Đại hội Dân Chúa 2010 tại Việt Nam
WĐHDC: Đại hội Dân Chúa 2010 tại Việt Nam đã kết thúc. Chúng tôi xin giới thiệu một bài viết tổng hợp về diễn tiến Đại hội do một đại biểu viết, nhằm giúp cho những ai không tham dự có một cái nhìn tổng quan nhanh gọn về biến cố quan trọng này.
ĐẠI HỘI DÂN CHÚA 2010 TẠI VIỆT NAM
Hiệp nhất trong yêu thương và phục vụ
Đại hội Dân Chúa 2010 tại Việt Nam khai mạc từ chiều Chúa nhật 21/11/2010 và kết thúc vào tối thứ năm 25/11/2010. Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, các thành phần Dân Chúa khắp cả nước về tham dự, góp ý xây dựng ngôi nhà Giáo hội tại quê hương.
Đến dự đại hội, có 301 vị gồm 32 giám mục và các đại biểu linh mục, tu sĩ, giáo dân thuộc 26 giáo phận và các dòng tu trên cả nước. Ngoài ra, còn có các đại diện đến từ Giáo hội Canada, Malaysia, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Thái Lan và đại diện các cộng đoàn công giáo Việt Nam hải ngoại.
Chương trình tổng quát
Ngày đầu tiên, Đại hội đón tiếp các đại biểu và sau đó là Thánh lễ Khai mạc Đại hội Dân Chúa cử hành tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn vào lúc 17g15 Chúa Nhật 21/11/2010, lễ Chúa Kitô - Vua Vũ Trụ (x. Nhật ký 01).
Ba ngày làm việc tiếp theo do 3 giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn lần lượt phụ trách các chủ đề: Giáo hội Chúa Kitô giữa lòng quê hương Việt Nam, Giáo hội như dấu chỉ và khí cụ hiệp thông, Giáo hội Việt Nam và sứ vụ loan báo Tin Mừng (x. Nhật ký 02, 03, 04, 05, 06, 07).
Sáng ngày 25/11/2010, Đại hội đúc kết các tham luận và thảo luận; các đại biểu góp ý cho Sứ điệp của Đại hội Dân Chúa đồng thời chia sẻ cảm nhận về những ngày sống trong Đại hội (x. Nhật ký 08); các khách mời phát biểu ý kiến cùng cảm nhận của mình (x. Nhật ký 09). Thánh lễ bế mạc cử hành vào lúc 15g30 (x. Nhật ký 10), và tối ngày 25/11: kết thúc Đại hội với việc công bố Sứ điệp Đại hội gửi cộng đồng Dân Chúa trong Lễ hội “Đêm Hạnh Ngộ” (x. Nhật ký 11).
Địa điểm & công việc từng ngày
Nơi lưu trú và sinh hoạt của đại biểu được tổ chức cùng lúc tại 3 địa điểm liền kề: Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh, Đại Chủng Viện Thánh Giuse và Nữ Tu Viện Thánh Phaolô thành Chartres.
Một ngày làm việc của Đại hội bắt đầu từ 7 giờ 30 sáng tại Hội trường Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, thuộc Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận. Sau khi đọc Phụng vụ Giờ Kinh Sáng, buổi làm việc bắt đầu bằng phần trình bày tham luận của 3 giám mục trong cùng một giáo tỉnh và các đại biểu linh mục, tu sĩ, giáo dân từ những giáo phận khác nhau. Khi còn giờ, các đại biểu góp ý thêm cho những tham luận này.
. Buổi chiều, sau khi đọc Phụng vụ Giờ Kinh Chiều vào lúc 14g30, Đại hội chia thành 16 nhóm thảo luận các câu hỏi được đặt ra theo từng chủ đề. Kết thúc buổi làm việc nhóm, trong hai ngày đầu, đại diện từng 4 nhóm một (gọi là 4 liên nhóm) trình bày đúc kết buổi hội thảo trước toàn đại hội; và ngày cuối cùng, tất cả 16 đại diện của 16 nhóm trình bày đúc kết thảo luận của nhóm mình.
Trong suốt thời gian Đại hội diễn ra, ngoài chương trình tham luận, thảo luận và làm việc nhóm, đều có thánh lễ hằng ngày, và có chầu Thánh Thể chung vào tối 23/11. Ngoài ra, còn có các sinh hoạt văn hóa, giao lưu như triển lãm tranh ảnh tượng Công giáo (tối 22/11), lễ hội ẩm thực 3 miền (tối 24/11) và lễ hội Đêm Hạnh Ngộ vào đêm kết thúc đại hội với sự tham dự đông đảo của hơn 10 ngàn giáo dân và đại diện khách mời tôn giáo, chính phủ...
Giáo hội Chúa Kitô giữa lòng quê hương Việt Nam
Ngày làm việc đầu tiên do giáo tỉnh Hà Nội phụ trách; chủ đề: Giáo hội Chúa Kitô giữa lòng quê hương Việt Nam.
Các Giám mục thuộc giáo phận Phát Diệm, Vinh và Bắc Ninh trình bày tham luận xoay quanh chủ đề Mầu nhiệm Giáo hội.
Sau 3 bài tham luận: "Chiều kích mầu nhiệm của Giáo hội" của Đức cha Giuse Nguyễn Năng, "Mầu nhiệm Giáo Hội" của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp và "Sống mầu nhiệm Giáo Hội trên quê hương" của Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, 10 tham luận khác được trình bày từ các đại biểu linh mục, tu sĩ, giáo dân thuộc giáo phận Phan Thiết, Xuân Lộc, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Đà Lạt, Bà Rịa, Hưng Hóa…
Đại hội xác tín Giáo hội tại Việt Nam không phát xuất từ sáng kiến và nỗ lực của con người nhưng hoàn toàn phát xuất từ Thiên Chúa. Đồng thời, các đại biểu cũng nhìn nhận rằng xã hội Việt Nam hôm nay đang trên đà tục hoá, dửng dưng với tôn giáo và các giá trị đạo đức.
Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, Giáo hội cần luôn củng cố, canh tân, đào sâu mối hiệp thông của mỗi người tín hữu cũng như của mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể.
Giáo hội như dấu chỉ và khí cụ hiệp thông
Bước sang ngày làm việc thứ hai, giáo tỉnh Sài Gòn phụ trách; chủ đề: Giáo hội như dấu chỉ và khí cụ hiệp thông.
Chủ đề này được triển khai qua 3 bài tham luận: “Giáo hội hiệp thông theo mô hình hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa” của Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, giáo phận Mỹ Tho; “Hiệp thông trong Hội thánh địa phương” của Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu, giáo phận Long Xuyên, và “Đối thoại - nhịp cầu nối kết các tôn giáo” của Đức cha phụ tá Tôma Vũ Đình Hiệu, giáo phận Xuân Lộc.
Tiếp theo là 10 tham luận khác đến từ giáo phận Lạng Sơn, Nha Trang, Phú Cường, Cần Thơ, Buôn Mê Thuột, tổng giáo phận Tp.HCM… bao gồm các đề tài liên quan đến việc đào tạo linh mục, đào tạo giáo dân, dạy giáo lý, vai trò phụ nữ, chia sẻ nhân sự…
Đại hội còn được lắng nghe tham luận của linh mục Giuse Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch Liên đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ với những đề nghị thiết thực về hiệp thông theo tinh thần nối kết trong nước với các quốc gia khác, trao đổi nhân sự và hoạt động mục vụ.
Đại hội cũng nhắc lại lời kêu gọi Thư chung 1980 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo, không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là một đòi hỏi của Phúc âm”; và lời cầu nguyện khẩn thiết của Chúa Giêsu: ”Xin cho họ nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong Chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21).
Giáo hội Việt Nam và sứ vụ loan báo Tin Mừng
Ngày làm việc thứ ba do giáo tỉnh Huế phụ trách; chủ đề: Giáo hội Việt Nam và sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Cũng như 2 ngày làm việc trên, ngày làm việc thứ 3 bắt đầu bằng tham luận “Giáo Hội Việt Nam và sứ vụ loan báo Tin Mừng” của Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giáo phận Ban Mê Thuột; “Rao giảng Tin Mừng trong nền văn hoá dân tộc Việt Nam” của Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Giáo phận Quy Nhơn; và “Nước Trời như tấm lưới” của Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, giáo phận Đà Nẵng.
10 bài tham luận khác đến từ giáo phận Phan Thiết, Kontum, tổng giáo phận Huế, đại diện các dòng tu, ủy ban và các giới…
Đại hội lưu ý mối quan hệ giữa người loan báo và sứ điệp Tin Mừng, và định hướng để cụ thể hóa việc yêu thương phục vụ trong tương lai, qua việc quan tâm hơn nữa đến việc phục vụ sự sống và sự phát triển con người toàn diện. Người công giáo Việt nam cần ý thức mình có sứ mạng kiến tạo văn hóa sự sống và văn minh tình thương.
Các đại biểu khiêm tốn nhìn nhận những thiếu sót của mình khi chưa sống đúng sứ mạng cao cả đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu: “Anh em phải là muối cho đời, ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,13.14).
Tâm tình & Bối cảnh
Nhiều tháng trước Đại hội, Tài liệu làm việc của Đại hội Dân Chúa đã được phát hành. Tài liệu làm việc này đúc kết từ đề cương “Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu Nhiệm – Hiệp Thông – Sứ Vụ”, cùng với những suy tư góp ý từ nhiều nơi gởi về cũng như các tài liệu Huấn quyền Giáo Hội.
Chính trong những ngày Đại hội, các đại biểu linh mục, tu sĩ, giáo dân cùng với 32 giám mục Việt Nam đã sống và cảm nghiệm rõ nét các chiều kích đó, quyết tâm triển khai tinh thần đại hội vào đời sống giáo hội địa phương.
Đại hội do Hội đồng Giám mục Việt Nam triệu tập là cao điểm của chương trình hoạt động trong Năm Thánh 2010, kỷ niệm 350 năm thiết lập hai địa phận đại diện tông tòa đầu tiên và 50 năm thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam. Năm thánh 2010 tại Việt Nam khai mạc vào 24/11/2009 tại giáo xứ Sở Kiện, Tổng giáo phận Hà Nội.
Đại hội Dân Chúa kết thúc, mở ra một chân trời mới cho toàn thể Dân thánh những định hướng tiến bước trên hành trình đức tin trong thời gian tới. Các đại biểu tạ ơn Thiên Chúa và hướng về La Vang nơi tổ chức sự kiện bế mạc Năm Thánh kết hợp đại hội hành hương La Vang lần thứ 29 sẽ được tổ chức từ ngày 4 – 6/1/2011.
Hiện tại, website daihoidanchua.net vẫn tiếp tục cập nhật thông tin và đón nhận các ý kiến đóng góp khác. Tất cả ý kiến trước, trong và sau đại hội sẽ được Ban Thư ký tổng hợp và đề xuất lên Hội đồng Giám mục Việt Nam để làm thành Văn kiện Hậu Đại hội.
Giuse Hoàng Văn Hòa
Đại biểu giáo dân
Tổng Giáo phận Tp.HCM
(tổng hợp từ các nguồn tin về Đại hội)
bài liên quan mới nhất
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam -
Giới thiệu “Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010” -
Lời Chủ Chăn tháng 04.2011 -
Cơn mưa và Tiếng trống -
Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Tạ ơn Mẹ La Vang -
Lế Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Niềm vui và lòng tri ân của đoàn con
bài liên quan đọc nhiều
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Sứ Vụ - Missio -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1(1): Giáo Hội là Dân Thiên Chúa -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 2: Giáo Hội là một thực tại Hữu Hình -
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1 (3) Giáo Hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam -
Một phút trải lòng