Cuộc điện đàm khuếch âm
WGPSG -- Vào lúc 10g30 ngày 01.9.2012, tại phòng họp số 205 thuộc Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sàigòn đang diễn ra buổi họp mặt giao lưu giữa các tác giả “Có một vườn thơ đạo” thì tiếng điện thoại di động của Cha Bảo Lộc rung lên.
Biết trước người gọi đầu máy bên kia từ Giáo phận Quy Nhơn, cha đã kề sát điện thoại vào micro để khuếch đại âm thanh, cho mọi tham dự viên cùng lắng nghe.
Tiếng chào mừng và giọng Cha Trăng Thập Tự rất rõ ràng vang lên, mọi người chăm chú lặng nghe. Cha Trăng Thập Tự gửi lời chào mừng và cám ơn quý cha, quý cộng đoàn tham dự buổi giao lưu và chia sẻ với quý tác giả trong ấn bản “Có một vườn thơ đạo”. Khi cha dứt lời, cộng đoàn cũng đáp lại bằng một tràng pháo tay thật dài.
Trước đó, từ 8g00 sáng, đa số quý tác giả và khách mời đã tập trung tại sân trước của Trung tâm Mục vụ để Ban Tổ chức hướng dẫn đến phòng sinh hoạt 205, dự buổi họp mặt giao lưu, giới thiệu cũng như phân phối bộ sách kể trên, qua sự trung gian của Cha Trưởng ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn, với sự kết hợp tổ chức của 2 nhà thơ Duy Sơn Tuyền và An Thiện Minh.
Bộ sách “Có một vườn thơ đạo” do Cha Trăng Thập Tự chủ biên gồm 141 tác giả, trong đó có các tác phẩm thi ca giá trị của Cố thi sĩ Công giáo Hàn Mặc Tử và 140 nhà thơ Công giáo tiếp theo. Đây là công trình sưu tập và biên khảo dài lâu với rất nhiều tâm huyết và thời gian của Ban Biên tập (11 người), nhằm tôn vinh Thiên Chúa và giới thiệu một dòng văn hóa Công giáo trong lòng dân tộc Việt Nam.
Đúng 8g30, nhà thơ Duy Sơn Tuyền thay mặt Ban Tổ chức chào mừng quý cha, quý tu sĩ, quý khách và quý tác giả hiện diện. Nhà thơ An Thiện Minh đọc chương trình buổi sinh hoạt và giới thiệu thành phần quý khách tham dự, gồm có:
- Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết, Trưởng ban Văn Hóa Tổng Giáo phận Sài Gòn.
- Linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc, Trưởng ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn Tổng Giáo phận Sài Gòn.
- Linh mục Giuse Hoàng Đình Thành, Giáo sư Đại chủng viện Thánh Giuse.
- Nữ Tu Maria Mai Thành, Dòng Đức Bà, Thành viên Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn Tổng Giáo phận Sài Gòn.
- Anh Giuse Bùi Văn Hóa, Phó ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn Tổng Giáo phận Sài Gòn
- Quý tác giả “Có một vườn thơ đạo”.
- Bác Hương Quê, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Sài Gòn.
- Anh Hoàng Lê Anh Tuấn, đại diện Nhà sách Hoàng Mai.
- Các thành viên Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Sài Gòn.
- Các thành viên Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn và các dự thính viên.
- Quý thân hữu của quý tác giả.
- Và cộng đoàn gần 50 người.
Cha Bảo Lộc khai mạc, mời gọi quý cha, quý tu sĩ và cộng đoàn cất cao bài hát xin ơn Chúa Thánh Thần. Tiếp đó, cha kêu gọi các tác giả và những người cầm bút hãy đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa qua việc sáng tác và tham dự các hoạt động của Ban Văn Hóa và Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn, Tổng Giáo phận Sài Gòn.
Sau đó, cha nhường lời giới thiệu cho Anh Giuse Bùi Văn Hóa, Phó ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn để nói lên một số nét chính của từng tập thơ và tuyển chọn một số bài thơ điển hình trong mỗi tập để đọc lên cho cộng đoàn thưởng thức, đồng thời cũng mời một vài tác giả hiện diện như nhà thơ Nguyễn Kim Lệ, nhà thơ Tu sinh Phêrô Đỗ Khắc Minh Khoa đọc, hoặc ngâm chính tác phẩm của mình.
Tiếp theo, Nhà thơ Dzuy Sơn Tuyền, thay mặt Ban Tổ chức đúc kết toàn bộ quá trình thực hiện “Có một vườn thơ đạo”. Sau hơn 20 năm sưu tập và biên khảo với 3 ấn bản đã ra đời và nay giới thiệu cho công chúng một ấn bản tương đối đầy đủ mang tính lịch sử của dòng văn học Công giáo, bao gồm 141 tác giả, lấy cột mốc từ năm 1912, năm sinh Hàn Mặc Tử.
Tổng Giáo phận Sài Gòn được hữu duyên góp mặt 27 tác giả trong ấn bản “Có một vườn thơ đạo”, bao gồm:
- Tập 2 – Như Song Lộc Triều Nguyên: 01 tác giả
- Tập 3 – Ơn Phước Cả : 15 tác giả
- Tập 4 – Thần Nhạc Sáng Hơn Trăng : 11 tác giả
Đại diện quý tác giả là Nhà thơ Hai Tê Miệt Vườn đã chia sẻ tâm tình cảm ơn và những trải nghiệm trong sáng tác cũng như sứ mệnh còn phải thực hiện trong việc diễn giải Lời Chúa qua thơ văn để mọi người dễ cảm nhận giáo lý đức tin.
Tiếp đến là phần giới thiệu và chia sẻ tâm tình của quý tác giả hiện diện, với đầy những trăn trở, khắc khoải, với những giọt nước mắt thổn thức đầy cảm xúc, với những lời thơ tự sự trong Thiên Chúa cả tâm can… nhưng đâu đó cũng đầy ắp những tâm tình ngợi khen, ca tụng với những niềm vui “vỡ òa” khi cảm nhận được Đức tin, với những rung nhịp trong “cái chạm” đến Tình Yêu Vĩnh Cửu…
Cha Giuse Nguyễn Hữu Triết, Trưởng ban Văn Hóa Tổng Giáo phận Sài Gòn ngỏ lời cám ơn Cha Trăng Thập Tự, Cha Bảo Lộc, Ban Tổ chức và quý tác giả. Cha rất tâm đắc cuộc họp mặt giao lưu này và mong mọi người sáng tác nhiều hơn để đóng góp vào hoạt động mục vụ văn hóa cho Tổng Giáo phận. Cha đề nghị quý tác giả hãy gởi cho cha các tác phẩm mới để lưu trữ, trưng bày và công bố rộng rãi cho thành phần dân Chúa và mọi người. Cha cũng mời cộng đoàn sau giờ sinh hoạt tham quan Phòng Truyền Thống của Tổng Giáo phận Sài Gòn trong khuôn viên của Trung tâm Mục vụ. Cha cũng gởi tặng mọi người những tài liệu và thông điệp của Ban Văn Hóa Tổng Giáo phận Sài Gòn.
Tiếp đó, Bác Chủ nhiệm Hương Quê đã đại diện lên chúc mừng, cùng giới thiệu các sinh hoạt của Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Sàigòn, và nhân dịp được hạnh ngộ quý thi hữu xa gần, chia sẻ, nối kết với nhau trong tình yêu Thiên Chúa cũng như thắt chặt tình thân hữu của những người cầm bút. Bác Hương Quê đã kính mời quý tác giả hãy cộng tác và tham gia các sinh hoạt của Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Sài Gòn qua trang mạng bằng email tập thể:
dongxanhthosaigon2010@googlegroups.com.
Phần cuối chương trình đã được Cha Bảo Lộc đúc kết và đề nghị quý tác giả tham dự chương trình kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mặc Tử, tổ chức vào ngày 21-22/09/2012, tại Quy Nhơn; đồng thời, mời quý tác giả và Đồng Xanh Thơ Sài Gòn họp mặt trong chương trình Hội Ngộ Liên Tôn: “Cùng Nhau Vượt Qua Khổ Đau” được tổ chức vào ngày 27/10/2012, tại Trung tâm Mục vụ, Tổng Giáo phận Sài Gòn. Cha Bảo Lộc cũng gởi tặng các tài liệu chuyên đề của Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn cho tất cả những người tham dự.
Vì thời gian chia sẻ dài hơn dự kiến và cũng đã quá trưa, nên việc trao sách và chụp hình riêng của quý tác giả không thực hiện được. Thay vào đó, cộng đoàn chụp hình chung với nhau và đi tham quan Phòng Truyền Thống của Tổng Giáo phận Sài Gòn.
Cuộc tham quan kéo dài đến hơn 12g trưa, dưới sự hướng dẫn của Cha Giuse Trưởng ban Văn Hóa, ngài đã giới thiệu cho nhiều người chưa có dịp đến tìm hiểu và lần đầu tiên được nhìn ngắm nhiều công trình tuyệt tác về mỹ thuật và văn hóa Công giáo Việt Nam, về những khó khăn, tìm tòi trong việc sưu tầm, lưu trữ và nghiên cứu mang tính lịch sử và hệ thống văn hóa Công giáo Việt Nam.
Cộng đoàn cám ơn Cha Giuse và tập trung về phía hội trường để đón nhận những tập sách được in ấn trang trọng và gói ghém nhiều công sức, thời gian của Cha Trăng Thập Tự, Ban Biên tập và của 141 tác giả đã đóng góp bài vở, nhất là những tuyệt tác của nhà thơ khổ hạnh mang thương tật thể xác đau đớn, mối tình tuyệt vọng, nhưng đã biết chấp nhận hy sinh để dâng hiến, và thăng hoa thành của lễ thánh thiêng trước ngai tòa Thiên Chúa và là ngọn đèn văn hóa thi ca Công giáo xán lạn tỏa lan trong thi giới và thi đàn Việt Nam.
Rất hy vọng nhiều nơi khác, công tác giao lưu, giới thiệu cũng sẽ được thực hiện cách đặc biệt và sâu rộng đến các thành phần dân Chúa, nhất là các giáo xứ, giáo điểm truyền giáo để sứ vụ loan báo Tin Mừng được triển nở, hầu văn hóa, thi ca Công giáo dễ bề phát triển, góp phần phục vụ việc rao truyền Lời Chúa.
Xin chân thành cám ơn Cha Trăng Thập Tự, Cha Bảo Lộc và Ban Tổ chức đã tạo điều kiện để anh chị em Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Sài Gòn có sự hiện diện chia sẻ và được giới thiệu với cộng đoàn cũng như được vinh dự có những thi hữu nằm trong danh sách 140 nhà thơ Công giáo sau Hàn Mặc Tử.
“Cuộc điện đàm khuếch âm” của Cha Trăng Thập Tự và cuộc giao lưu chia sẻ của quý tác giả “Có một vườn thơ đạo” tại Trung tâm Mục vụ, Tổng Giáo phận Sài Gòn đã đánh dấu một sự kiện tốt lành và là một tín hiệu tươi sáng cho thi ca Công giáo Việt Nam. Hơn thế, sự kiện này còn là một hồi chuông rung vang để đánh thức nhiều tâm hồn yêu mến thi ca Công giáo, và cũng để cảm tạ hồng ân Thiên Chúa vì một khởi sự thật tốt đẹp.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm