Cuối năm tính sổ...
Người bạn lần giở tờ lịch thông báo: “3 ngày nữa là tết.” Mọi người giật mình: “Ủa, chỉ còn 3 ngày nữa thôi sao? Nhanh quá! Vừa mới đốt tết ngày nào mà năm mới đã đến nơi rồi. Trời ơi, sao thời gian trôi đi nhanh thế!”
Khi viết những dòng này, tôi nhớ lại giây phút Giáo Hội Công Giáo khai mạc Năm Thánh. Cách riêng, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, người Công giáo Việt Nam đã nhìn nhận quá khứ và hiện tại về những đóng góp cũng như những thiếu sót của mình đối với dân tộc và quê hương đất nước, đối với Chúa và anh chị em của mình. Thế nên, trong nghi thức Giáo Hội tuyên nhận: “Giáo Hội chúng con xin chân thành thú tội. Giáo Hội chúng con xin cúi đầu tạ tội…!” Chúng ta, những chi thể của Hội Thánh cũng không nằm ngoài mục đích ấy.
Những ngày cuối năm thường là dịp để người ta quyết toán sổ sách chi thu, nhìn lại một năm qua và đưa ra phương sách cho năm tới. Công ty làm ăn lời hay lỗ? Vốn điều lệ, phí vận chuyển, nhân công, dây chuyền sản xuất, chất lượng sản phẩm cần điều chỉnh, tỉ lệ cung cầu có cân bằng? Chắc chắn, nhà kinh doanh phải ngồi lại làm bài toán nan giải trong nền kinh tế thị trường đầy biến động và khó khăn để tìm ra lời giải thoả đáng, đồng thời giúp công ty đứng vững và phát triển mạnh.
Như nhà kinh doanh tính sổ cuối năm, tôi cũng tính sổ đời tôi để khỏi thua lỗ trước mặt Chúa và anh chị em mình. Tôi sống như thế nào với Chúa? Tương quan của tôi đối với tha nhân? Tôi đã thu tích được gì? Tiến hay lùi về mặt tri thức cũng như đạo đức? Tôi đã dùng thời giờ, ân sủng, tài năng, tiền bạc, vật chất mà Chúa tặng ban như thế nào?
Dừng lại một vài giây phút để kiểm điểm đời mình, quả thực, số vốn mà tôi lãnh nhận rất lớn, nhưng lắm khi lại sử dụng không đúng, chưa phát huy được vốn lẫn lời và thậm chí còn đem chôn giấu những nén bạc mà Ông Chủ trao ban. Trầm lắng mà suy xét thì đời mình sống vô ơn và bất xứng nhiều quá…
Sự đời là thế, chẳng ai mà không biết, nếu chỉ để viết ra thì vài cái tết cũng chẳng hết. Điều quan trọng là tôi đã lãnh nhận và trao ban như thế nào? Tôi có thực sự muốn mình là người thợ tín trung của Ông Chủ? Nhìn lại một năm là điều cần thiết nếu tôi muốn khởi sự một năm mới tốt đẹp.
Trước hết, tôi nghĩ ngay đến Chúa. Tôi phải cảm tạ ơn Chúa ngàn lần không đủ, nếu Chúa đòi sự công chính và tốt lành nơi tôi, chắc tôi đã chết lâu rồi, nhưng quả thật, Ngài độ lượng khoan hồng và rất mực từ tâm, vẫn cứ kiên nhẫn đợi chờ, kể cả lúc tôi ngoảnh mặt làm ngơ, quay lưng bội phản. Tôi không chỉ là tên đầy tớ vô dụng chôn giấu nén bạc, mà còn là người đầy tớ chỉ làm có một giờ mà được hưởng trọn cả ngày lương. Vậy mà sao tôi thờ ơ lãnh đạm với ơn Chúa và tình thương của Ngài đến thế! Chạy đến với Ngài chỉ biết van lơn xin xỏ; còn những lúc bình an, hạnh phúc thì chẳng biết đến để tạ ơn Ngài. Trong kinh nguyện, thánh lễ, tôi đến với Ngài như một công thức, một bổn phận, mà trái lại, thiếu lòng mến, thiếu tình yêu. Ngồi trong nhà nguyện đấy, tham dự thánh lễ đấy, đi lễ thờ đấy, nhưng nhiều khi cũng chỉ là cỗ máy không hồn. Lắm lúc đến nhà nguyện chỉ vì bề trên, chỉ vì người hàng xóm, nếu không năng nguyện gẫm, kinh hạt, thờ lễ thì anh em cho mình là khô khan nguội lạnh. Tôi cũng khéo đeo mặt nạ ra như vẻ là kẻ ngoan đạo. Thực sự thì tôi chưa có được tâm tình của người con biết sống tình thảo hiếu và lòng yêu mến chân thành xuất phát từ trái tim yêu thương. Tôi cứ sống ì ra như đời thừa để đời trôi qua vô vị. Vậy mà tại sao tôi có thể ung dung tự tại sống cho một cuộc đời vô nghĩa với hàng ngàn lý do biện bạch, chống đỡ, phân bua? Chắc Chúa buồn lắm và Ngài chẳng hài lòng với tôi đâu. Đây cũng chính là dịp để tôi hồi tâm, suy xét quá khứ, hiện tại và cũng là để chuẩn bị cho một chuyến đi tốt đẹp trong tương lại.
Đối với tha nhân thì sao? Tôi còn tính toán chuyện hơn thiệt, lẩn tránh công việc, trách nhiệm mà lẽ ra tôi phải làm cho anh em. Trong giao tiếp, tôi dè dặt với anh em trong lời nói, đến cả ánh mắt, nụ cười lắm khi cũng không muốn cho đi. Đã vậy, tôi còn mang trong mình thái độ kèn cựa, chê trách người này, lên án kẻ kia, mà tôi không biết được rằng, từ những ý nghĩ xấu về người anh em, sẽ làm tôi xa cách họ. Khi tôi xây bức tường ngăn cách người khác, thì đồng thời nó cũng ngăn cách chính tôi. Tôi cứ cho cái toà lâu đài đời mình là nguy nga, vững chắc, mà không biết được rằng, với thời gian nó đã bị nhiễm uế, hoen ố, mối mọt đục khoét, những chỗ rạn nứt đã bị rò rỉ, sắp đến ngày sụp đổ tan tành. Nếu đời tôi muốn khởi sự một hành trình tốt đẹp, chắc chắn tôi phải hàn gắn lại vết nứt của thời gian, tu sửa tòa nhà tâm hồn như lời Thánh Gioan Tẩy Giả kêu mời: “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy mọi núi đồi, hãy bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lỗi lõm, hãy san cho phẳng” (Lc 3, 5).
Con tàu nhiều tháng đi trên mặt biển cần được đưa vào để kiểm tra lại máy móc, sơn phết lại những chỗ trầy xước, hàn gắn lại những chỗ nứt rỉ, đục bỏ những con hà bám dưới đáy tàu. Tất cả chỉ nhằm mục đích an toàn cho những cuộc hành trình sắp tới. Đời tôi cũng giống như vậy. Mối mọt của thời gian, những va chạm và hạt bụi cuộc sống có thể để lại những vết nhơ, rạn nứt, xấu xí trong tâm hồn; những mặc cảm tự ti, tự tôn; những nghi kỵ, giận hờn, ghen ghét; những yếu đuối, thiếu sót và chểnh mảng trong cuộc sống. Muốn bước vào năm mới an toàn và thành công hơn, tôi cần phải xem xét và sửa chữa con tàu đời mình.
Một công ty bao giờ cũng phải lập kế hoạch với những chỉ tiêu rõ rệt, con số cụ thể, để xem mình sản xuất mặt hàng gì, nhu cầu thị trường ra sao. Để sản xuất và mang lại lợi nhuận, cần mua mặt hàng nào, cần có bao nhiêu nhân công. Có xác định rõ ràng, xí nghiệp mới hy vọng hoàn thành kế hoạch. Cuộc sống tôi cũng không ngoài ý đó, cần phải lập kế hoạch, chương trình đời mình trong năm sống mới, với những chỉ tiêu cụ thể trong công việc mỗi ngày, mỗi tuần hay từng tháng, từng năm…
Không có kế hoạch chương trình sống, tôi sẽ trôi nổi như con tàu không định hướng, sẽ thua lỗ như công ty làm ăn tuỳ tiện. Trái lại, có la bàn định hướng, có bến đỗ thả neo, đời tôi sẽ an vui tiến bước, dẫu bão tố cuồng phong vẫn cứ băng mình đi tới vì biết bên kia là bờ, để mong sao hành trang kiến thức, tài năng, đức độ được trau dồi, sinh lợi những nén bạc Chúa trao ban, mặc dù tôi cũng chỉ sống mỗi ngày 24 giờ như mọi người.
Trong thực tế, rất nhiều khi tôi tính một đằng, nhưng nó lại hoá ra một nẻo. Tôi sẽ không chú ý quá nhiều đến số lần mình đạt được hay số việc làm đã thành công để tổng kết như người quản lý thế trần. Nhưng dù số lần ít hay nhiều, công việc thành hay bại, tốt hay xấu, tôi vẫn cứ yên lòng vì tất cả đã được thực hiện và đón nhận với cả tấm lòng.
Khi tính sổ, ông chủ thấy mình lời nhiều. Tôi cũng vậy, tôi đón nhận nhiều, nhưng trao ban chẳng là bao. Xét về cá nhân ích kỷ, tôi lời thật, nhưng trước mặt Chúa tôi thua lỗ. Chúa ban cho tôi những nén bạc không phải để tôi cất giữ, chôn giấu, mà sinh lời. Ngài mời gọi tôi hãy trao ban cách nhưng không, đừng giữ lại, đừng tiếc nuối. “Đón nhận nhưng không, thì hãy cho đi nhưng không.” (Mt 10, 8b). Tình yêu và lòng mến là thế.
Tình yêu mến cộng với lòng đam mê thực sự là chiếc chìa khoá mở lối an toàn nhất cho những ai muốn tìm đến sự thành công trong cuộc đời. Cùng một công việc được giao cho hai người, một người không thích và một người yêu thích, chắc chắn kết quả sẽ khác nhau. Một khi đã yêu thích thì không gì có thể ngăn cản bạn và tôi, như lời thánh Phaolô nói: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14).
Để kết luận, xin thưa, sẽ không có. Người viết chỉ mạo muội viết lên đôi dòng suy nghĩ để gởi trao những người bạn đồng hành thân thương trong năm mới này như để nhắc nhở lòng mình vậy: “Con xin chân thành thú tội! Con xin cúi đầu tạ tội!”, và cũng như một lời tâm sự, sẻ chia chân tình: hãy mở rộng trái tim mình và hãy yêu thương trong từng giây phút hiện tại, trong từng công việc cụ thể mỗi ngày. Bài học tình yêu không bao giờ có kết luận, không bao giờ có cùng tận, bởi “Biên giới của tình yêu là tình yêu không biên giới”.
Trong tâm tình đón chờ mùa Xuân đang tới, xin kính chúc mọi người một mùa Xuân mới: mùa Xuân của lòng mến, của tình yêu, niềm vui và hạnh phúc. Mùa Xuân của sám hối và biến đổi. Mùa Xuân của ân sủng, của tình người. Mùa Xuân của Chúa - Xuân - Giêsu.
bài liên quan mới nhất
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Quà Tết cho người vô gia cư -
Noel ấm áp tình người -
Đồng hương Thái Bình miền Nam: Họp mặt Tân niên -
Đồng hương Đàn Giản: mừng Xuân đoàn viên -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Thông điệp của mùa xuân -
Giờ kinh Giao Thừa -
Trăng Rằm miền biên giới -
Vầng Trăng Yêu Thương
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Quà Tết cho người vô gia cư -
Thông điệp của mùa xuân -
Sống tâm tình tạ ơn trong ba ngày Tết -
Tây Tạng: Tết Losar của lòng hiếu khách và từ tâm -
Giờ kinh Giao Thừa -
Năm Thìn, tản mạn chuyện Rồng -
Tất niên và tân niên -
Trăng vàng mùa thu