“Đấu trường Sinh Tử” và “Ngày Mai”
Những bộ phim Dystopia và Utopia
Bộ phim “Đấu trường Sinh Tử” tập I (Hunger Games), với những cảnh dã man rùng rợn, đã tạo ra một “cơn sốt” tại các phòng chiếu Bắc Mỹ, đạt doanh thu hơn 2,3 tỷ USD!
Phim có nội dung tàn nhẫn khủng khiếp. Truyện phim - dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả Suzanne Collins - lấy bối cảnh khu vực Bắc Mỹ bị hủy hoại do thiên tai và chiến tranh. Cả vùng sau đó trở thành một đất nước Panem với 1 thủ đô và 13 huyện. Mỗi năm có 24 thanh niên của 12 huyện được lựa chọn để tham gia một “Trò chơi Sinh Tử” được tường thuật cho cả nước xem - trong đó, chỉ có một người gan dạ và mưu trí nhất mới có thể còn sống, khi đạt được chiến thắng sau cùng. Tất cả những người khác của trò chơi đều là những kẻ thất bại trước những kẻ mạnh hơn mình, đều bị đối thủ mạnh hơn giết chết cách tàn bạo, trước sự theo dõi của người dân nước Panem đang chăm chú “thưởng ngoạn” trò chơi dã man này! Đây là tác phẩm mang đậm triết lý “ai mạnh thì sống, ai yếu thì chết”!
Bộ phim này được coi là tiêu biểu cho cái nhìn Dystopia, cái nhìn xấu xa và tăm tối. Nó tạo ra cả một bầu khí sợ hãi, lo lắng, bi quan và hoảng loạn.
Có vô số những bộ phim mang cái nhìn Dystopia như thế, ví dụ bộ phim tài liệu “Food, Inc” (Công Ty Thực Phẩm), ai xem cũng phải rùng mình khi thấy cách thức các tập đoàn lớn cung cấp nguồn thức ăn cho toàn thế giới. Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm - cung cấp những cái ức gà với kích cỡ đều tăm tắp - đến từ những trang trại nuôi gà quy mô lớn - mà con gà cả đời không nhìn thấy ánh nắng mặt trời! Những trang trại nuôi bò khổng lồ - mà con bò đứng ngập chân trong phân, gần như không có khả năng di chuyển - sẽ là nguồn "thịt sạch" cho siêu thị! Bộ phim này thức tỉnh thế giới theo cách thức Dystopia, khiến khán giả khiếp sợ, lo âu.
Ngược với cách làm phim này, những bộ phim - như phim tài liệu “Ngày Mai” (Demain) - cũng muốn thức tỉnh thế giới, nhưng theo cách thức Utopia - cách thức của cái nhìn tích cực và xây dựng, mang lại cho khán giả nhiều bình an, niềm vui, và hy vọng.
Những người làm phim “Ngày Mai” bị thôi thúc phải tìm ra một ý tưởng khiến mọi người cùng phấn khởi chung tay xây dựng tương lai thay vì sợ hãi, bất lực trước biến đổi khí hậu. Họ nghĩ rằng điện ảnh ngày nay đã cung cấp quá đủ những bộ phim khiến con người lo lắng với viễn cảnh trái đất trở thành hoang mạc, con người biến thành xác sống (zombie)... Họ nghĩ rằng con người cần niềm tin, cần bắt tay vào hành động thay vì tê liệt vì sợ hãi.
Phim “Ngày Mai” đã chỉ ra: 70% nguồn thực phẩm nuôi sống nhân loại hiện nay đến từ các trang trại nhỏ trên thế giới như ở Normandie, chứ không phải các khu nông nghiệp tập trung; rất nhiều nơi trên thế giới đã từ bỏ dầu mỏ, chuyển sang dùng năng lượng mặt trời, địa nhiệt, điện gió - nguồn năng lượng sạch, sẵn có; người dân tại Đan Mạch đầu tư vào điện gió còn lãi hơn gửi tiền vào ngân hàng…
Khi được công chiếu, bộ phim “Ngày Mai” được chấm 8,2 sao (trên thang 10 sao). Đây là bộ phim tài liệu xuất sắc, truyền cảm hứng. Bộ phim đã cung cấp rất nhiều thông tin, những ví dụ tuyệt vời về các thành phố, các ngôi trường, các cá nhân có thể làm những gì cho môi trường. “Khi bộ phim kết thúc, tất cả chúng tôi đã đứng dậy vỗ tay. Đây thực sự là một bộ phim phải xem, dành cho những người muốn có một tương lai tươi đẹp cho con em của họ" - một khán giả từ Canada nhận định như thế.
Hai cách nhìn: Utopia và Dystopia
Utopia là phiên âm tiếng Anh của từ οὐτόπος (ou-topos) trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là "nơi không tưởng", lần đầu được sử dụng bởi Thomas More trong tác phẩm cùng tên xuất bản năm 1516. Ban đầu Utopia chỉ có nghĩa là “nơi không tưởng”, nhưng về sau, âm ou- (“không”) bị lẫn với âm eu- (“tốt đẹp”), và Utopia trở thành “nơi hoàn hảo”, mang nghĩa tích cực, nằm trong cái nhìn tích cực của những con người lạc quan, luôn có niềm hy vọng để phấn khởi xây dựng cuộc sống.
Còn Dystopia, mang nghĩa trái ngược với Utopia. Tiền tố οὐ- (“không”) của danh từ Utopia được thay bằng tiền tố δυσ- ("xấu xa"), tạo thành danh từ Dystopia, mang nghĩa “nơi xấu xa”. Danh từ này lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1868, trong bài phát biểu của J. S. Mill trước quốc hội.
Cái nhìn mang tính tiêu cực của Dystopia quả là không hay, vì dễ làm cho con người bị tê liệt trong sợ hãi. Nhưng ngày nay, những cách kể chuyện theo chiều hướng này lại tràn ngập trên báo chí, tiểu thuyết, phim ảnh, internet, đặc biệt cả trên chính trường, khi các ứng cử viên tổng thống đưa ra những cái nhìn rất u ám về nhau và về hiện trạng đất nước, để chỉ trích nhau cách thậm tệ, tạo ra những nỗi lo âu nơi cử tri, hầu kiếm phiếu cho mình.
Phát xuất cái nhìn Dystopia, nhiều tin tức gây khủng hoảng như “đánh, cướp, hiếp, giết” liên tục được đăng trên báo chí và truyền thông, làm méo mó và ô nhiễm tâm trí con người.
Phóng viên của niềm hy vọng
Điều nghịch lý rất lớn hiện nay là: người ta bị suy sụp bởi những thông tin và hình ảnh tăm tối mang tính dystopia, nhưng lại đổ xô đi tìm đọc, tìm xem, tìm mua nó cách nồng nhiệt, đồng thời lại không thích thú mặn mà lắm với những tin tức và hình ảnh lành mạnh!
Vào năm 2016, giới truyền thông ở nhiều nơi trên thế giới đã đặt lại vấn đề và nỗ lực vận động thực hiện những đề án báo chí lành mạnh như “Constructive Journalism Project” (Đề án báo chí mang tính xây dựng và tích cực) nhằm tạo ra những phóng viên của niềm hy vọng, triển khai những phương pháp giúp các phóng viên thực hiện những bản tin phóng sự mang hướng giải quyết vấn đề xã hội cách tích cực.
Vào tháng 5-2016, đề án đó được đưa vào chương trình học của trường Báo Chí Windesheim ở Hà Lan. Giám đốc ngôi trường này phát biểu: “Nghiên cứu cho thấy niềm tin của dân chúng nơi các nhà báo đang xuống thấp. Tôi tin rằng điều này sẽ thay đổi nếu phóng viên bỏ đi thói quen chỉ tập trung vào những xung đột và khủng hoảng. Cần có nhiều bài báo giúp công chúng hướng về tương lai với những cách giải quyết tích cực.”
Vào tháng 5-2016, khi nhận giải Charlesmagne quốc tế vì đã gửi đi được những sứ điệp hữu hiệu mang đầy tính hy vọng và khích lệ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thách đố châu Âu làm mới lại giấc mơ xây dựng một tương lai tốt đẹp theo chiều hướng Utopia.
Trong một thế giới toàn cầu hoá với các mạng xã hội được phổ biến khắp nơi, mọi người đều có thể trở thành những người đưa tin cách hữu hiệu với giấc mơ được Đức Giáo hoàng nhắc đến. Mọi người đều cần biết cách kể chuyện và đưa tin như những phóng viên của niềm hy vọng. Cần phải tránh đưa tin “lá cải” chỉ để thoả mãn những thị hiếu vô bổ thấp hèn, hoặc những tin giật gân vớ vẩn chỉ để lôi cuốn sự tò mò không đáng có. Cần có tâm lý lành mạnh, biết nhìn kẻ khác như những thực thể có sức mạnh xây dựng thực sự, chứ không phải chỉ là những nạn nhân bất lực. Cần cổ võ nơi họ sự đối thoại, hợp tác và xây dựng cách hoà điệu. Cần phải cân nhắc xem điều gì quan trọng có liên quan, để tường thuật cách đúng đắn và đưa ra được những viễn tượng tốt đẹp với những giải thích lành mạnh, nhờ đó có thể mô tả thế giới cách chính xác và hướng mọi người hân hoan phấn khởi cộng tác với nhau mà xây dựng một tương lai tươi sáng cho thế giới.
Linh Hữu (x. NSTM tháng 1.2017) / Nguồn: WGPSG
bài liên quan mới nhất
- Nhân vật Giêsu trong các phim Tin Mừng
-
Thời Covid, chiêm ngắm ‘Giêsu Nadarét’ qua phim ảnh -
‘Từ Nô lệ đến Linh mục’: Sân khấu & Điện ảnh -
Video hay nhất về sự sống trong bụng mẹ -
Âm thanh và ánh sáng Kitô hữu trong đại dịch -
Phim ngắn: ‘Yên ủi kẻ âu lo’ và ‘Hiểu lầm’ -
Dựng phim theo hướng “cho kẻ đói ăn” và “yên ủi kẻ âu lo” -
Loan báo Tin Mừng: Phim không chỉ là ảo ảnh -
Bế tắc dịch bệnh trong ‘Bộ phim đời mình’ -
Chủ đề điện ảnh và nội dung Tin Mừng
bài liên quan đọc nhiều
- Sức mạnh của Điện ảnh: 10 bộ phim làm thay đổi thế giới
-
Thập niên 2010: Những bộ phim tốt nhất cho người Công Giáo xem để chiêm niệm -
Video hay nhất về sự sống trong bụng mẹ -
Nhà làm phim 20 tuổi giành giải thưởng phim dài 1 phút về hôn nhân -
Phim ngắn 2 phút mô tả sức mạnh từ gương sáng của người cha -
Xem phim thời Covid: Hòm Bia Giao Ước bị thất lạc -
Phim truyện ngắn thời Covid: Những vòng tay ấm -
Phim hoạt hình một phút nói về tình phụ tử -
Âm thanh và ánh sáng Kitô hữu trong đại dịch -
Làm phim Công giáo, truyền cảm hứng và truyền giáo