Đêm Hồng phúc

Đêm Hồng phúc

Giữa màn đêm dày đặc bao phủ không gian, một ánh sáng bừng lên, chiếu rọi nhân thế. Ánh sáng ấy là Đức Giêsu Kitô, Đấng chiến thắng sự chết, sống lại vinh quang. Ánh sáng Phục sinh đã chấm dứt chuỗi ngày buồn thương ảm đạm, khởi đầu một thời đại mới. Đức Giêsu mở tung nấm mồ, không chỉ cho riêng mình, mà cho cả nhân loại. Cùng với nấm mồ được bật mở, là cánh cửa hy vọng cho tương lai của cả kiếp nhân sinh. Bởi lẽ con người không được tạo dựng để rồi ngủ yên vĩnh viễn dưới nấm mồ, nhưng để được sống mãi mãi bên Chúa, để chia sẻ vinh quang với Ngài. Đó là ý nghĩa của Đêm Canh thức Phục sinh. Phụng vụ Kitô giáo long trọng ca lên: “Ôi đêm Hồng phúc!”.

Sách Targum là một bản dịch Kinh Thánh từ tiếng Hípri sang tiếng Aram. Bản dịch này được thực hiện sau thời lưu đày trở về (hậu bán thế kỷ 6 trước Chúa Giêsu), vì vào thời đó, phần lớn những người sinh ra và lớn lên trong thời lưu đầy không còn nói tiếng Hípri. Các dịch giả của Targum vừa dịch thuật, vừa thêm vào những chú giải phản ánh niềm tin và quan niệm của người đương thời. Khi trình bày lịch sử cứu độ, sách Targum nói đến bốn đêm đáng ghi nhớ trong lịch sử. Đây là bốn mốc thời gian quan trọng, vì chúng đánh dấu sự can thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa.

– Đêm thứ nhất: đêm của sự sáng tạo. Hành động sáng tạo của Thiên Chúa được thực hiện bằng Lời. Qua Lời của Thiên Chúa, Ngài đã gọi mọi sự từ hư vô đến hiện hữu, từ đêm đen đến áng sáng. Trước khi thực hiện công cuộc sáng tạo, thế giới là một hỗn mang, lộn xộn, tăm tối. Đêm dài của hỗn mang đã kết thúc, nhường chỗ cho một ngày mới, được ánh sáng của Chúa soi chiếu.

– Đêm thứ hai: Giao ước ký kết với Abraham: Đây là giao ước đầu tiên được ký kết giữa Thiên Chúa với con người, được thực hiện vào lúc màn đêm bao phủ (x. St 15,12-19). Abraham đại diện cho toàn thể nhân loại, cam kết với Chúa về những điều phải tuân giữ. Khi ký kết giao ước với con người, Thiên Chúa hạ mình xuống, trở thành “đối tác” ngang hàng với con người. Cũng như khi sáng tạo, dường như Thiên Chúa rút lui để nhường chỗ cho con người và mọi tạo vật hiện diện, thì khi ký kết giao ước với Abraham, Thiên Chúa trở nên “hữu hạn” ngang hàng với con người và chấp nhận thực thi những điều đã cam kết. Ngài hứa với ông Abraham, sẽ làm cho dòng dõi ông trở nên đông như sao trên trời và như cát bãi biển. Abraham đã thực hiện giao ước đã ký kết, đỉnh cao là việc sẵn sàng sát tế chính Isaac con trai mình.

– Đêm thứ ba: Cuộc xuất hành khỏi Ai Cập. Đây là một biến cố ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử Do Thái. Sự kiện này chứng minh quyền năng của Thiên Chúa. Ngài dẫn dân Ngài ra đi vào giữa đêm khuya, khi người Ai Cập còn ngủ say. Ngài uy quyền và mạnh mẽ hơn hẳn tất cả mọi thần linh của Ai Cập cũng như của các dân ngoại. Thiên Chúa đã giang cánh tay hùng mạnh cứu dân Do Thái khỏi ách nô lệ Ai Cập. Quân lực của Pharaô, uy hùng là thế, mà trở thành những xác không hồn, trôi vật vờ trên biển cả, trong khi người Do Thái được bình an vô sự, hát vang bài ca chiến thắng.

– Đêm thứ bốn: đó là ngày cánh chung hay là ngày tận thế. Thế giới này sẽ có ngày kết thúc. Ách nô lệ sẽ bị bẻ tung, quân tội lỗi sẽ bị diệt trừ. Môisen sẽ đến từ sa mạc và Đấng Mêssia sẽ đến từ trời cao đế hướng dẫn nhân loại. Đó sẽ là đêm Vượt Qua nhân danh Thiên Chúa. Đó cũng là đêm được ấn định cho mọi con cái Israen, trải qua mọi thế hệ. Vào ngày đó, Thiên Chúa sẽ can thiệp và thưởng công cho những ai trung tín với Ngài. Như ông Môisen là thủ lãnh đã đưa dân ra khỏi Ai Cập, vị Vua Thiên sai sẽ đến phá tan đêm đen, dẫn đưa nhân loại về với ánh sáng ngàn đời và về vương quốc vĩnh cửu.

Phụng vụ Kitô giáo, trong đêm canh thức trước lễ Phục Sinh cũng diễn tả giáo huấn “Bốn đêm” của sách Targum, nhưng với một nhãn quan mới. Quy định của nghi thức Đêm Vọng Phục sinh (chữ đỏ) đã nói rõ: đây là Mẹ của các đêm Canh thức, vì thế đề nghị đọc 9 bài đọc. Nếu không tiện đọc hết thì phải đọc các bài Sách Thánh sau: Trình thuật Sáng tạo (St 1,1-2,2); Trình thuật về việc Chúa thử thách Abraham khi đề nghị ông sát tế Isaac (St 22,1-18) ; Trình thuật vượt qua Biển Đỏ (Xh 14, 15-15,1); và Thư thánh Phaolô (Rm 6,3-11). Bài Tin Mừng như đỉnh cao của Đêm Canh thức, loan báo cho cả thế giới biết, Đức Giêsu đã phục sinh. Như thế, Phụng vụ vừa trung thành với truyền thống Cựu ước, vừa diễn tả cái nhìn mới mẻ qua cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. Theo nhãn quan Kitô giáo, “đêm thứ bốn” mà tác giả sách Targum trình bày chính là đêm Chúa Kitô phá cửa ngục tù của sự chết, sống lại huy hoàng, chiếu ánh sáng cho toàn thể nhân gian. Người đã khởi đầu một cuộc sáng tạo mới, khi bước ra khỏi mộ vinh quang. Bài công bố Tin Mừng Phục sinh (Exultet) đã nêu rõ: “Này là đêm, mà hết những ai có lòng tin Chúa Kitô khắp trên trần gian, được cứu thoát hết các vết nhơ và tối tăm tội khiên, được ơn thiêng đưa về hợp đoàn cùng các thánh nhân..”.. Đức Giêsu như một Môisen mới dẫn đưa nhân loại vượt qua sự chết để đến sự sống, vượt qua tối tăm để đến ánh sáng. Những ai đón nhận dòng nước tái sinh của bí tích Thánh tẩy, cũng giống như người Do Thái can đảm bước xuống biển đỏ theo ông Môisen, để được đến bến bờ tự do của con cái Thiên Chúa. Họ được mặc lấy Chúa Giêsu, đồng hình đồng dạng với Người và cùng với Người thừa hưởng gia nghiệp vĩnh cửu là Nước Trời. Thánh Phaolô đã khẳng định: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại. Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa” (Rm 6, 4-6). Vị tông đồ dân ngoại cũng nhận ra nơi Đức Giêsu chịu treo trên thập giá chính là Chiên Vượt qua mới: “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (1 Cr 5,7). Chính nhờ máu Chiên Vượt qua này, nhân loại được tẩy rửa khỏi mọi tội lỗi. Vì vậy, họ phải đoạn tuyệt với quá khứ tội lỗi để sống cuộc sống mới, thánh thiện, đẹp lòng Chúa.

Trong nhãn quan đức tin, “bốn đêm” mà sách Targum trình bày, vẫn đang thường xuyên diễn ra trong cuộc đời người tín hữu của chúng ta. Bởi lẽ những dấu mốc quan trọng trong lịch sử luôn gợi lại cho chúng ta thấy hoạt động của Thiên Chúa. Ngài vẫn luôn sáng tạo không ngừng. Ngài vẫn mời gọi con người đi vào giao ước với Ngài, nhất là giao ước mới trong máu Đức Kitô đổ ra trên thập giá. Ngài vẫn dẫn đưa chúng ta vượt qua “Biển Đỏ” của thời đại hôm nay, là những đam mê ràng buộc khiến chúng ta trở thành nô lệ. Nhất là Ngài luôn kêu gọi chúng ta hãy phục sinh, ra khỏi nấm mồ tối tăm của thù hận ghen ghét, để đến ánh sáng huy hoàng không bao giờ tàn lụi.

Như những người phụ nữ vội vã chạy ra mồ Chúa sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, chúng ta hãy chiêm ngưỡng chiến thắng kỳ diệu của Chúa Kitô. Chính Người là sự sống được ban tặng cho chúng ta. Chính Người là niềm hy vọng của cả thế giới. Ngày hôm nay, Người đang nhờ mỗi chúng ta, qua cuộc sống cụ thể của mình, đem tin vui và niềm hy vọng ấy cho những người đương thời. Hãy nói với thế giới xung quanh rằng: đêm đen đã chấm dứt, ngày mới đã khởi đầu. Chính khởi đi từ đêm Hồng phúc năm xưa mà lịch sử nhân loại sang một trang mới. Đấng phục sinh đang hiện diện giữa chúng ta. Những ai đón nhận Người, chắc chắn sẽ không phải thất vọng, vì Người là ánh sáng và là Đấng Cứu độ trần gian.

Lễ Phục sinh 2017

Top