa là có tinh thần với tình yêu và tự do theo kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa là tình yêu[11]. Con người này dùng tự do để chối từ tình yêu với Thiên Chúa, cắt đứt với nguồn sống vĩnh hằng, tình yêu vô biên, quyền năng vô tận là Thiên Chúa dẫn đến cái chết và muôn vàn hậu quả tai hại khác cho mình và cộng đồng xã hội.
Nền nhân bản này có thể được gọi là nền nhân bản Kitô (không phải Kitô giáo), vì được xây dựng trên Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa tự nguyện trở thành người theo kế hoạt của Thiên Chúa Cha (x. Ga 1,14; 3,16; Dt 4,15). Ngài sống như con người để làm cho mọi giá trị của con người thành cao cả vô biên, vì “mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể” (GS, số 22). Đức Giêsu Kitô, Người đã tự nguyện chết trên thập giá để hoà giải con người và vạn vật với Thiên Chúa, và đã sống lại để chia sẻ sự sống kỳ diệu, vĩnh hằng của chính Thiên Chúa, nhờ đó, con người mở ra với siêu việt và hướng tới vô biên (TLHTXHCG, số 130; Docat, câu 53).
Nền nhân bản Công giáo nhằm mục tiêu đổi mới và xây dựng mỗi tín hữu và những ai thành tâm thiện chí thành hiện thân sống động của Đức Giêsu Kitô (TLHTXHCG, số 58). Người là con người mới, con người hoàn hảo vì nhờ Người mà bản tính nhân loại được nâng cao và đạt tới một phẩm giá siêu việt. Nhờ kết hợp với Đức Giêsu Kitô, người tín hữu sẽ nhận được “những hoa trái đầu mùa của Thánh Thần” (Rm 8,23) để trở thành con người mới (TLHTXHCG, số 19, 36), có khả năng chu toàn luật yêu thương mới (x. Mt 22,40; Ga 15,12; Rm 8,1-11), xây dựng được nền văn minh tình yêu cho cộng đồng nhân loại vì Đức Giêsu Kitô là nguyên mẫu và là nền tảng của nhân loại mới này[12]. Lúc đó loài người sẽ vượt qua bí ẩn của đau khổ và sự chết để sống trọn vẹn trong niềm vui, bình an và tình yêu của Thiên Chúa[13].
Nền nhân bản Công giáo được gọi là nhân bản tâm linh vì liên quan đến “con người duy nhất và toàn diện với thể xác và linh hồn, tình cảm và lương tri, trí khôn và ý chí[14]. Đồng thời, nó cũng để ý đến mọi lĩnh vực hoạt động và tương quan của con người trong đó có tương quan với Thiên Chúa.
Con người được mời gọi hãy khám phá nguồn gốc, mục tiêu và lịch sử đời mình nơi sự hoà nhập yêu thương của Thiên Chúa (TLHTXHCG, số 34), nhờ mạc khải Kitô giáo, con người đã hiểu biết bản sắc, ơn gọi và định mệnh cuối cùng của con người và của nhân loại (TLHTXHCG, số 35).
Vì thế, nền nhân bản này không chỉ nhìn con người theo quan điểm duy vật thuần tuý và chối bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa theo quan điểm vô thần của các chủ nghĩa nhân bản thế tục. Do đó, nó được gọi là nền nhân bản toàn diện và liên đới (TLHTXHCG, số 19).
2. Nền nhân bản toàn diện
“Nền nhân bản toàn diện bao gồm mọi lĩnh vực của con người như thể xác và tinh thần, cá nhân và tập thể, tự nhiên và siêu nhiên, nội tâm và ngoại giới, vì con người là một mầu nhiệm không thể nào khám phá cho cùng…”[15].
2.1. Thể xác và tinh thần
Con người được Thiên Chúa tạo dựng thành một thể thống nhất với tinh thần và thể xác. Hai yếu tố thể xác và tinh thần đều do Thiên Chúa dựng nên, không phải bắt nguồn từ hai sức mạnh đối nghịch nhau[16]. Thông qua thân xác mình, con người thống nhất nơi mình các yếu tố của thế giới vật chất. Mỗi ngày, qua đồ ăn, thức uống, khí trời… con người hoà hợp với vạn vật trong vũ trụ và thống nhất chúng nơi mình[17]. Nhờ tinh thần, con người có thể khám phá vạn vật với cấu trúc của chúng và thấy mình vượt lên trên thế giới vật chất nhờ phẩm giá độc đáo và lương tâm ngay chính (TLHTXHCG, số 129).
Các nhà khoa học đã khám phá con người bao gồm khoảng 75 ngàn tỉ tế bào tồn tại trong một cơ thể con người bình thường. Mỗi tế bào là một đơn vị phức tạp với nhiều hoạt động khác biệt bên trong. Nhiều tế bào kết cấu với nhau thành những mô với khoảng 200 loại khác nhau. Các mô lại tập hợp thành 10 hệ cơ quan như xương, cơ, thần kinh, hô hấp, tim mạch, bạch huyết và miễn dịch, tiêu hoá, tiết niệu, sinh sản, nội tiết với cấu trúc của da, lông, tóc. Nhưng tất cả đều tác động qua lại với nhau thành một cơ thể thống nhất cho phép chúng ta hoạt động và tồn tại[18].
Tinh thần con người còn kỳ diệu hơn nữa. Tất cả những cảm giác, cảm xúc, những gì ta thấy, ta nghe, ta nhớ, ta nghĩ, ta yêu thương, suy luận đều chỉ là những xung động điện trong bộ não trung ương và hệ thần kinh, với những hoá chất phóng ra từ các đầu khớp nối thần kinh[19]. Các nhà khoa học cho đến nay vẫn chưa tìm ra được và giải thích được thế nào là sự sống, tình yêu, tư tưởng. Nếu chúng đang hiện hữu, theo nguyên lý của khoa học, chúng phải bắt nguồn từ đâu đó, từ một đấng nào đó là nguồn sự sống, tình yêu, tư tưởng và mọi hiện hữu. Chỉ có tinh thần con người mở ra với siêu việt, vô biên mới có thể khám phá được nguồn hiện hữu này.
2.2. Cá nhân và tập thể
Lịch sử loài người đã cho chúng ta thấy những xung đột giữa hai hệ tư tưởng hay chủ nghĩa cá nhân và tập thể với những cuộc chiến tranh, tàn sát ghê rợn. Nguyên nhân là vì con người không nhận ra phẩm giá cao quý của mình và của người khác đó là mọi người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa[20], dù họ là nam hay nữ (TLHTXHCG, số 110-114, 146-148), mạnh khoẻ hay khuyết tật x. TLHTXHCG, số 148 hoặc thuộc bất cứ giai cấp xã hội nào.
"Con người không phải là một hữu thể cô độc mà là một hữu thể xã hội, không thể nào sống cũng như không thể nào phát triển tiềm năng của mình bao lâu con người không liên hệ với người khác” (GS, số 12; TLHTXHCG, số 110). Con người là một cá nhân độc đáo[21] và không thể sao chéo trong số hơn 7,7 tỉ người đang sống trên trái đất hiện nay (thống kê tháng 6 năm 2019 của Liên Hiệp Quốc), nhưng mỗi con người đang sống với những người khác làm thành một gia đình nhân loại[22].
Nhờ tinh thần, con người có thể gặp gỡ những người khác để xây dựng thành những cộng đồng yêu thương. Cộng đồng đầu tiên và cơ bản là gia đình (chương 5 của TLHTXHCG và Docat), xí nghiệp và nơi mình lao động (chương 6), hay làm kinh tế (chương 7), làm chính trị (chương 8) hay hoà nhập với mọi người trong cộng đồng quốc tế (chương 9) để cùng xây dựng và đem lại hạnh phúc cho nhau.
2.3. Tự nhiên và siêu nhiên
Tự nhiên chỉ toàn bộ những gì tồn tại sẵn có trong con người, xã hội và vũ trụ mà không phải do con người tạo ra hoặc tác động hay can thiệp vào. Còn siêu nhiên là có tính chất, khả năng vượt ra khỏi phạm vi tự nhiên, không thể giải thích bằng các quy luật tự nhiên[23].
Từ này gợi ý cho chúng ta về thuyết Big Bang với tất cả những diễn tiến xảy ra trong vũ trụ trong 14 tỉ năm, làm cho con người tưởng lầm rằng vũ trụ tự nhiên mà có. Còn trái đất và các sinh vật tiến hoá cho đến con người biết suy tư hiện nay đang theo quy luật tự nhiên của cuộc tiến hoá mà chẳng cần đến bàn tay sáng tạo của Thiên Chúa.
Nền nhân bản tâm linh Kitô xác định cho chúng ta rằng: Thiên Chúa là nguồn của mọi hiện hữu”[24]. Ngài dựng nên thế giới và loài người chúng ta theo một kế hoạch đã định trước: đó là diễn tả bản tính yêu thương của Ngài, vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,16; x. Docat, chương 1).
Thật ra, khi nói đến quy luật tự nhiên là ta phải nghĩ ngay đến người đặt ra hay tạo nên quy luật, dù ta không nhìn thấy người đó. Thí dụ: 1 cây bút bi với vài thành phần cấu tạo: chiếc lò xò, ruột chứa mực, nắp bút, thân bút; hay chiếc đồng hồ với vài chục thành phần. Ta không thể bỏ chung vào một chiếc bình rỗng rồi lắc liên tục cho đến khi ngẫu nhiên những thành phần đó ráp lại với nhau theo một trật tự đúng đắn để thành một cây bút viết được, hay một cái đồng hồ chạy được. Sự hiện diện của chúng tự nhiên đã đòi hỏi phải có một chủ thể tạo thành nên chúng theo một quy luật chính xác.
Nếu ta nhìn vào con người với 23 đôi nhiễm sắc thể trong đó bộ gen người có 3 tỉ base ADN được sắp đặt theo một trật tự lạ lùng. Một quả chuối có một nửa thành phần giống gen của người. Tuy nhiên, không thể thay một gen người bằng một phiên bản từ quả chuối vì sự khác biệt trong thứ tự các cặp base bên trong mỗi gen. ADN của con người khác biệt với ADN của tinh tinh khoảng 5%, nhưng từ hàng triệu năm nay, chẳng có tinh tinh nào biến hoá thành người cả![25]. Mặc dù bề ngoài chúng ta trông khác nhau về màu da, màu tóc, hình thể to lớn hay thấp bé, nam hay nữ, nhưng cấu trúc căn bản của ADN chúng ta lại đồng nhất[26]. Điều này dẫn chúng ta đến một kết luận khá lý thú: chúng ta đều là anh chị em của gia đình “người”, có một người Cha Tạo Hoá vô cùng kỳ diệu tạo nên!
Nếu trong “trật tự tự nhiên” đã kỳ diệu như thế, thì những gì thuộc “trật tự siêu nhiên” còn tiến hoá khôn lường. Tinh thần của con người mở ra đến vô biên vì không bị lệ thuộc vào vật chất, không gian, thời gian. Tinh thần đó được biểu lộ qua những tư tưởng, ước muốn, tình cảm, hành động để con người sáng tạo nên những khoa học, theo đuổi nghệ thuật, đi tìm những gì thuộc về chân thiện mỹ tồn tại mãi mãi, vươn tới sự thật toàn diện và điều thiện tuyệt đối. Vì thế, HTXHCG quả quyết: “mở ra với siêu việt là một đặc tính của con người: con người mở ra với Đấng vô biên cũng như với mọi thụ tạo” trong đó có các thiên thần, hồn người đã khuất và cả vũ trụ vạn vật[27]. Đây là điểm khá mới mẻ đối với con người hiện nay, nhưng lại không xa lạ với Đức Giêsu Kitô và các môn đệ thời Giáo Hội sơ khai khi Người và họ phán bảo cho gió im, biển lặng, bánh cá hoá nhiều, chữa lành bệnh tật, cho kẻ chết sống lại, xua trừ ma quỷ để giải phóng con người.
2.4. Nội tâm và ngoại giới
“Con người đã không lầm khi nhận biết mình cao quý hơn vũ trụ vật chất và không coi mình chỉ như một mảnh nhỏ của thiên nhiên hay như một phần tử vô danh trong xã hội loài người. Bởi vì nhờ có nội tâm, con người vượt trên vạn vật: khi con người quay về với lòng mình là lúc họ tìm về nơi nội giới thâm sâu này. Ở đó, Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm hồn đang chờ đợi họ và cũng chính nơi đó, con người tự định đoạt về vận mệnh riêng của mình dưới ánh mắt của Thiên Chúa” (GS, số 14; TLHTXHCG, số 128; Docat, câu 47). Đó chính là hồn thiêng bất tử mà Thiên Chúa dựng nên cho con người.
Vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người có phẩm giá của một ngôi vị, là một ai đó chứ không phải là một thứ gì đó. Con người có khả năng nhận biết bản thân và suy ngẫm về chính mình, đưa ra những quyết định tự do và bước vào mối tương quan với người khác. Hơn nữa, con người được ơn Chúa thúc đẩy để đáp lời mời gọi của Thiên Chúa bằng đức tin và tình yêu, đi tìm Thiên Chúa hoà nhập với Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô để phát triển trọn vẹn tiềm năng làm người của mình[28].
Ngoại giới được hiểu là toàn thể thế giới ở bên ngoài con người. Khi hiểu con người hiện hữu như một cái “tôi” có khả năng hiểu mình, làm chủ mình và tự quyết về mình, thì cần phải tôn trọng nhân phẩm siêu việt của con người. Không một tổ chức chính trị, xã hội, khoa học, văn hoá, kinh tế nào được quyền sử dụng con người như là một phương tiện để thực hiện các dự án của mình, hoặc lèo lái con người vào những mục tiêu xa lạ với sự phát triển trọn vẹn của con người (TLHTXHCG, số 132-134).
Tuy nhiên, con người cũng hiểu rằng ngoại giới và mình cần phải liên kết mật thiết với nhau. Con người thống nhất nơi mình các yếu tố của thế giới vật chất và thông qua con người, chúng tự do cất lời ca ngợi Đấng Tạo Hoá[29]. Con người có trách nhiệm phải bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống của mình[30].
3. Nền nhân bản liên đới
Con người toàn diện có 4 quan hệ căn bản với 4 tinh thần phải giữ để làm cho các mối quan hệ tốt đẹp và bền vững:
- Đối với Thiên Chúa, giữ tinh thần thảo hiếu.
- Đối với người khác, giữ tinh thần huynh đệ.
- Đối với vạn vật, giữ tinh thần huynh trưởng.
- Đối với chính mình, giữ tinh thần tự chủ.
3.1. Tinh thần thảo hiếu trong quan hệ với Thiên Chúa
Khi con người nhận thức mình được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và Thiên Chúa là nguồn của mọi hiện hữu, của chân thiện mỹ, của sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô biên mà mình luôn mong đợi, thì con người mới nhận ra được phẩm giá cao quý vô song của mình mà không một thụ tạo nào có thể so sánh được. Con người được mời để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng đức tin và tình yêu[31].
Hơn nữa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa làm người, con người nhận biết mình được tha thứ, được nhận làm con người cái của Ngài và được chia sẻ thần tính của Thiên Chúa nên con người đối xử với Thiên Chúa bằng tinh thần thảo hiếu chân thành, khác hẳn thái độ sùng bái các thần thánh trong lo sợ của các tôn giáo khác[32].
Con người khám phá tận đáy lòng mình lương tâm ngay chính như tiếng nói của Thiên Chúa như một lề luật phải theo, dạy con người phải yêu mến và làm điều thiện cũng như phải tránh điều ác[33]. Tuân theo các lề luật ấy là tuân theo các giá trị đạo đức. Các giá trị này bắt nguồn từ luật tự nhiên được ghi khắc trong lương tâm con người, nhờ đó phẩm giá con người được nâng cao và xã hội được ổn định[34].
Từ lòng thảo hiểu đối với Thiên Chúa, con người sẽ bày tỏ tinh thần thảo hiếu này đối với cha mẹ, thầy cô, ông bà, tổ tiên, dân tộc… là những người thay mặt Chúa chuyển giao hay chia sẻ sự sống, sự thật, hạnh phúc, tình yêu, kiến thức và các ơn lành cho mình. Chính trong mối tương quan với Thiên Chúa, con người được đào tạo để hiểu biết và giữ lòng ái quốc với dân tộc, tinh thần bảo vệ các nền văn hoá và lòng quảng đại chia sẻ vô điều kiện những ơn lành của Cha Trên Trời cho mọi người, mọi vật, thay vì đòi hỏi quyền sở hữu và tác quyền cách bất công như hiện nay.
3.2. Tinh thần huynh đệ trong tương quan với mọi người
Từ nền tảng lòng thảo hiếu với Thiên Chúa, con người mới nhìn nhận mọi người sống trên trái đất và trong cả vũ trụ đều là anh chị em trong một đại gia đình của mình để đối xử với nhau bằng tình huynh đệ, không kỳ thị vì bất cứ lý do gì.
Vượt lên trên đòi hỏi của Thiên Chúa: “Ngươi phải yêu thương người khác như chính mình” (Lc 19,18), Đức Giêsu còn mời gọi con người: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 1…) để dám chết thay cho mọi người, tha thứ và cầu nguyện cho kẻ đóng đinh mình và diễn tả tình yêu cụ thể đó thành những hành động chăm lo cho các nhu cầu của người khác (HTXHCG, số 112; x. Mt 22,37-40; Mc 12,29-31; Lc 10,27-28).
Thuyết Big Bang đưa con người hiểu rằng Thiên Chúa là người Cha Tạo Hoá thì vũ trụ bao la này vẫn có thể có những “người khác” ở ngoài hành tinh của mình để tìm hiểu, gặp gỡ, yêu thương và cùng nhau xây dựng một nền hoà bình giữa các vì sao (star peace), thay cho cuộc chiến tranh (star war) mà những phim ảnh đang cổ vũ.
Thiên văn học cho chúng ta biết thiên hà của chúng ta có khoảng 400 triệu ngôi sao giống như mặt trời và có khoảng 8000 hành tinh có điều kiện giống như trái đất, nghĩa là vật chất có thể phối hợp tiến hoá thành những “con người”. Vũ trụ có khoảng 100.000 thiên hà đã được kính thiên văn Hubble chụp được. Như thế, có hàng trăm ngàn hành tinh có những điều kiện phát triển sự sống và những con người nơi ấy có thể có những nền văn minh bằng hoặc hơn con người ở trái đất (x. báo Tuổi Trẻ online, ngày 9/3/2009).
Khi Giáo hội Công giáo tôn vinh Đức Giêsu Kitô là Vua Vũ Trụ vào Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng vụ và Kinh Thánh nhắc nhở ta về việc mọi sự trong vũ trụ được tạo dựng nhờ Người và cho Người (Ga 1,3), thì mọi con người ở bất cứ nơi nào trong vũ trụ đều có thể đón nhận được ơn cứu độ của Đức Giêsu. Khi Đức Giêsu đón nhận thể xác được cấu thành bởi vật chất của trái đất này thì Người cũng là thành viên của vũ trụ và cứu độ tất cả theo kế hoạch của Chúa Cha. “Thiên Chúa yêu thương thế giới nên đã ban Người Con Một” (Ga 3,16). Thế giới này trước tiên hiểu về những con người biết tin vào Đức Giêsu. Nếu tinh thần của những con người ở các hành tinh khác mở ra đến vô biên, thì họ cũng có thể gặp gỡ được Đức Giêsu một cách nào đó để nhận được ơn cứu độ (HTXHCG, số 130).
3.3. Tinh thần huynh trưởng trong quan hệ với vạn vật
Đối với vạn vật và các thụ tạo không phải là con người, con người giữ tinh thần của người anh lớn, chị lớn để lo lắng cho các đứa em của mình. "Con người có khả năng và bổn phận lấy các thụ tạo khác phục vụ mình và hưởng dùng chúng, nhưng việc chế ngự thế giới đòi hỏi họ phải thi hành trách nhiệm, chứ không được tự do khai thác cách tuỳ tiện và ích kỷ" (HTXHCG, số 113). Thiên Chúa đã giao phó vạn vật cho con người để thay Ngài quản trị muôn loài (x. St 1,26-28; Kn 2,23). Con người thống trị thụ tạo bằng cách đặt tên cho chúng (x. St 2,19-20) và như thế, Ngài mời gọi con người có trách nhiệm với chúng (HTXHCG, số 113; GLHTCG, số 373).
Khi hiểu được vạn vật làm nên xương thịt của mình qua đồ ăn, nước uống, khí thở, con người sẽ thể hiện trách nhiệm huynh trưởng với tình yêu mãnh liệt đối với vạn vật như Đức Giêsu. Tình yêu ấy làm cho con người nhận ra đúng sự thật của vạn vật để điều khiển chúng đến độ nói cho gió yên, biển lặng, bánh cá hoá nhiều, đi trên mặt nước… như Chúa Giêsu. Vì vạn vật hy sinh sự sống cho con người, nên con người cũng sẵn sàng tự nguyện chết cho vạn vật để bảo vệ và phát triển chúng như Đức Giêsu để giải thoát và đưa chúng vào chung hưởng vinh quang vĩnh hằng của con cái Thiên Chúa (HTXHCG, số 123).
Tinh thần huynh trưởng được thể hiện qua việc chuyên cần học hỏi, nghiên cứu vạn vật qua các khoa học tự nhiên, siêng năng lao động, làm ra của cải vật chất và biết chia sẻ những của cái đó cho người yếu kém, bảo vệ môi trường sống cho sạch, xanh, đẹp và an lành cho mọi người và mọi vật khác.
3.4. Tinh thần tự chủ trong quan hệ đối với chính mình
Trong tương quan với chính mình, con người giữ tinh thần tự chủ. Con người chú ý lắng nghe những khát vọng sâu xa của tâm hồn mình, con người cũng cảm nghiệm những khắc khoải muốn được nghỉ ngơi trong Chúa[35], cảm nghiệm những thôi thúc của bản năng, của dục vọng và những hậu quả tai hại của tội lỗi[36]. Vì thế, con người phải cố gắng làm chủ bản thân, thời giờ, tình cảm, ân huệ, tham vọng và dục vọng để trở thành một con người tự do thật sự trước mọi ràng buộc của đời sống. Khả năng tự chủ này được đào tạo qua việc giáo dục và tập luyện những kỹ năng sống sau đây:
- Làm chủ ân huệ Chúa ban qua đời sống kết hợp với Chúa, Đức Mẹ, các thần thánh bằng cầu nguyện, phụng tự, đón nhận bí tích. Tất cả đều là hồng ân để luôn sống trong tâm tình tạ ơn.
- Làm chủ cá tính cần làm các trắc nghiệm tâm lý để biết mình thuộc loại cá tính nào, có những ưu điểm, khuyết điểm nào, tài năng nào, cảm năng hoạt động cao hay thấp…
- Làm chủ tài năng tinh thần như trí hiểu, trí nhớ, trí tưởng tượng, ý chí để trở thành con người biết sống tự lập, sáng tạo và đem lại hạnh phúc cho mình cũng như cho mọi người.
- Làm chủ thời giờ bằng việc hiểu rằng mỗi giây phút sống đều có giá trị vĩnh hằng khi kết hợp với Thiên Chúa và đều có thể đem lại niềm vui, hạnh phúc, ơn cứu độ cho muôn loài[37]. Vì thế, cần lập chương trình sống mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm để tận dụng thời giờ Chúa ban.
- Làm chủ các phương tiện vật chất để bảo đảm những điều kiện cần thiết cho một đời sống tự lập[38]. Của cải không phải chỉ làm lợi cho người sở hữu và còn cho người khác, vì Thiên Chúa ban trái đất chung cho con người[39]. Đó là mục tiêu phổ quát của vật chất và nhờ đó tạo ra một thế giới công bằng và liên đới[40]. Người chủ sở hữu vật chất cần biết tự nguyện sống tinh thần nghèo khó của Đức Giêsu (x. 2Cr 8,9) để làm giàu cho thế giới và nhân loại.
Kết luận
Khi hiểu nền nhân bản mà được Giáo hội Công giáo cổ vũ trong HTXHCG là một nền nhân bản toàn diện và liên đới, người tín hữu rất tự hào và quyết tâm xây dựng cho mình cũng như cho cộng đồng của mình thành những con người mới trong một trời mới, đất mới (x. GS, số 39; HTXHCG, số 123) mà Đức Giêsu Phục Sinh đã bắt đầu ngay tại trần thế này. Chỉ nhờ nền nhân bản này, con người mới có thể phát triển trọn vẹn và cộng đồng xã hội mới đạt được an vui, hạnh phúc vững bền.
Câu hỏi
1. Đâu là điểm cần phân biệt khi nói Chúa là nguồn gốc mọi sự và là cùng đích mọi loài, trong khi lại xác định "con người là nền tảng, là trung tâm" để quy hướng mọi hoạt động của Giáo Hội và xã hội?
2. Nguyên nhân nào đã khiến các hệ tư tưởng đòi trả lại cho con người vị trí trung tâm của mọi quan tâm và hoạt động?
3. Lĩnh vực nào của con người ít được quan tâm nhất trong thời đại hiện nay?
4. Trong các mối tương quan của con người, tương quan nào bị bỏ bê hơn cả?
5. Tương quan nào là nền tảng để xây dựng các tương quan khác?
6. Bạn nghĩ mình đang cần làm chủ điều gì hơn cả trong thời điểm hiện tại?
[1] x. TLHTXHCG, số 103, 391, 582.
[2] x. Từ điển Tiếng Việt 2013, mục từ chủ nghĩa nhân bản, nhân văn, nhân đạo, tr.24-27; Từ điển Bách khoa Việt Nam, q.I, 2005, NXB Từ điển Bách khoa Việt Nam, mục từ chủ nghĩa nhân bản, nhân văn, nhân đạo, tr.638.
[3] x. HTXHCG, số 6-7.
[4] x. Nguyễn Đình Diễn, Từ điển Công giáo Anh Việt, NXB Đồng Nai, 2014, mục từ humanism, tr.982-983.
[5] x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Christifideles Laia, số 5.
[6] x. GS, số 55.
[7] x. GS, số 56.
[8] x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo, 2014, tr.201.
[9] x. GS, số 3.
[10] x. GS, số 19-21.
[11] x. GS, số 12-18; HTXHCG, chương 3; Docat, chương 3.
[12] x. TLHTXHCG, số 431.
[13] x. TLHTXHCG, số 583.
[14] x. GS, số 3; TLHTXHCG, số 13; Docat, câu 47.
[15] x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo, 2014, tr.315-317.
[16] x. TLHTXHCG, số 127; GS, số 14.
[17] x. TLHTXHCG, số 128.
[18] x. Bs Alice Roberts, Atlas, NXB Y Học, 2015, tr.10-26.
[19] x. Alice Roberts, Atlas, 2015, tr.294-320.
[20] x. TLHTXHCG, số 144.
[21] x. Docat, câu 54.
[22] x. TLHTXHCG, số 125-126.
[23] x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt 2013, mục từ Tự nhiên, tr.138 và Siêu nhiên, tr.1105.
[24] x. TLHTXHCG, số 20.
[25] x. Alice Roberts, Atlas, 2015, tr.18.
[26] x. Alice Roberts, Atlas, 2015, tr.16.
[27] x. TLHTXHCG, số 130; Docat, câu 53.
[28] x. TLHTXHCG, số 108-109, 131; Docat, câu 47.
[29] x. GS, số 14, HTXHCG, số 128.
[30] x. Chương 10 của TLHTXHCG và Docat.
[31] x. HTXHCG, số 108; GS, số 12; GLHTCG, số 357
[32] x. HTXHCG, số 105.
[33] x. HTXHCG, số 140-142; GS, số 12; Docat, câu 57, 62, 85, 128.
[34] x. HTXHCG, số 22, 37, 53, 89, 93; GS, số 20.
[35] x. HTXHCG, số 14.
[36] x. HTXHCG, số 115-123.
[37] x. GS, số 22.
[38] x. HTXHCG, số 176.
[39] x. HTXHCG, số 177.
[40] x. HTXHCG, số 174.
Nguồn: http://hanhkhatkito.org
bài liên quan mới nhất
- Ban Giáo lý & Toàn bộ Giáo trình Giáo lý Hiệp Thông
-
Tông thư thiết lập thừa tác vụ Giáo lý viên Antiquum ministerium -
Ban Mục vụ Giáo lý TGP Sài Gòn: giới thiệu bộ sách Giáo lý Hiệp thông 2020 -
Cộng đoàn giáo xứ và việc dạy giáo lý -
Ủy ban Giáo Lý Đức Tin: Giới thiệu Tập san Logos số 05 -
Phỏng vấn linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền về Bộ Giáo Lý Hiệp Thông -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 5: Những con người tự do -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 4: Tình yêu trong kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 3: Con đường sự thật giải thoát ta -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 1: Con người là gì, là ai?
bài liên quan đọc nhiều
- Phỏng vấn linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền về Bộ Giáo Lý Hiệp Thông
-
Ban Mục vụ Giáo lý TGP Sài Gòn: giới thiệu bộ sách Giáo lý Hiệp thông 2020 -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 1: Con người là gì, là ai? -
Cộng đoàn giáo xứ và việc dạy giáo lý -
Chuyên đề 5: Giáo lý Hôn Nhân -
Giáo lý viên dự tòng: Đồng hành với người dự tòng -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 5: Những con người tự do -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 4: Tình yêu trong kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa -
Ban Giáo lý & Toàn bộ Giáo trình Giáo lý Hiệp Thông -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 3: Con đường sự thật giải thoát ta