Dấu ấn Tình yêu
WGPSG -- Kết thúc Tam Nhật Vượt Qua, chúng ta long trọng cử hành Thánh lễ Vọng Phục Sinh mừng Đức Kitô sống lại hiển vinh.
Đêm Vọng Phục Sinh, cả nhà thờ lung linh ánh nến. Từ cây nến mẹ - tượng trưng cho Chúa Kitô Phục Sinh - đã thắp sáng các cây nến nhỏ trên tay mọi người. Lửa Phục Sinh bừng cháy lên, sáng rực nhà thờ, rạng rỡ từng khuôn mặt, ấm áp mọi tâm hồn. Cử chỉ chuyền lửa Phục Sinh, thắp sáng cho nhau, là một hình ảnh tuyệt đẹp. Đây là đêm rất đẹp trong ánh sáng chứa chan tình Chúa, tình người. Với nghi thức làm phép lửa mới vừa cử hành, với nến Phục Sinh mà mọi người rước vào nhà thờ, làm cho chúng ta xác tín sâu xa rằng: Đức Giêsu Kitô là ánh sáng trong đêm tối, là nguồn ân sủng và là sự sống của chúng ta. Ánh sáng Phục Sinh đã bừng sáng trong đêm tối tội lỗi của hai ngàn năm trước, vẫn đang chiếu rọi cho chúng ta trong đêm nay, đó chính là Đức Kitô, Chúa chúng ta. Hôm qua, chúng ta than khóc vì tội lỗi của mỗi người nên Chúa đã phải chết; hôm nay, chúng ta vui mừng vì Ngài đã sống lại, đó là niềm hy vọng duy nhất cho chúng ta, là những người đang đi trong đêm tối của tội lỗi trần gian.
Khiêm tốn chính là ánh sáng và là hành vi nổi bật nhất, mà chính Đức Kitô đã dùng để cứu chuộc nhân loại đã sa ngã vì tội kiêu ngạo; nó cũng là ánh sáng của chúng ta chiếu rọi qua người khác khi chúng ta khiêm tốn phục vụ tha nhân trong tinh thần yêu thương. Thánh giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô, ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện, không bị xóa nhòa. Thánh giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.
Chúa Giêsu đã sống lại như lời Ngài đã nói trước, đó là sự thật, Ngài đã sống lại sau khi bị đóng đinh vào thập giá, chết và táng xác trong mộ đá, đó là tất cả niềm tin của chúng ta. Ngài đã sống lại, như lời Thánh Phaolô quả quyết: “Nếu Đức Kitô chết đi mà không sống lại, thì chúng ta, những kẻ tin, là những người vô phúc nhất”.
Chúa Giêsu là hạt giống Nước Trời được gieo vào thế gian vừa có đủ sự chết nên Ngài đã chết, vừa có đủ sự sống nên Ngài đã sống lại. Sự sống lại này là một bằng chứng hùng hồn nhất: Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa, là Đấng Cứu chuộc trần gian. Ngài đã sống lại và đang ở trong mỗi người chúng ta, để làm cho chúng ta, nhờ bí tích Thanh Tẩy và Hòa Giải, cũng được sống lại với Ngài trong từng giây phút của cuộc đời mình.
Mỗi giây phút trong cuộc đời của chúng ta đều có sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu: khi chúng ta hy sinh, chúng ta hãm mình, là chúng ta chết cho tội và sống trong ân sủng của Thiên Chúa; khi chúng ta nhịn nhục, khi chúng ta phục vụ là chúng ta chết cho cái tôi và sống lại trong Thần Khí của Chúa Giêsu.
Không phải chỉ ngày Lễ Phục sinh chúng ta mới “sống lại”, nhưng tình yêu của Chúa Giêsu thôi thúc chúng ta chết và sống lại mỗi ngày, bởi vì mỗi người trong chúng ta là những mảnh đất tốt để hạt giống Lời Chúa nẩy mầm, phát triển và ảnh hưởng đến môi trường chung quanh chúng ta.
Người ta sẽ không biết Chúa Giêsu chết như thế nào và đã sống lại ra sao nếu mỗi người Kitô hữu chúng ta không đem đời sống của mình ra để làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh, mà chứng cớ sống động nhất chính là chúng ta sống như Chúa Giêsu đã sống, đó là: yêu thương, phục vụ và tha thứ cho nhau.
Tội lỗi chúng ta thật nhiều, nhưng chúng ta tin tưởng Chúa cứu độ chúng ta và không bỏ rơi chúng ta, như đã không bỏ Phêrô khi ngài chối Chúa ba lần. Chúa chỉ bỏ chúng ta khi chúng ta có thái độ như Giuđa Iscariốt.
Lễ Vọng Phục Sinh, chúng ta được mời gọi nhìn vào “ngôi mộ trống” của Chúa để nghe tiếng nói âm thầm của Ngài: “Hạt giống rơi xuống đất có mục nát đi mới trổ sinh được nhiều bông hạt“. Ngôi mộ của Chúa vẫn nằm đó, xin cho mỗi Kitô hữu chúng ta biết chôn vùi tội lỗi của mình, để cùng Chúa chúng ta được phục sinh vinh hiển với Ngài. Xin cho ánh sáng Phục Sinh bừng cháy lên, để ngôi mộ chỉ còn là “ngôi mộ trống”, vì Chúa chúng ta đã sống lại vinh thắng khải hoàn, và xin cho chúng ta cũng được sống lại với Ngài trong đời sống mới.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm